Header Ads

  • Breaking News

    Trương Duy Hy - Tử thủ căn cứ hỏa lực 30 Hạ Lào


    Trong tháng tư năm 2022, Báo Quốc Dân sẽ lần lượt đăng lại quyển Hồi ký chiến tranh của Đại úy Pháo binh Trương Duy Hy, Quyển hồi ký gồm 25 chương, hàng ngày sẽ phổ biến 3 chương.



    (Nguồn: Lê Thy đánh máy từ sách in trước 1975 do TM gởi tặng)

    Thành kính,

    ★Tưởng-niệm vong-linh các Pháo-Thủ PĐC/44 PB và các chiến-hữu Tiểu-đoàn 2 Dù, PĐC/3 Dù đã hy-sinh bảo vệ Căn-Cứ Hỏa-Lực 30.

    ★Tri ân Đại-tá Vũ-Đình-Chung về việc chỉ-giáo cho tôi một hướng đi.

    ★Tri ân Trung-tá Nguyễn-văn-Tự và quí vị Sĩ-quan Tham-Mưu Tiểu-đoàn 44/PB đã tận tình lo-lắng cho tôi và Pháo-đội C từng giây phút

    ★Tri ân Thiếu-tá Mạnh, Đại-úy Hạnh, Tiểu-đoàn 2 Dù và giúp đỡ Pháo-đội C trong lúc gian-nan nguy-hiểm.

    Cảm tạ,

    ★Trung-úy Lê-văn-Lân và đồng-bào Đại Lộc đã tạo cho tôi nguồn cảm-hứng cùng nghị-lực để hoàn-thành thiên “Hồi Ký Chiến-Tranh” này.

    TRƯƠNG-DUY-HY

    THAY LỜI TỰA

    Chương 1

    Đà-Nẵng, ngày 10 tháng 6 năm 1971.

    Thân gởi,

    Đại Úy Trương Duy Hy,
    Pháo-đội Trưởng Pháo-đội C/44 PB, tham dự cuộc Hành-Quân Lam-Sơn 719 tại Căn Cứ Hỏa-Lực 30, Hạ-Lào.

    Anh Hy thân mến,

    Tôi vừa nhận được bản thảo Hồi ký chiến tranh của Anh, nhan đề «Tôi Tham-Chiến Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 Tại Hạ Lào». Anh có nhờ tôi đề tựa. Đáng lẽ Anh phải nhờ một nhà văn nổi tiếng hay một Sĩ-quan cao cấp làm công việc đó, nhưng anh đã nghĩ đến tôi, chắc vì mối tình tri ngộ giữa chúng ta kể từ hơn 20 năm nay. Do đó tôi viết bức thư không niêm nầy, thay vì đề tựa chính thức để giải bày cùng anh những cảm nghĩ của riêng tôi sau khi đọc tác phẩm nầy.

    Năm, tháng trôi qua thật nhanh, bao nhiêu biến cố dồn dập đến trên giải đất thân yêu của chúng ta, kể từ một phần tư thế kỷ nầy đã đảo lộn nhiều chế độ chánh trị, xáo trộn cả bộ mặt xã hội và nếp sống hàng ngày, cơ hồ có lúc làm đảo lộn tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất trong lòng người giữa cơn lốc vật chất quay cuồng dữ dội. Nhưng kỳ diệu thay, mối dây giao hảo giữa chúng ta vẫn không hề bị gián đoạn vì thời cuộc nghiêng ngửa, cũng không hề bị hoen ố vì ảnh hưởng của cuộc nhân sinh. Giữa Anh và tôi vẫn còn trọn vẹn tình thầy trò thiêng liêng, tình anh em thắm thiết, tình bằng hữu đậm đà. Tôi biết Anh, từ khi Anh hãy còn là một cậu bé 15 tuổi, sớm mồ côi cha, nhưng nhờ ý chí cương quyết, nghị lực vững vàng, anh đã can đảm vượt qua hết mọi trở ngại lớn lao, để tiếp tục việc học đến ngày thành công. Anh thi đậu vào lớp Đệ Thất trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, năm 1952, tôi còn nhớ rõ hình ảnh một cậu học sinh nhỏ bé, ngơ ngác giữa đám bạn bè tinh nghịch. Nhưng anh đã làm chúng bạn cảm phục ngay, vì học lực và tính tình của Anh. Việc học nửa chừng bị gián đoạn vì Anh phải tham dự cuộc Hành Quân Atlante vào khoảng 1-1954. Chiến tranh chấm dứt, Anh phải học băng vào lớp Đệ Ngũ, thế mà tháng nào Anh cũng đứng đầu lớp, năm nào anh cũng nhận phần thưởng danh dự, suốt trong mấy năm Trung Học Đệ l và Đệ lI cấp, cuối cùng anh thi đậu Tú Tài Toàn Phần. Hồi đó, các Giáo sư ai cũng đều ngợi khen Anh. Nếu Anh được cái may mắn sinh trưởng trong một gia đình giàu có, thì chắc sự học sẽ còn tiến xa hơn nữa. Trong khoảng từ năm 1958 đến năm 1962, Anh phải đi dạy các trường Trung-Học Công Tư ở Quảng-Nam để giúp đỡ gia đình, rồi sau đó phải nhập ngũ. Trong thời gian nầy, thỉnh thoảng tôi mới gặp Anh, nhưng tôi có nghe đồng bào quận Đại-Lộc rất ca tụng Anh trong vụ cứu trợ nạn lụt mùa Đông 1970. Con người của Anh thật là tiêu biểu cho dân Quảng-Nam : trực tính, ưa tranh luận (Quảng-Nam hay cãi…) thích chỉ huy, rất hăng say trong mọi công tác và sẵn sàng phẫn nộ trước cảnh bất công. Xứ Ngũ Phụng Tề Phi với núi sông hùng vĩ, kỳ tú là một vùng đất tượng trưng cho tinh thần quật khởi của một người dân xứ Quảng. Sở dĩ tôi phải nhận xét về con người của Anh dông dài chẳng biết có phạm đến lòng khiêm tốn của Anh không ? – thật không phải là để ca tụng Anh đâu, mà chính là để tìm hiểu những cảm nghĩ và hành động của Anh trong những ngày Anh hành quân tại mặt trận Hạ Lào. Bản chất của Anh đã được phô bày khá đầy đủ trong tác phẩm nầy. Ở đây, tôi không muốn làm công việc phê bình, cũng không dám lạm bàn đến chiến lược, chiến thuật vì điều đó vượt khả năng và sự hiểu biết của tôi. Tôi chỉ muốn trình bày sau đây một vài khía cạnh mang ít nhiều tính chất chính trị và xã hội trong tác phẩm nầy :

    – Anh đừng e ngại cái Tôi là đáng ghét. Cái Tôi trong tập hồi ký nầy chỉ là Cái Tôi điển hình cho tất cả những chiến sĩ dũng cảm tại Hạ Lào. Cái Tôi của Lân, của Thiện, của những binh sĩ Pháo Binh, của Tiểu-đoàn Dù, của Biệt-Động-Quân… đã chạm mặt Tử-Thần tại mặt trận Hạ-Lào nhưng không hề run sợ.

    – Trước sự đe dọa của Tử-thần, tình đồng đội thật là thắm thiết hơn bao giờ hết. Bao nhiêu hiềm khích nhỏ nhen trong cuộc sống bình thản thường nhật đã bị tiêu tan trong chiến trận. Trước mặt, chỉ còn có địch quân cần phải tiêu diệt để bảo vệ sự sống của chính mình và của đồng đội.

    – Lòng nhân đạo đã được thể hiện, khi chiến trận chấm dứt, trông thấy xác chết ngổn ngang, các thương binh, dù là địch quân, rên siết trong nỗi đau đớn, khổ sở đều cần được chăm sóc, được an ủi như nhau. Vì nghĩa vụ, con người phải chém giết nhau, thì cũng vì nghĩa vụ, con người phải cứu giúp nhau để xoa dịu những nỗi khổ trong kiếp sống bi thảm nầy. Anh đã áp dụng đúng đắn lời dạy của triết gia Bersot, mà ngày xưa tôi đã bắt Anh dịch ra Việt-văn. Thật ra, những người lính Cộng-Sản Bắc Việt chỉ là những con tốt thí cho một chủ nghĩa, một mưu đồ. Họ phải chịu chết, phải chịu khổ sở từ 25 năm nay để phục vụ cho quyền lợi của tầng lớp cán bộ lãnh đạo ở Bắc Việt, mà họ cứ vẫn tưởng là phục vụ cho dân tộc Việt-Nam.

    – Đối với quảng đại quần chúng, tôi cũng nghe nói đến chiến trận Hạ-Lào vô cùng ác liệt, hơn cả những trận Pleime, Benhet, Dakto… hơn cả trận Điện-Biên-Phủ năm xưa. Nhưng không mấy ai ở ngoài cuộc có thể hình dung nổi trận chiến ác-liệt như thế nào, nỗi gian khổ của binh sĩ ta lớn lao đến chừng nào. Tác phẩm nầy đã vẽ ra một phần không nhỏ cả khung cảnh dữ dội, kinh hoàng của chiến tranh, nhờ đó quần chúng mới hiểu thấu hết tinh thần chiến đấu can trường, sức chịu đựng gian khổ của binh sĩ ta tại Hạ-Lào, để biết cảm phục và thương yêu binh sĩ nhiều hơn.

    – Tôi không đặt vấn đề thắng hay bại của cuộc hành quân Lam-Sơn 719, nhưng quả thật nhờ có cuộc hành quân nầy mà sự tiếp liệu khổng lồ của Bắc Việt vào Kampuchia và Nam Việt-Nam đã bị ngưng trệ trong một thời gian, các kho tàng-trữ vũ khí, thực phẩm, thuốc men, vật liệu của địch quân đã bị hủy diệt một phần lớn, điều này không một ai có thể chối cãi được, và sự hy sinh của binh sĩ ta thật không phải là vô ích. Về mặt chính trị, nhờ có cuộc hành quân nầy mà cả thế giới đều thấy rõ Bắc Việt đã xâm lăng không chính thức Miền Nam Việt-Nam, bằng đường mòn Hồ Chí Minh, một điều mà Bắc Việt luôn luôn cải chính, đó là một thắng lợi về chính trị thật rõ ràng.

    – Tác phẩm nầy còn được xem như một lằn roi quất mạnh vào mặt những hạng chính khách salon, bơ sữa, những hạng người thối nát trong guồng máy Quốc gia, những hạng tham nhũng, đầu cơ trục lợi những dân biểu buôn lậu phản nước, hại dân, những tên tài-phiệt đã nhờ chiến tranh mà làm giầu trên xương máu của binh sĩ và đám cùng dân khố rách áo ôm. Các anh em binh sĩ có hô hào phải hy sinh, phải làm cách mạng, phải yêu nước bao giờ đâu ? Binh sĩ chỉ biết chiến đấu trong im lặng và chết trong im lặng, không một lời than thở, tiếc nuối. Các binh sĩ chiến đấu tại Hạ Lào là những thiên thần sẽ giẫm nát lũ sâu bọ lên làm người đầy rẫy nơi đây.

    – Tác phẩm còn được xem như một liều thuốc hồi sinh đối với bọn thanh niên sống cuộc đời vô lý tưởng, luôn luôn sợ gian khổ, sợ chiến đấu, cố tìm quên lãng và xóa bỏ thực tại bằng một nếp sống sa đọa, trụy lạc. Cố nhiên là nếu họ chịu uống liều thuốc đắng mà bổ ích nầy.

    Anh đã làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ-Quốc. Đó là niềm hãnh diện nhất trong đời.

    Thân ái chào Anh.
    TRẦN NGỌC QUẾ

    Chương 2

    XÁC ĐỊNH MỘT TỌA-ĐỘ

    «CÁI TÔI» bao giờ cũng là « CÁI ĐÁNG GHÉT ». Từ xưa đến nay, vì nghĩ đến « CÁI TÔI», nói đến «CÁI TÔI» mà có nhiều người mang họa – nếu không, cũng là đầu đề cho bạn bè đem ra chế giễu.

    Lại nữa, «CÁI TÔI» lúc nào cũng chủ-quan. Đã chủ-quan thì khó trung-thực. BÙI GIÁNG hơn một lần nhận xét «… mắt ta thấy chưa chắc đã là không lầm, tai ta nghe chưa chắc là đã không lộn..!» Nhưng khổ nỗi, ở một vài trường-hợp «CÁI TÔI» vì điều-kiện và ngoại-cảnh nào đó an-bài cho nó có «MỘT TỌA-ĐỘ». Từ «Tọa-Độ» nầy, nó có một thị-trường thích-nghi, tuy không nói lên những nhận-xét trung-thực bởi «chủ-quan-tính» gắn liền với nó – nhưng ít ra, nó có thể nói lên những gì nó thấy tận mắt, nghe tận tai, ngửi tận mũi.

    Vả lại, «CÁI TÔI» trong Hồi-ký nầy còn là điểm tựa, bằng vào đó để có thể trung-thực trình-bày các điều đã thấy, nghe và ngửi – hẳn độc-giả sẽ không hẹp-hòi gì mà không tha-thứ.

    Với ý-thức khơi nguồn bởi lòng độ lượng của độc-giả «CÁI TÔI» trong Hồi-ký tự nhận có bổn-phận chân-thành thể hiện cảm-quan đã thâu-thập trong suốt 23 ngày đối diện với Tử-thần ở Hạ-Lào. Ngoài ra, CĂN CỨ HOẢ LỰC 30, tiền đồn cuối cùng ở phía Bắc Quốc lộ 6 nằm sâu trong nội-địa Lào- Quốc – kể từ sau ngày 25-2-1971 – không phải chỉ có một vài người trách-nhiệm tử-thủ, thì đương nhiên những gì «CÁI TÔI» đã ghi chép tại đây, chắc-chắn không thể lọt ra ngoài những cặp mắt phán-xét nghiêm-khắc của hàng trăm chứng-nhân – nếu không là sự thật 100%.

    Hơn thế nữa, tôi nghĩ – bây giờ tôi bắt đầu xin được dùng chữ «TÔI» – đã là Hồi-ký chiến-tranh, kẻ cầm bút nếu không trung-thực với chính mình, lại cố ý ru mọi người chung quanh vào «MÊ HỒN TRẬN NGỤY TẠO », thiết tưởng đáng hổ thẹn biết bao!

    Vì lẽ đó, hôm nay «CÁI TÔI» của tôi chỉ có mỗi một ước-vọng, và tất cả cố gắng dồn vào ước-vọng nầy : thật rõ những gì đã xảy ra mà chính mình chứng-kiến, chính mình am-hiểu từ lúc nhận lệnh tham-chiến đến ngày Đại lễ «KHAO QUÂN MỪNG CHIẾN THẮNG LAM SƠN 719» cử-hành trọng-thể tại cố-đô Huế dưới sự chủ-tọa của Tổng-Thống VNCH NGUYỄN VĂN THIỆU.

    Phần nhận xét liên hệ đến chiến thuật, chiến lược, tôi xin được miễn phổ-cập.

    Khe-Sanh, ngày 16 tháng 3 năm 1971
    TRƯƠNG DUY-HY

    Chương 3

    NHẬN LỆNH,THẾ LÊN ĐƯỜNG


    Đang chỉ huy một Pháo-đội (–) Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh, đồn trú tại Đồi 37, ngay sau Quận-đường Đại-Lộc. Pháo-đội tôi có nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp cho Liên-đoàn Biệt-Động-Quân do Đại-tá Hiệp, Liên-đoàn Trưởng Chỉ Huy, quần thảo với Cộng Quân suốt dọc sông Thu-Bồn, bên phần đất Duy-Xuyên. Tôi được lệnh chuyển nhiệm vụ sang yểm trợ trực tiếp cho Trung-đoàn 51 Bộ-Binh do Đại-tá Thục, Trung-đoàn Trưởng vào khoảng thượng-tuần tháng 1-1971.

    Rạng ngày 25-1-1971, Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn gởi công điện gọi tôi về dự buổi họp quan trọng.

    10g30, bước vào phòng họp, tôi thấy hầu hết các Sĩ-quan tham mưu, các vị Pháo-đội Trưởng Chỉ-huy, Pháo-đội Trưởng Tác-Xạ A,B đã tề tựu đông đủ quanh chiếc bàn hình «Oval» phủ khăn đỏ.

    Bắt đầu buổi họp, Thiếu-tá Nguyễn Văn Tự, Tiểu-đoàn Trưởng với vẻ mặt tươi tỉnh hơn mọi ngày, trịnh trọng tuyên bố : Tiểu-đoàn sắp tham dự một cuộc Hành-quân đại qui mô, điều động toàn bộ Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh tham chiến. Mục tiêu cuộc Hành-quân là phá hủy hậu cần địch tại Hạ-Lào…

    Sau cuộc họp, trở về Đồi 37, tôi cùng Trung-úy Lê văn Lân, Sĩ-quan Tác-xạ Pháo-đội đặt kế hoạch di chuyển. Tôi không quên đặc ân cho một số quân nhân tốt trong Pháo-đội được đi phép ít hôm về ăn Tết với gia đình. Số còn lại, tiếp tục vui Xuân trọn vẹn từ mồng 1 đến cuối ngày 2 Tân-Hợi.

    Chúng tôi đã ngã 1 bò và 2 heo nhân dịp Tất-niên và mừng Xuân-Mới. Riêng đồng bào, các vị thân hào nhân sĩ, các viên chức Xã Lộc-Hưng, các Sĩ-quan Hoa Kỳ mang quà cáp đến chúc «thọ» chúng tôi. Quý vị Hiệu Trưởng, Nam Nữ Giáo-sư, Nam Nữ-sinh trường Trung-Học Đệ Nhất, Đệ Nhị-cấp Đại-Lộc đến tận Pháo-đội trao cho mỗi pháo thủ một chiếc khăn tay có thêu tên trường, tên lớp, thân tặng, để kỷ niệm những ngày Pháo-đội công tác tại địa phương nầy.

    Sáng Mồng 3 Tết, nhằm ngày 29-1-1971, cả Pháo-đội thức dậy thật sớm, dọn dẹp những gì còn sót, chất đầy trên 4 xe cargo 2t5, 4 xe 5 tấn, 2 xe Dodge, 3 xe Jeep và 3 móc hậu 1 tấn, đầy nhóc đạn 155 ly.

    11g30, chúng tôi di chuyển xuống hướng Phong-Thử, rẽ về Đồi 55 Đất-Sơn đón Trung-đội 1 rồi cùng về Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn.

    Tại Tiểu-đoàn, tất cả 6 đại-bác 155 ly của Pháo-đội được xếp hàng sắp ngay trong sân cờ đối diện với văn phòng.

    Hôm sau, đúng 17g00 chúng tôi tháp tùng Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn đi đoạn hậu, nối tiếp Pháo-đội A, di chuyển ra Đông-Hà. Đoàn xe chúng tôi vượt qua Đèo Hải-Vân khoảng 21 giờ đêm. Theo chúng tôi, có 1 Chi-đoàn xe bọc sắt giữ nhiệm vụ hộ tống.

    Trên lộ trình, tất cả quân xa đều xử dụng đèn pha, vẽ thành những vệt sáng quét ngang dọc sườn núi, chọc thủng màn đêm, tạt ánh sáng xuống các vực thẳm sâu hun hút. Vài trục trặc nhỏ xảy ra do mấy chiếc cargo cũ kỹ khập khà khập khựng rên siết trườn mình trên đường nhựa, làm giảm tốc độ cho cả đoàn xe.

    Sau khi đổ đèo cách đỉnh Hải-Vân vài cây số, một cargo 5 tấn của Pháo-đội A làm lật khẩu đại bác 155 ly ngay giữa đường, vì qua khúc quẹo quá ngặt. Tấm lá chắn xẻ mặt đường một đoạn ngắn làm bong cả nhựa đá. Bắt buộc tôi phải đừng lại xin toán hộ tống đợi chúng tôi bẩy súng lên để cùng đi – song không được vị Toán Trưởng chấp thuận – tôi đành gọi vô tuyến báo cho Ban 3 Tiểu-đoàn, lúc bấy giờ cách tôi trên 4 cây số. Lật đật, Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng quay xe lại giải quyết vấn đề hộ tống. Đồng thời, Thiếu-úy Bá, Sĩ-quan Quân-xa Tiểu-đoàn cùng với Ban Đệ II, cấp cho wrecker tiến lên câu súng trả về vị thế cũ.

    Khoảng quá khuya, trời bắt đầu mưa lâm râm. Dưới ánh đèn pha, mặt đường trở nên láng bóng như có ai thoa mỡ. Các tài xế dốc hết tâm trí vào tay lái, cố trấn tỉnh cơn mê ngủ đang rình rập tấn công vào đôi mắt… Càng đi, chúng tôi càng vào sâu trong khí hậu lành lạnh, khác hẳn với khí hậu tại Đà-Nẵng. Đến 6g00 sáng 31-1-71, đoàn xe dừng lại cách thị trấn Đông-Hà 2 cây số.

    Tại đây, chúng tôi được tạm trú trên một quãng đồi rộng ở hướng Tây Tiểu-đoàn 48 Pháo-binh.

    Trưa ngày 1-2-1971, toàn Tiểu-đoàn di chuyển từ Đông-Hà đến Cam-Lộ. Khi cách Cam-Lộ 4 cây số, lại được lệnh tạm dừng quân ở bên trái đường, trên ngọn đồi thấp. Cùng đồn trú với chúng tôi có một đơn vị thiết giáp thuộc Thiết-đoàn 17. Trong suốt thời gian từ 1-2 đến 6-2-1971, sáng và chiều, Thiếu-tá Tự, Đại-úy Thông luân phiên đi họp để nhận lệnh mới. Nhờ những buổi họp nầy, chúng tôi được biết : Công binh làm đường, sửa cầu cống trên Quốc-lộ 9 nối liền Đông-Hà – Khe-Sanh chưa xong, nên phải đồn quân mà đợi.

    Lợi dụng thời gian nghỉ «xả hơi», Pháo-đội kiểm kê vật dụng, nhận thêm băng cá nhân phát đầy đủ cho mỗi binh sĩ một cái. Đồng thời tôi cho lệnh Trung-sĩ I Bình mua sắm thêm chén kiểu, đũa, ly phát bổ sung cho tất cả binh sĩ mỗi người một bộ, thay thế những chén bể hoặc do anh em đã làm mất mát trong lúc di chuyển.

    Hạ-sĩ-quan Hỏa-thực vẫn hằng ngày đi chợ Đông-Hà mua thức ăn cho Pháo-đội. Thỉnh thoảng chúng tôi trẩy về Quảng-Trị ngồi cạnh cốc cà-phê nóng hổi suy tư một chuyến đi với hy vọng chiến thắng rực rỡ.

    Ngày 4-2-1971, tôi và Trung-úy Lân vào Huế mua thêm những vật dụng cần thiết mang theo.

    Chiều 5-2-1971, Đại-úy Công và Đại-úy Thương tìm đến Bộ Chỉ-huy Tiểu-đoàn gặp tôi. Đại-úy Công làm việc tại Bộ Chỉ-huy Pháo-binh Sư-đoàn Dù còn Thương làm Trưởng Ban 3 Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù. Mục đích cuộc gặp gỡ nầy không ngoài việc liên lạc với chúng tôi về nhiệm vụ tăng phái Tiểu-đoàn 44 Pháo-binh cho Sư-đoàn Dù, và Pháo-đội C tôi được tăng phái chính thức cho Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù. Đại-úy Thương có tầm vóc mảnh mai, thấp, ăn nói hoạt bát, hiền hậu, rất xứng đáng với cái tên của Đại-úy đã mang. Thương trẻ hơn tôi về tuổi tác và cũng trẻ hơn tôi về khóa học tại trường Võ Khoa Thủ-Đức..

    Thương trình bày tất cả những gì Pháo-đội tôi phải làm trong những ngày sắp tới, đồng thời Thương giải thích mọi thắc mắc về phương diện tiếp liệu, hành chánh mà Pháo-đội tăng phái thường vấp phải. Thương nói rành rẻ với giọng nhỏ nhẹ dễ mến.

    Sau khi Thương ra về, tối đến, một cuộc họp cuối cùng tại BCH/TĐ với mục đích để Thiếu-tá Tiểu-đoàn Trưởng chỉ thị những điều cần thiết hầu các Pháo-đội căn cứ vào đó thi hành trong suốt cuộc Hành-quân. Cũng do cuộc họp nầy, tôi được biết Pháo-đội chúng tôi tăng phái cho Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù do Trung-tá Bùi-Văn-Châu làm Tiểu-đoàn Trưởng.

    Sáng ngày 6-2-1971. Từ một giờ sáng mọi người đều thức dậy, móc súng sắp thành hàng dài, nối đuôi Pháo-đội A…

    6g30 đoàn xe bắt đầu lăn bánh.

    Chúng tôi di chuyển rất chậm. Trời lại lất phất mưa, đường trơn như láng mỡ. Tài-xế vất vả và khó nhọc lắm mới đưa được mấy khẩu đại bác 155 ly qua các dốc, các co nguy hiểm. Ngồi trên xe Jeep tôi cứ phập phồng lo sợ lật xe, lật súng, rơi nhân viên xuống hố! Có nhiều đoạn phải xử dụng cần phụ, cài số 1, đi như đưa đám tang, vậy mà xe vẫn chạy theo «ý» xe, chứ không chạy theo chiều lái của tài-xế.

    16g30 chúng tôi đến Khe-Sanh. Kẹt xe, Pháo-đội chúng tôi phải đợi mất 1 giờ chờ Quân-cảnh Dù dẹp đường. Sau đó, chúng tôi rẽ vào vị trí trú đóng của Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù, còn Pháo-đội A, Pháo-đội B cùng BCH/TĐ tiếp tục di chuyển đến Lao-Bảo cách Khe-Sanh 15 cây số.

    Bắt đầu từ đây, Pháo-đội C tôi hoàn toàn tùy thuộc vào sự điều động và xử dụng của Tiểu-đoàn 3 Pháo-binh Dù.

    21g00 Trung-tá Châu mời tôi sang họp tại BCH/TĐ3 Dù. Cuộc họp đo Đại-úy Thương thuyết trình.

    Trên bản đồ hành quân đã được thiết kế bằng đủ màu sắc, ghi chú đầy đủ các vị trí quân bạn sẽ chiếm đóng, các trục tiến quân sẽ thực hiện kể từ ngày N+8, N+9, N+1O…

    Tôi rất hoan hỉ và vô cùng phấn khởi khi Đại-úy Thương trình bày về tầm quan trọng của các CĂN-CỨ HỎA-LỰC. Những nơi nầy chắc chắn sẽ được dành mọi phương tiện, mọi ưu tiên của không-yểm cùng pháo-yểm bảo vệ khi gặp nguy hiểm. Thương nhấn mạnh : «Đại-úy đi với chúng tôi – là lực lượng Dù, lực lượng thiện chiến, có quy cũ lắm. Đại-úy yên trí lớn! Tất cả đều có chúng tôi lo cho Đại-úy…». Thương thao thao bất tuyệt dẫn chứng những sự kiện thật đã xảy ra tại mặt trận Kampong-Cham về phương diện tiếp vận và không-yểm quy mô, tối đa, bất chấp mọi thời tiết dành cho đoàn quân viễn chinh của ta.

    Cuối cùng, Thương kết luận : «Chúng tôi sẽ giúp đỡ Đại-úy và Pháo-đội của Đại-úy tất cả những gì giúp đỡ được…. »

    Niềm tin và lòng phấn khởi ấy được tôi mang về công bố cho các sĩ quan thuộc quyền biết. Trên nét mặt, mọi người đều vui vẻ tin tưởng.

    Tôi đưa lệnh hành quân cho Thiếu-úy Huỳnh-Công-Thiện kẹp vào bản đồ, giao cho Trung-úy Lân thu xếp mọi vật dụng cần thiết để có thể tách đôi Pháo-đội khi tình hình chiến thuật đòi hỏi. Thiếu-úy Toại kiểm kê đạn được, Thiếu-úy Ngân cụ bị đầy đủ vật liệu cho Đài Tác-Xạ và TSI Bình, Thường-vụ Pháo-đội lo liệu vấn đề ẩm thực.

    Tại Hậu-cứ Khe-Sanh, TSI Đa lo đạn dược, TS Thế lo tiếp tế, hành chánh và thực phẩm tiếp tế. TS Ngô lo quân xa cùng một số các tài-xế TS Kế, HSI Thiện, Lượt, Sở, Xuân, Cẩn, Ngọ, Bảy, Hứa, Mười, Đạt, Cho, Thục ở lại Khe-Sanh giữ nhiệm vụ tu bổ quân xa, tạp dịch trong mọi công tác cần thiết để yểm trợ cho Pháo-đội..

    Trong lúc chờ lệnh mới, tôi có dịp đi quan sát quanh vùng trong khoảng không quá vài cây số. TS Thế cho biết trước đây, chính những chỗ nầy đồng bào sinh sống khá đông, nguồn lợi chính của họ là cà-phê, trà. Hồi còn Cậu Cẩn, Khe-Sanh là yết hầu của những tay buôn lậu thuốc phiện và vàng từ Lào sang, nên lúc bấy giờ con đường nối dài từ Đông-Hà đến Khe-Sanh tấp nập người lên xuống. Một vài ngôi vườn hoang có tường, rào vững chắc, bên trong nhà được xây bằng gạch hoặc aglo bị sụp đổ vì bom đạn cày xới, rải rác trong vườn còn một vài xác xe hơi lủng nát của các tay tài phiệt Pháp, chứng tỏ Khe-Sanh quả đã có một thời vàng son! Bây giờ, trước mắt tôi khắp đó đây dẫy đầy hố bom. Có nhiều hố nối tiếp, sát nhau, chứng tích của những trận oanh tạc khủng khiếp của Pháo-đài bay B.52.

    Khoảng 16g00 chiều ngày 7-2-71, buổi họp kế tiếp được tổ chức tại BCH/TĐ3 Dù với sự tham dự của tất cả Pháo-đội Trưởng Dù và tôi.

    Trong phần trình bày kế hoạch yểm trợ, Thương xác định Pháo-đội C/44PB do tôi chỉ huy sẽ đóng chung với Pháo-đội C/3 Dù do Trung-úy Trí làm Pháo-đội Trưởng. Nhiệm vụ chúng tôi yểm trợ trực tiếp cho Tiểu-đoàn 2 Dù của Trung-tá Thạch (Tiểu-đoàn nầy bảo vệ vị trí chúng tôi) và tăng cường hỏa lực cho Pháo-đội C/3 Dù.

    Ở điểm nầy, Trung-tá Châu rất tế-nhị. Ông ta tỏ vẻ khó xử trí, vì ngày mai đây, sau khi chiếm đóng tại cùng một vị trí, tôi có cấp bậc cao và thâm niên, trong lúc Trí đang là Trung-úy. Dĩ nhiên về phương diện chỉ huy ở đây phải là tôi. Nhưng Pháo-đội tôi là một Pháo-đội tăng phái, nếu tôi chỉ huy thì e rằng không quen sự phối hợp hỏa lực, còn nếu để Trí chỉ huy thì kẹt tôi.

    Tôi hiểu ý và thâm tâm tôi, tôi thiển nghĩ, cứu cánh của cuộc Hành-quân phải là sát hại tối đa địch, phá hủy tối đa các kho tàng trữ quân-trang-dụng, bảo vệ, hổ tương hiệu quả… còn vấn đề chỉ huy, tưởng cũng không nên đặt nặng làm gì trong lúc nầy. Nghĩ sao tôi trình bày vậy. Trung-Tá Châu hài lòng lối xử sự của tôi. Ấy thế là tôi và Trí bắt tay nhau trong niềm cảm thông chân thành khơi lên bởi tình đồng đội khả ái.

    Trong buổi họp, tôi gặp Đại-úy Nguyễn-văn-Đương, Pháo-đội Trưởng Pháo-đội B/3 Dù. Dạo nầy Đương béo phệ, chững chạc như một nhà thầu khoán khác hẳn với thân hình gầy gầy của những năm trước. Đương đi Thủ-Đức khóa trước tôi và quen nhau tại Plateau-Gi khi Đương đang còn là một Sĩ-quan Délo tại đây năm 1964.

    Lúc bấy giờ tôi được biết, vì Đương cương trực nên vất vả với nghiệp Délo năm canh! Đương chơi cờ tướng khá cao, nhưng tôi chưa được hân hạnh đấu cờ với Đương.

    Sau 7, 8 năm xa cách, giờ gặp lại Đương, cả hai chúng tôi bỡ ngỡ nhìn nhau. Tuy không hề thư từ cho nhau, nhưng chúng tôi không quên nhau, vì mỗi đứa có một nét đặc biệt dễ nhận ra, nhất là những kỷ niệm sau 14 ngày hành quân, đoàn tụ về tại một địa điểm cách xa Konbrai 8 cây số ở hướng Tây-Nam, cả hai chúng tôi vất vả xác định điểm đứng giữa rừng le để tìm đường ra lộ lớn về Konbrai !

    Đương rất dạn, đã có lần anh gọi Pháo-binh 155 ly từ Konbrai tác xạ cận phòng cho Đại-đội của anh và Đại-đội tôi qui tụ trên đồi le, với khoảng cách không quá 100 thước và hướng bắn qua đầu. Sau đấy, bọn tôi đi lạc về hướng Nam Konbrai hằng 4, 5 cây số.

    Vào phòng họp, Đương ngồi cạnh tôi hàn huyên đủ chuyện.

    Anh bóp vào đầu gối trái tôi và hỏi :

    – Sao ? Dạo nầy anh còn bị Rhumatisme hành nữa không ?

    – Tôi chạy chữa tốn không biết bao nhiêu tiền nhưng bệnh vẫn không hết. Có điều bây giờ đã cởi bỏ được nghiệp Délo, không còn lội bộ nữa nên cũng đỡ hơn trước nhiều.

    … Rời phòng họp, tôi siết chặt tay Đương, tiếc rẻ không được đóng chung một vị trí. Chúng tôi hứa sẽ yểm trợ hỗ tương tối đa khi cần.

    https://baovecovang2012.wordpress.com/

    Không có nhận xét nào