Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 18 tháng 5 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO

    Đại sứ Phần Lan bên cạnh NATO Klaus Korhonen (T), tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (G) và đại sứ Thụy Điển bên cạnh NATO Axel Wernhoff trong lễ nộp đơn gia nhập Liên Minh, Bruxelles, Bỉ, ngày 18/05/2022. REUTERS - JOHANNA GERON 

    Phần Lan và Thụy Điển hôm nay 18/05/2022 đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi 95% các nghị sĩ Phần Lan đã bỏ phiếu ủng hộ việc này tại Quốc hội vào hôm qua 17/05. Các cuộc tham vấn hiện đang được tiến hành giữa các nước đồng minh nhằm dỡ bỏ sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh. 

    Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux tường trình :

    188 phiếu ủng hộ và chỉ tám phiếu chống. Quốc hội Phần Lan đã ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập NATO. Ngay cả phe cực tả, về lý thuyết là chống, đã bị chia rẽ trong hồ sơ này. Có một dấu hiệu cho thấy đây là một bước ngoặt lịch sử, các cuộc tranh luận, hôm thứ Hai, đã kéo dài hơn 14 tiếng. Việc Nga xâm lược Ukraina đã được đề cập đến. Cuộc tranh luận cũng đề cập đến Chiến tranh Mùa đông giữa Phần Lan và Liên Xô hồi Thế chiến thứ hai, lý do khiến quốc gia Bắc Âu mất 10% lãnh thổ của mình.

    Sự nhất trí gần như toàn bộ này phản ánh quan điểm của công luận Phần Lan, với 76% người dân muốn chấm dứt tình trạng phi liên kết. Việc này cũng phản ánh các hoạt động ngoại giao dồn dập của tổng thống Sauli Niinisto. Ông hiện đang có chuyến công du hai ngày ở Thụy Điển, quốc gia láng giềng cũng muốn gia nhập NATO sớm nhất có thể. Ngay hôm nay, thứ Tư, cùng với thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, ông Niinisto đệ đơn xin gia nhập Liên Minh. Và hai nhà lãnh đạo sẽ được tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp vào thứ Năm.

    Cũng trong ngày hôm qua, trong một cuộc họp báo tại Berlin, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định, xin trích, "chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt là ở khu vực biển Baltic thông qua các cuộc tập trận chung".

    Bộ Ngân khố Mỹ cân nhắc việc chặn các khoản thanh toán nợ của Nga 

    18/5/2022 

    Reuters 

    Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen.

    Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen. 

    Hoa Kỳ đang xem xét ngăn chặn khả năng của Nga trong việc thanh toán cho các chủ trái phiếu ở Hoa Kỳ bằng cách không gia hạn một lệnh miễn trừ, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết ngày 17/5.

    Trước đó cùng ngày, Bloomberg News đưa tin rằng chính quyền Biden sẵn sàng để cho lệnh miễn trừ hết hạn vào ngày 25 tháng 5, điều này có thể đưa Moscow đến gần bờ vực vỡ nợ.

    "Việc này đang được xem xét", quan chức vừa kể nói với Reuters. "Chúng tôi đang xem xét tất cả các phương án để gia tăng sức ép đối với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin."

    Bloomberg cho biết chính quyền Mỹ quyết định không gia hạn lệnh miễn trừ như một cách để duy trì áp lực tài chính đối với Moscow.

    Các chế tài của phương Tây được đưa ra sau khi Nga xâm lược Ukraine cấm các giao dịch với Bộ tài chính, ngân hàng trung ương hoặc quỹ tài sản quốc gia của Nga.

    Tuy nhiên, giấy phép tổng quát tạm thời 9A do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Ngân khố Mỹ cấp ngày 2 tháng 3 tạo ra ngoại lệ cho mục đích "nhận các khoản thanh toán lãi, cổ tức hoặc chi trả đáo hạn liên quan đến nợ hoặc vốn cổ phần."

    Giấy phép đó đã cho phép Moscow tiếp tục thanh toán cho các nhà đầu tư và tránh vỡ nợ trong các khoản nợ chính phủ, đồng thời cho phép các nhà đầu tư Hoa Kỳ tiếp tục thu các khoản thanh toán bằng phiếu chi trả.

    Giấy phép này sẽ hết hạn vào ngày 25/5, sau đó Nga sẽ còn khoản thanh toán trái phiếu chính phủ nước ngoài trị giá gần 2 tỷ đô la phải thực hiện trước cuối năm nay.

    Một số người từng đoán rằng chính quyền Biden có thể gia hạn lệnh miễn trừ vừa kể, để các chủ trái phiếu Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng.

    Bộ Ngân khố Mỹ không trả lời ngay yêu cầu bình luận của Reuters.

    Tencent vẫn chưa hết khó khăn

    Mối quan hệ giữa các công ty công nghệ Trung Quốc với chính phủ đã bớt căng thẳng hơn một chút trong những tháng gần đây. Cuộc đàn áp vốn xóa sổ 1,5 nghìn tỷ đô la khỏi giá trị vốn hóa của năm công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc từ tháng 2 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022 hiện đã hạ nhiệt. Nhưng nó không có nghĩa là mọi thứ đã trở lại bình thường.

    Tencent, công ty internet tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc, sẽ báo cáo thu nhập vào thứ Tư. Giới phân tích dự đoán nó sẽ chỉ tăng trưởng doanh thu 4,3% trong ba tháng đầu năm, thấp đáng kinh ngạc đối với một công ty lâu nay vẫn quen với mức tăng trưởng hai con số.

    Căng thẳng chính trị và thị trường trong nước bão hòa đã làm hạ thấp triển vọng của một loạt các ngành, từ quảng cáo cho đến phát trực tuyến. Song mảng trò chơi điện tử của Tencent, đơn vị tạo ra doanh thu lớn nhất, đang đặc biệt lo lắng vì chính phủ Trung Quốc đặt ra các hạn chế nghiêm ngặt để giải quyết tình trạng trẻ em chơi game. Với kết quả tồi tệ này, các nhà đầu tư sẽ muốn thấy Tencent tích cực đi tìm lĩnh vực tăng trưởng mới.

    EU chuyển sang năng lượng tái tạo

    Việc Nga xâm lược Ukraine đã buộc EU phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Vào thứ Tư, các bộ trưởng EU sẽ công bố các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng nhằm tính đường thay thế 22 tỷ euro (23 tỷ USD) dầu và khí đốt mà EU nhập mỗi tháng từ Nga. Được biết Nga chiếm tới 62% năng lượng nhập khẩu năm ngoái của liên minh.

    EU sẽ nâng mục tiêu tỉ trọng năng lượng tái tạo cho năm 2030 từ 40% lên 45%. Muốn vậy họ sẽ phải buộc nhiều tòa nhà lắp đặt pin mặt trời hơn, đồng nghĩa với việc các chính phủ phải sửa đổi quy định về quy hoạch. Kế hoạch cũng sẽ kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào năng lượng gió và hydrogen.

    Nhưng nói dễ hơn làm. Các lãnh đạo châu Âu vẫn đang vật lộn tìm cách tách khỏi các đường ống của Nga, ít nhất là trong ngắn hạn. Vào ngày 13 tháng 5, Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ cho phép các công ty năng lượng tiếp tục mua khí đốt của Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang năng lượng tái tạo sẽ khiến EU bị lệ thuộc vào một đối tác thương mại khó nhằn khác: hầu hết các tấm pin mặt trời đều được sản xuất ở Trung Quốc.

    Kinh tế Nhật vẫn lận đận

    Thiệt hại kinh tế của làn sóng covid-19 trong mùa đông vừa qua ở Nhật Bản sẽ trở nên rõ ràng khi ước tính GDP quý đầu năm được công bố vào thứ Tư. Các nhà kinh tế cho rằng tiêu dùng giảm sẽ đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái. Điều này đảo ngược con số tăng trưởng 4,6%, tính theo năm, của ba tháng cuối năm 2021.

    Kể từ tháng 3 số ca nhiễm giảm và hoạt động kinh tế hồi phục. Thế nhưng lại có những khó khăn khác. Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng đã đẩy giá cả lên cao, dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kiên quyết cho rằng lạm phát vẫn chưa lên tới mức mục tiêu 2%. Vì vậy, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, BoJ vẫn duy trì lập trường nới lỏng. Do đó đồng yên xuống mức thấp nhất hai mươi năm qua so với đồng đô la. Kết quả là người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng.

    Việc mở cửa lại cho khách du lịch có thể là một tin tốt. Kế hoạch của chính phủ là thử nghiệm các nhóm khách nhỏ trong tháng này, trước khi mở cửa rộng rãi từ tháng 6.

    Brazil có thể có ứng viên tổng thống trung dung

    Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 của Brazil sắp trở thành một cuộc đua song mã, giữa Luiz Inácio Lula da Silva, cựu tổng thống cánh tả giai đoạn 2003 đến 2010, và người đương nhiệm cánh hữu, Jair Bolsonaro. Các cuộc thăm dò cho thấy 41% cử tri ủng hộ Lula trong khi 23% ủng hộ Bolsonaro. Nhưng hơn một phần ba số cử tri cho biết sẽ không bao giờ ủng hộ Lula, trong khi hơn một nửa nhận xét như vậy đối với ông Bolsanaro. Đây là cơ hội cho phe trung dung vốn không thích cả hai nhân vật này.

    Brazil có hơn 30 đảng phái chính trị. Một số đảng vốn không ủng hộ liên minh nay lại thúc đẩy ý tưởng về một ứng viên “phe thứ ba.” Vào thứ Tư, bốn đảng trung dung lớn — PSDB, MDB, União Brasil và Cidadania — sẽ công bố một ứng cử viên chung. Những cái tên tiềm năng bao gồm João Doria, cựu thống đốc bang São Paulo, và Simone Tebet, thượng nghị sĩ từ bang Mato Grosso do Sul ở phía tây nam. Nhưng các ứng viên của phe thứ ba khó có thể dẫn đầu, khi người được ủng hộ nhất trong số họ, thẩm phán Sergio Moro, có tỉ lệ ủng hộ chỉ 7%.

    Doanh nghiệp Mỹ chỉ trích các “hạn chế” trong chính sách bán vũ khí cho Đài Loan

    Ảnh tư liệu: Trực thăng MH-60R của Hải quân Mỹ tập trận trong biển Philippines ngày 24/04/2017. REUTERS - Handout . 

    Hai tổ chức kinh doanh Mỹ vào hôm qua, 17/05/2022 đã lên tiếng phê phán chính sách bán vũ khí cho Đài Loan của chính quyền Joe Biden, vì có quá nhiều “hạn chế” và không đối phó được các thách thức do quân đội Trung Quốc đặt ra.  

    Trong một lá thư ngỏ gởi toàn bộ các quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Đài Loan và Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-Đài Loan cho rằng dưới thời tổng thống Joe Biden, Mỹ đã áp dụng một chính sách quá chặt chẽ trong lãnh vực bán vũ khí cho Đài Loan. Washington chỉ đồng ý bán các phương tiện có chức năng đối phó với “một cuộc xâm lược toàn diện vào đúng Ngày N (tiếng Anh là D-Day)” vào Đài Loan. 

    Các loại vũ khí không áp dụng cho kịch bản này sẽ bị từ chối, trong đó có cả những phương tiện chống lại các hoạt động cưỡng chế liên tục của Trung Quốc trong Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) của Đài Loan, những hoạt động mà theo các tác giả bức thư ngỏ, đã gia tăng đáng kể trong hai năm gần đây nhằm làm kiệt quệ lực lượng phòng thủ Đài Loan. 

    Theo hãng tin Anh Reuters, các chính quyền Mỹ liên tiếp đã thúc đẩy Đài Loan hiện đại hóa quân đội để trở thành một “con nhím” mà Trung Quốc khó tấn công, chủ trương bán các loại vũ khí bền và rẻ, cơ động - gọi là “phi đối xứng” - có thể tiếp tục được dùng đến sau bất kỳ một cuộc tấn công ban đầu nào của một lực lượng Trung Quốc lớn mạnh hơn. 

    Đối với hai tổ chức doanh nghiệp Mỹ, bao gồm nhiều thành viên là các hãng bán vũ khí, việc tập trung hỗ trợ an ninh cho Đài Loan theo kiểu “phi đối xứng” hiện hành không những không tăng cường được khả năng răn đe của Đài Loan, mà còn khiến cho chính sách bị hiểu lầm, và làm chậm đáng kể các thương vụ bán vũ khí nói chung. 

    Một ví dụ là việc chính quyền Mỹ cố ngăn cản việc Đài Loan đặt mua một số loại vũ khí, như loại trực thăng MH-60R chẳng hạn, với lý do là các phương tiện đó “không phù hợp” với chiến lược chung. Hồi đầu tháng Năm, Đài Loan đã cho biết ý định từ bỏ kế hoạch mua 12 trực thăng tác chiến chống ngầm tiên tiến của Mỹ vì giá quá đắt. 

    Đáp lại bức thư của Phòng Thương Mại Mỹ và Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-Đài Loan, bộ Ngoại Giao Mỹ tiếp tục khẳng định chủ trương ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Đài Loan trong việc thực hiện chiến lược phòng thủ phi đối xứng. 


    Không có nhận xét nào