Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 31 tháng 01 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Khủng hoảng Miến Điện: một năm sau cuộc đảo chính quân sự, cuộc kháng chiến vẫn không suy yếu

    Người biểu tình trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự tại Rangoon, Miến Điện, 17/02/2021. REUTERS - Stringer 

    Vào ngày mai 01/02/2022, Miến Điện đánh dấu một năm cuộc đảo chính của quân đội do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing dẫn đầu. Nhân dịp này, phong trào kháng chiến chống chính quyền quân sự đã kêu gọi dân chúng thực hiện một "ngày tĩnh lặng", tức là ở trong nhà để bày tỏ sự bất bình của mình một cách ôn hòa. 

    Từ Rangoon, thông tín viên Juliette Verlin tường trình :

    Đây không phải là “ngày tĩnh lặng” đầu tiên được tổ chức kể từ sau cuộc đảo chính, và mỗi lần kịch bản đều giống nhau : từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cư dân ở nhà, đường phố vắng tanh, cửa hàng đóng cửa. Đây là thời điểm gây ấn tượng mạnh tại một thành phố lớn như Rangoon, nơi mà người dân đã quen với tắc đường, tiếng còi xe buýt và vô số chợ trên đường phố.

    Mọi người sẽ tưởng rằng các nhóm kháng chiến có vũ trang, trong đó một số hoạt động ở Rangoon, sẽ lợi dụng sự vắng mặt của người dân để tấn công cảnh sát hoặc các định chế của chính quyền quân sự, nhưng trên thực tế đường phố vắng tanh và quân đội rất căng thẳng vào những ngày quan trọng như thế này . Do đó, nhìn chung, mọi người nên thận trọng làm theo hướng dẫn và ở nhà. Vào "ngày tĩnh lặng" gần đây nhất hôm 10 tháng 12 vừa rồi, một nhiếp ảnh gia tự do, Soe Naing, đã bị bắt khi đang chụp ảnh trên những con phố vắng, và anh ta là nhà báo đầu tiên bị giết trong lúc bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.

    Người ta có thể hiểu rằng tại sao mọi người sẽ quyết định ở trong nhà. Những người tôi đã gặp trong những ngày gần đây đều có cùng một suy nghĩ : rõ ràng là họ mong muốn có một điều gì đó xảy ra bởi ngày 1 tháng 2 là một ngày quan trọng, và một cuộc tấn công của phe kháng chiến vào ngày hôm đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới quân đội rằng sau một năm, họ vẫn không hoàn toàn kiểm soát được đất nước - nhưng những người này cũng nói rằng họ không ngây thơ và họ biết rằng điều đó thực sự quá nguy hiểm.

    Triều Tiên thử tên lửa lớn nhất kể từ năm 2017, Mỹ kêu gọi đàm phán 

    Reuters 

    Hình ảnh thử tên lửa được Triều Tiên công bố hôm 31/1/2022. Photo: Korean Central News Agency (KCNA)

    Hình ảnh thử tên lửa được Triều Tiên công bố hôm 31/1/2022. Photo: Korean Central News Agency (KCNA) 

    Hôm 31/1, Triều Tiên xác nhận rằng họ đã phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12, cùng một loại vũ khí mà họ từng đe dọa nhắm vào lãnh thổ Guam của Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân này có thể tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm xa, theo Reuters.

    Vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) lần đầu tiên được chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản loan tin hôm 30/1. Đây là vụ thử thứ 7 được Triều Tiên tiến hành trong tháng này và là lần đầu tiên một tên lửa có khả năng hạt nhân cỡ đó được phóng kể từ năm 2017.

    Hoa Kỳ lo ngại rằng các vụ thử tên lửa leo thang của Triều Tiên có thể là tiền đề cho việc nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tuyên bố sẽ có một phản ứng không xác định “nhằm thể hiện cam kết của chúng tôi với các đồng minh”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên tại Washington .

    “Đó không chỉ là những gì họ đã làm ngày hôm qua, mà thực tế là điều này đang diễn ra sau một số lượng lớn các cuộc thử nghiệm trong tháng này”, quan chức này cho biết, đồng thời thúc giục Bình Nhưỡng tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp mà không có điều kiện tiên quyết.

    Trong bối cảnh ngoại giao bùng nổ vào năm 2018, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố hoàn thành lực lượng hạt nhân và cho biết sẽ đình chỉ việc thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa nhất của nước này.

    Ông Kim cho biết ông không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm đó sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ vào năm 2019. Trong tháng này, Triều Tiên đề nghị có thể khởi động lại các hoạt động thử nghiệm đó vì Hoa Kỳ không có dấu hiệu từ bỏ “các chính sách thù địch.”

    Các nhà phân tích Triều Tiên cho biết các cuộc thử nghiệm dường như nhằm đảm bảo sự chấp nhận toàn cầu đối với các chương trình vũ khí của nước này, cho dù thông qua nhượng bộ hay chỉ đơn giản là giành được sự đồng tình từ một thế giới đang bị phân tâm.

    Ông Markus Garlauskas, thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu sĩ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ về Triều Tiên cho rằng: “Sự phân tâm của thế giới về các vấn đề khác thực sự đang có lợi cho Triều Tiên.”

    Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook vừa đến thăm Bộ Tư lệnh Tên lửa Quân đội của nước này hôm 31/1 để kiểm tra khả năng sẵn sàng đối mặt với các vụ phóng của Triều Tiên, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với các phóng viên rằng Triều Tiên đang leo thang khiêu khích cộng đồng quốc tế và nói rằng “sự cải tiến đáng kể” trong công nghệ tên lửa là “không thể dung thứ.”

    Ngoại trưởng Mỹ sẽ tham dự cuộc họp ‘Bộ tứ’ do Úc tổ chức 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken dự kiến sẽ đến Australia vào tháng 2 để gặp những người đồng cấp từ Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để thảo luận về điều phối chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ chính phủ Úc cho biết hôm 31/1.

    Cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng trong nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden lo ngại về Trung Quốc, ngay cả khi căng thẳng với Nga về Ukraine gia tăng ở châu Âu.

    Trung Quốc trước đây đã tố cáo Bộ tứ là một tổ chức xây dựng Chiến tranh Lạnh và một bè phái “nhắm vào các quốc gia khác”.

    Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne không nêu rõ ngày tổ chức cuộc họp này, nhưng trong một tuyên bố cho biết bà mong được chào đón các ngoại trưởng nhóm Quad đến Australia trong những tuần tới.

    Bà Payne nói: “Chúng tôi là một mạng lưới quan trọng của các nền dân chủ tự do hợp tác để đưa ra các lựa chọn chiến lược cho khu vực của chúng tôi, tập trung vào các bước thiết thực nhằm xây dựng khả năng phục hồi và chủ quyền của tất cả các quốc gia”.

    Bà nói thêm rằng Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đang làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác của Australia trong khu vực trong bối cảnh “cạnh tranh chiến lược, các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế tự do và sự bất ổn ngày càng gia tăng”.

    Nhóm Quad trước đây đã thảo luận về việc thúc đẩy cung cấp vaccine COVID-19 cho khu vực, chuỗi cung ứng chất bán dẫn và hợp tác công nghệ. Nhóm này cũng đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung.

    Thượng viện Mỹ có thể thông qua dự luật trừng phạt Nga trong tuần này 

    Reuters 

    Thượng Nghị sĩ Bob Menendez. Photo: AP Photo/Amanda Andrade-Rhoades

    Thượng Nghị sĩ Bob Menendez. Photo: AP Photo/Amanda Andrade-Rhoades 

    Hai thượng nghị sĩ Mỹ đang tiến rất gần đến việc đạt được thỏa thuận dự luật trừng phạt Nga liên quan đến các hành động của Moscow đối với Ukraine, bao gồm một số biện pháp có thể có hiệu lực trước bất kỳ cuộc xâm lược nào, hai thượng nghị sĩ hàng đầu cho biết hôm 30/1, theo Reuters.

    Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Thượng Nghị sĩ James Risch, thành viên đảng Cộng hòa, thành viên cấp cao của ủy ban, hy vọng sẽ đạt được dự luật trong tuần này.

    Ông Menendez nói trên chương trình “State of the Union” của đài CNN: “Tôi xin mô tả rằng chúng tôi cùng đang tiến đến cự ly một yard”, dùng từ trong bóng bầu dục Mỹ có nghĩa là rất gần với mục tiêu.

    Thượng nghị sĩ Menendez nói rằng lưỡng đảng có quyết tâm ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga nếu nước này xâm lược Ukraine. Khi được hỏi liệu có đạt được thỏa thuận trong tuần này hay không, ông nói, “Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được điều đó”.

    Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden sẽ tổ chức một cuộc họp mật cho tất cả các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ vào ngày 3/2, một phụ tá Thượng viện cho biết. Các nhà lãnh đạo Quốc hội đã yêu cầu một cuộc họp về tình hình này.

    Ngoài Hoa Kỳ, khối Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh cũng đã cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin không nên tấn công Ukraine.

    Nga đã xây dựng lực lượng của mình ở biên giới Ukraine trong nhiều tháng và yêu cầu NATO rút quân và vũ khí khỏi Đông Âu và cấm nhà nước Liên Xô cũ tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ủng hộ hành động ngay lập tức và chỉ trích phương Tây về việc chần chừ áp đặt các lệnh trừng phạt gây tổn hại hơn.

    Dự luật của Thượng viện Mỹ sẽ nhắm vào các ngân hàng quan trọng nhất của Nga và khoản nợ có chủ quyền của Nga, cũng như cung cấp thêm hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.

    Hôm 31/1, Anh cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và những người có liên hệ gần gũi nhất với Điện Kremlin nếu Nga có hành động chống lại Ukraine, cũng theo Reuters.

    “Chúng tôi rất rõ ràng rằng nếu Nga có thêm hành động chống lại Ukraine, thì chúng tôi sẽ thắt chặt hơn nữa chế độ trừng phạt nhắm vào những doanh nghiệp và những người có liên hệ gần nhất với Điện Kremlin”, ông Simon Clarke, Bộ trưởng Tài chính Anh, nói với Sky News.

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mối đe dọa trừng phạt này sẽ dẫn đến một cuộc tấn công vào các doanh nghiệp Nga. Ông nói rằng những hành động như vậy sẽ phản tác dụng vì nó làm tổn thương các công ty Anh và cảnh báo rằng Nga sẽ đáp trả.

    (AFP) – Bắc Kinh : Số ca nhiễm Covid cao nhất từ 18 tháng qua. 

    Hôm nay, 30/012022, Bắc Kinh có thêm 20 người nhiễm Covid-19, cao nhất kể từ tháng 6/2020, theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia. Thủ đô Trung Quốc đang chuẩn bị đón tiếp Thế Vận Hội Mùa Đông (4-20/2), nhưng sự kiện thể thao này sẽ diễn ra theo vòng khép kín, để tránh mọi tiếp xúc giữa những người tham gia với người dân địa phương. Vốn vẫn theo chiến lược « zero Covid », chính quyền Trung Quốc đang rất lo ngại dịch lây lan mạnh vì hàng triệu người đang trên đường về quê ăn Tết.

    (AFP) – Covid-19 : Bhutan đã có đến… 4 người chết vì Covid. 

    Trong tuần này, Bhutan đã ghi nhận thêm một ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở quốc gia vùng Himalaya này lên tới … 4 người. Vương quốc có 800.000 dân, nằm lọt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là một trong số hiếm hoi các quốc gia có số tử vong do Covid thấp như thế. Tuy vậy, thủ tướng Bhutan đã kêu gọi người dân gia tăng nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

    (AFP) – Ấn Độ : Đợt lạnh bất thường ở New Delhi. 

    Trong những ngày qua, thủ đô New Delhi của Ấn Độ bị một đợt lạnh bất thường, khiến nhiều người vô gia cư thiệt mạng tại thành phố 20 triệu dân này. Hôm thứ ba 25/01/2022, tuần này, nhiệt độ tối đa ở New Delhi là 12,1°C, thấp hơn 10 độ so với nhiệt độ trung bình của mùa này. Đây là ngày tháng Giêng lạnh nhất kể từ năm 2013. Nhiệt độ thấp nhất đôi khi xuống gần 0 độ và suốt nhiều ngày ở dưới mức 10°C.

    Cam Bốt : Các ngoại trưởng ASEAN sẽ họp vào giữa tháng Hai

    Việc thủ tướng Cam Bốt Hun Sen có chuyến thăm và gặp lãnh đạo quân sự Miến Điện tướng Min Aung Hlaing tại Naypyidaw ngày 07/01/2022 đã làm dấy lên nhiều chỉ trích từ một số nước thành viên ASEAN. AP 

    Sau khi bị hoãn do bất đồng nội bộ về hồ sơ Miến Điện, cuộc họp giữa các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN sẽ diễn ra trong hai ngày 16 và 17/02, theo thông báo hôm qua, 29/01/2022, của bộ Ngoại Giao Cam Bốt, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Hiện chưa biết là lần này sẽ có nước nào từ chối dự cuộc họp hay không. 

    Cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN là một phần quan trọng trong lịch trình ngoại giao thường niên của hiệp hội này. Đặc biệt cuộc họp đầu năm, khi chức chủ tịch luân phiên của ASEAN được chuyển giao cho nước khác, là nhằm đề ra chương trình nghị sự cả năm cho khối.

    Cuộc họp đầu tiên dưới sự chủ tọa của Cam Bốt theo lẽ phải diễn ra ngày 18 và 19/01 ở Siem Reap, nhưng đã bị hoãn lại do bất đồng giữa một số nước thành viên với Cam Bốt trong vấn đề Miến Điện. Malaysia, Singapore và một số nước khác không đồng tình khi thấy thủ tướng Hun Sen có ý định cho đại diện của tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN.

    Trong tháng này, ông Hun Sen là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Miến Điện kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021, lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Trong chuyến đi vừa qua, thủ tướng Cam Bốt đã gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing, một hành động đã khiến ông bị chỉ trích nặng nề, bởi vì làm như vậy chẳng khác gì công nhận tính chính đáng của chính quyền quân sự Miến Điện.

    Theo các nguồn tin được tờ Bangkok Post trích dẫn hôm qua, Cam Bốt dự trù không mời ngoại trưởng của chính quyền quân sự Miến Điện đến dự cuộc họp của ASEAN, mà chỉ mời một « nhân vật phi chính trị » đại diện cho Miến Điện, trừ phi tập đoàn quân sự có một số tiến bộ trong việc thực hiện bản « Đồng thuận 5 điểm » do ASEAN đề ra để giải quyết khủng hoảng ở nước này. Trong bản đồng thuận này, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện chấm dứt bạo lực đối với thường dân và để cho đặc phái viên của ASEAN đến gặp đại diện tất cả các bên ở nước này.

    Tờ Nikkei Asia hôm qua cho biết, ngoài hồ sơ Miến Điện, trong cuộc họp giữa tháng 2 tới đây, các ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ bàn về tình hình Biển Đông, khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.

    Thế Vận Mùa Đông: Báo Trung Quốc cáo buộc Mỹ xúi vận động viên “gây rối”

    Ảnh minh họa: Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh diễn ra từ ngày 4 đến ngày 20/02/2022. © AFP 

    Nhật báo Anh ngữ China Daily của chính quyền Trung Quốc cáo buộc Washington xúi giục vận động viên nhiều nước thể hiện thái độ phản đối Bắc Kinh bằng nhiều cách thức khác nhau trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông. Chính quyền Mỹ ngay lập tức thẳng thừng bác bỏ tố cáo, lên án thủ đoạn của Trung Quốc đánh lạc hướng chú ý công luận về tình trạng nhân quyền tội tệ tại nước này. 

    Nhật báo Trung Quốc hôm qua 29/01/2022 cho biết, một số nguồn tin biết rõ về việc này tố cáo « âm mưu » của « các thế lực chống Trung Quốc » tại Mỹ, xúi giục vận động viên thuộc nhiều quốc gia « bày tỏ thái độ không hài lòng với Trung Quốc, thể hiện thái độ thụ động trong các cuộc thi hoặc thậm chí từ chối tham gia » Thế Vận Hội. Và đổi lại, chính quyền Mỹ hứa « sẽ hậu đãi » các vận động viên tham gia vào các hoạt động này. 

    Trả lời AFP qua email, phát ngôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh khẳng định đã không hề có chuyện nước Mỹ điều phối bất kỳ chiến dịch toàn cầu nào liên quan đến việc tham gia Thế Vận Hội. Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh: « Các vận động viên Mỹ có quyền thể hiện bản thân một cách tự do, phù hợp với tinh thần và điều lệ của Thế Vận Hội ».

    Theo chính quyền Mỹ, với cáo buộc nói trên Bắc Kinh đang tìm cách « đánh lạc hướng sự chú ý » của công chúng ra khỏi « hồ sơ nhân quyền tai tiếng của họ ». Đại sứ quán Hoa Kỳ khẳng định : « Mong đợi Trung Quốc đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho các vận động viên Mỹ và tất cả các vận động viên - tham gia Thế vận hội Bắc Kinh, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của họ. »

    Trước đó, Hoa Kỳ đã thuyết phục được một số đồng minh, như Canada, Úc và Anh, tiến hành « tẩy chay ngoại giao » Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, do các xâm phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là chính sách đàn áp thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, bị giới bảo vệ nhân quyền lên án là « diệt chủng ». Các quốc gia đồng minh của Mỹ sẽ không cử bất kỳ quan chức nào tới Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc hôm thứ Sáu, 04/02, nhưng các vận động viên vẫn tham gia tranh tài. 

    Thế Vận Hội Mùa Đông sẽ diễn ra từ 4 đến 20/02/2022.


    Không có nhận xét nào