Header Ads

  • Breaking News

    Thất bại trong chiến tranh, ông Putin nay muốn gì?

    Putin không chỉ có muốn chiếm đất của Ukraine. Ông ta còn nuôi nhiều tham vọng lớn và sắp xếp kế hoạch để đối đầu với phương Tây, với kỳ vọng giành lại vị thế ngang bằng với Hoa Kỳ trên trường quốc tế, cho dù có phải lôi kéo cả thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân mà hậu quả không thể lường trước được. Nhưng rõ ràng là tham vọng ngông cuồng đó không dễ để thực hiện.

    Hôm thứ Sáu 30 tháng Chín 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một đại lễ đánh dấu sự kiện sáp nhập "trái phép" vào lãnh thổ Nga bốn khu vực của Ukraine mà quân Nga đang tạm chiếm đóng một phần, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Ukraine và dư luận quốc tế. Nhưng bài diễn văn dài 37 phút mà Putin đọc tại điện Kremlin trước hàng trăm nghị sĩ, thống đốc và giới thượng lưu chính trị Nga không chỉ nói tới chuyện bành trướng thêm lãnh thổ mà còn thể hiện khá rõ những tham vọng điên cuồng của một tên độc tài đang cố vùng vẫy để thoát ra khỏi cái bẫy do chính ông ta lập ra.

    Ông Vladimir Putin phát biểu tại buổi hòa nhạc ủng hộ việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga. Ảnh chụp tại Hồng Trường Moscow tối ngày 30/9/2022. (Ảnh Contributor/Getty Images)

    Vụ sáp nhập tất nhiên vẫn là chủ đề chính. "Đây là ý chí của hàng triệu người. Đây là quyền của họ, quyền bất khả xâm phạm của họ", ông Putin nói về cuộc trưng cầu dân ý "giả mạo" dưới họng súng mà Nga vừa thực hiện ở bốn vùng lãnh thổ của Ukraine đang bị tạm chiếm và dựng lên những chính quyền "bù nhìn" tay sai. Ông ta tuyên bố Nga sẽ không bao giờ từ bỏ các vùng đất mới chiếm được, sẽ bảo vệ chúng như là một phần sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và sử dụng "mọi lực lượng, mọi phương tiện sẵn có". "Cư dân của bốn bốn vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng sẽ trở thành công dân Nga vĩnh viễn", ông Putin nói thêm.

    Vụ sáp nhập lãnh thổ mà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ gọi thẳng là sự "cưỡng chiếm đất đai" (land grab) dù sao cũng chỉ là kết quả của một kế hoạch mà Nga đã từng sử dụng nhiều lần: đưa quân xâm chiếm đất, tổ chức trưng cầu dân ý giả mạo rồi sáp nhập trái phép vào lãnh thổ Nga. Tám năm trước đây, Putin đã làm điều tương tự này để thâu tóm bán đảo Crimea của Ukraine và ngày đó Putin cũng đọc diễn văn ngay tại cung điện lát vàng mà ông ta đang đứng.

    Nhưng phần chủ yếu của bài diễn văn là cách nhìn nhận và giải thích về thế giới của Putin, là một bài giảng lịch sử bị bóp méo, một bản liệt kê tẻ nhạt về những tội lỗi của phương Tây và sự bất bình, cũng như lựa chọn của người cầm đầu nước Nga. Từ cách nhìn đó, nước Nga tự đặt mình vào một cuộc đối đầu không khoan nhượng với Hoa Kỳ, với phương Tây và chiến tranh hủy diệt có thể là điều khó tránh khỏi.

    Lần đầu tiên Putin công khai tuyên bố phương Tây là "kẻ thù, là những kẻ đang tìm cách phá hoại nước Nga, biến nước Nga thành thuộc địa". Trên bình diện ý thức hệ, Putin lên án "chủ nghĩa chuyên chế của giới tinh hoa phương Tây", coi đó là "sự lật đổ đức tin và các giá trị truyền thống", giống như một tôn giáo bị đảo ngược mà ông ta gọi là "chủ nghĩa Sa-Tăng thuần túy" (pure Satanism) do Hoa Kỳ dẫn đầu.

    "Điều hết sức quan trọng đối với họ là tất cả các quốc gia phải từ bỏ chủ quyền để phục vụ cho nước Mỹ", Putin nói. Ông ta kể ra hàng loạt hành động quân sự của phương Tây trải dài nhiều thế kỷ qua, từ cuộc Chiến tranh Nha Phiến mà đế quốc Anh thực hiện ở Trung Hoa thế kỷ 19, việc Đồng Minh dội bom nước Đức trong Thế Chiến thứ Hai đến các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Triều Tiên.

    Phương Tây hiện nay, theo lời Putin, là một "hệ thống thực dân mới" và Nga là nước chỉ đạo cuộc nổi dậy chống lại hệ thống đó. "Phương Tây không chỉ phủ nhận chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế. Sự bá quyền của họ là thuộc tính của chủ nghĩa toàn trị, chuyên chế và phân biệt chủng tộc", Putin nhấn mạnh và dùng những từ ngữ mà phương Tây sử dụng để vạch mặt chế độ độc tài độc đảng của chính ông ta.

    "Sự sụp đổ của chủ nghĩa bá quyền Phương Tây là không thể đảo ngược được", Putin nói "Số phận và lịch sử kêu gọi chúng ta ra chiến trường, vì nhân dân chúng ta, vì đế chế Nga vĩ đại", Putin kêu gọi và tuyên bố "cuộc xâm lược Ukraine là cần thiết, là phía đúng đắn của lịch sử"!

    ***
    Ngoài những kiến thức lịch sử hoàn toàn lệch lạc, bài diễn văn của Putin đặt ra một kế hoạch khá cụ thể:

    Một là, Putin đổ tội cho Hoa Kỳ gây ra các vụ nổ gần đây làm hư hại đường ống Nord Stream dẫn khí đốt dưới đáy biển Baltic từ Nga sang châu Âu. Không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào ủng hộ lời buộc tội của Putin và sự kiện nghiêm trọng này đang được cả Hoa Kỳ và châu Âu điều tra.

    Nhưng khi đổ tội cho Hoa Kỳ, Putin coi như đã trút bỏ trách nhiệm trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu khi mùa đông lạnh giá đang đến gần. Đổ tội cho Mỹ một cách vô căn cứ, Putin còn có cớ để "ăn miếng trả miếng": trong tương lai, Nga có thể ra tay phá hoại những đường ống dầu khí của Phương Tây và biện minh rằng chính Hoa Kỳ đã làm như vậy với đường ống của Nga.

    Thứ hai, Putin gợi ý rằng các cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine nên bắt đầu ngay lập tức. Ông kêu gọi Ukraine chấm dứt các hành động thù địch, rút ​​quân khỏi "các vùng lãnh thổ mới của Nga"(?) và ngồi vào bàn đàm phán. Điều kiện mà Putin đưa ra là việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga là "không thương lượng được".


    Tội ác chiến tranh của Nga: Hiện trường vụ hỏa tiễn Nga bắn vào một đoàn xe chở hàng viện trợ và di tản thường dân ở tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine mới bị Nga thâu tóm, ít nhất 25 người bị thiệt mạng. Ảnh ngày 30/9/2022. (Ảnh: Wojciech Grzedzinski for The Washington Post via Getty Images)

    Trước khi xua quân xâm lược Ukraine tám tháng về trước, Putin đã đưa ra yêu sách tương tự. Ngày 21/2/2022, ông Putin đã chính thức công nhận cái gọi là "các nước cộng hòa nhân dân tự xưng" Donetsk và Luhansk, sau đó ông ta yêu cầu quân đội Ukraine rút khỏi cả hai tỉnh này. Khi Ukraine từ chối từ bỏ lãnh thổ của mình , trong vòng vài ngày sau, Putin đã phát động cuộc xâm lược.

    Nhưng có sự khác biệt lớn giữa tình hình hiện nay và lúc đó. Cuộc kháng chiến của người dân Ukraine mạnh mẽ và hiệu quả không ngờ và quân Nga đã liên tục thất bại. Những vụ rút lui thật nhục nhã khỏi vùng thủ đô Kyiv, khỏi khu vực Kharkiv ở miền Đông và mới nhất là cuộc tháo chạy khỏi thành phố Lyman ở Donetsk chỉ một ngày sau khi Putin tuyên bố thâu tóm vùng đất này là những ví dụ điển hình nhất. Chính từ những thất bại quân sự đã thúc đẩy Putin ra sắc lệnh tổng động viên quân dự bị và vội vàng sáp nhập các vùng lãnh thổ chỉ mới chiếm được có một phần.

    Người Ukraine tất nhiên không bao giờ chấp nhận yêu sách của Nga, đòi Nga phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ đã chiếm đóng và thề sẽ chiến đấu đến khi nào đất nước sạch bóng quân xâm lược với đường biên giới được quốc tế công nhận trước đây. Ngồi vào bàn đàm phán lúc này, đối với người Ukraine, cũng có nghĩa là đầu hàng vô điều kiện. Chính phủ Ukraine nhiều lần nói, việc sáp nhập lãnh thổ có nghĩa là chấm dứt mọi nỗ lực đàm phán với nước Nga của ông Putin."Không thể có một hiệp ước chung sống hòa bình, bình đẳng, chân thật với Tổng thống Nga hiện nay. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng chỉ với một Tổng thống Nga khác", Tổng thống Ukraine Zolodymyr Zelenskiy nói.

    Điểm thứ ba trong bài diễn văn của Putin là rất đáng báo động. Putin nói Hoa Kỳ đã "tạo ra tiền lệ" cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945. Hàm ý của Putin rất dễ thấy: Nếu phương Tây tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraine và từ chối gây sức ép để Kyiv đồng ý với một giải pháp hòa bình theo điều kiện của Nga thì Putin có thể sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân.

    Putin bị ám ảnh với tham vọng được ngang bằng với Mỹ, một thế đứng đã bị sụp đổ tan tành khi Liên bang Xô Viết bị tan rã vào năm 1991, một sự kiện lịch sử mà Putin nhiều lần gọi là thảm họa địa lý chính trị lớn nhất thế kỷ 20 và ông ta tự cho mình có nhiệm vụ lịch sử phải khôi phục lại vị trí ngang bằng đó.

    Để được ngang hàng với Mỹ, Putin phải chứng tỏ rằng Nga có thể làm bất cứ điều gì mà người Mỹ có thể làm. Nếu Hoa Kỳ đã từng ném bom nguyên tử thì Nga cũng có quyền sử dụng bom hạt nhân. Putin và đồng đảng của ông ta không quan tâm người Mỹ đã làm điều đó vào thời điểm nào hay trong bối cảnh ra sao để cứu vãn thế giới trước hiểm họa phát xít Đức-Ý-Nhật .

    Trước cuộc xâm lược Ukraine, Nga quyết liệt lớn tiếng phủ nhận không hề có ý định xâm lược. Bây giờ Putin đang làm ngược lại với những gì đã nói ra. Tổng thống Zelenskiy có lý khi nói rằng, "Sử dụng vũ khí hạt nhân mới hôm qua chỉ là lời đe dọa, là trò chơi tháu cáy của Putin, nhưng hôm nay là một thực tế cần nên cảnh giác".

    Đau đớn cho Putin là trong lúc thực hiện tham vọng được ngang bằng với Mỹ thì cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta lại biến nước Nga thành một đất nước bị ruồng bỏ, bị xa lánh, và sắp trở thành một chư hầu mới của Tập Cận Bình!

    Không có nhận xét nào