Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ ba 16 tháng 8 năm 2022

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Tư lệnh Mỹ: Trung Quốc ‘vô trách nhiệm’ khi tập trận quanh Đài Loan

    Các chiến đấu cơ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tập trận quanh Đài Loan ngày 07/08/2022. AP - Gong Yulong 

    Việc Trung Quốc bắn tên lửa trên không phận Đài Loan là một hành động « vô trách nhiệm » và phải bị phản đối.  Đó là tuyên bố của một tư lệnh Mỹ trong một buổi thảo luận bàn tròn ngày 16/08/2022 tại Singapore. Phó đô đốc Hạm Đội 7 Hoa Kỳ Karl Thomas cũng nhấn mạnh cần phải xem lại những hành động và yêu sách của Trung Quốc. 

    Theo AFP, phó đô đốc Karl Thomas cho rằng các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc bay bên trên Đài Loan đã bay sát các tuyến hàng hải quốc tế. Ông cũng nêu điểm tương đồng giữa mối đe dọa đối với Đài Loan và cách thức mà Bắc Kinh hành động ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã « có những tiền đồn quân sự với nhiều tên lửa, đường băng lớn, nhà để máy bay, radar và các trạm nghe lén ».

    Phía Singapore lại tỏ ra lắng về tình hình leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 15/08, phó thủ tướng Lawrence Wong cảnh báo Mỹ và Trung Quốc có thể trở nên « mù quáng trong xung đột » nếu hai bên không đối thoại và giải tỏa căng thẳng.

    Hai chuyến thăm Đài Loan gần đây của các nghị sĩ Mỹ đã khiến Trung Quốc giận dữ. Sau những hành động răn đe về quân sự, Bắc Kinh trừng phạt Đài Loan về mặt chính trị. Ngày 16/08, Tân Hoa Xã cho biết 7 chính khách Đài Loan ủng hộ độc lập cho hòn đảo bị cấm đến Trung Quốc, Hồng Kông và Macao. Trong danh sách do Phòng Sự vụ Đài Loan của Bắc Kinh đưa ra, có ông Wellington Koo, đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ (trên thực tế là đại sứ), tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan và nhiều thành viên của đảng Dân Tiến cầm quyền.

    Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tiến hành cuộc chiến tâm lý, thao túng thông tin khi công bố hôm 15/08 một đoạn video về đảo Penghu nằm ở vị trí chiến lược, nơi Đài Loan có một căn cứ không quân lớn. Bắc Kinh khẳng định video do một chiến đấu cơ (trong số 4 chiếc J-16) của Chiến Khu Miền Đông Trung Quốc áp sát đảo chụp lại.

    Tuy nhiên, theo Reuters, phó tư lệnh Không Quân Đài Loan đã bác thông tin này. Trả lời báo giới ngày 16/08, ông Tun Pei Lun khẳng định « Trung Quốc đã sử dụng các thủ đoạn phóng đại để cho thấy họ đã đến gần đảo Penghy như thế nào, nhưng điều đó là không đúng ».

    Hàn Quốc đề nghị lợi ích kinh tế cho Triều Tiên nếu phi hạt nhân hóa 

    16/8/2022 

    AP

    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. 

    Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 15/8 đưa ra những đề nghị hỗ trợ kinh tế “táo bạo” cho Triều Tiên nếu nước này chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời tránh chỉ trích gay gắt đối với Triều Tiên vài ngày sau khi Bình Nhưỡng đe dọa trả thù “chết chóc” đối với vụ bùng phát COVID mà họ đổ lỗi cho miền Nam gây ra.

    Diễn văn truyền hình của ông Yoon diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố chiến thắng COVID và đổ lỗi cho Hàn Quốc gây bùng phát dịch tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng nói các tờ rơi và các vật thể khác do các nhà hoạt động thả bay qua biên giới đã lan truyền virus, một tuyên bố phi khoa học mà Seoul mô tả là “nực cười”.

    Triều Tiên có lịch sử dồn áp lực lên Hàn Quốc mỗi khi không đạt được những gì mong muốn từ Hoa Kỳ, và có những lo ngại rằng lời đe dọa của Triều Tiên là một hành động khiêu khích, có thể là một vụ thử hạt nhân hoặc phi đạn hoặc thậm chí là các cuộc giao tranh biên giới. Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể khuấy động căng thẳng xung quanh cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu vào tuần tới.

    Ông Yoon, một người bảo thủ nhậm chức vào tháng 5, nói việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên là chìa khóa cho hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Ông Yoon nói nếu Triều Tiên ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và thực sự cam kết tiến tới một quá trình phi hạt nhân hóa, thì Hàn Quốc sẽ đáp lại bằng những phần thưởng kinh tế khổng lồ sẽ được cung cấp theo từng giai đoạn.

    Ông Kim Tae-hyo, phó giám đốc an ninh quốc gia của Tổng thống Yoon, cho biết Seoul sẵn sàng cung cấp phần thưởng kinh tế ở mỗi bước của quá trình phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn nếu Triều Tiên cam kết “lộ trình” phi hạt nhân hóa và tiến hành “đóng băng, tuyên bố, kiểm chứng và dỡ bỏ” chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

    Đề nghị của Tổng thống Yoon không khác biệt gì mấy so với những đề nghị trước đây của Hàn Quốc từng bị Triều Tiên từ chối, quốc gia đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng các chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un coi là sự đảm bảo sống còn mạnh mẽ nhất.

    Ông Yoon cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình quy mô lớn để cung cấp lương thực, hỗ trợ thiết lập cơ sở hạ tầng sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng điện, đồng thời thực hiện các dự án hiện đại hóa cảng và sân bay để tạo thuận lợi cho thương mại.”

    Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng sẽ giúp cải thiện sản xuất nông nghiệp của Triều Tiên, hỗ trợ hiện đại hóa các bệnh viện và cơ sở hạ tầng y tế, thực hiện các sáng kiến cho phép đầu tư quốc tế và hỗ trợ tài chính.” Ông quả quyết những chương trình như vậy sẽ cải thiện “đáng kể” đời sống người dân Triều Tiên.

    Mối quan hệ liên Triều đã xấu đi trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân lớn hơn giữa Triều Tiên và Mỹ gặp bế tắc vào đầu năm 2019 vì những bất đồng về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Triều Tiên để đổi lấy các bước giải trừ quân bị.

    Triều Tiên đã tăng cường hoạt động thử nghiệm phi đạn vào năm 2022, phóng hơn 30 phi đạn đạn đạo cho đến nay, bao gồm cả phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM đầu tiên kể từ năm 2017. Các chuyên gia cho rằng ông Kim đang có ý định khai thác môi trường thuận lợi để thúc đẩy chương trình vũ khí của mình trong khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đang bị chia rẽ và bị tê liệt về cuộc chiến của Nga đối với Ukraine.

    Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc cũng cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ tháng 9/2017, khi họ tuyên bố đã kích nổ một đầu đạn hạt nhân được thiết kế cho ICBM của mình.

    Trong khi Washington cho biết sẽ thúc đẩy các chế tài bổ sung nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân khác, triển vọng về các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc và Nga gần đây đã phủ quyết các nghị quyết do Hoa Kỳ bảo trợ trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, theo đó sẽ gia tăng các chế tài đối với Triều Tiên về vụ thử phi đạn đạn đạo của họ trong năm nay.

    Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 15/8 nói ông Kim đã trao đổi thông điệp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và kỷ niệm mối quan hệ tăng cường của họ.

    Triều Tiên đã nhiều lần đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nói rằng “chính sách bá quyền” của phương Tây khiến Nga có hành động quân sự ở Ukraine để tự bảo vệ mình.

    Đặc sứ Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên đến thăm Miến Điện

    16/8/2022

    Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzen. © dppa.un.org 

    Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Noeleen Heyzer, hôm nay 16/08/2022 lần đầu tiên đến thăm quốc gia Đông Nam Á đang chìm trong khủng hoảng từ sau vụ đảo chính của tập đoàn quân sự hôm 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. 

    Thông cáo hôm thứ Hai 15/08 của Liên Hiệp Quốc cho biết khi tiếp xúc với tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện, đặc sứ Noeleen Heyzer sẽ đề cập đến tình hình đang xấu đi, đến những mối quan ngại trước mắt, cũng như các mục tiêu ưu tiên khác trong nhiệm kỳ của bà.

    Theo Reuters, phát ngôn viên tập đoàn quân sự, Zaw Min Tun, nói với truyền thông là bà Noeleen Heyzer sẽ gặp lãnh đạo chính quyền quân sự, cũng như các bộ trưởng hàng đầu của Miến Điện, và hiện chưa đề xuất gặp cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, hiện đang bị giam trong một nhà tù ở Naypyidaw. Trước đó, tập đoàn quân sự cầm quyền đã không đồng ý để đặc sứ ASEAN tiếp xúc với bà.

    Chuyến thăm của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện diễn ra một hôm sau khi nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi bị kết án thêm 6 năm tù giam vì cáo buộc tham nhũng. Theo một nguồn tin thông thạo hồ sơ, bà Aung Suu Kyi ra tòa hôm qua trong tình trạng sức khỏe tốt, nhưng không bình luận gì sau khi bản án được tuyên. Trước đó, giải Nobel Hòa Bình đã bị tập đoàn quân sự kết án 11 năm tù giam.

    Ngay trong ngày hôm qua, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ gọi bản án nói trên là « sự đối đầu với công lý và Nhà nước pháp quyền », đồng thời kêu gọi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện « trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi và tất cả những người bị giam cầm bất công, trong số đó có cả các dân biểu được bầu lên một cách dân chủ ». 

    Trong khi đó, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tố cáo cách hành xử « bất công » của tập đoàn quân sự đối với  Aung San Suu Kyi và kêu gọi tập đoàn quân sự « trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà và các tù nhân chính trị, cũng như tôn trọng nguyện vọng của nhân dân ».

    Việt Nam và Anh hợp tác phòng, chống mua bán người 

    16/8/2022 

    Ông Matthew Rycroft.

    Ông Matthew Rycroft. 

    Việt Nam và Anh mới tổ chức cuộc đối thoại di cư và xuất nhập cảnh lần thứ nhất tại Hà Nội, trong đó có việc thảo luận hợp tác phòng, chống mua bán người.

    Theo Đại sứ quán Anh, cuộc đối thoại do Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Vương quốc Anh Matthew Rycroft và Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Thượng tướng Lương Tam Quang đồng chủ trì hôm 15/8 nhằm mục đích cải thiện hợp tác di cư, phát huy tiềm năng của mối quan hệ đối tác di cư hiện có.

    Tin cho hay, cuộc thảo luận giữa quan chức hai nước tập trung vào các vấn đề chính, trong đó có bốn trụ cột gồm truyền thông về xuất nhập cảnh và di cư an toàn; hồi hương; vấn đề giả mạo giấy tờ và chính sách mới về xuất nhập cảnh và phòng, chống mua bán người.

    Theo cơ quan đại diện ngoại giao Anh ở Hà Nội, cuộc đối thoại là một phần trong chuyến thăm hai ngày của Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Vương quốc Anh Matthew Rycroft tại Việt Nam.

    Trong khi thăm Việt Nam, Quốc vụ khanh Rycroft cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam để “thảo luận về việc hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm mua bán người, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác trong việc đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán”.

    “Vương quốc Anh và Việt Nam là những đối tác chiến lược quan trọng và chúng tôi mong chờ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023”, ông Rycroft nói, theo Đại sứ quán Anh. “Bên cạnh việc hợp tác về thương mại, giáo dục, nghiên cứu, đổi mới khoa học công nghệ và biến đổi khí hậu, phòng, chống di cư trái phép và mua bán người cũng là một nội dung hợp tác quan trọng mang lại lợi ích chung cho cả hai nước. Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau để đảm bảo các tuyến đường nhập cư an toàn và hợp pháp vào Vương quốc Anh, bảo vệ các nạn nhân của nạn mua bán người, đồng thời chấm dứt loại hình tội phạm này”.

    Ngoài gặp các quan chức Việt Nam, trong thời gian làm việc tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh cho biết, ông Rycroft cũng có buổi trò chuyện, giao lưu với 250 sinh viên trường Đại học Ngoại thương về những cơ hội học tập tại Vương quốc Anh cũng như các chính sách ưu đãi của chính phủ Vương quốc Anh nhằm hỗ trợ sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam, học tập và làm việc tại Vương quốc Anh.

    Hồi tháng 1 năm nay, tin cho hay, ông Rycroft đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và đề xuất thành lập một nhóm công tác nhằm cải thiện hợp tác di cư giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.

    Năm tháng sau đó, Đại sứ Việt Nam tại Anh đã gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh và hai bên đã thống nhất tổ chức đối thoại di cư và xuất nhập cảnh giữa hai quốc gia.

    Theo cơ quan ngoại giao Anh ở Hà Nội, Anh và Việt Nam “có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về các vấn đề di cư và xuất nhập cảnh – từ việc phối hợp điều tra thảm họa tại Essex đến việc tổ chức thành công 3 chuyến bay hồi hương vào năm 2021”.

    “Hai bên đều mong muốn tiếp tục mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức, khó khăn, hai nước cần cùng nhau tháo gỡ”, phía Anh cho biết.

    Theo đại sứ quán Anh, Việt Nam là “một trong ba quốc gia có số người chờ xác minh là nạn nhân của mua bán người được đưa vào Cơ chế Chuyển tuyến Quốc gia của Anh nhiều nhất vào năm 2021” và điều đó “cho thấy nguy cơ bị bóc lột đối với người Việt khi sang Anh bất hợp pháp”.

    Trump phủ bóng cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

    Hai vòng bầu cử sơ bộ cấp bang vào thứ Ba tuần này sẽ cho thấy rõ quyền lực của Donald Trump đối với Đảng Cộng hòa. Có nhiều tác động hơn cả là ở Wyoming, nơi Liz Cheney sẽ nỗ lực giữ đề cử của Đảng Cộng hòa cho chiếc ghế Hạ viện của bang. Bà Cheney là nhân vật cao cấp nhất trong Đảng Cộng hòa công khai chỉ trích ông Trump kể từ sau vụ bạo loạn Đồi Capitol vào năm ngoái.

    Điều này khiến đảng của bà khó chịu. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ 28% cử tri Cộng hòa ủng hộ Cheney. Harriet Hageman, một luật sư được Trump ủng hộ, dường như sẽ thế vào chỗ của bà ở Washington. (Ở Wyoming, người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe Cộng hòa gần như chắc chắn chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.)

    Trong khi đó ở Alaska, Sarah Palin sẽ tìm cách quay lại chính trường. Là cựu thống đốc và ứng viên phó tổng thống, bà được Trump ủng hộ theo đuổi chiếc ghế Hạ viện duy nhất của bang. Bà Hageman và bà Palin là những cái tên trên lá phiếu, nhưng ảnh hưởng lâu dài của ông Trump nằm trong tâm trí của tất cả mọi người.

    Brazil bước vào mùa bầu cử toàn quốc

    Thứ Ba này các ứng viên cho chiếc ghế tổng thống Brazil, nghị sĩ Quốc hội và chính quyền bang sẽ chính thức bắt đầu vận động cho cuộc tổng tuyển cử ngày 2 tháng 10. Có 12 ứng cử viên trong cuộc đua tổng thống, nhưng chỉ hai ứng viên nổi bật. Luiz Inácio Lula da Silva, cựu tổng thống, đang có tỉ lệ ủng hộ 40%, cao hơn 10 điểm so với người đương nhiệm Jair Bolsonaro.

    Triển vọng của ông Bolsanaro đang cải thiện trong những tuần gần đây, một phần nhờ vào các chương trình mua chuộc cử tri. Hồi tháng 7, ông đã nâng giá trị của chương trình phát tiền mặt hàng tháng cho 10% dân số. Và chiến lược của ông dường như phát huy tác dụng. Từ tháng 1 đến tháng 8, tỉ lệ ủng hộ ông trong nhóm cử tri thu nhập thấp nhất đã tăng 5 phần trăm, và 10 phần trăm đối với cử tri nữ, dù hai nhóm này thường không tán thành ông. Nhưng Lula vẫn đang dẫn trước. Vì vậy ông Bolsonaro đã bắt đầu quảng bá các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử.

    Hỗn loạn sau bầu cử ở Kenya

    Ở một đất nước có lịch sử bầu cử đầy trắc trở, cuộc bầu cử tổng thống của Kenya dường như đã diễn ra tốt đẹp. Từ trước đến nay chưa có lần nào minh bạch đến vậy, với các bảng kết quả được đăng hoàn toàn lên mạng cho người dân xem xét kỹ lưỡng. Nhưng khi phó tổng thống William Ruto gần như chắc chắn được tuyên bố chiến thắng, hỗn loạn bùng nổ.

    Trước khi có tuyên bố vào thứ Hai, các phụ tá của ứng viên Raila Odinga nói ủy ban bầu cử đã bị mua chuộc. Chính ủy ban này sau đó cũng chia rẽ. Bốn trên bảy thành viên của nó đặt nghi vấn về kết quả, nhưng không đưa ra lời giải thích cũng như bằng chứng. Khi chủ tịch của ủy ban, Wafula Chebukati, tuyên bố ông Ruto giành chiến thắng, ông đã bị tấn công bởi những người trung thành với Odinga.

    Ông Chebukati cuối cùng cũng có thể tuyên bố ông Ruto giành được 50,5% số phiếu bầu. Nhưng ông Odinga, người được tổng thống Uhuru Kenyatta ủng hộ, chắc chắn sẽ yêu cầu kiểm lại phiếu.

    Các nước vùng Baltic rời khỏi khối Đông Âu do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp sự trả đũa từ Bắc Kinh 

    Alex Wu


    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1163322256-700x420-1.jpg

    Người dân tham gia một cuộc biểu tình chuỗi người để ủng hộ Con đường Hồng Kông, tái hiện lại cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ “Con đường Baltic” phản kháng sự cai trị của Liên Xô cách đây ba thập niên, ở Vilnius, Lithuania, vào ngày 23/08/2019. (Ảnh: Petras Malukas/AFP qua Getty Images) 

    Sau khi Lithuania rời khỏi một diễn đàn Đông Âu do Trung Quốc dẫn đầu hồi tháng 05/2021, tuần trước (08-14/08) Latvia và Estonia cũng thông báo rằng hai nước này sẽ rời khỏi khối. 

    Các chuyên gia chỉ ra việc các nước Baltic rời khỏi khối “17+1” của Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào các mối bang giao quốc tế hiếu chiến của nhà cầm quyền này ở Âu Châu.  

    Diễn đàn Hợp tác 17+1, còn được gọi là Hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu (China-CEEC), được thành lập vào năm 2012. Diễn đàn được tổ chức mỗi năm một lần, và là một cơ chế cho các cuộc họp giữa Bắc Kinh và 17 nước Trung và Đông Âu. Hầu hết các nước này trước đây đều thuộc Liên Xô cũ. 

    Năm ngoái (2021), Lithuania đã rời bỏ sáng kiến ​​ngoại giao này của Bắc Kinh, khuyến khích các nước khác làm theo đồng thời kêu gọi họ tăng cường bang giao với Liên minh Âu Châu để hình thành một khối vững mạnh dựa trên các giá trị chung. Nước này đã và đang thắt chặt bang giao với Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc). Hành động của Lithuania đã khiến Bắc Kinh tức giận và trả đũa về kinh tế.  

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/08/China_Lithuania_21325162149239-600x400-1.jpg

    Những nhân viên bên ngoài Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Vilnius, Lithuania, vào ngày 18/11/2021. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Đài Loan/qua AP, Tư liệu) 

    Hôm 11/08, Latvia và Estonia đã đưa ra các tuyên bố riêng về việc rời khỏi khối nói trên do Bắc Kinh đứng đầu.  

    Bộ Ngoại giao Latvia tuyên bố, “Xét các ưu tiên hiện nay trong chính sách ngoại giao và thương mại của Latvia, Latvia đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc.”  

    “[Latvia] sẽ tiếp tục cố gắng cho những mối bang giao mang tính xây dựng và thực tế một cách song phương với Trung Quốc, cũng như thông qua hợp tác Âu Châu–Trung Quốc dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền, và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.” 

    Trong một tuyên bố tương tự, Bộ Ngoại giao Estonia tuyên bố rằng nước này sẽ “tiếp tục hướng tới các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế với Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy mối bang giao Âu Châu-Trung Quốc phù hợp với các giá trị và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ chẳng hạn như nhân quyền.”  

    Tuyên bố này viết: “Estonia đã không tham dự bất kỳ cuộc họp nào theo dạng này sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai năm ngoái.”  

    Hành động kể trên diễn ra sau khi Trung Quốc áp dụng các lệnh trừng phạt với một thứ trưởng Lithuania đến thăm Đài Loan hôm 07/08.  

    Người ta tin rằng các mối bang giao quốc tế ngày càng gây hấn của Trung Quốc và việc nước này ủng hộ Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine là những nguyên nhân trực tiếp khiến những quốc gia nói trên tự lánh xa chính quyền Trung Quốc.  

    Thể hiện lập trường bất chấp bị trả đũa 

    Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan khiến chính quyền Trung Quốc tức giận, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài nhiều ngày ở không phận và hải phận xung quanh Đài Loan. Trong lúc đó, các quan chức của Bộ Giao thông và Truyền thông Lithuania, gồm có Thứ trưởng Agne Vaiciukeviciute, đã đến thăm hòn đảo dân chủ này. 

    Chuyến thăm của Lithuania được xem là thể hiện sự ủng hộ đối với cả Đài Loan và bà Pelosi. Để đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân gọi chuyến thăm này là “sự phản bội trơ trẽn” đối với cam kết “một Trung Quốc.” Chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ hợp tác với Lithuania và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bà Vaiciukeviciute. 

    Nhà bình luận về các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ là ông Lý Mục Dương (Li Muyang) nói trong chương trình trò chuyện “New Insight” của mình trên đài truyền hình NTD, rằng việc các nước Baltic rời bỏ diễn đàn Trung Quốc-CEEC “là một đòn giáng vào chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này thúc đẩy sáng kiến ​​Một Vành đai, Một Con đường ở lục địa Á-Âu.” Ông nói: “Ban đầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy mạnh mẽ ‘Cơ chế hợp tác 17+1 giữa Trung Quốc và Đông Âu … chủ yếu nhằm thúc đẩy kế hoạch ‘Một Vành đai, Một Con đường’ của ĐCSTQ ở Á-Âu.”  

    Một Vành đai, Một Con đường, còn được gọi là sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), là dự án chính sách ngoại giao lớn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được ông đưa ra vào năm 2013. Dự án này có mục đích mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của ĐCSTQ tới các quốc gia Á Châu, Âu Châu, và Phi Châu bằng cách tái hiện con đường tơ lụa và các tuyến hàng hải giao thương của Trung Hoa cổ đại trong thế kỷ 21. Sáng kiến ​​này đầu tư vốn Trung Quốc để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém khác nhau tại hơn 60 nước tham gia. BRI bị chỉ trích gay gắt vì sắp đặt cho các nước nhận đầu tư rơi vào bẫy nợ, cùng với những cáo buộc về hoạt động gián điệp và xâm nhập vào các nước khác.  

    Ông Lý chỉ ra rằng việc Latvia và Estonia rút khỏi 17+1 có ý nghĩa chính trị lớn hơn nhiều so với mục đích thực tiễn. 

    Ông nói: “Mặc dù hai quốc gia này có quy mô nhỏ, nhưng họ đang thể hiện lập trường cho thấy cộng đồng quốc tế đang thức tỉnh và không còn dung thứ cho sự hung hăng và côn đồ của ĐCSTQ thêm nữa.” 

    Chuyên gia về các vấn đề chính trị Đài Loan Lý Dậu Đàm (Lee You-tan) nói với Đài Á Châu Tự do rằng các nước Baltic rời khỏi khối Trung Quốc là một dấu hiệu rất tốt lành. Ông cho biết, những nỗ lực chung của ba nước Baltic và Âu Châu thực sự có thể phá vỡ nỗ lực chia rẽ và chinh phục Âu Châu của ĐCSTQ. 

    Ông nói: “Các nhà lãnh đạo Âu Châu cần phải biết rằng thỏa hiệp đó sẽ không mang lại hòa bình, cũng không khiến các chế độ bất hảo tôn trọng trật tự quốc tế và các công ước nhân quyền. 

    Diễn đàn 17+1 do Trung Quốc hậu thuẫn đã trở thành “14+1”. Chín trong số 27 quốc gia EU vẫn là thành viên khối này gồm có Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia. Năm thành viên còn lại là các nước không thuộc EU: Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia. 

    Ông Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.

    Thanh Nhã biên dịch

    Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế COVID-19 

    Naveen Athrappully

    16/8/2022

    https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/08/Japan-health-virus-1200x800-700x420-1.jpg

    Những người đeo khẩu trang đi bộ tại quận Shibuya ở Tokyo hôm 19/01/2022. (Ảnh: Behrouz Mehri/AFP qua Getty Images) 

    Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong quý II năm 2022 và trở lại mức trước đại dịch, mặc dù việc phục hồi về trạng thái bình thường của nước này chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác. 

    Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng với tốc độ 2.2% hàng năm trong quý. Quy mô của nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới này là 542.1 ngàn tỷ yên (4.1 ngàn tỷ USD). GDP quý I ban đầu được báo cáo là đã giảm xuống nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành tăng trưởng 0.1%. 

    Mức tăng trưởng quý II đánh dấu mức tăng GDP quý thứ ba liên tiếp. 

    Hồi cuối tháng Ba, chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, giúp kích thích nền kinh tế. Chi tiêu tiêu dùng dẫn đầu mức tăng trưởng với mức tăng 1.1%. Chỉ riêng chi tiêu của người tiêu dùng đã chiếm hơn 50% tổng sản lượng kinh tế của đất nước. 

    Với việc các quy tắc COVID-19 được nới lỏng, mọi người đã chi nhiều tiền hơn cho quần áo, nhà hàng, và khách sạn, thúc đẩy nền kinh tế. Chi tiêu vốn (còn gọi là chi phí vốn) là một động lực chính khác thúc đẩy tăng trưởng quý hai, tăng 1.4% so với quý trước. 

    Theo một số chuyên gia, các ca COVID-19 gia tăng là mối đe dọa đối với tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong những tháng tới. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm trong quý cuối cùng của năm 2021. Tuy nhiên, số ca bắt đầu tăng vào tháng Một và có xu hướng tiếp tục tăng kể từ tháng Bảy. 

    Ông Takayuki Toji, một nhà kinh tế tại SuMi Trust, nói với Associated Press: “Sau một mùa xuân với nhiều triển vọng tươi sáng hơn, chúng tôi cho rằng nền kinh tế sẽ chậm lại trong quý này do chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn do ca nhiễm COVID-19 gia tăng.” 

    Ông Toji nói: “Hoạt động xuất cảng cần được hỗ trợ bởi việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đô thị ở Trung Quốc và đầu tư vốn vẫn ổn định nhưng tăng trưởng toàn cầu chậm lại vì thắt chặt tiền tệ ở Hoa Kỳ và Âu Châu đang mang lại nhiều khó khăn.” 

    Hồi tháng Bảy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản cho năm 2022 từ mức dự báo của tháng Tư là 2.4% xuống còn 1.7%. 

    Lạm phát

    Áp lực lạm phát là một thách thức khác mà nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt. Mặc dù lạm phát ở mức tương đối vừa phải, nhưng tiêu dùng có nguy cơ hạ nhiệt do giá cả tăng nhanh hơn lương. 

    Khi được điều chỉnh theo lạm phát, tiền lương đã giảm trong ba tháng liên tục từ tháng Tư đến tháng Sáu, dẫn đến mức giảm tổng thể 0.9% so với quý đầu tiên, và mức giảm theo quý mạnh hơn nhiều so với mức giảm 0.1% giữa quý IV của Năm 2021 và quý I năm 2022. 

    Ông Takeshi Minami thuộc Viện nghiên cứu Norinchukin nói với Bloomberg: “Lạm phát có thể làm giảm việc chi tiêu, mặc dù giá dầu có thể ổn định khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.” “Khi những rủi ro về suy thoái gia tăng trong nền kinh tế thế giới, thì cũng có nguy cơ là nền kinh tế Nhật Bản có thể suy thoái tại một số giai đoạn cuối năm.” 

    Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng sẽ kiềm chế được lạm phát vào tháng Chín. Ông cho biết ông muốn việc tăng lương được duy trì, việc giới hạn giá lúa mì nhập cảng được tiếp tục, và ngày càng có nhiều tài trợ cho chính phủ địa phương. 

    Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times. 

    Bản tin có sự đóng góp của Reuters

    Nhật Thăng biên dịch

    Đức chuyển hướng tập trung sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

    16/8/2022 

    Reuters 

    Máy bay C-130 Hercules của Không lực Hòang gia Úc tham dự cuộc tập trận hàng năm Pitch Black.

    Máy bay C-130 Hercules của Không lực Hòang gia Úc tham dự cuộc tập trận hàng năm Pitch Black. 

    Đức phái 13 máy bay quân sự sang Úc tập trận chung. Đây là cuộc triển khai lớn nhất trong thời bình của lực lượng không quân Đức, nhấn mạnh sự tập trung ngày càng tăng của Berlin vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc trong khu vực.

    Năm ngoái, một tàu chiến của Đức đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 20 năm, một động thái cho thấy Berlin tham gia cùng các quốc gia phương Tây khác mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực trong bối cảnh ngày càng báo động về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

    Căng thẳng cũng gia tăng về vấn đề Đài Loan kể từ khi Trung Quốc - nước tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình - bắt đầu các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo dân chủ sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc vào đầu tháng 8.

    Hôm 15/8, sáu máy bay phản lực Eurofighter đã cất cánh từ một căn cứ ở Neuburg an der Donau ở miền nam nước Đức và ba máy bay tiếp dầu A330 từ Cologne trong chuyến bay ba ngày đến Úc, nơi họ sẽ cùng bốn máy bay vận tải A400M của Đức đã rời đi trước đó, tham gia với 16 quốc gia khác trong cuộc tập trận hai năm một lần, Pitch Black.

    Trong quá trình triển khai, bao gồm các đường vòng tới Nhật Bản và Hàn Quốc, các phi công Đức sẽ tiến hành gần 200 lần tiếp dầu trên không cho các máy bay chiến đấu, Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz cho hay.

    Được hỏi liệu các máy bay chiến đấu này có đi qua Biển Đông và Eo biển Đài Loan, hai điểm nóng căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực, hay không, ông Gerhartz nói các máy bay này sẽ dùng các tuyến đường hàng không dân dụng và không có kế hoạch đi qua Eo biển Đài Loan.

    “Biển Đông, Đài Loan - đây rõ ràng là những điểm nóng trong khu vực”, ông nói với các phóng viên. “Chúng tôi sẽ bay ở độ cao hơn 10 km và gần như không chạm vào Biển Đông, và chúng tôi sẽ di chuyển trên các đường bay quốc tế.”

    Ông Gerhartz nói rằng, với việc triển khai, ông muốn gửi một tín hiệu đến các đối tác của Đức hơn là Trung Quốc: “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang gửi bất kỳ thông điệp đe dọa nào đối với Trung Quốc bằng cách bay tới một cuộc tập trận ở Úc.”

    Đại sứ Úc tại Đức Philip Green nhấn mạnh rằng không có lý do gì để Bắc Kinh coi một cuộc tập trận thường kỳ là gây bất ổn cho khu vực.

    “Chúng tôi đang tìm kiếm một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng, cân bằng chiến lược, nơi mỗi quốc gia có thể có những lựa chọn chủ quyền của riêng mình", ông Green nói khi được hỏi về thông điệp dành cho Trung Quốc.

    Trung Quốc: Khách chạy khỏi cửa hàng Ikea ở Thượng Hải vì sợ bị nhốt cách ly

    By Melissa Zhu

    BBC News

    16/8/2022

    Ikea's store in Xuhui district, Shanghai

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Ikea mở cơ sở đầu tiên tại TQ năm 1998

    Giới chức y tế đã cố gắng khóa cửa hàng ở quận Từ Hối vì một khách hàng đã tiếp xúc gần với một ca dương tính với Covid.

    Video cho thấy các nhân viên bảo vệ đóng đang cố đóng cửa nhưng một đám đông đã đẩy bật họ ra và trốn thoát.

    Thượng Hải đã phải chịu đựng một đợt phong tỏa nghiêm trọng kéo dài hai tháng vào đầu năm nay.

    Kể từ đó, phù hợp với chiến lược "zero-Covid" nghiêm ngặt của đất nước, thành phố 20 triệu dân đã ra lệnh phong tỏa khẩn cấp các khu vực phát hiện trường hợp dương tính hoặc người tiếp xúc gần họ.

    Nhiều người đã bị nhốt ở những địa điểm bất thường - bao gồm nhà hàng lẩu, phòng tập gym và văn phòng.

    Phó giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải Triệu Đan Đan cho biết hôm Chủ nhật vừa qua, việc cửa hàng Ikea đột ngột đóng cửa vì một cậu bé sáu tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi trở về Thượng Hải từ Lhasa, Tây Tạng đã tới cửa hàng.

    Ông không cho biết các thời điểm người tiếp xúc gần cậu bé này tại cửa hàng. 

    Những người ở cửa hàng Ikea và các khu vực liên quan phải cách ly trong hai ngày, sau đó là năm ngày theo dõi sức khỏe, ông Triệu nói.

    Đến Chủ nhật, gần 400 người tiếp xúc gần gũi với cậu bé sáu tuổi - không có triệu chứng - đã được truy vết trong khi 80.000 người được yêu cầu làm xét nghiệm PCR, theo trang Shanghai Daily.

    Dịch vụ khách hàng của Ikea cho biết vào Chủ nhật rằng cửa hàng đã đóng cửa để phòng lây nhiễm Covid.

    Cửa hàng Ikea Từ Hối qui mô lớn được khai trương vào năm 1998, là cửa hàng bán lẻ đồ nội thất đầu tiên của Thụy Điển tại Trung Quốc. Hiện nó có 35 cửa hàng trên khắp cả nước.

    Trung Quốc đã mắc kẹt với cách tiếp cận zero-Covid để làm chậm sự lây lan của virus corona bất chấp tác động to lớn của nó đối với nền kinh tế và sự phản đối ngày càng lớn từ công chúng.

    Cảnh tượng hoảng loạn tại của hang Ikea video tuần trước xảy ra sau khi trước đó có các video cho thấy người dân ở một khu vực khác của Thượng Hải chạy ra khỏi một tòa nhà vì tin đồn về kết quả xét nghiệm Covid bất thường.

    Việc phong tỏa trên toàn thành phố của Thượng Hải vào đầu năm nay cũng đã được lan truyền qua thông tin phát tán về tình trạng thiếu lương thực và điều kiện sống tồi tệ tại các trung tâm cách ly.

    Các cư dân bất bình trên các video quay được tranh cãi nảy lửa với nhân viên phòng chống dịch Covid và la hét từ các cửa sổ để phản đối các hạn chế trong thời gian bị cách ly.

    Đã có những cảnh hỗn loạn tại một cửa hàng Ikea ở Thượng Hải vào hôm thứ Bảy, với những người mua sắm gắng trốn thoát khi chính quyền cố gắng cách ly họ. 


    Không có nhận xét nào