Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 11 tháng 7 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Nord Stream 1 ngừng hoạt động để ‘‘bảo trì’’, châu Âu lo Nga cắt hẳn khí đốt

    11/7/2022

    Ảnh minh họa: Cơ sở tiếp nhận đường ống dẫn khí đốt từ ngoại khơi vào đất liền thuộc đường ống "Nord Stream 1" tai Lubmin (Đức). Ảnh chụp ngày 08/03/2022. REUTERS - HANNIBAL HANSCHKE 

    Kể từ hôm nay, 11/07/2022, công ty Nga Gazprom cho ngừng hai nhánh chính của hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1, với lý do ‘‘bảo dưỡng kỹ thuật’’. Đức và nhiều nước châu Âu chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.   

    Bộ Kinh Tế Đức hôm nay xác nhận với AFP về việc Nga ‘‘đóng’’ Nord Stream 1. Việc tạm ngừng hoạt động nói trên đã được lên kế hoạch từ lâu. Về mặt lý thuyết, đây chỉ là một hoạt động bảo dưỡng định kỳ trong 10 ngày, tuy nhiên trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina, căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về năng lượng, nhiều nước châu Âu, trước hết là Đức, đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất : Nga cắt hoàn toàn khí đốt.  

    Hôm qua, một ngày trước khi Nord Stream 1 tạm khóa đường ống, báo Đức Bild, nhật báo có nhiều độc giả nhất tại Đức, lo ngại : ‘‘Putin sẽ tạm đóng khí đốt… Nhưng liệu ông ta có mở lại không ?’’. Trong những tuần gần đây, Matxcơva đã cắt giảm đến 60% lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream, với lý do kỹ thuật. Berlin lên án một quyết định ‘‘chính trị’’. Theo phó thủ tướng Đức Robert Habeck, châu Âu cần sẵn sàng với nhiều kịch bản : ‘‘hoặc khí đốt sẽ được cấp trở lại, và thậm chí nhiều hơn, nhưng cũng có thể sẽ không còn gì nữa, và chúng ta cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất’’.

    Kể từ đầu Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, Đức đã đình chỉ hoàn toàn dự án đường ống Nord Stream 2, vốn đã chuẩn bị đi vào hoạt động, và nỗ lực giảm mạnh việc phụ thuộc vào khí đốt Nga. Khí đốt từ Nga chiếm 55% nhập khẩu khí đốt của Đức trước chiến tranh giảm xuống còn 35%. Hiện tại việc sưởi ấm nhà cửa ở Đức vẫn phụ thuộc hơn 50% vào khí đốt Nga.  

    Giảm dần nhập khẩu khí đốt Nga được Đức và châu Âu coi như một biện pháp mạnh trong hệ thống các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhằm cắt giảm các nguồn lực giúp chính quyền Nga tiếp tục cuộc xâm lăng Ukraina. Tuy nhiên, điện Kremlin có thể đi trước một bước. Việc Matxcơva ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ là một nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức rơi vào suy thoái trầm trọng, với dự kiến GDP sụt giảm đến 6,5% trong hai năm 2022-2023, theo ước tính của một số viện nghiên cứu kinh tế có uy tín.  

    Chính quyền Đức và nhiều tập đoàn lớn đang sẵn sàng cho một số biện pháp đối phó quyết liệt. Nhà nước Đức sẵn sàng trợ cấp cho Uniper, tập đoàn số một về khí đốt của Đức, khách hàng chính của Gazprom, để giữ giá khí đốt không tăng quá mức. Sưởi ấm nhà về mùa đông là lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng hàng đầu. Thứ Năm tuần trước 07/07, Hạ Viện Đức đã thông qua một kế hoạch tiết kiệm nghiêm ngặt, ví dụ như không để sưởi ấm trong nhà vượt quá 20°C vào mùa đông.  

    Việc Nga ngừng hẳn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Đức. Thông thường, khí đốt qua Đức sẽ tiếp tục được chuyển đến nhiều nước châu Âu khác. Hôm qua, bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire đã kêu gọi ‘‘nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng đối phó’’ với kịch bản xấu nhất này. Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp, đây cũng là kịch bản ‘‘có nhiều khả năng xảy ra nhất’’.  

    Ukraine tập trung 'một triệu quân' để giành đất phía Nam nhưng có làm nổi?

    11/7/2022

    New recruits to the Ukranian army being trained by UK armed forces personnel at a military base near Manchester

    Nguồn hình ảnh, PA Media

    Chụp lại hình ảnh, 

    Tân binh Ukrane tập luyện ở một doanh trại quân đội Anh gần Manchester

    Ukraine 'muốn lập đội quân một triệu lính' với vũ khí do NATO cung cấp để giành lại miền Nam, theo lời bộ trưởng quốc phòng nước này. 

    Thế nhưng, các nhà bình luận và cả giới chức quân sự Phương Tây cho rằng kế hoạch 'phản công' của Ukraine không khả thi, ít ra là vào lúc này.

    Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nêu ra kế hoạch lập 'quân đội một triệu binh sĩ' nhằm lấy lại các vùng đất phía Nam bị Nga xâm chiếm.

    Theo ông Oleksii Reznikov thì việc giành lại dải đất ven Biển Đen có ý nghĩa chính trị lớn cho Ukraine.

    Thế nhưng, theo BBC News hôm 11/07, phát biểu của ông Reznikov có vẻ như là một lời hiệu triệu hơn là kế hoạch cụ thể.

    Trên thực tế, quân Nga đang tiến vào sâu hơn lãnh thổ của Ukraine ở vùng Donbas và thương vong của Ukraine ở đây rất lớn.

    Hôm 08/07, Hoa Kỳ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trị giá 400 triệu USD, gồm số giàn pháo cơ động - thêm bốn, và nhiều đạn dược. 

    Loại pháo cơ động này, viết tắt là HIMARS sẽ cho phép quân Ukraine bắn vào các điểm xa của quân Nga, phía sau mặt trận chính. Với con số mới nhất này, Ukraine sẽ có tổng cộng 12 giàn HIMARS.

    Tân binh Ukraine cũng đã sang Anh và Mỹ huấn luyện vì số binh sĩ có kinh nghiệm đánh Nga từ 2014 ở miền đông bị thương vong nhiều.

    Trả lời báo Anh, The Times, ông Reznikov cũng khen ngợi Anh đã đóng vai trò chủ chốt trong công tác giúp Ukraine bỏ dần vũ khí thời Liên Xô, chuyển sang dùng vũ khí chống tăng, phòng không theo tiêu chuẩn NATO.

    Chưa chặn được Nga ở phía Đông

    Quân Nga vẫn tiến vào cả phía Nam của Ukraine, gồm vùng Kherson và Zaporizhzhya, đồng thời lấn thêm được các vùng thuộc Donbas.

    Phó thủ tướng Ukraine, bà Iryna Vereshchuk kêu gọi người dân đi sơ tán trước khi quân Ukraine tung ra cuộc phản công. 

    Map of eastern Ukraine, showing Russian areas of control, updated 4 Jul

    Chụp lại hình ảnh, 

    Miền Đông Ukraine với các mũi tiến công của Nga

    Theo phóng viên quốc phòng của BBC News Jonathan Beale thì phát biểu của Bộ trưởng Oleksii Reznikov nói lên ý muốn của phía Ukraine, cả về chính trị và kinh tế.

    "Việc giành lại ít nhất là các điểm xuất khẩu ngũ cốc cho Ukraine, từ duyên hải Biển Đen, là hết sức quan trọng cho nền kinh tế. 

    "Phía Ukraine có thể đang nghĩ rằng vì quân Nga tập trung ở phía Đông, nên thời cơ giành lại một số phần của miền Nam đã tới." 

    Nhưng sự thật là đa số lực lượng và quân khí của Ukraine đang bị tiêu hao trong cuộc chiến gay gắt ở Donbas, theo nhà báo BBC. 

    Có những đơn vị đã bị thương vong quá nửa sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.

    Phía Nga cũng thiệt hại nặng về nhân sự, nhưng với dân số đông và chính sách quân dịch cứng rắn, Nga vẫn có thể duy trì lượng quân số cao hơn Ukraine ở biên giới hai bên.

    Các đơn vị pháo binh Ukraine đã nhận được vũ khí Phương Tây, gồm cả các loại pháo tầm xa. 

    Nhưng không rõ con số có đủ để họ tung ra một chiến dịch phản công đáng kể ở phía Nam, hay sẽ chỉ cố kìm chân quân Nga ở phía Đông, nhà báo BBC đặt câu hỏi. 

    Nga chuẩn bị căn cứ Laser nhắm mục tiêu vào vệ tinh

    11/7/2022

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/07/maxresdefault-3.jpg

    Sau khi Nga nhận thấy hiệu quả của vệ tinh trong việc giám sát việc di chuyển quân của mình trong cuộc xâm lược Ukraine, khiến các lực lượng vũ trang của mình gặp rủi ro và bị tấn công, Moscow đang tăng cường nghiên cứu tia laser để đối phó với các vệ tinh giám sát này.

    The Space Review đưa tin, dự án của Nga có tên Kalina là một hệ thống laser đặt trên mặt đất có mục đích che mờ các vệ tinh chụp ảnh.

    Bài báo đã phát hiện bằng chứng cho thấy việc xây dựng tổ hợp giám sát không gian ở vùng Bắc Caucasus của Nga, vốn bị đình trệ, gần đây đang được khởi động trở lại.

    Theo bài báo, hệ thống laser này sẽ đối phó với các hệ thống quang học và chụp ảnh của vệ tinh nước ngoài bay qua lãnh thổ Nga.

    Theo tài liệu của chính phủ Nga, dự án đã bắt đầu vào năm 2011, nhưng theo bài báo, việc giám sát dự án cho thấy tiến độ xây dựng đã bị đình trệ và bị trì hoãn nhiều lần trong những năm gần đây.

    Tuy nhiên, bài báo lưu ý, hình ảnh của Google Earth cho thấy việc xây dựng dự án gần đây đã được tiếp tục trở lại.

    Cùng theo bài báo, Nga đã đưa vào hoạt động hệ thống laser lưu động làm chói lóa vệ tinh có tên Peresvet kể từ cuối năm 2019, nhưng tổ hợp laser Kalina đặt trên mặt đất của nước này được cho là hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

    The Space Review cho biết: “Vai trò chống vệ tinh của hệ thống Peresvet gần đây đã được xác nhận trong một bài thuyết trình của ông Yuri Borisov, Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng. Ông ấy tiết lộ, tổ hợp này này có thể “làm mù” tất cả vệ tinh giám sát của ‘kẻ thù” ở độ cao lên đến 1.500 km, vô hiệu chúng khi chúng bay qua lãnh thổ Nga.”

    “Theo tài liệu về các hệ thống vũ khí chống vệ tinh (ASAT) bằng tia laser, có sự phân biệt giữa ‘chói lóa’ và ‘làm mù’. Chói lóa khiến các cảm biến tạm thời mất khả năng chụp ảnh bằng cách che phủ chúng bằng ánh sáng sáng hơn những gì chúng đang cố gắng chụp ảnh. Làm mù gây ra thiệt hại vĩnh viễn cho các hệ thống như vậy. Cách diễn đạt của ông Borisov cho thấy hệ thống Peresvet có mục đích làm điều sau [làm mù], nhưng có lẽ việc sử dụng động từ của ông ấy không nên được hiểu theo nghĩa đen.”

    Gia Huy (Theo Newmax)

    Ngoại trưởng Mỹ chia buồn trong chuyến thăm Tokyo 

    11/7/2022 

    VOA News 

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đáp máy bay xuống căn cứ Yokota ở Fussa, ngoại ô Tokyo, ngày 11/7/2022.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đáp máy bay xuống căn cứ Yokota ở Fussa, ngoại ô Tokyo, ngày 11/7/2022. 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bày tỏ sự tiếc thương trong chuyến thăm hôm 11/7 tới Tokyo sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe, theo VOA News.

    Ông Blinken nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida: “Tôi chia sẻ với các đồng nghiệp Nhật Bản của chúng tôi về sự mất mát, cảm giác sốc của tất cả chúng tôi, người dân Mỹ, trước thảm kịch và giết chóc kinh hoàng này”. Ông nói thêm: “Đó cũng là một mất mát lớn vì trong thời gian đương nhiệm, Thủ tướng Abe đã thực sự đưa mối quan hệ giữa hai nước chúng ta lên một tầm cao mới”.

    Ông Abe bị ám sát hôm 8/7 tại thành phố Nara khi ông phát biểu vận động tranh cử.

    Ông Blinken cho biết ông đến Nhật Bản lần này theo chỉ đạo của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, “vì hơn cả đồng minh, chúng tôi là bạn bè”.

    “Và khi một người bạn bị tổn thương, những người bạn khác sẽ xuất hiện. Chúng tôi cố gắng giúp giảm bớt nỗi đau, chia sẻ cảm giác mất mát, cho một bờ vai và đó là những gì chúng tôi đang cố gắng làm ngày hôm nay”, ông Blinken nói.

    Cuộc đua vào ghế thủ tướng Anh bắt đầu

    Trong nhiều tuần qua, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã luôn miệng nói rằng họ không thể cách chức thủ tướng Boris Johnson vì không tìm được người thay thế khả thi. Nhưng kể từ khi ông từ chức lãnh đạo đảng vào tuần trước, hóa ra lại có khá nhiều người nghĩ mình có thể kế nhiệm ông.

    Ông Johnson muốn tại vị cho đến khi Đảng Bảo thủ chọn được lãnh đạo mới (người cũng sẽ là thủ tướng). Trong vòng hai tuần tới, các nghị sĩ Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để giảm số ứng viên xuống còn hai. Hai ứng viên dẫn đầu sau đó sẽ được chọn bởi tất cả đảng viên Bảo thủ vào đầu tháng 9.

    Cho đến nay có chín nghị sĩ đã ghi tên mình vào cuộc đua. Họ bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, ngoại trưởng Liz Truss, và tổng chưởng lý Suella Braverman. Các ứng viên đang đưa ra các thông điệp tương tự nhau: cắt giảm thuế, tăng chi tiêu quốc phòng — và tách mình khỏi sự hỗn loạn và nhếch nhác của thời kỳ Johnson.

    Các đảo quốc Thái Bình Dương có dấu hiệu chia rẽ

    Một đêm trước cuộc họp thường niên của Diễn đàn Các Đảo Thái Bình Dương vào thứ Hai, tổng thống Kiribati bỗng nhiên thông báo không tham dự. Taneti Maamau cho biết diễn đàn đã không thể giải quyết được những vấn đề của các nước Micronesia. Đây là đòn giáng mạnh vào tổ chức này, vốn có 18 thành viên đang là tâm điểm của cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng gay gắt.

    Hồi tháng 4, Trung Quốc đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, cho phép nước này gửi quân nhân, cảnh sát, và tàu chiến đến trợ giúp nếu được mời. Kể từ đó ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cố gắng – nhưng không thành công – thuyết phục mười quốc gia Thái Bình Dương ký một hiệp định thương mại và an ninh khu vực. Ở chiều ngược lại, Mỹ và các đồng minh cũng gia tăng viện trợ và vốn liếng ngoại giao cho khu vực.

    Các đảo quốc Thái Bình Dương đang cảnh giác trước khả năng bị bóp nghẹt giữa các cường quốc. Và họ muốn thế giới nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Trước những thách thức như vậy, họ cần tất cả sự đoàn kết mà nhóm có thể tập hợp được.

    Châu Âu hồi hộp chờ động thái của Nga về khí đốt

    Trước đây không có nhiều người tin khi chính phủ Đức cho rằng việc châu Âu ngừng nhập khẩu khí đốt Nga sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng giờ đây triển vọng u ám này đang trở nên lớn hơn bao giờ hết.

    Vào thứ Hai, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ ngừng tất cả các dòng khí đốt dọc theo Nord Stream 1, đường ống chính dẫn khí đốt của Nga vào châu Âu. Lý do được đưa ra là bảo dưỡng turbin theo lịch trình, và sẽ được nối lại chỉ sau 10 ngày. Nhưng hoàn toàn có khả năng tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tìm cớ để không mở lại van.

    Hồi tháng 6, khối lượng khí đốt của Nga vào châu Âu qua tất cả các đường ống chính chỉ đạt 4,7 tỷ mét khối, giảm hai phần năm so với tháng 5 và chỉ bằng một phần ba so với đầu năm 2021. Nhưng ngay cả khi khí chảy trở lại, ông Putin vẫn có thể chờ thời tiết lạnh lên mới cắt giảm xuất khẩu, qua đó có được lợi thế tối đa.

    Tròn một năm người dân Cuba biểu tình

    Một năm trước, hàng nghìn người Cuba đã xuống đường để phản đối điều kiện sống trên đảo. Việc họ đứng lên bày tỏ bất bình — về tình trạng thiếu điện, thiếu hàng hóa, và nền kinh tế suy sụp — là điều chưa từng có. Và dĩ nhiên cuộc đàn áp của chính phủ cũng vậy. 700 người biểu tình vẫn đang chờ xét xử, với mức án từ 5 năm đến 30 năm.

    Năm nay các đường phố ở Havana có thể sẽ yên tĩnh hơn. Nhưng mạng xã hội đang râm ran yêu cầu trả tự do cho một số tù nhân nổi tiếng, bao gồm những người như nghệ sĩ Luis Manuel Otero Alcántara hay Maykel Castillo Pérez. Các cuộc tuần hành và lễ kỷ niệm ngày 11 tháng 7 cũng được tổ chức tại hơn 30 thành phố bên ngoài Cuba, từ Miami đến Montevideo.

    Khi điều kiện kinh tế tệ đi, ngày càng có nhiều người Cuba chạy trốn. Dòng người di cư đến Mỹ tăng đã khiến chính quyền Biden phải nới lỏng một số biện pháp trừng phạt. Nhưng nếu bản thân Havana không ban hành các cải cách ý nghĩa, nỗi thống khổ của người dân Cuba sẽ không thể tự chấm dứt.

    Khi tình báo Trung Quốc bị tố cáo xen vào bầu cử Mỹ

    11/7/2022 

    Tổng giám đốc MI5 Ken McCallum (T) và giám đốc FBI Christopher Wray trong một cuộc họp báo chung tại trụ sở cơ quan phản gián Anh MI5, ở trung tâm Luân Đôn (Anh Quốc), ngày 06/07/2022. AP - Dominic Lipinski 

    Trong một tuyên bố chung chưa từng thấy, giám đốc hai cơ quan an ninh FBI của Mỹ và MI5 của Anh ngày 06/07/2022, đã cảnh báo về hiểm họa gián điệp thiên hình vạn trạng đến từ Trung Quốc. Hai nhân vật này còn đặc biệt nêu lên một chiến dịch thô bạo của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn không cho một nhà ly khai người Mỹ gốc Hoa ra tranh cử một ghế dân biểu trong Hạ Viện Hoa Kỳ.  

    Đối với các nhà quan sát, sự kiện giám đốc FBI Christopher Wray từ Mỹ bay qua Anh để cùng với lãnh đạo cơ quan phản gián Anh MI5 Ken McCallum báo động về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc, cho thấy là Washington và Luân Đôn nói riêng, và cả phương Tây nói chung, đều hết sức lo ngại trước mối đe dọa. 

    Đài truyền hình Pháp France24 hôm 08/07 đã trích lời ông Zeno Leoni, một chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc-Phương Tây tại King's College ở Luân Đôn ghi nhận rằng việc hai lãnh đạo FBI và MI5 đồng lên tiếng cảnh báo về Trung Quốc không phải là sáng kiến riêng của những người đứng đầu cơ quan tình báo, mà là “một quyết định chính trị từ cấp cao nhất trong ngành hành pháp của cả hai quốc gia, mang lại cho các tuyên bố của họ một trọng lượng đáng kể”.  

    Theo chuyên gia Leoni, rất có thể là phía Mỹ đang muốn tranh thủ hiệu ứng đến từ chiến tranh ở Ukraina để hình thành “một mặt trận thống nhất của phương Tây chống lại Trung Quốc”. Chuyên gia này giải thích: “So với Washington, các nước lục địa châu Âu luôn tỏ ra ít cứng rắn hơn với Bắc Kinh, và Hoa Kỳ hy vọng rằng cuộc chiến Ukraina sẽ cho châu Âu thấy rằng các chế độ độc tài - như ở Trung Quốc và Nga - đều là những đe dọa nghiêm trọng hơn là những gì họ nghĩ.” 

    1.001 ví dụ về hoạt động gián điệp “made in China” 

    Để minh họa cho những nhận định của mình về nguy cơ đến từ Trung Quốc, hai lãnh đạo FBI và MI5 không ngần ngại nêu ra những ví dụ cụ thể về các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh nhằm đánh cắp các bí mật của phương Tây mà các cơ quan tình báo Anh-Mỹ đã phá được. 

    Theo France24, tuyên bố chung của hai ông McCallum và Wray chẳng khác gì một danh mục về 1.001 cách mà gián điệp Trung Quốc đã sử dụng để cướp bóc kiến thức và công nghệ phương tây và đẩy các nền dân chủ vào vòng nguy khốn. 

    Ông McCallum chẳng hạn đã nêu bật một số phương thức hành động, từ cử gián điệp đi trực tiếp trộm cắp, lợi dụng chuyển giao công nghệ, cho đến gài người vào các định chế nghiên cứu phương Tây dưới vỏ bọc hợp tác, nghiên cứu khoa học, hay lừa đảo, mua chuộc để tuyển mộ những chuyên gia nhẹ dạ.  

    Một ví dụ được Tổng giám đốc MI5 nêu lên là trường hợp một sĩ quan tình báo Trung Quốc tên Shu Yenjoon, đã bị kết án tại Mỹ với tội danh gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại trong lĩnh vực hàng không Hoa Kỳ, nhưng cũng từng hoạt động ở châu Âu. 

    Một ví dụ khác là vụ công ty Anh Smith’s Harlow trong ngành cơ khí chính xác. Vào năm 2017, Smith’s Harlow đã ký một thỏa thuận hợp tác với Futures Aerospace một công ty Trung Quốc, trong đó bao hàm cả việc chuyển giao công nghệ. Thế nhưng sau khi đã lấy được công nghệ, Futures đã hủy bỏ thỏa thuận và Smith’s Harlow bị phá sản vào năm 2020. Chủ tịch công ty Anh khi ấy đã phải ngậm ngùi công nhận: “Trung Quốc đã lấy được những gì họ muốn nên không cần lớp vỏ của Smith’s Harlow nữa”. 

    Ông Christopher Wray, giám đốc FBI cũng nói đến tình trạng gián điệp Trung Quốc “len lỏi vào các hang cùng ngõ hẻm trên đất Mỹ để đào bới và đánh cắp các thành quả mà bản thân Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm để phát triển”. 

    Theo Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS: “Các cáo buộc gián điệp kinh tế và công nghiệp nhắm vào Bắc Kinh không phải là mới lạ, nhưng giờ đây, mối quan tâm của Mỹ và Anh là cố cho thấy rằng Trung Quốc, nước ngày càng có thêm nhiều phương tiện kinh tế và tự tin hơn trên trường quốc tế, đã hoành hành dữ dội hơn trong lãnh vực gián điệp”. 

    Một nhà đấu tranh Thiên An Môn bị nhắm tới 

    Điều mới mẻ trong các cáo buộc là sự tập trung vào mối đe dọa mà gián điệp Trung Quốc gây ra cho các nền dân chủ phương Tây. Giám đốc FBI Christopher Wray đã nêu bật ví dụ về cả một chiến dịch do Bắc Kinh tiến hành nhằm ngăn chặn bằng mọi cách việc một ứng cử viên mà họ không thích, ra tranh cử chức dân biểu trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây. 

    Ông chủ FBI không đề cập đến tên của người bị Bắc Kinh nhắm tới, chỉ nói rằng đây là một người Hoa đã nhập tịch Mỹ, đã từng tham gia vào các cuộc biểu tình ở Quảng Trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) năm 1989. 

    Thực ra, người được đề cập đến là ông Hùng Diễm (Yan Xiong), nhân chứng mà cảnh ngộ đã được mô tả cặn kẽ trong cuộc điều tra liên bang dẫn đến quyết định của Tư Pháp Mỹ vào tháng 03/2022, truy tố một số công dân Trung Quốc về tội “sách nhiễu và đe dọa”. 

    Hùng Diễm nằm trong danh sách những nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc bị Bắc Kinh truy nã gắt gao nhất, với cáo buộc là đã đóng một vai trò hàng đầu trong việc tổ chức phong trào sinh viên năm 1989. Sau cuộc trấn áp biểu tình ở Thiên An Môn, nhân vật này đã trốn sang Hoa Kỳ vào năm 1992, nơi ông được nhập tịch và sau đó đã phục vụ tám năm trong Quân Đội Mỹ. 

    Một cuộc sống mới đã không ngăn cản ông tiếp tục vận động chống lại chế độ Trung Quốc. Ông thậm chí đã đến Hồng Kông năm 2009 để thể hiện hậu thuẫn cho phong trào ủng hộ dân chủ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc ông ra ứng cử nhân cuộc bầu cử lập pháp tháng 11/2022 tại bang New York đã làm mất lòng chính quyền  Trung Quốc. 

    Phương pháp hành động thô thiển 

    Để ngăn không cho đối tượng bị nhắm tới của mình ra tranh cử, Trung Quốc đã sử dụng mọi thủ đoạn để bôi nhọ, đặc biệt là thuê thám tử tư ngay tại Mỹ để giúp họ đạt mục tiêu.  

    Theo bản cáo trạng của công tố viên New York, cơ quan tình báo Trung Quốc đã thuê thám tử tư với nhiệm vụ đào bới quá khứ của ứng cử viên Hùng Diễm để tìm ra những yếu tố có thể phá vỡ uy tín của nhân vật này.

    Họ thậm chí sẵn sàng ngụy tạo bằng chứng nếu không tìm ra điều gì. Bản cáo trạng ghi nhận là điệp viên Trung Quốc đã ra lệnh cho thám tử tư: “Hãy kiếm một cô gái, có thể anh ta sẽ bị cám dỗ”. Theo tờ New York Times, tình báo Trung Quốc cũng xem xét việc giả mạo tờ khai thuế để biến Hùng Diễm thành một kẻ lừa đảo.  

    Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những điều này không thành công? Việc sử dụng bạo lực dường như không bị loại trừ. Một số đoạn băng được các nhà điều tra tịch thu cho thấy một số khả năng được nêu lên: “đánh cho đến khi nạn nhân không thể đi lại được nữa”, thậm chí gây nên một tai nạn xe hơi.. 

    Hùng Diễm đã thoát khỏi số phận đáng buồn này trong gang tấc. Người thám tử tư được thuê thích khai mọi chuyện với nhà chức trách Mỹ hơn là thực hiện các kế hoạch của khách hàng Trung Quốc!

    Ý đồ hù họa mọi người Trung Quốc ở hải ngoại

    Theo chuyên gia Antoine Bondaz, vụ "Hùng Diễm" là một "ví dụ tuyệt vời nếu chúng ta muốn truyền tải thông điệp theo đó Trung Quốc đại diện cho một mối nguy hiểm thực sự".  

    Tuy nhiên, các chuyên gia được France24 phỏng vấn cũng cho rằng vụ đó không nhất thiết đại diện cho mô thức hành động của Trung Quốc.

    Ông Zeno Leoni khẳng định: "Đó không phải là một cách làm quá tinh vi và rốt cuộc không mấy hiệu quả". Antoine Bondaz cũng nhấn mạnh: “Sự can thiệp của Trung Quốc vào nội tình chính trị nước khác thường diễn ra nhiều hơn thông qua việc tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, như ở Úc”. 

    Đối với Zeno Leoni, vụ Hùng Diễm là một chiến lược của Trung Quốc nhằm đe dọa cộng đồng người Hoa ở nước ngoài hơn là một cuộc tấn công toàn diện vào các thể chế dân chủ của Mỹ: “Đó là một cách để nói với những người Trung Quốc muốn chỉ trích chế độ từ nước ngoài rằng sự lưu vong sẽ không bảo vệ họ khỏi cánh tay báo thù của Bắc Kinh”. 

    Vụ chiếm Quốc Hội Mỹ: Nhân vật thân tín với cựu TT Trump chấp nhận trình diện

    11/07/2022 

    Steve Bannon, nguyên cố vấn Nhà Trắng cho cựu Tổng thống Donald Trump, đến Tòa án cấp quân ở thủ đô Washington, (Hoa Kỳ), ngày 15/06/2022. REUTERS - ELIZABETH FRANTZ 

    Thêm một diễn biến mới trong cuộc điều tra về vụ người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump tấn công điện Capitol gây chấn động, khiến 5 người chết. Theo truyền thông Mỹ hôm qua, 10/07/2022, ông Steve Bannon, nguyên cố vấn của ông Trump, chấp nhận ra trình diện trước ủy ban điều tra của Hạ Viện Mỹ.    

    Ông Steve Bannon nằm trong số vài chục nhân chứng mà ủy ban điều tra triệu tập. Cho đến trước thông tin này, cựu cố vấn chiến lược 68 tuổi của Donald Trump đã cự tuyệt hợp tác với tư pháp. Ông Steve Bannon, một cố vấn kín đáo nhưng được coi là rất có ảnh hưởng với ông Trump, đã đóng vai trò quan trọng trong việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Các tiết lộ bất ngờ của cựu trợ lý chánh văn phòng tổng thống, cô Cassidy Hutchinson, trước ủy ban điều tra, về vai trò của cựu tổng thống đối với cuộc bạo động ngày 06/01/2021, có thể đã buộc ông Trump phải chấp nhận để cựu cố vấn Bannon lên tiếng.  

    Tường trình của thông tín viên Thomas Harms từ Houston:  

    Steve Bannon trước đó đã từ chối trình diện trước ủy ban điều tra của Quốc Hội, ngay cả khi bị tư pháp chính thức gửi yêu cầu. Việc này khiến ông Steve Bannon hai lần bị cáo buộc coi thường tư pháp. Tuy nhiên, cuối tuần này, ủy ban điều tra của Quốc Hội đã nhận được một lá thư của luật sư của ông Steve Bannon, kèm theo một lá thư của cựu tổng thống Donald Trump. Lá thư này có thể hiểu như một thông điệp từ phía cựu tổng thống Trump, yêu cầu ông Bannon ra trình diện trước ủy ban điều tra, để truyền đi một thông điệp khác, sau những lời khai báo gây chấn động của cô Cassidy Hutchinson, trợ lý chánh văn phòng của ông Donald Trump.  

    Trong bức thư nói trên, ông Donald Trump đã phàn nàn về cách mà ông bị đối xử không công bằng, về số tiền cắt cổ phải chi trả cho các khoản chi phí pháp lý, và về những tổn thương mà ông phải trải qua vì ’’lòng yêu nước của mình’’.  

    Ông Donald Trump đề xuất rút lại quyền miễn trừ của tổng thống mà ông đã dành cho Steve Bannon trước đó (theo quyền miễn trừ được viện ra này, các trao đổi giữa tổng thống và các cộng sự được giữ bí mật). Quyền miễn trừ mà trên thực tế ủy ban điều tra Quốc Hội Mỹ chưa bao giờ công nhận (đối với một tổng thống hiện không còn tại vị).  

    Bất luận thế nào, việc ông Steve Bannon đề nghị ra giải trình trước ủy ban điều tra Quốc Hội, về vụ tấn công ngày 6/1, diễn ra vào lúc đương sự dự kiến ​​sẽ ra tòa vào hôm nay, thứ Hai 11/07, với mục tiêu cố gắng hoãn lại phiên tòa xét xử cáo buộc coi thường tư pháp, cho đến tháng 10/2022. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong một tuần nữa, kể từ ngày 18/07. Nếu bị buộc tội, ông Bannon có nguy cơ bị phạt tù một năm và phải nộp 100.000 đô la tiền phạt.  

    Ủy ban điều tra : ông Bannon ‘‘biết chính xác nhiều điều sẽ xảy ra ngày 6/1’’ 

    Vào thời điểm cuộc tấn công nhà Quốc Hội, Steve Bannon không đảm nhiệm chức vụ nào, nhưng theo ủy ban điều tra, ông Bannon đã có các thảo luận với tổng thống sắp mãn nhiệm, về cuộc biểu tình, trong những ngày trước đó. Theo AFP, ông Bannon được ghi nhận đã có mặt tại ‘‘địa điểm xử lý khủng hoảng’’, cùng với nhiều cố vấn của tổng thống, được bố trí ở một khách sạn hạng sang ở Washington trước và sau vụ tấn công điện Capitol.  

    Theo báo chí Hoa Kỳ, ủy ban điều tra Quốc Hội Mỹ đang điều tra kỹ về các quan hệ giữa những người thân cận với cựu tổng thống Trump và các nhóm cực đoan bị cáo buộc thúc đẩy cuộc tấn công điện Capitol. Ủy ban muốn nghe Steve Bannon vì nhân vật này được coi là ‘‘có những hiểu biết chính xác về diễn biến dự kiến diễn ra ngày 6/1/2021, trước khi sự việc xảy ra’’. Hôm trước đó, chính ông Bannon đã tuyên bố trên một chương trình radio là ‘‘tất cả đã đủ điều kiện, và đây là thời điểm tấn công’’.  


    Không có nhận xét nào