Header Ads

  • Breaking News

    Sri Lanka : Đánh đuổi độc tài từ kinh nghiệm biểu tình ở Ukraina và Hồng Kông



    Le Figaro giải thích « Làm thế nào làn sóng phẫn nộ đã tăng cao và trong ba tháng đã nhấn chìm quyền lực ở Sri Lanka ». Sinh ra từ những cuộc biểu tình tự phát, phong trào phản kháng tập hợp nhiều tầng lớp xã hội dần dà trở nên có tổ chức.

    Bài học từ Cách mạng Maidan và Cách mạng Dù

    Tình trạng thiếu xăng dầu, khí đốt, sữa bột…đã khiến người dân bắt đầu xuống đường từ tháng Ba. Bất mãn tràn ngập trên mạng và trên đường phố, khiến nhiều hiệp hội phi chính trị, nghiệp đoàn, tổ chức thanh niên bắt tay với nhau hành động. Trong số đó có Hội sinh viên liên trường (IUSF), một nghiệp đoàn lớn, Black Cap Movement, một nhóm nhà hoạt động tự do…Đầu tháng Tư, những nhóm xã hội dân sự này cùng với những người nổi tiếng trên mạng liên lạc với nhau, họ thỏa thuận ngày 09/04 cắm trại tại Galle Face, một đại lộ gần văn phòng tổng thống. Từ nơi đó, người biểu tình có thể diễu hành qua trước nhiều cơ quan chính phủ, Ngân hàng Trung ương và Dinh tổng thống chỉ cách 1 kilomet.

    Nhưng muốn trụ lại chẳng thể chỉ có tay không. Ban đầu một nhóm đi mua giấy vệ sinh, nước, dù, áo mưa…mang lại, rồi đăng ảnh, video lên mạng kêu gọi giúp đỡ, nhất là thực phẩm. Giới trung lưu, những gia đình giàu có, chủ doanh nghiệp…đều hưởng ứng, cư dân mạng gởi cho họ những chiếc lều. Bộ phận hành chánh của người biểu tình ở Galle Face đánh số lều trại, cấp thẻ cho từng người và khoảng 30 người tình nguyện phụ trách phân phối hàng thiết yếu. Phong trào Gota Go Gama (GGG) hình thành.

    Một người thuộc Black Cap Movement cho biết đã theo dõi kỹ càng cuộc Cách mạng Maidan ở Ukraina, cũng như phong trào Cách mạng Dù ở Hồng Kông, và rút được ba bài học. Trước hết, phong trào cần phải ôn hòa để chính quyền không thể kiếm cớ đàn áp, và thu hút được nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp tham gia. Tiếp đến là phải đoàn kết, tìm được một cái nền chung. Tại Galle Face, mọi khuynh hướng chính trị từ tả sang hữu đều có đủ. Cuối cùng, chìa khóa của thành công là sự kiên trì.

    Phong trào phản kháng tập hợp được mọi giới

    Thấy ngai vàng bị đe dọa, phe Rajapaksa và đảng của họ là SLPP ra tay đàn áp. Ngày 09/05, khu lều trại bị tấn công, nhưng người biểu tình đẩy lùi. Phong trào GGG mở đại hội gồm khoảng 50 thành viên thuộc 30 tổ chức tham gia, các cuộc tranh luận được cha Jeevantha Peiris và hai nhà sư điều hành. Phải mất nhiều tuần lễ họ mới thỏa thuận được một kế hoạch hành động gồm 6 điểm. Văn bản được thông qua ngày 05/07 đòi hỏi tổng thống Gotabaya Rajapaksa, thủ tướng Ranil Wickremesinghe phải từ chức, cải cách thuế khóa, thiết lập một nền dân chủ có sự tham gia của công dân…

    Gota Go Gama được sự trợ giúp của nhiều chùa, tu viện Phật giáo, giáo hội Công giáo Sri Lanka, hàng giáo phẩm Hồi giáo và Ấn giáo, chưa kể cộng đồng người Sri Lanka ở hải ngoại. Những người Sri Lanka ở Mỹ, Úc, Canada, Ả Rập Xê Út, châu Âu gởi tiền về cho gia đình để mua đồ tiếp tế cho phong trào.

    GGG còn đòi tổ chức bầu Quốc hội để có những khuôn mặt mới nhằm cải tổ hệ thống, vì nạn tham nhũng quanh các dự án cơ sở hạ tầng vay vốn của Trung Quốc đã khiến đất nước bị lâm vào cảnh vỡ nợ. Nhưng việc bầu cử lại đặt ra vấn đề về một số khuôn mặt của GGG bước vào chính trường. Linh mục Jeevantha Peiris cho rằng Gota Go Gama không nên trở thành một đảng phái, nhưng ông nhìn nhận có một số đồng chí không che giấu tham vọng chính trị.

    Đánh đuổi chế độ độc tài, nhưng tương lai Sri Lanka vẫn âm u

    Cũng về Sri Lanka, Le Monde tóm lược « Hòn đảo lộng lẫy bị tàn phá bởi bốn mươi năm bạo lực chính trị », bên cạnh đó là bài phóng sự « Tại Sri Lanka, một cuộc nổi dậy trên cái nền phá sản ». Lịch sử của đất nước có tên cũ là Tích Lan đầy dẫy những cuộc chiến tranh, khủng bố, ám sát đã làm gần 200.000 người chết kể từ đầu thập niên 80. Đảo quốc được mệnh danh là « viên ngọc Ấn Độ Dương » phải chịu đựng nhiều cuộc xung đột đẫm máu giữa những phe ly khai, du kích…Các chính khách bất lương vơ vét tài nguyên của hòn đảo đầy châu báu (saphir, hồng ngọc, topaze), chưa kể trà Tích Lan nổi tiếng.

    Sau khi tổng thống Gotabaya từ chức hôm 14/07 được vài giờ, pháo bông nở rộ trên bầu trời Sri Lanka, nhưng niềm vui chỉ ngắn ngủi trước thực trạng khủng hoảng kinh tế. Một sự im lặng kỳ lạ lại bao trùm đường phố Colombo. Những tuần lễ gần đây, lưu thông xe cộ hầu như ngưng hẳn vì thiếu xăng. Ngay cả đèn giao thông cũng không hoạt động vì cúp điện.

    Không ít người dân ra nước ngoài làm mướn để kiếm sống, có người sẵn sàng ngủ bốn đêm liền trước trạm xăng để có thể mua được số xăng đủ để ra sân bay đi lao động ở Qatar. Bệnh viện thiếu thốn từ kim chích đến thuốc men, bệnh nhân phải tự mua ngoài. Sri Lanka đang nợ 51 tỉ đô la, trước hết phải thỏa thuận được với các chủ nợ rồi mới có thể xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trợ giúp. Nhưng Trung Quốc nhất quyết không giảm món nợ 7,6 tỉ đô la, vì không muốn tạo tiền lệ cho những nước khác đang vay mượn của Bắc Kinh trong khuôn khổ « Con đường tơ lụa mới ».

    Không có nhận xét nào