Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Đắk Lắk: Hàng trăm gia đình người Êđê biểu tình đòi đất từ công ty lâm nghiệp

    Hàng trăm hộ dân ở xã Ea Pôk, tỉnh Đắk Lắk đang đấu tranh để đòi lại đất từ công ty lâm nghiệp sau 40 năm phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

    RFA
    31/5/2022

    Đắk Lắk: Hàng trăm gia đình người Êđê biểu tình đòi đất từ công ty lâm nghiệp

    Người dân căng biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Êđê để đòi trả lại đất 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngchụp màn hình video 

    Từ giữa tháng 5 tới nay, người dân ở buôn Lang, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã phải ở vào thế đối đầu với Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk, để đòi lại mảnh đất canh tác rộng khoảng 40 hecta. 

    Đỉnh điểm của cuộc đối đầu này là vào ngày 18 tháng 5, hàng trăm người dân đã tập trung biểu tình tại mảnh đất trên, mà theo phản ánh của người dân là để phản đối việc công ty cà phê hủy hoại hoa màu do người dân trồng.

    Video và hình ảnh ghi lại cuộc biểu tình trên được chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh được chia sẻ cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động cũng có mặt ở hiện trường và xảy ra va chạm với người dân. 

    Đến ngày 28 tháng 5, người dân tiếp tục tổ chức biểu tình, căng biểu ngữ để yêu cầu phía công ty cà phê trả lại đất. Báo chí Nhà nước đến nay không đưa tin tức gì về vụ việc. 

    “Chúng tôi muốn công ty trả lại đất tổ tiên cho chúng tôi để dân sau này có đất làm ăn, dân thì càng ngày càng nhiều mà đất thì ít, nên dân phải đòi lại đất” - Một người dân địa phương nói với đài RFA dưới điều kiện giấu tên. 

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, buôn Lang hiện có khoảng 250 hộ dân, tất cả đều là người thuộc sắc dân Êđê bản địa, và toàn bộ người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp. 

    Trao đổi với chúng tôi, người dân địa phương cho biết họ vốn dĩ đã canh tác trên mảnh đất này từ nhiều đời, tuy nhiên sau năm 1975 thì bị Nhà nước lấy và giao cho doanh nghiệp Nhà nước là Nông trường cà phê Eapốk, sau đổi thành công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk để trồng cây cà phê. 

    Từ việc là chủ của khu đất người dân bỗng dưng trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình. 

    Từ năm 1983 đến nay, người dân cho biết họ được phía công ty cho phép canh tác trên mảnh đất này, nhưng bị giao khoán sản lượng 18 tấn cà phê/1ha, hoặc đưa ra mức nộp sản lượng lên đến 80% mỗi vụ thu hoạch. 

    “Người dân làm vất vả những không đủ ăn vì phải nộp sản lượng cho công ty, nhiều vụ còn không có đủ sản lượng để nộp nên phải nợ, đến vụ sau phải nộp bù thế là chẳng còn gì” - Một người dân được phía công ty giao cho canh tác trên mảnh đất rộng 8.000 mét vuông cho hay. 

    Cũng theo người dân, đến năm 2010 thì phía công ty cho nhổ cây cà phê và để người dân trồng các cây hoa màu khác, trong đó có cây ngô, nhưng lại không hỗ trợ cây giống, phân bón, lẫn thuốc trừ sâu. 

    Đồng thời, công ty giữ nguyên hình thức khoán sản lượng, hoặc đánh thuế lên đến 80% sản lượng mỗi vụ. 

    “Người dân phải tự bỏ tiền ra, công ty không hỗ trợ một đồng nào, cũng không cho được một viên thuốc nào lúc người dân bị ốm" - Một người dân khác đang canh tác trên mảnh đất rộng 10.000 mét vuông cho hay. 

    Tuy nhiên, gần đây, phía công ty muốn người dân dừng trồng hoa màu và chuyển sang trồng cây sầu riêng, điều này vấp phải sự phản đối của người dân, dẫn đến sự việc công ty tiến hành phá hủy hoa màu của người dân hôm 18 tháng 5 nhằm chuẩn bị đất để trồng sầu riêng.  

    Năm 2019, trước việc đời sống kinh tế khó khăn lẫn thái độ mà họ cho là vô trách nhiệm của phía công ty, người dân buôn Lang đã quyết định làm đơn gửi chính quyền để đòi lại đất và quyền canh tác. 

    Phóng viên của đài RFA gọi điện thoại cho Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk để đề nghị phía công ty đưa ra quan điểm, nhưng được người trực điện thoại cho biết phía báo chí phải đăng ký với lãnh đạo công ty, và chỉ được phỏng vấn khi lãnh đạo công ty này duyệt. 

    Khi được hỏi về thái độ của chính quyền trước đòi hỏi của người dân, một người địa phương nói:

    “Chúng tôi gửi đơn cho cho thị trấn, cho tỉnh nhưng không được phản hồi. Lần đầu thì có năm hộ ký tên, sau đó thì có thêm nhiều hộ nữa cùng ký. Chính quyền lúc nào cũng đứng về phía công ty chứ không giúp dân.”

    Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pôk để hỏi về việc tranh chấp giữa người dân buôn Lang với công ty cà phê, thì được bà này cho biết không chấp nhận trả lời phỏng vấn qua điện thoại. 

    Khi được hỏi liệu người dân có đồng ý duy trì hình thức canh tác khoán như hiện tại nếu phía công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk giảm thuế và tăng hỗ trợ, người địa phương cho biết họ nhất quyết muốn đòi lại đất. 

    Công an đã bắt Triệu Quân Sự trong lần thứ tư vượt ngục

    RFA
    01/6/2022

    Công an đã bắt Triệu Quân Sự trong lần thứ tư vượt ngục

    Triệu Quân Sự trong một lần bị bắt sau khi vượt ngục 

    cong an.com.vn 

    Triệu Quân Sự, phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù chung thân, đã bị bắt tại Thanh Hóa sau một ngày trốn trại.

    Ông Trần Duy Bình, bí thư huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa cho truyền thông hay tin trên trong ngày 1/6 ngay sau khi Triệu Quân Sư bị công an bắt tại quốc lộ 1 ở xã Yên Dương huyện Hà Trung.

    Triệu Quân Sự mang bốn tiền án và đang chấp hành hình phạt tù chung thân ở trại giam thuộc Cục Điều tra hình sự tại xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên trong ngày 31/5, phạm nhân này đã trốn khỏi trại giam và lẩn trốn trong khu dân cư.

    Trước đó Triệu Quân Sự đã thực hiện ba lần trốn khỏi trại giam và đều bị bắt lại.

    Công an cho biết Triệu Quân Sự thụ án tù chung thân vì tội giết người, cướp tài sản. Cũng theo công an, trong các lần vượt ngục trước, trên đường lẩn tránh, Sự đều thực hiện thêm các vụ cướp khác.

    Lần này, theo tờ Tuổi Trẻ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay bước đầu cơ quan công an xác định từ lời khai của Triệu Quân Sự cho thấy trên đường lẩn trốn từ huyện Thạch Thành về huyện Hà Trung, phạm nhân này lấy trộm 2 xe đạp của người dân ven đường.

    Đại biểu Quốc Hội: Người nông dân Việt đang oằn mình trong bão giá, càng sản xuất càng nghèo

    Thanh Đoàn

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/ntdvn_shutterstock-523672216.jpg

    Thế giới đang lâm vào tình cảnh thiếu phân bón cho sản xuất nông nghiệp làm gia tăng cảnh báo về khủng hoảng giá lương thực và nạn đói toàn cầu. (Ảnh: Shutterstock) 

    Đại biểu tỉnh Kiên Giang, bà Châu Quỳnh Dao, cảnh báo người nông dân càng sản xuất càng nghèo vì chi phí cho sản xuất tăng cao trong khi giá đầu ra không đổi thậm chí thị trường đầu ra hết sức chông chênh.

    Trong khi ngành nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho nền kinh tế trong các giai đoạn kinh tế đình trệ, là căn cơ kinh tế thì ngành nông nghiệp nói chung, ổn định giá cả đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp nói riêng chưa được quan tâm đúng mức hoặc có ứng xử chính sách kịp thời trong giai đoạn khủng hoảng từ các bộ, ngành và địa phương.

    Đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh cuộc khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng đã nhanh chóng lan sang giá phân bón, làm điêu đứng ngành nông nghiệp vốn luôn là bệ đỡ của nền kinh tế. Đại biểu tỉnh Kiên Giang kêu gọi Nhà nước cần có nhận thức về tâm quan trọng và tính gấp gáp của vấn đề này, có chính sách đồng bộ để giảm chi phí đầu vào vào sản xuất, bình ổn giá cả chi phí và thị trường đầu ra trong sản xuất nông nghiệp.

    Phát biểu trước Quốc hội, phiên họp buổi chiều ngày 1/6/2022, đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh: “Giá nông sản không tăng nhưng giá chi phí sản xuất tăng 40% so với 2 năm trước trên mỗi hecta”; chủ yếu do giá phân đạm tăng đột biến theo đà tăng của giá dầu thô toàn cầu.

    Trang Pháp Luật, dẫn lời ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao do xung đột địa chính trị leo thang khắp toàn cầu, đặc biệt cuộc chiến Nga – Ukraine. Chỉ số giá phân bón toàn cầu tăng mạnh nhất trong 50 năm qua, được cho là do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu (Nguồn: Ảnh chụp màn hình từ trang Green Market, ngày 1/6/2022)

    Trước thực trạng giá đầu vào leo thang trong khi giá đầu ra không tăng, thậm chí mất giá do thị trường đầu ra không ổn định, người nông dân ở nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng “càng sản xuất càng nghèo đi” (trích lời Đại biểu Quỳnh Dao), có thể bỏ ruộng. Điều này sẽ tạo ra bất ổn lớn về kinh tế – xã hội khi 70% lao động Việt Nam vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

    Đại biểu Kiên Giang cũng kiến nghị về giải pháp để ổn định giá cả đầu vào sản xuất nông nghiệp, gồm:

    Thứ nhất, Việt Nam sử dụng 11 triệu tấn phân bón mỗi năm, trong nước chỉ sản xuất được 7 triệu tấn phân bón. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD nhưng cũng chi tới 1,4 tỉ USD để nhập về 4,5 triệu tấn phân bón các loại. Trước tình hình khủng hoảng nguồn cung và giá phân bón toàn cầu, xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng vọt trong 4 tháng đầu năm. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón tăng 46,9% về lượng và tăng tới 192,6%.

    Trước thực trạng này, bà Quỳnh Dao kiến nghị nhà nước cần kiểm soát xuất khẩu phân bón với mục tiêu ưu tiên đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước, ổn định giá cả phân bón trong nước.

    Thứ hai, kêu gọi người nông dân, thông qua các chương trình tuyên truyền, đào tạo kỹ thuật bởi các chuyên gia,… trong việc giảm quá lạm dụng phân vô cơ và phụ thuộc vào phân vô cơ trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu tỉnh Kiên Giang nêu ví dụ về việc nông dân tận dụng vỏ cà phê sau thu hoạch để ủ phân hữu cơ, vừa bảo vệ môi trường, chi phí thấp trong khi tiến tới một nền nông nghiệp xanh bền vững, tự chủ hơn.

    Cuối cùng, đại biểu tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng chính sách thuế VAT đang áp dụng với sản phẩm phân đạm đang tạo ra bất hợp lý giữa phân đạm sản xuất trong nước với phân đạm nhập khẩu; tăng thêm gánh nặng chi phí cho người nông dân Việt Nam.

    Hữu Nguyên

    Dự thảo quy định về bạo lực gia đình, quấy rối tình dục gây chê bai, tranh cãi 

    01/6/2022 

    VOA Tiếng Việt 

    Dự thảo luật sửa đổi về bạo lực gia đình được thảo luận ở Quốc hội Việt Nam hôm 31/5/2022.

    Dự thảo luật sửa đổi về bạo lực gia đình được thảo luận ở Quốc hội Việt Nam hôm 31/5/2022. 

    Dự luận Việt Nam trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 xôn xao tranh luận, thậm chí có không ít người chê cười về một số điểm bị xem là “tầm phào”, “kỳ quặc” trong hai bản dự thảo về bạo lực gia đình và quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, một chuyên gia nói với VOA rằng bà ủng hộ các điều khoản chi tiết, rõ ràng hơn về hai vấn đề kể trên.

    Báo chí Việt Nam tường thuật trong ngày 31/5 rằng Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc mới được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra. Đây là phiên bản cập nhật của bộ quy định cũ, đã ban hành hồi năm 2015.

    Cùng ngày, báo chí trong nước đưa tin về buổi thảo luận của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

    Viết về dự thảo quy tắc phòng, chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, nhiều báo Việt Nam có hàng tít khá giống nhau, cảnh báo rằng “nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục được xem là quấy rối tình dục”.

    Đó là một trong những hành vi quấy rối, các báo viết, bên cạnh đó, dự thảo quy định nêu ra nhiều hành động, lời nói cũng bị xem là quấy rối, như phô bày tài liệu mang tính khiêu dâm, gửi tin nhắn liên quan tới tình dục, tiếp xúc tác động vào cơ thể mang tính tình dục, nói trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, đề nghị hay mời đi chơi riêng liên tục.

    Về dự luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều báo rút tít “Chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp cũng là bạo lực gia đình”. Đây là phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung khi bà đề nghị cần xác định rõ những hành vi gây ra khủng hoảng tâm lý, tinh thần trong gia đình.

    Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặt vấn đề rằng liệu việc vợ gây sức ép với chồng phải làm ra thật nhiều tiền, phải lên chức nọ chức kia có phải là hình thức bạo lực không... Ông Hùng nhận xét rằng nói đến bạo lực về thể xác, về kinh tế thì nhận diện được ngay nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra cũng như lượng hóa cho hết.

    Những bài tường thuật nêu trên của báo chí Việt Nam đã dẫn đến nhiều ý kiến châm biếm trên mạng xã hội.

    Nhiều người tỏ ra “kinh hãi” về dự thảo quy định phòng, chống quấy rối tình dục vì nó động chạm đến những điều vốn được xem là khá bình thường trong đời sống hàng ngày ở Việt Nam.

    Về dự luật bạo lực gia đình, phần lớn dư luận tỏ ra ngao ngán về các đại biểu Quốc hội, các nhà làm luật Việt Nam, vì trong khi người dân còn đang phải chống chọi với bao khó khăn sau đại dịch, nhưng các quan chức chỉ mạnh miệng nói về bạo lực gia đình.

    Một số ý kiến của người dân cho rằng mỗi kỳ họp Quốc hội đều tốn rất nhiều tiền thuế của dân, song cuộc thảo luận mới đây về dự luật là ví dụ mới nhất cho thấy việc họp Quốc hội thật lãng phí.

    Có những người nhận xét chua chát rằng quan chức của Việt Nam càng phát biểu càng “mất giá” và vì vậy, đội ngũ đại biểu của dân trong Quốc hội có thể bị đánh đồng với mức độ của trí tuệ Việt Nam.

    Không bị cuốn vào làn sóng dư luận, nữ tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói với VOA rằng hai bản dự thảo đang gây tranh cãi thực ra chứa đựng những điều tiến bộ, nổi bật nhất là sự rõ ràng, cụ thể hơn, thay vì mang tính chung chung trước đây, đã dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Bà Hồng nói:

    “Rất nhiều người cho rằng văn hóa của Việt Nam là như vậy. Bây giờ lại đưa lên thành quy định pháp luật, quy định chính thức thì nó không phù hợp. Nhưng cá nhân tôi cho rằng những quy định pháp luật, những quy ước chung của tập thể càng chi tiết càng tốt, nên tôi rất hoan nghênh những động thái đấy. Đó là luật pháp Việt Nam hiện nay đang cố gắng để hoàn thiện hơn, và đáp ứng được, phù hợp với luật pháp và các điều ước quốc tế”.

    Nhìn vào bức tranh lớn nữ viện trưởng của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đánh giá rằng việc Quốc hội và một số cơ quan cấp bộ của Việt Nam tìm cách cải thiện luật, quy định về bạo lực gia đình, quấy rối tình dục cho thấy các nhà làm luật, các nhà chức trách có sự tiến bộ lớn trong nhận thức, thực sự quan tâm và muốn giải quyết hai vấn đề này. Song tiến sĩ Khuất Thu Hồng tỏ ra dè dặt về việc thực thi:

    “Nhưng từ nhận thức đến hành động còn là một khoảng cách. Nếu cứ nhìn dư luận trong mấy ngày hôm nay, việc họ bàn luận về cuộc thảo luận trên nghị trường chẳng hạn, thì tôi cũng rất lo rằng thậm chí khi có luật như vậy, nếu những người thực thi pháp luật và người dân không nhận thức được cái ý nghĩa của công cụ pháp luật đấy thì những tiến bộ không thực sự được đưa vào cuộc sống, không mang lại nhiều thay đổi như là lẽ ra nó phải có”.

    Nữ tiến sĩ nhấn mạnh rằng song song với việc xây dựng các quy định pháp luật toàn diện, đầy đủ, điều quan trọng không kém là phải thay đổi nhận thức của xã hội, cũng như nâng cao hiểu biết và kỹ năng của những người thực thi pháp luật.


    Không có nhận xét nào