Header Ads

  • Breaking News

    Phóng sinh, tích phước hay tích nghiệp?


    Mỗi năm cứ tới những ngày Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Bảy, ngày Tết hoặc những dịp cầu nguyện cho bản thân hay gia quyến thì người ta lại đến chùa chiền mua chim, cá để phóng sinh. Tập tục này kéo dài hàng trăm năm qua, ban đầu nhỏ lẻ, chỉ gói gọn trong phạm vi một ngôi chùa nào đó cho tới ngày nay khi đời sống kinh tế vượt qua được khó khăn thì nhu cầu tâm linh lan rộng trong toàn xã hội, cụ thể và dễ thấy nhất là phong trào phóng sinh, đang mỗi lúc một rời xa ý nghĩa ban đầu; và thậm chí có dấu hiệu bị giật giây, thúc đẩy nhằm tìm kiếm lợi nhuận như những phong trào Cúng vong, Khai ấn đền Trần từng làm xã hội chao đảo rối loạn.

    Phóng sinh (Tsethar) là một hành động và nghi lễ truyền thống trong Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, thì bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống.

    Thực ra phóng sinh không phải phát xuất từ Phật giáo nguyên thủy mà tập tục này chỉ xuất hiện vào thời nhà Chu bên Trung Quốc, bắt nguồn từ kinh Phật Đại Thừa, thịnh hành ở Trung Hoa, Tây Tạng, truyền sang Nhật Bản và các nước láng giềng Triều Tiên, Việt Nam. Phóng sinh có lẽ được hình thành từ câu chuyện một sa di do tình cờ đã lập nên một hướng đi cho việc phóng sinh sau này.

    Trong kinh “Tạp bảo tạng” quyển 4 có chép: “Sư phụ của một Sa di biết Sa di này sẽ chết trong vòng 7 ngày, nên cho phép anh ta về thăm nhà, 7 ngày sau sẽ trở lại, nhưng không giải thích rõ lý do. Anh ta lên đường về nhà, thấy nước trong một cái ao thoát ra một khe hở, đe dọa một ổ kiến ở bờ ao. Bầy kiến nháo nhác chạy trốn nhưng không kịp với tốc độ nước tháo ra. Anh Sa di thấy vô số con kiến ắt phải chết đuối bèn lấy áo cà sa của mình bồi đất vào để đắp lỗ hổng ở bờ ao, cứu thoát bầy kiến.

    Sa di về thăm nhà 7 ngày, rồi trở lại ra mắt sư phụ. Sư phụ thấy Sa di kinh ngạc vô cùng, hỏi anh ta mấy ngày qua có xảy ra chuyện gì đặc biệt không. Tưởng rằng sư phụ nói mình phạm giới, làm việc bậy bạ nên lo sợ nói rằng không làm việc gì sai trái. Sư phụ là A la hán dùng thiên nhãn biết rõ là anh Sa di này đã làm một việc thiện nhỏ là cứu sống một bầy kiến, nhờ vậy mà khỏi phải chết yểu, được sống cho đến già.”

    Những chú kiến đầu tiên trong câu chuyện với tính cách ẩn dụ nay đã biến thành cụ thể, thành những chim chóc, cá tôm. Đàn kiến trong câu chuyện tượng trưng cho sự sống, đánh động lòng từ tâm của chú sa di nhưng chim chóc tôm cá sau này lại đánh động lòng tham của những người cúng dường cho cửa Phật bằng lòng ham muốn hơn là trắc ẩn.

    Ý nghĩa của việc phóng sinh ngày càng méo mó lệch lạc và bị lợi dụng một cách công khai (VNE)

    Bắt đầu những ngày trước lễ Vu lan, các cửa hàng trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) lại nhộn nhịp hơn. Các loại chim, cá phóng sinh được bày bán nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Rằm Tháng 7. Tại Miền Nam, một số ngôi chùa Sài Gòn như chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3), chùa Diệu Pháp, Lăng Ông Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh), rất nhiều người bày bán chim, cá để người ta mua phóng sinh nhằm “tích đức”, “cầu may”.

    Báo chí cho biết, sau khi được phóng sinh, vô số con chim nằm la liệt giãy đành đạch trước cổng chùa vì cánh của chúng đã bị cắt không thể bay. Chúng nằm thoi thóp chờ bọn thu gom bắt lại, bán đi một lần nữa mới cam tâm chịu chết.

    “Tại chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3), chim phóng sinh được bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/con. Đa phần người đi chùa đều mua cả lồng chim, có đến hơn 20 chú chim được nhốt trong chiếc lồng nhỏ, khi thực hiện phóng sinh, có những chú chim bay lừ đừ rồi đáp xuống đất, nằm gãy cánh ngay lối đi của khách hành hương.

    Ở chùa Diệu Pháp, cảnh thả cá phía trước, phía sau có người đi theo vớt, rồi lại mang bán cho hàng cá trước cổng chùa, rồi người khác lại mua thả, rồi lại vớt. Người bán chim phóng sinh cắt cụt cánh chim, làm cho chim yếu rồi đem bán cho khách đi chùa làm lễ phóng sinh. Chim, cá bị đánh bẫy, cắt bớt lông cánh, lông đuôi để không thể bay xa. Người mua chim phóng sinh xong, con nào còn sức thì chao cánh một chút rồi cũng trở về chốn cũ. Con nào kiệt sức thì ngã chết ngay”.

    Những hình ảnh ấy không phải sau lưng những người mua chim phóng sinh. Họ chứng kiến và không ít người tức giận. Tức thì tức, sang năm lại thấy thiên hạ rần rần mua chim phóng sinh. Biện minh cho hành động giả lơ trước tội ác là lý luận ai làm thì người ấy gặt quả. Cái quả báo ấy không vận vào người mua chim phóng sinh hay sao? Khái niệm về “nghiệp” hay nghiệp báo, nghiệp quả được hiểu là một định luật cho biết rằng mỗi một nguyên nhân đều tạo ra hậu quả. Nghiệp của người mua chim là tạo cho người khác cơ hội bán, tức là tiếp tay để bắt những chú chim non.

    Trong đạo Phật nguyên thủy, phóng sinh là phóng thích cái tâm ô uế như tâm tham, tâm đố kị, hơn thua và thù hận… ra khỏi con người mình để mình được tự do. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh trong đạo Phật là như vậy chứ không phải là mua mấy con chim, con cá đem đi phóng sinh.

    Câu chuyện của sa di cứu đàn kiến hoàn toàn không phải cho mình mà cho đàn kiến tội nghiệp kia; còn bây giờ, phong trào phóng sinh là làm cho người phóng sinh chứ hoàn toàn không cho con vật được phóng sinh. Hai hình thái trái ngược nói lên nhận thức lệch lạc của xã hội. Nó cũng nói lên tâm lý mất phương hướng của người tu tập ngày nay sau những hình ảnh không mấy tốt đẹp của nhiều “chân tu” trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    Văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc một cách sâu đậm và câu chuyện phóng sinh cũng bắt nguồn từ Phật giáo Trung Quốc. Phóng sinh một cách bầy đàn bất kể ý nghĩa thật sự của nó khiến không những môi trường sống bị xâm hại mà môi trường tâm linh cũng méo mó biến tướng. Chừng nào phóng sinh còn là tâm thức lệch lạc thì chừng đó đạo Phật vẫn còn nằm trong vòng tròn khống chế của những ma lực luôn mong muốn hình ảnh Phật giáo trở thành nơi chẳng khác gì tà phái.

    Không có nhận xét nào