Header Ads

  • Breaking News

    Thọ Nguyễn - Suy ngẫm (1) : Sao lại phải giống nhau?



    Tôi có thói xấu là hay chửi chính phủ. Bà Merkel luôn bị tôi phê phán là "thân tàu“, là "ngậm miệng ăn tiền“. Ông Schröder, thủ tướng của đảng SPD thuộc cánh tả, thì bị tôi phê là "đồng chí của bọn chủ“.

    Chính phủ mới toanh của ông Scholz thì tôi coi là bọn "vừa éo vừa run“. Nói ủng hộ Ukraine nhưng lại sợ Nga nó coi mình là bên tham chiến. Thế là có mấy cái xe tăng mà cứ thậm thà thậm thụt.

    Nhưng ở Đức không ai coi những kẻ như tôi là "bất đồng chính kiến“ (Dissident), là "phản động“ (Reaktionär).

    Khái niệm "bất đồng chính kiến“ (Dissident theo tiếng Latin "dissidēre" là "bất đồng, mâu thuẫn") dùng để chỉ một người công khai chống lại quan điểm chung hoặc đường lối chính trị, tôn giáo. Thời trung cổ và cận đại, thuật ngữ này chủ yếu được gắn cho những ai chống lại giáo hội thiên chúa.

    Ngày nay trong các nền dân chủ, tự do bày tỏ ý kiến của riêng mình là một quyền cơ bản và được coi là đương nhiên nên ở đó không có ai là người "bất đồng chính kiến“. Từ thời chiến tranh lạnh đến nay, khái niệm "bất đồng chính kiến“ chỉ còn được gắn cho các nhân vật đối lập trong chế độ độc tài và toàn trị.

    Gọi là "đối lập“ chứ họ lấy gì mà đối với chả lập với cái hệ thống khổng lồ đó. Những vị được coi là vĩ nhân, được cả thế giới biết đến, được giải thưởng Nobel, có tác phẩm lưu truyền toàn cầu như Boris Pasternak, Alexandre Solzhenitsyn hay Andrey Schakharov còn chả có lấy một văn phòng kèm thư ký thì lực với lượng gì. Tên tuổi và uy tín của các ông chỉ giúp cho các ông không bị ăn đòn kiểu GULAG vào cuối đời.

    Còn ở các nước thế giới thứ ba lạc hậu, ít được để ý đến thì cuộc đời "bất đồng chính kiến“ thật là thảm hại. Những người này khổ lắm. Nặng thì bị tù đày, hành hạ đến chết, nhẹ thì bị người ta ném c*t đái vào nhà. Vì đã chống lại đường lối của giới cầm quyền nên họ thường chấp nhận sự trừng phạt đối với bản thân. Nhưng họ đau nhất là: con cái đi học luôn gặp khó khăn, người thân thì bị đóng dấu vào lý lịch, bạn bè họ hàng thì xa lánh, hàng xóm thì ghẻ lạnh.

    Khổ thế mà họ không chịu bỏ cuộc hoặc chặc lưỡi "Thôi thì uốn mình, hòa mẹ nó vào dòng chảy chung, cam chịu sống như mọi người cho xong“.

    Đó là cái đáng nói nhất ở họ.

    Dissident nếu viết lái thành Diss-Ident cũng còn có nghĩa là không chịu giống ai. Thế giới chúng ta phát triển được như ngày nay chính là nhờ tính khác biệt (diversity) của muôn loài. Sự khác biệt càng lớn, quá trình phát triển càng mạnh.

    Bọn "Môi trường“ đang sống chết đấu tranh để giữ cho thiên nhiên được đa dạng sinh học như trước đây. Công nghiệp hóa và nông lâm nghiệp đơn canh đang đe dọa đa dạng sinh học. Rừng cà phê, cao su, rùng keo lai đang thay thế rừng nguyên sinh. Đồn điền chuối đang hủy hoại rừng già Amazon... Tất cả cây cối giống nhau cũng là một kiểu chết của hệ sinh thái.

    Động vật cũng vậy: một quần thể càng nhiều khác biệt sẽ phát triển mạnh cả chất và lượng. Một quần thể khép kín, tự đồng hóa nhau, không chịu mở rộng ra ngoài sẽ suy kiệt giống nòi và ắt sẽ dẫn đến diệt vong (nạn Incest hay là sinh nở cận huyết).

    Xã hội dân chủ, cởi mở, cho phép tự do tư tưởng, luôn giao lưu du nhập cái mới thì luôn tạo ra nhân tài trong mọi lĩnh vực. Ngược lại sẽ làm thui chột hết. Tôi đã viết về đề tài này trong bài "Tự do và con người sáng tạo“.

    Vì vậy các nước có tự do không chỉ sản sinh ra nhân tài mà còn là nơi thu hút nhân tài. Người tài từ các xứ thiếu tự do cũng tìm cách bỏ mảnh đất chôn nhau của họ để đến đây. Họ đến đây để được phép "không phải nghĩ giống người khác“.

    Nói vòng vo loằng ngoằng như vậy chỉ để khẳng định rằng: Bất đồng chính kiến không hề có hại cho bất cứ xã hội nào, mà thật ra là rất cần thiết. Kể cả khi trong các tư tưởng mà họ đưa ra không phải cái gì cũng tốt. Đại văn hào Solzhenitsyn lừng lững như vậy vẫn là một kẻ mang nặng tư tưởng đại Nga bệnh hoạn mà Putin bám vào đó để phát động chiến tranh.

    Do đó nếu như ở Việt Nam có những người được gán cho cái mác "bất đồng chính kiến" một mặt ca ngợi dân chủ nhưng vẫn ủng hộ ông Trump tham quyền và thích độc đoán thì đâu có gì lạ.

    Thiên nhiên đa dạng cần cả cây ăn quả, hoa thơm lẫn cỏ dại, cần có thú ăn cỏ, thú ăn thịt và cả côn trùng độc. Chúng bù trừ và và tạo lý do tồn tại cho nhau. Quan trọng là sự đa dạng.

    Vì vậy cũng chớ có ảo tưởng nhiều ở những người "bất đồng chính kiến“. Họ cũng là người bằng xương bằng thịt như bạn và tôi. Họ cũng có những lo toan về cuộc đời, cũng cần tiền để sống. Họ cũng mang mọi đức tính tốt và xấu như người đời, cũng biết ghen tị, biết cãi nhau, gây xích mích. Điều nổi bật duy nhất là họ không chịu khép mình, chịu nấp sau đám đông để ù xọe sống. Họ dám nói ra điều họ nghĩ, dám hành động theo lương tâm của họ.

    Tôi phục họ ở điều đó, nhất là ở Việt Nam, nơi mà sư sãi cũng cam kết đi theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nơi mà đảng viên thi nhau vào chùa cúng như tế sao, nơi mà trẻ em thèm "phiếu bé ngoan“ hơn cả bánh trái...

    Tôi có nhiều bạn bè đã và đang nắm các chức vụ "tốt“ trong chính quyền. Tốt vì nó đủ cho họ một cuộc sống sung túc (hơn xa tôi), đủ địa vị trong xã hội, mà không đến nỗi bị nhòm ngó như hàng loạt các ông bộ trưởng, thị trưởng lần lượt khóc van xin trước tòa. Khi nói chuyện với tôi, họ tỏ ra rất thức thời. Ít ra là không ngu si đến mức coi "cần thép Formosa hơn là cá biển“, hay coi "Hoàng Sa, Trường Sa như những cồn cát chim ỉa“.

    Họ biết rất rõ các vụ quan chức ra tòa và các vụ xử người bất đồng chính kiến.

    Tháng 6.2009 tôi về Hà Nội tư vấn cho một đối tác xây mạng truyền hình DVB-T đơn kênh, phủ sóng toàn quốc. Mắt nhắm mắt mở mới sáng ra gặp một tay bạn kiểu này. Anh ta bảo tôi: "Màn hình LCD bị tắt rồi“. Tôi hỏi: Màn hình nào?

    Thì ra anh ta nói vụ Lê Công Định (LCD) mới bị bắt hôm qua.

    - OK hiểu. Vậy sao gọi là màn hình?

    - Vì cậu ta là luật sư sáng giá, đã có công góp phần bảo vệ các nhà sản xuất & chế biến cá ba sa Việt Nam bị phía Hoa Kỳ kiện vì tội bán phá giá. Không phải luật sư nào của ta cũng dám chơi với tòa án Mỹ nhé.

    Có nghĩa là bạn tôi biết hết. Anh coi đám quan chức ngồi tù chỉ là "bọn không biết chùi mép“ và "không may“. Còn người bất đồng chính kiến thì bị anh coi là bọn "cầm đèn chạy trước ô-tô“.

    - Thời này mà "cầm đèn chạy trước ô-tô“ thì tội nặng như tội "khi quân" thời xưa - Anh ta nói.

    (Còn tiếp)

    THỌ NGUYỄN 19.07.2022

    dimanche 24 juillet 2022

    Thọ Nguyễn - Suy ngẫm (2) : Cầm đèn chạy trước ô-tô


    (Tiếp theo)

    Thành ngữ “Cầm đèn chạy trước ô tô” mới xuất hiện trong Việt ngữ hiện đại. Nó tả hành động của những kẻ láu táu, háu đá.

    Cầm một cái đèn tay, lạch bạch chạy trước một cái ô tô đèn pha sáng quắc, tốc độ hơn cả chục con ngựa, có tay lái servo, có chỉ đường GPS. Hơn thế nữa, thằng cầm đèn còn cản đường chiếc xe được điều khiển bằng bác tài thông minh sáng suốt.

    Không còn có gì ngớ ngẩn hơn.

    Trong thực tế, mọi việc lại không như vậy. Những ý kiến trái chiều nhiều khi đi trước thời đại.

    Ông Kim Ngọc bí thư thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đã hiểu được nỗi cơ cực của nông dân trong cái tròng "hợp tác xã“ nên chủ trương khoán ruộng cho nông dân từ 1965. Nông dân có quyền tự chủ, no bụng hơn, còn ông thất sủng, bị ép phải làm bản kiểm điểm và từ chức. Năm 1988 nông dân cả nước hân hoan chào mừng nghị quyết của đảng về khoán nông nghiệp. Mất hơn 20 năm để hiểu một việc xưa như kinh phật.

    Ông Võ Văn Kiệt lúc còn làm bí thư thành ủy TPHCM đã khuyến khích những người như bà Ba Thi chủ động về miền Tây thu mua lúa gạo của dân, bất chấp chính sách ngăn sông cấm chợ lúc bấy giờ để cứu đói ba triệu dân Sài Gòn. Rồi ông thử nghiệm một số cơ sở kinh tế "bán tư nhân“, đưa các nhà quản lý tư bản trước 1975 vào các vị trí then chốt ở đó. Ông phải "lén lút“ mở cửa với tư bản Hồng Kông, Đài-Loan để các công ty kiểu Cholimex nhập linh kiện điện tử về lắp máy Radio, TV…

    Lúc đó mọi việc bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ. May mà uy tín và công lao của ông trong chiến tranh đã giúp cho những việc làm ngược với đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa khi đó không bị khép vào tội phá hoại. Về sau người ta thấy ông làm đúng.

    Trước đây, dâng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma hay ở Vị Xuyên hàng năm là có bọn đến phá, có người bị chặn ngay trước cửa nhà. Năm nay Thủ tướng cũng dâng hoa như vậy mà không có anh Quang Lùn nào dám phá. Lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn bị cất trộm đi mấy năm. Mục đích là để mấy ông "bất đồng“ rách việc không còn cửa „tụ tập đông người“ vào những dịp 19.1, 17.2 hay 14.3. Nay lại thấy đùng đùng mang về chỗ cũ, kiên quyết và âm thầm như lúc cất.

    Hồi 2009-2011, nhà văn Trang Hạ chỉ đội mũ có chữ Hoàng Sa - Trường Sa nên gặp rắc rối. Nhà thơ Lý Đợi thấy Sài Gòn có đường Trường Sa, vác máy ảnh ra chụp cái biển tên đường, định để khoe. Thế là có mấy tay xe máy đuổi theo định giật máy ảnh.

    Nay áo phông mang chữ Hoàng Sa, Trường Sa mặc thoải mái. Ở phường không còn ai bị tổ dân phố rỉ tai bảo rằng "Thằng ấy thuộc bọn Hoàng Sa Trường Sa đấy“.

    Ngày xưa người nào đem nỗi oan Thủ Thiêm của mình ra kể là bị chụp cái mũ "Phản Động“. Mười mấy năm sau hóa ra các tội ác ở Thủ Thiêm là có thật và mấy ông vẫn vu người khác là phản động lại phải ra tòa.

    "Bọn bất đồng chính kiến“ làm cái gì cũng bị đánh bầm dập, bị bắt vào đồn, về nhà bị phường đấu tố, xui bà con xa lánh. Rồi nhiều thứ chúng làm về sau được nhà nước thực hiện. Ngay cả thái độ đối với lịch sử cũng vậy. Giờ đây nhà báo chí chính thống đã bắt đầu nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa từng là một nhà nước của Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào. Trước đây ý kiến này bị coi là bóp méo lịch sử. Tôi tin là sẽ đến lúc, nhà nước sẽ tri ân các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong Hải chiến Hoàng Sa 1974 hoặc ít ra thì cũng lên tiếng về việc đó. Nhiều người đã bị bắt, bị đánh vì đòi hỏi việc này từ lâu.

    Ngày nay chính quyền đã nhìn nhận Internet, mạng xã hội là một lực lượng xã hội không thể coi thường. Người ta coi đó là chiếc "phong vũ biểu“ để nghe, xem phản ứng của dân. Tuy không dại gì nói ra, nhưng một vài quyết định sau đó đã được sửa chữa để phù hợp các phản ứng này. Tuy việc này còn ít, nhưng cũng đã là một bước tiến đáng công nhận.

    Vậy thì chớ bao giờ nghĩ rằng: Biểu lộ ý kiến chẳng ăn thua gì. Xã hội văn minh hay lạc hậu được quyết định bởi tỉ lệ những người thấy không đồng ý thì nói ra (dại dột) so với đám người thích nấp đằng sau chờ mọi người nói, lúc nào cũng sợ thiệt thân (khôn lỏi). Ở ta, bọn khôn áp đảo bọn dại dột.

    Nhà văn Võ Thị Hảo từng tâm sự: Đó là tính tham lam của người Việt mình anh ạ. Họ tham sống, tham sự an thân nên đẩy cái chết hay những thiệt thòi vì mở miệng cho người khác.

    Thì ra tham và hèn có cùng nguồn gốc. Khôn lỏi có lẽ cũng vậy. Đó là những căn bệnh dễ lây.

    Việt Nam 2022 đã khác xa 1990, khi nguồn viện trợ của Liên Xô và Đông Âu bỗng biến mất. Kinh tế tư nhân và chủ nghĩa tư bản (hay gọi là "Kinh tế thị trường định hướng XHCN“ cũng được, nghe êm tai hơn), đã đem lại cho đất nước diện mạo mới. Điện và internet đã đến với mọi bản làng xa xôi. Đường cao tốc đang lan ra dần.

    Tôi về Cao Quảng, một xã nghèo của tỉnh Quảng Bình nằm bên sườn phía đông Trường Sơn mà vẫn thấy lác đác những chiếc ô-tô của tư nhân. Còn ở thị xã Đồng Hới thì tỉ lệ gia đình có xe con có lẽ cao hơn cả ở Sài Gòn. Những người bạn tôi ở Cao Quảng nghèo lắm, nhưng họ ở nhà ngói, có điện, có smartphone. Và quan trọng là con cái được đi học. Tuy đôi khi khó chịu với những bất cập trong điều hành của xã, huyện, nhưng họ sẽ không bao giờ ủng hộ ai kêu gọi lật đổ chế độ.

    Dân tộc này đã đổ quá nhiều máu rồi.

    Đó là tâm trạng của đa số người dân. Vậy thì lo sợ bị lật đổ quả là vô căn cứ.

    Phát triển về tư tưởng đòi hỏi cả một quá trình lâu dài. Nhân loại cần hàng ngàn năm để từ chỗ coi con người là nô lệ đến mức coi quyền con người là đương nhiên cho từng đứa trẻ từ khi mới sinh ra.

    Phát triển về thể chế cũng vậy. Đông Âu đã chuyển sang chế độ dân chủ từ hơn 30 năm nay, nhưng nhiều nước vẫn bị coi là "nền dân chủ khiếm khuyết“, là chế độ tham nhũng. Vậy nên nhiều người Việt không mong có ngay một bản hiến pháp tiến bộ theo kịp thời đại. Ngay cả một số vị lãnh đạo cũng nhìn nhận điều này, khi nêu ra các bất cập về luật đất đai, về vai trò của quốc hội.

    Nhưng giả sử bản hiến pháp hiện hành được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh 100% thì Việt Nam ta đã đi một bước khá xa so với hiện nay. Khi đó sẽ không có ai bị đi tù vì tội tàng trữ và tặng văn bản hiến pháp 2013 cho người dân. Khi đó quốc hội (có cho dù là 95% đảng viên) sẽ có vai trò kiểm soát hoạt động của chính phủ tốt hơn. Cho dù không công nhận quyền sở hữu đất đai của dân, nhưng nếu vai trò nhà nước "thống nhất quản lý“ không bị lợi dụng để giúp các tập đoàn tư bản chia chác tài nguyên quốc gia thì đã không có các vụ xung đột đất đai đổ máu.. Nhiều lắm, kể không hết.

    Cho dù các mâu thuẫn xã hội ở Việt Nam ngày càng sâu sắc, nhưng nguy cơ lật đổ là 0 %.? Ai đã sống ở Việt Nam đều nhìn thấy vấn đề này.

    Vậy thì đẩy những người khác ý kiến, những người phê phán đường lối của nhà cầm quyền sang phía "bất đồng chính kiến“ là tối kiến. Những ý kiến chối tai vẫn chứa đựng những điều có ích cho việc kiến tạo chính sách.

    Vậy hãy để mọi ý kiến tồn tại, nghe hay không là việc khác. Khi đó sẽ không có "bất đồng chính kiến“.

    Còn như coi đó là "bất đồng chính kiến“, là "cầm đèn chạy trước ô-tô“ thì chỉ khiến cho quá trình canh tân đất nước bị trì hoãn, khiến nhiều cơ hội tốt bị bỏ rơi.

    Nhưng gì thì gì, bác tài có đạo đức không bao giờ đè chết người cầm đèn chạy trước xe.

    THỌ NGUYỄN 24.07.2022

    Không có nhận xét nào