Header Ads

  • Breaking News

    Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 7

    HGBT

    18 tháng 8, 2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GIO-LOC-1-1280x721.png

    Tối hôm ấy lúc anh Khải còn đang loay hoay dấu mấy củ khoai vào gầm bộ ván thì tấm liếp bật mở, một tên cán bộ Việt Minh đeo súng ngắn bước vào. Cũng may, ánh đèn dầu quá yếu ớt, tôi lại đứng cạnh ở giường che khuất anh Khải nên tên ngày không trông thấy anh đang dấu khoai. Tên cán bộ tỏ ra khá lễ độ, hắn nói:

    -Xin mời hai anh đi theo tôi.

    Tôi hỏi:

    -Anh đưa chúng tôi đi đâu? Chúng tôi cần phải ở đây để chờ hai đại diện bên các anh tới bàn việc đình chiến. Chúng tôi không đi đâu cả.

    Anh Khải lúc ấy đã ngồi trên bộ ván nói thêm:

    -Các anh muốn nói gì với chúng tôi phải có mặt anh Chúc, đại diện của Tổng Bộ Việt Minh cùng ở Hải Phòng ra với chúng tôi.

    Tên cán bộ có vẻ bối rối:

    -Thưa hai anh, đồng chí chính ủy của chúng tôi – ám chỉ Chúc – cho tôi đến đây mời hai anh dự cuộc mít tinh tối nay ở đình làng Trà Cổ. Đồng chí chính ủy có nói đi dự mít tinh hay không là tùy hai anh, chúng tôi không ép. Có điều nếu hai anh đi thì đồng chí chính ủy sẽ gặp lại hai anh ở địa điểm mít tinh để trao đổi một số vấn đề.

    -Cuộc mít tinh tối nay có mục đích gì? Anh Khải hỏi.

    Tên cán bộ ngồi xuống chiếc ghế đẩu, tự rót trà uống và nói:

    -Mít tinh để tuyên dương các chiến sĩ du kích xuất sắc. 

    Tôi nhìn tên cán bộ một cách soi mói. Có thể hắn nói thật. Vả chăng nếu muốn bắt chúng tôi, hắn chỉ việc ra lệnh cho mấy tên du kích cùng đi với hắn trói chúng tôi lại dẫn đi, cần gì phải nói dối, vì đây là giang sơn của Việt Minh, mà lại là một xóm hẻo lánh. Vậy cứ đi mít tinh xem chúng giở trò gì và biết đâu không gặp lại tên Chúc, may ra tìm hiểu được thái độ của Tổng Bộ Việt Minh ra sao đối với vấn đề đình chiến, dù rằng sự phản bội và bất nhất của chúng đã khá rõ ràng. Chúng đã giam lỏng hai chúng tôi hơn mười ngày nay, có thèm cử ai đến gặp chúng tôi bàn chuyện đình chiến đâu. Tôi nhìn anh Khải rồi bảo tên cán bộ:

    -Thôi được nếu các anh mời thì chúng tôi đi.

    Hắn liền ra lệnh cho một thanh niên có lẽ là du kích xã đang đứng ngoài cửa:

    -Đốt đuốc lên đồng chí.

    Thế là một bó đuốc tẩm dầu hôi được châm lửa sáng trưng. Anh Khải và tôi bước theo tên cán bộ và mấy người du kích dưới ánh đuốc chập chờn trên những con đường đất quanh co, hai bên là ruộng và gò mả, trông như một đoàn âm binh. Đi độ hai cây số thì đã vào đến làng Trà Cổ. Khắp chung quanh chúng tôi nhiều bó đuốc xuất hiện từ các con đường nhỏ trong làng. Tiếng người nói chuyện râm ran.

    Từng đoàn người có cả những thiếu nhi kéo tới địa điểm mít tinh. Còn mấy chục thước nữa mới tới đình làng mà ánh đèn “măng-xông” sáng chói đã chiếu ra sáng rực một vùng. Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng huýt còi của cán bộ vang lên từng chập. Trong đình và trước sân có khoảng một nghìn người tụ tập. Có tiếng người điều khiển cuộc mít tinh đang hô to, qua ống loa làm bằng giấy bồi.

    -Đả đảo bọn thổ phỉ “Vi Văn Lưu!”

    Tiếp theo đó là tiếng la hét của thanh niên, phụ nữ:

    -Đả đảo! Đả đảo!

    Những cánh tay vung lên, tiếng chân dẫm trên đất thình thịch, như cuồng loạn. Khi tiếng hô đả đảo tạm lắng xuống thì tiếng của mấy tên cán bộ cò mồi lại vang lên “Đả đảo! Đả đảo!” Thế là đám đông lại hét lên như một lũ điên. Bọn “Vẹm” đang xách động quần chúng lăng mạ các chiến hữu của chúng tôi ở trong thành Móng Cái. Tên cán bộ vừa định đưa hai chúng tôi len qua đám đông để vào trong đình thì tên Chúc xuất hiện. Hắn vẫn mặc áo cánh trắng, nhưng bên hông đeo súng lục. Hắn bước mau đến chỗ chúng tôi vồn vã:

    -Hai anh đến chậm thế!

    Quả thật chúng tôi đến thì cuộc mít tinh đã bắt đầu được một lúc. Cũng nhờ đó chúng tôi không phải dự nghi thức chào “quốc kỳ” cờ đỏ sao vàng của chúng. Tôi quắc mắt hỏi lại hắn:

    -Anh mời chúng tôi đến đây để nghe các anh chửi các chiến hữu của chúng tôi phải không?

    Tên Chúc cười giả lả:

    -Đây là cuộc mít tinh “tự phát” của nhân dân tỉnh Móng Cái. chúng tôi không thể nào là khác được.

    Anh Khải vùng vằng nói:

    -Thôi anh đừng ngụy biện nữa. Chúng tôi không thể có mặt ở đây được.

    Vừa nói anh vừa quay ra. Tên Chúc vội giơ tay cản lại và nói:

    -Mấy ngày vừa rồi tôi bận quá không thể gặp hai anh được, nên tiện đây tôi xin đề nghị hai anh sáng mai chúng ta ra thăm mặt trận để tính giải quyết mọi việc. Tôi sẽ đến đón các anh cùng đi.

    -Nếu thật sự các anh muốn giải quyết mọi việc cho tốt đẹp thì chúng tôi đồng ý – tôi nói – còn bây giờ chúng tôi không thể dự cuộc mít tinh này được.

    Chúng tôi rảo bước ra khỏi sân đình. Tên cán bộ dẫn đường và mấy tên du kích hấp tấp theo sau. Sau lưng chúng tôi vẫn còn vang lên tiếng:

    -Quyết tâm tiêu diệt bè lũ thổ phỉ Vi Văn Lưu… Quyết tâm…”

    Đêm hôm ấy hai chúng tôi trằn trọc suy nghĩ. Đưa chúng tôi đến cuộc mít tinh vừa rồi, bọn Việt Minh muốn phô trương thanh thế của quần chúng “ủng hộ” Việt Minh. Còn chúng mời chúng tôi đi quan sát mặt trận với dụng ý gì? Nếu chúng thực sự muốn giải quyết mọi việc thì cần gì phải đưa chúng tôi ra mặt trận. Mà hai chữ “giải quyết” như tên Chúc nói rất lấp lửng, giải quyết theo chiều hướng nào. Có đi đến chỗ hai bên ngừng chiến hay không? Bản chất của bọn cộng sản là dối trá. Những sự việc xảy ra từ khi chúng tôi đặt chân lên đất Móng Cái càng cho chúng tôi thấy rõ bộ mặt thật của chúng. Anh Khải ngồi dậy, châm lửa, rít một hơi thuốc lào rồi bảo tôi:

    -Thằng Chúc là chính ủy trực thuộc Tổng Bộ Việt Minh tất nhiên nó phải là một tên cộng sản gộc. Không bao giờ có thể tin nó được. Nó muốn đưa chúng mình ra thăm mặt trận chẳng qua cũng lại muốn phô trương thanh thế về mặt quân sự mà thôi chứ chẳng giải quyết cái gì đâu. Nhưng theo ý tôi nếu chúng ta ra được mặt trận cũng có lợi.

    -Có lợi về mặt nào? – Tôi hỏi.

    -Dù có che đậy tới mức nào chúng ta cũng sẽ có cơ hội để ước lượng thực lực quân sự của chúng, và cũng được biết chút ít về thực lực của ta nữa chứ. Anh đồng ý không?

    -Tôi cũng nghĩ như anh. Từ hôm ra đây chúng ta như tù giam lỏng. Có biết trời, trăng gì đâu. Nhưng qua những việc xảy ra hôm nay và đề nghị của thằng Chúc, có những nhận định làm chúng ta yên tâm hơn. Thứ nhất là bọn “Vẹm” chưa vào được thành Móng Cái. Thứ hai là chúng nó nếu có thắng cũng chưa thắng lớn vì một lẽ dễ hiểu nếu chúng nó đã làm chủ được tình hình thì chẳng dại gì chúng nó phải mời mình ra thăm mặt trận, mà chỉ việc giam chúng mình vào nhà tù của chúng là xong việc. Như vậy hiện nay chúng ta chưa hẳn là tù binh của Việt Minh. Chúng ta có quyền hy vọng.

    Hôm sau mới tờ mờ sáng, chúng tôi đã nghe tiếng lách cách từ tấm liếp cửa , rồi tên Chúc bước vào vui vẻ nói:

    -Các anh đây đi chứ để chúng mình cùng đi cho sớm.

    Lần này hắn mặc quân phục, không đeo phù hiệu mà cũng không đeo súng lục. Sau lưng hắn có hai người bộ đội, một người mang khẩu tiểu liên báng sắt, một người mang súng trường Nhật. Chúng tôi tiến về phía làng Trà Cổ. Qua khỏi làng chừng ba, bốn cây số, đã nhìn thấy một con sông không rộng lắm, chừng vài trăm thước – sông Trà Cổ. Tại bến đã có một chiếc thuyền nhỏ có hai người chèo chờ sẵn. Sang đến bên kia sông, chúng tôi không thấy xóm làng nào nữa. Chỉ toàn là những bãi cát, đó đây những bụi cây lúp xúp cao ngang đầu người. Đi được một quãng tên Chúc ra hiệu cho mọi người dừng lại, hắn nói:

    -Thôi chúng ta ngồi đây nghỉ một lát.

    Hắn ghé tai thì thầm với một trong hai người bộ đội. Sau đó người này bỏ đi, có lẽ để báo trước cho tiền tuyến biết chúng đã tới. Vừa lúc đó tôi bỗng nghe từ xa vọng lại một tràng trung liên, tiếp theo là mấy tiếng súng trường Nhật “tắc cù,” “tắc cù.” Tên Chúc bảo chúng tôi:

    -Gần đến mặt trận rồi.

    Quả nhiên đi chưa đầy một cây số nữa, tôi đã nhìn thấy xa xa sừng sững một tòa thành cổ. Tôi ước lượng chỗ chúng tôi đến chân thành khoảng ba hay bốn cây số. Từ đây trở đi tiếng súng nghe rõ hơn, phần nhiều là tiếng súng trường đủ loại, tuy nhiên tiếng súng rất rời rạc, có vẻ bắn cầm chừng. Lúc này chưa thể phân biệt được là ngoài thành bắn vào hay trong thành bắn ra. Vẫn chưa thấy bóng dáng một tên lính Việt Minh nào. Anh Khải khẻ bảo tôi:

    -Chúng vẫn còn bao vây thôi, chưa dám tấn công chiếm thành.

    Sau này vào thành rồi tôi mới được biết, trong thời gian mười ngày, Việt Minh đã mở tám đợt xung phong, trong đó năm đợt về đêm, để toan trèo vào chiếm thành. Tất cả đều bị đẩy lui. Bộ đội Việt Minh bị thiệt hại ít ra là cả trăm tên chết và bị thương do hỏa lực của bốn khẩu đại liên “Hotchkiss” bên ta quạt ra cùng với hàng chục khẩu trung liên “hai bốn-hai chín” do ta đoạt được của Pháp trước đây.

    Nguyên là tối 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp, một số lính Pháp chạy thoát khỏi thành Móng Cái, liều mạng lội qua sông sang Đông Hưng trên lãnh thổ Trung Hoa. Chẳng may cho chúng, một đơn vị của Việt Tam Quân và Quốc Dân Đảng đóng dọc ở biên giới Việt Hoa, khi nghe trong thành Móng Cái bắn nhau loạn xạ, biết là Nhật đảo chánh Pháp nên đã ra phục kích sẵn ở bờ sông. Khi số lính Pháp này vừa mới lóp ngóp ở dưới sông bò lên liền bị bên ta tóm gọn. Bọn lính Pháp này đang trong tình trạng hoang mang nên bỏ súng đầu hàng không kháng cự.

    Trong các đợt xung phong ấy , có một lần quân Việt Minh đã trèo lên được góc thành phía Tây Nam. Quân ta phải vật lộn với chúng, dùng lưỡi lê và dao găm cận chiến mới đẩy được bọn Vệ Quốc Quân rơi xuống chân thành, có đứa còn ngoi ngóp dưới hào thành, có lẽ vì bị thương nặng không vượt qua hào được nhưng đồng đội không đứa nào dám đứng lại kéo chúng lên, nên đều chết chìm ở dưới hào.

    Bên ta có hai chiến sĩ Quốc Dân Quân hy sinh. Tuy nhiên trong đợt xung phong cuối cùng của Vệ Quốc Quân một tuần trước khi chúng tôi ra thăm mặt trận, bên Việt Minh có hai tên tiểu đoàn trưởng bị trúng đạn đại liên chết, do đó Việt Minh khựng lại không mở thêm một đợt xung phong nào nữa (việc này do tù binh ta bắt được cung khai). Sau này khớp lại mọi sự việc thì thấy rõ là sau trận này, bọn Việt Minh bắt đầu thay đổi thái độ với anh Khải và tôi lúc chúng tôi còn ở trận tuyến của chúng. Trước đó kể như chúng coi hai chúng tôi là tù binh rồi.

    Trái với lời tên Chúc nói với chúng tôi, hắn không đưa chúng tôi đến gặp bộ tư lệnh mặt trận của Việt Minh, mà chỉ đưa chúng tôi đi vòng vo ở những chỗ có Vệ Quốc Đoàn đóng chốt. Chúng đều đào hố cá nhân bên rìa các bụi cây o-rô. Ở đây chúng chĩa súng vào thành, lâu lâu lại bắn một phát thị uy. Tôi nhận xét vũ khí của chúng cũng khá, nhiều súng Fusil Indochinois hơn súng trường Nhật, lác đác có một khẩu trung liên Bren “đầu bạc,” tuyệt nhiên không có một khẩu đại liên nào.

    Tôi cũng không thấy chúng có súng moọc-chê. Không thể biết rõ quân số vì chúng đóng rải rác khắp thành. Tên Chúc đưa chúng tôi đến gần hơn. Hai chúng tôi ngắm nhìn thành Móng Cái, một tòa thành kiên cố, rất lớn, xây theo kiến trúc Vauban nên giống hệt như thành Huế hay thành Hà Nội, chỉ nhỏ hơn một chút. Cột cờ thì cao hơn cột cờ thành Hà Nội vì được xây trên một ngọn đồi thấp, cũng hình bát giác trong có cầu thang để leo lên đỉnh quan sát mọi hoạt động ở ngoài thành một cách dễ dàng. Cột cờ ấy được gọi là Hổ Sơn. Tính theo đường chim bay thì chỗ chúng tôi đang đứng lúc này chỉ còn cách mặt thành khoảng một cây số.

    CÒN TIẾP


    Không có nhận xét nào