Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ năm 21 tháng 4 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Chiến tranh Ukraina: Putin tuyên bố đã kiểm soát "thành công" Mariupol

    Thường dân chờ lên xe buýt thoát khỏi thành phố Mariupol, Ukraina, ngày 20/4/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO 

    Hôm nay, 21/04/2022, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố là quân Nga đã “thành công” giành quyền kiểm soát thành phố cảng Mariupol của Ukraina. 

    Trong cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou, được phát trên đài truyền hình, tổng thống Nga Putin ra lệnh bao vây những binh lính Ukraina còn đang cố thủ trong khu nhà máy Azovstal, thay vì tấn công vào đây, vì sợ sẽ thiệt hại rất nhiều nhân mạng, do đây là một khu vực có rất nhiều đường hầm. 

    Theo hãng tin AFP, những binh lính Ukraina cố thủ ở khu nhà máy Azovstal vẫn từ chối đầu hàng, nhưng hôm nay kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm an ninh cho họ. 

    Chính quyền Kiev cho biết, hàng trăm thường dân, thiếu lương thực và nước uống, hiện đang còn trong khu nhà máy Azovstal cùng với tiểu đoàn 36 của quân đội Ukraina và tiểu đoàn Azov, hai đơn vị chiến đấu còn lại ở Mariupol. Tối qua, chính quyền Kiev đã đề nghị thương lượng với Nga ở Mariupol. Trước mắt, theo thủ tướng Ukraina  Iryna Verechtchouk, 4 xe bus chở thường dân đã rời khỏi Mariupol hôm qua và cuộc di tản sẽ tiếp tục hôm nay. 

    Từ Mariupol, đi cùng với quân lính của phe ly khai thân Nga, đặc phái viên Anissa El Jabri gởi về bài phóng sự:  

    “Đằng sau những chiếc xe thiết giáp, luôn cảnh giác, hầu như lúc nào cũng sẵn sàng nổ súng, chưa bao giờ họ đông đảo như thế trong những khu nhà còn sót lại trước nhà máy Azovstal dọc theo bờ biển. Quân lính của phe ly khai thân Nga nhìn chăm chú vào hai lá cờ đỏ cắm trên đường, để đón những người mà họ đang chờ, trong một sự yên lặng bất thường, chỉ bị khuấy động bởi những thông báo phát đi phát lại qua loa phóng thanh:

    “Hỡi các binh lính và sĩ quan của tiểu đoàn Azov, hôm nay, từ 14 giờ đến 16 giờ, bộ chỉ huy Nga thông báo ngừng bắn. Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp y tế ngay cho những người bị thương và bảo đảm tính mạng cho những người buông súng.

    Thông báo nhấn mạnh đây là cơ hội cuối cùng cho những người cố thủ. Nhưng vẫn chưa thấy ai. Rồi từ đống đổ nát, bỗng xuất hiện một nhóm thường dân, kéo va li và đeo túi lưng. Những phụ nữ, trẻ em, người già, kiệt sức và vẫn còn bị sốc, bước ra từ các tòa nhà nằm đối diện với nhà máy.

    Một người trong số họ nói: “Không thể nào ngủ được với những vụ oanh tạc như vậy. Mọi thứ đều rung chuyển. Thật vô cùng nguy hiểm. Đã có nhiều người chết trong các vụ nổ. Hôm nọ, khi chúng tôi ra ngoài để tìm nước uống, đã có 6 người chết cùng một lúc". 

    Đối với những người này, sẽ có xe bus đưa đến trung tâm sàng lọc bên ngoài thành phố. Còn đối với các binh lính đang cố thủ, theo lời một sĩ quan của lực lượng ly khai, “Azovstal” sẽ là mồ chôn họ. 

    Đúng 16 giờ, các cuộc oanh kích tiếp diễn, dồn dập hơn nữa”. 

    Theo hãng tin AFP, trích thông báo của chính phủ Tây Ban Nha, thủ tướng Pedro Sanchez cùng với thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm nay đã đến Kiev và sẽ gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Cả 3 lãnh đạo có kế hoạch họp báo chung.

    Ông Zelenskyy: Tình hình ở đông và nam Ukraine 'cực kỳ gay cấn' 

    21/4/2022 

    Reuters 

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. 

    Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, cho biết tình hình ở miền đông và miền nam Ukraine còn "cực kỳ gay cấn."

    Trong bài diễn văn video ngày 20/4, ông Zelenskyy nói "cuộc tấn công mới quy mô lớn" của Nga tập trung vào một số khu vực nhất định ở Ukraine là một nỗ lực "đoạt được ít nhất một kiểu thắng lợi nào đó, ít nhất có cái để tung ra cho những cái loa tuyên truyền của họ."

    Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuznyak ngày 19/4 cho hay các lực lượng Nga tấn công dọc theo toàn bộ chiến tuyến ở miền Đông Ukraine, bao vây chặt chẽ Mariupol ở phía Nam và nỗ lực vây hãm các thành phố trong vùng Donetsk và Luhansk.

    Các phần tử ly khai do Nga hậu thuẫn nổi lên vào năm 2014 đã tuyên bố thành lập các nước cộng hòa nhân dân trên lãnh thổ mà họ kiểm soát ở một phần các khu vực Luhansk và Donetsk.

    Trong diễn văn ngày 20/4, ông Zelenskyy nói ông và các nhà ngoại giao Ukraine đang làm việc "24/7" để đảm bảo nguồn cung cấp vũ khí và "tăng tốc nhận viện trợ quân sự."

    Các quan chức Ukraine nhiều lần nói Moscow muốn chiếm thành phố đông nam Mariupol và tất cả lãnh thổ mà quân chính phủ Ukraine vẫn còn nắm giữ ở Luhansk và Donetsk để tạo một hành lang trên bộ nối liền tới Crimea mà Nga đã chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014.

    Các nhà thương thuyết cấp cao của Ukraine ngày 20/4 đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán đặc biệt và không điều kiện với Nga tại Mariupol để sơ tán binh sĩ và dân thường khỏi thành phố cảng bị bao vây.

    Ukraine cáo buộc quân Nga ngày 20/4 không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn địa phương đủ lâu để cho phép một số lượng lớn phụ nữ, trẻ em và người cao niên rời khỏi thành phố, nơi đã bị các lực lượng Nga biến thành đống đổ nát.

    Những chiến binh còn lại cố thủ trong một nhà máy thép rộng lớn đã phớt lờ tối hậu thư của Nga kêu gọi đầu hàng.

    Cùng ngày 20/4, một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ cho biết quân đội Mỹ đã bắt đầu huấn luyện một nhóm hơn 50 binh sĩ Ukraine cách sử dụng lựu pháo và cho biết thêm là việc huấn luyện được tiến hành bên ngoài Ukraine sẽ kéo dài khoảng một tuần.

    Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố viện trợ quân sự thêm 800 triệu đô la cho Ukraine, mở rộng viện trợ cả pháo hạng nặng, trước cuộc tấn công lớn của Nga ở miền Đông Ukraine.

    Tập Cận Bình phản đối các biện pháp trừng phạt Nga

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239993474.jpg

    Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (giữa) xem xét giàn phóng phi thuyền ở sân bay vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam đầu tháng 4-2022. Cho đến nay ông Tập vẫn ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine và phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ảnh Li Gang/Xinhua via Getty Images 

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm 21 tháng Tư 2022 (giờ Bắc Kinh) nói chính phủ của ông ủng hộ các cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp quốc tế nhưng phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt.

    Phát biểu qua truyền hình với một diễn đàn quốc tế tổ chức tại đảo Hải Nam, ông Tập đã trình bày khá rõ lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine, hiện đã kéo dài gần hai tháng. Đây là nỗ lực mới nhất của ông Tập nhằm mô tả với thế giới cách tiếp cận đầy mâu thuẫn của Trung Quốc đối với cuộc xung đột.

    Theo tường thuật của hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã được hãng tin AP dẫn lại , một mặt Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Moscow, từ chối gọi cuộc xung đột là một cuộc xâm lược và nói rằng Nga đã bị khiêu khích bởi sự mở rộng của NATO.

    Ông Tập đã gặp Putin ở Bắc Kinh chưa đầy một tháng trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai, hai bên đã ra tuyên bố chung khẳng định mối quan hệ của họ là “không có giới hạn”.

    Sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu thuận với Nga về các đề xuất trừng phạt Nga được đưa ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc gần đây. Phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc vẫn tiếp tục khuếch đại các thông tin sai lệch của Nga về việc Ukraine dàn dựng các cuộc tấn công và sản xuất vũ khí sinh học với sự hợp tác của Mỹ.

    Bắc Kinh vẫn ủng hộ Moscow bất chấp bằng chứng về tội ác chiến tranh của quân đội Nga và cho biết họ duy trì quan hệ kinh tế bình thường giữa các nước bất chấp việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.

    Nhưng mặt khác, với các đại biểu dự diễn đàn quốc tế ở Hải Nam, ông Tập nói rằng Trung Quốc vẫn “cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng sự lựa chọn độc lập của người dân những đất nước khác nhau về con đường phát triển và hệ thống xã hội của họ.” Cần để ý, Ukraine là một nước độc lập, có chủ quyền và có quyền chọn con đường phát triển phù hợp với mong muốn của đại đa số người dân của họ – mặc dù sự lựa chọn đi về phía phương Tây đã bị Nga coi là nguyên cớ để thực hiện chiến tranh xâm lược.

    “Chúng tôi cam kết giải quyết hòa bình những khác biệt và tranh chấp giữa các quốc gia thông qua đối thoại và tham vấn, ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng, bác bỏ các tiêu chuẩn kép và phản đối việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán mở rộng”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập cho biết và nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc phản đối các biện pháp cấm vận kinh tế khắc nghiệt mà các nước công nghiệp phát triển, cả ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, đang áp đặt lên nước Nga sau khi ông Putin nổ súng xâm lược Ukraine.

    Trung Quốc cũng được cho là đang nghiên cứu cuộc khủng hoảng Ukraine để tìm hiểu xem nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối với Đài Loan sau này, hòn đảo dân chủ tự quản mà Trung Quốc đe dọa sẽ xâm lược để đưa nước này vào quyền kiểm soát của mình. Đài Loan và Trung Quốc chia cắt trong một cuộc nội chiến năm 1949, nhưng Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của riêng mình.

    Có một tin tốt là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Tư đã nói chuyện điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi ông trở thành người đứng đầu Ngũ Giác Đài hơn một năm trước, phá vỡ sự bế tắc về liên lạc mà các quan chức Mỹ cho là ngày càng nguy hiểm.

    Ông Austin – người gọi Trung Quốc là thách thức dài hạn hàng đầu của quân đội Mỹ – đã yêu cầu điện đàm với tướng Wei Fenghe (Ngụy Phương Hòa) – Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc sau nhiều tháng nỗ lực không thành công để nói chuyện với tướng Xu Qiliang (Hứa Kỳ Lượng) – Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc, cấp cao nhất trong cơ cấu quân đội của Đảng Cộng sản, chỉ sau ông Tập Cận Bình.

    Hồng Kông bắt đầu dỡ bớt phong tỏa

    Vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông đã mai một đi bởi chính quyền độc đoán và một hệ thống y tế công tồi tệ. Từ thứ Năm này, chính quyền thành phố sẽ dỡ bớt một số hạn chế covid-19 vốn được đặt ra nhằm kiềm chế làn sóng covid thứ năm. Khi ấy số ca nhiễm lan nhanh phần nào vì chương trình tiêm chủng chậm chạp, với chỉ 48% dân số từ 70 đến 79 tuổi được tiêm ít nhất một liều vào thời điểm cuối năm ngoái. Giờ đây con số này đã tăng lên 82%.

    Ngoài ra còn có chính sách zero covid của Trung Quốc, tiêu biểu với quy định kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Chính sách này khiến nền kinh tế của lãnh thổ chỉ tăng trưởng 2-3,5% trong năm nay. Chính phủ hy vọng việc nới lỏng các hạn chế sẽ giúp tăng chi tiêu, và do đó đã ưu tiên cho những lĩnh vực có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Disneyland sẽ mở cửa cho du khách, nhưng bãi biển thì không.

    Căng thẳng tôn giáo lên cao ở Ấn Độ

    Bạo lực xã hội đang phả hơi nóng vào mọi ngóc ngách cuộc sống ở Ấn độ. Đụng độ giữa người Ấn giáo và người Hồi giáo đã nổ ra ở một số thành phố, bao gồm cả thủ đô Delhi, từ đầu tháng 4. Chúng gần như theo một mô típ tương tự nhau: một nhóm thanh niên trẻ ăn mừng lễ hội Hindu bằng cách đi diễu hành qua các khu Hồi giáo, phô trương vũ khí và luôn miệng hô hào chống Hồi giáo.

    Chưa hết, người Hồi giáo còn bị ngược đãi về mặt vật chất. Trong một ví dụ, người đứng đầu chi bộ đảng cầm quyền Bharatiya Janata tại Delhi đã yêu cầu trừng phạt những kẻ bạo loạn bằng cách phá hủy “các cấu trúc xây dựng bất hợp pháp” trong khu phố của họ. Ngay lập tức nhà cửa và các cửa hàng của người Hồi giáo đã bị phá hủy hôm thứ Tư. Tòa án tối cao đã can thiệp và yêu cầu dừng ngay lập tức cho đến khi tòa ra một phán quyết thích hợp.

    Đức đứng trước áp lực viện trợ vũ khí cho Ukraine

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đối diện áp lực cả trong và ngoài nước vì từ chối gửi vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng và tàu ngầm, cho Ukraine. Tuần này, ông đã cố gắng xoa dịu chỉ trích bằng cách nói rằng chính phủ ông đang hỗ trợ tiền cho các nhà sản xuất vũ khí của Đức, ngay cả khi thừa nhận quân đội của ông sẽ không viện trợ thêm. Đức là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine và đã gửi các loại khí tài như lựu đạn, súng máy, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không, mặc dù không nhiều như Mỹ. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ đối với những người cho rằng Ukraine cần được giúp đỡ nhiều hơn sau khi Nga mở cuộc tấn công vào miền đông Ukraine trong tuần này.

    Những người phản đối viện trợ e ngại làm vậy sẽ khiến Đức gián tiếp tham chiến. Nhưng ngay cả những nhân vật hàng đầu trong đảng Xanh và đảng Tự do thuộc liên minh cầm quyền cũng đang kêu gọi Đức viện trợ vũ khí hạng nặng. Nghị sĩ đảng Xanh Anton Hofreiter, người hồi tuần trước đã đến Kyiv, nói ông Scholz càng trì hoãn cuộc chiến sẽ càng kéo dài.

    Máy bay trinh sát hàng hải của Mỹ biến mất ở Biển Đen 3 giờ trước khi tàu ‘Moskva’ của Nga bị chìm

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/04/may-bay-trinh-sat-700x366.jpg

    máy bay trinh sát P-8 “Poseidon” của Mỹ. 

    Chiến hạm Biển Đen “Moskva” của Nga đã bị một tên lửa Hải Vương tinh của Ukraine bắn trúng ở Biển Đen vào ngày 13 và cuối cùng bị chìm, gây chấn động thế giới.

    Truyền thông Anh tiết lộ rằng ngay trước khi “Moskva” bị tấn công, một máy bay trinh sát hàng hải P-8 “Poseidon” của Mỹ vừa bay qua Biển Đen, và radar của máy bay trinh sát được cho là có thể theo dõi tàu trong phạm vi 160 km.

    Theo báo “Times” của Anh, máy bay trinh sát P-8 “Poseidon” của Mỹ đã theo dõi “Moskva” trong nhiều giờ trước khi nó bị bắn trúng và có thể đã cung cấp địa điểm của con tàu cho quân đội Ukraine. Máy bay trinh sát hàng hải P-8 do Công ty Boeing của Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất, dựa trên máy bay chở khách Boeing 737-800. Tuy nhiên, máy bay này không phải chở khách mà là thiết bị theo dõi để tuần tra, trinh sát hàng hải và tác chiến chống tàu ngầm.

    Báo cáo cho rằng rằng máy bay trinh sát P-8 của Mỹ đã cất cánh từ Ý và dừng lại ngoài khơi Biển Đen của Romania trong nỗ lực xác định vị trí của Hạm đội Biển Đen của Nga. Các nền tảng trinh sát như máy bay không người lái của NATO đã theo dõi các hoạt động của Nga từ bờ biển Ba Lan, biên giới Ukraine đến Biển Đen kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

    Máy bay P-8 được cho là đã rời Trạm Hàng không Hải quân Mỹ ở Sicily vài giờ trước cuộc tấn công ngày 13/4. Thiết bị theo dõi đã bị tắt trước khi nó đến bờ Biển Đen, vì vậy không thể theo nó dõi trực tuyến thông qua trang web Flight Radar24 và nó đã “vô hình” trong gần 3 giờ trước khi quay trở lại màn hình radar.

    Amelia Smith, một nhà phân tích dữ liệu hàng không, cho biết thêm máy bay của Mỹ đã hoạt động dọc theo bờ Biển Đen vào ngày xảy ra vụ tấn công. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ từ chối xác nhận liệu họ có hỗ trợ trong cuộc tấn công Ukraine bằng cách cung cấp dữ liệu tình báo hay không. Nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của chúng tôi ở sườn phía đông của NATO, chúng tôi tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra trên không giới hạn ngoài khơi bờ biển Romania, nhưng chúng tôi sẽ không thảo luận chi tiết về các hoạt động”.

    Nga thử phi đạn mà Putin nói không có đối thủ 

    21/4/2022 

    Reuters 

    Phi đạn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được Nga phóng thử đầu tiên ngày 20/4/2022.

    Phi đạn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được Nga phóng thử đầu tiên ngày 20/4/2022. 

    Nga ngày 20/4 loan báo đã tiến hành vụ phóng thử đầu tiên phi đạn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, một "thành viên" mới trong kho vũ khí hạt nhân mà Tổng thống Vladimir Putin nói sẽ khiến cho kẻ thù của Moscow phải suy ngẫm.

    Trên truyền hình, ông Putin được quân đội báo cáo phi đạn đã được phóng từ Plesetsk ở phía tây bắc nước này và đánh trúng các mục tiêu ở bán đảo Kamchatka ở viễn đông.

    Phi đạn Sarmat đã được phát triển trong nhiều năm và vì vậy việc phóng thử phi đạn không phải là điều ngạc nhiên đối với phương Tây, nhưng vụ phóng thử diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị cực độ vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã kéo dài 8 tuần.

    "Phi đạn mới có các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật cao nhất và có khả năng vượt qua mọi phương tiện phòng thủ chống phi đạn hiện đại. Phi đạn không có đối thủ tương tự trên thế giới và sẽ còn lâu mới có đối thủ," ông Putin nói.

    "Loại vũ khí thực sự độc đáo này sẽ tăng cường tiềm lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang của chúng tôi, đảm bảo an ninh của Nga trước các mối đe dọa từ bên ngoài và làm cho những người, với sự sôi sục những luận điệu hung hăng điên cuồng đang tìm cách đe dọa đất nước chúng tôi, phải suy ngẫm."

    Sarmat là Phi đạn Đạn đạo Xuyên lục địa hạng nặng mới mà Nga dự kiến sẽ triển khai với 10 đầu đạn trở lên trên mỗi phi đạn, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ.

    Phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, ông Putin từng đề cập đến các lực lượng hạt nhân của Nga và cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ nỗ lực nào cản đường "sẽ dẫn đến những hậu quả quý vị chưa từng gặp phải trong lịch sử của quý vị."

    Vài ngày sau đó, ông ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao, gây ra những quan ngại ở phương Tây.

    Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres hôm 14/3 nói: "Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, nay đã trở lại trong phạm vi có thể xảy ra".

    Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Sarmat được bắn từ bệ phóng ngầm vào lúc 15h12 giờ Moscow (12h12 GMT) và các đầu đạn huấn luyện đã đạt tới tầm bắn thử nghiệm trên bán đảo Kamchatka ở Thái Bình Dương, với khoảng cách gần 6.000 km.

    "Sarmat là phi đạn mạnh nhất với tầm bắn hủy diệt mục tiêu xa nhất trên thế giới, sẽ làm tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược của đất nước chúng ta", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

    Mỹ, Anh, Canada đứng dậy tẩy chay khi đại diện Nga phát biểu tại G20 

    21/4/2022 

    Reuters 

    Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen nói bà cực lực phản đối việc một quan chức cấp cao của Nga có mặt tại cuộc họp G20

    Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen nói bà cực lực phản đối việc một quan chức cấp cao của Nga có mặt tại cuộc họp G20 

    Quan chức tài chính hàng đầu của Anh, Mỹ và Canada đã bước ra khỏi phòng họp G20 ngày 20/4 khi đại diện của Nga phát biểu, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết.

    Các quan chức Ukraine tham dự cũng bước ra khỏi cuộc họp của các quan chức tài chính hàng đầu 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo một nguồn tin biết về cuộc họp.

    "Trước đó các đại diện của tôi, cùng với những người đồng cấp Mỹ và Canada đã rời cuộc họp G20 hôm nay ở Washington khi các đại biểu Nga phát biểu", Bộ trưởng Tài chính Anh, Sunak, viết trên Twitter. "Chúng tôi thống nhất trong việc lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine và sẽ thúc đẩy sự phối hợp quốc tế mạnh mẽ hơn để trừng phạt Nga."

    Thứ trưởng Tài chính Nga Timur Maksimov trực tiếp tham dự cuộc họp, trong khi Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov và thống đốc ngân hàng trung ương Nga tham gia trực tuyến, một nguồn tin thứ hai cho hay.

    Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen nói với những người tham dự rằng bà cực lực phản đối việc một quan chức cấp cao của Nga có mặt tại cuộc họp, hai nguồn tin cho Reuters hay.

    Một nguồn tin cho biết thêm rằng bà Yellen nói với những người tham dự là sẽ "không có hoạt động kinh doanh như thường lệ" đối với Nga trong nền kinh tế toàn cầu, phản ánh thông điệp của bà gửi Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati. Indonesia đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch G20 trong năm nay.

    Bà Yellen cùng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey và Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, và những người khác đứng lên bước ra khỏi cuộc họp.

    Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde thúc giục ông Maksimov chuyển đến Moscow một thông điệp rõ ràng - chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, một trong những nguồn tin cho biết.

    Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trong khối G20 gặp nhau bên lề hội nghị nửa năm một lần do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Washington, trọng tâm là chiến tranh Ukraine, an ninh lương thực và sự phục hồi đang tiến triển từ đại dịch virus corona.

    Bà Yellen có kế hoạch tẩy chay hai phiên họp G20 bàn về kiến trúc tài chính quốc tế và tài chính bền vững, một trong những nguồn tin cho biết, mặc dù các quan chức Bộ Ngân khố cho hay bà sẽ tham gia cuộc thảo luận về tác động của cuộc chiến Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu.

    Lãnh đạo tài chính từ một số quốc gia châu Âu có ý định nối gót bà Yellen để phản đối cuộc xâm lược của Nga.

    Bà Freeland, Bộ trưởng tài chánh Canada gốc Ukraine, có kế hoạch "tẩy chay bất kỳ phiên họp nào mà đại diện Nga phát biểu", một quan chức chính phủ Canada cho biết.

    Bà Freeland, đồng thời là Phó Thủ tướng Canada, cho hay bà đã bước ra khỏi phiên họp toàn thể G20 để phản đối sự tham dự của Nga.

    "Các cuộc họp tuần này ở Washington nhằm hỗ trợ kinh tế thế giới - và cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga tại Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu", bà viết trên Twitter và nói thêm rằng Nga không nên tham dự.

    Những quan ngại 

    Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 20/4 công nhận đây là một "thời điểm khó khăn" đối với G20, một diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp cuộc chiến chống lại COVID và ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

    Nhưng bà khẳng định sự hợp tác thông qua diễn đàn sẽ tiếp tục.

    Bà Georgieva và bà Yellen đã cảnh báo về sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu thành các khối địa chính trị, với một bên là Hoa Kỳ và các nền dân chủ theo kinh tế thị trường và một bên là Trung Quốc, Nga và các nền kinh tế nhà nước


    Không có nhận xét nào