Header Ads

  • Breaking News

    Phan Quang Trọng - Tương lai mối Quan hệ HOA KỲ và Khối ASEAN



    Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ĐNÁ), còn có tên gọi là khối ASEAN, là một liên minh kinh tế và chính trị gồm 10 quốc gia thành viên trong đó có VN. Mục tiêu chính của ASEAN là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thông qua đó đưa đến tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa. Mục tiêu thứ hai là thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực dựa trên pháp quyền và theo nguyên tắc đề ra trong hiến chương Liên hợp quốc.

    Trong thế cạnh tranh Mỹ-Trung, vị trí chiến lược của các quốc gia trong khối ASEAN nối liền hai đại dương, cộng với khả năng kinh tế của khối đứng hàng thứ năm trên thế giới là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Hội nghị đặc biệt giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trong khối ASEAN dự định trong tháng 3, nhưng đã được dời vào phút chót đến ngày 12 – 13 tháng 5, năm nay. Trong bối cảnh cạnh tranh trên mọi mặt giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng và quan điểm của Hoa Kỳ trước cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, hội nghị này càng trở nên quan trọng.

    Hoa Kỳ đang cố gắng đạt được những mục đích gì trong mối quan hệ chiến lược với các quốc gia trong khối ASEAN?

    Có thể nói cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đậm nét nhất tại khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Biển Đông. Nhìn về kinh nghiệm lịch sử, các quốc gia trong khối ASEAN hiểu rõ Trung Cộng và cả Hoa Kỳ, tuy nhiên cả 10 nước trong khối ASEAN đều cố giữ mối liên hệ tích cực với cả hai đại cường. Thủ Tướng Tân Gia Ba, Lý Hiển Long, đã từng nói câu “ĐNÁ không muốn chỉ chọn một trong hai” có thể nói câu nói đó là chủ trương chung của cả khối ASEAN trước cuộc cạnh tranh phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tại đây.

    Nhìn về kinh tế, tỉ số ngoại thương của Trung Cộng với khối ASEAN đã gấp đôi Hoa Kỳ lên đến $685 tỉ Mỹ Kim năm 2020. Biết được mình đang đi sau Trung Cộng trong bài toán kinh tế tại ĐNÁ, hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN là cơ hội cho Hoa Kỳ chứng tỏ sẽ đẩy mạnh hơn đầu tư kinh tế vào khu vực chứ không chỉ trong lãnh vực an ninh quốc phòng và ngoại giao. ĐNÁ đang bị ảnh hưởng dây chuyền do việc các nước phương Tây cấm vận Nga trong khi Trung Cộng đang loay hoay bế quan trước làn sóng đại dịch Covid-19 mới, việc Hoa Kỳ mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực cũng giúp giảm bớt hậu quả tai hại của chuỗi cung ứng đang đứng trước vô vàn khó khăn tại ĐNÁ.

    Gần hai thập niên qua Hoa Kỳ đã gần như đứng ngoài để Trung Cộng thao túng thị trường quan trọng này, qua RCEP, Trung cộng ngày càng gắn kết chặt chẽ về kinh tế với khối ASEAN và ngay cả các quốc gia quan trọng tại Á Châu là Nhật và Nam Hàn. Nếu Trung cộng thương thuyết thành công gia nhập CPTPP, họ sẽ có cơ hội thao túng toàn khu vực. Trong khi Hoa Kỳ không phải là thành viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn để ngăn chặn họ. Qua “chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” được tòa bạch ốc ban hành vào tháng 2 năm 2022, chính quyền Biden biết rõ Hoa Kỳ chỉ có thể thành công tại khu vực nếu tạo được sân chơi thu hút được tất cả đối tác và đồng minh sẵn sàng đóng góp để đứng chung, đứng trong chiến lược được Hoa Kỳ đưa ra cho cả khu vực Ấn – Á, một môi trường mở, gắn kết, an ninh, và phú cường. Việc ban hành chiến lược này vào tháng 2 năm nay trước khi Nga xâm lăng Ukraine và hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ và ASEAN, Hoa Kỳ gửi thông điệp là họ sẽ tập trung vào chiến lược này mà không để bị cuộc chiến Nga-Ukraine giành mất ảnh hưởng và sự chú ý dành cho khu vực ĐNÁ. Chúng ta hãy chờ xem cách vận hành và thành quả của cái gọi là mô hình kinh tế cho khu vực Ấn độ – Thái bình dương (Indo-Pacific economic framework – IPEF).

    Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khối ASEAN diễn ra trong bối cảnh khá phức tạp trên thế giới. Kim Nhung xin điểm qua một vài sự kiện, như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng như Anh vừa nêu ra, chúng ta cũng thấy một vài biến động nhỏ tại Biển Đông, rồi Bắc Hàn thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa bất chấp dư luận và đại dịch, và khủng hoảng chính trị tại Miến Điện. Bên cạnh đó là chính sách can thiệp của Trung Cộng và Nga vào ASEAN, chính Vladimir Putin và Tập Cẩn Bình đã từng gặp các lãnh tụ của ASEAN vào tháng 10 và 11, năm 2021. Bộ trưởng ngoại giao Trung Cộng, ông Vương Nghị, gặp gỡ ít nhất 4 ngoại trưởng ASEAN trong tháng 3. Như vậy, sự cạnh tranh ảnh hưởng của hai đại cường với khu vực quá rõ ràng.

    Ngược lại các nước ASEAN mong muốn gì từ Hoa Kỳ?

    Mặc dù cả Hoa Kỳ và Trung cộng cam kết hợp tác kinh tế ngày càng mở rộng với họ, các nước ASEAN cũng đang phải đối đầu với nhiều khó khăn trong mối liên hệ “đồng sàng, dị mộng” này. Trước nhất một trong các mục tiêu hàng đầu của Hoa Kỳ là trở thành đối tác ở tầm chiến lược toàn diện với ASEAN, một quy chế ASEAN đã dành cho Trung Cộng và Úc vào tháng 10 năm ngoái theo các điều kiện do họ định đoạt. Thách thức thứ hai của các nước ASEAN là Hoa Kỳ không giấu diếm mục tiêu chống lại sự trỗi dậy của Trung Cộng và xây dựng một trật tự an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Trật tự này đẩy ASEAN vào thế đối đầu với Trung Cộng và có thể làm suy yếu ASEAN một khi sự cạnh tranh Mỹ – Trung không thể kiểm soát được.


    Hợp tác thực tế giữa ASEAN với nhóm QUAD bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản sẽ giúp các lãnh vực như y tế, phục hồi kinh tế hậu Covid-19, quan hệ kinh tế, an ninh hàng hải, và ngay cả giải quyết các vấn nạn do biến đổi khí hậu. Nhưng có lẽ một trong những quan tâm hàng đầu như ngoại trưởng Tân Gia Ba đã từng chia sẻ là kinh tế thương mại. Đó cũng là kế hoạch tăng cường vai trò lãnh đạo kinh tế của Hoa Kỳ trong mô hình Hoa Kỳ đề ra cho khu vực Ấn độ và Thái bình dương trong đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy phục hồi các chuỗi cung ứng, hay ngay cả việc đi tìm và phát triển ngành công nghệ năng lượng sạch. Tuy nhiên các nước ASEAN vẫn hoài nghi về những lợi ích của mô hình Hoa Kỳ nêu ra do thiếu khả năng tiếp cận thị trường và các điều khoản về lao động và môi trường đang được nhấn mạnh trong mô hình này.

    Vì vậy, hội nghị thượng định năm nay giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN nhấn mạnh vai trò chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực cùng với các đồng minh của Hoa Kỳ như nhóm 4 quốc gia QUAD vừa nêu. Sự hiện diện của Hoa kỳ sẽ thúc đẩy hội tụ tầng chiến lược giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN, nhưng sự hiện diện đó cũng tạo ra những phân hóa trong khối ASEAN trước mục tiêu chống lại sự trỗi dậy của Trung Cộng và nhất là chủ trương xây dựng một mô hình an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Một điều chắc chắn là các nước ASEAN đến lúc nào đó sẽ phải đi đến một chọn lựa. Hiện tại, bất kể khác biệt và chia rẽ trong nội bộ ASEAN thì các nước này đều có chung một mong muốn là có sự hiện diện và cam kết của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Cộng. Hoa Kỳ cũng hiểu rõ điều này và hiện tại Hoa Kỳ không ép các nước Á Châu phải chọn bên nhưng hợp tác để cùng phát triển và kềm hãm mộng bá quyền tham lam của các nước lớn trong khu vực.

    Các nhà lãnh đạo khối ASEAN trong các tuyên bố vẫn không muốn chỉ chọn một trong hai cường quốc đang ra sức thuyết phục họ, nhưng trong thực tế giới tinh hoa và người dân các nước Đông Nam Á vẫn tin tưởng Hoa Kỳ hơn. Đây là điểm lợi của Hoa Kỳ, chứng tỏ tuy đi sau Trung Cộng về đầu tư kinh tế tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ đã chứng tỏ có được một quyền lực mềm qua lịch sử, văn hóa ứng xử, quan điểm chính trị, tinh thần tôn trọng chủ quyền vv…mà Trung Cộng không thể có hay cố gắng thay đổi hình ảnh một Trung Cộng tự ti, bá quyền khó gột rửa.

    Ảnh hưởng của Trung Cộng trong bối cảnh hiện tại ở ĐNÁ


    Từ kinh nghiệm ở Trung Đông và gần đây tại Ukraine, các quốc gia ĐNÁ hiểu rõ hơn họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ để duy trì sự cân bằng trong khu vực. Hành vi hung hăng của Trung Cộng ở Biển Đông và các nơi khác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương đã nhấn mạnh thực tế Hoa Kỳ là yếu tố không thể thay thế của bất kỳ cán cân chiến lược nào ở khu vực rộng lớn hơn. Tất nhiên kinh nghiệm của miền Nam Việt Nam hay gần đây tại Afghanistan đã giảm phần nào lòng tin vào những cam kết của Hoa Kỳ. Cam kết đó chỉ chắc chắn khi đi đôi với quyền lợi của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, càng ngày các quốc gia ASEAN đang tiến gần hơn về phía Hoa Kỳ. Việt Nam đang thận trọng thiết lập quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ. Phi Luật Tân (PLT) đang tạo cơ sở pháp lý cho phép quân đội Mỹ hiện diện ở đó. PLT cũng tăng cường quan hệ với Úc, Nhật Bản, và các đồng minh chính của Mỹ trong khu vực. Các cơ sở quốc phòng của Indonesia và Mã Lai đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự cao cấp với Hoa Kỳ vào năm 2021.

    Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) từ Tân Gia Ba có cuộc khảo sát lấy ý kiến ​​của giới tinh hoa ở 10 quốc gia thành viên ASEAN cho năm 2022, cho thấy 63% những người được khảo sát hoan nghênh ảnh hưởng chiến lược, chính trị và khu vực của Hoa Kỳ và 52% tin tưởng Hoa Kỳ đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu. Chỉ 19% nói điều tương tự về Trung Cộng. Hoa Kỳ là cường quốc đáng tin cậy thứ hai trong số những người được hỏi ở Đông Nam Á, chỉ sau Nhật Bản. Liên minh châu Âu đứng thứ ba. Như trong các cuộc khảo sát trước đây, Trung Cộng vẫn là cường quốc ít được tin cậy nhất, với 58% tuyên bố không tin tưởng vào Bắc Kinh.

    Người Đông Nam Á cũng nhận ra tầm quan trọng và mối nguy Trung Cộng đối với tương lai của khu vực. Cuộc khảo sát trong cùng năm, gần 77% những người được ISEAS khảo sát coi Trung Cộng là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á, so với 10% ít ỏi nghĩ rằng Hoa Kỳ có ảnh hưởng kinh tế nhất. Tuy nhiên, khoảng 76% lo lắng về ảnh hưởng chính trị và chiến lược của Trung Cộng. Khi được hỏi họ sẽ chọn bên nào nếu ASEAN buộc phải liên kết với Trung Cộng hoặc Hoa Kỳ, 57% người được hỏi đã chọn Hoa Kỳ và 43% chọn Trung Cộng. Rõ ràng là Hoa Kỳ có cơ hội cải thiện vị thế của họ ở Đông Nam Á nếu họ quyết tâm tìm kiếm điều đó.

    Thành tựu của hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ và ASEAN 2022

    Hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Hoa Kỳ từ năm 2016. Hội nghị được đánh giá là tổ chức qui mô cả chiều rộng lẫn chiều sâu và một lần nữa đánh dấu Hoa Kỳ đang quyết tâm nâng cấp mối quan hệ lên tầng chiến lược và hợp tác toàn diện trên nhiều lãnh vực trong vùng.

    Theo chương trình dự định, tổng thống Biden bắt đầu các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của ASEAN ngay từ tối 12 tháng 3 tại buổi dạ tiệc do Tòa Bạch Ốc khoản đãi. Các cuộc tiếp xúc chính thức hơn sẽ diễn ra vào ngày mai, 13/05 tại trụ sở bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn. Trong số 10 thành viên ASEAN, chỉ có lãnh đạo của 8 nước đến Hoa Kỳ phó hội nghị thượng lần này. Tám quốc gia ASEAN bao gồm Brunei, Cam Bốt, Indonesia, Lào, Mã Lai, Tân Gia Ba, Thái Lan và Việt Nam. Đại diện chính quyền quân sự độc tài Miến Điện không được mời và tổng thống Phi Luật Tân vừa mãn nhiệm không đến được vì đang thay đổi nội các mới ở Manila. Đại diện Việt Nam là thủ tướng Phạm Minh Chính.

    Về ý nghĩa và mục đích của Thượng Đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN lần này, ông Kurt Campbell, thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và điều hợp viên của chương trình Ấn độ-Thái bình dương cho biết là chính quyền Mỹ quyết tâm thúc đẩy quan hệ ngoại giao lên tầng cao hơn với các quốc gia ASEAN để giải quyết các vấn đề ​​về khí hậu, kinh tế và giáo dục. Ông Campbell còn nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ quyết tâm hơn và gắn bó hơn với các nước ASEAN so với các chính quyền tiền nhiệm để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Ngoài những hồ sơ hợp tác với các quốc gia, tổng thống Biden còn mạn đàm với các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết vấn nạn Miến Điện, cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, và ngay cả cách ứng xử bá quyền của Trung Cộng tại khu vực nhất là Biển Đông, nơi Hoa Kỳ nhắc lại các nguyên tắc tự do hàng hải và tôn trọng luật về chủ quyền biển được Liên hiệp quốc công nhận.

    Trong một tuyên bố chung gồm 28 điểm sau cuộc họp kéo dài hai ngày, hai bên đi một bước mang tính biểu tượng là cam kết sẽ nâng quan hệ của Hoa Kỳ và các nước ASEAN từ quan hệ đối tác chiến lược lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 11, 2022. Các tuyên bố của tổng thống Biden cho biết hội nghị mở ra một kỷ nguyên mới giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN, nơi những trang sử của thế giới trong tương lai sẽ được viết ra từ đây, nơi Hoa Kỳ sẽ ở lại trong nhiều thập niên và nhiều thế hệ. Mặc dù không nêu rõ tên Trung Cộng, cả TT và PTT Hoa Kỳ đều lên án hành động của quốc gia dùng sức mạnh để lấn át tài sản chung của các quốc gia trong vùng là Biển Đông nơi tự do đi lại phải được tôn trọng. Hoa Kỳ kêu gọi hợp tác đề phòng các mối đe dọa đối với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế được đặt ra cho khu vực và cam kết bảo đảm an ninh khu vực ĐNÁ, ủng hộ ASEAN phát triển kinh tế, nhấn mạnh an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông. Đây có lẽ là hai điểm thành công và đồng nhất của hội nghị.

    Nhà cầm quyền Việt Nam đã đạt được kết quả gì trong hội nghị trước công luận quốc tế với chính sách ngoại giao đu dây, cò cưa?

    Nhìn về nhà cầm quyền Việt Nam, như một thành viên của ASEAN, đã tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này với tư cách thành viên mà đại diện cao cấp nhất của nhà nước là thủ tướng VNCS Phạm Minh Chính. Trước cuộc chiến xâm lăng Ukraine đang diễn ra khốc liệt cũng được đề cập trong hội nghị và chọn lựa của Việt Nam không lên án Nga tại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong đầu năm nay đã cho thấy một quan điểm chính trị thiển cận và thiếu trách nhiệm.

    Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel J. Kritenbrink, trong bài trả lời phỏng vấn về hội nghị thượng đỉnh đã có những phát biểu về hội nghị và cả về Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính. Ông cho biết hội nghị thượng đỉnh là cơ hội cho thủ tướng Việt Nam gặp gỡ giới lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ. Ông thêm Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu tại mọi phiên họp của hội nghị, và ông ta đề cập đến nhiều vấn đề như chống biến đổi khí hậu, chống lại sự lây lan của Covid-19 và các vấn đề liên quan đến hàng hải. Còn ông Edgard D. Kagan, phụ tá đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về Đông Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia rất kỳ vọng vào mối quan hệ đối tác với Việt Nam trong tương lai, ông cũng nhắc đến cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tiệc chiêu đãi tại Tòa Bạch Ốc, ông Kagan cho rằng hai bên đã có các cuộc trò chuyện rất thẳng thắn và là dịp để tổng thống Mỹ tăng cường quan hệ song phương với các nước trong khu vực. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ của hai nhà ngoại giao Hoa Kỳ. Còn Ông Chính và đoàn tùy tùng nói gì về Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thì nhiều người chúng ta đã được nghe, thấy, và cảm thấy xấu hổ về các câu chuyện đàng sau đã bị thâu lại và phát tán trên các trang mạng xã hội. Xấu hổ đến nỗi chính BNG HK đã phải lấy xuống đoạn video thâu được của họ trước khi gặp ngoại trưởng Hoa Kỳ.

    Giáo sư Carl Thayer, thuộc trường Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia về vấn chính trị và Biển Đông nhận định sau chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ lần này, Việt Nam sẽ có được lợi thế hơn để đối phó với Trung Cộng, vì quan hệ song phương của Việt Nam với Hoa Kỳ nằm trong bối cảnh gắn bó toàn diện Hoa Kỳ-ASEAN ngày càng tăng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải thay đổi việc quản tri kinh tế trong việc nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ vì Việt Nam có các vấn đề liên quan đến thuế quan thương mại cần phải được giải quyết.

    Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực vì phụ thuộc Nga về quốc phòng và những kỷ lục tệ hại về nhân quyền, chính trị và dân sự. Cuộc chiến Nga – Ukraine kéo dài sẽ tăng thiệt hại cho Việt Nam, đặc biệt sau khi Nga bị cả thế giới trừng phạt, cấm vận. Việt Nam trong tương lai sẽ nhận thêm áp lực của Trung Cộng để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Người dân Việt Nam hy vọng nhà cầm quyền của họ sẽ gắn kết hơn với Hoa Kỳ trước sức ép của Trung Cộng, nhưng còn phải chờ xem đảng lãnh đạo xem trọng quyền lợi của đảng hay của dân tộc hơn trong lựa chọn của họ.

    Phan Quang Trọng

    Không có nhận xét nào