Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 18 tháng 02 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Mỹ nói nguy cơ chiến tranh hiển hiện sau các vụ pháo kích ở vùng tiền tuyến Ukraine 

    17/02/2022 

    Reuters 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với báo giới ở Nhà Trắng hôm 17/2.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với báo giới ở Nhà Trắng hôm 17/2. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm 17/2 nói có "mọi dấu hiệu" là Nga đang có kế hoạch tiến vào Ukraine, bao gồm cả các dấu hiệu về việc Moscow đang chuẩn bị một hoạt động "đổ vấy" để biện minh cho hành động quân sự.

    Trước đó trong cùng ngày 17/2, Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở bên trong Ukraine đã bắn nhau qua lại đường chiến tuyến phân chia hai bên. Các quan chức phương Tây mô tả vụ này có thể là cái cớ do Moscow tạo ra để xâm lược.

    Tổng thống Biden đã ra lệnh cho Ngoại trưởng Antony Blinken thay đổi kế hoạch công du vào phút chót để phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Ukraine.

    "Bằng chứng trên thực tế cho thấy là Nga đang tiến tới một cuộc xâm lược hiển hiện. Đây là một thời điểm quan trọng", Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói với các phóng viên.

    Nga phủ nhận chuyện có kế hoạch xâm lược nước láng giềng và tuần này cho biết họ rút một phần trong số hơn 100.000 quân mà họ đã tập trung gần biên giới. Washington nói rằng Nga không rút quân mà trên thực tế còn điều thêm lực lượng đến.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels: "Chúng tôi thấy họ đưa đến thêm máy bay chiến đấu và máy bay trợ chiến. Chúng tôi thấy họ nâng cao khả năng sẵn sàng ở Biển Đen. Chúng tôi thậm chí còn thấy họ dự trữ thêm máu cấp cứu".

    Vị bộ trưởng Mỹ nói tiếp: "Bản thân tôi từng là quân nhân cách đây chưa lâu. Tôi trực tiếp biết rằng người ta không làm những việc như vậy mà không có lý do". Ông Austin là một tướng quân hồi hưu. Ông nói thêm: "Và chắc chắn chẳng ai làm những việc đó nếu người ta đã sẵn sàng thu dọn đồ đạc và đi về nhà".

    Giữa lúc Ukraine và các phiến quân thân Nga đưa ra thông tin mâu thuẫn lẫn nhau về các vụ pháo kích trên mặt trận ở khu vực ly khai Donbass, ông Austin nói rằng Washington "vẫn đang thu thập thông tin chi tiết, nhưng lâu nay chúng tôi vẫn nói rằng phía Nga có thể làm những chuyện như thế này để biện minh cho một cuộc xung đột quân sự".

    Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khối liên minh "lo ngại là Nga đang cố ngụy tạo ra cái cớ để thực hiện một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Ukraine. Nhưng hiện vẫn chưa rõ và chưa chắc chắn được về ý định của Nga".

    "Họ có đủ quân, đủ khả năng để tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine mà chỉ có rất ít thời gian hoặc không có chút thời gian nào để mà cảnh báo cả", vị tổng thư ký NATO nói.

    (Reuters)

    Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ Bartle Gorman.

    VNTB – Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ Bartle Gorman.

    Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ Bartle Gorman giữa lúc căng thẳng Nga-phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine đang lên cao.

    Đại sứ quán Mỹ tại Moskva ngày 17-2 cho biết Nga đã trục xuất Phó Đại sứ Mỹ Bartle Gorman giữa lúc căng thẳng Nga-phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine đang lên cao.

    Theo báo chí trả lời câu hỏi của phóng viên về động thái mới của Nga, Ned Price – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Quyết định của Nga với phó đại sứ Gorman là hành vi không bị khiêu khích, chúng tôi coi đây là bước leo thang căng thẳng và đang cân nhắc phản ứng đáp trả. Washington kêu gọi Moscow chấm dứt trục xuất vô căn cứ các quan chức ngoại giao và nhân viên sứ quán Mỹ”.

    Phó đại sứ Gorman là một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở Nga. Ông từng giữ chức phó phó trợ lý thư ký và trợ lý giám đốc cơ quan Điều tra và Phân tích Đe dọa (TIA) thuộc Cục An ninh ngoại giao, Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Gorman cũng từng được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh tại một số cơ quan ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Nga, Iraq, Jordan, Trung Quốc, Kazakhstan và Armenia.

    Việc Nga trục xuất nhà ngoại giao Mỹ có thể sẽ khiến căng thẳng giữa 2 bên tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

    Trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, hôm 5-2 cho biết dự kiến Mỹ sẽ ra lệnh cho 28 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước này vào tháng Bảy tới, dù ông nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục nỗ lực để tránh đổ vỡ ngoại giao. Phát biểu trên chương trình Solovyov Live, ông Antonov nói rằng: “Sẽ có thêm 28 nhà ngoại giao Nga sẽ phải rời Mỹ trước ngày 30-6”.

    Đại sứ Antonov cho biết 27 nhà ngoại giao Nga bị thông báo hồi tháng 11 năm ngoái rằng phải rời Mỹ vào cuối tháng 1-2022 đã bị đe dọa bắt giữ nếu họ ở lại thêm một ngày nữa. Khi được hỏi liệu hai nước có đang trên đà cắt đứt quan hệ ngoại giao hay không, Đại sứ Antonov nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ quyết định các bước tiếp theo.

    Ông Antonov cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo rằng ông sẽ buộc phải rời khỏi nước này vào tháng Tư nếu Moscow không tuân thủ một số điều kiện của Washington về việc cấp thị thực cho các nhân viên bảo vệ Đại sứ Mỹ tại Nga.

    Cũng liên quan đến căng thẳng giữa Nga và phương Tây, ngày 17-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thay đổi các kế hoạch công du vào phút chót để tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Ukraine.

    Phát biểu với báo giới, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho hay: “Đây là thời điểm rất quan trọng”.

    Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine.

    Phía Moscow luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Moscow, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.  

    Cũng trong ngày 17-2, Ukraine ngày 17-2 cáo buộc phe ly khai thân Nga ở miền Đông bắn đạn pháo vào một ngôi làng ở khu vực Luhansk, trúng trường mẫu giáo.

    Reuters dẫn lời quân đội Ukraine cho biết chưa ghi nhận thương vong sau trận pháo kích kể trên. Trước đó, Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng cáo buộc lực lượng chính phủ Ukraine sử dụng súng cối, súng phóng lựu và súng máy tấn công lãnh thổ của họ 4 lần trong 24 giờ qua. Phe ly khai đang kiểm tra xem có thương vong hay không.

    Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba ngày 17-2 nói rằng Nga đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

    Cùng ngày 17-2, Công ty tư nhân Maxar Technologies (Mỹ) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã chuyển một số thiết bị quân sự được triển khai gần biên giới Ukraine nhưng “đưa các thiết bị quân sự khác tới đây”.

    Công ty Điện Pháp gặp khó khăn ngay lúc châu Âu thiếu năng lượng

    Electricité de France (EDF) từng là một niềm tự hào dân tộc. Song triển vọng phía trước đang rất ảm đạm cho doanh nghiệp quốc doanh bán độc quyền này – đặc biệt với kết quả tài chính năm 2021 được công bố vào thứ Sáu. Trong tháng này EDF, công ty phục vụ 88% hộ gia đình ở Pháp, đã giảm dự báo sản lượng điện hạt nhân, qua đó góp phần đẩy giá khí đốt, điện và carbon ở châu Âu lên cao. Chính họ cũng cho biết sản lượng có thể giảm trong năm nay xuống mức thấp nhất 32 năm qua, một phần vì phải cho ngừng hoạt động 44 lò phản ứng để bảo trì và kiểm tra.  Trong lúc đó, Tổng thống Emmanuel Macron lại tiết lộ kế hoạch xây dựng ít nhất sáu lò phản ứng hạt nhân khổng lồ tại các địa điểm hiện có từ năm 2028.

    Giá năng lượng đang chịu áp lực tăng vì Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Tây Âu, như một con bài mặc cả trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Và vì phải tạm ngưng lò phản ứng, đôi khi Pháp đã phải nhập điện giá cao, qua đó làm giảm nguồn cung cho Đức và các nước khác vốn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của EDF.

    Khai mạc Hội nghị An ninh Munich nhưng Nga vắng mặt

    Hiếm khi Hội nghị An ninh Munich lại diễn ra trong bối cảnh an ninh châu Âu bấp bênh như vậy. Covid-19 khiến sự kiện năm nay, kéo dài từ thứ Sáu đến Chủ Nhật, diễn ra với quy mô nhỏ hơn thông thường. Song việc Nga dàn quân đông đảo ở biên giới Ukraine và những dấu hiệu đáng lo ngại về pháo kích ở miền đông nước này khiến cuộc họp trở nên vô cùng quan trọng. Hơn 30 nguyên thủ quốc gia — trong số đó có tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky — và 100 bộ trưởng chính phủ sẽ tham gia. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng sẽ dẫn đầu một phái đoàn cấp cao.

    Đây cũng là lần đầu tiên sau hai thập niên không có phái đoàn Nga đến dự. Sergei Lavrov, bộ trưởng ngoại giao hiếu chiến, mọi năm rất thường xuất hiện. Trước đó vào năm 2007 Vladimir Putin đã có một bài phát biểu quyết liệt, dường như báo hiệu việc Nga quay lưng với phương Tây. Hội nghị năm nay phần lớn sẽ nói về Nga – nhưng không có Nga tham dự.

    BioNTech có sáng kiến làm nhà máy dược trong container

    BioNTech, công ty đồng nghiên cứu phát triển vắc-xin mRNA chống covid-19 với Pfizer, đang kỳ vọng sẽ cách mạng hóa một lĩnh vực dược phẩm khác: sản xuất vắc-xin. Họ đang phát triển các nhà máy sản xuất vắc-xin đặt bên trong các container vận chuyển bằng kim loại thường thấy, mà họ có kế hoạch gửi đến các khu vực trên thế giới thiếu khả năng sản xuất vắc-xin – chẳng hạn như châu Phi.

    Bằng cách tiêu chuẩn hóa các nhà máy, BioNTech hy vọng sẽ tạo ra một phương thức đáng tin cậy và ổn định để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất dược phẩm. Hiện nay việc chuyển giao các công thức vắc-xin phức tạp từ cơ sở này sang cơ sở khác thường tốn nhiều thời gian và khó khăn. BioNTech hy vọng với các thùng chứa, quy trình có thể được lấy từ nhà máy truyền thống và sau đó nhân mẫu nhanh chóng trên khắp thế giới. BioNTech cho biết mỗi cơ sở có thể sản xuất tới 60 triệu liều vắc-xin covid và các loại vắc-xin khác mỗi năm và sẽ có chi phí “thấp hơn đáng kể” so với nhà máy thông thường. Đây có thể chính là tương lai của ngành dược.


    Đặc sứ ASEAN mong chính quyền quân sự Myanmar cho phép gặp phe chống đối 

    17/02/2022 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokkhonn tại cuộc họp báo của ASEAN hôm 17/2.

    Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokkhonn tại cuộc họp báo của ASEAN hôm 17/2. 

    Một đặc sứ của khối các nước Đông Nam Á chuyên trách về cuộc khủng hoảng ở Myanmar cho biết hôm thứ Năm 17/2 rằng ông đang tìm cách đến thăm Myanmar vào tháng tới và kêu gọi chính quyền quân sự của Myanmar cho ông được nói chuyện với một chính phủ ảo của phe chống đối mà phía chính quyền quân sự xem là "những kẻ khủng bố".

    Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia kiêm đặc sứ mới của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nói rằng việc tiếp xúc, trao đổi với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG), một nhóm gồm các thành viên của chính quyền bị lật đổ và các đối thủ quân sự khác, là việc rất phức tạp vì bị chính quyền quân sự phản đối.

    Ông nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN: “Thật bất khả thi khi mà một mặt cố gắng giao kết với bên A, và mặt khác cũng cố giao kết với bên B, song bên B lại bị bên A coi là kẻ khủng bố”.

    "Tất nhiên, chúng tôi đang cố gắng tìm cách ... Nếu Naypyitaw không nói chuyện với NUG, vậy hãy để vị đặc sứ nói chuyện với tư cách là cầu nối, là người xúc tiến", ông nói thêm. Naypyitaw là thủ đô Myanmar.

    Năm ngoái, ASEAN đã bất ngờ ngăn cản chính quyền quân sự của Myanmar tham gia các cuộc họp quan trọng do không tuân thủ một kế hoạch hòa bình đã thống nhất với khối có 10 nước thành viên, kế hoạch đó bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và cho phép một đặc sứ xúc tiến các cuộc đối thoại.

    Prak Sokhonn nói rằng người tiền nhiệm của ông với tư cách là đặc sứ của ASEAN đã không thể đến thăm Myanmar vì đã có những điều kiện tiên quyết của một số thành viên ASEAN mà các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar thấy là không thể chấp nhận được.

    Những điều kiện đó bao gồm việc phải được gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của chính phủ dân cử bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm ngoái. Bà Suu Kyi đang bị xét xử về nhiều tội danh.

    Với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2022, Campuchia đã khiến các nước thành viên lo ngại về việc Thủ tướng Hun Sen muốn giao thiệp trực tiếp với các tướng lĩnh Myanmar, trong đó có chuyến thăm gặp lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing vào tháng trước.

    Hôm 16/2, ông Hun Sen nói rằng nếu không có bước đột phá, sẽ không thể có hòa bình ở Myanmar trong nhiều năm.

    Prak Sokhonn bảo vệ cách tiếp cận đó và cho biết lần này, các quốc gia ASEAN không nêu ra các điều kiện tiên quyết cho việc ông đến thăm Myanmar.

    (Reuters)

    Thái Lan muốn mua chiến đấu cơ F-35, nhưng còn chờ chính phủ Mỹ cho phép 

    16/02/2022 

    Reuters 

    Chiếc chiến đấu cơ F-35 của không quân Israel hạ cánh trong diễn tập phòng không đa quốc gia tại căn cứ không quân Ovda nằm ở phía bắc thành phố Eilat

    Chiếc chiến đấu cơ F-35 của không quân Israel hạ cánh trong diễn tập phòng không đa quốc gia tại căn cứ không quân Ovda nằm ở phía bắc thành phố Eilat 

    Sự quan tâm của Thái Lan đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin là có thật, nhưng việc cho phép mua hay không là việc của chính phủ Mỹ, một giám đốc điều hành cấp cao của hãng quốc phòng khổng lồ này cho biết hôm 16/12.

    Phát biểu bên lề Triển lãm hàng không Singapore, ông Tim Cahill, phó chủ tịch cấp cao kinh doanh toàn cầu của Lockheed Martin, xác nhận Thái Lan đã bày tỏ quan tâm, nhưng nói ‘vẫn chưa có gì chính thức về chuyện này mà tôi biết’.

    Vào tháng 1, không quân Thái Lan đã dành khoảng 413 triệu USD để mua bốn chiến đấu cơ F-35. Trước đó, Nguyên soái Không quân nước này Napadej Dhupatemiya cho biết Thái Lan muốn mua tới 8 chiếc F-35.

    “Đây sẽ là quyết định chính sách của chính phủ Mỹ,” ông Cahill nói. “Tôi nghĩ có hứa hẹn về điều này, nhưng tôi thành thực không biết chính phủ Mỹ sẽ có lập trường như thế nào.”

    F-35, một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất thế giới, được coi là một mặt hàng xuất khẩu rất nhạy cảm, chỉ được bán cho các đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chỉ có Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore có loại máy bay chiến đấu này.


    Không có nhận xét nào