Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 30 tháng 6 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tổng thống Zelensky đề nghị NATO viện trợ 5 tỷ USD mỗi tháng

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/06/Zelensky-29-6-1024x626-1.jpg

    Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu qua video tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha hôm 29/6. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine) 

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu qua video tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid hôm thứ Tư (29/6), đã thúc giục các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo hãy tăng cường hỗ trợ Kyiv cả về quân sự và tài chính trong bối cảnh cuộc chiến tranh với Nga. Ông Zelensky mong muốn nhận được 5 tỷ USD mỗi tháng từ NATO.

    Ông Zelensky tuyên bố rằng nếu Ukraine thất bại sẽ dẫn đến bùng nổ cuộc chiến tranh “bị trì hoãn” giữa Nga và toàn bộ phương Tây. Ông cảnh báo rằng tham vọng của Nga không chỉ dừng lại ở Ukraine.

    “Hoặc là viện trợ khẩn cấp đầy đủ cho Ukraine để chiến thắng, hoặc [sẽ bùng nổ] một cuộc chiến tranh ‘bị trì hoãn’ giữa Nga và quý vị”, ông Zelensky nói với các nhà lãnh đạo NATO đang họp thượng đỉnh tại Madrid, Tây Ban Nha.

    “Đây không phải là một cuộc chiến tranh được người Nga phát động chỉ để chống lại mỗi Ukraine. Đây là cuộc chiến tranh vì quyền được ra các điều kiện trong châu Âu, cho tương lai trật tự thế giới sẽ như thế nào”, ông Zelenky nói.

    Ông Zelensky tuyên bố đất nước Ukraine cần cả viện trợ quân sự và tài chính trực tiếp, nói rõ rằng Kyiv cần khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng để bù đắp thâm hụt ngân sách. Các quan chức cấp cao của Ukraine thời gian qua cũng đã nhiều lần kêu gọi phương Tây hỗ trợ tài chính.

    “Viện trợ tài chính cho Ukraine cũng quan trọng như chuyển vũ khí”, ông Zelensky nói. “Chúng tôi cần khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng, quý vị biết điều đó. Và đây là điều cơ bản, là cần thiết để phòng thủ và bảo vệ”.

    Tổng thống Ukraine khẳng định rằng một khi cuộc chiến tranh với Nga kết thúc, Ukraine phải trở thành một nơi được bảo đảm an ninh trong cấu trúc an ninh chung của phương Tây, chứ không phải vẫn duy trì là “vùng xám” giữa Nga và khối NATO.

    “Chúng tôi cần các đảm bảo an ninh, và quý vị phải tìm một vị thế cho Ukraine trong không gian an ninh chung này”, ông Zelensky nhấn mạnh.

    Ngoại trưởng Anh: Mọi nỗ lực xâm lược Đài Loan đều sẽ là ‘sai lầm thảm khốc’

    Huyền Anh

    Ngoại trưởng Anh: Mọi nỗ lực xâm lược Đài Loan đều sẽ là 'sai lầm thảm khốc'

    Ngoại trưởng Anh Liz Truss họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tại Bộ Ngoại giao ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 23/6/2022. (Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images) 

    Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo, bất kỳ nỗ lực nào của ĐCSTQ nhằm xâm lược Đài Loan đều sẽ là “tính toán sai lầm thảm khốc”. Đồng thời bà nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh có nguy cơ mắc phải sai lầm tương tự như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc phải ở Ukraine.

    Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, bà Truss cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc. Chúng ta cũng biết rằng Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ chiến sự tại Ukraine. Họ đang mở rộng khả năng quân sự và mở rộng sức ảnh hưởng lên phạm vi toàn cầu”.

    Bà Truss nói rằng báo cáo chiến lược mới của NATO sẽ đưa ra “tham chiếu cụ thể” về Trung Quốc bởi vì “đây không chỉ là vấn đề của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mà còn là vấn đề của an ninh Euro – Đại Tây Dương”.

    Bà cảnh báo: “Tôi nghĩ rằng với việc Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng của mình thông qua cưỡng ép kinh tế và xây dựng một quân đội có năng lực, có sức đe doạ, chính là việc họ đưa ra một ý tưởng sai lầm, sẽ dẫn đến một tính toán sai lầm thảm khốc, chẳng hạn như xâm lược Đài Loan”.

    Cần có ‘Giải pháp Kinh tế thay thế’

    Ngoại trưởng cho biết điều quan trọng là “thế giới tự do cần hợp tác cùng nhau để giúp đảm bảo rằng Đài Loan có thể tự vệ và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

    Bà nói rằng các quốc gia phương Tây cần phát triển các giải pháp kinh tế thay thế cho Trung Quốc để đảm bảo họ không bị phụ thuộc vào quốc gia này giống như cách một số quốc gia đang bị phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

    “Đây không chỉ là vấn đề anh ninh. Đó là về an ninh kinh tế”, bà Truss nói.

    Bà cho biết sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào dầu và khí đốt của Nga “đã góp phần tạo ra cảm giác mà Nga cảm thấy có khả năng xâm lược Ukraine”.

    Bà nói rằng phương Tây cần phải học bài học “càng sớm càng tốt,” tránh trở nên “phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc” và đảm bảo rằng nước này có “những lựa chọn thay thế mạnh mẽ”.

    Thách thức kinh niên của Trung Quốc

    Hội nghị thượng đỉnh Madrid sẽ tập trung vào tương lai của NATO để đối phó với không chỉ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine mà còn cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một mối đe dọa quân sự.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các đồng minh đều đồng ý rằng Trung Quốc “là một thách thức đối với các giá trị cốt lõi, lợi ích và an ninh của NATO”.

    Tướng Sir Patrick Sanders, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Anh, cho biết tại một sự kiện ở London vào ngày 28/6 rằng phương Tây “không thể bỏ qua sự trỗi dậy theo cấp số nhân và thách thức kinh niên của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông mà nước này còn mở rộng sức ảnh hưởng trên phạm vi trên toàn cầu”.

    Ông nói rằng việc các nước châu Âu gánh vác nhiều trách nhiệm quốc phòng hơn là “đúng đắn”, bởi vì “gánh vác gánh nặng ở châu Âu cũng chính là việc giải phóng thêm nguồn lực của Hoa Kỳ, để đảm bảo rằng các giá trị và lợi ích của lực lượng được bảo vệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như đối phó với mối đe doạ đang trỗi dậy của Trung Quốc”.

    Philippines : Tân tổng thống Ferdinand Marcos Jr tuyên thệ nhậm chức

    Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr., tuyên thệ nhậm chức tổng thống Philippines. Ảnh ngày 30/06/2022 tại Bảo Tàng Quốc Gia, Manila. REUTERS - ELOISA LOPEZ 

    Ferdinand Marcos Jr, con trai nhà cựu độc tài Philippines Ferdinand Marcos, hôm nay 30/06/2022 tuyên thệ nhậm chức tổng thống, kế nhiệm ông Rodrigo Duterte, sau nhiều thập kỷ nỗ lực nắm lại quyền lực của gia tộc Marcos kể từ khi nhà độc tài bị lật đổ hồi năm 1986. 

    Lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Ferdinand « Bongbong » Marcos Jr, 64 tuổi, diễn ra tại Bảo tàng quốc gia ở thủ đô Manila, với sự tham dự của hàng trăm khách mời danh dự trong nước và quốc tế, trong đó có phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qichan). Theo AFP, hơn 15.000 cảnh sát, binh lính và lực lượng hải cảnh đã được triển khai để bảo đảm an toàn cho lễ nhậm chức của tổng thống.

    Trong bối cảnh giá cả tăng mạnh trong khi kinh tế đất nước đã bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề, tân tổng thống Marcos Jr đặt đấu tranh chống lạm phát, tái thúc đẩy tăng trưởng và tăng sản xuất lương thực, thực phẩm là các ưu tiên trong nhiệm kỳ. Ông Marcos Jr đã không giấu sự ngưỡng mộ, ngợi ca sự lãnh đạo của cha ông, nhà độc tài đã cai trị đất nước trong gần 3 thập kỷ, khẳng định cha ông đã cho xây dựng nhiều đường sá và sản xuất nhiều lúa gạo hơn tất cả các nhà lãnh đạo tiền nhiệm cộng lại.

    Marcos Jr cũng cam kết bảo vệ các quyền của Philippines ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn. Khác với người tiền nhiệm Duterte đã rời xa Hoa Kỳ để hướng tới Trung Quốc, Marcos Jr nhấn mạnh sẽ thiết lập một mối quan hệ cân bằng hơn với cả hai siêu cường. Hồi tháng 05, ông cho biết sẽ áp dụng chính sách đối ngoại « làm bạn với tất cả, không là kẻ thù của ai hết », nhưng cũng khẳng định sẽ bảo vệ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế chống lại Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên.

    Tổng thống Indonesia thăm Nga và Ukraine

    Một loạt các nhà lãnh đạo quốc gia đã đến gặp hai lãnh đạo Nga và Ukraine trong bốn tháng qua. Nhân vật mới nhất sẽ là Joko Widodo, tổng thống Indonesia. Sau khi đến thăm Volodomyr Zelensky vào thứ Tư, Jokowi, biệt danh ông thường được gọi, sẽ gặp Vladimir Putin vào thứ Năm.

    Jokowi là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm cả hai nước kể từ khi Nga xâm lược. Ông đã mô tả “sứ mệnh” của mình là cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực có nguy cơ đẩy các nước nghèo, vốn phụ thuộc vào ngũ cốc từ Nga và Ukraine, “xuống vực thẳm của đói nghèo cùng cực.” Ông khó có khả năng thành công. Nhưng với tư cách là chủ tịch thượng đỉnh G20 năm nay vào tháng 11, ông đã mời cả ông Zelensky lẫn ông Putin tham dự, mặc dù Ukraine không phải thành viên. Nếu họ đến dự, đó sẽ là một thành tựu lớn. Và tốt hơn nữa nếu ông có thể định vị Indonesia như một cường quốc thế giới đủ khả năng hòa giải xung đột.

    Kế hoạch khai thác dầu khí của chính quyền Biden

    Với giá xăng dầu cao kỷ lục và lạm phát đạt đỉnh 40 năm, tổng thống Joe Biden đang đứng dưới áp lực phải hành động. Kế hoạch 5 năm của chính quyền ông về phát triển dầu khí và khí đốt tự nhiên ngoài khơi, sẽ được công bố dự thảo vào thứ Năm, có thể cho thấy cách họ dự định đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

    Các đảng viên Cộng hòa (và đôi khi là đảng Dân chủ thân thiện với nhiên liệu hóa thạch) đã chỉ trích chính quyền Biden vì do dự mở các địa điểm khai thác mới ngoài khơi. Họ cho rằng tăng cung sẽ giúp giảm giá. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường tin rằng cắt giảm nguồn cung nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để hướng nước Mỹ tới năng lượng xanh. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa vì ông Biden từng hứa khi tranh cử là sẽ cấm hoạt động khoan mới trong vùng biển liên bang.

    Song phải nhận thấy rằng cho dù ông Biden có kế hoạch gì đi nữa, nhiên liệu cũng sẽ không đến đủ nhanh để giải quyết những khó khăn năng lượng hiện tại của Mỹ. Các công ty vẫn chưa thể tham gia đấu giá thuê địa điểm khai thác cho tới khi kế hoạch khai thác dầu khí được thông qua vào cuối năm nay. Một khi được tiến hành, họ sẽ phải mất vài năm để có thể bơm dầu ra thị trường. Người Mỹ còn phải chịu đựng giá xăng dầu đắt đỏ trong một thời gian tới.

    Hàn Quốc và Mỹ dự kiến "độc lập" gây sức ép với Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân

    Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden (giữa) họp với đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Madrid, bên lề thượng đỉnh NATO. Ảnh ngày 29/06/2022. © Reuters 

    Hàn Quốc và Mỹ đang tăng tốc chuẩn bị tạo sức ép toàn diện lên Bắc Triều Tiên trước nguy cơ nước này sẽ có thể lên kế hoạch cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 7. 

    Trong cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật – Hàn hôm 29/06/2022, tổng thống Joe Biden và đồng cấp Yoon Suk Yeol đã thảo luận riêng về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong hoàn cảnh Bình Nhưỡng có thể sẽ có những hành động khiêu khích như thử nghiệm hạt nhân.

    Đặc biệt lưu ý là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Hàn sẽ thực hiện độc lập nhằm thúc đẩy các nghị quyết mới của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và tăng thêm sức răn đe với Bắc Triều Tiên. Trước đây Seoul thường trừng phạt Bình Nhưỡng dựa trên các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặc dù các biện pháp trừng phạt độc lập của Hàn Quốc chưa được thảo luận tuy nhiên điều này có thể chứng minh vị thế mới của Seoul trong quan hệ với Hoa Kỳ.

    Hàn Quốc và Mỹ dường như đang chờ đợi là Bắc Triều Tiên sẽ lại thử nghiệm hạt nhân. Tháng trước, Mỹ đã đề xuất một nghị quyết liên quan đến các lệnh trừng phạt bổ sung với Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc và Nga đều thực hiện quyền phủ quyết. Cho nên nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có thể sẽ phải đưa ra một nghị quyết mới về vấn đề này.

    Cố vấn An Ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 28/06/2022 để ngỏ khả năng Nhà Trắng đã phải tiềm kiếm các biện pháp trừng phạt mới. 

    “Trừng phạt mới” có thể ngầm hiểu là các trừng phạt liên quan đến tiền điện tử. Trong thời gian đại dịch, Bắc Triều Tiên đã nhiều lần bị cáo buộc ăn cắp hàng trăm triệu đô la tiền điện tử từ các công ty công nghệ liên quan đến blockchain của Mỹ.  

    Hơn 25.000 người Việt bị nước ngoài trục xuất trong vòng ba năm

    30/6/2022


    Hơn 25.000 người Việt bị nước ngoài trục xuất trong vòng ba năm

    Hình minh hoạ. Nhân viên Cơ quan Xuất nhập cảnh Đài Loan dẫn 3 người đàn ông (đeo khẩu trang) bị cho là những người du lịch Việt Nam bỏ trốn hôm 28/12/2018 

    AFP 

    Trong vòng khoảng ba năm tính từ năm 2018 đến nay, có khoảng hơn 25.000 người Việt bị nước ngoài trục xuất và gần 800 vụ việc Bộ Công an Việt Nam được phía nước ngoài yêu cầu xử lý liên quan đến người Việt vi phạm luật pháp ở nước ngoài.

    Thông tin này được Thượng tướng Lương Tam Quang nêu ra trong Hội nghị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra hôm 29/6 vừa qua.

    Đại diện Bộ Công an cho biết, tình hình người Việt Nam vi phạm luật pháp ở nước ngoài diễn biến phức tạp liên quan đến buôn bán người, ma tuý, mại dâm, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã.

    Bộ Công an cũng lưu ý, trong thời gian gần đây đã xuất hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước để lao động, nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến.

    Nguyên nhân của hiện tượng này được ông Lương Tam Quan xác định là do quy định pháp luật hiện hành thiếu tính răn đe, chưa quy định hậu quả pháp lý cụ thể đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài. Các chế tài với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng người Việt đi làm theo hợp đồng vi phạm pháp luật nước sở tại chưa đủ nghiêm khắc.

    Ngoài ra, phía Bộ Công an cũng nêu ra một số khó khăn khác liên quan đến việc ngăn chặn và xử lý tình trạng người Việt vi phạm luật pháp ở nước ngoài bao gồm: Việc phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong giải quyết tình trạng người Việt phạm pháp ở nước ngoài còn chậm, hiệu quả chưa cao; những hành vi này cũng thuộc quyền tài phán nước sở tại, do đó việc thu thập xác minh thông tin, củng cố tài liệu xử lý theo pháp luật Việt Nam khá khó khăn.

    Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trong một kết luận về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, ban hành vào năm 2021, nhấn mạnh người Việt Nam là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

    Việt Nam trong các năm qua cũng đẩy mạnh việc đưa người Việt đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Đây là nguồn mang lại lượng kiều hồi lớn cho Việt Nam trong số lượng kiều hối do Việt kiều gửi về nước cho người thân.

    Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 12,5 tỷ đô la, tăng 10% so với năm 2020. Ngân hàng Nhà nước xác định đây là nguồn lực tài chính rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

    Hơn 6.000 vụ tấn công mạng vào các hệ thống thông tin mạng ở Việt Nam trong sáu tháng qua

    30/6/2022

    Hơn 6.000 vụ tấn công mạng vào các hệ thống thông tin mạng ở Việt Nam trong sáu tháng qua

    Hình minh hoạ: Tấm biển đề an toàn mạng trên cửa sổ một cửa hàng máy tính ở Mỹ 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã đưa ra cảnh báo về tình trạng tấn công có chủ đích (APT) đang ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi ở Việt Nam. 

    Báo An Ninh Thủ Đô cho biết, NCSC đã đưa ra cảnh báo rằng cơ quan này phát hiện thời gian gần đây, nhiều nhóm tấn công APT đang tích cực hoạt động, để thực hiện tấn công vào hệ thống thông tin của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

    Theo thống kê của NCSC, trong sáu tháng qua, cơ quan này đã hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong số này có, 1.696 sự cố tấn công lừa đảo (Phishing), 859 sự cố tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 4.086 cuộc tấn công cài mã độc (Malware).

    Trung bình trong 6 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng các hệ thống thông tin tại Việt Nam phải hứng chịu 1.107 sự cố tấn công mạng, tăng 36,5% so với trung bình năm 2021.

    Nguyên nhân của sự gia tăng các sự cố tấn công mạng thời gian qua được NCSC lý giải là do sự gia tăng mạnh của loại hình tấn công mạng lừa đảo – Phishing, khi xuất hiện ngày càng nhiều các trang web lừa đảo, ứng dụng lừa đảo trên mạng xã hội.

    NCSC cũng cảnh báo tình trạng nhiều chiến dịch tấn công lừa đảo nhằm vào các ngân hàng tại Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, thông tin giao dịch thanh toán của người dùng. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan này đã nhận được khoảng 1.000 lượt phản ánh của người dân về các vụ lừa đảo trên không gian mạng.


    Không có nhận xét nào