Header Ads

  • Breaking News

    CEO BlackRock: Cuộc xâm lược Ukraine sẽ ‘tái hình dung’ toàn cầu hóa



    Toàn cầu hóa, như những gì chúng ta biết, đã kết thúc với việc Nga xâm lược Ukraine bởi vì những lo ngại về chính trị và an ninh đang đóng một vai trò lớn trong quá trình ra quyết định của các công ty, theo lời Larry Fink, Giám đốc điều hành BlackRock, trong cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei.

    “Tiếp cận vốn là một đặc ân,” Fink nói về sự cô lập của Nga với thị trường toàn cầu trong thời chiến. Ông lưu ý rằng, sự trỗi dậy của “chủ nghĩa tư bản vì lợi ích của tất cả các bên liên quan” (stakeholder capitalism) đang thúc đẩy các công ty đưa ra các phản ứng của riêng họ trước tình hình.

    Fink dự đoán rằng cuộc xâm lược cuối cùng sẽ dẫn đến việc các công ty hoạt động “trong nước hoặc gần nước mình” hơn, và xây dựng nhiều phương án dự phòng hơn cho chuỗi cung ứng của họ. Ông còn thảo luận về tình trạng thiếu năng lượng toàn cầu, cũng như triển vọng của nền kinh tế Mỹ và Nhật.

    Fink từng là thành viên ban quản lý Tập đoàn First Boston trước khi sáng lập BlackRock vào năm 1988. Kể từ đó, ông đã phát triển BlackRock thành một trong những công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới, với hơn 10 nghìn tỷ đô la tài sản được quản lý. Fink là người ủng hộ mạnh mẽ cho việc đầu tư vào môi trường, xã hội, và quản trị.

    Dưới đây là bản biên tập của cuộc phỏng vấn.

    Hỏi: Việc Nga xâm lược Ukraine sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu?

    Đáp: Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta trải nghiệm suốt ba thập niên vừa qua. Tôi hoan nghênh sự thay đổi này. Tôi không coi điều đó là tiêu cực, nhưng toàn cầu hóa sẽ được tái hình dung, và nó của hôm nay sẽ khác với của 2 hoặc 5 năm trước.

    Kể từ khi Liên Xô sụp đổ cách đây 30 năm, chúng ta đã có thể phát triển chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Thị trường vốn toàn cầu tăng trưởng, khả năng tiếp cận vốn cũng tăng lên, và chưa từng có ai chứng kiến, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đã có rất nhiều người được nâng lên mức sống của tầng lớp trung lưu.

    Tóm lại, toàn thế giới đã được hưởng lợi từ toàn cầu hóa như chúng ta biết. Và lý do khiến toàn cầu hóa hiệu quả đến vậy là vì không có rủi ro chính trị thực sự.

    Trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Rồi bây giờ là sự xuất hiện của chiến tranh Nga-Ukraine. Và giờ chúng ta nhận ra rằng an ninh toàn cầu, an ninh quốc gia, lại trở thành ưu tiên lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua.

    Hỏi: Phương Tây và Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm khắc đối với Nga. Bài học ở đây là gì?

    Đáp: Thị trường vốn đã cho phép các công ty và quốc gia phát triển thịnh vượng. Nhưng tiếp cận vốn không phải là một quyền. Đó là một đặc ân. Và Nga đã mất đi đặc ân đó. Tôi không biết họ sẽ lấy lại nó bằng cách nào. Tôi tin rằng mọi quốc gia trên thế giới đã nhận thức được rằng tiếp cận vốn là một đặc ân. Và nếu anh có hành động sai trái nào đó, anh sẽ mất đặc ân đó.

    Hỏi: Nhiều công ty đã quyết định rút khỏi thị trường Nga. Đâu là nguyên nhân đằng sau những động thái này?

    Đáp: Điều quan trọng nhất mà tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến trong năm tuần đầu tiên của cuộc chiến là tốc độ phản ứng của các tập đoàn. Hiện tại, hơn 400 tập đoàn đã chấm dứt hoạt động kinh doanh và rời khỏi Nga. Hành động ấy không bị ép buộc bởi các biện pháp trừng phạt. Cũng không bị ép buộc bởi bất kỳ chính phủ nào.

    Đó chính là chủ nghĩa tư bản vì các bên. Nó chính xác là những gì đang diễn ra. Các công ty đã nhanh chóng lên tiếng rằng “Chúng tôi không thể kinh doanh ở đây. Nhân viên của chúng tôi không muốn chúng tôi ở đây. Khách hàng của chúng tôi không muốn chúng tôi ở đây, và chúng tôi sẽ rời đi.” Giới lãnh đạo doanh nghiệp đang nói, “Chúng tôi sẽ phải chịu một khoản chi phí lớn trong quý đầu tiên, nhưng chúng tôi sẽ không kinh doanh ở đất nước này.” Chúng ta không thể chứng kiến kiểu hành vi đó cách đây 10 năm.

    Và theo suy nghĩ của tôi, đó là một ví dụ điển hình cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản vì các bên – vốn đang là tâm điểm tập trung của các công ty, tất cả các bên liên quan đều đang tập trung vào nhân viên và khách hàng của mình, và vào các cộng đồng nơi họ đang hoạt động.

    Hỏi: Chuỗi cung ứng sẽ thay đổi như thế nào?

    Đáp: Chúng ta đang bắt đầu thấy tác động của các chuỗi cung ứng nhạy cảm với áp lực. Giờ đây, vì các vấn đề chính trị xoay quanh nước Nga, giá năng lượng và giá thực phẩm đều tăng đột biến. Và tất cả những điều này giúp tôi hiểu rằng chúng ta phải tái hình dung toàn cầu hóa.

    Trong 30 năm qua, chúng ta được tung hô vì đã tạo ra các chuỗi cung ứng hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến bây giờ là các chuỗi cung ứng ấy lại kém hiệu quả hơn khi điều kiện khác đi. Vì vậy, chúng ta sẽ phải tạo ra các hệ thống không chỉ hiệu quả hơn, mà còn có nhiều năng lực dự phòng hơn và có khả năng dự trữ tốt hơn.

    Trong lúc sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đang được chú ý, các công ty và chính phủ cũng sẽ để ý cả sự phụ thuộc của họ vào những quốc gia khác. Điều này có thể khiến các công ty chuyển về hoạt động trong nước hoặc trong khu vực lân cận, dẫn đến việc rút lui nhanh hơn khỏi một số quốc gia. Còn những nước khác, như Mexico, Brazil, Mỹ hoặc các trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, có thể được hưởng lợi.

    Hỏi: An ninh năng lượng đã trở thành một ưu tiên cao hơn. Điều này có thể tác động như thế nào đến các hành động vì biến đổi khí hậu?

    Đáp: Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ không phải là một đường thẳng. Nó sẽ rất ngoằn ngoèo. Nó ít nhất sẽ là một quá trình kéo dài 30 năm, thậm chí hơn. Và chúng ta buộc phải đi qua chặng đường ngoằn ngoèo đó. Giá năng lượng ngày càng tăng khiến công nghệ khử cacbon trở nên tương đối rẻ hơn.

    Chúng tôi là những người cực kỳ tin tưởng rằng một phần của quá trình chuyển đổi là từ dầu mỏ truyền thống sang khí đốt tự nhiên. Thế nên chúng tôi mới đầu tư vào các đường ống. Cụ thể thì chúng tôi đã đầu tư vào đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất. Khi đường ống này hoàn thành, các quốc gia sẽ sử dụng ít dầu hơn để sản xuất điện, và thay vào đó sẽ sử dụng khí đốt tự nhiên. Nghĩa là ở một số nơi trên bản đồ, màu nâu sẫm sẽ chuyển sang màu nâu nhạt.

    Hỏi: Tình trạng thiếu hụt năng lượng có khả năng kéo dài trong bao lâu?

    Đáp: Nguồn tiền chảy vào các dự án phát triển các công nghệ khử cacbon như hydro – hydro xanh lục, hydro xanh lam – là rất lớn.

    Còn đối với các khoản tái đầu tư vào hydrocacbon, tái đầu tư và đầu tư mới vào các nguồn năng lượng bền vững, cộng với việc hiệu chuẩn lại chuỗi cung ứng, chúng ta sẽ cần đến khả năng dự trữ. Ngay bây giờ, chúng ta đang thiếu khả năng đó. Nhưng tình trạng đó rồi sẽ chấm dứt.

    Chúng ta có thể chứng kiến lạm phát tăng cao trong 2, 3, 4 năm. Sau 5 năm, nếu tất cả các khoản đầu tư đó thành hiện thực, chúng ta sẽ chuyển từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung sang dư thừa nguồn cung.

    Hỏi: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang cố gắng đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Liệu nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát cao đi kèm trì trệ kéo dài?

    Đáp: Tôi lạc quan rằng Mỹ sẽ tiếp tục là một trong những động lực của tăng trưởng toàn cầu. Lúc này đây, mọi người đều muốn nhìn mọi thứ qua lăng kính tiêu cực. Và tôi nghĩ rằng phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang – “Chúng tôi sẽ tăng lãi suất” – là một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy nền kinh tế đang mạnh lên. Tôi tin rằng họ nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 200, 250 điểm cơ bản – mà theo tất cả các phép đo trong lịch sử, chỉ là một mức tăng khá nhỏ.

    Tôi không nghĩ Fed hay bất kỳ ngân hàng trung ương nào muốn đưa thế giới vào tình trạng suy thoái. Nếu anh tin rằng chúng ta sẽ có lạm phát kéo dài 10 năm [tương tự như thập niên 1970], anh sẽ chẳng còn lựa chọn nào. Nhưng cá nhân tôi không tin điều đó sẽ xảy ra. Và vì vậy tôi tin rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ rất nhạy cảm với việc định giá đồng đô la. Họ sẽ rất nhạy cảm với thị trường.

    Hỏi. Quan điểm của ông về nền kinh tế Nhật và thị trường chứng khoán Nhật?

    Đáp: Tôi tin rằng toàn cầu hóa đang được tái định hình. Và tôi thực sự tin rằng Nhật Bản đang ở vị trí tốt nhất trong nhiều năm qua, nhờ sự suy yếu của đồng yên. Tại Nhật, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đều rất mạnh. Bảng cân đối của người tiêu dùng cũng rất mạnh.

    BlackRock hiện đã đưa ra khuyến nghị tăng tỉ trọng đầu tư vào cổ phiếu Nhật. Có những cơ hội lớn thực sự ở châu Á ,và chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư hơn nữa vào Nhật Bản.

    Hỏi. Ông đánh giá thế nào về ‘chủ nghĩa tư bản mới’ mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang ủng hộ?

    Đáp: Tôi tin rằng cách hiểu của Thủ tướng Kishida về chủ nghĩa tư bản mới chính là chủ nghĩa tư bản vì các bên, rằng các công ty phải tập trung vào tất cả các bên liên quan của họ. Như chúng ta có thể thấy, khi các công ty tập trung vào tất cả các bên liên quan, họ thường có lợi nhuận lâu dài hơn. Đó sẽ là chìa khóa. Và vì vậy tôi tin rằng đây là một lối nói lạc quan về cách để tái hình dung nền kinh tế Nhật Bản. Làm thế nào để nền kinh tế Nhật có thể đi từ mức tăng trưởng rất thấp đến mức cao hơn?

    Đó sẽ là một con đường chông gai nếu xét xu hướng nhân khẩu học của Nhật Bản hiện nay. Và Nhật lại không phải là quốc gia cho phép nhập cư nhiều. Muốn đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội trong tình hình nhân khẩu học hiện tại, điều đó sẽ là rất khó.




    Nguồn: Takenori Miyamoto (phỏng vấn), “Invasion of Ukraine will ‘re-imagine’ globalization: BlackRock CEO,” Nikkei Asia, 13/04/2022

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng


    Không có nhận xét nào