Header Ads

  • Breaking News

    Trần Huỳnh Châu - Hồi ký: Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt

     https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2021/06/bia_nnctobv-3.jpg?w=640

    Hồi ký gồm 11 chương sẽ lần lượt đăng tải trên báo Quốc Dân.

    Tiểu sử tác giả

    Tựa: của Mai Thảo và Vũ Khiêm


    Tiểu sử tác giả

    Ông Trần Huỳnh Châu sinh năm 1937 tại Nha Trang. Thời chiến tranh trước năm 1954 ông theo gia đình tản cư về nguyên quán tức vùng rừng núi Quảng Nam. Tới năm 1952 ông trốn về vùng do chính quyền Quốc Gia kiểm soát, trở lại Nha Trang rồi vào Ba Ngòi làm giáo viên ở một trường tiểu học tư thục. Một năm sau, ông trở về Nha Trang, tiếp tục theo học trường Võ Tánh cho đến khi đổ văn bằng Tú Tài phần nhất. Vào Sài Gòn theo học trường Chu Văn An rồi thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1958. 

    Vốn thuộc gia đình cách mạng nên Trần Huỳnh Châu luôn luôn có những tư tưởng và hành động tích cực trong tâm niệm là phải làm một cái gì cho tổ quốc. Cho nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã được nhiều người chú ý. Một năm sau khi tốt nghiệp, Trần Huỳnh Châu đã giữ một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là Chánh sự vụ Sở Thông Tin Đô Thành. Ba năm sau, ông được cử làm Phó Tỉnh Trưởng Quảng Ngãi. Năm 1968, ông nhập ngũ theo lệnh động viên vào khóa 3/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Khi nhận cấp bậc chuẩn úy trừ bị, ông lại được biệt phái về Bộ Nội Vụ để đi làm Phó Tỉnh Trưởng Kiến Hòa. Tên tuổi ông trong giới hành chánh mỗi ngày một nổi bật và được coi là một trong những cán bộ trẻ có tài. Năm 1973, ông được mời giữ chức Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ. 

    Khi miền Nam lọt vào tay Cộng sản , Trần Huỳnh Châu bị bắt đi “cải tạo” ở trại Long Thành từ tháng 6/1975 đến tháng 10/1975. Ông bị đưa ra Bắc tháng 11/1975, lao động khổ sai ở Quảng Ninh. Tới tháng 8/1978 Cộng sản chuyển ông vào trại cải tạo Lý Bá Sơ ở Thanh Hóa. 

    Tháng 4/1980 ông mang được một người con trai lên chín tuổi, bỏ vợ và hai người con ở lại, dùng thuyền vượt biển tới Thái Lan. Với uy tín của ông, đồng bào trong trại tị nan Sonkhla đã đề cử ông giữ chức vụ trưởng trại. Cũng chính trong thời gian này, ông đã dành thì giờ để viết tập hồi ký này. Nhưng tập Hồi ký này lại được hoàn tất ở trại tị nạn Ga Lang (Nam Dương) và ngay sau đó đã được chuyển sang Hoa Kỳ, giao cho Ban Chấp hành Hội Cựu Sinh Viên Quốc Ga Hành Chánh để tùy hoàn cảnh mà phổ biến. 

    Tập Hồi Ký của ông Trần Huỳnh Châu do Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh và Tạp chí Tiểu Thuyết Nguyệt San hợp tác ấn hành bằng Vịệt ngữ . Hiện (1981) Hội này đang gấp rút dịch sang Anh ngữ để giao cho một tổ chức quốc tế, mục tiêu là tranh đấu cho nhân quyền, xuất bản và phổ biến khắp thế giới. 

    Tựa của Mai Thảo

    Từ cuối thu ’75 đến đầu xuân ’76, sau khi đã sắp đặt xong guồng máy bạo lực chuyên chính trên toàn lãnh thổ Miền Nam, bầy đao phủ đỏ ở Hà-nội lập tức bắt tay vào thực hiện một loại biện pháp hành hạ và trả thù dân chúng Miền Nam, trong đó lớn lao và thâm độc mọi rợ nhất là cuộc di chuyển hàng trăm ngàn trí thức, chính khách, nghệ sĩ, sĩ quan, công chức quốc gia từ những trại tập trung miền Nam ra những trại tù khổ sai miền Bắc. 

    Tàn nhẫn không thua gì vụ đày ải hàng triệu thường dân Nga vô tội tới địa ngục Siberie thời Staline; thú vật không kém gì vụ lùa đẩy sáu triệu người Do Thái Âu Châu tới những lò nấu xác của phát xít Đức thời Đệ Nhị Thế Chiên, cuộc chuyển tù vĩ đại từ Nam ra Bắc khởi sự từ mùa đông ’75 đen tối ở Việt Nam cũng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tội ác của loài người. 

    Không được gặp mặt thân nhân trước phút đội gai đi vào con đường khổ hình thăm thẳm của phát vãng biệt xứ vô thời hạn, hai người một còng, từng đoàn, từng đợt tù nhân của chế độ mới, trong mùa nắng đầy đọa, bị đẩy xếp lên những đoàn công-voa, những xe tải bít bùng, những toa tàu đóng kín, đi suốt đêm ngày, đi suốt miền Trung, tới những đia ngục trần gian miền Bắc, đói khát, ngã bệnh một số tù nhân bỏ mình ở dọc đường. Một số tới nơi ít ngày rồi chết. Với phần còn lại, là những tháng năm khổ hình dằng dặc bắt đầu. 

    Thiết lập phần lớn ở những vùng rừng núi hoang dậm lam chướng nhất trong đó có những trại tù đã rùng rợn nổi tiếng của thực dân và đế quốc để lại, mỗi trại “tập trung cải tạo” của Cộng sản ở miền Bắc là một đáy thẳm âm ty tách rời hẳn với thế giới loài người. Ở những cõi âm này không có tự do, không có ánh sáng. Không có hy vọng, không có ngày mai. Ở những công trường của khổ sai lạo động này, “nhân đạo” là một danh từ tối thậm vô nghĩa, nhân phẩm bị nghiền nát, nhân tính là kẻ thù. Và tồn tại và sống sót và trở về được là một phép lạ, một kỳ diệu. 

    Loài người sẽ chẳng bao giờ có nổi một ý niệm về những nơi chốn giam cầm khủng khiếp ở “thiên đường Xã Hội chủ nghĩa Liên Xô”, nếu không có Khu Ung Thủ, Quần Đảo Ngục Tù của Soljenetsyne . Cũng vậy, mặc dầu chỉ thu gọn vào hơn 190 trang sách và đó là điều đáng tiếc nhất của thiên hồi ký nầy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy được sự thật hãi hùng của những trại tập trung của Cộng sản ở miền Bắc, nếu không có những thiên hồi ký như Những Năm Cải Tạo ở Bắc Việt này của Trần Huỳnh Châu. 

    Thời đại chúng ta, nếu thiên đường vẫn chỉ là ảo tưởng và thần thánh đã chết, ngược lại địa ngục lại có thật, lại có thật những thể chế chuyên chính xây cất trên những địa ngục của người mà chuyên chính vô sản ở Việt Nam hiện nay và hệ thống lao tù của nó là hiện thân kinh hoàng nhất. 

    Đi theo Trần Huỳnh Châu từng bước một, trên con đường khổ hình của ông, đi theo Trần Huỳnh Châu, từng bước một, từ những trại giam ở Thủ Đức, Long Thành miền Nam tới những trại tù Quảng Ninh, Lý Bá Sơ ở miền Bắc, do đó không chỉ là một chia xẻ đau lòng và phẫn uất với cảnh ngộ tù nhân Trần Huỳnh Châu và hàng trăm ngàn đồng bào ta còn bi đọa đày ở những nơi chốn tác giả thiên hồi ký này vừa may mắn ra thoát, mà còn để thấy được trọn vẹn trong một lần, cái địa ngục Mác-xít vĩ đại chưa triệt hủy được đi trên trái đất này, trong đó có cái địa ngục chủ nghĩa, địa ngục chuyên chính mà năm mươi triệu đồng bào Nam Bắc chúng ta đã bị đọa đầy từ sáu năm nay./. 

    Mai Thảo

    Tựa của Vũ Khiêm

    Khi Đỗ Tiến Đức điện thoại yêu cầu tôi thay mặt cho Hội Cựu Sinh-Viên Quốc Gia Hành Chánh viết lời đề tựa cho tập Hồi Ký Những Năm “Cải Tạo” Ở Bắc Việt của Trần Huỳnh Châu, tôi không hiểu vì sao anh em lại dành cho tôi vinh dự này. Nhưng Đỗ Tiến Đức bảo là vì tôi thân với Trần Huỳnh Châu hơn nên phó thác cho tôi việc này. Dĩ nhiên là tôi vui lòng nhận lãnh, chẳng phải vì Trần Huỳnh Châu không có những người bạn thân khác ở Hoa Kỳ – mà thật ra Anh có nhiều lắm – mà vì tôi muốn nhân danh một người bạn đã quen Trần Huỳnh Châu từ 25 năm nay và nhân danh một người tỵ nạn đến đây từ năm 1975 để giới thiệu tập Hồi Ký này cho tất cả bạn đọc, vì tôi nghĩ nó chí tình hơn và vô tư hơn là giới thiệu của một trong những bạn đi sau và đã từng bị Cộng sản giam giữ kẻo bạn đọc có thế nghĩ rằng vì cùng chung cảnh ngộ nên ca ngợi lẫn nhau. 

    Khi nhận được tập bản thảo viết tay của tập Hồi Ký, tôi thật bồi hồi xúc động vì biết rằng nội dung của nó chắc chắn đã được viết ra bằng tim, bằng óc và với nhiều nước mắt. Tôi cố đọc ngấu nghiến cho xong tập Hồi Ký để có một cảm nghĩ tổng quát hầu viết lời giới thiệu. Thú thật, tôi đã nhiều lần không cầm được nước mắt dù là mới chỉ đọc lướt qua, bởi vì mỗi trang, mỗi cảnh ngộ đều là những hình ảnh sống về những sự đau đớn, quằn quại, khắc khoải của những người thân yêu của tôi và chắc chắn cũng là những người thân yêu của nhiều bạn đọc. Tôi phải nhìn nhận rằng Trần Huỳnh Châu là một con người can đảm, bởi vì những người bị tù Cộng sản được thả ra hoặc trốn thoát được ra mà sau này đến được Hoa kỳ, ít có ai còn đủ can đảm ngồi viết lại tất cả chuỗi ngày đau khổ của mình. Một số tuy có viết nhưng chỉ đủ đăng một vài kỳ báo và mốt số khác chỉ có thể ngồi kể lại những giai thoại đau thương chứ không viết ra được. Điều can đảm hơn nữa là Trần Huỳnh Châu vẫn còn kẹt vợ con ở nhà vì anh ra đi chỉ mang được một đứa con. Nhưng anh không hề sợ hãi. Lập trường của Trần Huỳnh Châu rất vững là đối với Cộng sản thì không có vấn đề tình cảm. Khi chúng đã muốn hại vợ con mình thì dù có van lạy hay tìm cách nịnh bợ thì chúng vẫn hại vợ con mình như thường. Còn nếu chúng đã không dám thì dù có chửi cha chúng lên chúng cũng không dám. Đối với Cộng sản , chỉ có tranh đấu chứ không có lùi bước. Tranh đấu bằng mọi cách, tranh đấu cho đến khi nào toàn bộ chế độ của chúng phải sụp đổ mới thôi chứ không có chuyện do dụ, lừng khừng. 

    Tôi không ngạc nhiên khi thấy Trần Huỳnh Châu có lập trường vững chắc như vậy vì Anh vốn xuất thân từ một gia đình cách mạng miền Trung. Thân phụ Anh là cựu nghị sĩ Trần Cảnh dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa. 

    Đọc tập Hồi Ký Ngục Tù của Trần Huỳnh Châu, tôi có cảm tưởng như đọc cuốn Hồi Ký Ngục Tù cuả Gary Powers, người phi công Mỹ lái máy bay U-2 đã bị bắn rồi trên không phận Nga Xô 22 năm trước đây, rồi bị KGB cầm tù 5 năm rồi mới được trao đổi với Đại Tá Abel, trùm gián điệp của Nga. 

    Hai tập Ngục Ký tựa tựa giống nhau về tâm tư của người bị giam giữ trong những chuỗi ngày khắc khỏai đợi chờ, nhưng có một điều khác giữa hai Hồi Ký đó là Gary Powers đã đợi chờ trong hy vọng vì biết chắc thế nào cũng có ngày được trả tự do, còn Trần Huỳnh Châu và các bạn đồng tù đã đợi chờ trong tuyệt vọng vì biết chắc rằng Cộng sản không bao giờ có ý định trả tự do cho ai cả trừ phi chúng bị bó bụộc phải tha một ít người để lấp liếm tội ác đang bị thế giới cáo buộc hoặc trong trường hợp chúng thật cần thiết đến mình. 

    Tôi hồi tưởng lại ngày mới sang đây, trong một lần trao đổi thư tín với một người bạn Mỹ đang làm việc tại Quốc Hội Hoa Kỳ, người đó viết cho tôi đại ý rằng “trước đây nhiều người nói nếu miền Nam Việt Nam sụp đổ thì thế nào cũng có tắm máu. Nhưng tin tức cho biết rằng đã không có tắm máu ởViệt Nam sau khi Cộng sản nắm quyền. Vì thế rất khó mà thuyết phục các nhà lập pháp làm điều họ muốn, vì đối với họ, sự giúp đỡ những người ty nạn thuần túy là vì lý do nhân đạo…” (ngụ ý là nếu người tỵ nạn không chạy sang Mỹ thì cũng đâu có chết vì đâu có ai giết họ!) 

    Ôi! tôi biết làm sao để nói cho người bạn đó hiểu rằng sống dưới chế độ Cộng sản , được tắm máu còn sướng hơn là chết dần chết mòn trong những trại tù heo hút nơi rừng thiêng nước độc trong lúc vợ con vẫn mòn mõi đợi chờ, và trong nhiều trường hợp vẫn tiếp tục thư từ và gửi qua tiếp tế khi chồng, cha mình đã ra người thiên cổ từ lâu! 

    Tôi biết làm sao để làm cho nhiều người Mỹ khác tin được rằng chế độ Cộng sản chẳng qua chỉ là một nhà tù vĩ đại trong đó cán bộ Cộng sản là cai tù và tất cả mọi người dân già trẻ lớn bé, đều là những tên tù khổ sai trong suốt cả cuộc đời. Chỉ có những ai đã từng sống dưới chế độ Cộng sản mới tin được những điều có vẻ phi lý đó. Riêng cá nhân tôi mới chỉ sơ sơ nếm mùi Cộng sản có một năm ở Hà Nội từ năm 1954 qua năm 1955 đã phải tìm cách trốn vào Nam nên cũng biết qua thế nào là sự bạo tàn của Cộng sản . 

    Tập Ngục Ký của Trần Huỳnh Châu không phải là một áng văn chương, vì đây không phải là một cuốn truyện hay tiểu thuyết sáng tác qua kinh nghiệm của đời mình. Đây là một Bản Cáo Trạng, một Chứng Liệu Sống về những tội ác tày trời của tập đoàn Cộng sản Việt Nam mà chắc chắn sau này lịch sử Việt Nam sẽ nghiêm khắc lên án. Tập Ngục Ký của Trần Huỳnh Châu sẽ góp phần không nhỏ trong việc cảnh tỉnh những ai trong thế giới tư do còn tin rằng Cộng sản dù sao cũng vẫn là người. Không! Trăm ngàn lần không! Tập đoàn Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn mất hẳn nhân tính. Họ chỉ là những người khát máu không hơn không kém. Nhưng thôi, lên án Cộng sản thì có viết cả đời cũng không tố giác hết tội ác của chúng. Hãy để nhũng người đọc Hồi Ký Ngục Tù tự tìm hiểu lấy xem con người Cộng sản dã man hay còn nhân đạo. Vì vậy, thay mặt Hội Cựu Sinh Viễn Quốc Gia Hành Chánh, tôi long trong giới thiệu tập Hồi Ký Những Năm “Cải Tạo” Ở Bắc Việt của Trần Huỳnh Châu, một cựu nghệ sĩ (lúc thiếu thời Anh đã từng dạy đàn để sinh sống), một cựu Hành Chánh gia nguyên Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ Việt Nam Cộng Hoà, một cựu Chiến sĩ Cách Mạng Việt Quốc và là một cựu Tù Nhân Khổ Sai của chế độ Cộng sản bạo tàn, đã trốn thoát được đến bến Tự Do.

    Ngày 1 tháng 6 năm 1981
    Vũ Khiêm
    (Cựu Sinh viên QGHC, Ban Đốc Sự, Khoá 7)

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/06/16


    Không có nhận xét nào