Header Ads

  • Breaking News

    Ngọc Lan - Kế hoạch mở cửa lại du lịch quốc tế của Việt Nam gặp trở ngại


    Chính phủ Hoa Kỳ vừa đưa Việt Nam vào danh sách cảnh báo cao nhất và khuyên công dân Hoa Kỳ không nên đi đến Việt Nam.

    Hôm 28-2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nâng mức báo động về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam lên mức báo động đỏ, cấp độ 4: “Rất cao”.

    Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra cảnh báo công dân: “Ngừng đi đến” Việt Nam, cũng mức độ 4. Mức cảnh báo “rất cao”, cấp độ 4, của CDC khuyến cáo các công dân Mỹ không du lịch đến các quốc gia này.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 1-3 loan tin: “Tất cả các hành khách xin lưu ý! Vào ngày 28 tháng 2 năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cập nhật cảnh báo đi lại đối với Việt Nam và nâng “Mức Cảnh báo Đi lại lên Mức 4: Ngừng Đi lại”.

    Cập nhật này chiếu theo Thông báo Đi lại An toàn Sức khỏe Mức 4 của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nhận định rằng mức độ dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ở mức rất cao. Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam liên tục thay đổi và khác nhau tùy theo từng tỉnh thành. Xin bảo trọng!”.

    Hoa Kỳ đưa ra cảnh này giữa lúc Việt Nam đang chuẩn bị mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15-3, dù số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng.

    Về dịch Covid-19 hôm 1-3, Bộ Y tế Việt Nam cho biết so với ngày hôm trước đó số mắc mới tăng. Trung bình số ca mắc trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là hơn 80.000 ca/ngày.

    Dẫn đầu về địa phương hiện có số ca mắc mới cao nhất đang là Hà Nội. Theo đó, số ca mắc mới từ 18g ngày 28-02-2022 đến 18g ngày 01-03-2022 Hà Nội ghi nhận 13.323 ca bệnh gồm có 5.214 ca cộng đồng; 8.109 ca đã cách ly.

    Ghi nhận của báo chí cho biết có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ gia tăng F0 trên địa bàn Hà Nội đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong những ngày gần đây. Theo đó, các cơ quan, trụ sở vắng vẻ; các khuôn viên nhiều khu chung cư sau 9 giờ tối đã vắng người; nhiều quầy thuốc luôn thông báo “cháy hàng” đối với các vật tư y tế thiết yếu như nước sát khuẩn tay, máy đo nồng độ oxy trong máu, bộ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc hạ sốt…

    Đặc biệt, nhiều trường hợp F0 ở Hà Nội phản ánh liên hệ, thông báo với y tế phường, xã khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 rất khó khăn khi điện thoại không có người nghe máy. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhìn nhận thời gian qua đã xảy ra tình trạng quá tải tại một số trạm y tế do người dân đến xét nghiệm và xin xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly.

    Vẫn theo người đứng đầu ngành y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định ngành y tế thủ đô vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân, kể cả khi số ca mắc tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố đã có phương án đáp ứng được.

    Để hạn chế tối đa ca bệnh nặng và nguy kịch, ngành y tế Hà Nội đã lập và quản lý chặt chẽ danh sách các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư… để tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung.

    Kể từ đầu dịch đến ngày 1-3-2022, Việt Nam có 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ với bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca nhiễm.

    Trong đợt dịch thứ 4 được tính từ ngày 27-4-2021 đến nay có 2.477.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (536.115), Bình Dương (298.294), Hà Nội (285.273), Đồng Nai (101.399), Tây Ninh (90.932).

    Tin tức cho biết Hà Nội có kế hoạch huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, bảo đảm người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.

    Hiện tại thì Hà Nội là địa phương mỗi ngày có số ca tử vong đứng đầu cả nước.

    Không có nhận xét nào