Header Ads

  • Breaking News

    Josep Borrell: Moscow Sẽ Phải Chọn Bơ Hoặc Súng!


    Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An Ninh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: Uỷ ban Châu Âu

    Các biện pháp trừng phạt Nga liệu có tác dụng không? Có, các biện pháp này đang giáng một đòn mạnh vào Vladimir Putin và những đồng minh của ông ta, và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt này đối với nền kinh tế Nga sẽ còn tăng lên theo thời gian.

    Kể từ khi Nga cố tình vi phạm luật pháp quốc tế bằng việc xâm lược Ukraine, EU đã triển khai sáu gói trừng phạt chống lại Moscow. Các biện pháp của chúng tôi hiện nhắm vào gần 1.200 cá nhân và 98 thực thể ở Nga cũng như một số lượng đáng kể các lĩnh vực của nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt này đã được thông qua với sự phối hợp của các nước thành viên G7. Hiệu quả của các gói trừng phạt được nâng cao khi thực tế là hơn 40 quốc gia khác (bao gồm cả các quốc gia trung lập truyền thống) đã áp dụng chúng hoặc tiến hành các biện pháp tương tự.

    Vào cuối năm 2022, chúng tôi sẽ giảm tới 90% nhập khẩu dầu của Nga và chúng tôi cũng đang nhanh chóng giảm lượng nhập khẩu khí đốt của mình. Những quyết định này đang từng bước giải phóng chúng tôi khỏi sự phụ thuộc mà từ lâu đã kìm hãm các lựa chọn chính trị của mình trước với sự hiếu chiến của Vladimir Putin.

    Ông ta có lẽ tin rằng Châu Âu sẽ không dám tham gia vào các lệnh trừng phạt vì sự phụ thuộc của EU về nguồn năng lượng. Đây không phải là sai lầm lớn nhất trong nhiều tính toán sai lầm của chính quyền Nga trong cuộc xung đột này. Tất nhiên, việc dứt bỏ quá nhanh chóng nguồn năng lượng của Nga cũng gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho nhiều nước thành viên EU cũng như cho một số ngành kinh tế. Nhưng đây là cái giá mà chúng tôi phải trả để bảo vệ các nền dân chủ và luật pháp quốc tế, và chúng tôi đang tiến hành các bước cần thiết để xử lý những vấn đề này với một sự đoàn kết hoàn toàn.

    Một số người có thể hỏi liệu những biện pháp trừng phạt này có thực sự ảnh hưởng được đến nền kinh tế Nga hay không? Câu trả lời đơn giản là có. Mặc dù Nga xuất khẩu nhiều nguyên liệu thô nhưng nước này cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhập khẩu nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà nước này không sản xuất. Đối với tất cả các công nghệ tiên tiến, nước này phụ thuộc 45% vào châu Âu và 21% vào Hoa Kỳ, so với chỉ 11% vào Trung Quốc.

    Trong lĩnh vực quân sự vốn có tầm quan trọng rất lớn trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, các lệnh trừng phạt này hạn chế năng lực sản xuất các loại tên lửa chính xác của Nga như Iskander hay KH 101. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng đã quyết định rút khỏi Nga và một số lượng ít ô tô do các hãng của Nga sản xuất sẽ được bán ra mà không có túi khí hoặc hộp số tự động.

    Ngành công nghiệp dầu mỏ đang chịu ảnh hưởng không chỉ từ sự ra đi của các nhà khai thác nước ngoài mà còn do khó khăn trong tiếp cận với các công nghệ tiên tiến như công nghệ khoan ngang. Khả năng của ngành công nghiệp Nga trong việc đưa các giếng khoan mới vào vận hành có thể sẽ bị hạn chế. Cuối cùng, để duy trì giao thông hàng không, Nga sẽ phải rút phần lớn số máy bay của mình ra khỏi lưu thông để thu hồi các phụ tùng thay thế cần thiết cho phép các máy bay khác bay. Thêm vào đó là việc mất khả năng tiếp cận với thị trường tài chính, bị ngắt kết nối với các mạng lưới nghiên cứu toàn cầu lớn và sự chảy máu chất xám quy mô lớn.

    Đối với giải pháp thay thế mà Trung Quốc đưa ra cho nền kinh tế Nga, trên thực tế, nó vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghệ cao. Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc, vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang các nước phát triển, đã không hỗ trợ Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm so với các nước phương Tây.

    Liệu những tác động đáng kể và ngày càng gia tăng này có khiến Vladimir Putin phải điều chỉnh các tính toán chiến lược của mình? Có lẽ không phải trước mắt: hành động của ông ta cơ bản không được định hướng bởi các logic kinh tế. Tuy nhiên, bằng cách buộc ông ta phải chọn giữa bơ hoặc súng, các lệnh trừng phạt đẩy ông ta vào một vòng vây đang dần được thắt chặt.

    Về tác động của các lệnh trừng phạt này đối với các nước thứ ba, đặc biệt là các nước Châu Phi, vốn phụ thuộc vào lúa mì và phân bón của Nga và Ukraine, khu vực mà trách nhiệm liên quan tới vấn đề khủng hoảng lương thực là rất rõ ràng. Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi không dưới bất kỳ hình thức nào nhằm vào xuất khẩu lúa mì hoặc phân bón của Nga, trong khi Ukraine bị ngăn chặn xuất khẩu lúa mì của mình do sự phong tỏa và phá hủy ở Biển Đen gây ra dưới sự xâm lược của Nga. Nếu có các vấn đề như vậy phát sinh liên quan đến các lệnh trừng phạt của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng đưa ra các cơ chế thích hợp để giải quyết những vấn đề đó. Tôi đã thông báo cho những người đồng cấp Châu Phi của mình về điều này và đề nghị họ đừng để bị lừa trước những sự xuyên tạc của chính quyền Nga về các lệnh trừng phạt của chúng tôi.

    Câu trả lời thực sự cho việc giải quyết những khó khăn trên thị trường năng lượng và lương thực thế giới đó chính là sự chấm dứt chiến tranh. Điều này không thể đạt được bằng cách chấp nhận những yêu sách vô lý của Nga mà chỉ có thể đạt được khi Nga rút quân khỏi Ukraine. Việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và không sử dụng vũ lực không phải là những nguyên tắc của phương Tây hay Châu Âu mà là nền tảng của tất cả luật pháp quốc tế. Nga đang vô tâm chà đạp lên những nguyên tắc căn bản này. Chấp nhận một sự vi phạm như vậy sẽ mở ra cánh cửa cho việc sử dụng luật rừng trên phạm vi toàn cầu.

    Trái ngược với những gì chúng ta đã suy nghĩ một cách khá ngây thơ chỉ vài năm trước đây, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không đương nhiên đồng nghĩa với sự nhân nhượng trong các mối quan hệ quốc tế. Đây là lý do tại sao sự chuyển mình thành một Châu Âu với tư cách như một cường quốc, mà tôi đã kêu gọi kể từ khi bắt đầu sứ mệnh của mình, là cấp thiết. Đối mặt với cuộc xâm lược Ukraine, chúng tôi đã bắt đầu chuyển từ ý định sang hành động bằng cách cho thấy rằng, khi bị khiêu khích, Châu Âu có thể đáp trả. Vì chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh với Nga nên các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện là cốt lõi của sự đáp trả này. Các biện pháp đã bắt đầu phát huy tác dụng và chúng sẽ còn có tác dụng mạnh hơn nữa trong những tháng tới.


    Nguồn bản dịch: European Union in Vietnam

    Không có nhận xét nào