Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 29 tháng 6 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Mỹ tố cáo 5 công ty ở Trung Quốc hỗ trợ quân đội Nga 

    29/6/2022 

    Reuters 

    Trụ sở Bộ Thương mại Mỹ ở Washington D.C.

    Trụ sở Bộ Thương mại Mỹ ở Washington D.C. 

    Chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngày 28/6 bổ sung thêm năm công ty ở Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì bị cáo buộc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng và quân sự cho Nga, tăng cường thực thi các chế tài chống lại Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

    Bộ Thương mại, cơ quan giám sát danh sách đen thương mại, cho hay các công ty bị nhắm mục tiêu đã cung cấp các mặt hàng cho “các thực thể đáng quan tâm” của Nga trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, nói thêm rằng họ “tiếp tục ký hợp đồng cung cấp cho các thực thể Nga này và các bên bị chế tài.”

    Bộ cũng đưa thêm 31 thực thể vào danh sách đen từ các nước bao gồm Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Lithuania, Pakistan, Singapore, Vương quốc Anh, Uzbekistan và Việt Nam, theo Công báo Liên bang. Trong tổng số 36 công ty được thêm vào, 25 công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

    “Hành động ngày hôm nay gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các thực thể và cá nhân trên toàn cầu rằng nếu họ tìm cách hỗ trợ Nga, Hoa Kỳ cũng sẽ chế tài họ”, Thứ trưởng Thương mại phụ trách Công nghiệp và An ninh, Alan Estevez, nói trong một tuyên bố.

    Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

    Ba trong số các công ty ở Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga, Connec Electronic Ltd., World Jetta và Logistics Limited có trụ sở tại Hong Kong, nhưng không thể tiếp xúc để yêu cầu bình luận. Hai công ty còn lại, King Pai Technology và Winninc Electronic không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

    Bị đưa vào danh sách đen có nghĩa là các nhà cung cấp của họ ở Mỹ cần phải có giấy phép của Bộ Thương mại trước khi có thể giao hàng cho họ.

    Mỹ đã cùng các đồng minh trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xâm lược, mà Moscow gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, bằng cách chế tài một loạt các công ty và nhà tài phiệt Nga, đồng thời đưa những người khác vào danh sách đen thương mại.

    Dù trước đây các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc nhìn chung đang tuân thủ các chế tài Nga, nhưng Washington tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt các quy định.

    “Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động nếu họ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, bất kể họ đặt trụ sở ở đâu,” Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Quản lý Xuất khẩu, Thea Rozman Kendler, nói trong cùng tuyên bố.

    Úc sẽ sở hữu tàu ngầm hạt nhân trước năm 2030?

    Huyền Anh

    Úc sẽ sở hữu tàu ngầm hạt nhân trước năm 2030?

    Một tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, USS Florida ra khơi vào ngày 22/1/2003 ngoài khơi bờ biển Bahamas. Úc là một phần của thỏa thuận AUKUS sẽ nhận được công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. (Ảnh: David Nagle/U.S. Navy/Getty Images) 

    Phó Thủ tướng Úc Richard Marles cho biết, ông “lạc quan tột độ” về việc sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này vào cuối năm 2030.

    Trước đó, cựu bộ trưởng quốc phòng Úc tuyên bố rằng theo thời hạn của chính phủ tiền nhiệm, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này sẽ có mặt trên thị trường vào cuối những năm 2040.

    “Chính phủ tiền nhiệm vào thời điểm bầu cử cho biết, Úc sẽ sở hữu tàu ngầm hạt nhân đầu tiên vào những năm 2040. Đó là họ nói như vậy”, ông Marles nói trên ABC’s Radio National hôm thứ Tư (29/6).

    “Chúng tôi đang xem xét mọi lựa chọn sẵn có để tiến hành thử nghiệm sớm hơn tám năm kể từ bây giờ, đây sẽ là điều cực kỳ khả quan”. 

    Phó thủ tướng cho biết, Úc vẫn có thể đối mặt với “khoảng cách năng lực” và đang xem xét tất cả các giải pháp, bao gồm cả việc kéo dài tuổi thọ của hạm đội tàu ngầm lớp Collins hiện tại.

    “Chúng tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào”, ông nói. “Tôi nghĩ rằng các tiện ích mở rộng sẽ đóng một phần quan trọng, tuy nhiên chúng tôi rất sẵn sàng đối với bất kỳ tùy chọn nào có liên quan đến việc thu hẹp khoảng cách năng lực”.

    Malaysia lo sợ AUKUS có thể tổ chức cuộc đua vũ trang

    Bình luận của ông Marles được đưa ra sau khi đồng minh thân cận của Úc tại châu Á – Thái Bình Dương là Malaysia lặp lại lo ngại, thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

    “Chúng tôi muốn duy trì Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung, là một khu vực hòa bình, thương mại và thịnh vượng”, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Dato Sri Saifuddin Bin Abdullah, cho biết trong một tuyên bố chung với Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong.

    “Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất thẳng thắn về AUKUS và tôi xin cảm ơn ngoại trưởng đã giải thích quan điểm của chính phủ đương nhiệm”.

    Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob hồi tháng 5 tuyên bố rằng thỏa thuận AUKUS có thể có tác động tiềm tàng khi lập luận rằng, giả như Trung Quốc muốn giúp Triều Tiên mua tàu ngầm hạt nhân, Malaysia không thể “nói không vì AUKUS đã thiết lập một tiền lệ”.

    Ngoại trưởng Úc Penny Wong sẽ đến thăm quê hương của bà lần đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng và nhấn mạnh rằng tân chính phủ Đảng Lao động sẽ “lắng nghe” những mối quan tâm của các nước láng giềng của Úc.

    Tìm cách giữ hòa bình trong khu vực

    Bà Wong đã nhắc lại rằng thỏa thuận AUKUS sẽ không dẫn đến vũ khí hạt nhân.

    Bà nói: “Những điều chúng tôi đang làm là thay thế năng lực hiện có bằng một năng lực mới và đó là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. “Hệ thống đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhưng chúng tôi vẫn rất rõ ràng rằng chúng tôi không tìm kiếm và cũng không bao giờ tìm kiếm bất kỳ năng lực hạt nhân nào trên các tàu ngầm của chúng tôi”.

    Bà cho biết chính phủ Úc nhận thức được rằng, khu vực này đang được định hình lại về mặt kinh tế và chính trị.

    “Úc sẽ luôn hoạt động trên cơ sở: một khu vực hòa bình, ổn định, thịnh vượng, tôn trọng chủ quyền. Quan trọng nhất là một khu vực có quy tắc cho phép đưa ra các hành vi và cách thức để giải quyết mọi tranh chấp”, bà cho biết.

    Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến ​​với 2.000 người Úc do Viện Lowy có trụ sở tại Sydney cho thấy, 70% số người tham gia khảo sát ủng hộ việc nước này sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, 51% người Úc ủng hộ việc tăng mức chi tiêu quốc phòng – mức tăng đáng kể 20% so với cuộc thăm dò năm 2019.

    Huyền Anh

    Pháp gởi đại pháo và xe bọc thép cho Ukraina 

    Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu tối 27/06/2022 xác nhận việc gởi thêm sáu khẩu đại pháo Caesar hiện đại nhất của Pháp, và sắp tới sẽ viện trợ « một số lượng lớn » xe bọc thép cho Ukraina.  

    Trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng trên trang web nhật báo Parisien-Aujourd'hui en France tối qua, bộ trưởng Sébastien Lecornu nhấn mạnh : « Để di chuyển nhanh chóng tại các khu vực dưới hỏa lực địch, các đơn vị vũ trang cần có được xe bọc thép ». Pháp sẽ « gởi sang một số lượng lớn các xe quân sự loại này, là những xe bọc thép vũ trang ».

    Bộ trưởng Quân lực cũng xác nhận việc giao cho Ukraina thêm sáu đại pháo Caesar, hiện là loại pháo có tầm bắn xa nhất của Pháp, thêm vào 12 khẩu đã được triển khai để đối phó với quân Nga, như tổng thống Emmanuel Macron đã loan báo trong chuyến thăm Kiev hôm 16/06. Tuy nhiên, ông không cho biết cụ thể thời điểm chuyển giao.

    Về các hỏa tiễn chống hạm được Kiev đòi hỏi nhằm « có được sự đột phá để thoát khỏi tình trạng Nga phong tỏa biển vì không thể giao ngũ cốc và nguyên vật liệu cho nhiều nước », theo bộ trưởng Quân Lực Pháp, yêu cầu này hiện « nằm trong số các hồ sơ đang được xem xét ».

    Kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina của Nga ngày 24/02/2022, Paris đã chuyển cho Kiev nhiều loại vũ khí. Ngoài các đại pháo Caesar, còn có những hỏa tiễn chống tăng Milan, hỏa tiễn phòng không Mistral. Giữa tháng Tư, bộ trưởng Quân lực lúc đó là Florence Parly ước tính Pháp đã viện trợ cho Ukraina trên 100 triệu euro thiết bị quân sự.

    OPEC khó có thể tăng sản lượng

    Ngày càng khó có thể đổ lỗi cho OPEC về giá xăng dầu tăng cao hiện tại. Đứng đầu bởi Ả Rập Saudi, khối này có thể điều chỉnh nguồn cung dầu của toàn thế giới. Vào thứ Tư, OPEC sẽ họp online để thảo luận về hạn ngạch sản xuất. Đến thứ Năm, họ sẽ tiếp tục họp phiên bản mở rộng của nhóm, OPEC +, với các nhà sản xuất dầu lớn khác, đặc biệt là Nga.

    Tăng xuất khẩu dầu sẽ giúp giảm giá. OPEC + đã cam kết tăng sản lượng lên gần 650.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, từ mức 400.000 thùng như dự kiến trước đó. Vào tháng 7, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Ả Rập Saudi để kêu gọi nước này nới sản lượng hơn nữa. Nhưng tại hội nghị thượng đỉnh G7 hôm thứ Hai, người ta đã nghe lén được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với ông Biden rằng Saudi và UAE – hai nước OPEC duy nhất được cho là còn năng lực sản xuất dự phòng – đã chạm “đỉnh” và “không có công suất lớn.”

    Chuyến công du đầu tiên của Putin kể từ đầu chiến tranh

    Ngoại trừ phương Tây, phần còn lại của thế giới hầu như không chọn phe nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng Nga không có nhiều đồng minh thực sự, phần nào giải thích vì sao Vladimir Putin vẫn chưa rời khỏi nước ông kể từ cuối tháng Hai. Nhưng thứ Tư này, ông sẽ có chuyến thăm một ngày đến Tajikistan và Turkmenistan, hai quốc gia Liên Xô cũ thân thiện ở Trung Á, và hai ngày ở Belarus.

    Tại Dushanbe, thủ đô Tajikistan, ông Putin sẽ gặp tổng thống Imomali Rakhmon, người đã nắm quyền suốt gần ba thập niên qua. Ông Rakhmon đánh giá cao việc Nga giúp đỡ họ chống lại các phần tử Hồi giáo, đặc biệt khi nước này có một căn cứ quân sự Nga với khoảng 7.000 binh sĩ. Tại Ashgabat, thủ đô Turkmenistan, ông Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của 5 quốc gia ven biển Caspi: Nga, Azerbaijan, Iran, Kazakhstan và Turkmenistan. Cuộc gặp này sẽ phức tạp hơn. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan đã từ chối công nhận các thực thể do Nga dựng lên ở miền đông Ukraine, có lẽ vì lo ngại chế độ của ông sẽ trở thành nạn nhân tương tự. Ông Putin, người từng cử quân đội đến hỗ trợ ông Tokayev trong cuộc bạo động hồi đầu năm, dĩ nhiên không hài lòng.

    Kinh tế EU: lạm phát cao, tăng trưởng thấp

    Hiện lạm phát đang ở mức cao còn thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy kinh tế khu vực đồng euro đang phát triển quá nóng. Không hẳn là vậy. Cho tới nay kinh tế EU vẫn bị kẹt giữa việc mở cửa lại sau đại dịch và tình hình bất an vì chiến tranh Ukraine và giá năng lượng cao. Hầu hết các chỉ số gần đây đều cho thấy suy thoái kinh tế. Khảo sát về người tiêu dùng và kinh doanh của Ủy ban Châu Âu, được công bố vào thứ Tư, dự kiến sẽ cho thấy tương tự.

    Các chỉ số công nghiệp từ Đức và Áo cho thấy sụt giảm trong số đơn đặt hàng mới và kỳ vọng kinh doanh. Bên cạnh đó là những quan ngại về phân phối hạn mức khí đốt, đặc biệt là ở Đức. Và mặc dù tiền lương sẽ tăng lên theo giá cả, nó không có khả năng theo kịp với lạm phát. Vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải quyết định tăng lãi suất ra sao. Thể hiện quyết tâm chống lạm phát trong khi vẫn bảo vệ được tăng trưởng và việc làm đòi hỏi một lựa chọn chính sách vô cùng tinh tế.

    Chính quyền quân sự Myanmar khôi phục án tử hình

    Các tướng lĩnh Myanmar không ngại đổ máu. Kể từ khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021, quân đội đã giết chết ít nhất 2.000 người Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền đặc biệt bị phản đối vì tuyên bố treo cổ bốn tù nhân chính trị. Dù không rõ chính xác thời điểm các vụ hành quyết, nhiều người tin chúng sắp diễn ra. Đây sẽ là lần đầu tiên án tử hình được áp dụng ở Myanmar sau hơn 30 năm.

    Hai trong số những người bị tử hình là các nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, những người bị kết tội cộng tác với chính phủ đối lập do các nghị sĩ bị đảo chính thành lập. Hai người còn lại bị kết tội giết các chỉ điểm viên của quân đội. Việc quân đội khôi phục giá treo cổ cho thấy họ muốn phe chống đối phải sợ hãi. Kể từ cuộc đảo chính, có tới 100.000 người Myanmar đã tham gia lực lượng dân quân. Họ ngày càng tổ chức tốt hơn và đang giành thêm lãnh thổ.

    Ghislaine Maxwell bị kết án 20 năm tù vì tội buôn bán tình dục

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/ghis2-7267-1656478033.jpg

    Ghislaine Maxwell và tỉ phú ấu dâm Jeffrey Epstein (AP) 

    Ngày 28/6, tòa án Hoa Kỳ đã kết án bà Ghislaine Maxwell 20 năm tù vì giúp tội phạm tình dục và nhà tài chính nổi tiếng Jeffrey Epstein lạm dụng tình dục các cô gái vị thành niên.

    Trước đó, tháng 12/2021, bà Maxwell (60 tuổi) đã bị kết án với 5 tội danh, bao gồm buôn bán tình dục trẻ vị thành niên, tuyển dụng phụ nữ và trẻ em gái để Jeffrey Epstein – người từng có quan hệ tình cảm với bà – xâm hại từ năm 1994 – 2004. Tỷ phú Jeffrey Epstein treo cổ tự tử ngày 10/8/2019 tại phòng giam Trung tâm Cải huấn Metropolitan thành phố New York (Mỹ) trong thời gian chờ xét xử về cáo buộc mua bán dâm và xâm hại tình dục nhiều bé gái trong độ tuổi vị thành niên.

    Phát biểu tại tòa án liên bang Manhattan trước khi biết bản án, Maxwell gọi Epstein là “kẻ lôi kéo, xảo quyệt và thích kiểm soát”, kẻ luôn đánh lừa mọi người trong quỹ đạo của hắn. Bà gửi lời “xin lỗi” đến các nạn nhân vì nỗi đau mà họ đã chịu đựng.

    “Không có ai là đứng trên pháp luật. Bản án này như một thông điệp rằng bất cứ ai tạo điều kiện cho việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên đều sẽ phải chịu trách nhiệm”, thẩm phán Nathan nói.

    Xuất hiện ở phiên tòa hôm qua, ngoài các thành viên gia đình Maxwell, một số nạn nhân là Annie Farmer và Elizabeth Stein cũng có mặt.

    Trước khi bản án được đưa ra, Maxwell nói: “Tôi cảm thông sâu sắc với các nạn nhân. Tôi nhận ra mình đã phạm tội hỗ trợ Jeffrey Epstein thực hiện những tội ác này. Mối quan hệ của tôi với Epstein sẽ vĩnh viễn làm tôi bị vấy bẩn. Điều hối tiếc lớn nhất của cuộc đời tôi là đã gặp ông ta. Tôi tin Jeffrey Epstein đã lừa dối tất cả nạn nhân, khiến họ coi ông ta như một người cố vấn, người bạn, người yêu. Ông ta đáng lẽ phải đứng đây, trước mặt các bạn. Nhưng hôm nay, chỉ mình tôi bị tuyên án. Tôi xin lỗi vì nỗi đau mà các bạn đã trải qua. Hy vọng bản án và sự giam cầm khắc nghiệt này mang lại cho bạn sự yên bình”, Maxwell nói.

    Tuy nhiên trái ngược với những lời phát biểu của bà, khi tuyên bản án, Thẩm phán Alison Nathan cho biết Maxwell không hề cho thấy bản thân thực sự hối hận và nhận trách nhiệm.

    “Maxwell đã trực tiếp, liên tục và trong nhiều năm tham gia vào một kế hoạch khủng khiếp nhằm lôi kéo, vận chuyển và buôn các bé gái chưa đủ tuổi vị thành niên, một số em chỉ mới 14 tuổi để Jeffrey Epstein lạm dụng tình dục” – Nathan nói.

    Vụ án của Maxwell và tỷ phú Jeffrey Epstein là một trong những vụ án nổi tiếng nhất sau phong trào #MeToo, vốn khuyến khích phụ nữ lên tiếng về nạn lạm dụng tình dục, họ thường bị lạm dụng bởi những người giàu có và quyền lực.

    Ghislaine Maxwell sẽ 78 tuổi lúc kết thúc 20 năm tù giam, trước khi phải chịu thêm 5 năm giám sát. Luật sư của bà ta đã yêu cầu thân chủ được thi hành án tại nhà giam BOP ở Danbury, bang Connecticut, đồng thời nêu rõ ý định sẽ kháng cáo.

    Trợ lý luật sư Mỹ Alison Moe đã đưa ra lập luận của phía công tố về một bản án nghiêm khắc với Maxwell, gọi tội ác của bà là “không thể kể xiết”. Về các nạn nhân, cô nói: “Nỗi đau của họ là thật. Những cô gái này chỉ là những đứa trẻ khi trở thành nạn nhân. Maxwell đã lợi dụng giấc mơ của họ như một công cụ để lạm dụng”. Moe khẳng định Maxwell coi các nạn nhân là “những món đồ chỉ dùng một lần” trong khi “lên máy bay đi khắp nơi với Epstein”.

    Annie Farmer, người từng tuyên bố Maxwell đã khỏa thân massage và sờ ngực mình tại biệt thự của Epstein ở New Mexico năm cô 16 tuổi, cho hay đã nỗ lực suốt nhiều năm để “xóa bỏ” sự lạm dụng của Epstein và Maxwell ra khỏi tâm trí. Cô khẳng định “tác động của chuyện này là không thể phủ nhận”.

    Một lời khai khác của Virginia Giuffre, người tố Epstein sắp xếp để cô quan hệ tình dục với Hoàng tử Andrew, con trai thứ hai Nữ hoàng Anh, cũng được luật sư đọc tại phiên tòa.

    “Tôi muốn nói rõ một điều: không có gì phải bàn cãi rằng Jeffrey Epstein là một kẻ ấu dâm khủng khiếp. Nhưng tôi sẽ không bao giờ gặp Epstein nếu không có bà ta. Với tôi và rất nhiều người khác, chính bà ấy đã mở ra cánh cửa khiến chúng tôi bước vào địa ngục”, lời khai của Giuffre ghi rõ.

    Ngoài bản án 20 năm bà còn phải nộp phạt 750.000 USD (khoảng 1.1 triệu Úc kim).

    Ghislaine Maxwell bị tù 20 năm chưa chắc đã kết thúc câu chuyện. Một số phụ nữ nổi tiếng muốn tòa án Hoa Kỳ, ngoài Jeffrey Epstein đã tự tử chết, phải truy tố những người đàn ông nổi tiếng khác nằm trong đường dây tình dục này. Họ cho rằng thật là bất công trong lúc một số nạn nhân phải gánh chịu nhiều đau khổ thì những người đàn ông nổi tiếng này hiện vẫn ung dung tự do và không biết họ là ai. 

    “Chắc chắn câu chuyện chưa xong ở đây. Có rất nhiều người nổi tiếng nằm trong đường dây này. Không phải chỉ có bà Maxwell,” Bà Virginia Guiffre nói.

    “Tôi hy vọng hôm nay chưa phải là cuối cùng, đó chỉ là bắt đầu cho những bước kế tiếp. 

    “Không phải chỉ một mình bà Maxwell. Những người khác cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi tin tưởng cuối cùng và sự thật và công lý sẽ chiến thắng.” 

    Pháp : Lần đầu tiên Hạ Viện có một nữ chủ tịch

    Bà Yael Braun-Pivet, tân chủ tịch Hạ Viện, phát biểu trong phiên khai mạc Quốc Hội mới, ngày 28/06/2022, Paris, Pháp. REUTERS - SARAH MEYSSONNIER 

    Lần đầu tiên trong lịch sử Pháp, một nữ nghị sĩ được bầu làm chủ tịch Hạ Viện. Ngày 28/06/2022, trong phiên khai mạc Hạ Viện, bà Yaël Braun-Pivet, 51 tuổi, nghị sĩ đảng Phục Hưng ( Renaissance ) của tỉnh Yvelines (ngoại ô Paris) đã được bầu vào trọng trách này sau khi nhận được 242 phiếu ở vòng hai, vượt qua số phiếu cần thiết. Như vậy, Pháp bắt kịp hầu hết các nước láng giềng châu Âu, cũng như Mỹ, từ lâu đã có một phụ nữ làm chủ tịch Hạ Viện. 

    Nữ nghị sĩ Yaël Braun-Pivet, một người thân cận của tổng thống Emmanuel Macron, là một luật sư, tham gia đảng Xã Hội, sau đó mới gia nhập phong trào Tiến Bước (  En Marche ) khi phong trào này vừa hình thành. Bà giữ chức vụ bộ trưởng Hải Ngoại trong chính phủ của thủ tướng Elisabeth Borne chỉ khoảng hơn 1 tháng.

    Theo AFP, chỉ trong vòng 5 năm, sự nghiệp chính trị của bà Yaël Braun-Pivet đã thăng tiến nhanh chóng. Năm 2017, bà giữ chức chủ tịch Ủy ban Pháp luật, thường được dành cho một nghị sĩ giàu kinh nghiệm. Tai tiếng đầu tiên xảy ra với bà vào năm 2018 khi điều tra về vụ Alexandre Benalla, cựu cận vệ của tổng thống Macron, đánh người biểu tình. Bà bị phe đối lập gay gắt chỉ trích là « bảo vệ » điện Elysée.

    Theo bà Yaël Braun-Pivet, Hạ Viện « là bộ mặt của nước Pháp » và « người dân Pháp kết hợp chúng ta để làm việc với nhau, thảo luận với nhau hơn là tranh cãi ». Tối 28/06, Hạ Viện Pháp đã thành lập 6 nhóm nghị sĩ. Liên minh NUPES bị chia thành nhiều nhóm nhỏ.

    Theo dự kiến, Hạ Viện còn bầu ra 6 phó chủ tịch, 3 thủ quỹ và 12 thư ký. Tuy nhiên, chức vụ được chú ý nhất là chủ tịch Ủy Ban Tài Chính, thường được giao cho phe đối lập có nhiều dân biểu nhất, sẽ được bầu vào ngày mai 30/06.


    Không có nhận xét nào