Header Ads

  • Breaking News

    Trần Huỳnh Châu – Những năm "cải tạo" ở Bắc Việt. Phần IV



    IV – RÉT, NÓNG, và BỆNH TẬT

    Đói rét vẫn đi liền với nhau. Càng đói càng thấy rét, và càng rét càng thêm đói.

    Chúng tôi được chở ra Bắc vào đầu mùa đông năm ’76 là mùa đông rét nhất trong mấy mươi năm. Đêm rét nhất năm đó là 3o C. Thế mà trại giam không có cửa kính, nằm trên sập gỗ và chúng tôi thiếu áo ấm, thiếu mền, thiếu ăn. Có bao nhiêu áo quần đem mặc cả vào người, kể cả áo mưa. Có bao nhiêu khăn lông đem quấn cả vào đầu vào cổ. Có bao nhiêu tấm nylon đem che loạn cả lên. Người nào trông cũng giống như đàn bà đẻ ở nhà quê ngày xưa. Buồng nào trông cũng như buồng đẻ. Nhưng không có lò than để sưởi. Lạnh nhất là những hôm gió bấc mưa phùn tháng chạp ta. Giá mỗi buổi sáng có một tô phở nóng nước béo ăn vào thì chắc ấm được ngay. Nhưng buổi sáng không có ăn gì. Buổi trưa ăn đói. Buổi chiều ăn đói. Cho nên bụng thì cồn cào lép kẹp, quần áo thì mong manh, mà rét năm ’76 kéo dài gần hai tháng liền. Rét liên tục từ Noël tới Tết. Sau Tết trời mới bắt đầu dễ chịu lại. Năm đầu tiên rét nhiều và thiếu áo ấm nhưng được cái là chúng tôi mới ra chưa phải lao động. Những năm sau thì ít rét hơn, và chúng tôi đã được gia đình gởi áo ấm ra (trại cũng có phát cho mỗi người một cái áo trấn thủ, tức là loại áo vải may kẹp bông bên trong nhưng bông mỏng thôi, và chỉ che được từ ngực tới giữa bụng, không có tay), nhưng lại phải làm lao động ngoài trời.

    Mùa đông đầu tiên, có người rét quá, lấy tấm nylon quấn vào, lấy áo mưa nylon mặc vào mà ngủ, tưởng là ấm, nhưng vì hơi nước trong người bốc ra không bay hơi được, người ướt đẫm, sáng ra thì bị cảm. Đầu hôm còn ngủ được, từ nửa đêm trở đi sao mà nước mát, đến thế!

    Anh Lê Thành Châu, (Tổng Giám đốc Khai Hoang Lập Ấp), nổi tiếng là sợ đỉa , nhưng đến ngày tắm giặt thì cũng bất chấp đỉa, cũng nhào xuống nước ngay.

    Lúc nào chúng tôi cũng chỉ mặc có cái quần đùi. Buổi trưa nằm trong trại giam, người nào cũng chỉ có cái quần đùi, nằm sát nhau như cá hộp, hầu hết đều da bọc xương, trời thì nóng bức. Có lần giữa trưa nóng quá ngủ không được, tôi nhổm dậy nhìn quang cảnh đó và thầm nghĩ quá đúng là địa ngục rồi đây. Và tôi nghĩ giá có cái máy ảnh chụp được cảnh chúng tôi gầy gò, bụng lép, ngực đầy xương sườn, nằm thiêm thiếp sát bên nhau, mồ hôi nhễ nhại, trong trại giam đóng chặt giữa buổi trưa hè nóng bức như thế này mà gởi qua Pháp cho báo Paris-Match đăng lên, thì chắc chắn không còn ai có thể nghi ngờ gì về cái địa ngục Cộng sản được nữa. Thanh Hóa nóng hơn Quảng Ninh vì chúng tôi ở xa biển và chịu ảnh hưởng gió Lào.

    Trời nóng như thế, tắm giặt dơ bẩn khổ sở như thế, và ăn đói thì bệnh tật xảy đến là chuyện dĩ nhiên. Hầu hết chúng tôi đều mang bệnh trong mình. Kẻ bệnh phổi, người teo chân, kẻ đau dạ dày, người bệnh trĩ , kẻ thần kinh suy nhược, người đau răng… chẳng mấy ai thoát được. Mùa hè ’79, tất cả chúng tôi bị sảy ngứa cùng mình. Buổi trưa, buổi tối, ai cũng gãi sồn sột. Ai không lở lói, thì bị sảy ngứa là lấy làm may mắn rồi.

    Mùa đông năm ’78 và đầu mùa hè năm ’79, một số chúng tôi lâm vào tình trạng kiệt sức. Chỉ có 10% là tuy sức khỏe xuống nhưng không quá tồi tệ, còn có 90% là rất gầy yếu trong đó chừng 30% chỉ còn da bọc lấy xương.

    Thuốc men của trại thì gần như không có gì. Hồi ở Quảng Ninh, đa số chúng tôi bi sán lãi, vì rau toàn bón bằng phân người. Cầu tiêu thì trong phòng giam. Mỗi ngày chúng tôi phải dọn cầu, gánh thùng phân ra, phân và nước tiểu nhỏ giọt vương vãi trên sàn. Cứ thế mà sán lải lan tràn. Ngày nào dọn phân cũng thấy mấy con lải đũa trong thùng phân. Thế mà báo cáo với trạm y tế thì cán bộ y tế trả lời là không có thuốc lải, và ‘‘giun thì ai chả bị, các anh nên khắc phúc, chết chóc gì mà sợ giun”.

    Thuốc men đã không có, thuốc của gia đình người ta gởi ra lại kiểm soát, hạn chế. Cán bộ y tế khi kiểm soát thuốc trong Nam gởi ra, cứ phàn nàn là sao thuốc men trong Nam nhiều loại nhiều thứ rắc rối qua, chẳng biết thứ gì dùng vào bệnh gì. Ngoài Bắc thì chỉ có mấy loại thôi, giản dị lắm. Đã không biết thuốc nhưng lại cứ kiểm soát. Có lần tôi bị giữ thuốc lại, xin mãi mới được phát. Khi phát ra, cán bộ y tế giảng đi giảng lại mãi rằng phải dùng thuốc cho đúng, rằng thuốc Dénoral là thuốc sốt rét… (thực ra thì Donéral là thuốc trị sổ mũi!)

    Năm đầu ở Quảng Ninh thỉnh thoảng còn có phát Rinifon, Kavet.. Từ mùa hè năm ’77 thì tịt luôn. Đau bụng, chỉ phát lá ổi để nấu mà uống. Thỉnh thoảng cho mấy thứ lá, ai có cảm thì nấu nồi nước lá mà xông. Xông không khỏi, hoặc có bệnh trầm trọng khác thì cho sang Bác sĩ Của châm cứu. Châm cứu không hết thì anh Của đưa lên trạm xá của trại, có cán bộ y tế khám. Cán bộ y tế chỉ là một y tá và trạm xá cũng chẳng có thuốc men gì. Có lần bác sĩ Của cõng một bệnh nhân lên trạm xá, anh em chúng tôi cười và chỉ trỏ ”hãy trông bác sĩ cõng bệnh nhân đến cho y tá khám”. Thỉnh thoảng có chích cho mũi thuốc thì không có thuốc sát trùng, chỉ lấy cục bông nhúng vào luộc luộc ống tiêm, chà chà trên da rồi chích.

    Cũng có trường hợp cho đi bệnh viện. Nhưng đến nhà tù Cộng sản mà cho đi bệnh viện thì ít hi vọng trở về….

    Ông bà ta nói “khéo co thì ấm”. Nhưng lạnh cỡ 3o C mà không có lò sưởi , không có cửa kính, không có mền, không có áo ấm, chỉ mặc mấy lớp quần áo mỏng và đắp một cái chăn mỏng thì co cách nào cho ấm nổi, thì không ai ngủ nổi.

    Ông Lê văn Đồng, Thẩm phán bị bệnh phổi và đã cao tuổi, suốt đêm nằm ho. Anh Đỗ Kế Cầu bị bệnh suyễn suốt đêm nằm bơm thuốc (thuốc và bơm là của nhà mang đi) và nhiều phen không thở được . Co vào cũng rét, duỗi ra càng rét, nằm nghiêng cũng rét, nằm ngữa càng rét, tay để trong mền nhưng mền mỏng quá mà tay không mang găng nên bàn tay cóng lại, vành tai lạnh quá mất cả cảm giác. Mùa đông năm ’76 quả thật là mùa đông rét kinh hoàng của chúng tôi.

    Khoẻ như bác sĩ Văn văn Của mà rét còn không ngủ được. Không ngủ được thì lại đói, đói quá. Nửa đêm, ông Của dậy bàn với ông Canh (Thiếu tá) kiếm cách gì cho đỡ đói, đỡ rét. Thuốc lào hết rồi. Thuốc điếu không có. Thực phẩm dự trữ không còn gì. Loay hoay một hồi rồi ông Của tìm được gói muối nhỏ trong xắc. Bèn lấy ra cùng với ông Canh quẹt muối vào lưỡi cho mặn miệng rồi uống nước. Nhưng uống nước với muối vào thì bụng càng cồn cào thêm. Tôi nằm bên cạnh, rét quá không ngủ được nghe hai anh thì thầm bàn với nhau mà xót xa. Tôi tuởng tượng giá mình còn cục đường nhỏ thôi. Môt cục đường vào bụng được bao nhiêu calories. Người ta hay nói đùa “hột muối cắn đôi, hột đường đớp hết”. Không biết lúc đó tôi còn cục đường thì có thức dậy lấy chia cho anh Của và anh Canh nổi không. Giá có cục đường chắc phải nghĩ ngợi găng lắm. Nhưng không có gì, thôi đành nằm yên chịu rét. Lúc ấy chúng tôi đang ở phòng số 3 trại Quảng Ninh, và đang là tháng chạp năm Thìn. .

    Mùa hè thì nóng. Trại Quảng Ninh tương đối khá vì gần vịnh Hạ Long, khí hậu không đến nổi quá nóng, và nhà giam lợp ngói, nước tắm đầy đủ. Trại nầy vốn khi xưa là một trại nhà binh Pháp nên có hệ thống nước lấy nước suối trên núi xuống, các bồn nước lúc nào cũng đầy.. Chỉ phiền là khi trời mưa thì nước suối đục, nước trong bồn cũng đỏ ngầu. Nhưng được thế cũng quý lắm rồi, cũng có chút tiện nghi của “thực-dân đế-

    Khi vào trại số 5 Thanh Hóa, mà phân trại B và phân trại C là hoàn toàn của “Xã hội chủ nghĩa” xây cất, thì buồng giam quá nóng, và không đủ nước dùng. Khi đến phân trại B, chúng tôi có đào thêm giếng và lúc đó còn trong mùa mưa, mạch nước lúc nào cũng đầy. Còn phân trại A là nơi có bộ chỉ huy của trại giam số 5 thì nguyên là một khu cơ sở gì không rõ, của Pháp xây cất từ trước năm 1945, nên cũng còn được.

    Mùa hè nóng nực và khổ sở nhất cho chúng tôi là mùa hè hạn hán năm 1979. Lúc đó chúng tôi ở phân trại C. Nước không có chúng tôi chỉ tắm rửa bằng nước ruộng, nước ao. Theo quy định, một tuần lễ chỉ được tắm hai lần, sau buổi làm lao động khổ sai ngoài đồng. Nước ao, kế liền đó là ruộng, trâu dẫm ở đó, phân bón ruộng, phân tưới rau cũng chạy ra đó, nước đục ngầu và đầy những đỉa, thế mà đến ngày tắm giặt là chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi cũng nhìn thấy nước đục, nước dơ bẩn đấy, nhưng vẫn cứ tranh nhau nhảy xuống.

    Từ Quảng Ninh vào Thanh Hóa, nhóm chúng tôi khoảng 500 người (hồi mới ra thì 800 người, nhưng đã được đưa trước vào trại 90A một số rồi), bị chết khỏang 30 người vì bệnh trong thời gian ’78, ’79.

    Anh Lưu Trương Không (?) (trước là Giám đốc tại Bộ Chiêu-Hồi) bị chết vì biến chứng của bệnh phù thủng. Anh Chung (Thiếu tá Cảnh Sát) đang ngồi sinh hoạt học tập, bỗng gục xuống chết vì bệnh tim và kiệt sức. Khi di chuyển từ Quảng Ninh về Thanh Hóa, anh Bé (Trung tá) bị bệnh chở ra bệnh viện Hòn Gay rồi không thấy vào Thanh Hóa, về sau nghe nói đã chết. Anh Minh (Đảng Dân Chủ), anh Ngô Chuẩn (Cảnh Sát) đi bệnh viện Thanh Hóa, không thấy trở về.

    Còn nhiều nữa, nhưng tôi không nhớ tên.

    Kinh hoàng nhất là Trạm xá phân trại B trại số 5 Thanh Hóa, nơi các bệnh nhân nằm mà chỉ chờ chết. Tháng 8 năm 1978, khi chúng tôi mới từ Quảng Ninh vào Thanh Hóa, chúng tôi đã đếm được 18 tù hình sự chết nội trong tháng đầu. Mà số tù hình sự chết ở phân trại nầy chỉ độ 300 thôi. 300 tù mà một tháng đã chết 18 người! Và nhìn vào trạm xá thì thấy các bệnh nhân trông đúng là các bộ xương. Anh em để ý kỹ thì thấy dường như chỉ có một cái hòm dùng đi dùng lại. Mỗi lần có người chết, bỏ vào hòm khiêng ra, nhưng chắc là chỉ chôn xác mà không có hòm. Hòm có lẽ được khiêng trở vào lúc ban đêm, để lần khác dùng nữa.

    Anh Bùi văn Bảy, (trước là Thiếu Tá, chuyên viên điện toán tại Bộ Cựu Chiến Binh), bị kiệt sức và lao phổi ho ra máu, người chỉ còn da bọc xương và xanh mét. Thế mà vẫn để nằm ở trạm xá phân trại C, sống lây lất nhờ anh em trong tù giúp đỡ thuốc men và thức ăn.Trường hợp anh Bảy là một trường hợp rất đáng thương tâm. Anh đi ở tù, chị Bảy bệnh tim nặng chết vào năm 1977, một đứa con nhỏ chết vì té lầu, những đứa còn lại phân tán nhờ vã bà con sống cho qua ngày. Bà con cùng xóm với gia đình anh Bảy thấy hoàn cảnh qua thương tâm và thấy anh Bảy trước kia chỉ là chuyên viên điện tóan lo về hồ sơ cô nhi quả phụ tại Bộ Cựu Chiến Binh, nên họp nhau làm đơn xin cho anh Bảy về, theo tinh thần ”nhân dân làm chủ”. Nhưng đơn của nhân dân lối xóm gởi đi, Công an chẳng thèm trả lời, trong khi đó anh Bảy không được gia đình tiếp tế vì các con còn nhỏ và quá nghèo, nên đã kiệt sức chỉ còn nằm đợi chết trong tù.

    Còn nhiều trường hợp lắm nhưng tôi không nhớ tên. Trong trại giam, buồng nầy buồng kia ngăn cách nhau, cấm không cho liên lạc với nhau nên thường chỉ thấy mặt quen mà không biết tên.

    Những bệnh không có tính cách cấp tính như trĩ, đau răng, đau dạ dày…thì trại coi như không, bắt đi làm lao động như thường và không có thuốc men gì cả. Đau dạ dày vẫn phải ăn mạch cả vỏ, và ăn sắn như thường, nếu không muốn nhịn đói hoàn toàn. Trên nguyên tắc, mỗi ngày ai bệnh có thể ghi tên xin ăn cháo. Nhưng thực tế, trong thời gian ăn mạch và sắn thì việc ghi tên xin ăn cháo rất là hạn chế vì lẽ không có gạo nấu cháo. Mỗi ngày một đội chỉ được ghi cho một người ăn cháo thôi. Nếu có nhiều người bệnh, cũng chỉ chọn lấy một người. Trong nhà tù Cộng sản , một tô cháo ăn với muối cũng là ân huệ đặc biệt lắm đấy.

    Nhức răng xin muối ngậm cũng khó khăn lắm. Cán bộ bảo là theo nội quy, cấm phạm nhân giữ muối. Chúng tôi hiểu là muối có tác dụng làm mau hư hại các song sắt của trại giam. Nhưng điều buồn cười là trại giam lợp tranh, vách đất, thì nếu muốn trốn, việc gì người ta phải tính chuyện phá song sắt. Đối với trại giam ở Miền Bắc, việc trốn ra khỏi trại không khó, cái khó là làm sao thoát được về đến nhà hay đến chỗ an toàn mà không bị bắt lại.

    Bệnh đau răng rất là phổ thông trong trại giam. Nhiều người bị sưng hàm, sưng mặt. Chính tôi cũng bị sưng mặt lên rồi. Đầu năm 1980, tôi vừa về đến nhà, vợ tôi là Nha sĩ, phải mổ ngay vì thấy cả mấy chân răng đều làm mủ , và mủ đã bắt đầu lan ra về phía trên mũi rồi.

    Mùa đông thiếu áo, mùa hè nóng và dơ bẩn, quanh năm đói, bệnh tật thì “khắc phục”. Đảng và Nhà nước Cộng sản chỉ biết nhốt chúng tôi và bắt chúng tôi làm khổ sai, chết thì chôn..

    Trước kia, trong chế độ Cải Huấn của ta, mỗi khi có tù chết trong trại giam là Biện lý đến điều tra, quy trách cho Quản đốc Trung Tâm về vấn đề chữa bệnh cho tù nhân, hạch hỏi tại sao không đem đi bệnh viện kịp thời. Trung Tâm phải báo ngay cho thân nhân người chết theo thời hạn luật định, để thân nhân đến còn nhìn thấy được thi hài và có quyền khiếu nại nếu thấy có điểm nghi ngờ.

    Còn trong chế độ cải tạo của Cộng sản , chết là đem chôn ngay, chẳng thông báo cho thân nhân gì cả. Hồi ở trại Long Thành, tôi thấy ông chồng bà bác sĩ Vũ thị Thoa bị chết trong trại, bà Thoa ở Sàigòn chỉ cách Long Thành có mấy chục cây số, mà không có thông báo gì cả, đem chôn luôn. Một anh khác, là nhân viên Phủ Đặc ủy Tình Báo, sau khi anh chết trong trại bốn tháng rồi, mẹ anh vẫn còn gửi thư và quà đến trại cho anh vì tưởng con mình còn sống! Còn nói gì đến trại “cải tạo” Miền Bắc xa cách Miền Nam, ai hơi đâu mà thông báo. Chết thì chôn ngay. Không cần hòm.

    Không có nhận xét nào