Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Hoãn phiên xử 12 người tội “hoạt động lật đổ” vì bị can nhiễm COVID trong trại giam

    28/3/2022

    Hoãn phiên xử 12 người tội “hoạt động lật đổ”  vì bị can nhiễm COVID trong trại giam

    Bà Trần Thị Ngọc Xuân và Quyết định xét xử nhóm 12 người theo cáo buộc "hoạt động lật đổ" 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFacebook/RFA edited 

    Theo dự kiến, bà Trần Thị Ngọc Xuân cùng với 11 người khác bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015, bị Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vào hai ngày 29 và 30/3/2022.

    Tuy nhiên, vào chiều ngày 28/3, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Thị Ngọc Xuân, được thư ký toà án gọi điện thông báo rằng bà Xuân đang bị COVID nên phiên toà sơ thẩm sẽ hoãn lại. Luật sư Miếng nói với RFA:

    “Hôm nay cô Xuân bị COVID, cho nên không thể ra phiên tòa được, do đó phải hoãn phiên tòa.

     Chiều nay tôi định gặp (bà Xuân – PV) một lần nữa nhưng chưa kịp gặp thì tòa thông báo tình trạng của Xuân như vậy.

    Theo luật thì là hoãn một tháng, nhưng mà theo tình hình dịch bệnh, vừa rồi có nhiều phiên tòa họ không có theo cái thời gian đó, bởi vì nó dịch bệnh mà.”

    Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết 12 bị can trong vụ án này bị bắt trong năm 2020 và ban đầu bị khởi tố theo 9 vụ án riêng lẻ ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như TPHCM, An Giang, Đồng Nai, Đak Lak, Lâm Đồng, Kon Tum, Đak Nông và Phú Yên…

    Từ tháng ba đến tháng 8/2020, các vụ án này đã bị nhập lại thành một vụ án lớn vì có chung các hành vi như đăng ký, tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, thực hiện “trưng cầu dân ý”, phát hành, tuyên truyền các tài liệu “hiến ước lâm thời”, “Hiến pháp Đệ III Cộng hòa” và “Sơ lược Tiểu sử Thủ Tướng Đào Minh Quân”,…

    Theo cáo trạng, bà Trần Thị Ngọc Xuân được cho là người “hoạt động tích cực”, nên được xác định là ”lãnh đạo" của nhóm 12 người này. Tuy nhiên, luật sư Miếng đã bác bỏ cáo buộc này:

    “Họ ép 12 người này vào một vụ án mà lại xếp cho cô Xuân giống như là người hoạt động tích cực, chứ giữa họ không phải là một nhóm, mối quan hệ của họ rất rời rạc, không phải một tổ chức.

    Họ (12 bị cáo – PV) có mối quan hệ đó là chuyền cho nhau tài liệu để phân phát cho những người khác, xét cho cùng thì họ không phải là một tổ chức chặt chẽ, như có tổ trưởng, tổ phó.

    Đúng là họ có một số hoạt động liên quan đến nhau, nhưng mà thực ra họ không biết gì về nhau cả.”

    Luật sư Miếng cho biết thêm bà Xuân trước khi bị bắt làm nghề thợ may, là cột trụ trong gia đình, có chồng bị đột quỵ và ba con. Sau khi bà bị bắt, ông phải tự mình ngồi xe lăn đi bán vé số mưu sinh và đã qua đời vào ngày 01/11/2021.

    Theo quy định tại khoản một, điều 76, Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 ghi rõ trường hợp bị can bị cáo buộc về tội mà Bộ Luật hình sự quy định mức án cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình, nếu người đại diện hoặc người thân thích của bị cáo không mời luật sư bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

    Luật sư Hà Ngọc Tuyền, là luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Xoan, cũng bị truy tố theo khoản một, điều 109, trả lời RFA rằng ông chưa có cơ hội được gặp và cũng không nắm được tình trạng thân chủ của mình:

    "Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát có quyết định là luật sư chỉ tham gia khi kết thúc điều tra thôi. Bởi vì thủ tục sau này vô trại giam phải test COVID này kia cũng khó khăn, cho nên luật sư như chưa vô được, dự định là lên phiên tòa rồi sẽ trao đổi với bị cáo."

    Trong vụ án này, có đến 10 người bị truy tố ở khoản một, điều 109 BLHS năm 2015, tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, mà khung hình phạt cao nhất là tử hình.

    Hai người còn lại bị cáo buộc theo khoản hai, điều 109 BLHS năm 2015, có mức án cao nhất lên đến 12 năm tù giam.

    Facebook, YouTube, TikTok gỡ bỏ hàng nghìn nội dung “nói xấu” chính quyền Việt Nam, dịch COVID-19

    29/3/2022

    Facebook, YouTube, TikTok gỡ bỏ hàng nghìn nội dung “nói xấu” chính quyền Việt Nam, dịch COVID-19

    Hình minh hoạ: màn hình điện thoại di động với các ứng dụng mạng xã hội bao gồm Faceboo, YouTube 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Các nền tảng mạng xã hội nước ngoài bao gồm Facebook, YouTube, TikTok đã gỡ bỏ hàng ngàn nội dung bị cho là nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam trong ba tháng đầu năm qua, đạt khoảng 90% tỷ lệ gỡ chặn của các mạng xã hội này. Chuyên trang ictnews của báo Việt Nam trích số liệu thống kê của nhà chức trách Việt Nam trong tin ngày 29/3.

    Cụ thể, tính từ ngày 1/1/2022 đến 21/3, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 525 bài viết đăng tải thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, tin gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Tỷ lệ gỡ chặn của mạng này được Việt Nam xác định là đạt 90%.

    Google đã gỡ 2.679 videos bị xác định là vi phạm pháp luật trên nền tảng YouTube. Tỷ lệ gỡ chặn đạt 93%.

    TikTok gỡ, chặn 71 video bị xác định là vi phạm, sai sự thật và có nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng công tác phòng chống dịch COVID-19. Tỷ lệ gỡ chặn đạt 87%.

    So sánh với quý một năm 2021, tỷ lệ gỡ chặn của Facebook giảm 5%, của Google giảm 3%.

    Trong khi đó, giới chức Việt Nam xác định các thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam trên không gian mạng đã tăng trong tháng ba với tỷ lệ là 3,6%, tăng 0,2% so với tháng trước.

    Việt Nam đã bị quốc tế chỉ trích gay gắt khi đưa Luật An ninh mạng vào hiệu lực hồi đầu năm 2019. Đây là bộ luật bị cho là dùng để đàn áp các tiếng nói công khai chỉ trích chính quyền và Đảng Cộng sản trên mạng. Luật cũng bắt các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở Việt Nam phải cung cấp dữ liệu người dùng cho chính quyền, đặt máy chủ ở Việt Nam.

    Chính quyền Việt Nam cũng có một đội ngũ hàng ngàn dư luận viên trên mạng chuyên có nhiệm vụ báo cáo các nội dung được cho là nói xấu Đảng và Nhà nước.

    Trang tin The Washington Post của Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái cho biết đích thân ông chủ của Facebook là Mark Zuckerberg đã ký cam kết với Chính phủ Việt Nam để hạn chế những bài viết trên Facebook được cho là “chống Nhà nước”.

    Hiện có khoảng 76 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam, chiếm khoảng 70% dân số, tính đến tháng 6 năm ngoái, theo số liệu của NapoleonCat (công cụ đo lường chỉ số Mạng mạng xã hội).

    Số liệu của Chính phủ Việt Nam cho thấy hiện YouTube có khoảng 60 triệu, TikTok có khoảng 20 triệu người dùng ở Việt Nam.

    Nông sản Việt Nam tiếp tục gặp khó khi xuất sang Trung Quốc

    Nông sản Việt Nam tiếp tục gặp khó khi xuất sang Trung Quốc

    Các xe container xuất khẩu của Việt nam sang Trung Quốc đang chờ ở Lạng Sơn hôm 7/1/2022 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Nông sản Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc do tình trạng kiểm soát ngặt nghèo ở biên giới khiến hàng ngàn thùng hoa quả phải quay đầu bán “giải cứu” ở trong nước.

    Trang tin VTC hôm 29/3 đưa tin cho biết hàng nghìn thùng chuối tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc đang được bày bán khắp nơi dọc quốc lộ 1A và trên mạng với giá chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 so với giá vào dịp Tết Nguyên đán.

    Theo phản ánh của người dân được VTC trích đăng, giá chuối tiêu hiện chỉ khoảng 5.000 đồng/kg.

    Nguyên nhân được xác định là do các xe container chở trái cây của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đã bị ùn tắc thời gian dài do Trung Quốc tăng cường kiểm tra, thực hiện chính sách Không COVID.

    Theo số liệu thống kê của Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 26/3, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.367 xe, trong đó lượng xe chở hoa quả là 1.026 xe.

    Trong khi đó, Bộ Công thương Việt Nam mới đây cho biết, nhiều thương hiệu nông sản của Việt Nam liên tục bị phát hiện vi phạm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

    Bộ Công thương cảnh báo, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu.

    Theo đó, cơ quan Hải quan Trung Quốc đặt ra sáu yêu cầu cụ thể như đánh giá sự phù hợp, nghĩa là hệ thống đánh giá an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc là như nhau sẽ công nhận lẫn nhau. Quy định mới có các thay đổi về nghi nhãn. Doanh nghiệp nếu bị vi phạm sẽ bị phía Trung Quốc điều tra và phỏng vấn trực tiếp, nếu không qua sẽ bị tạm dừng tư cách xuất khẩu.

    Người của công ty đánh dân biểu tình tại thủy điện Mây Hồ bị khởi t

    Người của công ty đánh dân biểu tình tại thủy điện Mây Hồ bị khởi tố

    Vụ đụng độ giữa bảo vệ và người dân ở Thuỷ điện Mây Hồ, Lào Cai hôm 14/3/2022 

    Ảnh chụp màn hình video người dân quay trên Facebook 

    Hai mươi bốn người, trong đó có người đứng đầu nhóm do Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Xây dựng An Phú thuê bảo vệ công trường thủy điện Mây Hồ (tỉnh Lào Cai), bị khởi tố tội ‘cố ý gây thương tích’ trong vụ biểu tình có xô xát làm nhiều người bị thương vào ngày 14/3 vừa qua.

    Truyền thông Việt Nam loan tin ngày 29/3 dẫn nguồn Công an Tỉnh Lào Cai cho biết về quyết định vừa nêu. Theo đó Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra quyết định khởi tố những người liên quan và áp dụng những biện pháp ngăn chặn theo qui định. 

    Tin nhắc lại vụ việc xảy ra vào 14 giờ ngày 14/3/2022 ở khu vực thi công tuyến đập đầu mối của Thủy điện Mây Hồ tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Một số người dân địa phương biểu tình không cho thi công với lý do đập thủy điện Mây Hồ sẽ tác động bất lợi đến nguồn nước mà dân đang dùng để nuôi cá hồi. Người dân cũng phản đối đơn vị chủ đầu tư dự án là Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên Xây dựng An Phú về tiền bồi thường…

    Trong khi tiến hành phản đối, người dân biểu tình bị hành hung bằng tuýt sắt bởi nhóm do Hoàng Quang Chương dẫn đầu. Chương được Công ty An Phú thuê để bảo vệ công trường thi công và đã kêu khoảng 60 người từ những nơi khác đến tham gia.

    Tin cho biết trong số này có tám người từng mang tiền án- tiền sự. Bản thân Hoàng Quang Chương cũng được cho biết có hai tiền án về tội ‘cố ý gây thương tích’ và tội ‘cướp tài sản’.

    Hoàng Quang Chương và nhóm được gọi đến đã mang theo 60 đoạn gậy bằng tuýt sắt chứa trong bao tải. Họ đến tại khu vực thi công và hành hung người dân. Kết quả được nói có 17 người dân biểu tình và chín người trong nhóm Hoàng Quang Chương bị thương, một xe ô tô bị hư hỏng.

    Tin cho biết đối với những người dân biểu tình dùng đá ném lại khiến những người trong nhóm của Hoàng Quang Chương bị thương và có hành vi làm hư hỏng chiếc ô tô, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Thị xã Sa Pa đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm liên đới.

    Biện pháp tương tự cũng được áp dụng cho chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV An Phú.


    Không có nhận xét nào