Header Ads

  • Breaking News

    Chiếc ấn vàng ‘Hoàng Đế chi bảo’: Có phải Việt Nam đã thua hiệp đầu?


    Chiếc ấn Hoàng Đế chi bảo có trở về Việt Nam hay không, như một sự nhức nhối và một lời báo động về danh dự đất nước. Đó không còn dừng ở sự trắc nghiệm về tài cán, hiệu quả các ban bệ liên quan của chính phủ Việt Nam mà thật ra là sự bảo vệ danh dự và quốc thể đất nước trên trường quốc tế.

    Phản ứng tích cực từ thông tin trên mạng xã hội dường như đã thắng sự chây lười, thụ động và ngó lơ vốn trường cửu trong hoạt động văn hóa ở đất nước tự hào chiều dài hàng nghìn năm văn hiến.

    Nhìn con số 27.000 người tương tác 'thích' trên Cổng Thông tin Chính phủ, thông báo về việc các cơ quan chức năng như Cục Di sản, Cơ quan đại diện Việt Nam tại UNESCO, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp v.v… cho thấy mối quan tâm đã hoán chuyển thành sức nặng, lòng tha thiết của người dân với quá khứ tiền nhân ngày càng cao.

    Song, thẳng thắn mà nói, Việt Nam đã thua trong hiệp đầu khi chiếc bát của vua Khải Định vẫn đúng lộ trình hành tiến đi về nhà người.

    Chứng kiến tiếng gõ búa cuối cùng vào phiên buổi sáng 31.10.2022 ở nhà đấu giá Millon, tiễn biệt báu vật ấy ra đi, tôi không khỏi bùi ngùi. Không lâu trước đó, tôi nhận được tin Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc đã gửi thư lên tận Tổng thống Pháp yêu cầu dừng việc bán đấu giá hai báu vật này.

    Nỗi đau và sự quan tâm khổng lồ của người Việt trong nước và hải ngoại thật đáng quý, cảm động. Đây như là minh chứng về lương tâm của người Việt Nam vẫn trường tồn qua năm tháng với vấn đề danh dự của Tổ quốc.


    Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong

    Chụp lại hình ảnh,

    Nhà đấu giá Millon tại Paris, nơi sẽ diễn ra cuộc bán đấu giá chiếc ấn Hoàng Đế chi bảo ngày 10.11.2022 tới

    “Hoàng Đế chi bảo" là biểu tượng của sự mở đầu, khai sinh ra VNDCCH. Tuy nhiên, đến giờ phút này tôi vẫn ngạc nhiên khi các Thánh soi thì nhiều, mà các “sử quan" vẫn nhầm lẫn về ngày tháng chuyển giao chiếc ấn về tay Việt Minh.

    Vua Bảo Đại viết không nhiều, tôi có trong tay hai quyển sách của ông. Đó là hồi ký chính trị “Con rồng Việt Nam" và một quyển viết minh họa về Huế.

    Ông viết:

    “Đến chiều, trước hàng nghìn người tụ hội vội vàng trước cửa Ngọ Môn, tôi bận trào phục và đọc bản tuyên ngôn thoái vị, đề ngày 25 tháng 8 năm 1945 dưới đây: “Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, “Vì nền độc lập của Việt Nam, “Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc. “Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân là: Ở giờ phút quyết định này của Lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết. “Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào sau hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng. “Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm, ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước. “Mặc dù vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.»

    Tra cứu lại các sử liệu của Pháp, tôi thấy đều ghi rõ là ngày 25 tháng 8 năm 1945. Sử gia Philippe Héduy viết trong “Histoire de l’Indochine. La perle de l’empire 1624-1954", hoặc sử gia Georges Fleury trong tác phẩm “La guerre en Indochine 1945-1954" đều thống nhất đó là ngày 25/08/1945.

    Tôi ngạc nhiên khi đọc những trang sách của ông Phạm Khắc Hòe, Cựu Đổng lý văn phòng của Vua Bảo Đại khi viết rằng ngày chuyển giao là ngày 29/08/1945.

    Phải chăng ông “hàng thần" Phạm Khắc Hòe cần che giấu sự việc “chiều 27 và sáng 28, tôi cho kiểm điểm lại các thứ tài sản công trong Đại nội để giao lại cho chính quyền cách mạng. Nói đến của công trong Đại nội lúc bấy giờ, thì quý giá nhất là các đồ vật bằng vàng bạc, ngọc ngà châu báu có tính chất lịch sử của các đời vua chúa Nguyễn cất dưới một cái hầm lớn dưới mái sau của Điện Cần chánh. Hàng năm vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch, triều đình tiến hành lễ Phất thức, mở hầm lấy tất cả các thứ ra để kiểm điểm và quét bụi bặm, lau chùi sạch sẽ rồi lại cất vào khóa lại. Chỉ có quan nhị phẩm trở lên mới được dự lễ này và phải tự tay mình làm lấy mọi việc: đưa ra, cất dọn, lau chùi v.v…

    Trong dịp lễ Phất thức tháng Chạp năm Giáp Dần (đầu năm 1945) tôi đã theo dõi sát việc kiểm điểm và các bản kiểm kê đều được làm bằng chữ quốc ngữ, chứ không phải bằng chữ Hán như trước nữa. Cho nên bản tổng kiểm điểm cuối cùng này tiến hành khá dễ dàng và tất cả các tài sản và tất cả các loại tài sản đều được giao lại cho Chính quyền nhân dân đầy đủ và có giấy tờ minh bạch. Người thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản là ông Bộ trưởng Lê văn Hiến."

    Ông Phạm Khắc Hòe đã làm gì? Chúng ta cần đáng giá kỹ hành động của ông với tài sản nhà Nguyễn.

    Nếu ngày 29/08/1945, vua Bảo Đại mới chuyển giao chính quyền thì có phải các cán bộ Việt Minh ngày 27 đã vào chĩa súng bắt giao nộp tài sản, đúng nghĩa “cướp chính quyền"?

    Hành động đó đã xảy ra, thôi cho vào lịch sử nhưng giờ lại đòi chủ cũ “trao nộp” thì mới là lẽ công bằng?

    Quyền được hiểu biết, quyền được tiếp nhận sự thật là một trong những quyền cơ bản của con người. Song đến nay, người Việt Nam ai được biết danh sách “tài sản của công" ấy. Tôi muốn nhắc lại từ “của công" mà ông Phạm Khắc Hòe sử dụng.

    Cục Di Sản văn hóa đã vào cuộc, thì vào cuộc như thế nào, văn bản nào thì trưng lên cho thần dân ngó, chữ vàng "dân bàn, dân kiểm tra" lại đánh mất? Khổ thật, cứ có việc sờ đến thì mới biết là mất sạch, mất trắng, mất mà không biết hỏi ai. Của công cứ phá, hay của công phải cho công chúng biết đã đi đâu, về đâu.


    Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong

    Chụp lại hình ảnh,

    Ấn Hoàng Đế chi bảo được cho là của vua Minh Mạng

    Tôi trích ở đây ở những câu chữ của cổng Thông tin Chính phủ 31.10.2022 hoàn toàn thiếu kiến thức và viết liều:

    Như vậy, có thể thấy "Hoàng Đế chi bảo" là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn. Ấn này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam…

    Trong quá trình tìm hiểu về sự có mặt của chiếc ấn, tôi đã hỏi ngược xuôi các nhà học giả trong nước. Một Tiến sĩ ở Huế cho tôi biết, nguyên văn "không thấy xuất hiện ấn Hoàng Đế chi bảo trên các văn bản hành chính thời Nguyễn 1802-1945 luôn."

    Mang chuông đi đánh xứ người, khác với thói ăn nói thế nào người thấp cổ bé miệng trong nước cũng phải nghe. Nói được vậy thì trưng ra bằng chứng đi.

    Trong buổi lễ khai sinh ra nước VNDCCH, không có một chữ nào nói đến nhà Nguyễn, tôi cũng chưa biết việc chuyển giao chính quyền giữa vua Bảo Đại và phái viên Việt Minh có chữ ký nào không? Hai người được vua Bảo Đại điểm mặt gọi tên dưới đây, ai ký văn bản?

    “Sáng ngày 23 tháng 8, hai phái viên của Việt Minh đến cung điện. Đó là những người đại diện cho Việt Nam Độc lập Đồng minh, do Hà Nội cử vào. Trần Huy Liệu trưởng phái đoàn là phó chủ tịch của Ủy ban. Đó là một người gầy còm, có hình thái tiều tụy, đeo đôi kính đen để che cặp mắt lé, mà người ta lấy làm khó chịu khi phải nhìn lâu. Kẻ đồng hành là Cù Huy Cận trông thật vô nghĩa. Tôi không khỏi thất vọng."

    Mọi việc sẽ cứ diễn ra, như những gì vẫn diễn ra lâu nay?

    Theo tin tức mới nhất từ nhà đấu giá Millon, cuộc đấu giá vẫn sẽ diễn ra không có gì thay đổi vào 12h trưa ngày 10.11.

    Tôi đã thông báo cho bà Nathalie Mangeot, người phụ trách chính của phiên bán mang tên Nghệ thuật Việt Nam này, là Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc đã gửi một bức thư lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn được hồi hương báu vật Hoàng Đế chi bảo.

    Chiếc bát vàng của vua Khải Định đã gõ búa với giá 680 000 €, cộng thêm 30% nhà Millon ăn lãi, thành con số 884 000 €. Vượt con số dự kiến là 44 lần.

    Như vậy, nếu chiếc ấn Hoàng Đế chi bảo xuất cung sẽ bán được bao nhiêu? Hẳn là một thú vị chóng mặt? Liệu có thể vượt đến 44 lần, là 88 triệu euro?

    Một băn khoăn nữa của tôi là, nếu chiếc ấn vinh hạnh trở về Việt Nam thì số phận của nó sẽ ra sao? Chúng ta đã biết gì về số phận 16 tấn vàng của VNCH mang ra Hà Nội sau ngày 30.4.1975?

    Dù sao, cho đến giờ phút này, tôi có một chút an ủi đó là, sự kiện đã trở thành một phần trong sinh hoạt tinh thần và tình cảm của người Việt Nam.

    Có thể một vài người chưa nhận ra hết điều đó, nhưng tôi tin chắc chắn rằng, điều đó có thật.

    Không có nhận xét nào