Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 11 tháng 5 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Quốc Hội Mỹ biểu quyết khoản viện trợ 40 tỷ đôla cho Ukraina

    11/5/2022

    Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi (G) phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/05/2022. REUTERS - LEAH MILLIS 

    Hôm qua, 10/05/2022, Quốc Hội Hoa Kỳ đã vượt qua bước đầu tiên tiến đến việc tháo khoán một khoản viện trợ mới cho Ukraina lên tới gần 40 tỷ euro. 

    Theo hãng tin AFP, dự luật về khoản viện trợ mới này đã được các dân biểu của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thông qua ở Hạ Viện và nay chỉ còn chờ được biểu quyết ở Thượng Viện, trước khi được tổng thống Joe Biden ký ban hành. 

    Tuyên bố vài giờ trước cuộc biểu quyết hôm qua, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, đảng Dân Chủ, nhấn mạnh: “Với chương trình viện trợ mới này, nước Mỹ gởi đến thế giới một tín hiệu về quyết tâm không gì lay chuyển của chúng ta ủng hộ nhân dân Ukraina can đảm cho đến ngày chiến thắng nước Nga”. 

    Trong khoản viện trợ mới gần 40 tỷ đôla nói trên, có 6 tỷ đôla để giúp quân đội Ukraina trang bị xe thiết giáp, tăng cường hệ thống phòng không. Gần 9 tỷ đôla sẽ được dùng để bảo đảm cho các định chế dân chủ của Ukraina tiếp tục vận hành. Ngoài ra còn có một khoản viện trợ nhân đạo. 

    Từ nhiều tuần qua, tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc Hội cấp thêm một ngân sách 33 tỷ đôla để yểm trợ Ukraina chống quân xâm lược Nga, bởi vì theo ông viện trợ của Mỹ cho Kiev sẽ cạn kiệt trong vòng 10 ngày nữa. 

    Đến tối thứ Hai vừa qua, các lãnh đạo Dân Chủ và Cộng Hòa ở Quốc Hội Mỹ đã đạt được thỏa hiệp nâng khoản viện trợ mới này lên tới gần 40 tỷ đôla, tương đương với tổng sản phẩm nội địa của Cameroon năm 2020. Hiếm khi nào mà Quốc Hội lưỡng viện của Mỹ lại có một sự đồng thuận như vậy. 

    Theo dự kiến, Thượng Viện Mỹ sẽ biểu quyết về khoản viện trợ mới cho Ukraina vào cuối tuần này hoặc vào đầu tuần tới. 

    Trong khi đó, hai nhân vật cao cấp của Thượng Viện là Lindsey Graham (Cộng Hòa) và Richard Blumenthal (Dân Chủ) đã đề xuất một nghị quyết yêu cầu ngoại trưởng Mỹ xếp nước Nga vào danh sách đen “Các quốc gia yểm trợ khủng bố”. Hiện nay chỉ mới có bốn quốc gia nằm trong danh sách này là Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba.

    Tình báo Mỹ nói Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine

    George Wright/BBC News

    Vladimir Putin

    Nguồn hình ảnh, EPA/ Chụp lại hình ảnh, 

    Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông Putin cảm nhận có "sự đe dọa hiện hữu" đối với Nga, Tình báo Quốc gia Mỹ nhận định.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine, thậm chí một chiến thắng tại miền đông không có khả năng chấm dứt cuộc xung đột, cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NI) cảnh báo.

    Lời cảnh báo được Mỹ đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệt vẫn diễn ra ở miền đông Ukraine, nơi Nga đang cố gắng giành thêm quyền kiểm soát.

    Moscow đã tái bố trí lại quân đội với mục tiêu chiếm lấy vùng Donbas sau khi Ukraine kháng cự thành công trước các nỗ lực của Nga nhằm chiếm lấy thủ đô Kyiv.

    Nhưng mặc cho điều này, lực lượng quân đội Nga vẫn trong thế bế tắc, Tình báo Quốc gia Mỹ nhận định.

    Bà Avril Haines, Giám đốc cơ quan này nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện Mỹ hôm thứ Ba 10/05 rằng ông Putin vẫn đang có kế hoạch "đạt được các mục tiêu ngoài Donbas", nhưng ông ta "cũng đối mặt với sự chệch hướng giữa những tham vọng và năng lực quân sự hiện tại của Nga".

    Bà Avril Haines cho biết thêm rằng Tổng thống Nga "có lẽ" đang dựa vào khả năng rằng sự hậu thuẫn của Mỹ và EU trong vấn đề Ukraine sẽ yếu dần khi lạm phát, thiếu thực phẩm và giá cả năng lượng trở nên tồi tệ hơn.

    Tuy nhiên, Tổng thống Nga có thể chuyển sang sử dụng "các cách thức quyết liệt hơn" khi cuộc chiến tranh tiếp diễn - mặc dù Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông Putin cảm nhận có "sự đe dọa hiện hữu" đối với Nga.

    Scott Berrier, Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói trong cùng phiên điều trần là Nga và Ukraine đang hơi "ở trong tình trạng không phân định thắng thua".

    Trong các cuộc giao tranh mới nhất thì Ukraine tuyên bố đã chiếm lại 4 nơi ở Kharkiv, đông bắc Ukraine.

    Cherkasy Tyshky, Ruski Tyshky, Rubizhne và Bayrak hiện đã được Ukraine chiếm lại từ tay quân đội Nga, quân đội nước này cho biết.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine đang dần đẩy lùi quân đội Nga khỏi Kharkiv, một vùng đã bị ném bom kể từ khi cuộc chiến tranh bùng phát.

    Nhưng ông Zelensky nói với người dân rằng "không nên tạo nên áp lực về mặt nhuệ khí một cách thái quá khi có thể đạt được chiến thắng hằng tuần và thậm chí là hằng ngày".


    Quan chức tình báo Mỹ: Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan một cách hòa bình nhưng đang chuẩn bị chiến tranh 

    11/5/2022 

    Reuters 

    Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Avril Haines.

    Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Avril Haines. 

    Trung Quốc muốn chiếm nước láng giềng Đài Loan mà không cần hành động quân sự nhưng đang nỗ lực để đạt được vị thế mà quân đội của họ có thể chiếm ưu thế ngay cả khi Hoa Kỳ can thiệp, các trưởng tình báo Mỹ nói ngày 10/5.

    Trung Quốc xem Đài Loan, một hòn đảo được cai trị dân chủ, là lãnh thổ "thiêng liêng" của họ và chưa bao giờ từ bỏ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.

    Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng là nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, khiến nước này trở thành nguồn căng thẳng thường xuyên giữa Bắc Kinh và Washington.

    Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ: “Theo quan điểm của chúng tôi, họ (Trung Quốc) đang làm việc cật lực để đặt mình vào một vị thế mà quân đội có khả năng chiếm Đài Loan trước sự can thiệp của chúng ta”.

    Bà Haines và Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, điều trần về các mối đe dọa trên toàn thế giới đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, đã thảo luận về những bài học mà Trung Quốc có thể nhận được từ cuộc chiến ở Ukraine và phản ứng quốc tế đối với cuộc chiến này.

    Bà Haines nói bà không tin rằng cuộc chiến có khả năng đẩy nhanh các kế hoạch của Trung Quốc đối với Đài Loan. Tướng Berrier nói việc dùng quân đội để đạt được mục tiêu không phải là lựa chọn hàng đầu của Bắc Kinh.

    "Tôi tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không muốn làm điều đó bằng vũ lực. Tôi nghĩ họ thà làm điều này một cách hòa bình theo thời gian", Tướng Berrier nói.

    Tướng Berrier nói thêm Trung Quốc đã học được "một số bài học rất quan trọng" từ cuộc xung đột Ukraine, bao gồm tầm quan trọng của lãnh đạo và chiến thuật đơn vị nhỏ, cũng như huấn luyện hiệu quả với các hệ thống vũ khí phù hợp và một lực lượng hạ sĩ quan mạnh mẽ.

    Tướng Berrier nói các quan chức Hoa Kỳ cần làm việc với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lãnh đạo Đài Loan, "để giúp họ hiểu cuộc xung đột này là gì, về những bài học mà họ có thể học được và nơi nào nên tập trung tiền vào quốc phòng và huấn luyện.”


    Đức cung cấp vũ khí hạng nặng tối tân cho Ukraine

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/05/ngoai-truong-Duc-o-ukraine.jpg

    Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (trái) gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trong chuyến thăm viếng tại thủ đô Kyiv mới đây (Reuters) 

    Trong chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock xác nhận, Đức cùng với Hà Lan sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí hạng nặng tối tân, bao gồm cả pháo tự hành 155mm Panzerhaubitze 2000 do Đức sản xuất, và sẽ bắt đầu huấn luyện cho quân đội Ukraine “trong vài ngày tới”.

    Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (Ảnh minh họa: Getty Images)

    Ngoại trưởng Đức cùng với người đồng cấp Hà Lan Wopke Hoekstra đã thực hiện chuyến thăm Ukraine. Ngoại trưởng Baerbock tiết lộ, 7 pháo tự hành mà Đức cung cấp cho Kiev để giúp quốc gia này “bảo vệ các thành phố của mình trước các cuộc tấn công trong tương lai” sẽ đến Ukraine trước khi quá trình huấn luyện quân sự hoàn tất. Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba, bà Baerbock giải thích, bằng cách này, những người lính Ukraine sẽ có khả năng vận hành thiết bị ngay sau khi họ trở về vùng chiến sự từ Đức.

    Ba ngày trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã công bố quyết định của Berlin về việc cung cấp xe pháo tự hành cho Ukraine. Sự kiện này đã đánh dấu một thay đổi quan trọng của Đức trong chính sách thời hậu phát xít Đức là không gửi các vũ khí hạng nặng đến các vùng chiến sự.

    Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ một Ukraine tự do thuộc châu Âu. Các vấn đề nhân đạo, tài chính, kinh tế, công nghệ, chính trị, và năng lượng.”

    Nga đã liên tục cảnh báo phương Tây không được “bơm đầy” vũ khí cho Ukraine, đồng thời chỉ trích điều đó sẽ chỉ dẫn đến việc kéo dài cuộc xung đột và các vấn đề dài hạn. Moscow cũng tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ coi bất kỳ vũ khí nước ngoài nào bên trong Ukraine là các mục tiêu hợp pháp.

    Trong chuyến công du bất ngờ của mình đến quốc gia Đông Âu bị chiến tranh tàn phá, Ngoại trưởng Baerbock khẳng định, Đức “luôn đứng về phía người Ukraine và Kyiv tự do”. Bà còn cho biết, bà vui mừng không chỉ thông báo việc mở lại Đại sứ quán Đức ở thủ đô Kiev mà còn có thể nói “Kyiv tự do”. Ngoại trưởng Đức giải thích, “trong những ngày đen tối sau ngày 24/2,” khi Nga phát động chiến dịch quân sự, bà “đã nghi ngờ về việc sớm có thể nói cụm từ đó”.

    Ngoại trưởng Baerbock lưu ý, Đức cam kết tiếp tục gây sức ép lên Nga khi EU hiện đang xem xét gói trừng phạt thứ sáu đối với “kẻ xâm lược”.

    Bà tiếp tục: “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga xuống đến mức 0 với tất cả sự nhất quán và mãi mãi.”

    Tuy nhiên, ngoại trưởng Đức đã đưa ra một số tin tức thất vọng đối với Ukraine. Bà Baerbock nhấn mạnh rằng sẽ “không có con đường tắt nào” để gia nhập EU, và mặc dù Ukraine chắc chắn sẽ nhận được “tư cách ứng cử viên rõ ràng”, nhưng không nên có “lời hứa suông nào” trên con đường phía trước.

    Trong chuyến thăm Ukraine, Ngoại trưởng Baerbock đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đón tiếp. Ngoại trưởng Hà Lan Hoekstra cũng tham dự cuộc họp này.

    Trước đó, Ngoại trưởng Baerbock đã đến thăm vùng ngoại ô Irpen của Kyiv bị chiến tranh tàn phá nặng nề, và thị trấn Bucha, nơi xảy ra các hành động tàn bạo đối với dân thường mà Kyiv quy trách nhiệm cho quân đội Nga. Moscow đã phủ nhận các cáo buộc và chỉ trích các cáo buộc này là một phần trong “chiến dịch bôi nhọ” Nga của quân đội Ukraine.

    Nga đã tấn công quốc gia Đông Âu láng giềng sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký vào năm 2014. Ngay trước khi phát động cuộc xâm lược, Moscow đã công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass của Ukraine. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để cung cấp cho các khu vực ly khai vị thế đặc biệt trong nhà nước Ukraine

    Kể từ đó, Điện Kremlin đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Ngược lại, Kyiv lên án cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố của Nga cho rằng Kyiv đang lên kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.

    Nhật Minh (Theo RT)


    Bạo lực lên đến đỉnh điểm ở Sri Lanka

    Những người biểu tình đã yêu cầu thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa từ chức suốt nhiều tuần qua. Nhưng phải đến sáng ngày 9 tháng 5, khi những người ủng hộ ông tràn xuống thủ đô Colombo và tấn công phe biểu tình, tạo nên một cuộc đụng độ bạo lực, ông mới chịu từ chức.

    Điều này dẫn tới việc giải tán nội các, và có lẽ sẽ mở đường cho một chính phủ đoàn kết dân tộc. Nhưng đoàn kết không phải là ưu tiên của nhiều người Sri Lanka, khi người biểu tình tràn vào đốt phá nhà của một số chính trị gia. Bạo lực khiến 220 người bị thương và tám người thiệt mạng, trong đó có một nghị sĩ.

    Bất kỳ chính phủ mới nào cũng sẽ phải thực hiện những cải cách kinh tế đau đớn. Làm vậy không dễ gì trong tình hình căng thẳng như hiện nay. Phe đối lập dĩ nhiên không muốn nhận trách nhiệm sửa chữa mớ hỗn độn do Mahinda và anh trai của ông, tổng thống Gotabaya Rajapaksa, tạo ra. Hơn nữa, cho đến lúc này tổng thống dường như kiên quyết không từ chức.

    Cuộc chiến xoay quanh vấn đề phá thai ở Mỹ

    Thứ Tư này, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về một dự luật chính thức ghi nhận quyền phá thai của phụ nữ. Gần như chắc chắn nó sẽ thất bại, đặc biệt là với thủ tục filibuster. Thay vào đó, tương lai của vấn đề phá thai, trong trường hợp phán quyết Roe v Wade bị lật ngược, đang nằm trong tay của các các tiểu bang, khi tòa trả lại thẩm quyền xuống cấp bang.

    Các bang cấp tiến đã và đang làm cho việc phá thai trở nên dễ dàng và rẻ hơn. Nhưng nếu phán quyết Roe bị lật ngược, các bang bảo thủ sẽ hạn chế hoặc cấm hẳn. Một số thậm chí hạn chế việc qua bang khác để phá thai. Hiện ở Missouri đang có dự luật quy định bất kỳ ai tạo điều kiện cho một cuộc phá thai ở bang khác sẽ bị phạt tiền. (Trong khi đó, Oregon lại trả tiền cho phụ nữ từ nơi khác đến để phá thai.)

    Ở Louisiana thậm chí có dự luật quy định phụ nữ phá thai phải đối mặt với cáo buộc giết người. (Cho đến nay các bang hiếm khi hình sự hóa việc phụ nữ phá thai; mà hầu như chỉ nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ). Một nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Idaho còn cho biết ông sẽ ủng hộ luật cấm uống thuốc tránh thai buổi sáng, với lý do chúng có thể ngăn trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung. Sẽ còn nhiều tranh luận nảy lửa.

    Lạm phát Mỹ giảm nhẹ 

    Dữ liệu công bố vào thứ Tư có thể sẽ cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ tăng khoảng 8% trong tháng Tư so với một năm trước đó. Mặc dù vẫn ở mức rất cao, con số này thấp hơn so với mức kỷ lục 8,5% của tháng 3; nó cũng đánh dấu mức giảm lạm phát cao nhất theo giá trị tuyệt đối kể từ đầu năm 2020. Thông tin này sẽ thúc đẩy cuộc thảo luận về việc liệu Mỹ đã qua đỉnh lạm phát hay chưa và có thể kỳ vọng áp lực giá cả giảm dần hay không.

    Dù vậy, dường như xu hướng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các chi tiết khả năng cao sẽ cho thấy áp lực lạm phát đã lan rộng, ngấm vào các ngành như vận tải hay chăm sóc y tế. Do đó, Fed sẽ có nhiều lý do để tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt của mình. Các nhà đầu tư, vốn đã quay cuồng với sự hỗn loạn của thị trường, có thể gặp nhiều khó khăn hơn.

    Elon Musk: sẽ đảo ngược lệnh cấm của Twitter đối với ông Donald Trump 

    11/5/2022 

    Reuters 

    Tổng Giám đốc Tesla Elon Musk.

    Tổng Giám đốc Tesla Elon Musk. 

    Tổng Giám đốc Tesla, ông Elon Musk ngày 10/5 nói sẽ đảo ngược lệnh cấm của Twitter đối với cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, khi phát biểu tại hội nghị Tương lai xe Ô tô, do tờ Financial Times tổ chức.

    Ông Musk, người tự xưng là "người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận", gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá 44 tỷ đô la để mua lại nền tảng truyền thông xã hội này.

    Twitter không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

    Việc đình chỉ tài khoản của ông Trump, có hơn 88 triệu người theo dõi, đã làm im tiếng những ngày thường xuyên lên tiếng của ông Trump trước khi kết thúc nhiệm kỳ và nhiều năm tranh luận tiếp theo về cách các công ty truyền thông xã hội nên kiểm duyệt tài khoản của các nhà lãnh đạo quyền lực toàn cầu như thế nào.

    Ông Trump đã bị đình chỉ vĩnh viễn khỏi Twitter ngay sau cuộc bạo động ngày 6 tháng 1 ở Điện Capitol, Hoa Kỳ. Twitter trích dẫn "nguy cơ tiếp tục kích động bạo lực" trong quyết định của mình.

    Ông Musk nói rằng quyết định này đã nêu bật quan điểm của ông đối với những người ủng hộ quyền chính trị, gọi lệnh cấm là "sai lầm và ngu ngốc về mặt đạo đức."

    Ông Trump trước đó nói với Fox News rằng ông sẽ không quay lại Twitter ngay cả khi ông Musk mua nền tảng này và khôi phục tài khoản của ông, đồng thời cho biết ông sẽ sử dụng ứng dụng truyền thông xã hội của riêng mình, có tên gọi Truth Social, được ra mắt trên cửa hàng ứng dụng Apple vào cuối tháng 2 nhưng bị trục trặc cho đến gần đây khi ứng dụng này bắt đầu cho phép nhiều người dùng hơn.

    Không có bình luận ngay từ phát ngôn viên của ông Trump.

    Philippines : Ferdinand Marcos Junior tuyên bố thắng cử tổng thống

    Ứng viên tổng thống Philippines “Bongbong” Marcos Junior, vẫy chào các ủng hộ viên, tại trụ sở ban vận động tranh cử, Mandaluyong, Manila, Philippines, ngày 11/05/2022. REUTERS - LISA MARIE DAVID 

    Hôm nay 11/05/2022, ông Ferdinand Marcos Junior, con trai nhà cựu độc tài Philippines đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines và cam kết sẽ là lãnh đạo của “mọi người dân” trong nhiệm kỳ 6 năm.  

    Trong thông cáo ra hôm nay, Vic Rodriguez, phát ngôn viên của tổng thống tân cử cho biết , ông Marcos Junior nói với tất cả mọi người rằng “ Hãy phán xét tôi trên hành động chứ đừng dựa trên gia tộc của tôi”. 

    Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ gần như toàn bộ các phòng phiếu, ông Marcos Junior, biệt danh “Bongbong”, đã thu được 56% phiếu bầu, tức là nhiều gấp hai lần số phiếu bầu cho đối thủ, bà phó tổng thống mãn nhiệm Leni Robredo. 

    Chiến thắng áp đảo của con trai nhà cựu độc tài nổi tiếng của Philippines Ferdinand Marcos (1965-1986), đã khép lại 6 năm cầm quyền của tổng thống Rodrigo Duterte, được ghi dấu ấn bằng cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực và đường lối lãnh đạo chuyên chế ngày càng khắc nghiệt. Chiến thắng của ông Marcos Junior cũng đánh dấu sự trở lại cầm quyền của gia đình Marcos, 36 năm sau khi bị dân chúng nổi dậy lật đổ vì tham nhũng và độc tài. 

    Ông Ferdiand Marcos Junior, 64 tuổi, đã chuẩn bị cho sự trở lại chính trường Philippines  của gia tộc Marcos này từ nhiều năm nay. Sau một chiến dịch vận động tranh cử được giới quan sát đánh giá là bị bóp méo thông tin, che đậy những  quá khứ tội ác của gia đình nhà Marcos. Tuy nhiên, ứng cử viên Marcos Junior lại được phe của cựu tổng thống Duterte ủng hộ mạnh mẽ.   

    “Bongbong” là ứng cử viên tổng thống đầu tiên giành đa số tuyệt đối kể từ sau khi cha ông bị lật đổ năm 1986, khiến cả gia đình phải lưu vong tại Hoa Kỳ. Gia đình Marcos sau đó đã trở về nước đầu những năm 1990 và dần dần khôi phục được mạng lưới ủng hộ chính trị cho đến ngày trở lại đỉnh cao quyền lực ở Philippines hôm nay.


    Không có nhận xét nào