Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày thứ hai 28 tháng 3 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    TT Pháp kêu gọi kiềm chế phát ngôn và hành động về Ukraine 

    27/3/2022 

    Reuters 

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi kiềm chế cả về phát ngôn và hành động trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là "đồ tể" và không nên tiếp tục nắm quyền.

    "Tôi sẽ không sử dụng từ ngữ như vậy vì tôi tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận với Tổng thống Putin", ông Macron nói trên kênh truyền hình France 3.

    Phát biểu tại Warsaw, ông Biden nói rằng ông Putin "không thể tiếp tục nắm quyền”. Một quan chức Nhà Trắng sau đó cho biết rằng phát biểu của ông Biden không cho thấy sự thay đổi chính sách của Washington và nhằm chuẩn bị cho các nền dân chủ trên thế giới cho một cuộc xung đột kéo dài, chứ không phải sự thay đổi chế độ ở Nga.

    "Chúng tôi muốn ngăn chặn cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine mà không gây leo thang - đó là mục tiêu", ông Macron nói trên kênh France 3, đồng thời lưu ý mục tiêu là đạt được lệnh ngừng bắn và rút quân thông qua các biện pháp ngoại giao.

    Ông nói: “Nếu đây là những gì chúng ta muốn làm, chúng ta không nên leo thang mọi thứ - cả phát ngôn hay hành động”.

    Tổng thống Pháp hôm thứ Sáu cho biết ông đang tìm cách tổ chức thêm các cuộc hội đàm với Tổng thống Putin trong những ngày tới liên quan đến tình hình Ukraine cũng như một sáng kiến giúp người dân rời khỏi thành phố Mariupol hiện bị bao vây.

    Ứng cử viên tổng thống Pháp thuộc phe cực hữu Marine Le Pen cho biết bà ủng hộ cách tiếp cận của ông Macron.

    "Rõ ràng, đó là những lời nói đổ thêm dầu vào lửa", bà nói khi được hỏi về phát biểu của ông Biden.

    "Thực tế là tổng thống của Cộng hòa [Pháp] không tham gia vào sự leo thang này là một điều tốt đẹp”, bà nói trên kênh France 3 trong một cuộc phỏng vấn được thu hình trước khi được phát sóng vào Chủ nhật.

    TT Zelenskyy nói Ukraine sẵn sàng thảo luận về quy chế trung lập với Nga 

    28/3/2022 

    Reuters

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói chuyện với diễn đàn Doha Forum qua video, ngày 26/3/2022. (Ukrainian Presidential Press Service/Handout via Reuters)

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói chuyện với diễn đàn Doha Forum qua video, ngày 26/3/2022. (Ukrainian Presidential Press Service/Handout via Reuters) 

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một phát biểu hôm Chủ nhật 27/3 cho biết Ukraine sẵn sàng thảo luận về việc áp dụng quy chế trung lập trong thỏa thuận hòa bình với Nga, nhưng một thỏa thuận như vậy sẽ phải được các bên thứ ba đảm bảo và đưa ra trưng cầu dân ý.

    Tổng thống Zelenskiy nói chuyện với các nhà báo Nga qua video dài 90 phút, một cuộc phỏng vấn mà chính quyền Moscow cảnh báo trước với các phương tiện truyền thông Nga là không nên đưa tin. Ông Zelenskiy nói tiếng Nga suốt cuộc phỏng vấn, như ông đã làm trong các bài phát biểu trước đây khi nhắm mục tiêu đến khán giả Nga.

    Ông Zelenskiy nói cuộc xâm lược của Nga đã phá hủy các thành phố nói tiếng Nga ở Ukraine, với thiệt hại còn tồi tệ hơn các cuộc chiến của Nga ở Chechnya.

    "Các đảm bảo an ninh và tính trung lập, tình trạng phi hạt nhân hóa của đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Đó là điểm quan trọng nhất," ông Zelenskiy nói.

    Tổng thống Zelenskiy cho biết Ukraine từ chối thảo luận về một số yêu cầu khác của Nga, chẳng hạn như việc phi quân sự hóa đất nước.

    Phát biểu sau hơn một tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, ông Zelenskiy cho biết sẽ không có thỏa thuận hòa bình nào đạt được nếu không có ngừng bắn và rút quân.

    Ông loại trừ việc tìm cách chiếm lại tất cả lãnh thổ mà Nga đang chiếm đóng bằng vũ lực, vì điều đó sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba và nói rằng ông muốn đạt một "thỏa hiệp" đối với khu vực Donbas ở phía đông hiện do các lực lượng được Nga hậu thuẫn kiểm soát kể từ năm 2014.

    (Reuters)

    Elon Musk: Trung Quốc và Nga muốn phá hủy hệ thống Starlink cũng không dễ

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/03/elon-musk-1-700x366.jpg

    Đã hơn bốn tuần kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Hệ thống Starlink của SpaceX đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine chống lại các lực lượng của Nga. Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk cho biết nếu Nga và Trung Quốc cố gắng “phá hủy” vệ tinh Starlink thì sẽ không dễ dàng.

    Khi Nga xâm lược Ukraine, bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov đã yêu cầu ông Musk giúp đỡ về hệ thống Starlink và Musk đã nhanh chóng đáp lại.

    Tờ Business Insider ngày 27/3 đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với Mathias Döpfner, Giám đốc điều hành của công ty mẹ Axel Springer của Insider, ông Musk đã thảo luận về việc Nga xâm lược Ukraine. Khi được hỏi liệu có mối đe dọa tiềm tàng nếu vệ tinh Starlink là mục tiêu tấn công của Trung Quốc và Nga hay không, ông Musk nói: “Trong bối cảnh xung đột này, thật thú vị khi quan sát việc phản đối của Nga cách đây vài tháng.”

    Ông nói thêm: “Nó đã gây ra nhiều xung đột cho các nhà khai thác vệ tinh và thậm chí là một số nguy hiểm cho Trạm vũ trụ (Quốc tế), nơi có các phi hành gia của Nga”.

    Hệ thống vệ tinh Starlink của Musk đang giúp lực lượng máy bay không người lái tinh nhuệ của Ukraine tiêu diệt vũ khí của Nga. Hệ thống bảo đảm rằng nhóm máy bay không người lái có thể hoạt động ngay cả trong trường hợp ngắt kết nối Internet.

    Tuy nhiên, ông Musk cảnh báo người dùng Starlink ở Ukraine rằng họ nên sử dụng hệ thống “chỉ khi cần thiết” vì nó có thể bị nhắm mục tiêu trong cuộc chiến.

    Tuy nhiên ông Musk cũng nói rằng việc phá hủy vệ tinh Starlink sẽ là một thách thức. Ông nói: “Nếu bạn cố gắng phá hủy Starlink thì không dễ vì có tới 2.000 vệ tinh. Điều đó có nghĩa là cần rất nhiều tên lửa chống vệ tinh. Tôi hy vọng chúng tôi không phải thử nghiệm điều này, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang phóng vệ tinh nhanh hơn mức mà họ (Trung Quốc và Nga) có thể phóng tên lửa chống vệ tinh.”

    “Starlink” là một kế hoạch dịch vụ vệ tinh băng thông rộng của SpaceX. Bằng cách triển khai một chòm sao vệ tinh khổng lồ gồm 12.000 vệ tinh trên các quỹ đạo định trước phía trên trái đất, bao gồm 1.584 vệ tinh được triển khai trên các quỹ đạo thấp của Trái đất, xây dựng một mạng lưới dịch vụ Internet phủ sóng toàn cầu. Công trình dự kiến triển khai từ năm 2019 đến năm 2024, với các dịch vụ đã bắt đầu ở một số khu vực vào năm 2020.

    Kể từ khi quân đội Nga xâm lược, Internet của Ukraine luôn không bị chặn, và video của các quan chức như Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã được phát đi toàn thế giới, hiệu ứng công khai thật đáng kinh ngạc.

    Trong vòng 48 giờ sau khi khai trương dịch vụ Starlink ở Ukraine, các xe tải chở thiết bị đầu cuối của Starlink như máy thu vệ tinh đã đến đó, cũng như cung cấp các bộ điều hợp cho phép chúng được cung cấp năng lượng bằng cách kết nối với thiết bị sạc trên xe hoặc bộ pin, cũng như thiết bị di động chức năng “chuyển vùng”.

    Ứng dụng Starlink không chỉ trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Ukraine vào ngày 13 tháng 3 mà hơn 100.000 người ở quốc gia này đang sử dụng liên kết và tính hữu ích của nó đối với quân đội ngày càng trở nên rõ ràng.

    Ông Fedorov cho biết Ukraine hiện có tỷ lệ phủ sóng băng thông rộng là 90%, khi mất điện trên diện rộng, ở những địa điểm quá xa hoặc để duy trì hoạt động của các cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, Starlink có thể rất hữu ích.

    Trong trường hợp mạng Internet của Ukraine bị đứt hàng loạt, “máy bay chiến đấu không người lái” của Ukraine Aerorozvidka vẫn có thể sử dụng thiết bị đầu cuối di động Starlink để gửi tín hiệu đến căn cứ của họ và sử dụng các trạm mặt đất ở các nước láng giềng như Ba Lan.

    Trong một cuộc phỏng vấn với Döpfner, ông Musk nói rằng hành vi hiếu chiến của Tổng thống Nga Putin phải được chấm dứt. “Tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ đang làm nhiều hơn những gì mọi người có thể nhận ra. Nhưng nó không công khai lắm”, ông nói.

    Ông nói thêm, “Chúng ta không thể để Putin tiếp quản Ukraine. Điều đó thật điên rồ”.

    Tổng thống Ukraine trả lời phỏng vấn The Economist

    Volodymyr Zelensky tỏ ra gay gắt khi đánh giá về cách Vladimir Putin đối xử với binh lính của mình. Tổng thống Nga, ông nói, “đang ném những người lính Nga như những khúc gỗ vào lò đốt của xe lửa. Họ thậm chí chẳng buồn chôn cất tử sĩ.”

    Phát biểu với The Economist tại Kyiv vào ngày 25 tháng 3, ông Zelensky nói rằng không ai sẵn sàng cho cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nó đã xảy ra, và sẽ chỉ có một kết quả mà thôi. “Chúng tôi tin vào chiến thắng. Không thể tin vào bất cứ điều gì khác.” Đối với ông Zelensky, điều đó có nghĩa là “cứu nhiều mạng sống nhất có thể.” Ông nói đất đai rất quan trọng – “nhưng cuối cùng nó cũng chỉ là lãnh thổ.”

    Ông Zelensky đưa ra quan điểm đa dạng về cách phương Tây phản ứng trước cuộc xâm lược của Nga. Ông nói: “Nước Anh chắc chắn đứng về phía chúng tôi. Nước Đức đang “mắc sai lầm” với sự thực dụng của mình. Còn Mỹ đang tiến “chậm hơn một chút so với mức độ chúng tôi cần.” Không ai cung cấp các thiết bị quân sự mà ông yêu cầu – “máy bay, xe bọc thép và xe tăng.” Các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng không nghiêm khắc như ông muốn.

    Để đạt được hòa bình, ông Zelensky nhất quyết phải có đàm phán với Vladimir Putin. Ông nói: “Có một vấn đề và chúng tôi phải giải quyết nó một cách cụ thể.” Nhưng ông không sẵn sàng nhượng bộ. “Chúng tôi không thể thỏa hiệp về mọi thứ. Phải hiểu rằng Ukraine là tổ quốc của chúng tôi.”

    Đức nhượng bộ trước áp lực kêu gọi cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga

    Đức nhập một nửa lượng khí đốt, hơn một nửa lượng than và khoảng một phần ba lượng dầu từ Nga, một nguồn cung cấp đáng tin cậy suốt ba thập niên qua. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã biến mối quan hệ làm ăn một chiều này thành vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

    Mặc dù Đức phải chịu áp lực lớn từ các đồng minh phương Tây, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck vẫn khẳng định Berlin không thể cấm vận năng lượng Nga ngay lập tức vì chi phí cho doanh nghiệp cũng như người dân là quá lớn. Nhưng ông cũng thông báo vào tuần trước là Đức có kế hoạch chấm dứt hầu như toàn bộ nhập khẩu dầu từ Nga trong năm nay và cắt phần lớn khí đốt Nga cho đến mùa hè năm 2024. Nước này đang xây dựng hai kho tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng và đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Dẫu vậy loại bỏ năng lượng từ Nga sẽ là một thử thách lớn cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

    Philippines và Mỹ sắp tập trận lớn nhất từ trước tới nay

    Vào thứ Hai quân đội Philippines và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung hàng năm, năm nay có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Quy mô lần này là minh chứng cho thấy liên minh quân sự giữa hai nước bền vững ra sao sau các chính sách khó đoán của tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte về vấn đề Biển Đông, nơi Philippines và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền và là nơi Mỹ bảo vệ sườn phía nam của Đài Loan.

    Ông Duterte liên tục tán tỉnh Trung Quốc. Ông không lên tiếng về các yêu sách của Philippines trong vùng biển tranh chấp, miễn là hành động xâm phạm quân sự của Trung Quốc được hạn chế. Và ông cũng nói bóng gió khả năng làm tê liệt liên minh Mỹ-Philippines bằng cách không cho quân Mỹ đóng ở Philippines – nhưng miễn là Trung Quốc cung cấp vắc-xin covid-19 cho nước ông. Chính sách này thật ra có hiệu quả: ông Duterte ngăn được các động thái xâm phạm của Trung Quốc trong khi đẩy lùi được đại dịch trong nước. Tuy nhiên, Mỹ đã tìm cách lôi kéo Philippines trở lại khi tuyên bố rõ ràng cam kết của họ đối với an ninh của Philippines. Người kế nhiệm tiềm năng nhất của ông Duterte, Ferdinand “Bongbong” Marcos, có thể sẽ triển khai một chiến thuật tương tự để duy trì quan hệ với cả hai siêu cường.

    Rắc rối tiến trình phê chuẩn thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ

    Vào thứ Hai Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ xem xét đề cử thẩm phán Ketanji Brown Jackson làm thẩm phán thứ 116 của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Tại phiên điều trần kéo dài 4 ngày vào tuần trước, 11 thành viên đảng Dân chủ của ủy ban đã tiếp đón bà Jackson một cách nồng nhiệt trong khi 11 thành viên đảng Cộng hòa đặt các câu hỏi khó nhằn và đôi khi thù địch với bà.

    Nếu hôm nay các thành viên ủy ban không đồng ý xem xét, cuộc bỏ phiếu sẽ phải dời một tuần. Nếu không có đảng viên Cộng hòa nào ủng hộ bà, ủy ban vẫn có thể gửi đề cử của bà tới Thượng viện mà không cần phải xác nhận. (Điều này xảy ra vào năm 1991 khi ủy ban không thể thông qua đề cử Clarence Thomas.) Và nếu phe Cộng hòa từ chối, thì phe Dân chủ vẫn có thể áp đặt một cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện trước ngày 8 tháng 4.

    Khi vấn đề đã nằm trong tay tất cả 100 thượng nghị sĩ, một số nhân vật Cộng hòa dự kiến ​​sẽ ủng hộ bà Jackson. Nhưng dù sao thì phó tổng thống Kamala Harris vẫn luôn có thể bỏ lá phiếu thứ 51 để phá thế bế tắc và phê chuẩn bà Jackson.

    Phong trào công đoàn ở Amazon lại nổi lên

    Năm ngoái các công nhân đã vận động thành lập công đoàn tại một nhà kho của Amazon ở Bessemer, Alabama. Họ thất bại trong cuộc bỏ phiếu, nhưng Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) nói Amazon đã can thiệp vào cuộc bỏ phiếu và ra lệnh bỏ phiếu lại. Vào thứ Hai, NLRB sẽ bắt đầu kiểm phiếu. Và hai ngày sau, các công nhân ở một nhà kho khác tại New York sẽ hoàn thành các nỗ lực công đoàn của riêng họ. Các quan chức có thể mất nhiều ngày để kiểm phiếu tại đây.

    Các chiến dịch tập trung vào điều kiện làm việc, chẳng hạn như thời gian đi vệ sinh ngắn và tốc độ làm việc, hơn là về tiền lương: nhiều công nhân ở Alabama cho biết họ làm ở Amazon vì mức lương tốt. Hai xu hướng chung cũng đóng vai trò ở đây. Đầu tiên là sự mở rộng không ngừng các mạng lưới hậu cần của Amazon, khiến công ty cần thêm nhiều nhân công. Thứ hai là sự hồi sinh của phong trào công đoàn. Mặc dù số thành viên công đoàn vẫn thấp trên cả nước do thị trường lao động thắt chặt, Mỹ đã chứng kiến ​​một làn sóng đình công và phong trào công đoàn trong đại dịch. Các chiến dịch ở Amazon rất khó thành công – nỗ lực đầu tiên ở Bessemer đã bị đánh bại dễ dàng – nhưng bất kỳ thành công nào cũng có thể thúc đẩy người lao động ở những nơi khác thành lập công đoàn.

    Trung Quốc cảnh báo Mỹ về việc thành lập “NATO Ấn Độ – Thái Bình Dương”

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/03/my-muon-cung-an-do-nhat-uc-tao-lien-minh-nato-thai-binh-duong-doi-pho-trung-quoc.jpg

    Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc tìm cách đổ lỗi cho Mỹ về việc xây dựng đồng minh ở châu Á, nói rằng nó mở ra những nguy cơ của xung đột hiện hữu.

    Quyết định của ban lãnh đạo Trung Quốc đứng về phía Nga được đưa ra từ trước khi Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2. Các quan chức tại Bắc Kinh đồng cảm với nỗi bất bình của Moscow về phương Tây khi Trung Quốc nhận thấy một nỗ lực ngăn chặn tương tự do Mỹ dẫn đầu đang diễn ra xung quanh.

    Từ quan điểm của Trung Quốc, một cuộc tranh chấp biên giới đất liền với Ấn Độ cũng như các cuộc tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ với nửa tá láng giềng – trong số họ có các đồng minh hiệp ước của Mỹ – đang trong tầm kiểm soát. Bắc Kinh rất muốn giữ nguyên tình trạng như vậy.

    Trong một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tháng 9/2021, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói đất nước ông “đã không và sẽ không bao giờ là đối thủ cạnh tranh của NATO.” Ông nói khối quân sự “nên tôn trọng định vị địa lý căn bản, một kiểu nói tránh để yêu cầu NATO tránh xa châu Á.

    Hồi cuối tuần trước, Le Yucheng (Lạc Ngọc Thành) – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dùng cuộc chiến tranh ở Ukraine như một câu chuyện cảnh giác về điều Trung Quốc gọi là “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Đối với Bắc Kinh, cuộc xâm lược của Nga đã trở thành phương cách hoàn hảo để cho Washington thấy rằng các căng thẳng địa chính trị có thể dẫn tới một cuộc chiến nóng bỏng.

    Tại một diễn đàn do Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh tổ chức hôm thứ Bảy, Le nói “điều vô cùng đau buồn là ‘ngọn lửa chiến tranh’ đã nhóm lên tại lục địa châu Âu. Quan trọng hơn, [nó] phải nhắc nhở chúng ta suy nghĩ một cách sâu xa. Nguyên nhân cội rễ nằm ở tâm lý Chiến tranh Lạnh và nền chính trị sức mạnh.”

    Vị quan chức cho rằng “Cuộc khủng hoảng Ukraine đem tới cho chúng ta một tấm gương để xem xét tình tình ở châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi, chúng ta có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như thế này xảy ra tại châu Á – Thái Bình Dương như thế nào. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một lời cảnh báo nghiêm khắc.”

    Le tiếp tục lên án sự dính líu của Mỹ ở châu Á với việc thắt chặt liên minh quốc phòng chủ chốt với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Ông cũng cảnh báo đề phòng những liên minh “tiểu đa phương” như nhóm an ninh Bộ Tứ giữa Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản và hiệp ước AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc.

    “Chống lại xu hướng để theo đuổi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, gây rắc rối, tập hợp bè phái hoặc các nhóm khép kín hoặc riêng biệt, và đẩy khu vực đi chệch phương hướng dẫn tới phân mảnh và chia rẽ cũng nguy hiểm như chiến lược mở rộng về phía đông của NATO ở châu Âu,” ông Le tiếp tục.

    “Nếu cho phép tiếp tục không bị kiểm soát, nó sẽ dẫn đến những hậu quả không tưởng tượng được, và cuối cùng đẩy châu Á – Thái Bình Dương đến bờ vực của địa ngục,” ông Le nói. Nhận xét của ông cũng nhằm vào các nước láng giềng của Trung Quốc, rằng nên theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập không dựa vào Washington, mà nên dựa vào Bắc Kinh.

    Một ngày sau sự kiện của ông Le, nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, lặp lại nhiều quan điểm của ông trong một bài xã luận nhan đề: “Kéo bè cánh để phá vỡ hoà bình và an ninh khu vực – xem xét vai trò đê tiện của Mỹ trên trường quốc tế từ viễn cảnh của cuộc khủng hoảng Ukraine.”

    Giống như Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, bài báo của một tác giả ký bút danh đổ lỗi cuộc chiến ở Ukraine cho sự mở rộng của NATO tới “ngưỡng cửa của nước Nga.” Bài báo cho rằng Mỹ phạm tội tại châu Á khi củng cố liên minh tình báo Ngũ Nhãn, thúc đẩy Bộ Tứ, hình thành AUKUS, và hồi sinh các hiệp ước quốc phòng song phương trong cái được gọi là tổ chức “5, 4, 3, 2 của Mỹ.”

    “Mục tiêu thực sự của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương là tạo ra một phiên bản NATO Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm duy trì hệ thống thống trị cho Mỹ lãnh đạo,” bài báo tuyên bố.

    Tác giả kết luận, “Ở đây, tôi muốn khuyên Mỹ không bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh và các định kiến ý thức hệ. Người nào nhìn lại bản thân sớm nhất có thể sẽ là một động thái khôn ngoan, hoặc nếu không sẽ chịu thất bại nhục nhã.”

    Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, những người theo dõi Trung Quốc nhận thấy nước này ngày càng sẵn sàng chấp nhận rủi ro địa chính trị như: xung đột với Ấn Độ tại Himalaya, quân sự hoá nhiều đảo ở biển Đông và thách thức trật tự khu vực hậu thế chiến được gìn giữ bởi hơn bảy thập kỷ can dự của Mỹ.

    Không phải tất các các chính phủ ở châu Á đều nhìn Washington theo cùng lăng kính như Trung Quốc. Có những nước, như Singapore, coi Mỹ là sự hiện diện giữ ổn định tối đa trong khu vực.

    Ngân Hà (theo Newsweek)

    Điện ảnh : Cú tát tai làm lu mờ bảng vàng lễ trao giải Oscar 2022

    Đăng ngày: 28/3/2022 

    Will Smith (P) tát Chris Rock trên sân khấu trong lễ trao giải Oscar lần thứ 94, Hollywood, Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 27/03/2022. REUTERS - BRIAN SNYDER 

    Lễ trao giả Oscar lần thứ 94 diễn ra đêm 27/03/2022 đã dành một phút mặc niệm cho nạn nhân chiến tranh Ukraina, vinh danh nữ đạo diễn Jane Campion và CODA đại thắng với ba giải thưởng cao quý nhất của làng điện ảnh Hoa Kỳ. Phim ngoại quốc xuất sắc nhất về tay đạo diễn Nhật Bản Ryusuke Hamaguchi. 

    Nhưng mọi chú ý lại dồn về phía nam tài tử Mỹ Will Smith : trên sân khấu, Smith đã "tặng" cho nam diễn viên Chris Rock một cái tát tai. Sự cố đó thu hút chú ý công luận lấn át luôn cả bảng vàng Oscar 2022.

    Thông tín viên đài RFI từ Los Angeles, Loic Pialat cho tường thuật :

    Nam diễn viên Chris Rock diễu cợt về cái đầu trọc của Jada Pinkett –Smith. Thế là chồng cô, Will Smith lên sân khấu giáng cho Chris một cú tát. Cử tọa ngỡ rằng đó là một màn diễu cợt. Nhưng đó là một vố tát thực sự và khi Chris Rock tìm cách gỡ gạc cứu vãn tình thế thì Will Smith, người có tiếng là dễ mến và có máu hài hước, đã bồi thêm. Anh hét to « Cậu không được xúc phạm nhắc đến tên của vợ tôi ». Khán giả khó xử. Vài phút sau, diễn viện Will Smith được trao tặng giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp nhờ thủ vai Richard Williams, bố của hai nhà vô địch quần vợt nữ Serena và Venus. Will bật khóc và xin lỗi ban tổ chức. Anh nói Richard Williams bảo vệ gia đình ông với tất cả bầu nhiệt huyết. Trong giới điện ảnh, người ta phải chấp nhận khi bị xúc phạm, phải biết cười, phải biết giả vờ là bạn không bị tổn thương. Tôi xin lỗi ban tổ chức Oscar và đồng nghiệp. Tình yêu làm người ta điên loạn ».

    Nhìn đến bảng vàng năm nay, ngôi sao màn bạc Jesssica Chastin đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất nhờ thủ vai Tammy Faye, một nhà truyền giáo trên màn ảnh nhỏ giàu lòng bác ái nhưng lúc nào cũng xuất hiện dưới một lớp vỏ hóa trang đến lố bịch. Philippe Rousselet, nhà sản xuất phim Coda, dựng lại từ một bộ phim Pháp Gia Đình Bélier, nhận giải thưởng dành cho bộ phim hay nhất. Đây là một sự bất ngờ vì phim này được hệ thống truyền hình Apple TV mua lại với cái giá cỏn con 25 triệu đô la. Nhưng phim lại thành công vượt trội trong những tuần lễ vừa qua. Những buổi lễ trao giải Oscar gần đây không để lại nhiều kỷ niệm gây ấn tượng. Lễ trao giải lần thứ 94 năm nay thì khác.

    Bảng vàng Oscar 2022 :

    CODA đoạt ba giải Oscar dành cho bộ phim hay nhất, kịch bản và nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Jane Campion, nữ đạo diễn người New Zealand được vinh danh với tác phẩm The Power of the Dog.

    Will Smith đi vào lịch sử Oscar nhờ phim về cuộc đời của thân phụ hai ngôi sao quần vợt nữ người Mỹ Serena và Venus Williams. Bộ phim nước ngoài thu hút ban giám khảo là Drive My Car của Nhật Bản.

    Mỹ và Philippines bắt đầu tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay

    Đăng ngày: 28/3/2022 

    Tướng Mỹ Jay Bargeron, chỉ huy cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Phi Balikatan, phát biểu trong một cuộc họp báo tại doanh trại Aguinaldo, Manila, Philippines, ngày 28/03/2022. REUTERS - LISA MARIE DAVID 

    Hoa Kỳ và Philippines, hôm nay, 28/03/2022, khởi động đợt tập trận chung lớn nhất chưa từng có. Sự kiện báo hiệu mối quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa hai nước trong bối cảnh những căng thẳng mới xuất hiện ở vùng Biển Đông nơi có nhiều tranh chấp.  

    Sau nhiều lần bị hủy hay phải giảm thiểu quy mô do đại dịch virus corona kéo dài từ hai năm, cuộc tập trận lớn Mỹ - Philippines năm nay, có tên gọi Balikatan, huy động đến 9.000 binh sĩ của hai nước, và kéo dài trong vòng 12 ngày tại đảo Luçon, hòn đảo lớn nhất nước.  

    Nội dung các bài diễn tập rất phong phú như đổ bộ, tập trận bắn đạn thật, các vấn đề an ninh hàng hải, cuộc chiến chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ cứu nạn khi có thảm họa. Và nhất là cuộc tập trận còn chú trọng vào khả năng xảy ra một cuộc xung đột tiềm tàng trên vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền hầu như trên toàn bộ diện tích.  

    Theo lãnh đạo quân đội Philippines, tướng Andres Centino, chiến dịch quân sự này minh chứng cho « sự thắt chặt quan hệ đồng minh » giữa hai nước. Còn theo tướng Mỹ, Jay Bargeron, sự kiện khẳng định « tình hữu nghị và niềm tin » giữa quân đội hai nước, sẽ cho phép đôi bên « thành công các chiến dịch quân sự ». 

    AFP lưu ý, đây là đợt tập trận chung cuối cùng dưới nhiệm kỳ tổng thống Rodrigo Duterte. Khi lên cầm quyền năm 2016, tổng thống sắp mãn nhiệm đã tìm cách xích lại gần với Trung Quốc. Tháng 02/2020, nguyên thủ Philippines thông báo ý định chấm dứt hiệp ước « Thỏa thuận Thăm Viếng Giữa Các Lực Lượng » (VFA – Visiting Forces Agreement), một khuôn khổ pháp lý cho phép sự hiện diện của lính Mỹ tại Philippines và tổ chức các cuộc tập trận chung. 

    Tuy nhiên, ý định của ông Duterte vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công luận Philippines và nỗi lo lắng của quân đội, tỏ ra nghi ngờ những tham vọng của Bắc Kinh tại những vùng biển được cho là giầu nguồn tài nguyên thiên nhiên này.  

    Hãng tin Pháp nhắc lại, tháng 7/2021, tổng thống Duterte buộc phải từ bỏ ý định trên vào lúc căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông lại bùng lên sau việc phát hiện hồi đầu năm 2021, hàng trăm tầu Trung Quốc neo đậu tại một bãi đá ngầm ngoài khơi Philippines.


    Không có nhận xét nào