Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lương Hải Khôi - Shibusawa Ei-ichi – Người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật. Phần 1

    https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2022/10/107985888_3310437589007772_8041487287362016466_n-e1656055683105.jpeg

    Tặng những tâm hồn Việt Nam đang thao thức

    Anh hùng và thời thế

    Việc Nhật Bản chuyển mình thành một quốc gia hiện đại trong ba mươi năm cuối của thế kỷ 19 là một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử thế giới. Chỉ trong vòng một thế hệ, những người tuổi trẻ với hùng tâm tráng chí và trí tuệ mẫn tiệp đã biến Nhật Bản thành một quốc gia có nền chính trị tam quyền phân lập, một hệ thống hành chính hiện đại, một quân đội hùng mạnh, một nền kinh tế được công nghiệp hóa mạnh mẽ, một nền giáo dục tiên tiến và văn hóa tinh thần phát triển cao. Họ đã thực hiện một cách hoàn hảo điều mà hầu hết người phương Tây đương thời đều tin là bất khả thi ở một quốc gia phi phương Tây.

    “Thế hệ Minh Trị” của Nhật Bản là thế hệ đã khiến nhiều quốc gia khác phải thao thức. Suốt hơn một thế kỷ qua, họ đã làm Trung Quốc thao thức, Triều Tiên thao thức và làm Việt Nam thao thức. Sau gần một thế kỷ rưỡi, Việt Nam đã trải qua năm thế hệ. Năm thế hệ ấy, ở tất cả các thành phần và ý thức hệ khác nhau, đã sống và chiến đấu không mệt mỏi trong một thời đại cuồn cuộn bao biến động khốc liệt. Nhưng đến hôm nay, khi nước Nhật kỷ niệm 150 năm cuộc duy tân Minh Trị, chúng ta vẫn tiếp tục thao thức.

    Trong thế hệ tiên phong ấy ở xứ Phù Tang, người thì truyền bá và thực hành mô hình trí thức độc lập với chính quyền như Fukuzawa Yukichi, người thì xây dựng Khoa học Chính trị như Kato Hiroyuki, người thì sáng lập ngành Luật học theo truyền thống Pháp như Mitsukuri Rinso, người thì tiên phong du nhập triết học phương Tây như Nishi Amane, người thì làm ông tổ của ngành Thống kê học như Sugi Koji, người thì tiên phong hoằng dương tinh thần tự do biểu đạt như Tsuda Mamichi, người thì nỗ lực xây dựng mô hình nhà nước tam quyền phân lập như Iwakuma Tomomi, người thì áp dụng tinh thần cộng hòa trong triều đình mới như Kido Takayoshi, người thì xây dựng chính phủ theo mô hình phương Tây như Ito Hirobumi… Và dĩ nhiên, không thể không kể đến tổ phụ của nền kinh tế thị trường, Shibusawa Ei-ichi, người đã du nhập và phát triển mô hình công ty cổ phần, vun trồng văn hóa doanh nhân hiện đại, khai sinh ngành ngân hàng đồng thời xây dựng những công ty trụ cột của nền kinh tế.

    Theo sử gia kinh tế Tsuchiya Takao, Shibusawa Ei-ichi đã sáng lập và đồng sáng lập khoảng hơn 500 công ty vào thời Minh Trị, trong đó có những doanh nghiệp trở thành trụ cột của nền công nghiệp và tài chính hiện đại Nhật Bản. Những doanh nghiệp này kết với nhau như một chuỗi, bổ trợ lẫn nhau thành một mạng lưới. Chúng ta có thể điểm qua vài cái tên ngày nay vẫn là những thương hiệu nổi tiếng: Ngân hàng Dai-ichi (hiện nay là Ngân hàng Mizuho), Hiệp hội ngân hàng Tokyo, Hiệp hội ngân hàng Osaka, Công ty xây dựng Shimizu, Công ty Bảo hiểm hàng hải Tokyo Maritime, Công ty vận tải Nippon Yusen, Công ty Đường sắt Nhật Bản, Công ty Đường sắt Tokyo Metro, Công ty đóng tàu Tokyo Ishikawajima, Công ty Kanebo, Công ty bia Sapporo, Công ty Gas Tokyo, Công ty Gas Osaka, Công ty Điện lực Tokyo, Khách sạn Imperial Hotel, Công ty giấy Nippon, Công ty giấy Oji…

    Năng lượng tinh thần nào đã tạo ra một nhà khởi nghiệp như thế? Đâu là ngọn nguồn của những sáng tạo của ông? Động lực nào đã giúp ông học hỏi một lượng kiến thức như vậy ở nhiều lĩnh vực khác nhau? Khi Shibusawa được gia đình và bạn bè mời kể lại cuộc đời mình năm 1887, có lẽ ông đã có câu trả lời cho những câu hỏi đó. Bản chép tay những lời kể này của ông về sau được biên tập lại thành tự truyện “Vũ dạ đàm” (Amayo – gatari 『雨夜語』), nghĩa là “Kể chuyện đêm mưa”. Ở đây, Shibusawa kể từ thời thơ ấu đến năm 1873, khi ông treo ấn từ quan để dấn thân vào thương trường, khắc họa một cách sinh động nền tảng văn hóa của một võ sỹ Samurai trong cơn dâu bể của những biến động chính trị khốc liệt, giúp chúng ta hiểu làm thế nào một thanh niên sinh ra trong gia đình nông dân tỉnh lẻ đã lĩnh hội được những phẩm chất, kỹ năng và tinh thần, tức cái nền tảng văn hóa đã tạo thành một Shibusawa “người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật” như thế hệ sau tôn vinh.

    Vấn đề văn bản 

    Chúng tôi dịch hai cuốn sách nhỏ, là hồi ức của Shibusawa Ei-ichi về cuộc đời hoạt động chính trị và kinh tế của mình trước và sau cuộc duy tân Minh Trị. Quyển “Vũ dạ đàm” kể từ thời thơ ấu đến giai đoạn tác giả phục vụ trong Bộ Tài chính đầu thời Minh Trị (đến năm 1873). Quyển “Quá trình phát triển lực lượng doanh nhân từ sau duy tân Minh Trị” kể về hành trạng của tác giả trong thời kỳ xây dựng nền móng cho chủ nghĩa tư bản Nhật, sau năm 1873, khi tác giả từ chức ở Bộ Tài chính để dấn thân vào con đường kinh doanh, thực nghiệp.

    Quyển “Vũ dạ đàm”, như trên đã nói, có nguồn gốc từ năm bài nói chuyện của Shibusawa cho gia đình và bạn bè tại nhà của ông ở Tokyo năm 1887. Năm 1894, Shibusawa biên tập bản ghi chép năm bài nói chuyện này và xuất bản thành sách. Năm 1900, nhân dịp Shibusawa Ei-ichi thượng thọ lục tuần, quyển sách này được tái bản trong bộ sách “Sáu mươi năm cuộc đời của Thanh Uyên[i] tiên sinh – Lịch sử phát triển tinh thần thực nghiệp hiện đại của một con người”, do Sakatani Yoshiro, đương thời là Cục trưởng Cục Kế toán của Bộ Tài chính (sau đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính) làm chủ tịch hội đồng biên tập. Các bản in về sau của sách “Vũ dạ đàm” đều in nguyên văn văn bản năm 1900 này.

    Để bổ sung cho sách “Vũ dạ đàm”, chỉ kể về cuộc đời của Shibusawa từ thuở nhỏ đến khi từ quan năm 1873, chúng tôi dịch thêm “Quá trình phát triển lực lượng doanh nhân từ sau duy tân Minh Trị” (『維新以後ニ於ケル経済界ノ発達』) cũng của Shibusawa, kể về những hoạt động phát triển kinh tế Nhật Bản của tác giả với tư cách là một doanh nhân, giai đoạn sau khi từ quan, tức là câu chuyện của nó tiếp nối tác phẩm “Vũ dạ đàm”. Tác phẩm này có nguồn gốc là bài giảng của Shibusawa theo lời mời của “Hội nghiên cứu Chính trị học” (“Kokka Gakkai” 国家学会 ) của Trường Luật học, Đại học Đế quốc (Đại học Tokyo ngày nay), một bài trong chuỗi bài giảng thuộc chủ đề “Những vị nguyên soái của cuộc cải cách Minh Trị xuất thân trong triều đình và thứ dân”「朝野ノ元勲諸公」do Hội này thực hiện. Sau đó, năm 1919, Hội này biên tập bản ghi chép của bài giảng trên và xuất bản trong sách “Lịch sử kinh tế chính trị thời Minh Trị” (『明治憲政経済史論』), kỷ niệm 30 năm thành lập Hội.

    Vào thập niên 50 của thế kỷ 20, một nhóm học giả do sử gia kinh tế Tsuchiya Takao dẫn đầu đã biên tập bộ sách “Tư liệu về tiểu sử Shibusawa Ei-ichi” (『渋沢栄一伝記資料』) gồm 68 tập, xuất bản lần lượt từ 1955 đến 1971. Bộ “Tư liệu” này được coi là tập đại thành về Shibusawa Ei-ichi mà những ai nghiên cứu về ông đều sử dụng. Trong bộ “Tư liệu” này, bản in “Vũ dạ đàm” năm 1900 được xếp trong tập 5, còn “Quá trình phát triển của lực lượng doanh nhân từ sau duy tân Minh Trị” năm 1919 thì nằm trong tập 46. Bản dịch của chúng tôi dựa vào hai văn bản trong bộ “Tư liệu” này.

    Ý nghĩa của tác phẩm

    Tác phẩm “Quá trình phát triển lực lượng doanh nhân từ sau duy tân Minh Trị” được Hội Chính trị học của Đại học Tokyo biên tập nên ngôn ngữ có thể trở nên gần với phong cách học thuật hơn, nhưng “Vũ dạ đàm” thì thực sự là ngôn ngữ trò chuyện thân mật với người thân và bạn bè. Chúng ta có thể đặt câu hỏi là liệu những cuốn sách có nguồn gốc là những cuộc nói chuyện, giảng bài của tác giả thì liệu có đáng tin?

    Trong “Vũ dạ đàm”, tác giả không dấu giếm bản thân mình thời trẻ là một chàng trai đầy nhiệt huyết, lý tưởng, đầy khẳng khái, như một chí sỹ hết lòng vì nước. Có một số chi tiết độc giả có thể đặt vấn đề, chẳng hạn, tác giả kể rằng khi được giúp đỡ về đầu quân cho nhà Hitotsubashi Yoshinobu, người đứng đầu một chi tộc của dòng họ Tokugawa lãnh đạo Mạc phủ, tác giả đã khẳng khái đặt điều kiện là mình phải được diện kiến Hitotsubashi để bày tỏ chính kiến và đã được Hitotsubashi chấp thuận. Độc giả có thể đặt vấn đề là, liệu một võ sỹ Samurai bấy giờ đang trong hoàn cảnh không nơi nương tựa, thân phận thấp hèn, giữa lúc lâm vào bước đường cùng, trong bối cảnh xã hội phân biệt đẳng cấp khắt khe như vậy, thì có dám đòi hỏi như thế? Mà giả sử chàng dám đòi hỏi như vậy thì có thực người đứng ở đỉnh cao quyền lực như Hitotsubashi đã chấp thuận?

    Tuy vậy, khi sách xuất bản năm 1894, Hitotsubashi vẫn còn sống. Không chỉ Hitotsubashi mà nhiều vị “nguyên soái” của cuộc canh tân Minh Trị xuất hiện trong tự truyện của Shibusawa như Okuma Shigenobu, Ito Hirobumi, Inoue Kaoru, Soejima Taneomi… cũng vẫn còn sống. Không những không có ai đặt vấn đề về những câu chuyện ông kể mà ngược lại thậm chí còn có người như Okuma Shigenobu, trong một phỏng vấn năm 1909, đã kể về một Shibusawa khi mới được mời vào Bộ Tài chính của triều đình Minh Trị với một hình ảnh còn thú vị hơn cả Shibusawa tự kể về mình. Ngoài ra, như trên đã nói, năm 1900, một lãnh đạo của Bộ Tài chính là Sakatani đã đưa tác phẩm này vào trong một cuốn sách kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Shibusawa. Nhiều học giả quốc tế như giáo sư sử học Teruko Craig ở Đại học Havard, người dịch “Vũ dạ đàm” sang tiếng Anh, cũng cho rằng tác phẩm này trung thực và tác giả đã kể lại lịch sử đúng như trí nhớ của mình. Đối với giới nghiên cứu về Shibusawa ở Nhật Bản và trên thế giới, “Vũ dạ đàm” và “Quá trình phát triển của lực lượng doanh nhân từ sau duy tân Minh Trị” vẫn được coi là những tài liệu quan trọng để hiểu tiểu sử và nền tảng văn hóa của tác giả.

    Tóm lại, có thể nói “Vũ dạ đàm” của Shibusawa Ei-ichi xứng đáng để các sử gia kinh tế, những nhà nghiên cứu chính trị và tư tưởng… tham khảo để hiểu những bước chân đầu tiên của hành trình vạn dặm của nước Nhật thời hiện đại. Cùng với “Phúc Ông tự truyện” của Fukuzawa Yukichi, tự truyện “Vũ dạ đàm” của Shibusawa đã khắc họa bầu không khí tinh thần của thời đại một cách sinh động, miêu tả tâm lý và nhân cách các nhân vật lịch sử một cách sắc sảo, kể về con người và sự kiện bằng những chi tiết điển hình, cung cấp cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh từ góc nhìn người trong cuộc về “thế hệ Minh Trị” ở Nhật Bản.

    Sự lựa chọn

    Ở Việt Nam, những người quan tâm đến vấn đề “hiện đại hóa” thì không ai không biết Fukuzawa Yukichi. Trong “thế hệ Minh Trị” ấy, Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Ei-ichi có những điểm giống nhau căn bản. Fukuzawa xuất thân là võ sỹ Samurai cấp thấp, nghiên cứu về phương Tây nên được mời vào Mạc phủ, ra nước ngoài và hiểu rằng Nhật Bản không còn sinh lộ nào khác ngoài “thoát Á” và Tây phương hóa. Shibusawa xuất thân nông dân nhưng từ bỏ gia đình để trở thành một võ sỹ Samurai, chống Mạc phủ nhưng rồi lại trở thành gia thần Mạc phủ, cũng ra nước ngoài và hiểu rằng Nhật Bản cần đi con đường mà người tiên phong phương Tây đã khai mở. Cả hai đều lựa chọn con đường trở thành “chính trị gia không làm quan”, tức trở thành những người cải cách quốc gia nhưng trong vị thế độc lập với chính quyền. Như hiền triết Hy Lạp cổ đại Archimedes từng nói “Hãy cho tôi một đòn bẩy, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên”, Fukuzawa và Shibusawa dùng những đòn bẩy khác nhau để “nâng bổng” Nhật Bản lên một đẳng cấp mới. Fukuzawa lãnh đạo trường Đại học Keio Gijutsu (Khánh ứng Nghĩa thục), trở thành người thầy tư tưởng của thế hệ Minh Trị, còn Shibusawa thì sử dụng đòn bẩy tài chính, góp phần xây dựng nền móng pháp lý và tổ chức của ngành tài chính, lãnh đạo Ngân hàng Dai-ichi hơn 40 năm, tham gia thành lập những công ty trụ cột của nền kinh tế và trở thành người thầy của giới doanh nhân Nhật Bản về tinh thần doanh nghiệp.

    Nếu Fukuzawa Yukichi thực hiện lý tưởng người trí thức độc lập với chính quyền thì Shibusawa Ei-chi thực thi lý tưởng doanh nhân độc lập với chính trị, cũng không chi phối ngược trở lại bộ máy chính trị. Năm 1873, Shibusawa từ quan để bước vào thương trường trong khi đang là một trong những nhân vật quan trọng nhất Bộ tài chính, bộ có quyền lực nhất trong cơ cấu chính phủ đương thời. Năm 1890, được chọn vào thành viên của Quý tộc viện (tức Thượng viện của Quốc hội Nhật đương thời), nhưng ông từ chối, có đến dự buổi họp đầu tiên của Viện nhưng sau đó không đến nhiệm sở thêm một buổi nào nữa và được cho từ nhiệm khoảng một năm sau đó. Năm 1901, ông được mời ra làm Bộ trưởng Bộ tài chính khi Inoue Kaoru, một người thân thiết với ông, làm Thủ tướng, nhưng ông cũng thoái từ.[ii]

    Ngay khi mới bắt đầu bước vào thương trường, sáng lập Ngân hàng Dai-ichi, Shibusawa đã đồng thời khởi động các hoạt động xã hội, giáo dục và tư tưởng. Theo một số thống kê, ông tham gia vào khoảng hơn 600 dự án xã hội, y tế và giáo dục. Ngay sau khi từ quan năm 1873, ông tham gia thành lập Viện giáo dưỡng Tokyo, một trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tàn tật và trẻ mồ côi, trở thành viện trưởng viện này ba năm sau đó cho đến khi qua đời. Viện này được coi là nền móng đầu tiên của ngành phúc lợi xã hội ở Nhật Bản. Ngoài ra, ông còn là sáng lập hoặc ủng hộ tài chính chủ yếu để thành lập hơn hai mươi tổ chức y tế khác, trong đó có những tổ chức quan trọng đối với xã hội Nhật cho đến ngày nay như Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Hội từ thiện Tokyo, Hội bác ái, Bệnh viện từ thiện Tokyo… Về giáo dục, giữa thời đại nam quyền, phụ nữ chưa được bước chân vào giáo dục, ông sáng lập và tham gia quản lý các trường dành riêng cho phụ nữ như Tokyo Yogakkan (năm 1888), Trường Đại học nữ Nhật Bản (日本女子大学 Nihon Joshi Daigaku) năm 1896, trong đó Trường Đại học nữ Nhật Bản cho đến nay vẫn là một trong những đại học mạnh ở Nhật. Trong lĩnh vực đào tạo tầng lớp doanh nhân mới, hai năm sau khi từ quan, ông mở “Trường đào tạo kinh doanh” Shoho Koshu-jo商法講習所, tiền thân của Đại học Hitotsubashi (一橋大学 Hitotsubashi Daigaku), gần một thế kỷ nay là trường đại học hàng đầu Nhật Bản về kinh tế, kinh doanh và hiện nay đứng khoảng thứ 25 trong các bảng xếp hạng đại học toàn cầu[iii].

    Năm 1878, Ngân hàng Dai-ichi gặp khó khăn, Yataro Iwasaki chủ sáng lập Mitsubishi đã đề nghị “giúp đỡ” nhưng ông khẳng khái từ chối[iv]. Nếu hợp tác với Yataro, ông sẽ đi theo con đường của Mitsubishi cho đến cuối Thế chiến thứ hai là bắt tay với chính quyền, trở thành tài phiệt chi phối giới tài chính và công nghiệp Nhật Bản. Nhưng ông đã không trở thành tài phiệt mà trở thành người xây dựng tầng lớp doanh nhân hùng mạnh, tức khai mở cho sự phát triển lành mạnh của chủ nghĩa tư bản Nhật. Năm 1909, khi thế hệ doanh nhân ông đào tạo và nâng đỡ đã đủ trưởng thành, ông rút lui hoàn toàn khỏi hầu hết các doanh nghiệp, chỉ còn ở lại Ngân hàng Dai-ichi nhưng rồi cũng rút lui hoàn toàn năm 1917. [v]

    Năm 1906, chính phủ Nhật quốc hữu hóa hệ thống đường sắt tư nhân mà Shibusawa là người “khai sơn phá thạch”, dần dần đưa hệ thống đường sắt vào phục vụ các mục đích quân sự, đồng thời xúc tiến chính sách đưa Ngân hàng Hưng nghiệp Nhật Bản 日本興業銀行 (The Industrial Bank of Japan) trở thành trạm kiểm soát dòng tiền đầu tư của nước ngoài vào doanh nghiệp tư nhân ở Nhật. Shibusawa đã phản đối chính sách này mạnh mẽ trong mục “Trò chuyện cùng Nam tước Shibusawa Ei-ichi” trên báo Tokyo Nichinichi Shimbun rằng “Đây là một chính sách sai lầm của chính phủ”, rằng “quốc hữu hóa hệ thống đường sắt sẽ khiến cho ngành này trở nên trì trệ, hiệu quả kinh doanh sẽ tồi tệ hơn so với thời kì tư nhân”, và “cần phải bảo vệ vị thế tự chủ của doanh nghiệp tư nhân, đặt các doanh nghiệp trong thế vừa cạnh tranh vừa hợp tác để thúc đẩy sáng tạo và phát triển”, rằng “doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể phát triển trên nền tảng tự chịu trách nhiệm cá nhân, nó sẽ lụi tàn nếu nhà nước dùng một ngân hàng duy nhất để “điều hòa” dòng vốn”. [vi]

    Năm 31 tuổi (1871), khi đang là quan chức Bộ Tài chính, Shibusawa xuất bản sách “Các nguyên tắc cơ bản của việc thành lập công ty” (『立会略則』Tachiai ryakusoku, “Lập hội lược tắc”). Theo Sakamoto Shinichi, “Lập hội lược tắc” năm 1871 đã “chứa đựng những điều cốt tủy trong tư tưởng khởi nghiệp của Shibusawa”, không chỉ là tài liệu đầu tiên giới thiệu về “hợp bổn pháp” (mô hình công ty cổ phần của phương Tây) mà “đây còn là cuốn sách đầu tiên thời Minh Trị trình bày về chủ nghĩa tự do kinh tế”.[vii] Trong “Lập hội lược tắc”, Shibusawa lập luận rằng “tự do” chính là nền tảng của “thương mại”, trên cơ sở đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do của doanh nhân và tự do của thị trường, chống lại sự can thiệp của nhà nước.

    ““Thương” (「商」 buôn bán) có nghĩa là thương lượng và thương nghị về đồ vật, là hiện tượng sinh ra từ sự tương tác và giao thiệp giữa người với người. Do đó, khi luận cứu về điều này thì chúng ta phải hiểu rằng, ý nghĩa có tính bản chất của thương mại là mưu cầu lợi ích trên cơ sở cùng chia sẻ về các giá trị thiện ác – đúng sai giữa người với người, được thực hiện trên nền tảng là quyền tư hữu và tự do suy nghĩ để quyết định về đồ vật và sự vật mình sở hữu”[viii]

    Tuy nhiên, giống như các chí sỹ ái quốc đương thời, từ giã gia đình để chiến đấu cho lợi ích quốc gia, Shibusawa chỉ coi kinh doanh và đồng tiền là phương tiện để “kinh bang tế thế”. Trong “Lập hội lược tắc”, ông nói:

    “Mặc dù bản chất của công ty thương mại là mọi người trong công ty cùng đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, thỏa mãn nhu cầu sinh kế, làm cho hàng hóa trong xã hội được lưu thông mạnh mẽ, nhưng doanh nhân cũng phải cần dụng tâm đem lại công lợi cho toàn bộ đất nước và gắn kết mọi người trong xã hội”.[ix]

    Shibusawa đã trung thành cho đến hết cuộc đời với tư tưởng phát biểu lần đầu năm 1871 này trong “Lập hội lược tắc”. Không chỉ vậy, ông còn nhất quán giữa tư tưởng và hành động. Ở xứ Phù Tang, ông không chỉ được hậu thế tưởng nhớ như là “người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật” mà còn là người “khai sơn phá thạch” cho nền phúc lợi xã hội. Rõ ràng, việc ông thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục dành cho phụ nữ hay xây dựng các thiết chế xã hội của phúc lợi y tế hoàn toàn không phải là làm “làm việc thiện” theo kiểu “bố thí cho người nghèo” mà là thực thi lý tưởng “đem lại công lợi cho toàn bộ đất nước và gắn kết mọi người trong xã hội”. Ở đây chúng ta không cần kể lại tiểu sử của Shibusawa nhưng thiết nghĩ cần nói ngắn gọn về tư tưởng của Shibusawa để hiểu sự lựa chọn của ông cho chính mình và cũng là cho Nhật Bản.

    Chú thích

    [i] Thanh Uyên (青淵 Sei-en) là hiệu của Shibusawa Ei-ichi.

    [ii] “Ân sủng” có tính chính trị duy nhất mà Shibusawa chấp nhận từ chính quyền là nhận hàm Nam tước (男爵 Danshaku) năm 1900 rồi Tử tước (子爵 Shishaku) năm 1920, là những tước vị có tính danh dự, được phong bởi Thiên hoàng. Ông cũng là người đầu tiên là dân thường nhưng được nhận tước vị như vậy của giới quý tộc trong hệ thống xã hội đương thời.

    [iii] Ngoài ĐH Hitotsubashi và Trường Đại học nữ Nhật Bản, Shibusawa còn tài trợ tài chính mạnh mẽ và liên tục cho hàng loạt trường như Đại học Waseda早稲田大学, Đại học Tokyo (đương thời là Đại học Đế quốc Tokyo), Trường Đại học Kỹ thuật Kogakuin Daigaku 工学院大学, Đại học Kinh tế Tokyo 東京経済大学 (đương thời là Trường thương nghiệp Okura 大倉商業学校), Đại học Hosei 法政大学 (đương thời là Đại học Pháp luật Nhật Pháp 和仏法律学校法政大学), Trường Phổ thông Trung học Thương nghiệp Keika 京華商業高等学校, Trường Thương nghiệp Yokohama 横浜商業学校, Trường Thương nghiệp Nagoya 名古屋商業学校 (Theo sách: Kikkawa Takeo, Shimada Masakazu, Tanaka Kazuhiro, “Shibusawa Ei-ichi và sự nghiệp trồng người”, Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Nhật Bản, Đại học Hitotsubashi, 2013)

    [iv]北 康利、『日本を創った男たち』、致知出版社、二〇一二年、一三頁

    Kita Yasutoshi, “Những người đàn ông tạo nên Nhật Bản”, Chichi Shuppansha, trang 13

    [v] Để tránh con cháu trong dòng tộc tranh giành tài sản sau khi mình qua đời, ông lập “Quỹ tài chính Shibusawa” nhưng tổ chức theo mô hình công ty cổ phần, đồng thời chia nhỏ thực lực của quỹ này bằng cách chỉ nắm cổ phần nhỏ trong từng doanh nghiệp mà quỹ đầu tư, ngăn chặn khả năng con cháu mình đi theo con đường tài phiệt, khuynh loát nền công nghiệp trong tương lai.

    [vi]土屋喬雄、『渋沢栄一伝記資料』、第九巻、岩波書店、六三ゼロ– 六三五頁

    Tsuchiya Takao, “Tư liệu tiểu sử Shibusawa”, quyển 9,  NXB Iwanami, trang 630 – 635 (Từ đây sẽ gọi tắt là “Tư liệu”)

    [vii] 坂本慎一、『渋沢栄一の経世済民思想』、日本経済評論社、二〇〇二年、五九頁

    (Sakamoto Shinichi, “Tư tưởng kinh bang tế thế của Shibusawa”, Nihon Keizai Hyoronsha, 2002, trang 59)

    [viii]渋沢栄一,『立会略則』(『明治文化全集・第9 巻経済篇)』,日本評論社,一九二九年,一一四頁

    (Shibusawa Ei-ichi, “Lập hội lược tắc”, in trong bộ sách “Minh Trị văn hóa toàn tập”, quyển 9, thiên “Kinh tế”, Nihon Hyoron-sha, 1929, trang 114)

    [ix] Như trên, trang 114

    Tư tưởng bảo vệ tự do kinh doanh và chống can thiệp của nhà nước trong “Lập hội lược tắc” của Shibusawa có thể bắt nguồn từ Adam Smith (trong “Của cải của các dân tộc”, năm 1776). “Lập hội lược tắc” không nhắc đến Adam Smith cũng như các nhà tư tưởng tương tự khác nhưng chủ nghĩa tự do kinh tế của Adam Smith thống trị phương Tây ở thế kỷ 19 như một kiến thức phổ thông nên có thể Shibusawa học hỏi từ đó. Tuy vậy, Shibusawa lại khác Adam Smith ở một điểm là, mặc dù bảo vệ quyền “tư hữu” của doanh nhân nhưng lại nhấn mạnh phải vượt lên “tư lợi” để phục vụ cho “công lợi” của quốc gia, trong khi Adam Smith chỉ cho rằng cần bảo vệ tự do kinh doanh vì cơ chế “bàn tay vô hình” của thị trường làm cho mỗi cá nhân khi tối đa hóa lợi ích của mình sẽ đồng thời thúc đẩy lợi ích cộng đồng. Sự khác biệt có thể do bởi xuất phát điểm của Shibusawa, người thuộc về thế hệ đi tìm con đường sống còn của Nhật Bản khi đối diện với sức mạnh của văn minh phương Tây.

    https://usvietnam.uoregon.edu


    Không có nhận xét nào