Header Ads

  • Breaking News

    Phạm văn Vĩnh – Thử viết về nhà văn Hoàng Đạo


    Nhà văn Hoàng Đạo

    Hiện nay trên văn đàn tiếng Việt ta, đã có nhiều bài viết về nhà văn Hoàng Đạo. Tuy nhiên vì không rõ các tác giả của những bài viết này lấy nguồn từ đâu, nên khi tìm hiểu về cuộc đời của nhà văn, người viết xin được căn cứ theo một số tài liệu do chính người nhà ông viết ra, là những tác phẩm sau đây :

    · « Hồi Ký Về Gia Đình Nguyễn Tường, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam », tác giả Nguyễn Thị Thế, em ruột của nhà văn Hoàng Đạo,

    · « Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua », tác giả Nguyễn Tường Bách, em ruột của nhà văn Hoàng Đạo,

    · « Việt-nam Những Ngày Lịch Sử », tác giả Nguyễn Tường Bách,

    · « Giải mã học vấn của Nhất Linh », tác giả Nguyễn Tường Tâm, cháu ruột gọi Nhất Linh và Hoàng Đạo bằng chú.

    Những tác phẩm kể trên, đọc lên nghe có vẻ rất thật thà, không khoe khoang những cái tốt mà cũng không dấu diếm những điều xấu, đôi khi có phần chất phác, mộc mạc, không có vẻ thêu dệt, có thể tin cậy được. Bà Nguyễn Thị Thế và ông Nguyễn Tường Bách trong những tác phẩm kể trên cũng viết rằng họ cũng không biết chính xác tên tuổi của họ đã đươc đặt vào lúc nào, vì đã có hai ba lần thay đổi.

    Ngoài ra bài viết này còn dựa trên tác phẩm « Một Cơn Gió Bụi » của học giả Trần Trọng Kim.

    Nhà văn Hoàng Đạo có ba tên thật, hai ngày sinh và hai bút hiệu (một số bài viết khác nói ông có ba bút hiệu). Ông là người con thứ tư trong gia đình có tất cả bẩy anh chị em, sáu trai, một gái. Ông sinh ra tại huyện Cẩm Giàng, quê ngoại, một huyện nhỏ nằm bên con đường xe lửa Hà Nội – Hải Dương. Quê nội của ông vốn gốc ở tỉnh Quảng Nam. Ông nội đã từng làm Tri Huyện Cẩm Giàng và khuất tại đây. Cha ông là Nguyễn Tường Chiến, tự là Nhu, làm chức Thông Phán, tức là một công chức bậc trung thời Pháp thuộc chuyên việc làm thông ngôn cho người Pháp. Trong gia tộc bên nội, trong hàng các cụ tổ, đã có một người đã từng là Khai Quốc Công Thần triều nhà Nguyễn. Đó là cụ Tiến sĩ Nguyễn Văn Vân, từng làm đến chức Binh Bộ Thượng Thư, Phó Tổng Trấn Bắc Thành, ngày nay còn mộ bia và bài vị tại tỉnh Quảng Nam. Chuyện kể rằng một hôm Nguyễn Văn Vân hộ giá Nguyễn Phúc Ánh đến Đà Nẵng, Nguyễn Phúc Ánh chỉ một ngọn núi và hỏi Nguyễn Văn Vân hòn núi đó tên gì. Nguyễn Văn Vân trả lời rằng đó là núi Phước Tường. Nguyễn Phúc Ánh liền nói rằng « Nguyễn Phước » là họ của nhà vua. Vậy nhà vua ban cho ông họ «Nguyễn Tường ». Từ đó Nguyễn Văn Vân đổi thành Nguyễn Tường Vân và giòng họ Nguyễn Tường có từ thời đó. Nếu bên nội ông thuộc vào hàng quan văn, thì họ ngoại ông thuộc vào hàng võ tướng. Ông ngoại ông đã từng làm đến chức Lãnh Binh và cũng đến Cẩm Giàng. Tại huyện lỵ nhỏ bé này, người dân ở đây gọi bà nội ông là bà Huyện, bà ngoại ông là bà Quản và mẹ ông là bà Thông hay bà Phán. Tuy gia thế thuộc vào hàng quan quyền nhưng anh em ông chẳng những đã không ưa gì giai cấp quan lại mà còn muốn bãi bỏ chế độ quân chủ tại Việt Nam.

    Hoàng Đạo có ba người anh lần lượt mang tên là Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Tường Cẩm và Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh). Ông là người thứ tư, khi sinh ra được đặt tên là Nguyễn Tường Tứ nhưng sau cha ông nghĩ lại là tên Tứ trùng tên với một người bạn thân nên đổi tên ông thành Nguyễn Tường Tư. Khi ông còn nhỏ, khoảng năm 1914, cha ông làm việc ở ấp Thái Hà ngoài Hà Nội nên gia đình ông thuê nhà tại phố Hàng Bạc ở với bà nội. Ở đây ông còn một người em gái tên là Năm và tiếp theo còn người em trai mang tên Sáu (nhà văn Thạch Lam). Lúc bấy giờ ông và ba người anh lớn đi học ở trường tư thục Mã Mây, ở phố Mã Mây, gần với phố hàng Bạc. Ở phố hàng Bạc được ít lâu thì cha ông mất việc nên cả gia đình phải di chuyển về quê ngoại ở huyện Cẩm Giàng để mẹ ông lo việc sinh nhai bằng nghề buôn bán hàng xén, buôn gạo, chế biến thuốc lào, nấu thuốc phiện lậu, nấu rược lậu, v.v. Có lần bị Tây bắt được, bị phạt và bị tịch thu môn bài. Gia cảnh nghèo nàn, nợ nần rất nhiều nhưng sau con cái đều thành tài và cũng trả hết nợ. Tại huyện Cẩm Giàng, vì bà nội ông trước đây là bà Huyện quen biết nhiều người nên việc buôn bán của gia đình ông khá tốt đẹp. Lúc này hai người anh lớn đi học trường Bưởi ở Hà Nội. Nguyễn Tường Tam và ông đi học tại trường huyện Cẩm Giàng, nằm ở ngay chùa bên làng Rằng. Sau khi học hết lớp ở trường huyện, hai ông lại đi trọ học ở Hải Dương. Năm Bính Thìn 1916, mẹ ông sanh người em út đặt tên là Bẩy, sau này là bác sĩ Nguyễn Tường Bách. Lẽ ra thì phải đặt là Nguyễn Tường Thất nhưng có thể vì chữ thất không tốt nên tránh chăng ?

    Vào năm 1917, nhân dịp mang tiền học lên Hà Nội cho hai người con lớn, cha ông có dịp gặp lại ông Thông Sứ Hải Trường hồi xưa đã từng làm thông ngôn cho ông ta. Bấy giờ ông ta đổi sang tỉnh Sầm Nứa bên Lào nên rủ cha ông sang Lào làm việc với ông ta. Cha mẹ ông liền bỏ việc buôn bán sang Lào làm việc. Nhưng chỉ ít lâu sau, cha ông qua đời tại Sầm Nứa, đó là ngày 19 tháng mười năm 1918, mới có 37 tuổi. Kể từ lúc này, gia cảnh nhà ông càng sa sút thêm, chỉ có bà nội phụ giúp thêm vì bà Huyện có môn bài bán thuốc phiện còn nhà bên ngoại tuy giàu có nhưng không giúp gì cả mà còn suốt ngày đi đòi nợ. Cũng vào thời kỳ này, Nhất Linh và Hoàng Đạo tốt nghiệp bậc tiểu học, thi đậu anh nhất, em nhì. Sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, Hoàng Đạo tự học, nhẩy hai lớp ở bậc Cao Tiểu (Cao Đẳng Tiểu Học) nhưng không đủ 16 tuổi để đi thi bằng Thành Chung, còn gọi là bằng Cao Tiểu vì lúc đó ông mới được 14 tuổi, đó là vào năm 1921. Tính ra Hoàng Đạo sinh vào năm 1907, tức là năm Đinh Mùi âm lịch. Vì không đủ tuổi đi thi bằng Thành Chung nên ông Nhất Linh đã làm lại giấy tờ cho Hoàng Đạo để đủ tuổi đi thi. Bà Nguyễn Thị Thế, trong tác phẩm « Hồi Ký Về Gia Đình Nguyễn Tường », ở trang 72 đã kể rằng ngày còn ở Huyện Cẩm Giàng, gia đình bà thỉnh thoảng sang thăm ông Lý Trưởng làng Phiên Đình và ông này đã đưa cả con triện lý trưởng cho mẹ bà. Ông Nhất Linh đã dùng con triện này để đổi tên cho Hoàng Đạo thành Nguyễn Tường Long và thay ngày sinh để ông đủ 16 tuổi. Như vậy thì Nguyễn Tường Tứ sinh năm 1907 và Nguyễn Tường Long sinh năm 1905. Vì ông đậu Thành Chung vào năm 16 tuổi (giả) nên không đủ tuổi (18) để học cao đẳng cho nên ông phải đi làm ở Kho Bạc chờ đủ 18 tuổi đi học Cao Đẳng Luật ba năm, tốt nghiệp được bổ đi làm Tri Huyện nhưng ông đã từ chối rồi vào làm Tham Tá Toà Án. Có tác giả khác nói rằng sau khi tốt nghiệp trường Luật, ông thi đậu Tú Tài Pháp nhưng chuyện này không thấy nói tới trong các tác phẩm của gia đình ông. Bà Nguyễn Thị Thế, ở trang 112 trong tác phẩm nói ở trên, kể rằng sau khi tốt nghiệp trường Luật, ông được bổ đi làm Tri Huyện nên ông đã hỏi ý kiến mẹ ông. Nhưng mẹ ông để ông tự quyết đinh. Bà Thế còn nói rằng lương tháng của một Tri Huyện lúc đó chỉ có 140 đồng mà nếu không ăn hối lộ « thì lấy đâu ra mà thù tiếp thiên hạ cho xứng địa vị quan phụ mẫu chi dân. Ai nghe tin cũng cho là gàn là dại. Người khác phải lo lót bao nhiêu tiền mà anh lại từ chối. ». Thời Pháp thuộc, phải đủ tuổi mới được đi học nhưng đi làm thì không có giới hạn tuổi tác. Nhà văn Thạch Lam lúc nhỏ mang tên Sáu nhưng sau cũng chỉ vì không đủ tuổi đi thi nên ông Nhất Linh đã sửa lại tên cho Thạch Lam thành Nguyễn Tường Vinh. Nhất Linh cũng đổi tên cho bà Năm thành Nguyễn Thị Thế và ông Bẩy thành Nguyễn Tường Bách. Tính ra trong bẩy người con, các tên tuổi do cha mẹ ông đặt chỉ còn giữ lại tên của ba người anh lớn là Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Tường Cẩm và Nguyễn Tường Tam. Tên của bốn người em còn lại đã được ông Nhất Linh đổi lại cho đúng câu « Thụỵ Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế », có nghĩa là « ba con rồng bằng gấm đẹp vinh hiển muôn đời» mà nhiều người cho đó là duyên tiền định cho ba nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Sau này Nguyễn Tường Vinh lại được đổi thành Nguyễn Tường Lân và Thạch Lam đã giữ tên này cho tới mãn phần, vào lúc 33 tuổi.

    Xin nói qua về chức vụ « Tham Tá » thời Pháp thuộc. Chức Tham Tá là một chức thấp nhất trong ngạch công chức bậc cao. Sau khi làm Tham Tá một thời gian, có thể được thăng lên cấp cao hơn như trường hợp người anh cả Nguyễn Tường Thuỵ từ chức vụ Tham Tá Bưu Điện được thăng lên làm Phó Giám Đốc Bưu Điện. Vào thời Hoàng Đạo lãnh chức Tham Tá Toà Án thì lương tháng của chức vụ này là 114 đồng.

    Trong bài viết « Giải mã học vấn của Nhất Linh », tác giả Nguyễn Tường Tâm, trích lời của nhà giáo Nguyễn Huệ Chi, nói về tổ chức học đường thời Pháp thuộc. Bậc Tiểu học có tất cả sáu lớp, đó là lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), lớp Dự Bị (Cours Préparatoire), lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire, lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année), lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2ème année) và lớp Nhất (Cours Supérieur). Sau bậc Tiểu Học, học sinh học thêm bốn năm nữa rồi thi lấy bằng Cao Tiểu, còn gọi là Thành Chung. Tính theo thời gian học thì tương đương với bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp thời trước 1975 và với bậc Trung Học Cơ Sở thời bây giờ. Sau khi lấy xong bằng Thành Chung, nếu đủ 18 tuổi thì học sinh có thể tiếp tục học Cao Đẳng ba năm (bốn năm cho y khoa). Thời đó nước ta không có bằng Tú Tài. Kể từ năm 1924, người Pháp mới cho tổ chức cấp Trung Học Đệ Nhị Cấp và đến năm 1927 mới bắt đầu tổ chức thi Trung Học Bản Xứ (Brevet de l’enseignement secondaire local), thường gọi là Tú Tài Bản Xứ.

    Năm 1930, Nhất Linh tốt nghiệp Cử Nhân Khoa Học tại Pháp về, muốn cùng Hoàng Đạo, Thạch Lam xuất bản tờ báo trào phúng « Tiếng Cười » nhưng không thành. Có hai giả thuyết về sự thất bại này. Sách của bà Nguyễn Thị Thế cũng như sách của ông Nguyễn Tường Bách thì nói rằng người Pháp không cấp giấy phép. Nhưng bài viết của ông Nguyễn Tường Tâm thì nói rằng ông Nhất Linh đã giải thích vì không có tiền để hoạt động nên bị rút giấy phép. Nhất Linh đi dậy học ở trường tư thục Thăng Long hai năm và gặp Trần Khánh Dư (nhà văn Khái Hưng) tại đây. Lúc bấy giờ vào năm 1932, đã có sẵn tờ báo « Phong Hoá » của một người bạn, ra được 13 số nhưng viết theo lối văn cổ ít độc giả. Người bạn nhượng lại tờ báo cho Nhất Linh, có Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí phụ lực. Ít lâu sau lại có sự tiếp tay của Thế Lữ. Năm 1933, Nhất Linh thành lập nhà xuất bản « Thời Nay » và « Tự Lực Văn Đoàn ». Báo « Phong Hoá » kể từ số 14 được hoàn toàn đổi mới với những bài xã thuyết, trào phúng, đả kích, tiểu thuyết và những bài châm biếm quan lại và hủ tục do Nguyễn Tường Long viết dưới bút hiệu Tứ Ly. Cùng với tờ « Phong Hoá » còn thêm tờ « Ngày Nay » là một tờ báo chuyên về hình ảnh.

    Vì mải mê sáng tác nên việc xuất bản được giao cho một người bạn của Nhất Linh. Trong vòng hai năm quản lý nhà in, người bạn này đã thụt két làm mất đi một số tiền rất lớn. Sau này biết ra thì đã muộn, bao nhiêu cực khổ, tiết kiệm, hy sinh chẳng những trở thành vô ích mà còn bị bà mẹ la cho là dại khờ có thế mới sáng mắt ra. Việc quản lý nhà xuất bản từ nay được giao phó cho Hoàng Đạo. Từ đó mới có vốn phát triển và có lương cao.

    Năm 1936, tờ « Phong Hoá » bị chính quyền Pháp đóng cửa, chỉ còn tờ « Ngày Nay ». Kể từ đó tờ báo « Ngày Nay » đổi hình thức chuyển từ hình ảnh sang văn nghệ. Trên tờ « Ngày Nay », Nguyễn Tường Long cho đăng các bài phóng sự về tình cảnh khổ sở của người dân nghèo trước toà Tiểu Hình Hà Nội dưới tựa đề « Trước Vành Móng Ngựa » với bút hiệu Hoàng Đạo. Cho đến bây giờ, chúng ta đã được biết đến hai bút hiệu Tứ Ly và Hoàng Đạo. Ngoài ra, một số bài viết trên văn đàn tiếng Việt còn viết rằng Nguyễn Tường Long còn một bút hiệu nữa, đó là Tường Minh. Tuy nhiên các tác giả không cho biết khi nào và ở đâu bút hiệu Tường Minh đã được dùng đến. Tác Giả Nguyễn Tường Bách viết trong « Việt-nam Những Ngày Lịch Sử » là tờ « Ngày Nay » cũng bị đóng cửa vào « những ngày sóng gió 1940-1941 » và chỉ còn nhà xuất bản « Đời Nay » là còn giấy phép hoạt động.

    Cũng trong « Việt-nam Những Ngày Lịch Sử », ông Nguyễn Tường Bách kể vào năm 1938, Nhât Linh thành lập đảng Đại Việt Dân Chính, mà chủ trương là kháng Pháp và bãi bỏ chế độ Quân Chủ tại Việt Nam. Vào thời gian Đức chiếm Paris (1940), Nhật đánh vào Lạng Sơn và Pháp ký một thoả hiệp với Nhật thì người Pháp ra tay khủng bố đảng phái. Nhất Linh thoát được sang Quảng Châu bên Trung Hoa còn Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt. Nửa tháng sau, khi ông Nguyễn Tường Bách còn đang tập sự môn ngoại thương tại nhà thương Phủ Doãn, thì có hai người mặc thường phục mang đến một bệnh nhân bị thương. Ông Bách nhận ra là ông Nguyễn Gia Trí, bị thương vì bị tra tấn bằng roi điện. Sau này ba vị tù nhân vừa kể đã bị đầy đến trại giam ở Sơn La cho đến năm 1943 mới ra tù. Họ bắt lại các mối liên lạc cũ và hoạt động trở lại.

    Sau khi ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 thì một chính phủ liên hiệp ra đời vào tháng ba năm 1946. Trong hội đồng chính phủ có sự hiện diện của Nguyễn Tường Tam trong chức vụ Ngoại Trưởng và Hoàng Đạo với chức Bộ Trưởng Kinh Tế. Hai vị này thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tuy nhiên theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thế trong tác phẩm phẩm « Hồi Ký Về Gia Đình Nguyễn Tường » thì chỉ vài tháng sau, Ngoại Trưởng Nguyễn Tường Tam tham dự Hội Nghị với Pháp tại Đà Lạt rồi « bỏ trốn qua Tầu luôn ». Các đảng phái tại Vĩnh Yên bị đánh úp, tình hình rối ren. Hoàng Đạo được Việt Minh cử lên Vĩnh Yên hoà giải. Nhân cơ hội này, ông đã bỏ trốn sang Côn Minh. Hai năm sau, sau khi bà vợ ông đưa con trai lớn sang thăm ông lần thứ hai, Hoàng Đạo đã tháp tùng vợ con sang Hương Cảng để lấy máy bay về nước. Sau đó ông đã đáp xe lửa trở về Quảng Châu nhưng tới nhà ga Thạch Long thì qua đời, an táng tại nghĩa trang Thạch Long. Đó là ngày 16 tháng sáu năm Mậy Tý, tức ngày 22 tháng bẩy năm 1948, được 42 tuổi. Không biết có phải là việc tiền định mà Tường Long mất tại Thạch Long, giống như Phụng Sồ chết trên đồi Lạc Phượng trong Tam Quốc Chí.

    Các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hoàng Đạo gồm « Trước Vành Móng Ngựa » (phóng sự), « Mười Điều Tâm Niệm » (10 tiểu luận), « Con Đường Sáng » (tiểu thuyết) và « Tiếng Đàn » (truyện ngắn), « Bùn Lầy Nước Đọng » (phân tích về tình trạng nông thôn qua ba khía cạnh chính trị, kinh tế và tinh thần).

    Có lẽ không thể không nói qua về « Mười Điều Tâm Niệm ». Đó là mười bài tiểu luận đăng trên báo « Ngày Nay » từ số 25 (1936) đến số 41 (1937), kêu gọi mọi người Việt Nam, từ trẻ đến già, làm một cuộc cách mạng tư tưởng, (1) bỏ cũ, theo mới, (2) tin vào sự tiến bộ, (3) sống theo một lý tưởng, (4) làm việc xã hội, (5) luyện tính khí, (6) bình đẳng nam nữ, (7) luyện lấy bộ óc khoa học, (8) cần sự nghiệp không cần công danh, (9) luyện thân thể cường tráng, (10) cần có trí xếp đặt để có một cuộc đời mới, với một tinh thần, một linh hồn mới. Nói chung, các bài luận thuyết này có thể coi như kim chỉ nam giúp mọi người tiến tới một xã hội Việt Nam lành mạnh hơn, tiến bộ hơn cho hợp với đà văn minh của nhân loại. Đối với các bạn trẻ thời bây giờ, « Mười Điều Tâm Niệm » có thể là những tư tưởng cũ mèm không có gì mới mẻ nhưng vào những năm 1930, thời đại mà con gái nhà giàu chỉ lấy chồng đã tốt nghiệp Cao Đẳng để có địa vị (« phi Cao Đẳng bất thành phu phụ »), con trai có học chỉ tìm con gái nhà giầu ; thời đại mà nhà văn Nguyễn Công Hoan tả trong « Lá Ngọc Cành Vàng » chuyện một ông bà Quan Huyện sẵn sàng ép con gái mình uống thuốc chết để « càng đỡ nhục » vì con gái ông có thai với một người cùng đinh, thì những điều mà Hoàng Đạo đã đề ra phải công nhận là những tư tưởng cách mạng mới lạ. Tuy nhiên thiết tưởng cũng nên lưu ý rằng bất cứ một cuộc cách mạng nào, một sự đổi mới nào, dù tốt hay xấu, mà nếu được thực hiện một cách quá khích, cũng có thể đưa đến tình trạng xáo trộn xã hội. Lấy thí dụ, khi các siêu thị được phép mở cửa phục vụ người tiêu dùng, thì đó là một điều tốt cho xã hội, tạo thêm công ăn việc làm, mọi người có thể mua hàng hoá một cách dễ dàng nhưng việc các siêu thị được hoạt động sẽ làm cho các tiểu thương, những người bán hàng rong độ nhật sẽ mất đi một nguồn thu nhập đáng kể, dễ đưa đến nạn thất nghiệp. Tất nhiên không phải vì thế mà chúng ta không chấp nhận cải tiến nhưng việc làm này phải được tổ chức thế nào để đạt được kết quả tốt trong điều kiện trật tự xã hội.

    Xét về con người Hoàng Đạo, người nhà ông nói là ông rất hiền lành, hồn nhiên và lạc quan. Thân hữu thì nghĩ rằng ông là một nhà tư tưởng, lý thuyết gia, là Khổng Minh cho Nguyễn Tường Tam, v.v… Khái Hưng đã nhận xét về ngòi bút Tứ Ly trên tờ « Phong Hoá » rằng « Không ngờ trông người ít nói và hiền lành như con gái ấy mà lại có ngòi bút sắc bén như thế ». Học giả Trần Trọng Kim viết trong « Một Cơn Gió Bụi », ở trang 85, rằng khi ông làm Thủ Tướng, phải tìm người để thay thế Khâm Sai Bắc Phần Phan Kế Toại, ông đã nghĩ đến Hoàng Đạo vì ông cho rằng Hoàng Đạo « là người biết chính trị và có nghị lực hơn cả, nhưng lúc ấy ông đang bị bệnh thương hàn ». Còn ông Nguyễn Tường Bách thì viết rằng Vua Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã đề nghị với Hoàng Đạo chức Khâm Sai Bắc Phần nhưng Hoàng Đạo đã từ chối vì lý do chính trị. Dù sao đi nữa, nhân vật Hoàng Đạo đã được mọi người nhìn nhận là một nhà văn tiếng tăm, nhà cách mạng, nhà chính trị và hơn tất cả ông là người đã mong muốn giải phóng đất nước, canh tân xã hội Việt Nam, bãi bỏ các phong tục xấu và hấp thụ những cái hay, mới mẻ của xã hội Tây phương. Ba tác phẩm « Trước Vành Móng Ngựa », « Bùn Lầy Nước Đọng » và « Mười Điều Tâm Niệm » chứng tỏ Hoàng Đạo am tường tình hình xã hội Việt Nam thời bấy giờ và lý tưởng của ông không gì khác hơn là canh tân một nước Việt văn minh tiến bộ.

    Hè Paris 2021,

    Phạm văn Vĩnh

    Không có nhận xét nào