Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ sẽ cung cấp đại bàng xám Grey Eagle hay tên lửa ATACMS cho Ukraina?



    Đại bàng xám Grey Eagle của Hoa Kỳ

    Giữa lúc quân đội Nga đang tháo chạy khỏi miền Nam Ukraine, thì chính quyền Biden tiếp tục công bố một loạt các gói viện trợ quân sự mới cho nước này. Tuy nhiên đối với Ukraine, như vậy vẫn chưa đủ, vì còn thiếu một loại vũ khí mà họ đã đề nghị từ lâu: đó là máy bay không người lái đa năng Grey Eagle, có trang bị tên lửa hellfire.

    Theo lời hai quan chức giấu tên thì Hoa Kỳ đang cân nhắc chỉnh sửa đối với loại máy bay không người lái này. Thứ nhất là nhằm bảo mật những công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ và thứ hai là làm cho chúng bớt tính huỷ diệt hơn. Khi đó Ukraine có nhiều khả năng hơn để có được loại khí tài này.

    “Sẽ có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhưng phức tạp và cũng sẽ cần thời gian”, một quan chức quốc hội tiết lộ.


    Trong khi đó một quan chức khác cho biết quân đội Hoa Kỳ nỗ lực cải tiến một loại máy bay không người lái khác mà quân đội gọi là MQ-1C do General Atomics chế tạo.

    Theo Seth Jones, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS: “Nếu nói về máy bay không người lái, thì đây là những loại tốt nhất, chúng cực kỳ tinh vi”.

    Về mặt thực tế, nếu không có bất kỳ sự thay đổi nào, thì Grey Eagle, loại máy bay có thể mang 4 tên lửa Hellfire và trần bay là 7620m, và có thể bay liên tục trong gần 30 giờ, có lẽ sẽ không nằm trong danh sách viện trợ quân sự sắp tới được phân bổ cho Ukraine.

    Một quan chức cho biết “Chúng tôi vẫn thực sự quan tâm đến việc cung cấp hệ thống đặc biệt này, miễn là có những thay đổi cần thiết và vẫn hữu ích cho Ukraine trên chiến trường”.

    Mặc dù Wall Street Journal trước đó có đưa tin rằng Lầu Năm Góc đã từ chối yêu cầu của Ukraine, nhưng cả quan chức Mỹ và Ukraine đều khẳng định vấn đề vẫn đang được thảo luận.

    Ukraine đang ‘đẩy lùi quân thù’

    Một quan chức Ukraine tuyên bố “Chúng tôi đang đánh trả, chúng tôi không bỏ cuộc, đây là vấn đề sống còn với Ukraine”.

    Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Roger Cabiness không bình luận cụ thể về Grey Eagle, chỉ nói rằng Bộ Quốc phòng tiếp tục tham vấn với Ukraine về hỗ trợ an ninh.

    Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng như General Atomics không trả lời yêu cầu bình luận.

    Ngoài khả năng sát thương của các tên lửa mà nó mang theo, Grey Eagle sẽ cho phép các lực lượng Ukraine có khả năng thu thập thông tin tình báo và thực hiện trinh sát từ cự ly xa hơn, mở rộng khả năng hỗ trợ nhắm mục tiêu bằng pháo binh trên mặt đất và chống lại các máy bay không người lái của Nga.

    Trong suốt cuộc chiến, Mỹ đã do dự và miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine những khí tài tiên tiến hơn và có tầm xa hơn, chẳng hạn như tên lửa cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga và bị chính Nga coi đó là một hành động làm leo thang đáng kể cuộc xung đột.

    Trong trường hợp của Grey Eagle, một quan chức Mỹ lập luận, mối lo ngại không phải là leo thang mà là an ninh công nghệ; một khả năng là máy bay không người lái tiên tiến bị rơi ở Ukraine và bị người Nga thu hồi.

    Quan chức này tiếp tục “Đây là những hệ thống rất đắt tiền và có những lo ngại rằng chúng có thể bị bắn hạ,” đồng thời từ chối cho biết bộ phận nào của máy bay không người lái được coi là nhạy cảm nhất nếu Nga có được.

    Tờ Washington Post đưa tin rằng Hoa Kỳ đã nhận thức được rất rõ mối nguy cơ này sau khi máy bay không người lái của Iran bị bắn hạ ở Ukraine và Mỹ đã có cơ hội thẩm định chúng.

    Mặc dù quan chức Mỹ này không giải thích công nghệ nào trên Grey Eagle là nhạy cảm nhất, nhưng cho biết chúng sẽ không bị coi là làm leo thang cuộc chiến vì những phương án thay thế tương tự đang được viện trợ.

    Ông Jones, một chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, cho biết công nghệ được đề cập có thể là khả năng chụp ảnh và thu thập thông tin tình báo và khả năng cảm biến, đồng thời cho biết Hoa Kỳ cũng quan ngại về việc leo thang xung đột với Nga.

    Mặt khác ông cũng tiếp lời “Những máy bay không người lái này không cần phải bay quá gần phía địch vì chúng có thể bắn từ xa và có thể thu thập thông tin tình báo từ khoảng cách lớn”.
    Trước đây Hoa Kỳ cũng đã từng chỉnh sửa lại vũ khí

    Đây không phải là lần đầu tiên các điều chỉnh được tiến hành đối với các hệ thống của Mỹ trước khi bàn giao cho Ukraine. Hồi tháng Ba, tạp chí Wall Street đã đưa tin về việc một số bộ phận đã được tháo khỏi tên lửa phòng không Stinger, để chúng có thể được chuyển đi.

    Theo một số nguồn tin tiết lộ cho CNN thì tương tự Grey Eagle, Mỹ cho đến nay vẫn chưa khẳng định sẽ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS, với tầm bắn khoảng 200 dặm (300 km). Ukraine rất muốn được viện trợ loại tên lửa này đến mức họ đã đưa ra một mức độ minh bạch đáng kể với Mỹ, và đã chia sẻ các mục tiêu chiến đấu.

    Khi được hỏi phỏng vấn rằng ngoài Grey Eagle, thì Ukraine còn cần gì thì một quan chức của Ukraine nhắc lại – chúng tôi rất cần ATACMS

    Đầu tháng này Mỹ đã công bố một gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu đô la dành cho Ukraine, bao gồm một cam kết khác về hơn 1.000 máy bay không người lái Phoenix Ghost. Khác với Grey Eagle, đây là những máy bay không người lái tự sát nhỏ hơn, sử dụng một lần.

    Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, chính quyền Biden đã hỗ trợ Ukraine các loại vũ khí ngày càng tối tân. Tiếp tục, song cố gắng không vượt qua một ranh giới mà họ cho rằng Nga sẽ coi là leo thang quá mức.

    Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại những quan ngại của chính quyền Hoa Kỳ rằng “Tôi không muốn Ukraine đánh bom vào lãnh thổ Nga”.

    Thực tế, Biden nhấn mạnh rằng mặc dù Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa di động HIMARS hiệu quả cao, nhưng Ukraine sẽ không được cung cấp các loại đạn tầm xa, bao gồm cả ATACMS.

    Cũng chưa có quốc gia NATO nào gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine, vì hiện tại thực sự phần tranh luận quan trọng nhất vẫn là quyết định xem loại vũ khí nào sẽ được chuyển cho Ukraine.

    Ba nguồn thạo tin cho hay vấn đề vẫn đang được cân nhắc, có thể là máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ hay máy bay chiến đấu có nguồn gốc từ Liên Xô như Mig-29. Mỹ có thể yêu cầu một quốc gia như Ba Lan cung cấp máy bay Mig-29 cho Ukraine và hỗ trợ Ba Lan bằng máy bay phản lực của Mỹ.

    Một quan chức quốc hội cho biết việc gửi trực tiếp máy bay chiến đấu của Mỹ đến Ukraine sẽ không mang lại nhiều lợi thế, vì có rất ít cuộc không chiến, rồi các phi công Ukraine không được đào tạo và loại máy bay này cần được bảo dưỡng nhiều.

    Thế còn vấn đề về ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

    Một quan chức giấu tên khác quan ngại “Liệu chúng ta có đang đổ thêm dầu vào lửa? Cái ngưỡng nào là phù hợp để Hoa Kỳ có thể tiếp tục viện trợ quân sự – và là cái ngưỡng mà Putin có thể chấp nhận để không sử dụng vũ khí hạt nhân”. Đó là những điều mà các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ đang cố gắng tìm ra câu trả lời.

    Các quan chức Ukraine ngày càng thất vọng đối với quan ngại leo thang chiến tranh của chính quyền Biden. Họ đã thẳng thắn rằng nếu họ có ý định tấn công vào lãnh thổ Nga, thì họ đã sử dụng HIMARS mà Hoa Kỳ viện trợ, nhưng họ đã không làm như vậy.

    Một quan chức Ukraine chia sẻ “Thật ra chuyện này rất phi logic, leo thang gì đây? Nga sẽ thả bom hạt nhân, hay chúng ta e ngại điều gì? Tôi thật không hiểu.”

    Nguồn: CNN
    Văn Sơn biên dịch

    Không có nhận xét nào