Header Ads

  • Breaking News

    Trước nguy cơ đối mặt với gọng kềm Nga – Trung, Nhật Bản bám chặt theo phe phương Tây



    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (T) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel trước phiên họp nhóm G7 tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2022. AP - Geert Vanden Wijngaert

    Phản ứng trước cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành, Nhật Bản đã có một quyết định lịch sử : Trừng phạt Matxcơva và hỗ trợ vật chất cho Ukraina. Theo phân tích của nhà nghiên cứu Celine Pajon, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) đăng trên diễn đàn báo Libération (25/03/2022), động thái này của Tokyo phản ảnh một sự đoạn tuyệt với thái độ dè dặt truyền thống. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài viết.

    Cuộc chiến tại Ukraina đã dẫn đến một sự rạn nứt lớn trong quan hệ Nga – Nhật. Trước những lời lên án và các biện pháp trừng phạt từ Tokyo, hôm 21/03/2022, Matxcơva đã chính thức rút ra khỏi các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc tranh chấp quần đảo Kuril, hướng tới một hiệp ước hòa bình.

    Những thất bại của Shinzo Abe

    Từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Matxcơva không còn là một mối đe dọa đối với Tokyo. Bị suy yếu, Nga thậm chí còn tỏ ra cởi mở với ý tưởng nhượng lại cho Nhật Bản ít nhất hai trong số bốn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril. Thuộc chủ quyền của Nga từ năm 1945, những hòn đảo này, trước thuộc quyền cai quản của Nhật Bản, có một vị trí chiến lược ở phía bắc đảo Hokkaido và chắn biển Okhotsk. Tranh chấp lãnh thổ này cho đến nay đã ngăn cản việc ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức.

    Đích thân cựu thủ tướng Nhật Bản xem đấy như là một việc cá nhân, cha của ông, cựu ngoại trưởng, đã qua đời trước khi kết thúc các cuộc thương lượng được khởi động vào năm 1990. Trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng (2012-2020), ông Shinzo Abe đã 30 lần gặp gỡ Vladimir Putin trong hy vọng tạo dựng được một mối quan hệ tin cậy.

    Năm 2014, sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée, tuy thông qua các biện pháp trừng phạt cực kỳ khiêm tốn, Shinzo Abe lại đề nghị gia tăng đầu tư tại Nga nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Một kế hoạch phát triển chung quần đảo Nam Kuril (vùng lãnh thổ phía bắc thuộc Nhật Bản) đã được quyết định vào năm 2016, nhưng chưa bao giờ được áp dụng.

    Chỉ có điều những nỗ lực này của ông Abe là « hoài công vô ích » : Nga không nhượng lấy một tấc đất chủ quyền nào. Ngược lại, Matxcơva còn tăng cường sự hiện diện quân sự trên các đảo – 3.500 binh sĩ – và nhất là cho lắp đặt các hệ thống tên lửa địa đối không S-300 vào cuối năm 2020.

    Shinzo Abe còn nhắm đến một mục tiêu chiến lược hơn khi xích lại gần với Putin : Tránh để cho Nga rơi vào quỹ đạo Trung Quốc, hay chí ít, ngăn cản hình thành một mặt trận Nga – Trung đối phó với Nhật Bản trong các vấn đề lãnh thổ và lịch sử. Một lần nữa, ông lại thất bại : Sự phụ thuộc về kinh tế của Matxcơva đối với Bắc Kinh ngày càng sâu nặng và cả hai nước có những hợp tác về quân sự chưa từng có. Những năm gần đây, các lực lượng quân đội Trung Quốc và Nga tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng Viễn Đông. Tháng 12/2021, tầu chiến của hai nước còn đi vòng quanh quần đảo Nhật Bản, khiến Tokyo cảm thấy bất an.

    Đương nhiên bối cảnh của năm 2022 khác xa so với năm 2014. Việc Nga gây hấn với Ukraina vượt quá mọi nguyên tắc của luật chiến tranh và luật nhân đạo, Nhật Bản không còn chọn lựa nào khác là phải thoát khỏi sự thụ động, từ bỏ chính sách kém hiệu quả của ông Abe, vốn dĩ được những người kế nhiệm tiếp nối mà không mấy gì nhiệt tình.

    Nhật Bản đi theo phương Tây

    Thế nên, Nhật Bản tức thì có những lời lẽ cứng rắn lên án hành động xâm lược Ukraina của Nga là đã « đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực » - một thuật ngữ thường được sử dụng để nói đến các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong những tuyên bố chính thức, những vùng lãnh thổ phía Bắc một lần nữa được xem như là « một phần không thể tách rời » của quốc gia Nhật Bản.

    Mối quan hệ với Nga vì thế cũng phải được đánh giá lại sâu rộng : Chiến lược An ninh Quốc gia mới cho năm 2022 đương nhiên sẽ xem Nga như là một quốc gia « không thân thiện ». Các định hướng quốc phòng đang được cập nhật, có nguy cơ cản trở quá trình tái triển khai các lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ bắc đến tây nam quần đảo, để đối phó với Trung Quốc.

    Đáng chú ý là với một quốc gia có truyền thống sử dụng dè dặt các đòn trừng phạt, và nói chung là rất thận trọng trên trường quốc tế, Nhật Bản đã tức khắc đi theo chân Mỹ, và rộng hơn nữa là các nước khối G7. Khi thể hiện tình liên đới với phương Tây, Tokyo, ngay từ đầu tháng 2/2022 và trước khi xung đột bắt đầu, đã ủng hộ yêu cầu của Mỹ cho gởi một phần nguồn khí đốt hóa lỏng từ nguồn dự trữ để hỗ trợ châu Âu.

    Rồi một loạt các biện pháp trừng phạt đã được thông qua sau khi chiến tranh bùng nổ : Phong tỏa nguồn dự trữ bằng đồng yên của Ngân hàng Trung ương Nga, rút quy chế tối huệ quốc đã cấp cho Nga, đình chỉ xuất khẩu hơn 30 mặt hàng sang Nga, bao gồm các loại phụ tùng thay thế và xe đã qua sử dụng (hơn một nửa số xe này Nhật Bản giao cho Nga) và nhiều loại phương tiện khác.

    Dẫu sao thì về mặt chiến lược, Nhật Bản vẫn lệ thuộc vào Nga về năng lượng : Tokyo nhập khẩu 9% khí đốt hóa lỏng (GNL) của Nga, 4% dầu hỏa và 14,5% than đá. Do vậy, vào lúc này, không có chuyện Mitsui và Mitsubishi thoái lui khỏi mỏ khí đốt Sakhaline 2, ở đó, các hợp đồng dài hạn bảo đảm cho Nhật một nguồn khí đốt giá rẻ với chi phí vận chuyển thấp. Nếu như Tokyo phải mua trên thị trường thế giới, giá nhập khẩu GNL có lẽ sẽ tăng vọt thêm 35%.

    Những biện pháp ngoại lệ

    Quy mô cuộc chiến ở Ukraina và sự huy động của Phương Tây thúc đẩy Nhật Bản đưa ra một số biện pháp đặc biệt. Về mặt nguyên tắc, nếu như Tokyo không hỗ trợ quân sự cho các bên tham chiến của cuộc xung đột, thì đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản quyết định gởi trang thiết bị không sát thương (mũ, áo chống đạn, máy phát điện, hỗ trợ lương thực và nhân đạo) cho Ukraina, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt.

    Trước thái độ hung hăng của Nga, vấn đề tăng ngân sách quốc phòng một lần nữa được đưa ra bàn thảo ở Tokyo. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử lập pháp hồi tháng 10/2021, đảng Tự Do – Dân Chủ (PLD) đã từng đề nghị tăng gấp đôi chi tiêu cho quân sự để có thể đạt mức 2% của GDP. Nếu như thủ tướng Fumio Kishida chưa chấp nhận đề xuất này, ông cũng phải thể hiện cho thấy ngân sách quốc phòng đang tăng lên.

    Vấn đề ở đây là phải đưa ra những cam kết, không chỉ cho phe cực kỳ bảo thủ, những người đã giúp ông đắc cử lên làm lãnh đạo đảng PLD, mà còn cả với Hoa Kỳ, vào lúc Tokyo tìm cách bảo đảm cho việc duy trì lính Mỹ ở vùng Viễn Đông. Nếu như Nhật Bản quyết định thông qua các tiêu chí của NATO để tính toán ngân sách quốc phòng (chẳng hạn bao gồm cả lương của lính dự bị hay lực lượng tuần duyên), thì mức ngân sách này ước tính có thể chiếm đến 1,2% của GDP. Việc nước Đức của thủ tướng Olaf Scholz đã quyết định phá vỡ nhiều điều cấm kỵ trên phương diện quốc phòng có thể là một ví dụ điển hình, tạo thuận lợi cho cuộc bỏ phiếu thông qua một số khoản tín dụng bổ sung.

    Một quyết định khác không mấy gì quen thuộc với hình ảnh Nhật Bản : Đón nhận người tị nạn Ukraina, những ai có người thân hay bạn bè tại quần đảo. Lúc bình thường, chưa có tới 1% đơn xin tị nạn (4.000 trong năm 2021) là được chấp nhận. Biện pháp ngoại lệ này được đưa ra vào lúc sự kháng cự của Ukraina chống lại Nga đã trở thành một biểu tượng của cuộc chiến dân chủ chống các chế độ chuyên chế mang tư tưởng chủ nghĩa xét lại.

    Nhật Bản, khi tự xưng là sứ giả của trật tự thế giới mới được xây dựng trên nền tảng các quy tắc, đã ủng hộ việc thành lập một mặt trận dân chủ vì lẽ thái độ mập mờ bề ngoài của Trung Quốc không thể che giấu sự hậu thuẫn thực tế của họ với Matxcơva.

    Trong sự xoay vần này của lịch sử cho thấy sự trỗi dậy của hai khối, Nhật Bản quyết định đi theo phe các nền dân chủ tự do. Đối mặt với sự tê liệt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Tokyo kêu gọi sự cải cách, khi đặt lại đề xuất có từ lâu : Tăng số lượng thành viên thường trực, với một ghế dành cho Nhật Bản.

    Không có nhận xét nào