Header Ads

  • Breaking News

    Nga sắp không trụ nổi nữa

    Câu hỏi hiện nay là điều gì xảy ra khi kinh tế Nga khủng hoảng trầm trọng?. Câu trả lời rất đáng sợ khi ệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến nền kinh tế Nga chao đảo. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới cảnh báo nước này đã tiến “rất sát” bờ vực vỡ nợ.

    Nga sắp sửa không thể trả được nợ do tác động từ các lệnh trừng phạt phương Tây. Carmen Reinhart, chuyên gia kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, hôm 10/3 cảnh báo Nga và đồng minh Belarus sắp tiến “rất sát” bờ vực vỡ nợ.

    Độ hội nhập với hệ thống tài chính toàn cầu của Nga ít hơn so với các nước khác, mức nợ của Nga cũng tương đối thấp. Dù vậy, một số nhà phân tích cảnh báo việc Nga vỡ nợ vẫn có khả năng gây ra hậu quả không thể lường trước.

    “Tôi lo mình có thể không nhìn ra được điều gì đó,” bà Reinhart nói với Reuters. “Chúng ta không thể chủ quan”.

    Vỡ nợ là gì?
    Vỡ nợ là khi bên vay không còn khả năng thanh toán nợ. Ngân hàng Trung ương Canada và Ngân hàng Trung ương Anh - hai ngân hàng theo dõi tình trạng vỡ nợ công - ước tính tổng giá trị nợ chính phủ mất khả năng thanh toán trên toàn thế giới trong năm 2020 là 443 tỷ USD, tương đương 0,5% nợ công toàn cầu.

    Các nước vỡ nợ là do chủ yếu thường không thể thanh toán đúng hạn bằng ngoại hối. Một số chính phủ gần đây rơi vào tình trạng này bao gồm Argentina, Belize, Ecuador và Suriname.

    Đối với nền kinh tế Nga, ngày 16/3 sẽ là phép thử đầu tiên vì đây là thời điểm nước này phải trả hai khoản tiền lãi, tương đương 117 triệu USD, bằng đồng đôla. Nga có thời gian ân hạn 30 ngày nên nước này sẽ không chính thức vỡ nợ cho tới ít nhất tháng tư.

    Tại sao Nga có thể vỡ nợ?
    Hàng loạt lệnh trừng phạt phương Tây nhắm vào ngân hàng trung ương và các ngân hàng lớn nhất của Nga đã làm gián đoạn các giao dịch tài chính.

    Đáp trả, Nga ra quy định kiểm soát nguồn vốn, bao gồm dừng thanh toán tiền lãi từ những khoản nợ công cho các nhà đầu tư nước ngoài.

    Vì có khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối, về lý thuyết Nga có đủ ngoại tệ để thanh toán nợ. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và EU đã đóng băng tài sản ngân hàng trung ương Nga, khiến nước này không thể tiếp cận phần lớn khoản dự trữ này.

    Bộ Tài chính Nga cho biết sẽ thanh toán nợ công đầy đủ và đúng hạn. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin từng nói công dân và công ty Nga có thể dùng đồng rúp để trả nợ ngoại hối cho công dân các nước “có hoạt động không thân thiện” với Nga. Tỷ giá trao đổi do ngân hàng trung ương quy định.

    Hậu quả gì cho Nga?
    Nếu vỡ nợ, thiệt hại về uy tín của Nga sẽ khiến nước này khó vay tiền hơn trong tương lai và lãi suất vay cũng sẽ cao hơn.

    Tuy nhiên, Nga vốn đã bị cô lập từ khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Các chính phủ phương Tây cũng đã ngăn chính phủ Nga huy động thêm tiền trên thị trường vốn, bao gồm ở London và New York.

    Theo IIF, lệnh trừng phạt sẽ đẩy chi phí huy động vốn lên cao và nhiều khả năng sẽ giáng đòn vào địa vị tài chính của chính phủ Nga. Điều này có thể buộc Moscow cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế.

    Trái chủ mất gì nếu Nga vỡ nợ?
    Trong những năm gần đây, Nga đã củng cố địa vị tài chính để đối phó lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, thông qua thặng dư ngân sách và giảm phụ thuộc vào đồng đôla.

    Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các khoản nợ bên ngoài của Nga - tức số tiền mà chính phủ, công ty và các hộ gia đình Nga phải trả - đã giảm từ 733 tỷ USD từ năm 2014 xuống còn 480 tỷ USD. Trong số này, 135 tỷ USD sẽ đáo hạn trong vòng một năm nữa.

    Khoản nợ của riêng chính phủ Nga tương đối nhỏ. Chính phủ nước này có số trái phiếu ngoại tệ trị giá khoảng 40 tỷ USD phải trả bằng đôla và euro. Con số này rất nhỏ so với quy mô kinh tế và với các quốc gia tương đương.

    Tuy nhiên, các tập đoàn của Nga gặp phải vấn đề lớn hơn vì họ còn phải thanh toán số trái phiếu quốc tế trị giá khoảng 100 tỷ USD.

    Các nhà đầu tư vào nợ Nga bao gồm những quỹ phòng hộ - loại quỹ thường thích lựa chọn đầu tư rủi ro - và những công ty quản lý tài sản quốc tế quy môn lớn.

    Theo Financial Times, công ty quản lý quỹ Pimco của Mỹ - một trong những nhà đầu tư thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới - đã tích lũy số trái phiếu chính phủ Nga trị giá 1,5 tỷ USD.

    Hậu quả gì cho thế giới?
    Các lệnh trừng phạt nhắm đến hệ thống tài chính của Nga vẫn có thể tác động gián tiếp lên hệ thống ngân hàng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học, bao gồm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey, cho rằng sự liên kết tài chính giữa Nga và thế giới ở mức thấp và không quá quan trọng.

    Các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu là ở châu Âu, có khoảng 121 tỷ USD gặp rủi ro tại Nga, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. IIF cũng ước tính các ngân hàng nước ngoài đóng vai trò nhỏ trong nền kinh tế Nga, với việc chỉ nắm giữ 6,3% tổng tài sản.

    Sự bất ổn chính trị từ năm 2014 đã khiến các chủ thể nước ngoài không mặn mà với thị trường nợ công Nga. Mức độ tham gia của nước ngoài trong thị trường này hiện ở mức 20% tổng nợ chưa thanh toán.

    Không có nhận xét nào