Header Ads

  • Breaking News

    Như một nén tâm nhang tưởng nhớ Cựu Thủ tướng Shinzo Abe

     


    CẢNH GIÁC TRƯỚC TRUNG QUỐC

    Nguyễn Trung Kiên dịch

    (Như một nén tâm nhang tưởng nhớ Cựu Thủ tướng Shinzo Abe - một người con vĩ đại của Nhật Bản và một người bạn lớn của VIệt Nam).

    *

    Thưa tất cả các quý vị, xin hãy theo dõi Trung Quốc chặt chẽ...

    —Nghị sĩ, cựu Thủ tướng Yoshida Shigeru nói ngay khi bước vào lớp học dành cho cán bộ tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản, năm 1961.

    *

    CẠNH TRANH MÀ KHÔNG GÂY RA THẢM HỌA?

    Khi Abe nói với thính giả của ông tại Davos vào tháng Một năm 2014 rằng "nếu hòa bình và ổn định tại châu Á bị lung lay, thì sự tác động trực tiếp đến toàn thế giới sẽ rất lớn", ông đang cố gắng giải thích tại sao chiến lược mới của ông, với trọng tâm là an ninh hàng hải và các chuẩn mực phổ quát, sẽ giúp ngăn chặn một tai họa lớn như vậy. Nhưng đối với những người châu Âu tham dự hội nghị, không khí của buổi họp này gợi lên những hồi tưởng đúng vào dịp một trăm năm nổ ra Chiến tranh thế giới thứ Nhất, cùng những lời bàn tán rằng Nhật Bản và Trung Quốc có thể phá hủy nền hòa bình quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa họ đối với các hòn đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông. Biết các thính giả của mình, dù không đủ rõ, Abe đã hàm ý đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vào tháng Tám năm 1914 để làm nổi bật sự cần thiết của phương pháp tiếp cận của ông. Tuy nhiên, những lời chỉ trích thẳng thắn của ông dành cho chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đã làm loãng đi bất cứ sự trấn an nào mà ông hy vọng truyền đạt về “sự đóng góp chủ động cho hòa bình” của chính Nhật Bản. Khi một doanh nhân Trung Quốc sau đó đã ngạo nghễ bác bỏ vấn đề này trong bài thuyết trình của chính ông ta bằng cách nói rằng Trung Quốc có thể dễ dàng đánh bại Nhật Bản trong một cuộc chiến chớp nhoáng, thì các hàm ý mang tính dự báo đó thậm chí còn sâu sắc hơn.

    Như nhà khoa học chính trị Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) đã lưu ý trong nghiên cứu của mình về sự trỗi dậy của Trung Quốc: “Theo các biến thể của lý thuyết chuyển đổi quyền lực, xung đột rất có thể xảy ra khi một cường quốc đang lên, không hài lòng với hiện trạng, tiệm cận ngang bằng với quốc gia đang thống trị trong một khu vực hoặc một hệ thống. và sẵn sàng sử dụng vũ lực để định hình lại các quy tắc và thể chế của hệ thống”. Vào giữa thập niên 1990, thủ tướng Singapore lúc bấy giờ là Lý Quang Diệu đã nói rõ hơn, cảnh báo rằng Nhật Bản và Trung Quốc hiếm khi hùng mạnh cùng một lúc và rằng lần cuối cùng xảy ra, vào cuối thế kỷ XIX, đã dẫn tới thảm họa. chiến tranh.

    Tuy nhiên, đây không phải là năm 1914 hay năm 1894. Nhật Bản và Trung Quốc cùng tồn tại với mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế vượt xa Anh và Đức vào năm 1914 và chắc chắn vượt xa mức độ phụ thuộc giữa Nhật Bản và Trung Quốc vào năm 1894. Mặc dù tồn tại khía cạnh quân sự rõ rệt trong sự cạnh tranh Trung-Nhật ngày nay, nhưng phương thức cạnh tranh phổ biến đối với Nhật Bản là phương thức cạnh tranh dựa trên nghệ thuật quản trị nhà nước.

    CÁC SIÊU CƯỜNG HÀNG HẢI VÀ VÀ NHỮNG KẺ ĐỐI ĐỊCH CHÚNG

    Nhưng vấn đề ở đây là loại nghệ thuật quản trị nhà nước như thế nào? Định hướng ngoại giao của Nhật Bản đối với Trung Quốc đã không ngừng thay đổi trong suốt lịch sử, kể cả trong thời kỳ hậu chiến. Giống như nước Anh hạ xuống mức ngang hàng với các cường quốc lục địa châu Âu, Nhật Bản đã phải vật lộn để tìm ra những cách thức phù hợp để định hình sự cân bằng quyền lực với Trung Quốc lục địa. Nước Anh bắt đầu thế kỷ XIX với việc tự tin vào sự ổn định của Sự hòa hợp của châu Âu thời hậu Napoléon, đồng thời chuẩn bị cho sự thất bại có thể có của sự hòa hợp này trong tương lai. Là kiến trúc sư của Sự hòa hợp này của nước Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Viscount Castlereagh, hiểu rằng, nước Anh có thể định hình sự cân bằng quyền lực với lục địa châu Âu, vì “danh tiếng của chúng ta trên Lục địa như là đặc điểm của sức mạnh, quyền lực và sự tự tin mà chúng ta đã giành được là lớn hơn bất kỳ thời điểm nào”. Tuy nhiên, sau Castlereagh, Thủ tướng George Canning đã không tin tưởng vào tất cả các cường quốc lục địa và rút lui khỏi sự can thiệp chính sách đối ngoại chủ động tới lục địa Châu Âu, thay vào đó dựa vào Eo biển Anh và Hải quân Hoàng gia để bảo vệ các lợi ích thương mại và địa chính trị thực sự của Anh. Với tư cách là thủ tướng, Tử tước Palmerston sau đó đã lại đưa nước nước Anh vào cuộc chơi cân bằng ảnh hưởng tại lục địa châu Âu vào thập niên 1850, nhưng sau đó sau năm 1865, Ngoại trưởng Edward Stanley lại rút lui khỏi lục địa này, cho rằng “nhiệm vụ của Chính phủ Anh là phải tránh đe dọa nếu họ [các cường quốc tại châu Âu trên lục địa] không có ý định đe dọa trước”. Vào đầu thế kỷ XX, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Ngài Edward Grey đã đánh mất khả năng nhận biết cán cân quyền lực trên lục địa của các vị bộ trưởng tiền nhiệm, và do đó đã can thiệp quá muộn để ngăn chặn canh bạc của đế quốc Đức giành chiến thắng trước Pháp và Nga. Bài học từ năm 1914 không phải là một cuộc đụng độ Trung-Nhật là không thể tránh khỏi, hay nói cách khác là sự nhanh nhạy của nghệ thuật quản trị nhà nước Nhật Bản đối với đại lục Trung Quốc sẽ quan trọng đối với nền hòa bình của châu Á không kém gì việc Anh đã làm đối với nền hòa bình của châu Âu vào đúng một thế kỷ trước đó.

    Chiến lược hàng hải mới của Nhật Bản được dự đoán là sẽ cạnh tranh với Trung Quốc thông qua các biện pháp nhằm định hình môi trường xung quanh Trung Quốc bằng cách củng cố khả năng của phần còn lại của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. Nhưng lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ, chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc hiện đang được thúc đẩy bởi sức mạnh của Trung Quốc chứ không phải là sự yếu kém của Trung Quốc. Như nhà sử học Koshiro Yukiko lưu ý, Nhật Bản trước chiến tranh tập trung mạnh mẽ vào Trung Quốc và “sự hiện diện ghê gớm của Nga và sau đó là Liên Xô với tư cách là trung gian của văn hóa phương Tây và hệ tư tưởng cộng sản” trên lục địa Trung Quốc. Chính nhận thức sâu sắc về tính dễ bị tổn thương của Trung Quốc và sự xâm lấn của Nga đã dẫn đến nỗ lực của Yamagata nhằm tìm kiếm “lợi thế” của riêng Nhật Bản trên lục địa Trung Quốc vào đầu thế kỷ này. Yamagata tự mâu thuẫn về chiến lược Trung Quốc. Một mặt, ông tin rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, sự phát triển kinh tế và sự đoàn kết chủng tộc toàn châu Á của Trung Quốc sẽ là những công cụ quan trọng cho Nhật Bản trong việc chống lại chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Tuy nhiên, Yamagata cũng tin rằng Nhật Bản sẽ yêu cầu một mức độ chinh phục nào đó trên lục địa để có "cơ sở cho thương mại và công nghiệp của chúng ta bên trong Trung Quốc" để trong thời kỳ khẩn cấp, Nhật Bản có thể "nắm lấy" yết hầu của Viễn Đông "và đề phòng bất kỳ sự xâm nhập nào của kẻ thù ”. Bị thúc đẩy bởi cả nỗi sợ hãi và lòng tham trước các cuộc đấu tranh nội bộ của Trung Quốc, Nhật Bản đã xác định “đường ranh giới về lợi thế” của mình luôn hướng về phía Bắc, từ bán đảo Triều Tiên đến Mãn Châu và sau đó là toàn bộ Trung Quốc - đưa Nhật Bản vào một cuộc đụng độ thực sự với các cường quốc hàng hải lớn.

    Sau chiến tranh, chiến lược của Nhật Bản một lần nữa được xác định bởi sự yếu kém của Trung Quốc, nhưng giờ đây cũng là điểm yếu của chính Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Yoshida Shigeru (trong các giai đoạn 1946-1947, 1948-1954) đã tiếp cận Trung Quốc với một niềm tin cơ bản, dựa trên kinh nghiệm của chính ông với tư cách nhà ngoại giao tại Mãn Châu và miền Bắc Trung Quốc, rằng Nhật Bản có "tình cảm đặc biệt" đối với Trung Quốc và quan tâm đến việc Trung Quốc tự cường như là liều thuốc giải độc cho sự thống trị của phương Tây đối với châu Á, một quan điểm tương tự về một số khía cạnh với của Yamagata (hoặc ít nhất là một số suy nghĩ của Yamagata). Yoshida tin tưởng rằng lịch sử này, hiện không bị cản trở bởi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, cuối cùng sẽ lôi kéo Trung Quốc tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn của Nhật Bản trong quá trình hiện đại hóa và do đó sẽ mang lại cho Nhật Bản một mối quan hệ cân bằng hơn tại châu Á và giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Tất nhiên, tiền đề là Nhật Bản rất thích vị trí đàn anh trong mối quan hệ Nhật-Trung này. Vì vậy, Yoshida không ngừng thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh so với mức độ của mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngay cả những người chống chủ nghĩa hiếu chiếu của Nhật Bản như Thủ tướng Nobusuke Kishi (1957-1960) cũng lặng lẽ hành động để củng cố mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh vào cuối thập niên 1950 để đi trước Washington một bước (trong trường hợp của Kishi được sự ủng hộ nhiệt tình của Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower vì những bằng chứng chống cộng sản vững chắc của nhà lãnh đạo Nhật Bản này). Sau khi Tổng thống Richard Nixon gây sốc cho giới chính trị Nhật Bản khi mở cửa với Trung Quốc vào năm 1971 và lời hứa vào năm 1972 sẽ bình thường hóa quan hệ của Mỹ với Bắc Kinh, Tokyo đã gấp rút bình thường hóa quan hệ Nhật - Trung trước. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Trung-Nhật năm 1978 đánh dấu cả mối quan hệ hữu nghị được khôi phục của Nhật Bản với Trung Quốc và cũng là cam kết giúp Trung Quốc tự cường thông qua các khoản cho vay bằng đồng yên đầy hào phóng. Nhật Bản cũng là quốc gia đầu tiên thuyết phục Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sau cuộc đàn áp tàn bạo ở Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989.

    Nhưng nếu một Trung Quốc yếu kém là do Nhật Bản gây ra Chiến tranh Lạnh, thì Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Lạnh phải đối mặt với những hậu quả đe dọa từ việc phục hồi sức mạnh của Trung Quốc. Việc Nhật Bản và Trung Quốc phải cùng hợp tác với nhau trong khi theo đuổi những giấc mơ khác nhau đã bị ảnh hưởng nặng nề vào giữa thập niên 1990 khi Trung Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân năm 1994 và gây ra cuộc khủng hoảng quân sự ở eo biển Đài Loan vào năm 1995–1996. Trong hai thập kỷ tiếp theo, tham vọng quân sự của Trung Quốc đã lan rộng ra Biển Đông và Biển Hoa Đông, và xa hơn nữa là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong khi với các sáng kiến ngoại giao của Trung Quốc nhằm tìm cách thay thế Nhật Bản và cuối cùng là Hoa Kỳ để trở thành cường quốc hàng đầu tại châu Á. Tokyo hiểu ra rằng “tình cảm đặc biệt” và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc có thể làm giảm bớt - nhưng rõ ràng sẽ không dừng lại - tham vọng đang trỗi dậy của Bắc Kinh nhằm khôi phục vị thế bá chủ của mình trong khu vực.

    Tuy nhiên, đối với tất cả những thách thức mà Trung Quốc đã gây ra cho Nhật Bản - và tất cả sự đồng thuận rằng Nhật Bản phải cạnh tranh để đáp trả - một số nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn tiền đề của Yamagata hoặc Yoshida rằng Nhật Bản vẫn có vai trò trong sự thành công của Trung Quốc. Vì vậy, trong khi một số chuyên gia và chính trị gia ở Tokyo nói về sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc, thì phần lớn các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị ở Tokyo biết rằng đây sẽ là một thảm họa đối với Nhật Bản. Trung Quốc có thể là đối thủ ngoại giao, công nghệ, quân sự và ý thức hệ lớn nhất của Nhật Bản - nhưng nền kinh tế Trung Quốc cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản; sự tham gia của Trung Quốc vào các thể chế đa phương khu vực củng cố ổn định khu vực; việc kiểm soát ô nhiễm không khí của Trung Quốc giúp bảo vệ môi trường của Nhật Bản; và một nhà nước Trung Quốc hỗn loạn và phi tự do được trang bị vũ khí rõ ràng sẽ tồi tệ hơn so với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hiện tại đối với an ninh của Nhật Bản. Khi Hoa Kỳ chuyển sang chiến lược ngăn chặn “trò chơi với tổng bằng 0” đối với Trung Quốc dưới thời Donald Trump, Nhật Bản vẫn tiếp tục áp dụng chiến lược cân bằng quyền lực trên cơ sở thừa nhận sự cần thiết của việc kết hợp giữa cạnh tranh và hợp tác Trung-Nhật.

    Phần còn lại của chương này khám phá ba khía cạnh của thách thức địa chính trị của Trung Quốc đối với Nhật Bản - liên quan đến an ninh, ngoại giao và hệ thống xã hội - đã buộc phải tìm kiếm sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác và xác định các yếu tố của chiến lược lớn mới của Nhật Bản.

    THÁCH THỨC AN NINH

    Chính sự thách thức về an ninh của Trung Quốc đã tác động đầu tiên đến ý thức dân tộc của Nhật Bản. Các vụ thử hạt nhân và áp lực quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan từ năm 1994 đến 1996 không chỉ làm lung lay nền tảng của mối quan hệ Nhật Bản với Trung Quốc mà còn thúc đẩy việc tái tổ chức chính trị nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Nhật Bản. Lần cuối cùng công chúng Nhật Bản nhìn thấy cựu Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei (giai đoạn 1972-1974) vẫn còn sống là vào tháng 4 năm 1992 khi truyền hình quay cảnh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đến thăm nhà chính trị ốm yếu ở Tokyo. Khi chương trình phát đi, ông Giang và phái đoàn của ông rạng rỡ và hoan nghênh kiến trúc sư của mối quan hệ hợp tác Trung-Nhật vào năm 1971 trong khi Tanaka ngồi ngả người trước họ, vẫn còn chịu hậu quả của cơn đột quỵ từ trước đó. Được giới thiệu với một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp của Trung Quốc, Tanaka vô cùng xúc động thì thầm: “Chà... ồ... Cái này đẹp đấy... thật tuyệt” trước khi đột quỵ lần nữa với khuôn mặt đẫm nước mắt, và không thể tiếp tục phục hồi. Năm sau Tanaka qua đời, và cùng với cái chết của ông, kỷ nguyên của mối quan hệ thân thiện giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã kết thúc.

    Trong thập niên sau đó, định hướng chính sách đối ngoại chính thống của phe Tanaka đối với Trung Quốc trở nên bất khả thi về mặt chính trị. Trớ trêu thay, việc xoay trục sang chiến lược cân bằng quyền lực có chủ ý hơn mà giờ đây chúng ta liên kết với Shizon Abe lại thực sự bắt đầu dưới thời một trong những thủ lĩnh cuối cùng của phe Tanaka, Thủ tướng Hashimoto Ryūtarō giai đoạn 1996-1998. Chủ nghĩa dân tộc cứng rắn của Hashimoto đã được các nhà đàm phán Hoa Kỳ biết đến, những người từng gắn bó với Hashimoto với tư cách là Bộ trưởng Bộ Thương mại trong giai đoạn 1994–1995. Sau đó, với tư cách là thủ tướng, năm 1996, Hashimoto đã đồng ý mở rộng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sang "các khu vực xung quanh Nhật Bản" - một sự phát triển ngầm của hợp tác quốc phòng để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc đối với lĩnh vực hàng hải.

    Tuy nhiên, Hashimoto cũng đầu tư vào quan hệ với Trung Quốc song song với những động thái cân bằng quyền lực ban đầu này, đặc biệt là trước lễ kỷ niệm 20 năm mang tính biểu tượng của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Trung-Nhật 1978. Người kế nhiệm của Hashimoto, Obuchi Keizō (cũng thuộc phe Tanaka), đã tổ chức lễ kỷ niệm tại Tokyo vào tháng 11 năm 1998, cùng sự hiện diện của Giang Trạch Dân, với kỳ vọng rằng quan hệ Trung-Nhật sẽ tiến lên cùng với sự củng cố của liên minh Mỹ-Nhật. Nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ một cách khủng khiếp. Thay vì ăn mừng một tương lai mới cùng với Nhật Bản, Giang đã đến bữa tối cấp nhà nước lịch lãm trong trang phục áo khoác kiểu Mao và thuyết giảng cho Nhật hoàng Akihito đáng kính về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản, trước sự kinh hãi và bối rối của các chính trị gia Nhật Bản đang có mặt. Cử chỉ thô lỗ này không phải là ngẫu nhiên: Giang sẽ không nhận được nỗ lực nào của Nhật Bản để duy trì quan hệ hữu nghị đồng thời với việc Nhật Bản đang cố tình liên minh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản.

    Khi chính trị gia độc lập và phi chính thống nổi tiếng, Thủ tướng Koizumi Junichirō (2001-2006), nắm quyền lãnh đạo LDP từ phe Tanaka vào năm 2001, Koizumi có ý định xây dựng dựa trên chính sách an ninh chủ động của người tiền nhiệm với Hoa Kỳ trong khi tiếp tục nỗ lực củng cố sự hiểu biết với Bắc Kinh. Nhưng ông đã đổ thêm muối mới vào vết thương của Bắc Kinh bằng cách cam kết với Hiệp hội những người có người thân mất trong chiến tranh (Nippon Izokukai) rằng ông sẽ cầu nguyện tại Đền Yasukuni nếu được bầu làm thủ tướng – một hành động gây tranh cãi. Người Nhật với tất cả các sắc thái chính trị bày tỏ sự kính trọng đối với những người thân đã chết của họ đã mất trong cuộc chiến tại đền thờ Thần đạo lớn ở trung tâm thành phố Tokyo, nhưng buổi lễ thực tập bí mật năm 1978 dành cho tội phạm chiến tranh đã chứng tỏ sự độc hại về mặt chính trị đến nỗi chính Nhật hoàng cũng không thể tham gia cầu nguyện của mình tại ngôi đền này. Đối với Koizumi, đây là một vấn đề về tính toán chính trị hơn là ý thức hệ, vì Izokukai từ lâu đã ủng hộ Hashimoto, đối thủ chính của Koizumi trong nỗ lực nắm quyền lãnh đạo của ông. Để xoa dịu sự kiện này, trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc với tư cách là thủ tướng vào tháng 10 năm 2001, Koizumi đã dừng lại ở Cầu Marco Polo, nơi ông đưa ra lời xin lỗi chân thành và bày tỏ sự hối hận sâu sắc tại địa điểm mà Nhật Bản đã khởi xướng Chiến tranh Trung-Nhật vào năm 1937. Nhưng cử chỉ đó không phát huy chút tác dụng nào. Koizumi đã đến thăm ngôi đền vào tháng 8 năm 2001, và Bắc Kinh yêu cầu một cam kết rằng ông sẽ không đến thăm thêm một lần nữa. Koizumi từ chối tuân theo trước áp lực của Trung Quốc. Các vấn đề ý thức hệ cũ đan xen với sự cạnh tranh địa chính trị mới trong một bế tắc mà hai nước chưa bao giờ giải quyết được trong nhiệm kỳ của ông.

    Sau này, Koizumi nói với tôi rằng ông đã thực hiện các chuyến thăm tiếp theo của mình tới Yasukuni - đặc biệt là chuyến thăm cuối cùng của ông vào ngày 15 tháng 8 năm 2006 - chính xác để chứng minh rằng Trung Quốc sẽ không còn được phép chi phối các chính sách đối ngoại hoặc đối nội của Nhật Bản và dọn đường cho những người kế nhiệm ông không cần phải cảm thấy họ phải đến thăm Yasukuni để làm rõ điều đó một lần nữa. Cuộc đấu tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc không chỉ trên bình diện lịch sử, mà còn về vị thế và uy tín. Và sự gia tăng đều đặn áp lực quân sự của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã kết hợp với những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Nhật Bản tiếp theo nhằm khôi phục một số biện pháp ổn định nếu không muốn nói là thân thiện với quan hệ Trung-Nhật.

    ÁP LỰC KHÔNG NGHỪNG NGHỈ TRÊN BIỂN ĐÔNG

    Trong những thập kỷ tiếp theo, một khuôn mẫu đã trở nên quá quen thuộc với Tokyo khi các nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp cùng hành động để cải thiện mối quan hệ với những người đồng cấp của họ ở Bắc Kinh, chỉ để các nguyên tắc hợp tác hoặc giải trừ quận bị đầy mơ hồ mà họ đang đàm phán đã bị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phớt lờ. Ví dụ, vào năm 2001, hai bộ ngoại giao Trung-Nhật đã đồng ý thăm dò sự phát triển chung quanh quần đảo Senkaku và thông báo trước về bất kỳ hoạt động thăm dò đơn phương nào cho phía bên kia. Không có kế hoạch cụ thể nào cho sự phát triển chung từng được phát triển, và đến năm 2003, các giàn khoan của Trung Quốc được phát hiện đang khoan ở Máng Tây Hồ vi phạm thỏa thuận. Người kế nhiệm Abe vào năm 2007, Fukuda Yasuo, có quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và tự hào về cách tiếp cận ôn hòa hơn của ông đối với Trung Quốc. Trong một tuyên bố đưa ra vào tháng 5 năm 2008, Fukuda và Hồ Cẩm Đào đã đồng ý nối lại các nỗ lực phát triển chung và biến Biển Hoa Đông trở thành “Biển của Hòa bình, Hợp tác và Hữu nghị” - nhưng nỗ lực đó cũng không khả quan hơn. Đến năm 2015, chính phủ Nhật Bản đã xác định được mười sáu cấu trúc mà Trung Quốc đã xây dựng để khai thác tài nguyên đơn phương ở được cho là “Vùng biển của Hòa bình” (xem bản đồ 2.1).

    Khi Đảng Dân chủ đối lập của Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền vào năm 2009 dưới biểu ngữ vận động tranh cử “Seiken kōtai” (“thay đổi chính phủ”), các cuộc thăm dò cho thấy liên minh của họ có nhiệm vụ phổ biến trừng phạt LDP vì đã quay trở lại tình trạng cũ. những cách thức tham nhũng trong thập niên kể từ khi Koizumi cải cách, nhưng không có nhiệm vụ thay đổi căn bản chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, vị lãnh tụ đảng DPJ, Thủ tướng Hatoyama Yukio (2009-2010) nhậm chức với mong muốn thực hiện tầm nhìn của ông nội mình từ thập niên 1950 về việc sử dụng con bài Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ, hứa hẹn trong một cuộc họp báo ở New York vào tháng 9 năm 2009 để hình thành một “Cộng đồng Đông Á” với Trung Quốc để giúp Nhật Bản đứng vững trước Washington. Chính quyền Obama choáng váng - vốn không có ý chí xấu hay chương trình bảo hộ nào đối với Nhật Bản - đã đấu tranh để hiểu được tưởng tượng của Hatoyama. Ngay cả các chuyên gia Nhật Bản tại Bắc Kinh cũng cảnh giác. Như trong những nhà Nhật Bản học hàng đầu tại Bắc Kinh đã nói với tôi vào năm 2009, “DPJ là một chính phủ cánh tả, nhưng Nhật Bản là một quốc gia cực hữu, vì vậy các chính sách của Hatoyama sẽ không tồn tại lâu dài ”.

    Thử nghiệm của Hatoyama với việc nắm lấy Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ đã phản tác dụng rất tệ. Vào ngày 7 tháng Chín năm 2010, một thuyền hải cảnh của Trung Quốc đã cố tình va chạm với một xuồng ca-nô của Cảnh sát biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, và để đáp trả, chính phủ DPJ đã phá lệ bằng cách bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc để chuẩn bị xét xử theo luật pháp nội địa Nhật Bản. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội bằng các cuộc tẩy chay không thương tiếc đối với kim loại đất hiếm và bắt giữ các doanh nhân Nhật Bản tại Trung Quốc vì tội danh gián điệp. Tại Tokyo, những người theo chủ nghĩa xã hội trước đây trong DPJ đã đụng độ với nhiều thành viên diều hâu hơn của đảng như Bộ trưởng Ngoại giao Maehara Seiji khi chính phủ cố gắng đưa ra phản ứng chính thức. Cuối cùng, thuyền trưởng Trung Quốc đã được trả tự do vô điều kiện vào ngày 24 tháng 9. Cuộc khủng hoảng ngay lập tức đã được xoa dịu và các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào Senkakus đã trở lại mức trước khi xảy ra khủng hoảng.

    Chính phủ DPJ sau đó đã cố gắng làm mới lại quan hệ Trung-Nhật thông qua hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc đã được lên lịch trước đó vào tháng 5 năm 2012, trong đó ba nước đồng ý thành lập một ban thư ký ba bên mới ở Seoul (với cái tên chung đầy kỳ lạ là “Ban thư ký ba bên” vì không có chính phủ nào sẵn sàng để cho một trong hai chính phủ kia đứng tên trong tên gọi chính thức của văn phòng này). Thời gian hòa hoãn đó kết thúc vào tháng 9 năm 2012 khi chính phủ DPJ thứ ba trong nhiều năm dưới thời Thủ tướng Noda Yoshihiko điên cuồng thu xếp mua một trong những quần đảo Senkaku từ một chủ đất tư nhân Nhật Bản để ngăn chặn Thống đốc Tokyo, Ishihara Shintarō, theo chủ nghĩa dân tộc và chống Trung Quốc. mua hòn đảo và sử dụng nó để gây rắc rối với Bắc Kinh vì mục tiêu chính trị của riêng mình. Dù sao thì Noda cũng gặp rắc rối mà ông đang cố gắng tránh, khi Trung Quốc tăng mạnh nhịp độ hoạt động quân sự và bán quân sự xung quanh quần đảo một lần nữa để trừng phạt Nhật Bản - lần này là vĩnh viễn, như hình 2.1 chỉ ra.

    Đối với các nhà chiến lược ở Tokyo, những thăng trầm trong quan hệ với Bắc Kinh hiện có một đặc điểm ổn định và liên tục: Bắc Kinh đã bắt tay vào chiến dịch gây áp lực quân sự và bán quân sự không ngừng để làm suy yếu quan điểm của Nhật Bản rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku bằng cách thể hiện sự bất lực của Nhật Bản trong việc ngăn chặn Trung Quốc. các cuộc du hành. Tokyo đặc biệt nhạy cảm với chiến lược này vì Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher đã trả lời một cách vụng về câu hỏi của một nhà báo Nhật Bản vào năm 1997 về việc liệu Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật có bao trùm quần đảo Senkaku trong trường hợp xung đột xảy ra hay không, bằng cách thúc giục tất cả các bên “kiềm chế”. Lầu Năm Góc sau đó đã làm rõ rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nhật Bản xung quanh các đảo do Nhật Bản quản lý trên thực tế sẽ kích hoạt Điều V của hiệp ước an ninh (Bộ Ngoại giao khẳng định rằng điều này phản ánh sự công nhận quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản chứ không phải quyền lãnh thổ). Sự phân tích kỹ lưỡng về mặt ngoại giao và pháp lý đối với cam kết của Hoa Kỳ đã chứng tỏ mục tiêu gây áp lực của Trung Quốc trong quan điểm của các quan chức Nhật Bản. Các chính phủ kế nhiệm của Hoa Kỳ đã nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ theo hiệp ước an ninh cho đến tận cấp tổng thống. Tuy nhiên, mọi động thái của Trung Quốc nhằm mở rộng các hoạt động bán quân sự và quân sự trong và xung quanh quần đảo Senkaku kể từ năm 1997 ở Tokyo đều được coi là một phần trong chiến lược nhất quán của Trung Quốc là “thái lát salami” (hay “lột bắp cải” theo cách nói của người Trung Quốc), nhằm làm giảm tính chính danh trong sự kiểm soát hành chính của Nhật Bản và làm suy yếu cam kết an ninh của Hoa Kỳ. Các chuyên gia Nhật Bản bắt đầu sử dụng một cụm từ mới để mô tả chiến lược của Trung Quốc sẽ sớm lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ - cưỡng chế “vùng xám”.

    "GIỐNG NHƯ CON CỪU ĐANG TỰ XÉN BỘ LÔNG CỦA NÓ"

    Chính mô hình rõ ràng về sự bành trướng của Trung Quốc và sự bất ổn của DPJ đã giúp vực dậy vận mệnh chính trị của Abe trong LDP. Thủ tướng Abe trở lại nắm quyền đã nâng cao mức báo động về mối đe dọa an ninh của Trung Quốc và cam kết khôi phục liên minh Mỹ-Nhật. Tại Viện Brookings vào năm 2009, ông kêu gọi Nhật Bản “đầu tư nhiều hơn vào liên minh lâu đời của chúng ta, được ràng buộc bởi cùng một nhóm các giá trị chung, đặc biệt là khi nước láng giềng khổng lồ của chúng ta, Trung Quốc, đang trải qua một thời kỳ phát triển đầy biến đổi như vậy”. Tại Viện Hudson ở Washington năm 2010, ông cáo buộc Trung Quốc tham gia vào “không gian sinh tồn” [theo chủ thuyết của phát-xít Đức] và cảnh báo rằng mục tiêu của Trung Quốc là “Phần Lan hóa” Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông điệp kiểu Churchill của Abe đã gây được tiếng vang trong hàng ngũ bảo thủ của LDP, người đã đưa ông trở lại vị trí chủ tịch đảng và sau đó là chức thủ tướng trong chiến thắng vang dội của ông trước DPJ vào tháng 12 năm 2012.

    Khác xa so với hàng ngũ phản-chính thống của LDP, nơi ông từng hoạt động trong hai thập kỷ trước đó, Abe giờ đây đã ủng hộ quan điểm đồng thuận về Trung Quốc, thể hiện rõ ràng trong cả cuộc thăm dò dư luận và giới tinh hoa. Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2013 của ông đã không gây ra chỉ trích lớn trong nước khi tuyên bố dứt khoát rằng “Trung Quốc đã thực hiện các hành động có thể được coi là nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng cách ép buộc dựa trên những khẳng định của chính họ, không phù hợp với trật tự hiện tại của luật pháp quốc tế, trong các lĩnh vực hàng hải và trên không, bao gồm cả Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

    Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục với các hành động bành trướng dựa trên vũ lực đã chứng minh chính điểm đó. Vào ngày 30 tháng 1 năm 2013, một sĩ quan hải quân của Hải quân PLA đã khóa radar điều khiển hỏa lực trên tàu hải quân PLA của anh đang hướng về một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF). Vào ngày 23 tháng 11 năm đó, Bắc Kinh công bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, bao gồm một khu vực do Nhật Bản quản lý (và tuyên bố chủ quyền), đồng thời đe dọa sẽ đánh chặn và thực hiện các biện pháp phòng thủ cần thiết chống lại bất kỳ máy bay nào xâm nhập vào không gian. Tần suất hoạt động của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku vẫn ở mức cao hơn đáng kể đã được thiết lập vào năm trước, đồng thời các tàu ngầm và nhóm tác chiến mặt nước của PLA (các phi đội tàu khu trục và khinh hạm) cũng bắt đầu tập trận thường xuyên ở phía Thái Bình Dương thuộc quần đảo Nhật Bản. Vào ngày 26 tháng 10 năm 2018, Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cảnh báo rằng “Các hoạt động gần đây của Trung Quốc, bao gồm hiện đại hóa quân đội nhanh chóng và nâng cao năng lực tác chiến, sự leo thang đơn phương của các hành động ở các khu vực xung quanh Nhật Bản và với sự thiếu minh bạch trong xây dựng quân đội, thể hiện mối quan tâm an ninh mạnh mẽ đối với khu vực bao gồm Nhật Bản và cộng đồng quốc tế". Sách Trắng đã ghi lại những lần tàu chiến của Trung Quốc bị lộ khi đi vòng quanh lãnh hải Nhật Bản và các cuộc xâm nhập thường xuyên trong vùng tiếp giáp quanh quần đảo Senkaku, bao gồm các cuộc tập trận quân sự trên Biển Hoa Đông và các đảo trên Thái Bình Dương thuộc Nhật Bản, phát hiện tàu khu trục nhỏ lớp Jiangkai II ở vùng tiếp giáp quần đảo Senkaku. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa tin rằng máy bay quân sự của Trung Quốc bay qua eo biển nằm giữa Đảo Okinawa và Miyako đã gia tăng từ năm lần trong năm 2016 lên mười tám lần trong năm 2017. Ngay cả khi cả hai chính phủ đều nỗ lực làm tan băng căng thẳng trong năm 2018 để chờ đợi chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Nhật Bản vào dịp kỷ niệm 40 năm hiệp ước song phương 1978, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) đã phải điều động các máy bay chiến đấu 638 lần để đáp trả đến các cuộc xâm lăng của Lực lượng Không quân PLA — cao hơn nhiều so với chỉ một năm trước đó. Vào tháng 7 năm 2020, Cảnh sát biển Nhật Bản báo cáo rằng các tàu tuần tra của Trung Quốc đã di chuyển trong vùng tiếp giáp 24 hải lý của quần đảo Senkaku trong một trăm ngày liên tục, con số lớn nhất kể từ ít nhất là năm 2012.

    Vào cuối Chiến tranh Lạnh, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã gấp đôi quy mô của Trung Quốc. Bất chấp sự gia tăng hàng năm dưới thời Abe, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản chỉ bằng 1/5 so với quy mô của Trung Quốc khi ông rời nhiệm sở vào năm 2020 - một thực tế là PLA và Cảnh sát biển Trung Quốc rất mong muốn chứng tỏ với Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Phòng vệ bờ biển ngày càng căng thẳng của Nhật Bản. Điều đáng báo động là việc Trung Quốc mở rộng hàng hải và sử dụng sức ép quân sự chống lại Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á đến mức các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản bắt đầu công khai dự đoán rằng Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công - một chủ đề tuyệt đối cấm kỵ trong nhiều thập kỷ bất chấp tình cảm nồng nhiệt của người Nhật dành cho Đài Loan. Sách Trắng Quốc phòng năm 2021 tuyên bố rằng “ổn định tình hình xung quanh Đài Loan là quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế” trong khi Phó Thủ tướng Aso và các cựu quan chức quốc phòng cấp cao ở Tokyo lần đầu tiên bắt đầu giải thích rằng Nhật Bản có thể sẽ giúp đỡ một trường hợp dự phòng của Đài Loan vì mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của chính Nhật Bản trong Chuỗi đảo thứ nhất — và các cuộc thăm dò vào năm 2021 cho thấy 74% công chúng đã đồng ý.

    Không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã có những bước đi sai lầm về mặt chiến thuật khi môi trường an ninh ngày càng xấu đi. Sự bế tắc của Koizumi với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào bởi các chuyến thăm tới đền Yasukuni đã đóng băng các mối quan hệ ngoại giao cấp lãnh đạo trong nhiều năm. Sau đó, DPJ đưa ra thông điệp chiến lược tới Trung Quốc với vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu Trung Quốc năm 2010 và việc mua đảo Senkaku vào năm 2012 từ một chủ đất tư nhân. Tuy nhiên, bất chấp những bước đi sai lầm này, ý định lớn hơn của Trung Quốc là không thể nhầm lẫn - và đặc biệt đe dọa đối với một cường quốc hàng hải như Nhật Bản. Như cựu đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ Katō Ryōzō đã nói, các động thái của Trung Quốc nhằm rời khỏi quần đảo Nhật Bản “giống như là con cừu đang tự cắt bộ lông của mình”.

    THỬ THÁCH NGOẠI GIAO

    Mối đe dọa quân sự của Trung Quốc không chỉ khiến người Nhật bất an toàn mà còn thấy vị trí và uy tín của Nhật Bản tại châu Á bị ảnh hưởng. Sau nhiều thập kỷ “đồng sàng dị mộng” giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hai chính phủ của hai quốc gia này đã phát hiện ra những giả thiết không tương đồng của họ về hệ thống phân cấp tự nhiên tại châu Á khi ngoại trưởng Nhật Bản Kōno Yōhei cảnh báo rằng các vụ thử hạt nhân Lop Nur năm 1994 có nguy cơ khiến Nhật Bản cung cấp đồng yên rộng rãi. các khoản vay, mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được cho là đã trả lời rằng Nhật Bản chỉ trả các khoản bồi thường do những vi phạm trong quá khứ chống lại Trung Quốc. Cuộc trao đổi đó đã tiết lộ cho nhiều nhà quan sát ở Tokyo thấy những gì mà Trung Quốc ép buộc và tuyên truyền sau đó chỉ giúp xác nhận rằng chiến lược của Bắc Kinh được thiết kế để đặt Nhật Bản trở lại trong một vùng ảnh hưởng nhỏ hơn, để chứng minh rằng Nhật Bản và Trung Quốc thực tế không phải là hai cường quốc ngang bằng nhau, và Trung Quốc có quyền hợp pháp, đầy đủ sức mạnh quân sự và quyền lãnh đạo khu vực, trong khi Nhật Bản có nghĩa vụ lịch sử, đồng thời vẫn chỉ là cường quốc một phần và không hoàn chỉnh.

    Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các điểm tham chiếu để xác định tương lai của sự lãnh đạo tại châu Á là hội nghị thượng đỉnh tại Potsdam và Yalta năm 1945, nơi "Bộ Tứ" (Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Trung Quốc) đồng ý sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản, cùng cách tiếp cận mang tính trừng phạt hơn đối với Nhật Bản thời hậu chiến (mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có mặt tại các cuộc họp thực tế và đất nước này được lãnh đạo bởi kẻ thù của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tưởng Giới Thạch vào thời điểm đó). Đối với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, điểm tham chiếu để xác định tương lai của trật tự khu vực là hội nghị San Francisco năm 1951, trong đó Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác đã nhất trí về một giải pháp hòa bình không phi hạt nhân với Nhật Bản và Hoa Kỳ ký các hiệp ước an ninh song phương với Nhật Bản, Philippines. và Australia/New Zealand, nền tảng cho chiến lược của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực cho đến ngày nay. Nhật Bản rõ ràng không có tên trong các cuộc họp Yalta và Potsdam thời chiến, cũng như Trung Quốc không được đưa vào các cuộc đàm phán ở San Francisco, diễn ra chỉ hai năm sau chiến thắng của những người cộng sản tại Trung Quốc và vào đỉnh điểm của Chiến tranh Triều Tiên. Các tài liệu báo chí và học thuật của Nhật Bản và Trung Quốc về sự dàn xếp sau chiến tranh là hoàn toàn khác biệt nhau - một thực tế ít được chú ý cho đến khi hậu Chiến tranh Lạnh xuất hiện những tham vọng của Trung Quốc và sự bất an của Nhật Bản. Thật vậy, các tuyên bố xung đột của Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư theo cách gọi của Bắc Kinh) khác nhau rõ rệt do cách giải thích của mỗi quốc gia về các cam kết mơ hồ và mâu thuẫn của Hoa Kỳ đưa ra liên quan đến quần đảo tại hội nghị thượng đỉnh Potsdam và sau đó là đàm phán hiệp ước hòa bình San Francisco. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ thường không hiểu các quyết định hoặc tuyên bố của Hoa Kỳ đã đóng vai trò như thế nào đối với một trong những câu chuyện này về cơ sở hợp pháp cho trật tự sau chiến tranh tại châu Á và Thái Bình Dương.

    CÁC CON ĐƯỜNG CẠNH TRANH ĐẾN CÁC DIỄN ĐÀN KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU

    Với sự gia tăng cạnh tranh ngoại giao song phương về các vấn đề cốt lõi về chủ quyền và tính chính đáng của quốc gia, hợp tác Trung-Nhật đang phát triển về hội nhập kinh tế khu vực rộng lớn hơn cũng trở thành nạn nhân. Dấu ấn quan trọng của sự hợp tác đó có thể là Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997– 1998, khi Bộ Tài chính Nhật Bản tập hợp các nền kinh tế châu Á để giảm bớt áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Mỹ (IMF) đối với những cải cách cơ cấu đầy đau đớn TẠI Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc, trong khi Bắc Kinh đồng ý không phá giá đồng Nhân dân tệ, cứu các nền kinh tế tương tự khỏi tác hại của việc phá giá cạnh tranh trong toàn khu vực. Sự bất hòa của khu vực với Washington đã thúc đẩy sự quan tâm đến việc hình thành một thỏa thuận tài chính Đông Á có thể tham gia cung cấp các quỹ bình ổn — chủ yếu thông qua hoán đổi nợ — trước khi các nền kinh tế khu vực buộc phải chấp nhận các điều kiện cần thiết do các quỹ của IMF áp đặt. Thỏa thuận đó đã được Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và mười quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoàn thành vào tháng 5 năm 2000 và được đặt tên là Sáng kiến Chiang Mai (CMI) theo tên thành phố phía Bắc Thái Lan, nơi các phái đoàn của Bộ Tài chính đã nhóm họp.

    Tuy nhiên, mặc dù cam kết thực hiện các giao dịch hoán đổi nợ ở nhiều điểm khác nhau, Sáng kiến Chiang Mai đã không thể phát triển thành giải pháp thay thế IMF cho khu vực này. Một lý do là các nước cho vay hàng đầu - đặc biệt là Nhật Bản - đã cảnh giác với việc chấp nhận rủi ro đạo đức khi cho vay mà không có sự hậu thuẫn về chính trị và tài chính của IMF và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Mặc dù nhà dân tộc chủ nghĩa kinh tế tiêu biểu Sakakibara Eisuke đã cố gắng thành lập “Quỹ tiền tệ châu Á” để thách thức Hoa Kỳ khi đang là Thứ trưởng của Bộ Tài chính Nhật Bản vào năm 1997–1998, những người kế nhiệm của ông đã từ bỏ tầm nhìn gần như tự trị và cực kỳ cẩn thận để điều phối CMI mới và phù hợp với thực tiễn của nó với IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn dẫn đến sự thất bại của CMI là bóng tối ngày càng tăng của đối thủ ngoại giao Trung-Nhật, điều này đã trở nên rõ ràng khi các quốc gia thành viên đấu tranh để thống nhất về quyền biểu quyết trong tổ chức mới. Sau một thập kỷ tranh cãi, hai Bộ Tài chính Trung-Nhật đã đồng ý vào tháng 5 năm 2009 rằng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ có thể tuyên bố vị thế “bình đẳng” bằng cách giữ tỷ lệ biểu quyết của Trung Quốc thấp hơn của Nhật Bản, nhưng sẽ ngang bằng với Nhật Bản khi bao gồm cả Hồng Kông. Kể từ đó, CMIM mới được đổi tên (Sáng kiến đa phương hóa Chiang Mai) chưa bao giờ được kích hoạt hoàn toàn trong một cuộc khủng hoảng tài chính.

    Căng thẳng ngoại giao Nhật - Trung lan sang các diễn đàn đa phương khác. Tại Liên hợp quốc, Nhật Bản đã thành công trong việc tổ chức nỗ lực “G-4” vào năm 2004 cùng với Ấn Độ, Brazil và Đức nhằm thúc đẩy cải cách và mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) để coi bốn thành viên đó là những thành viên thường trực mới. Sau đó, Bắc Kinh đã tập hợp đối thủ vốn là các quốc gia láng giềng của G-4 — gồm các quốc gia như Pakistan, Argentina, Ý và Hàn Quốc — thành một “câu lạc bộ cà phê” được đặt tên không chính thức để ngăn chặn việc cải tổ UNSC. Bộ ngoại giao Nhật Bản đặc biệt ngạc nhiên về mức độ hiệu quả của Trung Quốc trong việc làm loãng sự hỗ trợ của Đông Nam Á đối với Nhật Bản và việc Hàn Quốc bắt kịp nỗ lực của Trung Quốc nhanh như thế nào. Đối với các quan chức Nhật Bản, những người coi hệ thống LHQ là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản và một ghế trong Hội đồng Bảo an là minh chứng cuối cùng cho sự phục hồi của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai (LHQ được thành lập ban đầu để chống lại Nhật Bản và các nước phe Trục), đây thực sự là liều thuốc đắng.

    Nhật Bản và Trung Quốc cũng xung đột về việc hình thành Cộng đồng Đông Á mới, do một nhóm các nhà kỹ trị tinh hoa trong khu vực (Nhóm Tầm nhìn Đông Á) phác thảo nên sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997–1998 và được xây dựng xung quanh cùng các quốc gia thành viên đã hình thành CMI như là khuôn khổ danh nghĩa để hội nhập khu vực và xây dựng ảnh hưởng đối với Bắc Mỹ và châu Âu. Cùng thời điểm mà các nhà ngoại giao Nhật Bản đấu tranh với những người thân cận của Trung Quốc về cải cách UNSC, họ bắt đầu nhận được tin từ những người đồng cấp trong ASEAN rằng Bắc Kinh đang giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh Đông Á mới do Nhóm Tầm nhìn đề xuất. Các quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên có tư tưởng độc lập hơn đã bị báo động vào cuối năm 2004 khi Campuchia và Lào đóng vai trò như những người ủy thác để đưa ra đề xuất của Trung Quốc rằng hội nghị thượng đỉnh mới của các nhà lãnh đạo khu vực sẽ được tổ chức trước ở Kuala Lumpur nhưng sau đó tại Trung Quốc - với việc Bắc Kinh xác định chương trình nghị sự.

    Các quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nhìn chung vẫn lạc quan về khả năng làm việc với Trung Quốc trong bối cảnh châu Á hơn so với các đối tác thuộc Bộ Ngoại giao của các quốc gia khác, nhưng họ nhanh chóng lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về thương mại tự do - hiệp định thương mại bao gồm mười quốc gia ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ban đầu được dự định thúc đẩy hội nhập khu vực và tạo đòn bẩy đàm phán lớn hơn đối với các khu vực khác trên thế giới, khái niệm thương mại “ASEAN + 3” đã biến thành một chiến lược để định hình và hội nhập Trung Quốc. Như một quan chức cấp cao của METI đã nói với tôi vào năm 2004, Nhật Bản sẽ sử dụng các cuộc đàm phán thương mại để “xây dựng một cái lồng xung quanh Trung Quốc”. Một năm sau, chính quan chức này cũng thú nhận rằng cái lồng không đủ lớn và Nhật Bản đang thúc đẩy bao gồm các nền dân chủ cùng chí hướng là Ấn Độ, Australia và New Zealand để tăng thêm sức mạnh so với Trung Quốc trong khu vực cuối cùng trở thành Khu vực Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP).

    Ngoại giao đa phương vẫn là một phần quan trọng trong vở kịch ngoại giao của Nhật Bản và sẽ được chú ý nhiều hơn trong chương 4. Không có gì quay lưng lại với các thể chế này đối với một quốc gia đã bắt đầu con đường thảm khốc dẫn đến chiến tranh thế giới khi bước ra khỏi Hội Quốc Liên năm 1933. Nhưng Trong hai thập kỷ qua, sự cạnh tranh Trung-Nhật đã khiến nhiều nhà tư tưởng chiến lược Nhật Bản suy nghĩ về hiệu quả của việc xây dựng thể chế đa phương tại châu Á. Các quan chức ngoại giao và thương mại và tài chính Nhật Bản đã tích cực tham gia vào các cuộc họp đa phương lấy ASEAN làm trung tâm, vốn nổi bật trong các mối ưu tiên tại Đông Á, nhưng giờ họ làm như vậy để ngăn chặn việc Trung Quốc thường xuyên thúc đẩy sự hội nhập trong khu vực này.

    Khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khảo sát giới tinh hoa tham gia hoạch định chính sách đối ngoại của Nhật Bản về việc xây dựng thể chế khu vực vào năm 2008, người ta vẫn thấy nhiệt tình, với 81% cho rằng việc xây dựng cộng đồng Đông Á là quan trọng đối với Nhật Bản. Đến năm 2014, cuộc khảo sát tương tự cho thấy 62% bi quan về triển vọng xây dựng cộng đồng trong khu vực, trong đó Nhật Bản đưa ra câu trả trả lời là tiêu cực nhất trong số mười quốc gia khu vực được khảo sát. Khi được hỏi tại sao họ lại bi quan, câu trả lời hàng đầu được đưa ra là "tính không chắc chắn đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc."

    2-

    ABE KHÔN NGOAN HƠN TẬP

    Với việc Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012, sự cạnh tranh ngoại giao Trung-Nhật đã bộc lộ rõ. Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc làm giảm tính chính danh của sự lãnh đạo Nhật Bản và đặc biệt là của Abe bằng cách khơi dậy những ngày vinh quang của sự liên kết toàn cầu chống lại quân phiệt Nhật Bản, đã đạt đến đỉnh cao vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014 khi các nhà ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới được hướng dẫn viết các bài bình luận chính trị nhằm cáo buộc Abe là kẻ theo chủ nghĩa xét lại.. Bài báo ngớ ngẩn nhất được viết bởi đại sứ Trung Quốc tại London cho Telegraph vào tháng Giêng năm đó, trong đó ông nhắc nhở độc giả Anh rằng Trung Quốc đã đứng về phía Anh trongChiến tranh thế giới thứ Hai và sau đó so sánh Abe với Chúa tể ác quỷ Voldemort trong Harry Potter.

    Abe không cúi đầu trước áp lực của Trung Quốc, nhưng cũng không từ bỏ mục tiêu cuối cùng là ổn định quan hệ với Bắc Kinh. Giống như người ông nội của mình, cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, Abe coi quan hệ kinh tế hiệu quả với Trung Quốc là một trụ cột quan trọng trong chính sách kinh tế và đối ngoại tổng thể của Nhật Bản ngay cả khi ông tìm cách ngăn cản sự ép buộc của Trung Quốc và cạnh tranh với Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại châu Á. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên không thành công vào năm 2006–2007, ông đã chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của mình tới Trung Quốc với bài phát biểu tái khẳng định trách nhiệm của Nhật Bản đối với Chiến tranh thế giới thứ Hai dựa trên các tuyên bố chính thức của vị thủ tướng tiền nhiệm vào ngày 15 tháng 8 năm 1995 và 2005 và thừa nhận rằng sự cai trị trong quá khứ và "cuộc xâm lược" của Nhật Bản đã mang lại nỗi đau khổ cho châu Á. Bài phát biểu đã khiến các đồng minh cánh hữu của ông tức giận, vì chỉ vài tháng trước đó, ông đã đặt câu hỏi liệu cuộc chiến của Nhật Bản với Trung Quốc có đủ tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật như là cuộc “xâm lược” hay không.

    Yachi Shōtarō, người là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Abe vào thời điểm đó và sau đó trở thành cố vấn an ninh quốc gia vào năm 2013, đã giải thích rằng ngay từ đầu khi trở lại nhiệm kỳ, Abe đã lên kế hoạch để cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc sau khi lần đầu tiên chứng minh với Bắc Kinh rằng ông sẽ không bị đe dọa. Trong chiến dịch tuyên truyền trên toàn thế giới của Bắc Kinh nhằm cô lập Abe, ông đã khuyến khích cựu thủ tướng Fukuda đến Bắc Kinh vì “sứ mệnh ngoại giao cá nhân” để giữ cho cuộc đối thoại chính trị cởi mở và tạo cơ sở cho việc ổn định quan hệ cuối cùng (các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nói với tôi tầm quan trọng của việc kết nối của Fukuda trong thời kỳ đối đầu đó). Bản thân Abe tập trung vào việc vượt qua áp lực của Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với Washington, Canberra và Delhi cũng như trên khắp Đông Nam Á, châu Âu và Trung Đông (sự kết hợp giữa cân bằng bên ngoài và cạnh tranh lý tưởng sẽ được đề cập trong các chương tiếp theo). Trong năm đầu tiên nắm quyền, Abe đã tổ chức nhiều cuộc họp thượng đỉnh hơn hầu hết các thủ tướng thời hậu chiến được tổ chức trong toàn bộ nhiệm kỳ của họ. Đến năm 2014, các cuộc thăm dò trong khu vực cho thấy ông nói chung được tín nhiệm gấp đôi so với Tập Cận Bình, với tỷ lệ cao hơn tại Washington, Delhi và Canberra. Trong khi đó, chiến thắng thuyết phục của Abe trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật bản vào tháng 7 năm 2013 đã chứng minh cho Bắc Kinh thấy rằng ông sẽ không từ bỏ quyền lực nhanh chóng như sáu vị thủ tướng tiền nhiệm trước đó của ông. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã thông báo với tôi trong các cuộc họp ở Tokyo vào tuần sau cuộc bầu cử năm 2013 rằng họ đột nhiên nhận được nhiều yêu cầu từ các quan chức cấp cao của Đảng Cộng đồng Trung Quốc (ĐCSTQ), những người trước đây đã từ chối các cuộc vượt lên để giành ảnh hưởng của Nhật Bản.

    Với việc Abe đứng vững sau một năm chịu áp lực của Trung Quốc, Tập đã đồng ý tổ chức một cuộc gặp song phương vào tháng 11 năm 2014, từ bỏ điều kiện tiên quyết trước đó rằng Abe thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku và thủ tướng Nhật Bản cam kết không đến thăm Yasukuni. Trong bức ảnh hội nghị thượng đỉnh đầy khó xử của họ, hai nhà lãnh đạo trông giống như họ đang "rình mònhau", theo lời của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Richard Armitage. Trong tuyên bố chung 4 điểm ngắn gọn của hai nhà lãnh đạo, Abe thừa nhận "quan điểm khác nhau" về căng thẳng trên Biển Hoa Đông mà không nhượng bộ Bắc Kinh vốn đang khăng khăng rằng đang tồn tại một cuộc tranh chấp lãnh thổ thực sự. Cũng không có bất kỳ cam kết nào đối với Yasukuni, mặc dù Abe đã không đến thăm ngôi đền ngoài chuyến thăm đầu tiên và duy nhất của ông với tư cách là thủ tướng vào tháng 12.

    Sau khi đánh bại chiến dịch cô lập Nhật Bản về mặt ngoại giao của Trung Quốc, Abe giờ đây cần ổn định quan hệ với Trung Quốc để duy trì sự đoàn kết trong liên minh cầm quyền của mình — và thực hiện cam kết khôi phục tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

    THÁCH THỨC KINH TẾ

    Sự mở cửa của Nhật Bản đối với Trung Quốc vào thập niên 1970 lúc đầu mang tính chiến lược, với thỏa thuận cho vay bằng đồng yên vào năm 1978 được thiết kế chủ yếu để củng cố tình hữu nghị và củng cố một đất nước Trung Quốc đầy yếu ớt và dễ bị tổn thương so với Liên Xô. Tuy nhiên, đến năm 2005, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã đạt gần 30 tỷ USD và Trung Quốc đã trở nên tích hợp trong chuỗi cung ứng đối với các nhà sản xuất Nhật Bản và người tiêu dùng Trung Quốc, đến mức quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của người tiêu dùng Nhật Bản đến mức lợi ích kinh tế tại Trung Quốc hiện ngang bằng với địa chính trị. Nông dân Nhật Bản đã kiếm được nhiều tiền từ việc xuất khẩu rượu sake, dâu tây và dưa leo của họ cho tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc, vào năm 2005, số lượng này được ước tính là lớn hơn toàn bộ dân số Nhật Bản, trong khi các nhà sản xuất như Toyota dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở thị trường Trung Quốc trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, đây chính xác là thời kỳ mà quan hệ chính trị Trung-Nhật đang đi xuống theo chiều hướng xoắn ốc. Căng thẳng có thể nhìn thấy được với tất cả mọi người, chấm dứt khi chiếc xe của phó trưởng phái đoàn Nhật Bản bị tấn công bởi các cổ động viên bóng đá Trung Quốc đầy quá khí tại trận đấu đóng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong Asian Cup 2004 tại Bắc Kinh vào ngày 7 tháng 8. Với lý do bất ổn chính trị cũng như chi phí lao động Trung Quốc tăng cao và không chắc chắn về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc, các công ty Nhật Bản bắt đầu thực hiện chiến lược được gọi là “Trung Quốc + 1” nhằm đa dạng hóa rủi ro khỏi thị trường Trung Quốc cũng như quá trình sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc. Những người hưởng lợi chính như “là kẻ được cộng thêm” là Ấn Độ và Đông Nam Á (cụ thể là Việt Nam), những quốc gia sau này đã giúp chính quyền Abe tiếp cận ngoại giao để đối phó với chiến lược cô lập Nhật Bản của Trung Quốc trong khu vực.

    Với một thị trường đang phát triển rộng lớn nhưng những khó khăn ngày càng gia tăng từ rủi ro chính trị, chi phí lao động và hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2012. Hiện rõ ràng là trong các tranh chấp Senkaku mà Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng. sử dụng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế để trừng phạt hoạt động kinh doanh của Nhật Bản trong thời kỳ đối đầu địa chính trị. Ngành công nghiệp Nhật Bản đã hy vọng trong nhiều thập kỷ để bảo tồn seikei bunri — một bức tường an toàn giữa các vấn đề kinh doanh và chính trị trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh rõ ràng không còn sẵn sàng tôn trọng sự hiểu ngầm vốn đã có từ năm 1978.

    Tuy nhiên, mức độ FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn ở mức cao, như hình 2.2 chỉ ra. Trong các cuộc khảo sát về niềm tin kinh doanh, các nhà sản xuất ô tô nói riêng đã bày tỏ sự lạc quan về thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, thành công của Abe trong việc tăng gấp ba lần lĩnh vực du lịch của nền kinh tế Nhật Bản kể từ khi ông lên nắm quyền. Để chuẩn bị cho cuốn sách này, tôi đã làm việc chung một nhóm các nhà sử học hàng đầu Nhật Bản và Hoa Kỳ, cùng các chuyên gia chính sách đối ngoại tại một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở Hakone, Nhật Bản, để suy nghĩ về tương lai của cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Khi chúng tôi hỏi người quản lý của khu nghỉ mát về nhu cầu kinh doanh, ông trả lời rằng họ đang làm rất tốt - nhờ tất cả các khách du lịch Trung Quốc - chúng tôi có thể thấy các vị khách du lịch tận hưởng suối nước nóng và khu vườn khi chúng tôi tranh luận về cạnh tranh chiến lược tại châu Á trong phòng hội nghị của khu nghỉ mát. Việc Abe chậm đóng cửa Nhật Bản với du khách Trung Quốc khi COVID19 bùng phát tại Vũ Hán vào năm 2020 cũng phản ánh những lo ngại về thiệt hại đối với ngành du lịch Nhật Bản. Thực tế trớ trêu là Abe lên nắm quyền để cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng sự nghiệp chính trị của ông được kéo dài nhờ tăng trưởng kinh tế khá và lợi nhuận tốt trên chỉ số chứng khoán.

    Không có nhận xét nào