Header Ads

  • Breaking News

    Trận An Lộc Phần 3

    Gồm 5 phần

    Posted on March 4, 2013 by Lê Thy 

    anloc_newfrontcover

    1- SO SÁNH TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ TRẬN AN LỘC
    2- AN LỘC: TRẬN VERDUN CỦA VIỆT NAM

    o O o

    – 1 –
    SO SÁNH TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ TRẬN AN LỘC

    MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC CỦA CẢ HAI TRẬN ĐÁNH:

    Nhiều bình luận gia Quân Sự có nhận định, cả hai trận chiến Điện Biên Phủ và An Lộc đều có tầm vóc “chiến lược” và “chiến thuật”, được lượng định vào kết quả của trận chiến, để giành phần thắng lợi trên bàn Hội Nghị Genève của trận Điện Biên Phủ vào năm 1954, và Hội Đàm Paris của trận An Lộc vào năm 1972.

    Thật vậy, trong suốt 30 năm của cuộc chiến tranh Việt Nam, đã xảy ra hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ giữa Quân Đội Viễn Chinh Pháp và lực lượng vũ trang Việt Minh, có sự trợ lực của Quân Đội Trung Cộng, giữa Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Bộ Đội Cộng Sản Bắc Việt. Nhưng duy nhất chỉ có hai trận đánh khốc liệt và gay go nhất, có tầm vóc quyết định có tính cách chiến lược, có ảnh hưởng đến phương diện chính trị, do kết quả “THẮNG” “BẠI” của chiến trường, đó là trận Điện Biên Phủ xảy ra vào năm 1954, và trận An Lộc xảy ra vào năm 1972.

    A- TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954: 

    Trận Điện Biên Phủ được xem như khởi đầu vào ngày 13 tháng 03 năm 1954, sau gần hai tháng tranh hùng giữa Quân Đội Viễn Chinh Pháp và lực lượng Việt Minh, có nhiều đơn vị chuyên môn của Hồng Quân Trung Cộng tiếp sức, được kết thúc vào vào ngày 07 tháng 05 năm 1954, sau 55 ngày ác chiến, và khi Tướng De Castries của Pháp bị Việt Minh bắt sống, cùng toàn bộ Tham Mưu và gần 12,000 binh sĩ dưới quyền buông súng đầu hàng và bị bắt làm tù binh.

    * Địa thế của Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng, nằm về phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, Bắc Việt, có chiều dài 18 cây số, và chiều rộng từ 6 đến 8 cây số, được xem như là một thung lũng rộng nhất và đông dân cư nhất trong 4 khu vực đồng bằng Tây Bắc, Bắc Việt, nằm sát biên thuỳ Lào Việt, và nằm trên giao lộ của những con đường nối liền: Lai Châu về phía Tây Bắc, Tuần Giao, Sơn La, và Na Sản về phía Đông Nam, Luang Prabang ở phía Tây và Sầm Nứa ở phía Nam.

    * Quân Pháp coi Điện Biên Phủ như là một vị trí chiến lược tối quan trọng, nằm giữa Bắc Việt, Thựợng Lào, và Hoa Nam, là một căn cứ có thể dùng làm bàn đạp cho Bộ Binh và Không Quân làm nơi phát xuất binh lực viễn chinh của Pháp tiến qua Lào và các vùng sát biên thùy Hoa Nam (1).

    * Căn cứ Điện Biên Phủ, được Đại Tướng Henri Navarre của Pháp thiết lập và củng cố, với mục đích là “dụ” cho quân Việt Minh xuất hiện và tập trung lại đông đủ để tiêu diệt một lần cho xong, để kết thúc những trận đánh lẻ tẻ khác trên toàn vùng lãnh thổ Bắc Việt, vốn làm tiêu hao nhiều sinh lực của Quân Đội Viễn Chinh Pháp lúc bấy giờ. Được Đại Tướng Võ Nguyên Giáp của lực lượng Việt Minh cùng một số Tướng Lãnh cao cấp khác của Trung Cộng nằm trong phái bộ CMAG (Chinese Military Advisory Group), do bộ phận chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc gửi qua Việt Nam để “chỉ đạo” trận chiến. Bộ tham mưu Cộng Đảng đồng tình chấp nhận trận thư hùng, vì sau bao ngày tháng chiến tranh, lực lượng Việt Minh cũng đã quá nhiều mệt mỏi và tổn hao tiềm lực, nhân lúc được Hồng Quân Trung Cộng tiếp sức, Tướng Võ Nguyên Giáp cũng muốn có một trận đánh có tầm vóc quyết định cho xong, và sự thắng bại của trận chiến, sẽ kéo theo sự chấm dứt chiến tranh Việt Nam sau đó, mà Võ Nguyên Giáp và các Tướng Lãnh Trung Cộng nghĩ rằng “phần thắng” sẽ ngã về phía bên họ, bởi hai lý do: a/ Có đoàn chuyên viên “công binh cơ động” đào giao thông hào, các Sư Đoàn quân Chủ Lực của Việt Minh được Trung Cộng trang bị vũ khí mới, được tăng cường cho một Sư Đoàn pháo binh 105 ly nòng ngắn và nhiều quân dụng khác, b/ Phong trào “phản chiến” tại nước Pháp đang hồi bùng dậy.

    * Phía bên Việt Minh nghĩ rằng, sau khi thắng được trận Điện Biên Phủ, thì Quân Đội Pháp phải rút ra khỏi Việt Nam, và trao hết lãnh thổ Việt Nam cho Việt Minh quản trị từ Bắc tới Nam. Nhưng thực tế, căn cứ vào những điều khoản được ghi trong hiệp định Genève, giữa Pháp và Việt Minh, được ký kết ngày 20 tháng 07 năm 1954, phần Việt Minh chỉ nuốt được có phân nửa lãnh thổ nước Việt Nam mà thôi, cắt ngang qua vĩ tuyến 17 về phía Bắc, ngang qua Thủ Đô Hà Nội đến Ải Nam Quan, còn lại phân nửa từ Sông Bến Hải trở về phía Nam, xuyên qua Cố Đô Huế, đến Sài Gòn tận đến Mũi Cà Mâu, vẫn còn thuộc quyền thể chế Quốc Gia do Hoàng Đế Bảo Đại làm Quốc Trưởng, và còn dự trù phải chờ thêm hai năm nữa mới có cuộc tổng tuyển cử thống nhất giữa hai Miền Nam Bắc. Việc nầy có sử gia nhận định rằng “Việt Minh thắng được trận Điện Biên Phủ, nhưng lại thua đau ở Hiệp Định Genève”, bởi quan thầy Trung Cộng cố tình “chận họng” đứa học trò Việt Minh, không cho nuốt hết trọn vẹn một lần Nước Việt Nam.

    * Về Quân Lực Pháp có mặt tại trận Điện Biên Phủ vào lúc thời đầu trận chiến có 16 Tiểu Đoàn Bộ Binh và 7 Đại Đội biệt lập, khi trận chiến đang tiếp diễn, quân Pháp được tăng cường thêm 5 Tiểu Đoàn quân thiện chiến Nhảy Dù, nâng tổng số quân sĩ lên đến 18.272 chiến sĩ (Pháp, Việt Nam, Hờ Mông), thêm 3 Tiểu Đoàn Pháo Binh, đặt tại hai cứ điểm Mường Thanh và Gabrielle, một Chi Đoàn thiết giáp, một đơn vị chuyển vận 200 xe, một Phi Đoàn gồm 14 Chiến Đấu Cơ, thường trực có mặt tại hai phi trường Mường Thanh (chánh), và Isabelle (phụ). Tổng cộng có 21,290 quân sĩ. 

    * Lực lượng phòng thủ nầy chiếm đóng một vòng lòng chảo bố phòng cẩn mật, gồm một khu trung tâm chỉ huy và 3 khu phụ coi như các Chi Khu bao bọc vây quanh một Tiểu Khu, giống như theo quan niệm bố phòng của Quân Lực Viêt Nam Cộng Hoà sau nầỵ Chi Khu Isabelle trấn giữ trọng điểm phía Nam, Chi Khu Gabrielle trấn giữ căn cứ phía Bắc, Chi Khu Béatrice trấn giữ khu cao thế phía Đông, có thể yểm trợ lẫn nhau, và gồm có tất cả 49 yếu điểm bố phòng, mỗi yếu điểm bố phòng, ngoài lực lượng phòng thủ cơ hữu, còn có nhiều trung tâm kháng cự khác nhau, được bảo vệ bởi những lực lượng lưu động có Pháo Binh yểm trợ khi lâm chiến, những lực lượng lưu động này còn được phòng vệ bằng những giao thông hào, với nhiều vòng kẽm gai và mìn bẫy, khi rút về được biến thành trong tư thế phòng thủ. 

    * Khu vực mạnh và quan trọng nhất là khu vực Trung Ương (Tiểu Khu), được đặt ngay giữa lòng cứ điểm Muờng Thanh, coi như thủ phủ của toàn thể khu lòng chảo, gồm 2/3 lực lượng phòng thủ của Quân Đội Pháp được tập trung tại khu vực nầy. Có 8 Tiểu Đoàn Bộ Binh và Lính Nhảy Dù (5 Tiểu Đoàn Bộ Binh cơ hữu dùng cho việc trấn thủ vòng đai xung quanh khu Trung Ương và 3 Tiểu Đoàn Quân Nhảy Dù thiện chiến nhất của Quân Lực Pháp lúc bấy giờ, làm lực lượng phản kích lưu động). Xung quanh khu Trung Ương, còn được bảo vệ bằng những ngọn đồi A 1, B 1, C 1, D 1, E 1, được các Đại Đội Bộ Binh biệt lập bao phòng dầy đặc. Tất cả hệ thống bố phòng của các cứ điểm và yếu điểm đều nằm trong tầm Pháo Binh yểm trợ hổ tương cho nhau, rất là chính xác. Ngoài ra còn có một lực lượng Thiết Giáp cơ động, sẵn sàng xâm nhập tiêu diệt những điểm tập trung quân địch xuất hiện cận kề. Với 2 sân bay Mường Thanh và Isabelle, hàng ngày thực hiện trên 100 chuyến bay, cung cấp từ 200 đến 300 tấn tiếp liệu, hoặc thả dù từ 100 đến 150 tấn hàng tiếp tế đủ loại, cộng thêm các thám thính cơ trinh sát và Phi Đoàn chiến đấu cơ bay thường trực 24/24 tiếng đồng hồ để oanh tạc vào những ổ pháo và phòng không của Việt Minh đặt trong các hang núi hoặc những nơi được ghi nhận có số lượng quan trọng của địch xuất hiện và yểm trợ cho các đơn vị Bộ Binh bên dưới khi có yêu cầu.

    Tóm lại, Tướng Navarre rất tin tưởng nơi các đơn vị thiện chiến của Quân Đội Pháp đang có mặt tại trận địa Điện Biên Phủ, và có quan niệm “chủ quan” là căn cứ nầy không bao giờ bị thất thủ trước lực lượng Việt Minh lúc bấy giờ. Ông không ngờ rằng ngoài 4 Sư Đoàn của lực lượng Việt Minh (Sư Đoàn 316, 358, 308, 312) với vũ khí thô sơ, đã được Trung Cộng tân trang thay thế. Lực Lượng Việt Minh còn nhận được nhiều vũ khí tối tân của Trung Cộng như Đại Bác 75 ly không giật, súng cối 90 ly và 120 ly, thêm 1 Sư Đoàn Pháo Binh nòng ngắn 105 ly (loại nhẹ để dễ bề kéo lên thiết trí trong các hang núi), một đoàn chuyên viên công binh chiến đấu (khoảng 3,000), có máy đào “giao thông hào” tiếp cận đến giáp tuyến phòng ngự của quân trú phòng Pháp, bên cạnh còn có một lực lượng của Hồng Quân Trung Quốc (không rõ số đơn vị) tiếp sức tham chiến.

    Tại chiến trường Điện Biên Phủ, các Tướng Lãnh chỉ đạo Trung Quốc quyết định cho áp dụng chiến thuật “biển người” (bằng xương máu của lính Việt Minh), theo quan điểm “tập trung lực lượng” vào một nơi để tấn công tràn ngập quân Pháp, từng nơi một, tập trung hỏa lực Pháo tối đa, theo chiến thuật ”bịt pháo công đồn”, điều nghiên thật chính xác, chắc ăn mới đánh, không nắm chắc phần thắng không đánh (2).

    Chiếu theo tài liệu, với 18,272 quân sĩ thuộc Quân Đội Liên Hiệp Pháp phải đương đầu với khoảng 65,000 liên quân của Việt Minh và Trung Cộng, và chỉ trong vòng có 55 ngày thì bị “thất thủ”, vào ngày 07 tháng 05 năm 1954. (xem sơ đồ số 16 )

    anloc_phan2-1

    Tổng kết tổn thất đôi bên:

    Quân Liên Hiệp Pháp: 11,716 thương vong: (2,747 tử thương, 7,240 bị thương, 1,729 mất tích) . 11,800 bị bắt làm tù binh.

    Ghi Chú:

    Trong số 11,800 tù binh của Quân Đội Liên Hiệp Pháp, sau hiệp định Genève, (ngày 20 tháng 07 năm 1954) “tù binh” Pháp đã CHẾT mất đến 7,537 chiến sĩ, chỉ còn lại 4,263 chiến sĩ được trao đổi trong tình trạng suy yếu và bệnh tật.

    Liên Quân Việt Minh & Trung Cộng: 13,930 thương vong: (4,020 tử thương, 9,118 bị thương, 792 mất tích).

    B- TRẬN AN LỘC NĂM 1972

    Sau 18 năm từ ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Minh đã chiếm lĩnh toàn bộ lãnh thổ Miền Bắc, đã hình thành chế độ Cộng Sản Miền Bắc, lấy tên Nước là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” sau 1975 đổi lại “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Các lãnh tụ Miền Bắc lúc nào cũng có tham vọng xăm lăng và thôn tính Miền Nam của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà, điển hình qua trận “Tết Mậu Thân” năm 1968, và “ Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, sau cùng là Tháng Tư Đen năm 1975.

    An Lộc là Thị Trấn của Tỉnh Lỵ Bình Long, được bao bọc bởi 3 Chi Khu = Quận: Quận Lộc Ninh ở phía Bắc, Quận châu thành An Lộc (Tỉnh=Tiểu Khu) ở trung tâm, Quận Chơn Thành ở phía Nam. Tất cả đều nằm dọc theo Quốc Lộ 13, chạy dài từ phía Bắc giáp giới với nước Cambodia, Nam giáp với Tỉnh Bình Dương, Tây giáp ranh Tỉnh Tây Ninh, Đông giáp ranh Tỉnh Phước Long Việt Nam Cộng Hoà.

    Thị Trấn An lộc có chiều dài khoảng hơn 2 cây số và chiều ngang khoảng hơn 1 cây số ½. Tính trung bình diện tích vào khoảng 4 cây số vuông. Xung quanh An lộc còn có những cao thế như: Phi Trường Quản Lợi ở phía Đông, Đồi Gíó & Đồi 169 phía Tây Nam, Đồi 100 và Đồi Đồng Long ở phía Tây Bắc và chánh Bắc. Đó là nhũng cao điểm bao vây xung quanh Thị Trấn An lộc, Quân Cộng Sản Bắc Việt đã thành công chiếm được những cao thế Chiến Thuật này trong giai đoạn sơ khởi, để khống chế chiến trận, và biến Thị Trấn An Lộc như khu “lòng chảo” (khoảng 30 lần nhỏ hơn khu lòng chảo Điện Biên Phủ).

    Cộng quân xem An Lộc như một vị trí tối quan trọng cho nhu cầu chính trị lẫn quân sự, để ra mắt cái Chính Phủ bù nhìn có tên là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (mà Cộng Sản đặt cho một tên thật kêu là Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam), Cộng quân dùng An Lộc làm bàn đạp để tấn chiếm luôn Thủ Đô Sài Gòn của Nước Việt Nam Cộng Hoà, nhất là giành ưu thế trên bàn hội nghị Paris năm 1972, đang hồi kết thúc.

    Phía Việt Nam Cộng Hoà xem An Lộc như là một vị trí chiến lược quan trọng, vì chỉ cách Thủ Đô Sài Gòn có 98 cây số về phía Bắc. Nếu An Lộc bị thất thủ, thì chỉ trong vài giờ đồng hồ sau là chiến xa và bộ binh quân Cộng Sản sẽ chiếm cứ Thủ Đô Sài Gòn, và kết thúc luôn trận chiến giữa hai phe Quốc Cộng. Vì vậy bằng mọi giá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải chận đứng địch quân ngay trước cửa ngõ Thủ Đô, để phá vỡ mưu đồ xâm lược của Cộng Sản phương Bắc.

    Tỉnh Bình Long (Thị trấn An Lộc) là một Tỉnh hành chánh, không phải là một căn cứ Quân Sự hay một đồn lũy kiên cố, có tầm vóc chống đỡ được mọi cuộc tấn công quy mô (cấp Quân Đoàn) như Điện Biên Phủ. Trong toàn Tỉnh chỉ có hai hầm có thể nói là khá vững chắc, chịu nổi sức công phá của pháo binh địch, đó là hầm chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà (Trại Đỗ Cao Trí) và hầm của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, còn vòng đai xung quanh thành phố thì chưa có một giao thông hào hay hầm hố nào hết. Tất cả đều có, là sau khi các đơn vị thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà biết được quân địch chọn yếu điểm An Lộc làm nơi thư hùng sinh tử của binh lực đôi bên. Có thể nói An Lộc là mục tiêu do phía quân Cộng Sản Bắc Việt chọn lựa để tấn chiếm, còn Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị bắt buộc phải chấp nhận trận quyết chiến. Tất cả Quân Dân Tỉnh Bình Long đồng quyết tâm chiến đấu trong tư thế nhiều yếu kém (quân số ít, không pháo, không tăng, không đủ đạn dược và lương thực nuôi lính nuôi dân v..v..)

    Cộng quân quyết định mở cuộc tổng công kích vào Mùa Hè năm 1972, được chọn lựa vào lúc khi biết chắc Quân Lực Đồng Minh của Việt Nam Cộng Hoà phải rút đi hết, theo cái gọi là “ Việt Nam hóa chiến tranh”. Vào thời điểm đó, tất cả các đơn vị Bộ Binh Hoa kỳ và các nước Đồng Minh đều rời khỏi lãnh thổ Miền Nam Việt Nam, chỉ còn chừa lại một số các toán Cố Vấn Mỹ cho các đơn vị “cấp Trung Đoàn” trở lên, và một lực lượng Không Quân tối tân và hùng hậu: các pháo đài bay B.52, các C.130 trang bị đại bác 105 ly được điều khiển bằng Radar, các phản lực cơ Phantom, các trực thăng võ trang Cobra…v..v.

    Quân số của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà hiện diện vào thời điểm cao nhất:

    a/ Quân số đang phòng thủ tại Thị Trấn có 15 Tiểu Đoàn kể cả Địa Phương Quân, khoảng 7,600 chiến sĩ.
    b/ Quân tăng viện 12,100 (3)

    Tại mặt trận An Lộc không có lực lượng trừ bị (cấp Trung Đoàn), để dùng cho nỗ lực “phản kích” như Điện Biên Phủ, vì quân trú phòng quá ít so với lực lượng tấn công. Tuy nhiên, trong đợt tấn công lần thứ 4 vào đêm 10 tháng 05 năm 1972, Công Trường 9 quân Cộng Sản Bắc Việt chủ động đã đánh xuyên thủng được tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 7 (-) thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, và đang trên đà tiến gần sát đến Bộ Chỉ Huy đầu não Chỉ Huy Mặt Trận, Tướng Hưng liền cấp tốc điều động được một lực lượng 3 Tiểu Đoàn, đang trấn thủ trên các tuyến phía Nam, Đông, và Bắc, về kịp lúc, chận đứng được mũi dùi “tấn kích” của địch quân vào lúc ban đêm… và khi trời vừa hừng sáng, liên hoàn đồng loạt “phản kích” đẩy lui các đơn vị Bộ Binh cũng như chiến xa địch ra khỏi vòng đai (tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 7 khi trước).

    Cùng với tư tưởng chỉ đạo của Võ Nguyên Giáp: Điều nghiên thật kỹ, thấy chắc ăn mới đánh, chuẩn bị chưa xong thì không nên đánh, mà Tướng Trần Văn Trà bỏ mất cơ hội chiến thắng trận An Lộc, mặc dù Tướng Trà được Sở Chỉ Huy Chỉ Đạo Chiến Dịch Miền, cắt cử Tướng Hoàng Cầm (Tham Mưu Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch) trực tiếp đến hối thúc, nên tiếp tục tấn công thẳng vào An Lộc ngay sau khi chiếm Lộc Ninh (07-04-72). Thật sự, nếu trong vòng từ ngày 07 tháng 04 năm 1972 đến ngày 11 tháng 04 năm 1972, khi Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà chưa được đổ quân vào tăng viện cho An Lộc để án ngữ phòng thủ tuyến phía Bắc, thì với lực lượng rải mỏng cấp Tiểu Đoàn của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, trong tay lại không có loại vũ khí M.72 chống chiến xa, chắc rằng đã bị lực lượng cấp 2 Trung Đoàn quân bộ chiến của Công Trường 5 Cộng sản Bắc Việt, có thêm 1 Tiểu Đoàn Chiến xa tối tân trợ chiến đã đánh xuyên thủng và An Lộc bị thất thủ ngay từ đầu trận chiến, và Tướng Lê Văn Hưng đã rút chốt lựu đạn”tự vận” rồi.

    Phải công nhận phía Cộng Quân đã điều nghiên kỹ lưỡng, chỉ trừ vị trí của Bộ Chỉ Huy của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, được thay đổi vào giờ phút chót, và không ngờ Trung Đoàn 8 Bộ Binh được trực thăng vận đổ quân tăng cường và trấn giữ mặt phía Bắc Tỉnh Lỵ, kể cả việc thực tập cho các cán binh của Công Trường 9 phương cách tác chiến trong Thành Phố, và giữ được bí mật chọn mục tiêu An Lộc là “Điểm” tấn công cho đến giờ phút chót.

    (1) “ An Lộc Anh Dũng” của nhà Xuất Bản Đại Nam, đoạn An Lộc và Điện Biên Phủ. Tài liệu này do Cố Trung Tướng Nguyễn Văn Minh cung cấp.

    (2) Trích trong quyển “ China and the Viet Nam War “ do tác giả Quiang Zhai viết năm 1999 tại University of Carolina Hoa Kỳ.

    (3) Nhật ký hành quân, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3/ Quân Khu III, về trận An Lộc năm 1972.

    – 2-
    AN LỘC: TRẬN VERDUN CỦA VIỆT NAM

    Trích- “La Mort du Việt Nam”
    Tác Giả: Đại Tướng Vanuxem
    Dịch Giả: Dương Hiếu Nghĩa

    An Lộc là một Quận Lỵ nhỏ của một Tỉnh miền Đông Nam Việt. Quân Bắc Việt đã vây hãm Quận Lỵ nầy, nã vào đó đủ mọi loại trọng pháo, hỏa tiễn, và tấn công vào đó nhiều lần. Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ Vùng 4 Chiến Thuật (đồng bằng sông Cữu Long), lẽ ra được đưa ra Huế cho Tướng Hoàng Xuân Lãm, được hấp tấp thả xuống một vùng nằm giữa An Lộc và Sài Gòn, với nhiêm vụ sơ khởi là chận địch lúc bấy giờ đang tự do tiến bọc vòng quanh An Lộc, bao vây cô lập Thị Xã nầy cốt không cho trong ngoài liên lạc được với nhau. Người ta ngăn chận được phần nào ý định của địch, nhưng không giải tỏa được An Lộc, và phải thú thật đây không phải là một chuyện dễ làm. Tuy nhiên An Lộc vẫn đứng vững.

    Để so sánh và cũng để thực sự thấy được giá trị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chúng ta phải nói rõ là Thị Xã An Lộc giống như Điện Biên Phủ, nằm dài trên hai bên sườn đồi của một lòng chảo mà vành đai của lòng chảo nầy địch đã làm chủ. An Lộc không có nhiều binh sĩ trú phòng như Điện Biên Phủ, có 20,000 dân, chẳng những không giúp ích được gì mà trái lại còn là một gánh nặng cho quân trú phòng nữa. Quân số Bắc Việt bao vây An Lộc nhiều hơn quân số bao vây Điện Biên Phủ trước kia; họ cũng tiến hành cuộc tấn công bằng cách đào chiến hào đi lần vào trung tâm thị trấn, giống như ở Điện Biên Phủ vậy, tiến đến đâu lấp hầm đến đó. Lực lượng pháo binh Bắc Việt nhiều hơn lúc ở Điện Biên Phủ, và họ pháo nhiều vào trung tâm thị xã, họ dùng đại bác 130 ly và hỏa tiễn, nên phố xá và nhà cửa trong thị xã gần như bị các loại nầy phá nát hết.

    Quân trú phòng không có thiết giáp, nhưng Bắc Việt lại dùng loại chiến xa T. 54 của Nga Sô mà Phòng Nhì Việt Nam Cộng Hoà cũng như Hoa Kỳ không rõ bằng cách nào họ mang được loại chiến xa nặng nầy đến tận An Lộc được. Nhưng điều bất ngờ là các chiến xa Nga Sô nầy lại được các súng phóng hỏa tiễn cầm tay M.72 của Hoa Kỳ niềm nở đón tiếp, và có một số lớn T.54 bị bắn cháy hay bị bỏ lại rải rác trong thị xã như là chiến lợi phẩm đặc biệt của quân trú phòng. Số tử thương tại An Lộc nhiều hơn Điện Biên Phủ. 

    Quân Bắc Việt còn tiếp tục bao vây An Lộc, nhưng tình hình có vẽ sáng sủa hơn, khi Tổng Thống Thiệu quyết định dùng trực thăng đáp xuống ngay An Lộc. Cùng đi với Ông còn có Tướng Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, Tướng Minh, Tư Lệnh Vùng 3 Chiến Thuật , và một số Sĩ Quan khác, trong số nầy có Tướng Lãnh người Pháp muốn hưởng một chút thú vị kiêu hãnh là được tham dự vào một trận phục thù cho Điện Biên Phủ.

    (Lời người dịch: Đó chính là tác giả quyển sách nhỏ nầy, Đại Tướng Vanuxem. Ông được quân trú phòng “anh hùng An Lộc” tặng cho một lá Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà trong chuyến đáp xuống An Lộc nầy, gọi là để kỷ niệm trận “Bình Long Anh Dũng”, và sau nầy trước khi qua đời tại Pháp năm 1982, Ông đã trao lá Quốc Kỳ nầy lại cho Trung Tướng Trần Văn Trung, Chủ Tịch hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà tại Pháp.)

    Hai chiếc trực thăng đáp xuống và cất lên ngay thật nhanh, sau khi các vị Tướng Lãnh vừa nhảy xuống xong thì các loạt đạn pháo Bắc Việt cũng vừa tới. Người ta đi thăm Bộ Chì Huy Hành Quân, phát sao, gắn “lon”, “huy chương”, tuyên dương công trạng khen thưởng các cấp v..v sau đó đi thăm và ủy lạo các đơn vị (binh sĩ các cấp nhảy lên khỏi chiến hào để hoan hô ầm ĩ vị Tổng Tư Lệnh của họ), thăm và an ủi các thương binh, bệnh binh, đến tận các xác chiến xa Nga T.54 để sờ các pháo tháp hay xem cái vỏ thép của loại chiến xa nầy, người ta cũng đi viếng các nghĩa trang “bất đắc dĩ” nằm trên các vỉa hè đường phố, và trước một nghĩa trang, Tướng Thiệu quỳ xuống cầu nguyện….Người ta cũng có cầu nguyện như vậy giữa sân của một nhà thờ đã bị đổ nát, chỉ còn trơ lại có một pho tượng lớn của Chúa đang giăng hai tay nhân ái ra, coi như để chúc lành cho phái đoàn. Tổng Thống Thiệu thản nhiên như không có gì xảy ra, quỳ một gối xuống ngay trên vũng bùn, làm dấu thánh giá, và cầu nguyện….trong khi tất cả đều đứng ngay ngắn nghiêm trang…Đâu đây bên bìa rừng gần đó có một vài tiếng nổ của đạn rocket.

    Chuyến về của phái đoàn cũng như chuyến đáp xuống, tất cả quan khách đều đứng dưới các hố cá nhân, chờ khi các trực thăng đáp xuống, tất cả đều nhảy lên thật nhanh để trực thăng vọt đi ngay, vì trước đó ai cũng được báo cho biết là nếu không lên kịp thì sẽ bị ở lại An Lộc.

    Tất cả đều được an toàn, về được đến Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Quân Đoàn 3 ở Lai khê.

    An Lộc đã trở thành một biểu tượng, đó là một khi quân đội và dân chúng đã cương quyết một lòng thì khẳng định là chận được quân thù. Đó là tinh thần của trận chiến Verdun của Viêt Nam Cộng Hoà, một chiến trận mà Việt Nam Cộng Hoà đã làm lễ kỷ niệm thật long trọng để xác nhận ý chí quyết chiến quyết thắng của Quân Dân Miền Nam Việt Nam. Tiếc rằng ngày lễ Quốc Khánh của Việt Nam Cộng Hoà đã được chọn là ngày 1/11 rồi, nếu không thì người ta nghĩ có lẽ nên chọn ngày mà An Lộc được giải tỏa hoàn toàn, để nói lên biểu tượng Tự Do của Quốc Gia nầy.

    Đó là nhưng sự việc đã xảy ra năm 1972. Lúc đó có ai dám nghĩ được rằng ba năm sau, vâng chỉ không đầy 3 năm sau thôi, một Quân Đội đã từng biểu diễn một “pha” hết sức ngoạn mục, về sức mạnh, về ý chí của quân nhân các cấp, được lòng tin cậy hoàn toàn của dân, lại có thể bị suy sụp đến độ phải tan rã hoàn toàn?

    Vả lại Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, với một quân số được Ngũ Giác Đài tính toán quá khít khao lúc bắt đầu Việt Nam Hoá, nên chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phòng ngự để gìn giữ lãnh thổ mà thôị. Sau đó lại bị hao hụt trầm trọng trong 3 năm liền, trong khi các đơn vị Miền Bắc tiếp tục được bổ sung đầy đủ, tăng cường cả về lượng cũng như về phẩm, nhất là chiến cụ, so sánh thì hơn xa Quân Đội Miền Nam, cho nên các ước tính tương quan lực lượng phải là 4/1, tôi nói lại là bốn trên một.

    Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đã được Quân Đội Pháp thành lập sau đó mới được Hoa Kỳ tái tổ chức lại, nên dù muốn dù không, Quân Đội Miền Nam cũng giữ vài kỷ niệm về lề lối hay phương thức do quân đội Pháp để lại.

    Điều nầy đã đem lại nhiều chuyện không hay cho một vài Tướng Lãnh, tuy nhiên dù gì đi chăng nữa thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng vẫn phải chấp nhận phuơng thức tác chiến học được từ Quân Đội Hoa Kỳ. Do đó nếu không chấp nhận điều quân mà chỉ dùng hỏa lực không mà thôi, trong tấn công cũng như trong phòng thủ, thì phương thức nầy bắt buộc phải có yểm trợ hùng mạnh của Không Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh và của cả Hải Quân nữa. Điều nầy Quân Đội Hoa Kỳ được trang bị quá đầy đủ, nếu không muốn nói là quá dư thừa, cho nên từ khi quân đội Mỹ rút đi thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị thiếu mất trầm trọng một hỏa lực yểm trợ mạnh và hữu hiệu.

    Tổng Thống Thiệu là một người am tường về chiến lược, lại là một nhà chánh trị thận trọng há đã không đề ra được một phương thức tiết kiệm, vừa để dưỡng sức các đơn vị tinh nhuệ, vừa tránh hao tổn phí phạm đạn dược hay sao? Cho nên mỗi người lính chỉ được phát 80 viên đạn và một trái lựu đạn trong một tháng. Ông quan niệm rằng, trước một kẻ thù như Bắc Việt, và trên một lãnh thổ quá dài và quá hẹp của Miền Nam Việt Nam Ông không có thể điều quân được. Đã từ lâu, Ông không nói là chỉ với lực lượng của Miền Nam, Ông không thể chống lại được một cuộc tấn công quy mô của Bắc Việt trên một chiến tuyến quá dài từ Bắc xuống Nam dọc theo biên giới Lào và Cambodia, chỉa mũi thẳng vào Sài Gòn, chỉ còn cách đó dưới 100 cây số mà thôị, Ông cũng biết là địch quân tất phải chủ động, nhưng giờ thì hệ thống phòng thủ bị gậm nhấm, quân số các đơn vị bị hao hụt và tiếp vận thì quá nghèo nàn nên chắc chắn là không thể chịu nổi sức tấn công mạnh của địch, và dè dặt hơn trong trường hợp nếu được bảo đảm là có một sự tiếp viện từ phía đồng minh, thì Ông cũng phải đi đến chỗ phải bỏ rơi một phần lãnh thổ để tập trung lực lượng vào việc cố thủ Sài Gòn và đồng bằng Sông Cửu Lọng. Nếu quân đội Bắc Việt tiến hành một chiến dịch tấn công theo kiểu gậm nhấm tiêu hao dành dân lấn đất, thì cố thủ như vậy cũng có thể thành công được, nhưng Miền Nam Việt Nam sẽ bị một chấn động tâm lý, mất hết tinh thần và rồi cũng phải thua, mất hết mà thôi. Còn nếu Miền Bắc dàn quân đánh mạnh theo chiến tranh quy ước thì tai họa lớn sẽ xảy ra, nhanh hơn.

    Đã từ lâu, Miền Nam Việt Nam không áp dụng phương thức phòng thủ lưu động, nên không có khả năng để tiến hành một cuộc rút lui quy mô, một cuộc hành quân rất khó, vì phải vừa lui quân vừa phải chiến đấu không ngừng với quân Bắc Việt, vốn lúc nào cũng nhẹ nhàng luồn lách, xâm nhập, đánh ngang cạnh sườn, bọc hậu bao vây, sau lưng đánh tới, đe dọa tuyến phòng thủ…, bắt buộc lực lượng nầy phải rút đi càng sớm càng tốt, (nếu không sẽ bị bao vây và tiêu diệt), lần lần sẽ bị gậm nhấm rồi cuối cùng sẽ bị tràn ngập. Những cánh đồng lầy mênh mông vắng vẻ như sa mạc, Bắc Việt thâm nhập vào sâu trong Miền Nam Việt Nam quá dễ dàng, và rừng cây bao la rậm rạp làm cho vũ khí chống chiến xa vốn thuộc loại quá cũ kỹ mất đi phần nào hữu hiệu và chính xác. Hơn thế nữa, những hỏa tiễn SAM (Địa Không) do Nga Sô viện trợ, đã ngăn chận được khả năng Không Yểm từ các loại phi cơ có tốc độ chậm, chỉ có những chiến đấu cơ F.5 do Hoa Kỳ trang bị cho Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, là có thể thỉnh thoảng yểm trợ hỏa lực được cho các đơn vị bộ binh dưới đất nếu không thì các đơn vị nầy phải tự lo liệu lấy mà thôi. Cuối cùng là những khinh tốc hạm phóng ngư lôi do Nga Sô viện trợ có thể vô hiệu hóa lực lượng Hải Quân của MIền Nam Việt Nam, vốn cũng có khả năng nhiều tàu chiến nhưng toàn thuộc loại cổ xưa.

    Do đó mà cuộc hành quân triệt thoái của Vùng 2 Chiến Thuật từ Cao Nguyên về vùng duyên hải, và cuộc rút quân của Vùng 1 Chiến thuật, từ Huế, vào Đà Nẵng về hướng Nam, đã biến thành một cuộc thua chạy hỗn loạn, khiến cho không còn gom góp lại được đơn vị nào, không còn chiến cụ vũ khí nào, trong khi Miền Nam đang cần tiết kiệm nhân lực và trang thiết bị để có thể lo cho tuyến phòng thủ ở phía Nam. Tuyến nầy mặc dù có một số lớn hành động thật anh dũng, nhưng rồi cũng vỡ ra từng mảnh, thì làm sao có được chiến trận ở vùng Sài Gòn ?

    Cho đến sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975 là coi như tất cả đều mất hết rồi!! Tướng Dương Văn Minh, người đã nhận chức vụ TổngThống Việt Nam Cộng Hoà đã kêu gọi binh sĩ hãy chấm dứt cuộc chiến mà từ nay đã trở thành vô vọng và vô nghĩa. Sau một vài hành động trong thất vọng, và một vài trận ”tử thủ kiểu Camerone” để ít nhất nói lên lòng can đảm hy sinh của Quân Lực Viêt Nam Cộng Hoà, một Quân Lực mà không có một người binh sĩ hay một cấp Chỉ Huy nào đã phản bội, thì đã thấy lá cờ đỏ của quân Cộng Sản xăm lăng Bắc Việt được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập. Giờ này đây rải rác chỉ còn một vài binh sĩ lẻ tẻ đi lang thang chưa chịu đầu hàng. 

    Quốc Gia mang tên Việt Nam Cộng Hoà đã bị “bức tử” rồi !! Danh từ Việt Nam Cộng Hoà đã bị xóa không còn trên bản đồ của các Quốc Gia trên thế giới nữa. 

    Ghi Chú BBS: Thành Phố Verdun nằm về cận Đông Nước Pháp. Chiến lũy Verdun do Pháp xây cất rất là kiên cố, dọc theo ranh giới vùng đồi núi Pháp và Đức về phía Đông nước Pháp. Trận chiến Verdun được Quân Đội Đức phát động vào đêm 11 rạng 12 tháng 2 năm 1916 (đệ nhất thế chiến), có những điểm trùng hợp tương tự như trận chiến An Lộc xảy ra vào tháng 04 năm 1972:

    a/ Kế hoạch tấn công vào Chiến Lũy Verdun của Quân Đức đuợc khởi sự vào đêm 11 rạng 12 tháng 2 năm 1916, nhưng phải tạm hoãn lại cho đến ngày 21 tháng 2 năm 1916 mới thật sự phát khởi cuộc tấn công, nguyên do chỉ vì thời tiết “quá xấu” rất bất tiện cho “Không Quân” của Đức lúc bấy giờ. Nhờ vậy mà Quân Pháp có thì giờ cấp tốc điều động được 2 Sư Đoàn Bộ Binh kịp thời tăng cường phòng thủ chiến luỹ. Sự trì hoãn (09 ngày) này của Quân Đội Đức cũng giống như sự trì hoãn của Quân Cộng Sản Bắc Việt đã trì hoãn tại Lộc Ninh (06) ngày vào tháng 04 năm 1972. Quân Đức đã để lỡ mất cơ hội tiến chiếm Chiến Luỹ và Thị Trấn Verdun của Pháp.

    b/ Khởi đầu trận chiến, Quân Đức đã huy động hằng trăm máy bay để oanh tạc, và 230 khẩu pháo từ 122 ly đến 420 ly để mong “bình địa” chiến luỹ Verdun, dọn đường cho Quân Đoàn quân bộ chiến, đồng loạt tấn công vào chiến luỹ Verdun, trong số những quả pháo bắn vào chiến luỹ Verdun có nhiều quả pháo có “hơi độc”. Cũng như An Lộc phải hứng chịu trên 200.000 quả pháo đủ loại kể cả các hỏa tiễn 107 ly và 122 ly của Quân Cộng Sản Bắc Việt.

    c/ Giữa Quân Đội Pháp và Đức có những trận đụng độ quyết liệt trên các cứ điểm trên các ngọn đồi chiến lược quan trọng (Quân Đức chiếm xong, bị Quân Pháp chiếm lại ..) điển hình như trên ngọn đồi có độ cao 304 ở về cận Tây của Chiến Luỹ, thương vong đôi bên của mỗi trận đánh lên đến vài ngàn chiến sĩ, Giống như ngọn đồi có tên là Đồi Đồng Long ở trên cao thế 128 thước cách phía Bắc thành phố An Lộc 600 thước, do Biệt Cách Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã bất thần đột kích tái chiếm, gây cho quân Cộng Sản Bắc Việt một sự thiệt hại rất nặng nề (xác của các cán binh Cộng Sản dầy đặc dưới các giao thông hào và đầy cả sườn đồi).

    d/ Kết cục Quân Pháp đã thắng Quân Đức (gấp 4 lần nhiều hơn),cũng như Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thắng được Quân Cộng Sản Bắc Việt đông hơn gấp 4 lần. 

    anloc_phan2-2

    https://baovecovang2012.wordpress.com

    Không có nhận xét nào