Nguồn: Andreas Kappeler, „Geschichte der Ukraine im Überblick“, Bundeszentrale für Politische Bildung, 08/03/2015.
Biên dịch & tổng hợp: Tôn Thất Thông
Phần 2
Giới thiệu: Đối với Ukraine, thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến 1991 là một thời kỳ lịch sử vô cùng quyết liệt với nhiều biến cố đau thương, nhưng cuối cùng cũng kết thúc bằng một quốc gia độc lập có chủ quyền cho đến hôm nay. Trước hết là đấu tranh để có một nền độc lập ngắn ngủi sau Thế chiến I, rồi trở thành Cộng hòa Xô viết, rồi nạn đói diệt chủng do Stalin gây ra với 3 triệu người chết, rồi hàng triệu người bị lưu đày vào Gulag, rồi Thế chiến II với 7 triệu người tử vong dưới sự chiếm đóng hà khắc của Đức quốc xã. Chưa kể 2 triệu người bị lưu đày đến Đức làm lao động cưỡng chế. Chưa kể những nỗ lực của Nga để xóa sổ văn hóa, xóa sổ tiếng nói, đồng hóa giới tinh hoa Ukraine. Cho nên, khi họ giành được độc lập năm 1991, nền độc lập non trẻ này là vật báu mà không một người Ukraine nào chịu buông ra. Bối cảnh này giúp chúng ta hiểu được tại sao ngày nay Ukraine kiên cường chống lại cuộc chiến xâm lược của Nga bằng mọi giá. <span data-mce-type="bookmark" style="display: inline-block; width: 0px; overflow: hidden; line-height: 0;" class="mce_SELRES_start"></span>
***
Giống như nhiều dân tộc châu Âu khác, người Ukraine không có truyền thống liên tục về nhà nước, về giới tinh hoa và văn hóa cao cấp. Tầng lớp quý tộc và văn hóa Ukraine hình thành dưới thời Hetmanate đã trải qua thời kỳ Nga hóa ngày càng gia tang trong Đế chế Nga hoàng. Chỉ một số thành viên của tầng lớp thượng lưu Cossack trước đây vẫn giữ được lòng yêu nước, nhờ đó mà phong trào quốc gia của thế kỷ 19 có thể tiếp thu. Nhưng về cơ bản, chỉ có nông dân Ukraine mới lưu giữ được ngôn ngữ và ký ức lịch sử của họ. Những đại diện đầu tiên của phong trào dân tộc Ukraine, những người được gọi là những người đánh thức dân tộc, xuất hiện ở vùng Tây Ukraine và tại Đại học Kharkiv vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, do đó chủ yếu tập trung vào việc thu thập văn học dân gian và các nguồn tài liệu lịch sử, viết các tác phẩm văn học và lịch sử đầu tiên, và sáng tạo ra ngôn ngữ Ukraine.
Trong giai đoạn thứ hai của phong trào quốc gia, trọng tâm chuyển về Kyiv, nơi một trường đại học (nói tiếng Nga) được thành lập vào năm 1834. Một nhóm nhỏ trí thức, gọi là Hội huynh đệ Thánh Cyril và Methodius, gặp nhau tại đó vào giữa những năm 1840 để xây dựng các mục tiêu. Nhà sử học Mykola Kostomarow (1817–1885) đã viết một cuốn sách miêu tả một bức tranh lãng mạn về tương lai của Ukraine, nhưng chí ít cũng là lần đầu tiên họ đưa ra các mục tiêu chính trị.
Thi sĩ Taras Schevchenko
Liên hệ với vòng huynh đệ có nhà thơ trẻ Taras Shevchenko (1814–1861), một cựu nông nô đã viết trường thi và làm thơ bằng tiếng Ukraine, hát ca ngợi nhân dân Ukraine nhưng cũng bày tỏ sự chỉ trích đối với nước Nga Sa hoàng. Do có người chỉ điểm, các thành viên của vòng huynh đệ bị bắt, bị kết án tù và đày đi xa. Bản án khắc nghiệt nhất nhắm vào Shevchenko, người đã sống gần một thập niên làm lính ở Kazakhstan. Một thời gian ngắn sau khi trở về nước Nga Châu Âu, ông qua đời tại St. Petersburg. Shevchenko nhanh chóng trở thành nhà thơ dân tộc Ukraine, và với cuộc đời và tác phẩm của mình, đã trở thành một huyền thoại đoàn kết người dân Ukraine cho đến ngày nay.
Vào đầu thập niên 1860, các vòng nhỏ thân hữu lại hình thành ở Kyiv, St. Petersburg và các thành phố khác, xuất bản tác phẩm tiếng Ukraine và thành lập các trường dạy tiếng Ukraine vào ngày chủ nhật. Một lần nữa chính phủ lại phản ứng gay gắt. Người ta thấy có mối liên hệ với cuộc nổi dậy của người Ba Lan năm 1863 và ra lệnh cấm in các tác phẩm bằng tiếng Ukraine. Điều này được lặp lại vào năm 1876 khi các nhóm ủng hộ quốc gia được thành lập trở lại. Theo sau các cuộc đàn áp, vốn gây trở ngại đáng kể cho phong trào quốc gia của người Ukraine ở Nga, trọng tâm của phong trào chuyển sang vùng Galicia của Áo.
Chuyển đến Galicia
Dưới những điều kiện thuận lợi hơn ở Galicia, các nhà hoạt động quốc gia, trước tiên là những người thuộc hàng ngũ giáo sĩ Công giáo Hy Lạp, sau đó là trí thức trẻ, bao gồm cả những người Ukraine nhập cư từ Nga, đã thành lập các hiệp hội, câu lạc bộ đọc sách, hợp tác xã và đảng phái chính trị. Họ xây dựng các chương trình quốc gia và phổ biến trên các tạp chí định kỳ, qua đó huy động nhiều bộ phận của tầng lớp nông dân. Các đại biểu Ukraine đã được bầu vào quốc hội bang Galicia và Hội đồng Đế chế ở Vienna. Hai nhân vật hàng đầu ở Galicia là Ivan Franko (1856-1916), nhà thơ thứ hai có tầm vóc quốc gia, cũng là người theo chủ nghĩa xã hội cực đoan, và Mykhailo Hrushevsky (1866-1934), từng học ở Kyiv, được bổ nhiệm làm giáo sư lịch sử tại Đại học Lviv và trở thành nhà sử học Ukraine danh giá nhất. Nữ văn sĩ Olha Kobylyanska (1863–1942), sống ở Bukovina, có thể được coi là nhà nữ quyền Ukraine đầu tiên.
Hai nhánh của phong trào dân tộc Ukraine chịu ảnh hưởng lẫn nhau và xích lại gần nhau hơn. Ở Nga cũng vậy, các đảng bất hợp pháp đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, chủ yếu là theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuynh hướng chủ nghĩa hiện đại thể hiện rõ trong văn học Ukraine, mà ấn tượng nhất được thể hiện trong tác phẩm của nhà thơ Lesja Ukrainka (1871–1913). Quá trình phát triển tự do sau cuộc cách mạng 1905 cho phép việc thành lập các đảng phái chính trị, hiệp hội và hợp tác xã theo mô hình Galicia, và xuất bản báo chí bằng tiếng Ukraine. Quốc hội được triệu tập vào năm 1906 có sự tham dự của 63 đại biểu Ukraine, những người đã có thể thành lập khối liên minh của riêng mình. Do hậu quả của sự đình trệ kéo dài và phản ứng chính trị bắt đầu trở lại vào năm 1907, vốn có đặc trưng của chủ nghĩa dân tộc Nga, phong trào quần chúng ủng hộ quốc gia Ukraine khó có thể tự thành lập trong Đế quốc Nga, khác với tình trạng ở Galicia. Phong trào chỉ được thành lập sau khi Đế chế Nga hoàng sụp đổ.
Địa lý Ukraine từ thế kỷ 18 đến ngày độc lập năm 1991
Chiến tranh, Cách mạng và Cộng hòa Nhân dân Ukraine
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người Ukraine đã chiến đấu trong quân đội cả hai phe Áo-Hung và Nga. Chiến tranh dẫn đến sự sụp đổ của cả hai đế chế. Vào tháng 2 năm 1917, một cuộc cách mạng đã quét sạch Sa hoàng. Một tuần sau, một cơ quan do Hrushevsky chủ trì, được đặt theo tên của mô hình Cossack là Rada Trung tâm, đã gặp gỡ ở Kyiv, và vào tháng 6, họ yêu cầu quyền tự trị cho Ukraine. Trong năm 1917, một cuộc cách mạng nông dân đã diễn ra ở Ukraine và nông dân tịch thu các vùng đất của giới quý tộc. Vào tháng 10, những người Bolshevik lên nắm chính quyền, thành lập chính quyền Xô Viết ở Kharkiv và chuẩn bị chinh phục Kyiv. Sau đó, vào ngày 12 tháng 1 năm 1918, Rada tuyên bố độc lập và thành lập Cộng hòa Nhân dân Ukraine.
Vào tháng 2 và tháng 3 năm 1918, quân đội Đức và Áo-Hung chiếm đóng Ukraine và thành lập chính phủ dưới quyền của Pavlo Skoropadskyj (1873–1945) ở Kyiv. Nhiệm vụ chính của nhà nước, được gọi là Hetmanate, là cung cấp ngũ cốc cho Đức và Áo-Hung. Tuy nhiên, chế độ bảo thủ không được lòng dân. Trong hiệp ước hòa bình Brest-Litovsk, chính phủ Liên Xô phải công nhận nền độc lập của Ukraine. Sau sự thất bại của các cường quốc phe trục, Cộng hòa Nhân dân Ukraine một lần nữa được công bố tại Kyiv, được điều hành bởi một hội đồng quản trị trong đó nhà dân chủ xã hội ôn hòa Symon Petlyura (1879–1926) được xem là người có nhiều ảnh hưởng nhất. Gần như cùng lúc, một nước Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraine tuyên bố độc lập, nhưng không thể chống lại quân đội Ba Lan, cho nên Galicia, và thêm nữa là phía tây Volhynia, trở thành một phần của Cộng hòa Ba Lan. Đồng thời, quân Romania chiếm Bukovina, quân Tiệp Khắc chiếm Carpatho-Ukraine.
Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Ukraine bắt đầu xây dựng một quốc gia dân tộc, nhưng tình hình quân sự rất bấp bênh và họ không bao giờ có thể kiểm soát được toàn bộ Ukraine và tranh thủ được đồng minh. Chính phủ Liên Xô không còn công nhận nền độc lập của Ukraine, và Hồng quân đã chiếm đóng Kyiv nhiều lần vào những năm 1919 và 1920. Các đội quân “bạch vệ” phản cách mạng, được ủng hộ bởi phe đồng minh phương Tây (Entente), đã tìm cách tái lập Đế quốc Nga và tỏ ra thù địch với Cộng hòa Nhân dân Ukraine. Anton Denikin (1872–1947), một vị tướng “bạch vệ”, đã thiết lập chế độ độc tài quân sự ở miền Nam và miền Đông Ukraine và tạm thời chiếm đóng Kyiv vào mùa hè năm 1919.
Chính phủ Cộng hòa Nhân dân ngày càng mất kiểm soát; tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ lan rộng. Các nhóm nông dân nổi loạn và binh lính từ quân đội Bạch vệ và quân đội Ukraine đã sát hại hơn 4.000 người Do Thái vào năm 1919 và 1920. Chính trị gia vô chính phủ Nestor Makhno (1888–1934) thành lập một chính phủ tự trị tạm thời ở miền Nam Ukraine. Cuộc nội chiến bùng nổ và Hồng quân chiến thắng trong cuộc chiến đẫm máu đó. Họ chiếm các khu vực trung tâm của Ukraine và tổ chức lại thành một cộng hòa thuộc Liên Xô.
Quốc gia-dân tộc của những năm 1918-1920, dù ngắn ngủi, vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc. Ukraine ngày nay sử dụng các biểu tượng của thời kỳ đó, tiền tệ (hryvnia), lá cờ màu xanh-vàng và quốc ca. Cuộc thử nghiệm thất bại vì đối thủ mạnh hơn nhiều, nhưng cũng vì những điểm yếu bên trong của chính mình. Quốc gia Ukraine vẫn chưa được củng cố. Tại các thành phố và khu vực công nghiệp chủ yếu nói tiếng Nga, những người Bolshevik có rất nhiều người ủng hộ. Thất vọng với bộ phận lãnh đạo và suy sụp vì chiến tranh kéo dài, những người nông dân Ukraine cuối cùng đã nhìn thấy sự tồi tệ bên trong sức mạnh của Liên Xô. Không giống như nhiều dân tộc châu Âu khác, người Ukraine đã thất bại trong việc thiết lập một quốc gia ổn định sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Ukraine hóa, nạn đói và khủng bố: Cộng hòa Xô Viết Ukraine cho đến năm 1939
Sau khi kết thúc cuộc nội chiến với hiệp ước hòa bình Riga năm 1921 với Ba Lan và củng cố quyền thống trị của Nga, những người Bolshevik đã xây dựng nhà nước Xô Viết. Họ tái cấu trúc Liên bang Xô viết, vốn được chính thức tuyên bố vào năm 1922, theo các tiêu chí ngôn ngữ và dân tộc. Theo đó, Cộng hòa Xô viết Ukraine bao gồm các vùng lãnh thổ với đa số cư dân là người Ukraine. Mặc dù quyền lực của nó vẫn còn hạn chế và phải phục tùng sự cai trị của đảng, nó là cốt lõi của quốc gia-dân tộc ngày nay. Trái ngược với Đế chế Nga hoàng, người Ukraine được công nhận là một quốc gia riêng biệt trong Liên bang Xô viết. Sự vươn lên của những người Ukraine vốn trung thành với giới tinh hoa Xô Viết được thúc đẩy trong hệ thống đảng và nhà nước. Tiếng Ukraine đã trở thành ngôn ngữ hành chính và trong trường học; chính sách Ukraine hóa được thực hiện vào thập niên 1920 đã củng cố ngôn ngữ và văn hóa Ukraine.
Chủ nghĩa Stalin
Tuy nhiên, Joseph Stalin, người đã tự xác lập mình là người kế nhiệm của Lenin sau khi ông qua đời, đã sớm thực hiện một sự thay đổi trong chính sách quốc tịch. Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô bị kiểm soát chặt chẽ hơn, và sự ủng hộ dành cho tiếng Ukraine dần dần bị rút lại để chuyển sang tiếng Nga. Tương tự như đế chế Nga hoàng, một bộ phận lớn người Ukraine, vốn dĩ đã vươn lên trở thành một phần của tầng lớp thượng lưu đô thị, phải chịu sự Nga hóa một phần nào đó, và tiếng Ukraine trở lại là một ngôn ngữ phụ mang tính chất địa phương.
Trong các cuộc “thanh trừng” vào thập niên 1930, giới tinh hoa mới bị giảm sút mạnh; người Ukraine và người Ba Lan sống ở Ukraine chiếm tỷ lệ lớn hơn trong số các nạn nhân của khủng bố Stalin so với người Nga. Điều này bắt đầu với cuộc đàn áp những người được xem là theo chủ nghĩa dân tộc tư sản và cứ thế tiếp tục với “Cuộc đại khủng bố” năm 1937-1938. Trong thời kỳ cầm quyền của Stalin, hàng triệu người Ukraine đã bị đày tới những trại tập trung gulag, trong đó ít nhất 500.000 người đã thiệt mạng.
Một chính sách hiện đại hóa với bạo lực bắt đầu vào cuối thập niên 1920. Công nghiệp hóa cưỡng bức cùng với quá trình đô thị hóa và xóa nạn mù chữ đã biến Ukraine thành một xã hội công nghiệp hiện đại. Ngược lại với thời đại của các Sa hoàng, người Ukraine đã tham dự vào quá trình này, nhưng không thể lấp đầy khoảng cách với người Nga và cuối cùng Ukraine vẫn còn dấu ấn của xã hội nông dân. Ngành công nghiệp nặng của miền Đông Ukraine tiếp tục được mở rộng. Trong số các dự án mới đầy tham vọng, nổi bật nhất là việc xây dựng nhà máy điện Dnepr khổng lồ.
Tập thể hóa cưỡng bức và nạn đói diệt chủng (Holodomor)
Đồng thời, quá trình tập thể hoá nông nghiệp đã được cưỡng bức đẩy mạnh trong vòng một vài năm. Stalin muốn kiểm soát nông dân và tăng sản lượng ngũ cốc để nuôi dân thành phố và tài trợ cho quá trình công nghiệp hóa thông qua xuất khẩu. Đất canh tác bị quốc hữu hóa và nông dân trở thành công nhân nông nghiệp trong các nông trường tập thể. Nhiều nông dân Ukraine đã chống lại các biện pháp cưỡng chế này, trong đó nhiều người bị sát hại hoặc bị lưu đày, những người được gọi là Kulaks. Nhà nước thi hành một cách tàn nhẫn việc cưỡng bức giao nộp ngũ cốc và cướp đi kho dự trữ và hạt giống ngũ cốc của nông dân. Kết quả là một nạn đói khủng khiếp đã giết chết khoảng 3 triệu nông dân Ukraine vào những năm 1932-1933. Mặc dù nạn đói cũng hoành hành ở các khu vực khác của Liên Xô, nhưng hơn một nửa tổng số nạn nhân là người Ukraine. Theo thống kê, số lượng người gốc Ukraine ở Liên Xô giảm từ 32 xuống 28 triệu người trong giai đoạn 1926-1939, trong khi số lượng người gốc Nga tăng từ 78 lên 100 triệu người so với cùng thời kỳ.
Nạn đói diệt chủng năm 1932/1933 dưới thời Stalin
Cho đến nay, việc giải thích nguyên nhân nạn đói vẫn còn gây tranh cãi. Ở Liên Xô, điều ấy bị giấu kín. Stalin gọi nạn đói đó là chuyện hoang đường, và phải đến cuối thập niên 1980, bức màn im lặng mới được vén lên. Các nhà sử học đồng ý rằng nạn đói là do Stalin gây ra. Nhưng câu hỏi còn tranh cãi là, có phải ông ta muốn tấn công Ukraine theo cách đặc biệt hay không. Đa số các nhà sử học hiện nay đều cho rằng chính sách đáng ngờ của Stalin đối với những nông dân Ukraine chết đói là đặc biệt tàn nhẫn, điều đó giải thích cho việc tỉ lệ tử vong ở Ukraine cao hơn ở Nga. Trong nước Ukraine độc lập, Holodomor (hay chết đói) đã trở thành biến cố quan trọng nhất để tưởng nhớ lịch sử đau thương của dân tộc. Nó chính thức được gọi là tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine; việc phủ nhận nó sẽ bị luật pháp trừng phạt. Ngày nay, Holodomor cũng là chủ đề của các cuộc tranh cãi lịch sử chính trị giữa Ukraine và Nga.
Miền Tây Ukraine trong thời kỳ chiến tranh
Sau Thế chiến thứ nhất, trong khi phần lớn Ukraine bị sát nhập vào Liên Xô, Bukovina rơi vào tay Romania, Transcarpathia thuộc về Tiệp Khắc, và Galicia, khu vực lớn nhất và quan trọng nhất, cũng như phía tây Volhynia, thuộc về Ba Lan. Ở Ba Lan, người Ukraine không được công nhận là một dân tộc độc lập và phải tuân theo chính sách Ba Lan hóa. Những người Ukraine ở Galicia, những người đã có kinh nghiệm chính trị trong thời kỳ Áo, đã cố gắng chống lại chính trị Ba Lan bằng các biện pháp hòa bình với sự giúp đỡ của các đảng phái, hiệp hội của họ và giáo hội quốc gia Công giáo Hy Lạp.
Các nhóm khác, chẳng hạn như Tổ chức Quân sự Ukraine (UVO) và Tổ chức những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine (OUN), đã chọn cách phản kháng bạo lực và ám sát các chính trị gia hàng đầu của Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đáp trả bằng các đòn trả đũa và bắt giữ các thủ lĩnh khu vực của OUN, trong số đó có Stepan Bandera trẻ tuổi (1909-1959). OUN tán thành một chủ nghĩa dân tộc rất cực đoan, như thuở đó khá thịnh hành ở hầu hết các nước Trung và Đông Âu, đồng thời thu hút được một lượng lớn giới trẻ Ukraine ở Galicia.
Ukraine trong Thế chiến II
Ukraine là một trong những chiến trường đẫm máu rộng lớn của Thế chiến II, đã mang lại cho dân tộc này nỗi đau khổ khôn lường. Tổng cộng, từ 6,5 đến 7,5 triệu cư dân đã chết, tức là hơn 1/5 tổng số dân, với thương vong của thường dân cao gần gấp đôi so với binh lính.
Sau hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Hitler và Stalin, quân đội Liên Xô đã chiếm đóng miền đông Ba Lan vào mùa thu năm 1939, bao gồm cả miền đông Galicia và miền tây Volhynia. Vào mùa hè năm 1940, Romania bị Liên Xô buộc phải nhượng lại phía bắc Bukovina cho Liên Xô. Người ta bắt đầu hợp nhất các khu vực mới vào Liên Xô. Giới tinh hoa cũ, chủ yếu là người Ba Lan ở Galicia, bị lưu đày.
Cộng tác ở miền Tây Ukraine
Việc Đức xâm lược Liên Xô dẫn đến hệ lụy là, vào tháng 11 năm 1941, toàn bộ Ukraine đã bị quân Đức và Romania (ở phía tây nam) chiếm đóng. Một bộ phận người dân miền tây Ukraine hy vọng tình hình của họ sẽ được cải thiện. OUN đã cố gắng nắm bắt thời cơ để thành lập một nhà nước Ukraine độc lập bằng cách liên minh với Đức Quốc xã. Theo các kế hoạch của người Đức về “khu vực phía Đông” và ý thức hệ “giống dân thượng đẳng” chống lại người Slav, nỗ lực của OUN sẽ không bao giờ thành công. Tuy nhiên, các nhóm OUN ở miền tây Ukraine đã hợp tác với lực lượng chiếm đóng và cũng tham gia vào việc sát hại người Do Thái. Sau đó, Sư đoàn SS “Galicia” chiến đấu bên phe quân đội Đức. Trong chiến tranh, các thành viên của OUN đã thành lập Quân đội Kháng chiến Ukraine (UPA), dẫn đầu một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Liên Xô, nhưng cũng sử dụng bạo lực chống lại những người định cư Ba Lan ở phía tây Volhynia và Galicia. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng. UPA tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích chống lại quyền lực của Liên Xô cho đến đầu những năm 1950.
Chính sách chiếm đóng của Đức và tiêu diệt người Do Thái
Chính sách chiếm đóng của Đức làm nhanh chóng tiêu tan hy vọng thành lập một nhà nước Ukraine. Ukraine được giao cho vai trò là một thuộc địa bị khai thác vì lợi ích kinh tế thời chiến của Đức. Erich Koch, Thanh tra Đế chế phụ trách Ukraine, cắt nghĩa vào tháng 8 năm 1942: “Không có cái gọi là Ukraine tự do. Mục đích của chúng ta là, Ukraine phải làm việc cho chúng ta, chứ không phải chúng ta tìm kiếm hạnh phúc cho dân tộc này. Ukraine phải cung cấp những gì chúng ta thiếu. Nhiệm vụ này phải được thực hiện mà không quan tâm đến tổn thất […]. Yếu tố quyết định đến thái độ của chúng tôi trong Hội đồng Thanh tra là quan điểm căn bản rằng, chúng ta đang đối xử với một dân tộc kém hơn về mọi mặt […] Trình độ học vấn của người Ukraine phải được giữ ở mức thấp […] Cũng phải thực hiện mọi chuyện để hủy diệt tỷ lệ sinh đẻ của khu vực này. Quốc trưởng đã lên kế hoạch cho các biện pháp đặc biệt này”.
Hơn hai triệu người Ukraine đã bị lưu đày tới Đức Quốc xã để lao động cưỡng chế. Hàng trăm nghìn người Ukraine đã chết trong các trại tù binh. Hầu hết tất cả những người Do Thái Ukraine, vốn không thể chạy trốn vào nội địa của Liên Xô, đã bị giết một cách có hệ thống bởi lực lượng SS và các đội sát nhân khác. Việc giết hại hơn 30.000 người Do Thái trong khe núi Babyn Yar ở Kyiv vào ngày 29 và 30 tháng 9 năm 1941 đã trở thành một biểu tượng. Đại đa số dân chúng Ukraine không hề hợp tác với quân Đức và hứng chịu rất nhiều đau thương. Hàng triệu người Ukraine đã chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân chống lại Đức.
Sau khi lực lượng Liên Xô tái chinh phục toàn bộ Ukraine từ tháng 8 năm 1943 (ở Kharkiv) đến tháng 10 năm 1944 (ở Transcarpathia), tất cả các khu vực sinh sống của người Ukraine được thống nhất thành một nhà nước, Cộng hòa Xô viết Ukraine. Do đó, các khu vực phía tây Ukraine lần đầu tiên trở thành một phần của quốc gia do Nga thống trị. Điều này chính thức được ca ngợi là “sự thống nhất” của người dân Ukraine. Trong khuôn khổ của “thanh lọc sắc tộc”, hầu hết người Ba Lan đã được tái định cư trở về Ba Lan và 500.000 người Ukraine từ Ba Lan trở lại Ukraine. Khoảng 200.000 người miền Tây Ukraine, vốn bị Nga xem là không đáng tin cậy về mặt chính trị, đã bị lưu đày đến Siberia.
Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại hay Chiến tranh giải phóng chống Liên Xô?
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bây giờ là một trong những chiến trường lớn của hồi ức chính trị. “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”, tức chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã, là huyền thoại quốc gia quan trọng nhất ở Nga, thu hút gần như toàn bộ người dân. Ngược lại, một số bộ phận người dân miền Tây Ukraine coi Thế chiến II là cuộc chiến tranh giải phóng chống Liên Xô. Các nhà lãnh đạo của nó, chẳng hạn như Bandera, được xem là anh hùng. Đây là cơ hội để guồng máy tuyên truyền Nga bôi nhọ chính phủ hiện đại Ukraine, vốn được thiết lập vào năm 2014, là “phát xít”. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Ukraine, mà ký ức về sự giải phóng người Ukraine, người Nga và các dân tộc Liên Xô khác khỏi chế độ Quốc xã vẫn chiếm ưu thế.
Từ cuối chủ nghĩa Stalin đến độc lập: Ukraine thuộc Liên Xô 1945-1991
Trong Thế chiến II, Ukraine bị tàn phá gần hết. Chính phủ đặt ra nhiệm vụ quan trọng nhất sau đó là tái thiết các thành phố và công nghiệp nặng, trong khi sản xuất hàng tiêu dùng và nông nghiệp bị xếp vào thứ yếu. Người dân, vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh, tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói khủng khiếp. Giờ đây, trật tự Xô Viết cuối cùng đã được thiết lập ở các khu vực phía Tây Ukraine. Ở đó, nông nghiệp cũng được tập thể hóa, công nghiệp và hệ thống trường dạy tiếng Ukraine được thành lập. Năm 1946, Giáo hội Công giáo Hy Lạp bị ép buộc phải giải thể, nó chỉ tồn tại trong vòng bí mật và trong tình trạng cư trú tạm bợ.
Chống Stalin hóa và cuộc “thanh trừng” mới
Sau cái chết của Stalin năm 1953, lãnh đạo đảng mới, Nikita Khrushchev (1894–1971), người từng là Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Ukraine trong gần mười năm, tiếp tục chính sách của thập niên 1920. Người Ukraine giờ đây đã được đại diện mạnh mẽ hơn trong các cơ quan nhà nước và đảng, đồng thời cũng vươn lên các vị trí lãnh đạo. Việc trừ khử một phần ý thức hệ Stalin đã làm giảm bớt áp lực chính trị và trả tự do cho hầu hết các tù nhân. Việc mở rộng chế độ phúc lợi, thúc đẩy ngành công nghiệp hàng tiêu dung và nhượng bộ cho tầng lớp nông dân tập thể dần dần dẫn đến mức sống cao hơn.
Lĩnh vực văn hóa cũng phát triển nhiều hơn, và giới trí thức ngày càng vận động mạnh mẽ để nâng giá trị của ngôn ngữ Ukraine. Những nỗ lực này đã được tăng cường trong thập niên 1960 và thậm chí còn được sự ủng hộ của lãnh đạo đảng cộng sản Ukraine lúc đó là Petro Schelest (1908-1996). Vì thế, vào đầu thập niên 1970, ông đã bị khiển trách công khai về chính sách này và bị sa thải. Dưới thời người kế nhiệm ông, Volodymyr Shcherbytskyi (1918–1990), một cuộc “thanh trừng” bắt đầu xảy ra trong các đảng viên và giới trí thức. Đồng thời, xu hướng Nga hóa trong các trường học và các ấn phẩm gia tăng trở lại. Người dân ở các thành phố Ukraine lúc đó chủ yếu nói tiếng Nga, và tiếng Ukraine chỉ có thể tự đứng vững ở vùng nông thôn và miền Tây Ukraine.
Tiến trình Nga hóa tiếp tục gia tăng là một động lực quan trọng làm cho phe đối lập có cơ hội cất cao tiếng nói ở Ukraine kể từ thập niên 1960. Đó là các thành viên của giới trí thức thành thị, những người đặc biệt đứng vững dưới áp lực Nga hóa. Họ là những người muốn cải thiện tình trạng của tiếng Ukraine và chống lại quan điểm thống trị của trường phái lịch sử theo Nga. Những mối quan tâm về văn hóa này ngày càng được kết hợp với những đòi hỏi chính trị về dân chủ và nhân quyền. Mặc dù đây chỉ là những nhóm nhỏ, nhưng chính quyền nhà nước đã thẳng tay đàn áp phe đối lập, nhiều thành viên của họ bị bắt và bị kết án tù khổ sai.
Perestroika và phong trào độc lập
Sau khi Mikhail Gorbachev khởi xướng phong trào đổi mới Perestroika của Liên Xô vào năm 1985, ở Ukraine vẫn có rất ít thay đổi trong thời gian đầu. Lãnh đạo Đảng Schcherbytzkyj vẫn tại vị cho đến năm 1989. Tuy nhiên, thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở phía bắc Kyiv đã tạm thời huy động lực lượng rộng rãi hơn kể từ đầu năm 1986. Chỉ khi hệ thống Xô Viết bắt đầu lung lay vào cuối thập niên 1980, các phong trào đối lập chính trị mới xuất hiện công khai. Ban đầu họ đến từ miền Tây Ukraine, nơi Giáo hội Công giáo Hy Lạp được phép hoạt động trở lại. Năm 1989, các nhóm đối lập khác nhau đã tập hợp lại thành một “Phong trào Nhân dân” (Ruch), do cựu tù nhân chính trị Vyacheslav Chornovil (1937–1999) làm chủ tịch. Phong trào Nhân dân đã tổ chức một chuỗi người gồm hơn 400.000 người nối tay nhau từ Kyiv đến Lviv vào năm sau. Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào tháng 3 năm 1990, một liên minh do Phong trào Nhân dân lãnh đạo đã chiếm được khoảng một phần tư số phiếu so với 70 phần trăm cho những người cộng sản.
Ngày 8/12/1991, các nguyên thủ quốc gia L. Kravtschuk (Ukraine, thứ 2 từ trái sang), S. Schushkevich (Belarus, thứ 3 từ trái sang) và B. Yeltsin (Nga, thứ 2 từ phải sang) quyết định giải thể Liên Xô. (© Ria Nowosti / Getty Images)
Phong trào đối lập lúc này đang dần dần chuyển thành phong trào độc lập dân tộc. Họ được dẫn đầu bởi các đại diện của đảng cộng sản do Leonid Kravchuk lãnh đạo, người được bầu làm chủ tịch quốc hội. Cùng với hầu hết các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô, Cộng hòa Ukraine tuyên bố chủ quyền vào tháng 7 năm 1990, và vào ngày 24 tháng 8 năm 1991, họ tuyên bố độc lập và rời Liên Xô sau cuộc đảo chính thất bại của các lực lượng phản động ở Moscow. Trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1 tháng 12 năm 1991, 90 phần trăm dân số bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập, đồng thời bầu Kravchuk làm Tổng thống Ukraine với tỷ lệ 61 phần trăm phiếu thuận; đối thủ của ông ta là Tschornowil được 23 phần trăm. Vài ngày sau, Tổng thống Nga Boris Yeltsin, cùng với Tổng thống Belarus Stanislau Shushkevich và Ukraine quyết định giải thể Liên Xô. Chính Kravchuk là người đã đạo diễn hoàn hảo cho biến cố lịch sử mang tầm vóc toàn cầu này.
(Còn tiếp 2 phần)
Giáo sư Andreas Kappeler là chuyên gia về Lịch sử Đông Âu tại Đại học Vienna và thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Áo và Ukraina. Trọng điểm nghiên cứu của ông là lịch sử của Đế chế Nga và Ukraine.
Không có nhận xét nào