Header Ads

  • Breaking News

    Trần Đình Hoành - Điều gì sẽ đến cho ta ngày mai ?

    Chào các bạn,

    Chúng ta chẳng biết điều gì sẽ đến cho ta ngày mai. Đủ mọi thứ không biết có thể đến – gặp lại một người bạn cũ, bị đồng nghiệp chửi, trúng số, bị đụng xe, bị bệnh, gặp một người bạn mới… Tương lai luôn là một bí ẩn. Và đó là ý nghĩa của chữ “vô thường” (không còn mãi, luôn thay đổi).

    Điều này tạo ra một băn khoăn thường trực cho con người vì, trong cả ý thức (consciousness) và tiềm thức (subconsciouness), chúng ta luôn lo lắng điều gì sẽ xảy ra cho mình ngày mai. Nỗi băn khoăn thường trực này có lẽ là băn khoăn lớn nhất của con người, vì nó luôn có đó cả đời người. Băn khoăn này làm cho rất nhiều người lo sợ, hoặc chán đời, hoặc bất cần đời… Nói chung là rất tiêu cực với đời. 

    Một số người khác thì đi tìm điều gì chắc chắn hơn để tựa vào đó – Chúa, Phật, Ông Trời – và đó thường là vai trò của các tôn giáo.

    Một số người khác nữa sống tích cực như trong một cuộc thám hiểm phiêu lưu – luôn tích cực để đối phó và sống với những thử thách mà cuộc đời thường xuyên mang tới.

    Trong ba nhóm người này, có lẽ là nhóm thứ hai (tôn giáo) và thứ ba (tích cực đối phó) thì tốt hơn cho chúng ta, vì nhóm đầu tiên (tiêu cực) thì stress thường trực và mặt mày luôn nhăn nhó căng thẳng.

    Thực sự là vô thường còn có nghĩa phiêu lưu, vì vô thường là những điều ta chẳng biết trước, sẽ đến với ta ngày mai, ngày mốt. Cuộc phiêu lưu nào cũng tràn ngập những điều bất ngờ, không biết trước. Chúng ta có thể sợ hãi đến đông lạnh, hoặc thưởng thức mọi thử thách bất ngờ – đó là lựa chọn của chúng ta trước những biến hóa của cuộc đời. Có lẽ là chọn đằng nào cũng đúng, vì chẳng có quy luật nào để nói đằng nào đúng, đằng nào sai. Nhưng nếu chọn con đường làm mình vui vẻ hứng khởi thì thích thú hơn con đường nhăn nhó căng thẳng. Rốt cuộc, sự lựa chọn có lẽ nằm trong một chữ “thích thú” – cách tư duy nào làm ta cảm thấy thích thú, vui vẻ.

    The pleasure principle – nguyên lý khoái cảm – cụm từ do ông tổ phân tâm học Sigmund Freud sáng tạo, nói đến bản năng tự nhiên tìm kiếm khoái cảm và tránh đau đớn trong việc thỏa mãn những nhu cầu sinh học và tâm lý của con người. Đây là lực đẩy mạnh nhất của bản năng – “the id”, phần nguyên sơ nhất, tự nhiên nhất, thuần túy theo bản năng tự nhiên, của cơ cấu tâm sinh lý của một người. (Hai phần kia là “the ego (bản ngã) và the superego (siêu ngã)”, là hai phần có nhiều tư duy, luận lý và kỷ luật hơn).

    Khoái cảm đương nhiên là có nhiều hậu quả khác nhau – ăn hết mọi thứ mình đang có cho đã bụng là một khoái cảm của “the id”, nhưng “the ego” có lẽ chỉ muốn ăn một phần và phần kia chừa lại cho ngày mai để ngày mai không bị đói, đó là khoái cảm đã được “the ego” giới hạn, kỷ luật và sắp xếp.

    Dù gì đi nữa thì lựa chọn vẫn là khoái cảm (pleasure), dù được kỷ luật và sắp xếp hay không. Pleasure principle chi phối tư duy của chúng ta, cho nên đằng nào thì chúng ta cũng chọn pleasure. Kể cả những người chọn đau đớn – họ chọn đau đớn bởi vì họ tìm thấy khoái cảm trong điều mà đối với người khác là đau đớn.

    Trở lại câu hỏi “Điều gì sẽ đến cho ta ngày mai?” Ta chẳng biết điều gì sẽ đến, nhưng ta ít nhất là biết cách chọn lựa. Đương nhiên là ta muốn chọn lựa cách tư duy nào làm ta thoải mái và thích thú nhất. Và đối với người bình thường, thì thái độ tư duy tích cực và/hoặc tin tưởng vào một Đấng Tối Cao nhân từ và công bình là thái độ đưa đến thoải mái và thích thú.

    Một số người khác có lẽ thấy thoải mái và thích thú với sợ hãi, nhăn nhó và bi quan. Well, đó cũng là quyền của họ. Hãy tôn trọng quyền đó, và cầu nguyện cho họ.

    Chúc các bạn luôn thoải mái và thích thú trong đời.

    Mến,

    Hoành

    © copyright 2022
    Trần Đình Hoành
    Permitted for non-commercial use
    www.dotchuoinon.com 

    https://dotchuoinon.com/2022/10/13


    Không có nhận xét nào