Header Ads

  • Breaking News

    Hubert Testard* - COP27: Vì sao Châu Á không còn cho thấy sự táo bạo trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu

    Nguồn: COP27: pourquoi l'Asie ne montre plus d'audace contre le changement climatique, Asialyst, ngày 12/11/2022. 

    Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch


    Nhà đàm phán Trung Quốc về khí hậu, Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), tại diễn đàn COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập vào ngày 8 tháng 11 năm 2022. (Nguồn: SCMP)

    Sau nhiều thông báo quan trọng tại COP26, các nước châu Á-Thái Bình Dương đã làm khá ít việc trước khi bắt đầu COP27. Chỉ có Ấn Độ, Úc và Indonesia đã đưa ra những đóng góp mới có tầm quan trọng tương đối. Đúng là chương trình nghị sự của COP27, vốn tập trung vào việc triển khai các cam kết trước đây, các vấn đề tài trợ và thích ứng với sự biến đổi khí hậu, đã đặt khu vực châu Á đang phát triển vào một vị thế khá thoải mái. Trung Quốc và Nhóm G77, do Pakistan làm chủ tịch, có thể gây một áp lực tối đa lên các nước phát triển để gia tăng nỗ lực tài trợ cho các nước đang phát triển, và khiến các nước phát triển chấp nhận thảo luận về các khoản bù đắp cho những nước dễ tổn thương nhất. Mặt khác, Trung Quốc cũng lấy cớ chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi để đình chỉ sự hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề khí hậu và trì hoãn việc công bố bản kế hoạch hành động chống lại khí thải mê-tan.

    COP26 từng là dịp để các nước chính ở Châu Á-Thái Bình Dương đưa ra một loạt thông báo quan trọng. Phần lớn các nước đã chọn mục tiêu trung hòa carbon, trong đó có ba nước quan trọng nhất (Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia), với một triển vọng hòan thành mục tiêu này kể từ năm 2050 đến năm 2070. Có rất ít chi tiết củng cố độ tin cậy của các mục tiêu mới này trong giai đoạn chuẩn bị cho COP27. Mặt khác, nhất là khi khu vực châu Á đang phát triển đang ở vị thế là bên yêu cầu các vấn đề tài trợ và các khoản bù đắp.

    ÚC, ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA ĐÃ ĐƯA RA NHỮNG CAM KẾT MỚI VÀO NĂM 2022


    Scott Morrison (1968-)

    Anthony Albanese (1963-)

    Úc bắt đầu trở thành nước đáng tin hơn trong chính sách đấu tranh chống lại sự biến đổi khí hậu, kể từ sự ra đi của Scott Morrison vào ngày 21 tháng 5 và sự thắng cử của lãnh đạo Đảng Lao động, Anthony Albanese. Đóng góp mới của nước này, được chính phủ thuộc đảng Lao động gửi tới Liên Hợp Quốc từ tháng 6 năm 2022, là sự cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 43% vào năm 2030 trên cơ sở mức giảm đã được đăng ký vào năm 2005 (cũng là mức giảm của năm 2020), so với mức từ 26 đến 28% trong lần đóng góp trước đây. Điều này rõ ràng tốt hơn nhiều, nhưng vẫn chưa đủ theo tổ chức phi chính phủ Climate Action Tracker [CAT, Theo dõi sự biến đổi khí hậu][*], vốn ước tính cần giảm gần 60% để phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Vả lại, CAT cũng cho thấy những nghi ngờ về cách tính sự đóng góp của Úc trong nỗ lực tái trồng rừng để đạt được mục tiêu mà họ đã tự đặt ra từ nay đến năm 2030.

    Ấn Độ, vào tháng 8 năm 2022, đã giới thiệu một đóng góp bổ sung, phù hợp với logic trước đó, và tập trung vào cường độ carbon trên một đơn vị GDP. Đây là một tiêu chí mang tính tương đối, không ngăn được sự gia tăng tổng thể lượng phát thải khí nhà kính của một nước. Mục tiêu đặt ra trong đóng góp mới này được cải thiện so với mục tiêu trước đây: giảm cường độ carbon ở mức 45% so với năm 2005, so với từ 33 đến 35% trước đây. Một mục tiêu quan trọng khác là công suất xây dựng các nhà máy sản xuất điện, mà một nửa trong số đó phải sử dụng các nguồn năng lượng không hóa thạch (năng lượng tái tạo, thủy điện và năng lượng hạt nhân) từ nay đến năm 2030. Nhưng các mục tiêu khác mang tính chính xác hơn hoặc tham vọng hơn, vốn đã được chính phủ Ấn Độ đề cập, thì không còn xuất hiện trong bản đề xuất này (Narendra Modi đã từng đề cập đến một công suất xây dựng các nhà máy sản xuất điện là 50% vào năm 2030, trên cơ sở chỉ sử dụng các năng lượng tái tạo). Hơn nữa, nếu mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070 được xác nhận, thì điều đó không đi kèm với bất kỳ kế hoạch hành động nào trong dài hạn, và Ấn Độ vẫn chưa xác định thời điểm đạt đỉnh điểm phát thải. Thế nên, sự đóng góp mới của Ấn Độ không có gì mang tính cách mạng.

    Indonesia đã đệ trình lên Liên hợp quốc một đóng góp mới của nước này, hai tháng trước COP27. Đóng góp mới này bao gồm một sự cải thiện nhỏ trong mục tiêu chính là giảm thiểu khí thải mà, giống như đối với Ấn Độ, được thể hiện bằng cường độ carbon trên một đơn vị GDP. Mục tiêu giảm cường độ carbon này tăng từ 29 lên 32% từ nay đến năm 2030 so với năm 2010 nếu không có viện trợ quốc tế, và lên 43% nếu có viện trợ quốc tế. Một mục tiêu rất ít tham vọng, theo tổ chức Climate Action Tracker, đặc biệt bởi vì mục tiêu đó dựa trên một sự mô hình hóa tình trạng kéo dài các xu hướng (được coi là “hoạt động như bình thường”), được phóng đại quá mức. Kịch bản tham vọng nhất (giảm 43% cường độ carbon so với “hoạt động như bình thường”) sẽ dẫn đến, trong thực tế, một mức tăng tuyệt đối về lượng khí thải là 22% từ năm 2010 đến năm 2030. Vấn đề chính của Indonesia là nạn phá rừng, chiếm khoảng một nửa lượng phát thải khí nhà kính của đất nước này trong hai mươi năm qua. Ngoài ra, bản kế hoạch hành động hiện tại về sản xuất điện dự kiến duy trì sự ưu tiên cho các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, vẫn sẽ chiếm hai phần ba sản lượng điện vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu của Indonesia chính xác hơn mục tiêu của Ấn Độ về đỉnh điểm phát thải, mà thời điểm được ấn định là vào năm 2030.

    CÁC NƯỚC CHÂU Á KHÁC CHƯA XÁC ĐỊNH MỨC THAM VỌNG KỂ TỪ COP26


    Nancy Pelosi (1940-)

    Trung Quốc đang chậm trễ trong việc công bố chi tiết các mục tiêu về khí hậu trong kế hoạch năm năm lần thứ 14, bao gồm giai đoạn 2021-2025, mặc cho một lượng phát thải mạnh khí nhà kính của nước này vào năm 2021 (+3,4%, tức là nhiều hơn tổng mức khí thải của Pháp). Kế hoạch về khí mê-tan của Trung Quốc, được công bố trong tuyên bố chung sau cùng về khí hậu với Hoa Kỳ được công bố tại COP26, đã không được trình bày chi tiết kể từ đó. Sự chậm trễ này là một thiệt hại phụ từ chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi vào mùa hè năm ngoái, dẫn đến một sự đóng băng quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về các vấn đề khí hậu.

    Nhật Bản vừa quyết định hoãn áp thuế carbon mới, dự kiến được áp dụng vào tháng 4 năm 2023, nhân danh cuộc chiến chống lạm phát. Mặt khác, tổ chức Climate Action Network đã trao cho Nhật Bản, trong khuôn khổ COP27, “giải thưởng hóa thạch trong ngày”[**], vào ngày 9 tháng 11, vì sự bất lực của nước này trong việc chấm dứt các khoản tài trợ trong nước và quốc tế cho các dự án về năng lượng hóa thạch.

    Việt Nam đã gây ngạc nhiên tại COP26 bằng cách công bố các kế hoạch dài hạn đầy tham vọng về khí hậu, trong khi bản tổng kết khí thải carbon của Việt Nam trong 30 năm qua thuộc hàng tệ nhất ở châu Á. Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt đỉnh điểm phát thải vào năm 2035 và trung hòa carbon vào năm 2050, tức đi trước Trung Quốc và Indonesia 10 năm. Kể từ đó, đất nước này đã bắt đầu tự xây dựng kế hoạch nội bộ để thiết lập một quỹ đạo trong dài hạn. Nhưng Việt Nam vẫn chưa thay đổi các cam kết đến năm 2030 và tổ chức Climate Action Tracker đánh giá chính sách biến đổi khí hậu của Việt Nam là “không thỏa đáng một cách nghiêm trọng”.

    KHU VỰC CHÂU Á ĐANG PHÁT TRIỂN GIỮ MỘT VỊ THẾ THOẢI MÁI TRONG CÁC CUỘC TRANH LUẬN CỦA COP27

    Điểm yếu trong các đóng góp mới của châu Á đã không được chú ý tại COP27, do COP27 lần này tập trung vào những thách thức khác ngoài các cam kết về giảm thiểu khí thải. Đối với việc triển khai các cam kết, ưu tiên mà Ai Cập, nước chủ trì COP27, đặt lên hàng đầu là hai chủ đề, mà khu vực châu Á đang phát triển đang đứng ở vị thế đàm phán tiến công: sự tài trợ của các nước phát triển và vấn đề bù đắp cho những nước dễ tổn thương nhất.

    Các nước phát triển đã cam kết cung cấp khoản viện trợ tài chính hàng năm trị giá 100 tỷ US$ từ năm 2020 đến năm 2025 cho các chính sách giảm thiểu khí thải, và 40 tỷ US$ mỗi năm cho đến năm 2025 cho các chính sách thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Cho đến nay, cả hai mục tiêu này đều chưa đạt được. Nhóm G77, bao gồm các nước đang phát triển chính ở châu Á, yêu cầu các nước giàu thực hiện ngay các cam kết này, và kêu gọi nhanh chóng xác định một mục tiêu tham vọng hơn cho giai đoạn 2025-2030.

    Về vấn đề các khoản bù đắp, Pakistan, hiện đang là nước chủ tịch của nhóm G77 và là nước đồng chủ trì COP27 với Ai Cập, đã đến hội nghị của Liên hợp quốc với một “trường hợp điển hình”. Lũ lụt, vốn tấn công nước này vào mùa hè năm 2022, đã gây ra những thiệt hại khổng lồ: gần 2.000 người chết, tám triệu người phải di dời, và hơn 30 tỷ US$ để chi cho công cuộc tái thiết. Pakistan phát thải ít hơn 1% lượng khí nhà kính toàn cầu. Họ có thể yêu cầu một sự viện trợ quốc tế, một cách hợp pháp, và kêu gọi thiết lập một chế độ “bù đắp” mà Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS, Alliance of Small Island States) đã yêu cầu cho đến nay. Như Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của ông trước COP27 thay mặt cho Nhóm G77, “một sự tăng cường tình đoàn kết và quan hệ hợp tác để giải quyết những mất mát và thiệt hại liên quan đến sự biến đổi khí hậu không phải là một công việc từ thiện mà là công lý khí hậu”.

    Trung Quốc, thông qua đại diện của họ tại COP27, Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), cho biết Trung Quốc ủng hộ việc thiết lập một cơ chế bù đắp dành cho các nước nghèo, đồng thời chỉ rõ rằng họ không có ý định đóng góp tài chính (với lý do chưa phải là một nước phát triển…). Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc có nguy cơ bị làm suy yếu, do sự kết hợp ngày càng tăng giữa các cuộc tranh luận về nợ của các nước nghèo với vấn đề bù đắp về khí hậu. Với việc trở thành một trong những nước chủ nợ chính của các nước nghèo, với các dự án lớn của “Con đường tơ lụa mới”, Vương quốc Trung tâm sẽ không thể tự tách mình khỏi những nỗ lực mà các nước chủ nợ có nghĩa vụ phải làm, để tránh sự phá sản của một số Nhà nước ở Châu Á, Châu Phi hoặc Châu Mỹ Latinh.

    Nhìn chung, COP27 sẽ không phải là một năm tuyệt vời để huy động các nước châu Á-Thái Bình Dương, vốn vẫn tập trung vào những thách thức ngắn hạn: lạm phát, khủng hoảng năng lượng, và những hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraine.

    Thông tin về tác giả


    Hubert Testard

    * Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là trong WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, vào tháng 3 năm 2021 bởi NXB Editions de l’Aube. 


    Không có nhận xét nào