Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Hơn 2.000 công nhân ở Bình Dương đình công phản đối việc tăng lương không đúng qui định


    Hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Triumph International Việt Nam ngưng việc tập thể để đòi tăng lương

    NLĐ

    Khoảng hai ngàn công nhân Công ty Triumph International Việt Nam đã nghỉ việc ba ngày qua để phản đối doanh nghiệp tăng lương không đúng qui trình.

    Cụ thể hơn hai ngàn công nhân Công ty Triumph International Việt Nam có trụ sở tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đã đình công bắt đầu từ ngày 20/3.

    Trong ngày 22/3, họ nói với truyền thông Nhà nước lý do họ không chịu làm việc vì, nếu đúng qui trình thì công ty sẽ tăng lương với mức 5% nhưng năm nay lại chỉ tăng có 3%.

    Với mức tăng thấp hơn mọi năm, các công nhân cho rằng họ không đủ trang trải cho sinh hoạt hàng ngày khi giá cả thị trường đang tăng cao.

    Tờ Người Lao động cho biết trong ngày 22/3, Công an Bình Dương, Ban quản lý các KCN Bình Dương và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Dĩ An đã có buổi làm việc với đại diện Công ty để tìm giải pháp.

    Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty cho biết họ đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 và tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp nên hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng theo, khiến lợi nhuận đang rất thấp. Do đó, công ty vẫn tăng lương nhưng thấp hơn mọi năm và mong muốn người lao động thông cảm.

    Với những lý giải trên, lãnh đạo công ty giữ nguyên mức tăng 3% và cam kết không kỷ luật nếu công nhân quay trở lại làm việc trong ngày 23/3. Đối với những trường hợp không quay trở lại làm việc, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng theo đúng qui định của Luật Lao động.

    Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có gần 30 vụ đình công tập thể xảy ra tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An Nghệ An, Bắc Ninh.v.v. Nguyên nhân chủ yếu đều là vì qui trình tăng lương, thưởng Tết không đúng qui định trước đó.

    Ông Bùi Thiện Tri, Chủ tịch Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) trả lời RFA trong một bài viết hôm 17/2/2022 cho rằng việc công nhân đình công tự phát cho thấy sự bất lực của Công đoàn Nhà nước trong việc đại diện cho người lao động khi đối thoại, đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của người lao động.


    Blogger Nguyễn Tường Thụy kêu oan từ trong tù


    Nhà báo và blogger Nguyễn Tường Thụy vừa bí mật gửi ra một bức thư phản đối bản án 11 năm tù mà ông đang thực hiện tại một trại giam ở Bình Dương sau khi yêu cầu giám đốc thẩm xem xét kháng nghị không thành.

    Ông Thụy, cùng với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn, bị đưa ra xét xử và kết án hồi đầu năm ngoái ngay trước thềm Đại hội 13 của Đảng Cộng sản. Cả ba người đều là thành viên của Hội nhà báo Độc lập và bị buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên tòa sơ thẩm ngày 5/1/2021.

    Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, cho biết chồng bà nói rằng bản án mà ông đang phải thi hành là “oan sai” và đã gửi đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm tới Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TPHCM nhưng chưa được trả lời.

    Trong bức thư gửi cho bà Lân mà VOA được xem, ông Thụy cho rằng “vụ án là minh chứng cho việc vi phạm nhân quyền, đàn áp báo chí và dựng án.”

    Ông Thụy, từng là blogger và cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA), bị kết tội là đã cùng các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập “viết bài, trả lời phỏng vấn, đăng tải công khai hàng ngàn bài viết lên trang web, blog ‘Việt Nam Thời Báo’” của hội. Trang blog này, theo Công An Thành phố Hồ Chí Minh, là nhằm “tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”

    Ông Thụy cho biết trong bức thư rằng ông đã gửi một lá đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 14/9/2021, trong đó nói rằng ông bị áp đặt hành vi mà ông không làm và bị kết tội với những bằng chứng giả mạo.

    Kết luận điều tra cho biết công an thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà ông Thụy nhưng ông cho biết trong bức thư rằng công an đã không thu giữ được “bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ án.”

    VOA không thể liên lạc được với VKSND TPHCM để xin bình luận về đơn “kêu oan” của ông Thụy.

    Viện Kiểm sát, khi xét xử ông Thụy và các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập, xác định rằng “hành vi chống phá Nhà nước” của các bị cáo là “đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.”

    Ông Thụy, cùng ông Dũng – người bị kết án 15 năm tù, đã không kháng cáo bản án. Nhưng theo bà Lân cho biết, chồng bà bị bắt viết đơn kháng án theo mẫu “xin giảm án” cho nên ông Thụy đã “xé đơn và bỏ về buồng (giam).”

    Các tổ chức quốc tế và chính phủ phương tây, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng phản đối bản án nhiều năm tù dành cho các thành viên Hội Nhà báo Độc lập. Chủ tịch của RFA, Stephen Yates, lên án bản ánh dành cho ông Thụy là “sự tấn công tàn bạo” nhắm vào tự do báo chí.

    Chính quyền Việt Nam luôn nói rằng họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật. Nhưng trong suốt phiên tòa xét xử trong 1 ngày hồi đầu năm ngoái, ông Thụy luôn nói rằng ông không có tội.

    Bà Lân cho VOA biết bà lo ngại cho sức khỏe của chồng mình trong khi không thể thường xuyên đến thăm chồng khi bị giam giữ ở rất xa nơi gia đình ở.

    Mỹ, Việt Nam chuẩn bị cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước

    RFA


    Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 25/8/2021


    Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper vừa có cuộc gặp vào sáng ngày 23/3 tại Hà Nội để chuẩn bị cho các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trong năm 2022. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này vào cùng ngày.

    Thông tin không cho biết các lãnh đạo nào của hai nước sẽ có các chuyến thăm sắp tới và khoảng thời gian nào, nhưng hồi đầu tháng 3 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho báo chí biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có thư mời Thủ tướng Việt Nam tới dự hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Washington DC vào cuối tháng ba.

    Tuy nhiên, hội nghị này sau đó đã bị hoãn lại do lịch trình làm việc của một số lãnh đạo các nước ASEAN. Hiện vẫn chưa biết bao giờ hội nghị sẽ diễn ra.

    Theo truyền thông Nhà nước, tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Marc Knapper, phía Việt Nam đã đề nghị Đại sứ phối hợp thúc đẩy các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước trong năm 2022 và trao đổi đoàn, tiếp xúc ở các cấp, các kênh, trong đó có kênh Đảng, Quốc hội, và đối ngoại nhân dân.

    Việt Nam vừa có dàn lãnh đạo mới vào hồi giữa năm ngoái cho các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Riêng chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản vẫn do ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ suốt ba nhiệm kỳ qua từ năm 2011 đến nay. Ông Trọng cũng là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ hồi năm 2015. Sau đó, ông còn dự định tới thăm Mỹ vào năm 2019 nhưng do bị bệnh nên chuyến thăm đã không thể thực hiện.

    Hồi tháng 8 năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới thăm Việt Nam với cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác toàn diện với Việt Nam. Phó tổng thống Mỹ đã đề nghị nâng cấp quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược nhưng phía Việt Nam đã không trả lời đề nghị này.

    Mỹ hiện cũng là quốc gia tài trợ nhiều vắc-xin ngừa COVID-19 nhất cho Việt Nam với hơn 33 triệu liều, theo thống kê của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

    Hàn Quốc muốn Việt Nam giúp gia nhập CPTPP


    Tổng thống tân cử của Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol trong một họp báo ở Seoul hôm 20/3/2022


    Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo hôm 23/3 chính thức đề nghị Việt Nam giúp Hàn Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

    Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Bộ trưởng Yeo Han-koo đưa ra đề nghị này trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Công thương Việt Nam Trần Quốc Khánh.

    CPTPP là hiệp định bao gồm 11 nước gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Mexico, Úc, New Zealand, Singapore, Brunei, Malaysia, đóng góp khoảng hơn 13% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10 nghìn tỷ đô la.

    Hai bên cũng thảo luận Bộ khung Kinh tế Ấn Độ Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ đang xúc tiến nhằm tăng cường sự hợp tác của Mỹ với các nước Châu Á vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.

    Cũng trong cùng ngày, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với Tổng thống tân cử Hàn Quốc là ông Yoon Suk-yeol.

    Theo Yonhap, ông Phúc là lãnh đạo thứ sáu trên thế giới nói chuyện với tân Tổng thống Hàn kể từ khi ông trúng cử hồi tuần trước. Lãnh đạo các nước khác đã nói chuyện với Tổng thống Yoon Suk-yeol bao gồm Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Úc và Thủ tướng Ấn Độ.

    Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Kim Eun-hye nói với báo giới Hàn rằng Việt Nam là một đất nước thân thiện với Hàn Quốc và đã duy trì mối quan hệ tin tưởng bất chấp thời gian đại dịch COVID-19 và những đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu.

    “Năm nay là kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, quan hệ song phương hiện đã được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện”, bà Kim Eun-hye cho biết.

    Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, tại cuộc điện đàm, Chủ tịch Việt Nam đã chúc mừng tân Tổng thống Hàn và mời ông sớm sang thăm Việt Nam.

    Lãnh đạo hai nước cũng đồng ý sẽ phối hợp làm việc nhằm đưa thương mại song phưng lên 100 tỷ đô la vào năm 2023 và 150 tỷ đô la vào năm 2030.

    Kim ngạch thương mại hai chiều Hàn Quốc - Việt Nam vào năm ngoái đạt 80,7 tỷ đô la, theo Yonhap.

    Không có nhận xét nào