Header Ads

  • Breaking News

    Antonio Graceffo - Chính phủ Tổng thống Biden vẫn không có chính sách về Trung Quốc


    https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/05/PLC-trung-quoc.jpg

    (Trái) Các binh lính thuộc Tiểu đoàn Vệ binh Danh dự của Quân đội Giải phóng Nhân dân diễn hành bên ngoài Tử Cấm Thành, gần Quảng trường Thiên An Môn, ở Bắc Kinh hôm 20/05/2020, (phải) Điện Capitol Hoa Kỳ trong một ngày mùa đông lạnh giá và đầy nắng ở Hoa Thịnh Đốn hôm 29/12/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images, Eric Baradat/AFP/Getty Images) 

    Chính quyền Trung Quốc biết chính xác lập trường của họ về Hoa Kỳ, nhưng chính phủ Tổng thống Biden vẫn chưa tuyên bố lập trường của mình về Trung Quốc. 

    Gần 18 tháng trong chính phủ Tổng thống Biden, nhưng Tòa Bạch Ốc vẫn không có chính sách về Trung Quốc. Ngoài ra, bài diễn văn về chính sách Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bị hoãn lại vì đại dịch COVID-19. 

    Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một chính sách về Hoa Kỳ và đang thực hiện chính sách đó. 

    Hôm 05/05, ông Blinken dự kiến ​​sẽ đưa ra một bài diễn văn nêu rõ chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng vì, sau gần một năm rưỡi cầm quyền, chính phủ Tổng thống Biden vẫn thiếu một chính sách được biên soạn thành luật về Trung Quốc. 

    Hồi tháng Hai, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với những đề cập nổi bật liên quan đến Trung Quốc. Chiến lược này chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khỏi ĐCSTQ. Ngược lại, chính sách cụ thể về Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden lại mang tính phi hệ thống, và cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Tòa Bạch Ốc không tập trung vào Trung Quốc. 

    Hiệp ước quốc phòng được ký kết giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc hồi tháng Tư có thể được coi là một thất bại trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Biden. Giờ đây, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Úc đều đang liên lạc với các nhà lãnh đạo của Quần đảo Solomon trong nỗ lực giảm thiểu tổn thất. Một chính sách về Trung Quốc vững chắc có thể giúp ngăn chặn loại sai lầm này trong tương lai. 

    Mặc dù chính phủ có một vài chi tiết của chiến lược, nhưng lại không có sự gắn kết. Ông Biden sẵn sàng tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Tòa Bạch Ốc từ ngày 12-13/05. Ông ấy cũng dự kiến ​​thăm Nhật Bản và Nam Hàn từ ngày 20-24/05. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 19: Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Á Châu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) từ ngày 10-12/06, vốn chưa diễn ra kể từ năm 2019 vì đại dịch COVID-19. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe). 

    Trong khi Hoa Kỳ chắp vá lại từ một loạt các cuộc họp và bài diễn văn thành một chiến lược Trung Quốc, thì ĐCSTQ có một kế hoạch rõ ràng sẵn sàng để tiến hành. Hiệp ước Quần đảo Solomon giờ đây sẽ mang lại cho Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) một chỗ đứng vững chắc ở Á Châu Thái Bình Dương. 

    Viện Brookings đã viết trong một bài báo hôm 06/05 rằng vở kịch Quần đảo Solomon của ĐCSTQ có thể chỉ là hiệp ước đầu tiên trong một loạt các hiệp ước an ninh, tạo ra các liên minh và phát triển quân đội. Điều này sẽ phù hợp với chính sách của Bắc Kinh trong việc xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh,” mà đòi hỏi phải tiến tới các liên minh trong khi tách các đồng minh khỏi Hoa Kỳ. Hiệp ước này cũng phối hợp với “sự phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc” nhằm tìm cách thay thế Hoa Kỳ trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

    Biden chính sách Trung Quốc

    Thủ tướng Manasseh Damukana Sogavare (thứ ba bên trái) của Quần đảo Solomon gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ hai bên phải) tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 09/10/2019. (Ảnh: Parker Song-Pool/Getty Images) 

    Các sáng kiến ​​của ĐCSTQ rất có mục tiêu và mang tính nhắm thẳng vào Hoa Kỳ. Một báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về sự phát triển của quân đội Trung Quốc đã xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ của mình để đặt ra thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.” 

    Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch nhằm hoàn thành hiện đại hóa PLA vào năm 2035 và biến PLA thành một quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049. Các mốc đã được thiết lập và đang từng bước đạt được việc hoàn thành mục tiêu này. 

    Theo một ấn phẩm gần đây của Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Hải quân PLA dự kiến ​​sẽ mở rộng lên 420 tàu vào năm 2025 và sẽ có 460 tàu vào năm 2030. ĐCSTQ dự kiến ​​sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi vào PLA trong năm 2027, kết nối quân đội Trung Quốc vào một “hệ thống các hệ thống dành cho chiến tranh ‘trí năng hóa.’” 

    Việc hiện đại hóa quân sự của ĐCSTQ diễn ra đồng bộ với các kế hoạch kinh tế, vốn thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Bắc Kinh đang ngày càng kết hợp tiền bạc với quân đội của mình để đạt được các mục tiêu chính trị, hỗ trợ cho chiến lược của ĐCSTQ nhằm định hình lại môi trường quốc tế để phù hợp hơn với nhà cầm quyền này. 

    Không giống như cách tiếp cận chắp vá của chính phủ Tổng thống Biden, ĐCSTQ đã thiết lập “sự hợp nhất quân sự-dân sự” bằng cách kết hợp vốn của các công ty Trung Quốc với khả năng nghiên cứu của các trường đại học công lập. Điều này, xoay trở lại, củng cố cho các sáng kiến ​​của ĐCSTQ về “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”, cả hai sáng kiến này đều đặt ra những kỳ hạn mà Trung Quốc dự định đạt được các mức độ cụ thể về độc lập và tiến bộ công nghệ. 

    Kế hoạch kinh tế “lưu thông kép” của ông Tập giúp cung cấp vốn cho chiến lược quân sự của ĐCSTQ và chuẩn bị cho đất nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Bằng cách phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước và ít hơn vào thương mại quốc tế, Trung Quốc có thể tự tách mình khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế và bảo đảm rằng họ có thể duy trì nền kinh tế của mình trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. 

    Ông Blinken dự kiến ​​sẽ đưa bài diễn văn về Trung Quốc ngay sau khi ông vượt qua đợt kiểm tra y tế. Tuy nhiên, khó có khả năng chính sách Hoa Kỳ-Trung Quốc mới đạt được toàn diện như chính sách về Hoa Kỳ của ĐCSTQ. 

    Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”). 

    Cẩm An biên dịch

    https://etviet.com

    Không có nhận xét nào