Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 01 tháng 02 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Đặc phái viên LHQ về Miến Điện đề nghị một “cuộc họp nhân đạo”

    Đặc phái viên LHQ về Miến Điện, Noeleen Heyzer (T) gặp thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha ( P) tại Bangkok, ngày 17/01/2022 để bàn giải quyết khủng hoảng ở Miến Điện, AP 

    Theo hãng tin AFP, hôm qua, 31/01/2022, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzer đã đề nghị một “cuộc họp nhân đạo” với phần lớn các bên có liên quan đến xung đột ở nước này. 

    Theo bà Heyzer, từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, bạo lực “đã không ngừng gia tăng và lan rộng”. Trong một cuộc họp báo trực tuyến, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cho biết, tính đến cuối năm 2021, hơn 320.000 người vẫn còn tản cư trong nước để lánh nạn. Từ đó đến này, con số này đã lên tới 400.000. Bà đề nghị một thời gian tạm ngưng “vì lý do nhân đạo” tại các vùng có xung đột để quốc tế “có thể vận chuyển khẩn cấp viện trợ nhân đạo một cách hiệu quả và chắc chắn”.

    Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nhận định, chuyến thăm đầu tháng 1 của ông Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN,  đã góp phần vào việc phát triển ý định tổ chức một “cuộc họp nhân đạo” nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, như được dự trù trong bản “Đồng thuận 5 điểm” mà ASEAN thông qua vào tháng 4 năm ngoái để giải quyết khủng hoảng Miến Điện.

    Cho tới nay, kế hoạch này của ASEAN hầu như không được thực hiện và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cũng không nói là cuộc họp “nhân đạo” nên được tổ chức khi nào và ở đâu. 

    Đại sứ Miến Điện cầu cứu thế giới

    Trong khi đó, trao đổi với đài truyền hình Nhật NHK hôm qua, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun  đã kêu gọi sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc.  

    Ông Kyaw Moe Tun đã được bổ nhiệm làm đại diện tại Liên Hiệp Quốc của chính phủ Miến Điện được bầu lên một cách dân chủ. Sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện đã tìm cách bãi nhiệm ông, nhưng các lãnh đạo Liên Hiệp Quốc vẫn xem ông là đại diện chính đáng của Miến Điện ở Liên Hiệp Quốc, nên cho phép ông ở lại chức vụ đại sứ. 

    Theo ông Kyaw Moe Tun, thế giới không quan tâm nhiều đến Miến Điện, trong khi tình hình tại đây nghiêm trọng không kém gì ở Ukraina hay Afghanistan. Đại sứ Kyaw Moe Tun khẩn cầu các lãnh đạo quốc tế can thiệp để cứu người dân Miến Điện.

    Khủng hoảng Ukraina : Mỹ và Nga đả kích nhau quyết liệt tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc

    Đại sứ Ukraina tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu với báo giới sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, New York, Mỹ, ngày 31/01/2022. Getty Images via AFP - SPENCER PLATT 

    Nga đã bất thành trong việc ngăn chặn phiên họp công khai của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngày hôm qua 31/01/20221, để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraina. Cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Đại diện của Nga và Mỹ chỉ trích nhau quyết liệt. 

    Từ New York, thông tín viên Carie Nooten cho biết thêm :

    Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya đã chỉ trích trực diện Hoa Kỳ, ngay khi ông biết rằng cuộc họp đã được chấp thuận. Đối với ông, Washington là nguồn gốc của việc căng thẳng leo thang và hành động không có cơ sở.

    Đại sứ Nga tuyên bố, « họ đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng các hành động quân sự chống lại Ukraina sẽ xẩy ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào được trình ra với quý vị. Nhưng điều này đang tạo ra sự cuồng loạn, và người ta đã bắt thấy được những hậu quả về mặt kinh tế ở Ukraina. »

    Đại diện Nga cũng không quên nhắc lại rằng vào năm 2003, Hoa Kỳ đã thuyết phục cộng đồng quốc tế xâm lược Irak “mà không có bằng chứng xác thực” về những “vũ khí hủy diệt hàng loạt” tại đây. Nói xong, đại sứ Nga rời phòng họp trước khi đồng nhiệm Ukraina phát biểu. Đại diện Mỹ sau đó cáo buộc đại sứ Nga không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Đại sứ Ukraina thì bày tỏ sự thất vọng về hệ thống hoạt động của Liên Hiệp Quốc : năm 2014, Liên Hiệp Quốc đã không ngăn chặn được xung đột. Nhưng ông vẫn hy vọng vào một giải pháp ngoại giao, và mong muốn các thành viên Liên Hiệp Quốc hoạt động tích cực hơn, trước khi ông nhấn mạnh rằng "bằng không mọi người sẽ phải hứng chịu một cuộc chiến tranh".

    Thuốc viên trị COVID hiện nay, loại nào tốt? 

    01/02/2022 

    Reuters 

    Hình ảnh biểu tượng thuốc viên chống virus COVID-19.

    Hình ảnh biểu tượng thuốc viên chống virus COVID-19. 

    Hiện cả hai loại thuốc viên chống virus của hai công ty Pfizer và Merck, vốn chứng tỏ hiệu nghiệm trong những cuộc thử nghiệm nơi người trưởng thành nhiễm COVID có nguy cơ cao bị bệnh nặng, đều đang được sử dụng. Chúng đang được nghiên cứu xem có thể ngừa nhiễm bệnh đối với những ai bị phơi nhiễm hay không.

    Sau đây là sự khác biệt của hai loại thuốc viên này.

    Thuốc nào tốt hơn?

    Dữ liệu thử nghiệm do hai công ty cung cấp cho thấy thuốc viên của Pfizer hiệu nghiệm hơn.

    Pfizer vào tháng 12 nói những kết quả thử nghiệm cuối cùng cho thấy thuốc làm giảm nguy cơ nhập viện hay tử vong đến 89% đối với các bệnh nhân COVID có nguy cơ bệnh nặng khi uống thuốc trong vòng ba ngày có triệu chứng, và 88% khi uống trong vòng năm ngày có triệu chứng.

    Công ty Merck vào tháng 11 năm ngoái nói những kết quả thử nghiệm đầy đủ cho thấy thuốc viên molnupiravir làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong khoảng 30% nơi các bệnh nhân có nguy cơ bị COVID nặng được cho uống thuốc trong vòng 5 ngày bộc phát triệu chứng.

    Trước đây, khảo sát lâm thời cuộc thử nghiệm của Merck vào tháng 10/2021 cho thấy molnupiravir giảm phân nửa nguy cơ nhập viện hay tử vong. Merck không cung cấp những con số liên hệ đến các bệnh nhân được uống thuốc trong vòng 3 ngày đầu nhiễm bệnh.

    Thuốc của Pfizer được bán dưới tên gọi Paxlovid. Thuốc của Merck dùng tên thương mại là Lagevrio.

    Tại sao hai thuốc này quan trọng?

    Dù có nhiều loại vaccine trên toàn cầu để giúp ngừa nhiễm COVID và bệnh nặng, trong đó có vaccine của Pfizer, nhưng không có nhiều thuốc men chữa trị cho những người bị nhiễm COVID-19.

    Hiện nay các bệnh nhân COVID không nặng tới mức nhập viện nhưng có nguy cơ bệnh nặng có thể được chữa trị bằng thuốc kháng thể, dù là phải được tiêm vào tĩnh mạch tại bệnh viện hay những trung tâm truyền dịch.

    Kháng thể phát triển trước đây trong đại dịch hiện không chống lại được biến thế Omicron. Thuốc Sotrovimab, của GlaxoSmithKline và Vir Biotechnology, trong những cuộc thử nghiệm cho thấy làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong đến 85%, chứng tỏ hữu hiệu chống biến thể Omicron.

    Thuốc chống virus truyền vào tĩnh mạch tên là remdesivir của công ty Gilead Sciences được bán dưới tên gọi Vekluty vừa được cơ quran thẩm quyền Mỹ chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp bằng cách truyền vào tĩnh mạch 3 ngày cho những bệnh nhân COVID có nguy cơ cao sau khi thuốc này chứng tỏ giảm nguy cơ nhập viện 87%.

    Các loại thuốc này hoạt động như thế nào?

    Cả hai loại thuốc uống đều được chỉ định dùng trong 5 ngày. Thuốc viên của Pfizer uống ba viên buổi sáng, ba viên buổi tối. Thuốc của Merck uống 4 viên buổi sáng và 4 viên buổi tối.

    Thuốc của Pfizer được thiết kế để chặn một enzyme mà virus corona cần để nhân giống. Thuốc này được sử dụng phối hợp với thuốc ritonavir, một loại thuốc chống virus trước đây giúp tăng cường hoạt động của các ức chế men protease nhưng có thể gây nên những phản ứng phụ về tiêu hóa và can thiệp vào một số thuốc khác.

    Thuốc viên của Merck cùng bào chế với Ridgeback Biotherapeutics là chất tương tự nucleoside với cơ chế hoạt động nhằm tạo ra những sai sót trong mã gen của virus.

    Cả hai công ty đều nói những cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy thuốc viên của họ hiệu nghiệm chống nhiễm COVID do biến thể Omicron gây ra.

    Chúng ta biết gì về độ an toàn của thuốc?

    Pfizer nói khoảng 20% bệnh nhân được uống thuốc hay giả dược trong các cuộc thử nghiệm đều có những phản ứng phụ, đa số nhẹ. Phản ứng phụ trầm trọng chiếm 1,7% nơi những người được uống thuốc và 6,6% nơi những bệnh nhân nhận giả dược.

    Vì thành phần ritonavir trong Paxlovid có thể can thiệp các loại thuốc khác, các bác sĩ nhấn mạnh là bệnh nhân cần chia sẻ một cách chính xác những loại thuốc đang dùng trước khi được cho toa mua thuốc của Pfizer.

    Merck nói 12% bệnh nhân uống thuốc của họ và 11% bệnh nhân uống giả dược có phản ứng phụ.

    Thuốc cùng loại như thuốc viên của Merck có liên hệ đến những dị tật bẩm sinh trong những cuộc nghiên cứu trên động vật. Merck nói những cuộc nghiên cứu tương tự về molnupiravir-liều cao hơn và uống lâu dài hơn so với liều sử dụng trên người-cho thấy không gây nên những dị tật bẩm sinh hay ung thư.

    Molnupiravir không được phép dùng cho các bệnh nhân tại Mỹ dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và xương sụn. Thuốc cũng không được dùng trong thời kỳ thai nghén.

    Cơ quan Quản lý Dược phẩm Thực phẩm Mỹ FDA khuyên cả nam lẫn nữ trong độ tuổi sinh con trong lúc uống thuốc của Merck phải có biện pháp ngừa thai và rằng thai phụ không được uống thuốc này.

    Nguồn cung ứng

    Pfizer và Merck đã nói đang nỗ lực để mở rộng việc tiếp cận thuốc trên toàn cầu, kể cả cho phép các công ty dược sản xuất phiên bản giá rẻ tại các nước thu nhập thấp.

    Pfizer dự kiến có thể sản xuất tới 120 triệu liệu trình trong năm nay.

    Merck cho hay có thể sản xuất ít nhất 20 triệu liệu trình trong năm nay.

    Loại nào giá cao hơn?

    Người dân tại Mỹ được chích ngừa và chữa trị COVID miễn phí. Các nước trên thế giới đang thương lượng giá cả với hai công ty Merck và Pfizer.

    Chính phủ Mỹ trả khoảng 530 đô la cho mỗi liệu trình của thuốc Paxlovid và 700 đô la cho mỗi liệu trình của thuốc molnupiravir.

    Giới khoa học báo động về số ca nhiễm phiên bản mới của Omicron 

    01/02/2022 

    Reuters 

    Cư dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Cambridge, Massachusetts, giữa lúc các ca Omicron tăng cao.

    Cư dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Cambridge, Massachusetts, giữa lúc các ca Omicron tăng cao. 

    Biến thể Omicron lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2—mà dạng phổ biến nhất được gọi là BA.1—hiện chiếm gần hết tất cả các ca COVID toàn cầu và tại một số nước đã lên tới đỉnh dịch.

    Các nhà khoa học hiện đang theo dõi đà tăng của phiên bản Omicron mới có tên là BA.2. Phiên bản này đang bắt đầu cạnh tranh khốc liệt với BA.1 tại nhiều khu vực ở châu Âu và châu Á.

    Phiên bản “tàng hình”

    Trên toàn thế, BA.1 chiếm 98,8% số ca báo cáo lên trung tâm dữ liệu theo dõi GISAID, tính đến ngày 25/1. Tuy nhiên, một vài nước báo cáo sự gia tăng gần đây của BA.2, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

    Cùng với BA.1 và BA.2, WHO liệt kê thêm hai biến thể phụ khác nữa của Omicron là BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả đều có liên hệ chặt chẽ về mặt di truyền, nhưng mỗi loại có những đột biến có thể làm thay đổi hoạt động của chúng.

    Ông Trevor Bedford, một nhà virus học điện toán tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson là người đã theo dõi sự tiến hóa của SARS-CoV-2. Ông chia sẻ trên Twitter ngày 28/1 rằng BA.2 chiếm gần 82% số ca nhiễm tại Đan Mạch, 9% tại Anh và 8% tại Mỹ, dựa trên sự phân tích của ông về dữ liệu phân tích gen từ GISAID và từ số ca nhiễm mà dự án Our World in Data tại Đại học Oxford kiểm đếm.

    Phiên bản BA.1 của Omicron dù sao dễ theo dõi hơn những biến thể trước. Đó là vì BA.1 mất một trong ba gen mà xét nghiệm PCR thông thường nhắm tới được.

    BA.2 đôi khi được gọi là biến thể phụ “tàng hình”, không có cùng gen bị mất. Thay vào đó các nhà khoa học đang theo dõi số gen của virus đã được nộp cho trung tâm dữ liệu công cộng như GISAID.

    Cũng như những biến thể khác, người bị nhiễm BA.2 có thể được phát hiện dương tính COVID bằng bộ xét nghiệm tại gia, dù không thể chỉ rõ là nhiễm biến thể nào.

    Lây nhiễm nhiều hơn?

    Một số báo cáo trước đây cho thấy BA.2 có thể lây nhiễm dữ dội hơn BA.1 vốn cực kỳ lây nhiễm, nhưng cho tới nay không có bằng chứng cho thấy BA.2 tránh được sự bảo vệ mà chúng ta có được từ vaccine.

    Các giới chức Đan Mạch ước tính BA.2 có thể lây nhiễm cao gấp 1,5 lần so với BA.1, căn cứ trên những dữ liệu sơ khởi, dù biến thể này không làm bệnh nặng hơn.

    Tại Anh, một cuộc phân tích sơ khởi về tiếp xúc lây nhiễm từ ngày 27/12/2021 đến 11/1/2022 của Cơ quan An ninh Y tế Anh (HAS) cho thấy việc lây nhiễm trong các hộ gia đình cao hơn giữa những người bị nhiễm BA.2 (13,4%) so với các ca Omicron khác (10,3%).

    HAS không tìm thấy bằng chứng về sự khác biệt trong tính hữu hiệu của vaccine, theo phúc trình này 28/1.

    Một câu hỏi trọng yếu là liệu những người bị nhiễm vì đợt BA.1 sẽ được bảo vệ khỏi BA.2 hay không, bác sĩ Egon Ozer, một chuyên gia các bệnh truyền nhiễm tại trường Y Feinberg, Đại học Northwestern ớ Chicago, nói.

    Đây là mối lo ngại tại Đan Mạch, nơi mà một số khu vực có nhiều ca nhiễm BA.1 đã báo cáo số ca BA.2 gia tăng, ông Ozer nói.

    Vẫn theo lời ông, điều đáng mừng là vaccine và mũi tiêm tăng cường vẫn bảo vệ “bệnh nhân khỏi nhập viện và chết.”

    Bắc Kinh phong tỏa nhiều khu dân cư, thông báo 12 ca nhiễm COVID-19 

    AP 

    Xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh.

    Xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh. 

    Các quan chức Bắc Kinh hôm Chủ nhật cho biết họ đã phong tỏa một số cộng đồng dân cư ở phía bắc trung tâm thành phố sau khi phát hiện hai trường hợp nhiễm COVID-19.

    Thủ đô của Trung Quốc đang ở trong tình trạng cảnh giác cao độ khi nước này chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Mùa đông khai mạc vào thứ Sáu.

    Ban tổ chức cho biết thêm 34 trường hợp đã được xác nhận trong số các vận động viên và những người khác đến tham dự Thế vận hội. Tính tới cuối ngày thứ Bảy, có tất cả 211 người có kết quả xét nghiệm dương tính trong số hơn 8.000 người được xét nghiệm khi tới tham gia Thế vận hội.

    Tất cả mọi người đến tham dự Thế vận hội bị cách ly khỏi công chúng trong thời gian họ ở Trung Quốc để ngăn chặn việc lây nhiễm chéo.

    Cư dân trong khu phố Anzhenli ở quận Chaoyang của Bắc Kinh đã bị phong tỏa vào thứ Bảy và sẽ không được phép rời khỏi khu nhà của họ.

    Thành phố cũng đang thiết lập 19 điểm trong khu vực để kiểm tra người dân hàng ngày cho đến thứ Sáu, các quan chức cho biết tại một cuộc họp báo về đại dịch, theo tờ Tin tức Bắc Kinh được nhà nước hậu thuẫn.

     (RFI) - Tai tiếng do thám bằng phần mềm Pegasus của Israel. 

    Phe đối lập phản đối chính phủ Ấn Độ sau tiết lộ của báo Mỹ New York Times. Theo thông tin của New York Times, hồi năm 2017, New Delhi đã ký kết với Tel Aviv hợp đồng trị giá 1,8 tỉ euro để mua phần mềm do thám của NSO Group và tên lửa. Chính phủ của thủ tướng Narenda Modi bị phe đối lập chỉ trích dùng phần mềm Pegasus để nghe lén điện thoại của các định chế dân chủ, đảng phải chính trị đối lập và công dân Ấn Độ. Phe đối lập gọi đó là « sự phản bội » của chính phủ Modi.

    (AFP) - Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 sẽ không đến Bắc Kinh dự Olympic Mùa Đông 2022 vì nhiễm Covid-19. 

    Thông tin được Ủy ban Olympic Paris 2024 thông báo hôm nay 31/01/2022. Trong 4 ngày qua, Trung Quốc cũng đã phát hiện khoảng 119 ca nhiễm virus corona liên quan đến thành viên các đoàn và vận động viên nước ngoài đến Bắc Kinh tham gia Thế Vận Hội. Tổng cộng, khoảng 3.000 vận động viên cùng các huấn luyện viên, đại diện các Liên đoàn thể thao và các phương tiện truyền thông …vv, sẽ đến Bắc Kinh tham dự Olympic từ ngày 04 đến 21/02/2022. 

    Mỹ đề nghị đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên mà không đưa điều kiện tiên quyết

    Vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm xa của Bắc Triều Tiên, ảnh do Cơ quan Thông tấn Trung ương Bắc Triều Tiên cung cấp, 31/01/2022. © AFP - STR - Cơ quan Thông tấn Trung Ương Bắc Triều Tiên 

    Chính quyền Mỹ của tổng thống Joe Biden ngày Chủ Nhật 30/01/2022 đề nghị đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Thông báo của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh hôm qua Bộ tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc cho biết Bắc Triều Tiên mới phóng thử tên lửa mạnh nhất tính từ năm 2017. 

    Theo Reuters, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden ngày 30/01/2022 tuyên bố với báo giới là giờ « đúng là lúc » và « hoàn toàn đúng đắn » khi « bắt đầu có các cuộc thảo luận nghiêm túc » với Bình Nhưỡng. Hôm qua là lần thứ 7 trong vòng 1 tháng Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa. Hôm nay 31/01, Bình Nhưỡng cũng khẳng định đó là vụ thử nghiệm tên lửa mạnh nhất kể từ năm 2017.

    Theo quan chức cấp cao của Mỹ, vụ thử nghiệm lần này của Bắc Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng rõ ràng ngày càng muốn gây « mất ổn định » và đi ngược lại với các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, khiến Washington « lo ngại » về nguy cơ Bắc Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa liên lục địa hoặc vũ khí hạt nhân, vốn đã tạm ngưng từ năm 2017. Dù cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mới, chính quyền Biden vẫn kêu gọi giải pháp ngoại giao.

    Còn thông tín viên từ Seoul, Nicolas Rocca, nhận định các vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng là nhằm buộc chính quyền Biden phải thay đổi thái độ về hồ sơ Bắc Triều Tiên :

    « Bắc Triều Tiên đã tiến thêm một bước với vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung lần này. Đây là loại tên lửa mà Bình Nhưỡng đã không thử nghiệm kể từ năm 2017. Vụ phóng thử tên lửa lần thứ 7 trong vòng 1 tháng khiến chính quyền Seoul rất lo ngại. 

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhận định láng giềng Bắc Triều Tiên đang tiến gần đến việc chấm dứt tự cam kết đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Kể từ năm 2018, khi bắt đầu đàm phán với tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Triều Tiên đã tránh các vụ thử nghiệm tên lửa có thể bắn tới lãnh thổ của kẻ thù - nước Mỹ, nhưng tuần trước lãnh đạo Kim Jong Un đã nói với ngụ ý chính phủ Bắc Triều Tiên có thể sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm kiểu này để đối phó với « chính sách thù địch của Mỹ ». 

    Bắc Triều Tiên đã biết cách gia tăng áp lực trong bối cảnh gần đến ngày diễn ra 2 sự kiện quan trọng : Thứ Sáu tới (04/02) sẽ bắt đầu diễn ra Thế Vận Hội ở nước đồng minh Trung Quốc, trong khi đó Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 09/03. 

    Những vụ thử nghiệm này có thể là nhằm khiến chính quyền của tổng thống Mỹ Biden phải thay đổi thái độ « bất động » đầy thận trọng về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Washington khẳng định sẵn sàng đối thoại, nhưng lại không đưa ra những biện pháp khuyến khích thực sự nào để thúc đẩy Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán. Và cuối cùng, những vụ thử này đã được thực hiện nhiều lần vào lúc nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn sau gần 2 năm hầu như đóng cửa hoàn toàn biên giới do đại dịch Covid-19 ». 


    Không có nhận xét nào