Header Ads

  • Breaking News

    Olga Dror* - Chiến tranh Việt Nam: Cách Trung quốc dùng các trường học để kéo Hà Nội về cùng phe

    Olga Dror : How China Used Schools to Win Over Hanoi

    29/01/2018 indomemoires 

    https://indomemoires.hypotheses.org/26194#:~:text=How%20China%20Used%20Schools%20to%20Win%20Over%20Hanoi,with%20China%20providing%20the%20facilities%2C%20funds%20and%20equipment.

    Translated into Vietnamese by Le Tung Chau.

    15/8/2022

    Vào tháng 12 năm 1966, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hay còn gọi Bắc Việt, với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ký một thỏa thuận thành lập trường học tại Trung quốc cho trẻ em Bắc Việt, theo đó Trung quốc đài thọ hết cả cơ sở vật chất, ngân quỹ và trang thiết bị. Mỹ leo thang các chiến dịch ném bom Bắc Việt, và Hà Nội muốn chuyển học sinh của họ đến một nơi an toàn.

    Điều thực sự đáng nói trong nỗ lực giáo dục xuyên biên giới này là nó khởi sự ở đoạn giữa của cuộc Cách mạng Văn hoá Trung quốc, vốn bắt đầu vào tháng 5 năm 1966 và đã phá huỷ hệ thống giáo dục Trung quốc (cũng như đặt nền kinh tế Trung quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn). Nhưng Trung Quốc vẫn cố kiếm một không gian riêng cho Bắc Việt như đã dự tính vì làm thế, họ có ý nhắm tới mục tiêu địa chính trị cao hơn: đó là cạnh tranh với Liên Sô để nắm vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới.

    Chương trình này của Trung Quốc, có tên gọi là Project 92, gồm thiết bị giảng dạy và xây cất các trường học, cũng như ngân khoản cho chi phí hàng ngày (“92” là ngày 2-9-1945, ngày Việt Nam tuyên bố độc lập với Pháp).

    Một trường có tên là “2 tháng 9”, được lập riêng cho những trẻ em đã từ miền Nam Việt Nam tập kết ra Bắc.

    Một trường khác mang tên Nguyễn Văn Trỗi là dành cho các học viên quân sự. Trỗi là một thanh niên Sài Gòn, đã ám sát bất thành Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara vào tháng 5-1963 trong chuyến ông sang thăm Nam Việt Nam và Trỗi đã bị một đội hành quyết xử tử.

    Vì quân đội Trung Quốc ít bị vạ lây trong Cách mạng Văn hoá hơn là hệ thống giáo dục dân sự nên quân đội đã được giao việc xây cất các trường học.

    Các trường này không chỉ là cơ sở giáo dục căn bản đơn thuần mà vai trò chính của nó là tạo ra, “một trường học xã hội chủ nghĩa tiên tiến” ở một chốn an toàn để đào tạo các thế hệ người Việt tiếp nối. Học sinh của trường này phải thấm nhuần đạo đức cách mạng và tinh thần xã hội chủ nghĩa. Họ phải trở thành các chiến binh sẵn sàng đầy nhiệt huyết khi đến tuổi được gọi sung quân. Các giáo viên phải dạy học sinh 5 điều bác Hồ, và các em phải ghi sâu trong lòng những đường đi nước bước mà Bắc Việt sẽ thực thi, phải làm sao cho các em kiên định một lập trường rằng chính vì kẻ thù Mỹ mà đất nước mới bị chia đôi, gia đình ly tán và quê hương bị tàn phá.

    Tóm lại, mục đích tập trung vào việc làm sao để các em hăm hở tòng quân chống Mỹ khi nhà nước kêu gọi.

    Vào tháng 12-1967, 3 trường này liên kết với một Học Khu ở Nam Việt Nam và một hệ thống mới đã thực sự hình thành.

    Hầu hết các công trình xây đã cất xong vào tháng 8-1968, và cả hai bên đã họp bàn về những hợp tác sắp tới, nhất là là yêu cầu tăng giờ dạy chính trị cho học sinh, kết hợp lý thuyết với thực hành, phối hợp trao đổi kinh nghiệm thu được trong cả cuộc Cách mạng Văn hoá ở Trung quốc lẫn cuộc chống Mỹ ở Việt Nam. Người ta cũng đã thống nhất là khi các học sinh Việt về nước, họ được phép mang theo tất cả các học cụ cũng như vũ khí (trừ những vũ khí đã được đề cập trong các thỏa thuận trước đó).

    Hệ thống này gồm 7 trường học với hơn 2.000 học sinh, cán bộ và giáo viên. Nhiều học sinh là con cái của cán bộ, đảng viên cộng sản bị tử trận trong các cuộc giao chiến với Pháp và Mỹ. Các học sinh được mang đến từ 3 miền Việt Nam. Người ta bảo họ đại diện cho khoảng 30 sắc tộc dù không nêu cụ thể từng sắc tộc nào. Thời điểm các em đến cũng không cùng nhau, trình độ học vấn không đồng đều và ở vào nhiều độ tuổi khác nhau.

    Hơn nữa, chương trình bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thiếu thốn. Các trường học tập trung vào một khoảnh đất không lấy gì làm rộng (chưa đầy một cây số vuông) thiếu không gian cho phòng, lớp học, cũng như chỗ ở nội trú chật chội, thiếu các hoạt động bên ngoài trường lớp, lẫn mặt bằng cho sản xuất hoặc cho các sinh hoạt xã hội.

    Thêm vào đó, dù có cùng một xuất xứ màu cờ sắc áo, nhưng các lứa học sinh mang trong mình những sùng tín chính trị cơm không lành canh không ngọt với nhau.

    Một nhóm này phe này thì theo đường lối của Hà Nội “dưới sự chăm sóc của Bác và Đảng, và đó là lý do vì sao họ căm thù Mỹ và tay sai” – một nói cách trỏ những người chống Cộng ở Nam Việt Nam – “đó là những kẻ bán nước”. Các học sinh trong nhóm này “gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối ở Bác Hồ, và Đảng Lao động Việt Nam”

    Một phe khác gồm những học sinh, như trong một báo cáo đã viết, đã từng trải qua, từng bị “nhiễm độc đồi trụy của Mỹ”, kỷ cương không nghiêm, bị thiếu khuyết bản sắc dân tộc và lòng yêu nước.

    Ngoài những khó khăn đó, nơi đây còn thiếu giáo viên, mà những người đang có mặt ở đó, theo đánh giá của Bộ Giáo dục Bắc Việt, thì có trình độ văn hoá quá thấp. Nhiều giáo viên muốn bỏ dạy về nhà, không có đạo đức cách mạng và đã gây ra những lỗi lầm nghiêm trọng, chẳng hạn như họ dính vô những vụ quan hệ trai gái bất chính, vi phạm các nguyên tắc của giáo dục xã hội chủ nghĩa, đánh đập hoặc kỷ luật học sinh thái quá.

    Cũng theo một phân tích, ở các cấp điều hành cũng sinh lắm chuyện. Đa số họ “theo các lề lối cổ hủ và lạc hậu”, đã bất chấp quan điểm cách mạng về tình bạn, tình yêu với công tác. Theo Bộ Giáo dục, thái độ tiêu cực của họ đã lấn át hết những gì đã tuyên thệ khi vào đảng hay đoàn trước kia. Những khó khăn về vật chất càng làm tiêu cực trầm trọng thêm khi gặp phải những nan giải về ý thức hệ. Các khu nhà ở quá tải và không đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh chung. Trường lớp thì không được trang bị đầy đủ những gì cần thiết. Lắm lúc các trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau đã phải học chung với nhau trong một lớp. Tài liệu, phương tiện giảng dạy luôn bị cung cấp chậm trễ.

    Trung quốc có ba cân nhắc chính yếu khi viện trợ mở rộng hệ thống giáo dục cho Bắc Việt.

    Thứ nhất là tình liên đới với một kẻ được họ bảo trợ. Tình cảm đó phát sinh từ sự liên minh chặt chẽ giữa Cộng sản Trung quốc với Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh chống Pháp, khi Trung quốc cung cấp khí tài chiến tranh cho Bắc Việt và đã được Bắc Việt đáp lại với lòng biết ơn và cùng đua theo. Cộng sản Trung quốc hài lòng chứng kiến những thành tựu của Cộng sản Việt Nam như là một sự mở rộng sự nghiệp cách mạng của họ.

    Thứ hai là việc cạnh tranh với Liên Sô để nắm vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế và gây ảnh hưởng tới những nước được gọi là “thế giới thứ ba”, trong đó có Việt Nam. Cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa Trung-Sô đã tăng cao vào cuối những năm 1950 và còn tiếp tục trong những năm 1960. Nay, cho không biếu không cho đồng minh Việt Nam một nơi trú ẩn an toàn để mở trường học ngay bên kia biên giới là điều Liên Sô không làm được, và yếu tố này đã tụ hội về cho Trung Quốc một ưu thế bảo trợ Việt Nam cả cái nghĩa cụ thể thiết thực lẫn cái nghĩa trói buộc trong tinh thần đồng minh.

    Cuối cùng, chương trình đã tạo cơ hội cho Trung Quốc khả dĩ hỗ trợ can thiệp vào một cuộc chiến trong đó Hoa Kỳ buộc phải đưa quân đến một nơi dù ở ngoài biên giới Trung quốc đi nữa – hiểu theo nghĩa là Mỹ ít nhiều cũng là một mối đe doạ đối với Trung quốc.

    Dù gặp nhiều khó khăn, hệ thống này đã duy trì cho đến giữa năm 1975, khi chương trình bị chấm dứt và tất cả học sinh, giáo viên và cán bộ điều hành người Việt phải về nước. Năm 1975 là năm Bắc Việt đang trên đường tiến đánh miền Nam, và nhu cầu an toàn cho các cơ sở giáo dục như thế dường như không còn cần thiết nữa.

    Mà mối bang giao Trung-Việt cũng đang ngày một tồi tệ. Chiến dịch cuối cùng của Hà Nội đánh Sài Gòn được thúc đẩy là nhờ viện trợ của Liên Sô, và việc củng cố một chế độ cộng sản trên toàn cõi nước Việt giờ đây đã biến đồng minh cũ của Trung quốc một thuở nay biến thành một mối đe dọa cho Trung quốc.

    Một điều trớ trêu là dù vào năm 1978, Việt Nam với Trung quốc bỗng đánh nhau qua cuộc chiến tranh biên giới, thế nhưng có một số bộ đội Việt Nam vẫn cứ lưu luyến không quên một thời đã từng được đào tạo trên giải đất bên kia biên giới.


    * Olga Dror

    Olga Dror là giáo sư sử học ở Đại học Texas A&M. Bà được đào tạo tại Liên Xô, Israel và Hoa Kỳ. Bà là tác giả, dịch giả và đồng biên tập năm cuốn sách và nhiều bài báo. Cuốn sách chuyên khảo gần đây nhất của bà là "Making Two Vietnams: War and Youth Identities, 1965-1975" ("Tạo nên hai nước Việt Nam: Chiến tranh và Bản sắc Thanh niên, 1965-1975"), xuất bản năm 2018 bởi Nhà xuất bản Đại học Cambridge.

    https://usvietnam.uoregon.edu


    Không có nhận xét nào