Header Ads

  • Breaking News

    “Long tranh Hổ đấu” dịp này và phản ứng của Việt Nam



    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Tàu khu trục USS Benfold trở về Căn cứ Hải quân San Diego, California - hình chụp năm 2013

    Theo những nguồn tin không muốn để lộ danh tính, việc tàu USS Benfold có thể không ghé thăm Đà Nẵng từ nay đến cuối tháng 7, có quan hệ tới những căng thẳng liên tục hiện nay và sắp tới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.



    Căng thẳng nhỡn tiền là ngày 20/7 vừa rồi, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tố cáo Mỹ gây ra nguy cơ an ninh khi điều tàu đi qua tuyến đường thủy nhậy cảm là eo biển Đài Loan.

    Trong khi đó, Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ “đấu lại” rằng, khu trục USS Benfold đã thực hiện chuyến hải hành “thường lệ” qua eo biển Đài Loan, vượt qua vùng biển quốc tế, “phù hợp với luật pháp quốc tế”.

    Hoa Kỳ lâu nay vốn tiến hành các chuyến đi như thế này khoảng mỗi tháng một lần, khiến Trung Quốc tức tối, vì Bắc Kinh coi đấy là dấu hiệu ủng hộ Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của Trung Quốc.

    Mỹ chọc vào “khúc nhôi” Đài Loan

    Bộ Tư lệnh Chiến trường miền Đông của PLA nói trong một tuyên bố mới đây, các lực lượng của Trung Quốc đã theo sát toàn bộ hành trình của con tàu và đã đưa ra cảnh báo.

    “Các hành động khiêu khích và phô trương thường xuyên của Hoa Kỳ hoàn toàn chứng tỏ rằng Hoa Kỳ là nước hủy hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và là nước gây ra nguy cơ an ninh ở eo biển Đài Loan”, bản tuyên bố nêu rõ.

    “Lực lượng của khu vực chiến trường luôn cảnh giác cao độ và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, vẫn theo bản tuyên bố của PLA.



    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Một tàu hải quân của Đài Loan trong đợt tập trận hồi đầu năm 2022

    Ngày 19/7, Financial Times cho biết bà Pelosi sẽ cùng một phái đoàn tới Đài Loan vào tháng 8 tới. Điều này nếu xảy ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới hòn đảo sau 25 năm.

    Bà Pelosi cũng sẽ là nhà lập pháp cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi cựu chủ tịch Newt Gingrich thăm Đài Bắc năm 1997.

    Trước đó, hồi tháng 4 Bà Pelosi từng công bố dự định thăm Đài Loan. Tuy nhiên, chuyến đi bị hoãn sau khi bà bị dương tính với Covid-19.

    Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, Mỹ sẽ hứng chịu “mọi hậu quả” nếu Chủ tịch Hạ viện Pelosi tới thăm Đài Loan vào tháng 8 tới đây.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Bắc Kinh.

    “Nếu Mỹ kiên quyết thực hiện kế hoạch, Trung Quốc sẽ có những biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ để đáp trả”, ông Triệu tuyên bố: “Mỹ phải hoàn toàn chịu mọi hậu quả mà hành động này gây ra”.

    Vấn đề đặt ra ở đây là, có mối liên hệ nào giữa nguồn tin, mà đây là lần thứ hai, tàu khu trục Mỹ lại bị hoãn (hoặc hủy bỏ hẳn) việc ghé thăm Quân cảng Đà Năng, bởi bầu không khí như sắp “bùng nổ” giữa Bắc Kinh và Washington? Và tại sao lại bùng nổ?



    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi

    Số là trong những tuần lễ vừa qua, Mỹ đã nhiều lần bắn tiếng với Trung Quốc hãy chấm dứt tiếp tay cho cuộc chiến ở Ukraine của Tổng thống Putin, nhưng Bắc Kinh nào có chịu tuân thủ.

    Ngay sau ngày Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh đã “tháo khoán” việc nhập lúa mì từ Nga sang Trung Quốc (Trước đấy, lấy lý do chất lượng kém, Trung Quốc chặn việc nhập khẩu này). Còn giờ đây, ngoài lúa mì, Trung Quốc lại là nước chủ yếu mua dầu của Nga (với khối lượng cực lớn).

    Nhờ hai nguồn tài chính khổng lồ nói trên, Nga không chỉ vẫn còn tiền của để bám trụ chiến tranh, mà còn đe dọa mở rộng quy mô các cuộc tấn công trong thời gian tới. Mỹ, ngược lại, sau khi đã chi 54 tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine, nay đứng trước nguy cơ rạn nứt quan hệ với NATO và một số nước phương Tây, nên dường như có dấu hiệu “oải”, muốn đi vào chấm dứt chiến sự.

    Vì vậy, việc Bắc Kinh “toa rập” với Moscow để kéo dài cuộc chiến sẽ không giúp gì cho Tổng thống Biden và đảng của ông khắc phục khó khăn kinh tế, giảm lạm phát trong nước và giành phần thắng cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

    Trước khi Putin động binh, Mỹ ước tính, Moscow giỏi lắm chỉ chịu đựng được cấm vận trong vòng hai tháng là cùng.

    Nhưng nhờ sự tiếp tay của Bắc Kinh, Nga vượt qua được ngưỡng dự báo ấy.

    Vì lý do này, Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc.

    Trong cuộc tiếp xúc kéo dài 5 giờ đồng hồ giữa hai Ngoại trưởng Trung Quốc và Hoa Kỳ hôm 9/7 tại Bali (Indonesia), cả hai đã trao cho nhau những “gói giải pháp” của mỗi bên.

    Mỹ muốn Trung Quốc “buông” Putin. Vương Nghị “bắn tiếng” rằng, Washington không nên gửi bất kỳ tín hiệu nào ủng hộ "Đài Loan độc lập".

    Ấy vậy mà Tổng thống Biden vẫn phải dùng đến “miếng võ” Đài Loan để đẩy “đòn cân não” dai dẳng với Bắc Kinh lên cấp độ cao hơn.

    Trong bối cảnh ấy mới cắt nghĩa được, tại sao PLA và Bộ Ngoại giao Trung Quốc quyết liệt đến như vậy trước tin bà Pelosi sẽ thăm Đài Bắc trong thời gian tới.


    Nguồn hình ảnh, Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Ngoại trưởng Nga Lavrov có chuyến thăm chính thức Việt Nam hôm 6/7 trên đường đi dự hội nghị G20

    Việt Nam chọn “đi nhẹ nói khẽ”

    Từ khi cuộc xâm lược của Putin đối với Ukraine nổ ra, Việt Nam rơi vào một tình thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” về đối ngoại.

    Từng là nạn nhân của nhiều cuộc xâm lược, nay Hà Nội buộc phải làm ngơ trước một nạn nhân chiến tranh có thân phận không khác tình cảnh của mình trong quá khứ, thậm chí, kể cả trong tương lai của mình là mấy.

    Ít nhất trong đầu một số tướng lĩnh Việt Nam đang lựa chọn những kế hoạch tác chiến trên đất liền cũng như ngoài biển đảo từ các bài học của Ukraine.

    Cái khó của Bộ trưởng Phan Văn Giang và các tướng lĩnh là, không được để Tổ quốc bị bất ngờ chiến lược, trong khi ĐCSVN vẫn chủ trương triết lý “bốn tốt và mười sáu chữ vàng”.

    Dùng binh pháp Tôn Tử, Việt Nam muốn tránh tình huống “tai bay vạ gió” trong cuộc khẩu chiến Trung – Mỹ, bằng cách ứng xử với các bên mềm mỏng, để giữ được thế cân bằng khả dĩ nhất.

    Hà Nội giành một khoản viện trợ nhân đạo 500,000 USD cho Ukraine, sau khi Bắc Kinh cũng đã tiến hành các bước tương tự.

    Nay lại đứng trước thế “Long tranh Hổ đấu” khiến Việt Nam không đau đầu sao được?

    Trước mắt, Việt Nam vẫn khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng không cổ vũ cho việc Trung Quốc cho tàu ra đuổi tàu Mỹ.

    Ngày 21/7, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại cuộc họp báo thường kỳ, phó phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc diễn tập quân sự tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – đó là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông.

    Đáng chú ý, ngày 20/7, theo chính tuyên bố của Tổng thống Joe Biden, vào cuối tháng này, ông có kế hoạch sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.

    “Tôi nghĩ tôi sẽ nói chuyện với Chủ tịch Tập trong vòng 10 ngày tới”, ông Biden nói với các phóng viên khi ông trở về sau chuyến công cán tới Massachusetts có liên quan đến vấn đề khí hậu.

    Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo – đã được bàn thảo từ lâu – sẽ là cuộc đầu tiên trong vòng 4 tháng qua, và sẽ diễn ra ở một thời điểm khá kịch tính, nếu xét đến sự căng thẳng về quy chế của Đài Loan vả lại cũng trùng với lúc chính quyền của ông Biden cân nhắc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc để giúp giảm áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng Mỹ.

    Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính và nói rằng sự tương tác ở cấp cao là điều quan trọng để giữ cho mối quan hệ khó khăn này được ổn định và ngăn chặn nó vô tình trở thành xung đột.

    Tháng trước, Washington đã thúc ép NATO thông qua một văn kiện chiến lược gọi Trung Quốc là một thách thức an ninh.

    Phát biểu với báo giới hôm 20/7, ông Biden tỏ ra hoài nghi về việc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có kế hoạch đi thăm Đài Loan vào tháng tới. “Tôi nghĩ rằng giới quân sự cho rằng ý tưởng đó không hay ho gì vào lúc này, nhưng tôi không biết tình trạng của nó ra sao", ông Biden lấp lửng.

    Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ ghi nhận phát biểu của ông Biden, và rằng Đài Loan và Hoa Kỳ rất tin cậy lẫn nhau và có các kênh liên lạc thông suốt.

    Một nước lớn như Hoa Kỳ mà Tổng thống cũng phải “làm mầu” với Trung Quốc, đổ cho “giới quân sự” trong khi chính cả hành pháp lẫn lập pháp đều “chọc ngoáy” vào vấn đề Đài Loan.

    Từ đấy có thể thấu cảm với Việt Nam, với thế “trên đe dưới búa” của mình, trong lúc này cũng “không hay ho gì” rầm rộ đón tàu khu trục USS Benfold vào Đà Nẵng.

    Không ngẫu nhiên, Bộ Ngoại giao Đài Loan “ỡm ờ” rằng, họ chưa nhận được “thông tin chính xác” về chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Bắc, và không muốn bình luận gì thêm.

    Dường như “bộ tam” Việt – Đài – Mỹ đều “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Hãy để “từng cặp lứa đôi” ấy chờ đến Rằm, trăng sẽ tròn và sáng. Các cuộc tình này không bao giờ là quá muộn cả!

    Không có nhận xét nào