Header Ads

  • Breaking News

    Hiếu Chân - Quả bom nợ của Trung Quốc có thể sắp phát nổ?

    Nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy Trung Quốc đang gặp khó trong việc giải quyết núi nợ

    17/7/2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1401011882.jpg

    Hôm 4 Tháng Sáu, người dân Thượng Hải bắt đầu được đến ngân hàng rút tiền sau hơn hai tháng bị phong tỏa để phòng dịch. Ngân hàng TQ được biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi và thanh toán nợ. Ảnh Hugo Hu/Getty Images. 

    Nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang gặp khó trong việc giải quyết núi nợ. Kinh tế chậm lại, thị trường bất động sản đóng băng, thất nghiệp tăng và thu nhập của người dân giảm sút cộng với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm phép lạ kinh tế của Trung Quốc bị chấm dứt.

    Như tin đã đưa, hôm Chủ Nhật tuần trước (10 Tháng Bảy) hàng ngàn người Trung Quốc đã tụ tập biểu tình trước trụ sở chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam để yêu cầu các ngân hàng trả lại số tiền tiết kiệm cả đời của họ. Cuộc biểu tình đã bị công an giả danh côn đồ đàn áp.

    Từ vụ biểu tình ở Trịnh Châu (Zhengzhou)

    Số là từ tháng Tư vừa qua, bốn ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam (Henan) đã “đóng băng” các khoản tiền gửi tiết kiệm của cư dân, người gửi tiền không được rút tiền ra mà cũng không được nhận tiền lời. Quyết định đóng băng đó đe dọa sinh kế của hàng nghìn khách hàng giữa lúc kinh tế bị đình đốn do các đợt phong tỏa hà khắc để phòng ngừa dịch bệnh theo chính sách “zero-Covid” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

    Bốn ngân hàng nông thôn, với tổng tài sản khoảng 40 tỷ nhân dân tệ ($6 tỷ) và khoảng 400,000 khách hàng, không phải là lớn trong hệ thống tài chính khổng lồ của Trung Quốc. Không ai ngạc nhiên khi các ngân hàng nhỏ, được giám sát lỏng lẻo và có khả năng bị tham nhũng này bị phá sản. Nhưng cái cách mà chính quyền Trung Quốc xử lý vụ khủng hoảng ở Hà Nam đang làm lung lay niềm tin của khách hàng vào ngân hàng và gây sốc cho giới đầu tư và những người quan sát Trung Quốc.

    Thay vì trả tiền cho người gửi, chính quyền Hà Nam đã tìm cách bịt miệng họ. Những người gửi tiền đau khổ đã tổ chức một vài cuộc biểu tình ở thành phố Trịnh Châu trong hai tháng qua nhưng những yêu cầu của họ luôn rơi vào những lỗ tai điếc. Cuối tháng trước khi có tin những người gửi tiền tại bốn ngân hàng bị “đóng băng” này sắp tụ tập để đòi tiền, nhà cầm quyền đã can thiệp vào hệ thống mã y tế kỹ thuật số Covid (digital Covid health code system) hay còn gọi là mã QR, để hạn chế việc đi lại của người gửi tiền và ngăn cản cuộc biểu tình đã lên kế hoạch của họ, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn quốc. 

    Mã y tế là một ứng dụng điện toán (app) cài vào máy điện thoại di động, thể hiện tình trạng sức khỏe của người chủ máy. Mỗi khi ra khỏi nhà, tới các điểm công cộng như quán cà phê, chợ búa, cơ quan trường học hoặc lên xe buýt, xe lửa… người dân phải trình mã QR trên điện thoại của mình, nếu mã QR có màu đỏ thì người đó đã nhiễm virus Corona, phải bị cách ly. Sự can thiệp bí mật của chính quyền Hà Nam làm cho mã QR của tất cả những người dự định tới Trịnh Châu biểu tình đều chuyển sang màu đỏ dù họ không có bệnh tật hay nhiễm virus.

    Hôm 10 tháng Bảy, người biểu tình đã tụ tập bên ngoài ngân hàng từ bốn giờ sáng để tránh bị nhà chức trách ngăn chặn. Đám đông, bao gồm cả người già và trẻ em, hô khẩu hiệu và giăng biểu ngữ. “Ngân hàng Hà Nam, trả lại tiền tiết kiệm của tôi!” họ đồng thanh hét lên. Truyền thông cho biết, các quan chức địa phương đã cử một số lượng lớn côn đồ tấn công dã man người gửi tiền, cảnh sát mặc sắc phục chỉ đứng nhìn mà không can thiệp.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1240682606.jpg

    Ngày nay, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc vẫn còn đứng vững mặc dù tỷ lệ nợ trên tổng sản lượng quốc gia (GDP) là 264%, Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images 

    Hoàn cảnh của hệ thống ngân hàng Trung Quốc

    Vụ bê bối ở Trịnh Châu làm cho các nhà đầu tư giật mình không chỉ vì những thủ đoạn tàn bạo được sử dụng để che đậy khủng hoảng mà còn vì những hoàn cảnh dẫn tới sự thất bại của các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc.

    Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc bắt đầu đổ rất nhiều tiền vào nền kinh tế, vào xây dựng các công trình hạ tầng lớn và phát triển công nghiệp, phát triển thị trường bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc, theo sự chỉ đạo của đảng Cộng sản, đã bơm vào nền kinh tế những khoản tín dụng rất lớn. Nhiều nhà quan sát cho rằng, với cách làm ăn như vậy Trung Quốc sẽ sớm vỡ nợ, nhưng điều đó đã không xảy ra. 

    Ngày nay, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc vẫn đứng vững mặc dù tỷ lệ nợ trên tổng sản lượng quốc gia (GDP) là 264%, theo số liệu của giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) trình bày trên báo Nikkei Asia. GDP của Trung Quốc năm 2021 là $17,734 tỷ, như vậy số nợ mà hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang nắm lên tới $46,8 ngàn tỷ! So với khoản nợ này thì quỹ dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới $3,400 tỷ của Trung Quốc chỉ là con số rất nhỏ. Để so sánh, hiện nay Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – có tỷ lệ nợ trên GDP là 129.8% với tổng số nợ là $30.5 ngàn tỷ, bằng hai phần ba của Trung Quốc, nhưng đã là con số gây báo động.

    Giám sát lỏng lẻo, quản lý rủi ro kém và tham nhũng đã khiến các ngân hàng nông thôn nhỏ ở Hà Nam mất khả năng thanh toán. Bốn ngân hàng này có thể là quân cờ domino đầu tiên bị đổ trong hệ thống gần 4,000 ngân hàng vừa và nhỏ với tài sản gần $14 nghìn tỷ của nước này. Rất có thể các ngân hàng tương tự khác sẽ sớm thất bại. 

    Sự kiện một số lượng lớn các ngân hàng nhỏ cùng thất bại có thể tạo ra phản ứng dây chuyền đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính, làm cho các ngân hàng lớn hơn có thể bị thiệt hại theo vì phải cứu các ngân hàng nhỏ theo chỉ đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. 

    Giáo sư Bùi Mẫn Hân nhận định, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính như vậy ở Trung Quốc ngày nay cao hơn nhiều so với trước đây. Một trong những lý do giúp Trung Quốc tránh được khủng hoảng tài chính trong thập niên qua là nền kinh tế nước này đã tăng trưởng với tốc độ khá cao, trung bình 6.8% một năm từ năm 2011 đến năm 2020. Một nền kinh tế phát triển nhanh hơn thường giúp dễ quản lý hơn hoặc thậm chí còn che giấu gánh nặng nợ nần. Nhưng hiện nay kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Số liệu do nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy nửa đầu năm nay, Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2.6% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Những dấu hiệu cảnh báo

    Dự tính, với chính sách “zero-Covid” – phong tỏa nhiều thành phố, khu công nghiệp, đóng cửa nhà máy để phòng dịch – sẽ khiến kinh tế Trung Quốc chậm lại thêm nữa trong nửa cuối năm, và điều đó làm cho quả bom nợ có nguy cơ bùng nổ.

    Dấu hiệu cảnh báo đáng ngại nhất là lĩnh vực bất động sản nợ nần chồng chất của Trung Quốc. Tập đoàn China Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước này, có khối nợ hơn $300 tỷ, đã vỡ nợ trái phiếu. Sẽ có thêm nhiều tập đoàn bất động sản Trung Quốc thông báo vỡ nợ vì trong nửa cuối năm nay các công ty nhà đất Trung Quốc phải thanh toán $13 tỷ vốn và lãi trái phiếu tính bằng đô la Mỹ mà thị trường địa ốc bị đóng băng và đồng tiền Mỹ đang lên giá rất mạnh.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1329163579.jpg

    Nhân viên ngân hàng Nông nghiệp TQ phát hành trái phiếu của chính quyền thành phố Hạ Môn (Xiamen) tỉnh Phúc Kiến (Fujian) hôm 21 tháng Sáu 2021 ở Phúc Kiến. Chính quyền các địa phương TQ thường phát hành trái phiếu để vay nợ đầu tư các công trình hạ tầng, trả lại bằng tiền bán đất. Ảnh Yang Fushan/China News Service via Getty Images) 

    Các chính quyền địa phương nợ nần chồng chất của Trung Quốc cũng đang gặp khó. Do hoạn lộ của các quan chức lãnh đạo tỉnh thành phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm nên chính quyền các địa phương Trung Quốc đã vay rất nhiều tiền để xây dựng đường sá và các công trình hạ tầng, thanh toán bằng tiền bán đất và thu thuế nhà đất. Thị trường bất động sản ế ẩm thì nguồn thu từ bán đất và thu thuế của các địa phương cũng giảm; dự tính chính quyền các địa phương Trung Quốc sẽ thất thu khoảng 6 nghìn tỷ nhân dân tệ ($900 tỷ) trong năm nay và có thể nhiều địa phương sẽ không thanh toán được tiền gốc và lãi trái phiếu họ đã phát hành những năm trước.

    Trên bình diện quốc tế, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang đau đầu. Thực hiện đại dự án Vành Đai và Con Đường đầy tham vọng của ông Tập, các ngân hàng quốc doanh lớn của Bắc Kinh đã cho vay hàng trăm tỷ đô la tới hàng ngàn dự án hạ tầng ở rất nhiều nước. 

    Suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid và cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đang làm cho các nước nghèo không thể trả nợ nước ngoài. Danh sách các nước nghèo là “con nợ” của Trung Quốc rất dài, trong đó các nước Sri Lanka, Lào, Pakistan có thể đã hoặc sắp mất khả năng trả nợ, buộc các ngân hàng lớn của Trung Quốc phải xóa một phần các khoản đã cho vay hoặc chiếm lấy các tài sản quốc gia của các nước này. Nếu các ngân hàng lớn phải gánh chịu các khoản cho vay kém hiệu quả ở nước ngoài ngày càng tăng, thì họ sẽ ít có khả năng giúp giải cứu các ngân hàng nhỏ hoặc vừa bị vỡ nợ ở trong nước.

    Trung Quốc có thể sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng nếu các quan chức địa phương phải thuê côn đồ tấn công các khách hàng của ngân hàng đang cố gắng lấy lại tiền của họ thì các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho những ngày tồi tệ hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc, giáo sư Bùi cảnh báo.

    https://saigonnhonews.com


    Không có nhận xét nào