Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 25 tháng 01 năm 2022

    Mỹ 'dọa Nga nhưng không định đưa quân tới Ukraine'


    Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ đang sẵn sàng triển khai tới châu Âu, nếu Nga xâm lược Ukraine

    Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố có "sự nhất trí hoàn toàn" với các nhà lãnh đạo châu Âu để đối phó việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới với Ukraine.

    Các cường quốc phương Tây đã nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt "nhanh chóng" và "chưa từng có" đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.

    Mỹ cũng đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động.

    Nga phủ nhận kế hoạch tấn công, mặc dù đã triển khai khoảng 100.000 binh sĩ ở biên giới Ukraine.

    Tham gia cùng Mỹ và Anh trong cuộc họp có các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và EU. Người đứng đầu Nato, Jens Stoltenberg cũng tham dự.

    "Tôi đã có một cuộc họp rất tốt - có nhất trí hoàn toàn với tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu", ông Biden nói sau đó.

    Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các nhà lãnh đạo "nhất trí về tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc tế khi đối mặt với sự thù địch ngày càng gia tăng của Nga".

    Nếu một cuộc xâm lược nữa của Nga vào Ukraine xảy ra, họ nhất trí rằng "các đồng minh phải ban hành các biện pháp đáp trả nhanh chóng, bao gồm một gói trừng phạt chưa từng có".


    Chụp lại hình ảnh,

    Bản đồ cho thấy vị trí của quân đội Nga

    Mục đích của cuộc gọi video kéo dài 80 phút giữa các đồng minh là để thống nhất một chiến lược chung chống lại các hành động của Nga, sau một số bất đồng về cách các quốc gia phương Tây có thể phản ứng.

    Hôm thứ Hai, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng thông tin tình báo "u ám" cho thấy Nga đang lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng vào thủ đô Kyiv của Ukraine và Anh bắt đầu rút một số nhân viên khỏi đại sứ quán của mình tại đó.

    Mỹ cũng có động thái tương tự, ra lệnh cho người thân của các nhân viên đại sứ quán của họ rời đi.

    Cũng có sự khác biệt về sự hỗ trợ dành cho Ukraine - Mỹ và Anh là một trong những quốc gia đã gửi viện trợ quân sự. Tuy nhiên, Đức đã từ chối yêu cầu của Ukraine về vũ khí phòng thủ và thay vào đó sẽ gửi viện trợ y tế.

    Lầu Năm Góc cho biết khoảng 8.500 lính Mỹ sẵn sàng trong tình trạng báo động để triển khai trong thời gian ngắn.

    Nhưng họ sẽ chỉ tham gia nếu liên minh quân sự Nato quyết định kích hoạt một lực lượng phản ứng nhanh, "hoặc nếu các tình huống khác phát triển", thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.

    Ông nói thêm Mỹ không có kế hoạch triển khai quân tới Ukraine.

    Mục tiêu của việc gửi quân tiếp viện đến Đông Âu sẽ là cung cấp khả năng răn đe và trấn an các đồng minh, và không có kế hoạch để binh lính chiến đấu của Mỹ sẽ triển khai tới Ukraine hoặc tham gia bất kỳ vai trò chiến đấu nào.

    Ông Kirby lưu ý rằng Hoa Kỳ dù sao cũng đang có cố vấn quân sự ở Ukraine.

    Ông Kirby không nói nơi quân đội Mỹ có thể triển khai, nhưng cho biết Mỹ đã "nói rõ với các đồng minh ở sườn Đông rằng chúng tôi chuẩn bị tăng cường khả năng của họ nếu họ cần."

    Một số thành viên NATO, bao gồm Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan, đã lên kế hoạch gửi máy bay chiến đấu và tàu chiến đến Đông Âu để tăng cường phòng thủ trong khu vực.

    Cuối tuần qua, khoảng 90 tấn "viện trợ gây chết người" của Mỹ bao gồm cả đạn dược cho "quân phòng thủ tiền tuyến" đã đến Ukraine.

    Điện Kremlin cho biết họ coi Nato là một mối đe dọa an ninh và đang yêu cầu đảm bảo pháp lý rằng liên minh sẽ không mở rộng thêm về phía đông, kể cả sang nước láng giềng Ukraine.

    Nhưng Mỹ đã nói rằng vấn đề đe dọa là sự xâm lược của Nga, không phải sự bành trướng của Nato.

    Trước đây, Nga đã chiếm lãnh thổ Ukraine, khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sau khi lực lượng Nga giành quyền kiểm soát, Crimea đã bỏ phiếu gia nhập Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây và Ukraine cho là bất hợp pháp.

    Phiến quân do Nga hậu thuẫn cũng kiểm soát các khu vực miền đông Ukraine gần biên giới với Nga. Cuộc xung đột đó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 14.000 người.

    Hoa Kỳ đặt 8,500 binh sĩ trong trạng thái ‘sẵn sàng cao độ’ để hỗ trợ các nước Đông NATO

    Nick Ciolino


    Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby trình bày trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài ở Arlington, Virginia, hôm 03/09/2021. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

    Hôm thứ Hai (24/01), Ngũ Giác Đài thông báo rằng theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden, họ đang đặt 8,500 lính Mỹ ở trạng thái “sẵn sàng cao độ để điều động” nhằm hỗ trợ các đồng minh Đông NATO nếu căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine leo thang.

    Tham vụ Báo chí Bộ Quốc phòng (DoD) John Kirby nhấn mạnh với các phóng viên trong một cuộc họp báo ngày 24/01 rằng “chưa có quyết định điều động” bất kỳ quân nhân nào vào thời điểm này.

    Ông Kirby nói: “Chúng ta vẫn cam kết với liên minh (NATO), và chúng ta chắc chắn vẫn cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của sườn phía đông NATO đến mức độ mà họ mong muốn sự hỗ trợ thêm đó.”

    Nga đã tập trung hàng chục ngàn quân dọc theo biên giới với Ukraine, cũng như Belarus và bán đảo bị Nga sáp nhập Crimea. Ông Kirby cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội Nga đã tiếp tục tăng cường trong những ngày gần đây.

    Nếu được điều động, quân đội Hoa Kỳ sẽ hành động hỗ trợ Lực lượng Ứng phó NATO (NRF) đa quốc gia, bao gồm khoảng 40,000 binh sĩ trên không, trên biển, và trên bộ. Ông Kirby cho biết quyết định có kích hoạt NRF hay không là tùy thuộc vào NATO.

    Cảnh báo mức độ cao này đặt Hoa Kỳ vào vị thế cử thêm các nhóm chiến đấu lữ đoàn, hậu cần, y tế, hàng không, giám sát tình báo, trinh sát, và các khả năng khác chi viện vào Âu Châu trong trường hợp NRF được kích hoạt hoặc khi “môi trường an ninh xấu đi.”

    “Trong một số trường hợp, một số lực lượng này vốn dĩ đã ở một tư thế sẵn sàng cao độ – tư thế sẵn sàng để điều động – và [Bộ trưởng Lloyd Austen] đã quyết định sẽ làm nhiều hơn nữa – rút ngắn dây buộc hơn nữa,” ông Kirby nói.

    Vào cuối ngày thứ Hai, Tổng thống Biden tổ chức một cuộc điện đàm video với một số nhà lãnh đạo Âu Châu về việc Nga tăng cường quân đội và các phản ứng tiềm năng đối với một cuộc xâm lược, Tòa Bạch Ốc cho biết.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tối Chủ Nhật (23/01) đã ra lệnh cho các thành viên gia đình của các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kyiv phải rời thủ đô Ukraine và cho phép các công chức không thiết yếu tự nguyện rời đi.

    Tổng thống Biden trước đây đã nói rằng việc điều quân đội Hoa Kỳ đến Ukraine trong trường hợp Nga xâm lược “không phải là một lựa chọn.”

    Các quan chức Hoa Kỳ đã và đang làm việc để bảo đảm một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh của mình ở Âu Châu nhằm đưa ra mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” nếu Nga tiến hành xâm lược.

    Liên Hiệp Châu Âu không hồi hương nhân viên sứ quán tại Ukraina


    Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell (ngồi), trong cuộc họp với các ngoại trưởng EU bàn về khủng hoảng Ukraina tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/01/2022. AP - Virginia Mayo

    Trái với quyết định của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu sẽ không hồi hương nhân viên sứ quán tại Ukraina. Trong cuộc họp ngày 24/01/2022 tại Bruxelles với người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, 27 ngoại trưởng Liên Âu đưa ra đánh giá tình hình không đến mức đáng báo động như Hoa Kỳ, NATO và Anh Quốc cảnh báo.

    Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :

    “Theo ông Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, không có chuyện bất đồng quan điểm với Hoa Kỳ nhưng cũng không có lý do nào để hồi hương nhân viên không thiết yếu khỏi Ukraina.

    Ông phát biểu : “Chúng tôi biết rõ những mối đe dọa đó như thế nào, cấp độ của những mối đe dọa đó và chúng tôi biết phải đối phó ra sao. Thế nhưng cũng phải tránh đưa ra những phản ứng kiểu báo động. Cần phải bình tĩnh, làm những việc cần làm, đồng thời phải tránh nôn nóng”.

    Hôm thứ Hai 24/01, rõ ràng các nước châu Âu đã tìm cách giảm căng thẳng, có thể đó là một cách để tước cái cớ xâm chiếm của Nga và Matxcơva phải tôn trọng kiến trúc an ninh châu Âu, theo ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn.

    Ông nhận định : “Chúng ta đang theo hướng kịch bản tránh chiến tranh. Đó là vai trò của các ngoại trưởng. Bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân để họ không qua đời, còn chúng tôi ở đây là để làm mọi cách để chiến tranh không nổ ra”.

    Đối với Liên Hiệp Châu Âu, các biện pháp trừng phạt đã sẵn sàng nếu như Nga tấn công nhưng hiện không được công bố để duy trì tác dụng răn đe”.

    Macron sẽ hội đàm với với Putin

    Tổng thống Pháp cho rằng “vẫn có chỗ cho ngoại giao” thay vì gia tăng quân ở biên giới. Do đó, ông Macron sẽ sớm hội đàm với đồng nhiệm Nga Putin và đề xuất “một con đường giảm căng thẳng” trong cuộc khủng hoảng Ukraina.

    Theo điện Elysée ngày 24/01, đại sứ Pierre Vimont (một chức vụ chỉ dành riêng cho một vài nhà ngoại giao Pháp), đại diện đặc biệt của ông Macron về Nga, đến Matxcơva ngày hôm nay 25/01 để chuẩn bị cho cuộc họp, dự kiến diễn ra “trong những ngày tới”.

    Khủng hoảng ở Ukraina bắt đầu ảnh hưởng đến đồng rúp của Nga


    Một đồng rúp đặt bên cạnh biểu tượng tiền tệ của Nga. Ảnh chụp tại Matxcơva, Nga, ngày 13/08/2021. AFP - KIRILL KUDRYAVTSEV

    Căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraina đang bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với khả năng tài chính Nga. Tỷ giá hối đoái của đồng rúp của Nga bị tác động mạnh. Ổn định cho đến tháng 12/2021, đồng rúp bắt đầu giảm nhẹ vào tháng Giêng. Nhưng hôm qua 24/01/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải can thiệp để ngăn chặn nguy cơ tụt giảm mạnh.

    Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình :

    Thông cáo được đưa ra vào giữa trưa, kể từ 3 giờ chiều, Ngân hàng Trung ương sẽ ngừng mua ngoại tệ trên thị trường trong nước, tỷ giá hối đoái lúc đó là gần 90 rúp đổi được một euro, giá trị đồng rúp xuống tới mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Chỉ số chính của sàn chứng khoán Matxcova cũng giảm 10%, thậm chí ngay cả cổ phiếu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom cũng mất giá.

    Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov thản nhiên phản ứng : Thật sai lầm khi nói về các thị trường Nga như thể chúng ở bên ngoài các thị trường quốc tế. Tất cả các thị trường đều đang ở trong giai đoạn hết sức bi quan, nhưng sau những giai đoạn sụt giảm này thường sẽ là giai đoạn tăng trưởng. Những đối thủ của chúng ta ngừng các hành động khiêu khích cuồng loạn sớm chừng nào thì tâm trạng bi quan này sẽ chấm dứt sớm chừng ấy."

    Các chuyên gia cho biết trong trường hợp leo thang quân sự, trung bình đồng rúp có thể mất giá thêm 20%. Nga có dự trữ tài chính lớn để chống chọi với cú sốc, nhưng sự mất giá của đồng tiền quốc gia đang đè nặng lên sức mua vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lạm phát hiện ở mức 8% tính theo tỷ lệ cả năm.

    Còn tại Hoa Kỳ, đồng đô la đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần do rủi ro địa chính trị gia tăng liên quan đến vấn đề Ukraina.

    Tình hình Ukraine ngày càng phức tạp

    Động thái triển khai quân sự của Nga gần Ukraine không có dấu hiệu dừng lại. Hôm thứ Hai, thủ tướng Anh Boris Johnson nói quy mô và bố trí của lực lượng Nga cho thấy Nga đang “lên kế hoạch cho một chiến dịch chớp nhoáng để hạ gục Kyiv.” Đó không phải là suy đoán vu vơ. Hôm thứ Bảy chính phủ Johnson cho biết họ có thông tin tình báo cho thấy Nga đang chuẩn bị bổ nhiệm cựu nghị sĩ Yevhen Murayev làm tổng thống Ukraine ngay sau một cuộc xâm lược. Họ cũng nói điệp viên Nga đang duy trì liên hệ với bốn chính trị gia Ukraine khác.

    Song không phải ai cũng tin sẽ có chiến tranh. Các quan chức Ukraine, vì muốn tránh hoảng loạn, đã hạ thấp nguy cơ. Ngoài ra có một quan chức Pháp cáo buộc Anh và Mỹ “báo động quá mức.” Ông nói: “Chúng tôi cũng thấy xe tải, xe tăng, quân đội đấy. Nhưng chúng tôi không thể suy luận ra là sẽ có tấn công”.

    Phản ứng trước khả năng Fed tăng lãi suất

    Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuẩn bị chuyển sang quan điểm “diều hâu” nhằm kiềm chế lạm phát. Câu hỏi là diều hâu đến đâu. Một cuộc họp của ủy ban thiết lập tỷ giá của Fed, khai mạc vào thứ Ba, sẽ mang lại nhiều thông tin quan trọng.

    Tiến trình thắt chặt tiền tệ của Fed có hai phần. Đầu tiên, họ bắt đầu tăng lãi suất trong tháng Ba. Phát biểu của các thành viên ủy ban, được công bố sau khi cuộc họp kết thúc, sẽ làm rõ liệu họ có dự định tăng lãi suất hai hoặc ba lần nữa trong năm nay. Tiếp theo là “thắt chặt định lượng”, tức giảm lượng tài sản Fed đã mua tại cao điểm đại dịch. Một số nhà kinh tế thậm chí dự đoán chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ ra tín hiệu mạnh tay thu hẹp bảng cân đối của Fed. Các nhà đầu tư dĩ nhiên không ngồi yên. Trong những tuần gần đây họ đã bán tháo cổ phiếu và trái phiếu.

    WHO chuẩn bị bầu tổng giám đốc mới

    Gần như chắc chắn vị trí lãnh đạo WHO sẽ không thay đổi cho đến năm 2027. Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc hiện tại sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong năm nay, đang chạy đua không đối thủ. Tại buổi thuyết trình trước các nước thành viên Liên Hợp Quốc thứ Ba này, ông sẽ vạch ra chương trình hành động cho nhiệm kỳ hai; và bước vào một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng.

    Cuộc đua độc mã có lẽ là dấu hiệu cho thấy không ai khác dám cầm cương khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Ngoài ra Tiến sĩ Tedros khá được ủng hộ. Được bầu vào năm 2017, ông liên tục đánh dấu các cột mốc mới cho WHO: ông là tổng giám đốc đầu tiên người châu Phi và là ứng viên đầu tiên được hơn hai mươi bốn quốc gia đề cử. Bất chấp những lời chỉ trích WHO phản ứng chậm với covid-19 vào đầu năm 2020, Tiến sĩ Tedros được ủng hộ vì đã nhấn mạnh công bằng vắc-xin cũng như cách ông xử lý các đợt bệnh dịch trước đó, chẳng hạn như Ebola. Nhìn chung ông là một nhân vật yên tâm giữa nhiều bất ổn.

    Tuần công bố thu nhập của các công ty bán dẫn

    Tuần này các nhà đầu tư háo hức chờ đợi công bố thu nhập từ các nhà sản xuất chip, bắt đầu với Texas Instruments (TI). Giá cổ phiếu của TI luôn đi sau thị trường trong năm qua: tăng khoảng 2% so với mức tăng 14% của S&P 500. Công ty đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao đối với chip analog trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các gã khổng lồ công nghệ, bao gồm cả Apple, đổ lỗi cho Texas Instruments khi bị thiếu hàng. Báo cáo thu nhập hôm thứ Ba, cũng như công bố vào cuối tuần này từ Intel và Samsung, có thể xác nhận tình trạng thiếu chip vẫn sẽ tiếp diễn.

    Texas Instruments sẽ bắt đầu xây dựng ba cơ sở mới vào năm 2022 để mở rộng sản xuất. Trong khi Intel công bố đầu tư 20 tỷ USD vào một địa điểm sản xuất mới ở Ohio. Các công ty đang kỳ vọng tăng công suất để đẩy doanh thu và có lẽ là cả giá cổ phiếu.

    Liên minh châu Âu bất đồng với Mỹ về quyết định quan trọng liên quan đến Ukraine


    Binh sĩ Ukraine tuần tra trên chiến tuyến ở Zolote, Ukraine vào ngày 20/1/2022. Wolfgang Schwan / Getty Images

    Hôm thứ Hai (23/1), một quan chức Liên minh châu Âu cho biết, khối 27 quốc gia sẽ không tuân theo quyết định của Hoa Kỳ trong việc sơ tán nhân viên và thành viên gia đình khỏi đại sứ quán Ukraine trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng, The Epoch Times đưa tin.

    “Chúng tôi sẽ không làm điều tương tự”, Giám đốc Chính sách Đối ngoại của EU Josep Borrell tuyên bố tại một cuộc họp, theo The Epoch Times.

    Ông Borrell cho biết, ông đang chờ thông tin từ Ngoại trưởng Antony Blinken về quyết định của Bộ Ngoại giao trong việc sơ tán một số nhân viên.

    Hôm thứ Hai (24/1), ông Borrell nói: “Chúng tôi biết rất rõ mức độ của các mối đe dọa và cách chúng tôi phải phản ứng. Chắc chắn, chúng tôi phải tránh phản ứng của những người báo động. Bạn phải bình tĩnh làm những gì bạn phải làm, và tránh suy nhược thần kinh”.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đưa ra một tuyên bố tương tự sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào tối Chủ nhật (23/1) rằng, một số cuộc sơ tán sẽ bắt đầu. Bà nói rằng, “EU đứng về phía Ukraine trong những hoàn cảnh khó khăn này” trong khi thông báo “một gói hỗ trợ tài chính mới cho đất nước được thực hiện, bao gồm các khoản cho vay và trợ cấp khẩn cấp”.

    “Chúng tôi kiên định với quyết tâm của mình”, bà von der Leyen nói. “EU đã hỗ trợ đáng kể cho Ukraine, cả để hỗ trợ khả năng phục hồi và hiện đại hóa của đất nước, và đặc biệt là để chống lại đại dịch COVID-19. Kể từ năm 2014, EU và các tổ chức tài chính châu Âu đã phân bổ hơn 17 tỷ EUR viện trợ không hoàn lại và các khoản vay cho quốc gia này”.

    Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thân nhân của các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kyiv đã được yêu cầu rời khỏi thủ đô của Ukraine.

    Đại sứ quán Mỹ cho biết hôm Chủ nhật: “Nhân viên Đại sứ quán được phép khởi hành nếu họ muốn, mặc dù không nhất thiết. Nhưng thân nhân của họ phải rời khỏi đất nước Ukraine”.

    Các quan chức Ukraine nói rằng các quyết định sơ tán nhân viên của Hoa Kỳ, Anh và các quốc gia khác là quá sớm. Úc và Đức cũng xác nhận một số nhân viên sẽ rời Ukraine, Bộ Ngoại giao Ukraine nói với các hãng tin.

    Hôm thứ Hai (24/1), trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, có 129 lãnh sự quán và đại sứ quán nước ngoài, và họ đã xác nhận rằng họ sẽ không sơ tán.

    Trong khi đó, hôm thứ Hai (24/1), Hoa Kỳ đã đặt khoảng 8.500 binh sĩ vào tình trạng sẵn sàng cho tình huống NATO kích hoạt Lực lượng ứng phó của họ, hoặc nếu tình hình ở Đông Âu tiếp tục xấu đi, người phát ngôn chính của Lầu Năm Góc xác nhận.

    “Điều thực sự quan trọng cần nhớ là không có lệnh triển khai nào được đặt ra và không có nhiệm vụ nào được giao. Đây thực sự là việc giúp mọi người sẵn sàng hành động trong trường hợp họ cần”, ông Kirby nói với các phóng viên ở Washington.

    Mỹ và Anh Quốc đã gửi khí tài đến giúp Ukraine. Đồng thời Nato gửi thêm tàu ​​và máy bay chiến đấu đến các quốc gia thành viên ở Đông Âu, theo BBC.

    Ngày 24/1, Thủ tướng Boris Johnson đã cảnh báo Nga rằng việc xâm lược Ukraine sẽ là “thảm họa” và là một “thảm cảnh đau đớn, bạo lực và đẫm máu”.

    Phát biểu khi Bộ Ngoại giao Anh rút một số nhân viên đại sứ quán ra khỏi Ukraine, Thủ tướng cho biết tình hình “khá ảm đạm” nhưng chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi.

    Ông nói rằng Vương Quốc Anh đang “đi đầu trong việc tạo ra một gói trừng phạt kinh tế” chống lại Nga và đang cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine.

    Nato đang đặt các lực lượng ở chế độ sẵn sàng.

    Ông Johnson nói: “Thông tin tình báo rất rõ ràng rằng có 60 nhóm tác chiến của Nga ở biên giới Ukraine, kế hoạch cho một cuộc chiến chớp nhoáng có thể hạ gục Kyiv là điều mà mọi người có thể thấy”, BBC đưa tin ngày 24/1.

    Theo Reuters, khoảng 100,000 quân Nga đang tập trung ở biên giới, có thể tiến hành bất kỳ hình thức xâm lược nào vào Ukraine.


    Võ Thái Hà tổng hợp

    Không có nhận xét nào