Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Lương Hải Khôi - Shibusawa Ei-ichi – Người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật Phần 2. Hết

    https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2022/10/107985888_3310437589007772_8041487287362016466_n-e1656055683105.jpeg

    Shibusawa Ei-ichi – Người cha của chủ nghĩa tư bản Nhật 

    Đọc lại Phần 1:

    Tại đây

    Tặng những tâm hồn Việt Nam đang thao thức

    Shibusawa, nhà tư tưởng 

    Đầu thế kỷ 20, ở các nước trong vùng văn hóa chữ Hán, khi đưa các giá trị hiện đại vào xã hội mình, giới trí thức đối diện với một thực tế, như Phạm Quỳnh từng nói về trường hợp Việt Nam trong bài phát biểu năm 1922 ở Viện Hàn lâm Pháp, là xã hội của họ không phải là một tờ giấy trắng để có thể vẽ lên đó hệ giá trị mới một cách thuần túy. “Tờ giấy” đó đã in đậm tinh thần Nho giáo (và cả Phật giáo, Lão giáo) suốt hàng nghìn năm. Khi vẽ hình ảnh phương Tây lên tờ giấy đó, họ buộc phải làm cho hình ảnh mới này tương thích với hình ảnh Nho giáo cố hữu trên ấy. Nói cách khác, họ phải đến hiện đại từ truyền thống, đến với phương Tây trên nền tảng phương Đông. Trần Trọng Kim năm 1929 trong “Nho giáo” (và các bài tranh luận với Phan Khôi sau đó) đã cố gắng hiện đại hóa Nho giáo, chứng minh Nho giáo có những cơ sở tư tưởng để từ đó một xã hội Nho giáo như Việt Nam có thể hấp thụ được các giá trị “khoa học” và “dân chủ” của phương Tây. Bên Trung Quốc, Hồ Thích cũng diễn giải “Kinh dịch” theo cùng một cách. Và ở Nhật Bản, Shibusawa Ei-ichi làm điều tương tự trong một loạt tác phẩm như “Thanh Uyên bách thoại”『青淵百話』, “Bài giảng về Luận ngữ”『論語講義』, “Thực nghiệm “Luận ngữ” xử thế đàm”『実験論語処世談』, “Luận ngữ và bàn tính”『論語と算盤』. Trong đó, “Luận ngữ và bàn tính” cho đến nay vẫn là sách gối đầu giường của giới doanh nhân Nhật Bản. Theo một khảo sát của tạp chí Toyo Keizai năm 1981, “Luận ngữ và bàn tính”, tác phẩm chủ chốt xây dựng “tinh thần của chủ nghĩa tư bản Nhật”, là tác phẩm được giới chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật yêu thích nhất.

    “Sĩ hồn thương tài”

    Thời Heian, thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12, người Nhật đề xướng phương châm “Hòa hồn Hán tài” (和魂漢才 Wakon Kansai), nghĩa là “Kết hợp linh hồn Nhật Bản với trí tuệ của văn hóa Hán”. Phương châm này được Sugawara no Michizane (菅原道真 Gian Nguyên Đạo chân, 845 – 903), một Thái chính Đại thần (tương đương với Tể tướng trong bộ máy nhà Đường đương thời), biên tập trong giáo huấn thư “Những lời răn để lại của Sugawara” (“Gian gia di giới” 『菅家遺誡』 “Kanke Ikai”), một trước tác mà các quan lớn hàng công gia ở Kyoto một thời phải đọc. Đến cuối thời Mạc phủ, ở giai đoạn tiếp túc với phương Tây, Sakuma Shozan (佐久間 象山, 1811 – 1864) đề xuất con đường tương lai của Nhật Bản là “Kết hợp đạo đức phương Đông và kỹ thuật phương Tây” (東洋道徳西洋学芸Toyo dotoku, Seiyo gakugei). Đây là tiền thân của khẩu hiệu “Hòa hồn Dương tài” (和魂洋才 Wakon Yosai) nghĩa là “Kết hợp tinh thần Nhật Bản với trí tuệ phương Tây” phổ biến thời Minh Trị. Cả “Hòa hồn Dương tài” và “Hòa hồn Hán tài” đều có chung một công thức, đặt vấn đề “bản sắc” trong thế đối sánh Nhật Bản với “người ngoài” – Hán hoặc Tây phương. Shibusawa Ei-ichi đề xuất một phương châm khác, với một cấu trúc tinh thần mới, “Sĩ hồn thương tài” (士魂商才 Shikon shosai), nghĩa là “Kết hợp Đạo của võ sỹ Samurai với tài năng của một doanh nhân”. “Sĩ hồn thương tài” không đặt vấn đề “bản sắc” mà đặt vấn đề kết hợp các hệ giá trị khác nhau trong nhân cách một doanh nhân. Năm 1927, Shibusawa giải thích trong cuốn sách “Luận ngữ và bàn tính” (『論語と算盤』 “Rongo to soroban”) của mình như sau:

    “Không nghi ngờ gì nữa, mỗi chúng ta đều cần đến tinh thần của một võ sỹ Samurai để có hùng tâm đối diện với cuộc đời. Nhưng nếu chỉ trau dồi mỗi tinh thần võ sỹ đạo mà không có tài năng kinh doanh thì không thể tự lập trên đôi chân của chính mình. Vì thế mỗi doanh nhân phải rèn luyện tài năng kinh doanh trên cơ sở tinh thần võ sỹ đạo. Có rất nhiều sách để có thể học về tinh thần Võ sĩ đạo, trong đó “Luận ngữ” của Khổng tử là tác phẩm căn bản. Vậy để luyện tài năng kinh doanh thì sao? Tài năng kinh doanh cũng có thể được trau dồi bằng “Luận ngữ”. Một cuốn sách về đạo đức như “Luận ngữ” quả thực không có mối quan hệ gì với tài năng kinh doanh, nhưng cái gọi là tài năng kinh doanh thực chất cũng gắn liền với đạo đức. Có tài kinh doanh mà lừa lọc, hình thức phù phiếm, nông cạn, xa rời đạo đức thì chẳng qua chỉ là hạng khôn vặt, không dám nhìn xa hơn cái lợi cỏn con trước mắt, không phải là bậc tài năng kinh doanh đích thực. Tài năng kinh doanh là cái không thể rời xa đạo đức, do đó cũng là cái được trau dồi bởi những tác phẩm về đạo đức như “Luận ngữ” của Khổng tử” [i]

    Trong “Luận ngữ và bàn tính”, Shibusawa hồi tưởng giai đoạn thời Minh Trị, khi có nhiều võ sỹ Samurai khởi nghiệp kinh doanh với lý tưởng làm cho “phú quốc, cường binh”, nhưng vô số dự án khởi nghiệp của họ đã thất bại. Thậm chí đương thời còn có cách nói châm biếm “thương pháp của võ sĩ đạo” để mỉa mai sự thất bại của họ. Để tránh lặp lại những thất bại như vậy, Shibusawa cho rằng các võ sỹ Samurai cần học các kỹ năng kinh doanh (thương tài), nhưng ông vẫn tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc giữ vững các giá trị đạo đức ngay cả khi thất bại.

    “Đạo của võ sỹ không phải chỉ được thực thi trong giới Nho gia hay các võ sỹ Samurai. Những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công thương nghiệp ở các nước văn minh cũng lựa chọn con đường đó. Các nhà công thương nghiệp ở phương Tây luôn luôn tôn trọng lời hứa, giả sử trong quá trình hợp tác có gặp thiệt hại đi nữa nhưng một khi đã hứa thì tất sẽ làm, không phản bội lời hứa cũ, kiên định tinh thần đạo nghĩa, không trượt ra ngoài chính đạo.”[ii]

    Điều thú vị ở đây là Shibusawa coi nền tảng thành công của cả “tài năng kinh doanh” và “đạo của võ sỹ” không phải là tài sản riêng của “Luận ngữ” mà là một giá trị phổ quát của thế giới “văn minh” như các nước phương Tây. Có thể nói, ông sử dụng “Luận ngữ” của Khổng tử như một “đường truyền” (channel), một “lối vào” (entrance) để dẫn xã hội Nho giáo ấy hội nhập với thế giới hiện đại, chứ không phải với tinh thần nệ cổ và bảo thủ.

    Doanh nhân như là hình mẫu về đạo đức

    Shibusawa Ei-ichi đã chiến đấu không mệt mỏi để phê phán tư tưởng phân biệt giai cấp “sỹ, nông, công, thương” của Nho giáo, đặt “thương” tức giới doanh nhân xuống hạng thấp nhất. Cách phân chia giai tầng xã hội này xuất phát từ Chu Tử 朱子 (1130 – 1200) ở Nam Tống, được Toyotomi Hideyoshi 豊臣秀吉thực hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 16. Shibusawa kể trong “Vũ dạ đàm” rằng lần đầu tiên ông biết đặt dấu chấm hỏi đối với cách phân chia giai cấp như vậy khi tiếp xúc với xã hội Pháp năm 1867. Shibusawa nhìn thấy ở Pháp, người làm kinh doanh có thể nói chuyện với giới quân nhân và quan chức nhà nước bằng thái độ và vị thế bình đẳng. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần rằng nếu muốn Nhật Bản được hùng mạnh, doanh nhân Nhật Bản phải học được cái khí chất đó của doanh nhân phương Tây.

    Lý do phải nâng cao vị thế xã hội của tầng lớp doanh nhân xuất phát từ lý tưởng “phú quốc cường binh” của thế hệ Minh Trị, như ông nói trong “Thực nghiệm “Luận ngữ” xử thế đàm” viết sau khi về hưu, “Muốn xây dựng quốc gia hùng mạnh thì không thể không làm cho quốc gia giàu có, muốn làm cho quốc gia giàu có thì không thể không phát triển công thương nghiệp” [iii]. Điều này thống nhất với những gì ông nói khi từ quan để bước vào thương trường. Sách “Sáu mươi năm cuộc đời của Thanh Uyên tiên sinh – Lịch sử phát triển tinh thần thực nghiệp hiện đại của một con người” năm 1900 ghi lại lời giải thích của Shibusawa cho những người bạn phản đối ông từ quan như sau:

    “Công thương nghiệp là nền tảng của quốc gia. Chọn những kẻ tầm thường làm quan chức triều đình thì cũng chẳng sao. Nhưng doanh nhân phải là bậc hiền tài. Nếu lực lượng doanh nhân là những bậc hiền tài thì sẽ bảo vệ được sự phồn thịnh của quốc gia. Xưa nay người Nhật tôn kính tầng lớp võ sỹ, cho rằng trở thành quan cao trong chính phủ là vinh quang tối thượng, còn trở thành một thương nhân là điều đáng xấu hổ. Đó là kiểu tư duy lầm lạc từ xưa đến nay. Ngày nay, nhiệm vụ cấp bách của nước ta là thấu hiểu lề lối tư duy của xã hội, loại trừ những những suy nghĩ sai trái của nó, nâng cao vị thế xã hội của doanh nhân, phát triển nhân tài để xây dựng xã hội thương nghiệp, làm cho doanh nhân trở thành tầng lớp thượng lưu của xã hội.”[iv]

    Thế kỷ 18, danh Nho Yamamoto Tsunetomo 山本常朝 (1659 – 1719) trong tác phẩm “Ẩn mình dưới lá” (『葉隠』“Hagakuge”, năm 1716) đã xây dựng chức năng xã hội cho tầng lớp võ sỹ đạo bằng cách nhấn mạnh sứ mệnh của họ là hiến thân mình cho các giá trị đạo đức. Shibusawa cũng đi tìm chức năng xã hội của tầng lớp doanh nhân – võ sĩ đạo bằng những ý niệm tương tự:

    “Phải làm sao cho thương nhân trở thành mẫu hình của đạo đức nhân nghĩa và mẫu hình của đạo đức nhân nghĩa trong xã hội chính là tầng lớp thương nhân.” [v]

    Nhưng làm thế nào để doanh nhân trở thành hình mẫu đạo đức cho xã hội? Shibusawa cho rằng doanh nhân có thể thực hiện chức năng xã hội đó bằng lý tưởng “thánh hiền” của Nho giáo truyền thống.

    Doanh nhân như là đấng thánh hiền Nho giáo

    Trong tư tưởng Nho giáo, “thánh hiền” là hình mẫu nhân cách cao nhất. Shibusawa diễn giải lại mệnh đề “bác thí ư dân nhi năng tế chúng” 「博施於民而能済衆」có nghĩa là “thực hiện những việc ân nghĩa cho người dân và cứu tế đại chúng” trong “Luận ngữ” của Khổng tử để thuyết minh làm thế nào một doanh nhân có thể hiện sinh như một đấng thánh hiền. “Luận ngữ” có một cuộc đối thoại như sau:

    Tử Cống hỏi: Nếu có người làm những việc ân nghĩa cho người dân và cứu tế đại chúng, thì người ấy là người thế nào. Có thể gọi đó là người nhân không?

    Khổng tử đáp: “Sao chỉ gọi là người nhân thôi? Phải gọi là bậc thánh mới đúng. Đến cả vua Nghiêu vua Thuấn cũng chưa hẳn làm được như thế. 

    Shibusawa diễn giải đoạn này như sau trong “Thực nghiệm “Luận ngữ” xử thế đàm”:

    “Khổng Phu tử cho rằng làm những việc nhân nghĩa giúp đời, cứu tế nhân dân chính là bậc nhân cao hơn bậc nhân, đến mức phải đó là bậc thánh vậy. Nếu muốn làm những việc nhân nghĩa và cứu tế rộng khắp cho nhân dân, thì cái tất yếu cần có trước tiên chính là tiền. Thực vậy, để làm điều nhân nghĩa rộng khắp mà lại không giàu có thì dù có làm gì đi nữa cũng không thể trông mong thực hiện điều đó một cách vẹn toàn. Ngay cả muốn thực thi nền chính trị của Văn Vương[vi] ngày trước thì cái tất yếu cần có là tiền” [vii]

    Theo diễn giải của Shibusawa, sự giàu có chính là tiền đề vật chất để thực thi lý tưởng nhân nghĩa “bác thí ư dân nhi năng tế chúng” của bậc thánh hiền. Để thực thi lý tưởng thánh hiền thì không chỉ cần lòng nhân cao cả mà còn cần tài trí của một doanh nhân.

    Cách Shibusawa diễn giải vai trò của Nho giáo đối với hiện đại hóa quốc gia tương đối gần với vai trò của đạo đức Tin lành đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu theo phân tích của Max Weber trong “Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản”. Khái niệm “thiên chức” trong thần học Calvin và khái niệm “thiên mệnh” của Shibusawa có một điểm tương đồng là coi nỗ lực hết sức mình với nghề nghiệp trong đời sống xã hội, dung hợp tài năng và đạo đức, xây dựng tài sản vật chất… là một sứ mệnh cao cả. Điểm khác nhau là ở mục đích: đạo Tin lành hướng đến mục đích trở thành người được Thiên Chúa chọn, còn ở Shibusawa thì thực hiện “thiên mệnh” để làm cho quốc gia giàu mạnh, thi hành đạo của bậc “thánh hiền”.

    Phê phán sự đối lập giữa “lợi” và “nghĩa” của truyền thống Nho giáo

    Có thể nói đối với Shibusawa, như trên ta có thể thấy, doanh nhân nếu hội tụ hai điều kiện là “tài năng kinh doanh” và lý tưởng “nhân nghĩa” thì có đủ cơ sở để thi hành đạo “thánh hiền” trong thực tiễn. Nhưng xã hội Nho giáo đương thời có một trở lực là truyền thống “trọng nghĩa khinh lợi”, như Khổng tử nói trong “Luận ngữ”, “quân tử hiểu rõ nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ lợi” (「君子喩於義、小人喩於利」“Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”).  Đối thoại với di sản này của tinh thần Nho giáo, Shibusawa nói: “Thực hành đạo đức mà vứt bỏ cái lợi thì không phải là đạo đức chân thật. Mặt khác, sự giàu có đích thực, cái lợi ích chính nghĩa thì tất yếu phải đi cùng các giá trị đạo đức.”[viii].

    Trong tác phẩm “Luận ngữ và bàn tính”, Shibusawa nêu luận điểm cần thống nhất hai mặt “lợi” và “nghĩa” bằng cách hai hình ảnh ẩn dụ: “sử dụng bàn tính[ix] là tìm lợi, đọc “Luận ngữ” là tìm đạo đức”. Ông cho rằng một khi đối lập giữa “lợi” và “nghĩa” thì sẽ tạo ra sự phân ly giữa “người dạy” và “người thực hiện”. Theo ông, “cho đến các thời vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Thang, vua Văn, vua Võ thì hoàn toàn không có sự mẫu thuẫn giữa bàn tính và đạo đức”, [x] tuy nhiên, ở các đời sau, xuất hiện sự phân chia tác bạch giữa “người dạy” và “người thực hiện”, khiến cho “người thực hiện không còn nhất thiết là người dạy, người dạy về nhân nghĩa đạo đức không còn là người thực thi những giá trị ấy nữa, giữa hai con người ấy không có gì kết nối, ông thầy dạy về nhân nghĩa đạo đức thì không nghĩ gì đến việc thực thi điều mình dạy, không thực sự sống trọn vẹn với các giá trị ấy trong tâm trí mình, chỉ tự tiện làm những gì mình nghĩ một cách hồ đồ, thành thử sự thể mới như ngày nay, sinh ra khoảng cách giữa “đạo đức” và cái “bàn tính” để kiếm tiền. Kết cục, chúng trở thành hai thứ khác biệt. Xã hội ngày nay cũng nhìn đó là hai thứ khác nhau”.[xi]

    Shibusawa cho rằng khuynh hướng này đặc biệt rõ từ đời Tống với các danh Nho như Chu Đôn Di周敦頤, Trương Tái張載, Nhị Trình 二程 [xii]. Ông nói: “Họ đặt nặng việc luận về “Lý”, về “Tính”, những thứ đi ngược với đời sống thực tế hằng ngày, lý luận về đạo đức của họ trở thành trò chơi chiêm nghiệm một cách vô dụng, trở thành một kiểu triết học về luân lý sản xuất ra những quan điểm không can hệ gì đến đời sống thực. Khuynh hướng này đến giai đoạn Chu Tử thì đi đến cực điểm, chuyên chạy theo lý luận mà quên hẳn thực tại” [xiii] Sau khi được truyền vào Nhật Bản, kiểu tư duy đó “được diễn giải dưới thời phong kiến theo phương châm tinh thần võ sĩ đạo là con đường đối lập với việc sản xuất kinh doanh để tạo ra lợi ích”.[xiv]

    Lợi và Nghĩa – “Đạo đức và kinh tế hợp nhất”

    Phê phán sự đối lập giữa “nghĩa” và “lợi” của Nho giáo, Shibusawa nêu tư tưởng “nghĩa lợi lưỡng toàn thuyết” hay “đạo đức kinh tế hợp nhất thuyết”, theo đó “nghĩa” và “lợi” hay “đạo đức” và “kinh tế” trong bản chất vốn không mẫu thuẫn với nhau. Quan điểm “đạo đức và kinh tế hợp nhất” của Shibusawa cho rằng trong kinh doanh cần phải sử dụng “phương pháp chính đáng và tuân thủ nghiêm cẩn luân lý kinh doanh”. Ông tái diễn giải khái niệm “đạo”「道」trong câu “giàu với sang thì có ai mà không ham muốn, nhưng giàu sang mà trái đạo thì thì người quân tử chẳng tham” (“phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử dã” 「富与貴、是人之所欲也。不以其道、得之不処也」) trong “Luận ngữ” thành hành vi kinh doanh khước từ những phương pháp vô đạo đức. Ông giải thích: “Phú quý là cái triệu người ham muốn nhưng người quân tử tuyệt đối không mưu cầu phú quý bằng thủ đoạn không chính đáng”[xv]. “Nghĩa lợi lưỡng toàn thuyết” có thể được tóm tắt qua một số luận điểm như sau:

    “Suy nghĩ về thực nghiệp như thế nào cho đúng đắn? Không cần phải nói, đương nhiên là phải lập kế hoạch thu được lợi nhuận. Kinh doanh công nghiệp, thương nghiệp mà không tạo ra được lợi nhuận thì công thương nghiệp ấy là vô nghĩa lý. (…) Nhưng, lợi nhuận chân chính nếu không dựa trên nền tảng nhân nghĩa đạo đức thì tuyệt nhiên không thể bền vững”. [xvi]

    “Khi bàn về “dục”, Khổng tử nói rằng nếu không có được giàu sang dựa trên đạo lý thì thà nghèo hèn còn hơn. Điều đó cũng có nghĩa là Khổng tử không phản đối việc đạt được phú quý mà có đạo nghĩa”. [xvii]

    “Người phát triển tài sản theo chính đạo là phải vừa tích tụ tài sản vừa phân tán nó. “Phân tán” có nghĩa là sử dụng nó một cách thiện dụng, tức dùng nó để giúp đỡ xã hội một cách đúng đắn. Đó là điều chúng ta không bao giờ được quên.”[xviii]

    Trần Trọng Kim trong “Nho giáo” (1929) đã tái diễn giải khái niệm “cách vật trí tri” 格物致知[xix] trong “Đại học” 『大学』, kinh điển của Nho giáo, để lập luận rằng Việt Nam có thể đi đến đích khai sáng được tinh thần khoa học của phương Tây từ “xuất phát điểm” xã hội Nho giáo. Shibusawa cũng lập luận tương tự, chỉ khác một điểm, nếu ở Trần Trọng Kim, “khoa học” là tinh thần duy lý và các môn học nghiên cứu về tự nhiên – xã hội, thì “khoa học” trong ngữ cảnh của Shibusawa là một khoa học về kinh doanh sao cho lợi ích của doanh nghiệp cũng đồng thời là chính nghĩa của xã hội.

     “Tư tưởng “cách vật trí tri” là lời dạy về cái gốc dùng minh đức để làm sáng thiên hạ. “Cách vật trí tri” thời cổ chính là khoa học nghiên cứu về vật chất của thời nay. Để lấy ví dụ minh họa cho điều này, xin đơn cử việc sản xuất hàng hóa và tạo ra lợi nhuận. Một khi muốn tạo ra lợi nhuận một cách đầy đủ và lâu dài thì tất yếu sẽ cảm thấy cần đến các giá trị đạo đức”. [xx]

    Để xây dựng tính tương hợp giữa “nghĩa” và “lợi”, Shibusawa đã tái diễn giải khái niệm “lợi” của Nho giáo. Ông không tán thành câu nói “bất dĩ lợi vi lợi, dĩ nghĩa vi lợi” 「不以利為利、以義為利」nghĩa là “không nên lấy lợi làm lợi, mà nên lấy nghĩa làm lợi vậy” trong sách “Đại học” 『大学』. Ông nói “Vượt lên trên quan niệm về tư lợi tư dục, chúng ta phải nói rằng cái lợi đạt được trên cơ sở tấm lòng chân thành đối với quốc gia và xã hội thì chính là cái lợi chân thật”[xxi]. Như vậy, “lợi” trong kinh điển Nho giáo vốn có nghĩa là “tư lợi” đã được Shibusawa tái diễn giải là “công lợi”.

    Shibusawa diễn giải như thế nào về “nghĩa”? Ông trích dẫn Hàn Dũ 韓愈 đời Đường “Bác ái chi vị nhân, hành nhi tuyên chi vị nghĩa, do thị nhi chi diên chi vị Đạo” 「博愛之謂仁、行而宣之謂義。由是而之焉之謂道」nghĩa là “Bác ái, yêu thương khắp mọi người, thì gọi là Nhân, thực hiện những gì mình đã nói thì gọi là Nghĩa. Theo Nhân và Nghĩa đó mà làm thì gọi là Đạo.”[xxii] Ông diễn giải rằng, thực hành việc lấy “nhân” làm gốc trong kinh doanh (thực nghiệp) chính là “nghĩa”: “Nhân là gốc của đạo đức, dù là trong mối quan hệ giữa người với người, hay trong việc trị quốc bình thiên hạ, tất cả đều phải lấy nhân làm gốc. Trong “thực nghiệp”[xxiii] cũng vậy, cũng phải lấy nhân làm gốc”[xxiv].

    Vậy làm thế nào để lấy “nhân” làm gốc trong thực nghiệp? “Tất nhiên doanh nghiệp khi làm kinh tế thì phải truy cầu lợi nhuận, nhưng khi tạo ra lợi nhuận cho mình thì đồng thời họ cũng tạo ra lợi ích cho quốc gia, nói cách khác là tạo ra công lợi”.[xxv] Như vậy Logic của Shibusawa là “công lợi”, tức lợi ích của quốc gia và xã hội, cũng chính là “lợi” là “nghĩa”, và bản thân doanh nhân khi tạo ra lợi nhuận cho chính mình thì cũng đồng thời đem lại lợi ích cho xã hội một cách tự nhiên. Nói cách khác, ông dùng ý niệm “công lợi” để thống nhất hai khái niệm “lợi” và “nghĩa” vốn đối lập nhau trong Nho giáo.

    Shibusawa và hôm nay

    Tái diễn giải khái niệm “lợi” của Khổng tử thành “công lợi” để xây dựng thuyết “nghĩa lợi lưỡng toàn” phục vụ cho lý tưởng ái quốc của thời đại canh tân, Shibusawa ngày nay có thể trở thành đối tượng phê phán của chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism), bởi lẽ nếu coi hạn chế “tư lợi” như là kim chỉ nam cho chính sách quản trị quốc gia thì chỉ khiến cho sức sáng tạo của xã hội bị lụi tàn. Tuy vậy, Shibusawa không phủ nhận “tư lợi” mà đối với ông, “tư lợi” chân chính là kết quả của việc đi tìm công lợi. “Tạo ra công lợi, cống hiến cho xã hội, làm cho quốc gia giàu mạnh thì cũng chính là đem lại lợi ích cho cá nhân”.[xxvi] Cái “tư lợi” mà Shibusawa phê phán là “tư lợi” đạt được bằng con đường “trái với Đạo”, tức “thủ đoạn không chính đáng”.

    Phương pháp diễn giải Nho giáo của Shibusawa rõ ràng không phản ánh định hướng “hoài cổ” mà hướng về tương lai. Ông khẳng định “Chúng ta có thể thấy có nhiều vấn đề trong “Luận ngữ” không còn thích hợp với thời đại ngày nay” và phê phán Nho giáo, kể cả Khổng tử ở nhiều điểm, đặc biệt là ở tinh thần đối lập “nghĩa” và “lợi”. Mặt khác ông nói rõ mình không tiếp cận Nho giáo như một học giả mà như một người thực tiễn. “Việc trình bày và giải thích ý nghĩa của “Luận ngữ” theo phương pháp của các học giả là điều cần làm nhưng tôi thấy nó không hoàn toàn hiệu quả. Tất nhiên tôi không luận bàn theo kiểu vu khoát mà vẫn cố gắng bám lấy thực tế văn bản và văn hóa, chọn ra những điểm hữu dụng cho thời đại ngày nay”.[xxvii]

    Tư tưởng và hành động của Shibusawa có thể có ích đối với lý thuyết cho rằng Nho giáo đóng vai trò nền tảng cho quá trình hiện đại hóa của các “con rồng châu Á” như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore từ nửa cuối thế kỷ 20. Ở trường hợp Nhật Bản, Shibusawa trong “Thực nghiệm “Luận ngữ” xử thế đàm”, một tác phẩm đăng báo dài kỳ từ năm 1915 đến 1924, đã bàn về tác phẩm “Luận ngữ” của Khổng tử theo tinh thần “thực nghiệm”, tức kiểm tra các giá trị của nó được triển khai cụ thể qua phương thức ứng xử của các nhân vật lịch sử, trong đó hơn một nửa nhân vật cùng thuộc “thế hệ Minh Trị” với ông như Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi, Iwakuma Tomomi, Ito Hirobumi, Inoue Kaoru, Okuma Shigenobu… chứng minh vai trò của tinh thần Nho giáo trong quá trình Tây phương hóa của Nhật trong giai đoạn lịch sử đó.

    Tất nhiên, không có một Nho giáo thuần nhất ở châu Á. Cái Nho giáo giúp Nhật Bản có một thế hệ dốc sức học hỏi phương Tây để công nghiệp hóa thành công là một Nho giáo đã Nhật Bản hóa, đi theo con đường “thực học” chứ không phải là cái Nho giáo “khoa cử” làm cho xã hội trở nên không còn khả năng “bẻ lái” như chúng ta thấy ở Trung Quốc hay Việt Nam đương thời.

    Được đào tạo theo truyền thống của học phái Mito thời Edo, trước khi trở thành người nỗ lực “Tây phương hóa Nhật Bản”, Shibusawa bước vào đời với tinh thần Nho giáo “tôn Hoàng nhương di” (phò Thiên hoàng, bài trừ phương Tây) đương thời. Chàng trai trẻ cực đoan đến mức tổ chức tấn công Yokohama để tàn sát người da trắng ở đó. Ông kể lại suy nghĩ của mình thời trẻ trong “Vũ dạ đàm”: “Mọi rợ Tây dương sở hữu những tàu to pháo lớn thì đã sao? Chúng tôi có linh hồn Nhật Bản Yamato Damashii, có Nhật Bản đao – thanh kiếm Samurai – được tinh luyện bao đời, chúng tôi đã luyện tập những tuyệt kỹ của mình theo giáo huấn của tổ tiên, và chúng tôi sẽ chặt đầu bọn chúng, từng thằng từng thằng một, một cách không thương tiếc.” Sau này nhớ lại, ông nói đó là những suy nghĩ man rợ và lố bịch. Thực vậy, đó không phải là cái văn hóa làm cho Shibusawa đi vào lịch sử. Cái văn hóa đã tạo nên một Shibusawa đẩy Nhật Bản vào con đường Tây phương hóa mạnh mẽ là cái văn hóa hình thành trên những trải nghiệm với văn minh phương Tây. Sau khi tiếp xúc với phương Tây trong dịp dự Đại triển lãm 1867 ở Paris, ông thay đổi tư tưởng không chút do dự. Bộ “Tư liệu” có lưu lại một lá thư Shibusawa gửi về cho thầy giáo Odaka Atsutada thời niên thiếu ở làng cũ vào thời gian này, nói về sự thay đổi quyết đoán của mình trong nhận thức về con đường tương lai của Nhật Bản như sau: “Sự tiến bộ của văn minh phương Tây vĩ đại hơn tất cả những gì đệ tử đã nghe và tưởng tượng, nơi xung lượng của các cơ hội đem lại cho chúng ta dường như vượt qua trí tưởng tượng của con người. Trong suy nghĩ khiêm nhường của đệ tử, Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác là xây dựng quan hệ với họ, học tập những thế mạnh của họ để sống còn. Đệ tử tin rằng để làm được điều đó, chúng ta cần tuân theo luật của tự nhiên. Đệ tử hiểu ra rằng, điều này hoàn toàn trái ngược với những những gì đệ tử được học trước đây. Trong những ngày này, trong thời đại này, đất nước chúng ta không thể cứ cố bịt tai bịt mắt để trở nên trơ trọi và dị hợm trước phần còn lại của thế giới.”[xxviii]

    Shibusawa chuyển đổi tư tưởng một cách dứt khoát như vậy vì nền tảng Nho giáo Nhật Bản của ông là một Nho giáo “thực học”. Thực vậy, ở Nhật Bản, Shibusawa không phải là người đầu tiên đưa ra quan niệm “nghĩa lợi lưỡng toàn”. Thế kỷ 18 đã có Nho gia Ishida Baikan石田梅岩 (1685 – 1744) nói về “đạo của thương nhân” trong sách “Hỏi đáp giữa thành thị và nông thôn” (“Đô bỉ vấn đáp”『都鄙問答』 “Tobi mondo”, năm 1739). Ở thời Edo, ngoài Ishida Baikan còn nhiều Nho gia, Phật gia khác bàn về kinh tế từ góc độ Nho giáo và Phật giáo như Suzuki Shosan鈴木正三 (1579 – 1655), Nakae Toju 中江藤樹 1608 – 1648, Onda Tamichika 恩田民親 (1717 – 1762), Hosoi Heishu (細井平州 1728 – 1801), Kaiho Seiryo (海保青陵, 1755 – 1817), Ninomiya Kinjiro (二宮金次郎, 1786 – 1856), Ohara Yugaku (大原幽学, 1797 – 1858). Ở đây chúng ta sẽ điểm qua tư tưởng của Ishida Baikan vì ông có điểm tương đồng quan trọng với Shibusawa.

    Xuất phát điểm của Ishida Baikan là đả phá thái độ kỳ thị tầng lớp thương nhân thời Edo vì lí do họ sống bằng “lợi nhuận” nhờ buôn bán. Ông nói: “Thương nhân nhận lợi nhuận nhờ buôn bán cũng giống như sỹ (võ sỹ Samurai) nhận lương bổng vậy”[xxix]. Trên cơ sở so sánh sự giống nhau về sinh kế giữa thương nhân và võ sỹ Samurai, ông chống lại tư tưởng kỳ thị thương nhân của Mạc phủ đương thời bằng cách xác lập tính bình đẳng của cả bốn tầng lớp sĩ, nông, công, thương trên phương diện bản thể luận “Cả sĩ nông công thương đều do Trời tạo nên, mà Trời có hai Đạo khác nhau không?”[xxx] và phương diện chức năng xã hội “sĩ nông công thương, mỗi giai tầng có vai trò riêng, không thể thiếu giai tầng nào”, “nông dân là bề tôi nơi đồng ruộng, thương nhân và thợ thủ công là bề tôi nơi thành thị” [xxxi]. Từ đó, ông đề xuất “đạo của thương nhân”, theo đó, đối với vua thì “tôn quý”, đối với cha mẹ thì “yêu thương”, đối với chính mình thì “tiết kiệm chi tiêu cho bản thân và trau đồi đạo nghĩa”, “có thành công cũng không tự mãn, tránh xa lối sống sa hoa phù phiếm”, đối với xã hội thì “xây dựng chữ tín, vun đắp lòng nhân ái, yêu thương khắp mọi người, đồng cảm với người nghèo khổ”, đối với nghiệp kinh doanh thì “học tập để tinh thông gia nghiệp, kỹ lưỡng và chín chắn trong chi tiêu và tìm kiếm lợi nhuận, làm cho gia đình yên ấm và tuân thủ quốc pháp”[xxxii]

    Tư tưởng của Ishida Baikan hình thành trên cơ sở kinh tế đô thị phát triển mạnh thời Edo[xxxiii]. Bối cảnh kinh tế xã hội và tư tưởng thời Edo đã giúp sỹ phu Nhật Bản trong giai đoạn cuối của chế độ Mạc phủ, trong đó có Shibusawa, có thể thay đổi nhận thức và Tây phương hóa một cách quyết đoán. Điều đó cũng có nghĩa là, bất kể xuất phát điểm là gì, thế hệ đã hiện đại hóa Nhật Bản (và sau này là Hàn Quốc, Đài Loan rồi Trung Quốc) là thế hệ đã Tây phương hóa mạnh mẽ về mặt tinh thần và trí tuệ, chứ không phải là thế hệ đã kìm hãm dân tộc họ bằng não trạng và kỹ năng tư duy chỉ thích hợp với một hệ thống cũ kỹ.[xxxiv]

    “Lưu thủy, khai hoa”

    Giống như các sỹ phu đương thời được sinh ra trong nền văn hóa Hán học trước khi tiếp xúc với phương Tây, Shibusawa có thú vui giải trí là làm thơ chữ Hán và thơ tiếng Nhật truyền thống. Sau khi ông mất, cháu của ông là Shibusawa Kenzo tìm trong di cảo được 283 bài Hán thi và 383 bài Waka, in thành tập thơ “Thanh Uyên thi ca tập” 『青淵詩歌集』 năm 1933. Xin khép lại câu chuyện của Shibusawa bằng một bài thơ chữ Hán ông viết năm 89 tuổi, hai năm trước khi mất.

    Nguyên văn                             Phiên âm

    義利何時能両全        Nghĩa lợi hà thời năng lưỡng toàn

    毎逢佳節思悠然        Mỗi phùng giai tiết tứ du nhiên 

    回頭愧我少成事        Hồi đầu quý ngã thiểu thành sự 

    流水開花九十年        Lưu thủy khai hoa cửu thập niên

    己巳元旦書感 青淵逸人 Kỷ tị nguyên đán thư cảm, Thanh Uyên dật nhân

    Dịch nghĩa:

    Khi nào thì lợi ích của doanh nghiệp cũng đồng thời là chính nghĩa của xã hội?

                Mỗi độ xuân về, tôi lại trầm ngâm suy nghĩ về điều đó.

                Ngoảnh mặt nhìn lại, thấy hổ thẹn vì hoàn thành được ít việc,

                Nước chảy, hoa nở, thấm thoát đã chín mươi năm. 

    Kẻ ẩn dật Thanh Uyên cảm tác, nguyên đán năm kỷ tị (năm 1929)[xxxv]

    Võ sĩ đạo dung hợp cả Thần đạo, Nho giáo, Phật giáo và Lão Trang. Shibusawa sử dụng chất liệu Nho giáo để xây dựng tư tưởng “nghĩa lợi lưỡng toàn” nhưng tinh thần của ông không tách rời các truyền thống khác.[xxxvi] Danh xưng “dật nhân” (kẻ ẩn dật) nằm trong truyền thống Lão Trang, còn hai hình ảnh “lưu thủy”, “khai hoa” (“nước chảy”, “nở hoa”) thì “liên văn bản” với truyền thống Thiền tông, biểu đạt triết lý về sự dung thông của hành động và vô vi, bản ngã và tha nhân. Nó đan dệt với những hình ảnh quen thuộc của khía cạnh Thiền tông trong tinh thần Võ sĩ đạo, chẳng hạn như ẩn dụ “giữ bản tâm tự nhiên như nước chảy” của bậc thầy Kiếm đạo Miyamoto Musashi 宮本武蔵 hay “Xạ hành như lưu thủy, tàn thân tựa hoa khai” (hành động bắn cung thì như nước chảy, tên bắn đi rồi thì thân thể còn lại như khoảnh khắc nở hoa) trong nghệ thuật bắn cung của bậc thầy Cung đạo Unoyo Saburo 宇野要三郎. Bắn cung như “lưu thủy” là nguyên lý thuận theo tự nhiên, không có sự can thiệp của cái tôi chủ quan, tức vừa “không hành động” lại vừa “không phải không hành động”. Nguyên lý đó tương sinh với kết quả là vẻ đẹp nội tại tựa như khoảnh khắc “nở hoa”, một vẻ đẹp sinh thành tự nhiên từ muôn vạn tương sinh bên trong cây hoa và giữa cây với vũ trụ bên ngoài, chứ không phải do bởi những tham vọng chủ quan và duy ý chí.

    Oregon, 150 năm duy tân Minh Trị 1868 – 2018

    Nguyễn Lương Hải Khôi

    Ghi chú

    [i] 渋沢栄一,『論語と算盤』, 角川ソフィア文庫, 二十三頁

    (Shibusawa Ei-ichi, “Luận ngữ và bàn tính”, NXB Kadokawa Sophia Bunko, trang 23)

    [ii] Như trên, trang 246

    [iii] 渋沢栄一、『実験論語処世談』、『渋沢栄一全集』、第二巻、平凡社、一九三〇、三頁

    Shibusawa Ei-ichi, “Thực nghiệm “Luận ngữ” xử thế đàm”, “Shibusawa Ei-ichi toàn tập”, quyển 2, NXB Heibonsha, 1930, trang 3 (Từ đây sẽ gọi tắt là “Toàn tập”)

    [iv] “Tư liệu”, quyển 3, trang 733

    [v]  “Toàn tập”, quyển 2, trang 3

    [vi]  Văn Vương 文王 hay Chu Văn vương 周文王 là người xây nền móng triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, được coi là một trong những “thánh nhân”「聖人」của Nho giáo, được ca tụng trong nhiều bài thơ của kinh điển Nho giáo là Thi Kinh 詩經.

    [vii] “Tư liệu”, quyển 7, tran 45 – 54

    [viii] “Toàn tập”, quyển 2, trang 507

    [ix]  Bàn tính là dụng cụ tính toán phổ biến trước khi có máy tính, một dụng cụ người làm kinh doanh đương thời không thể thiếu.

    [x]  “Toàn tập”, quyển 2, trang 166

    [xi]  “Toàn tập”, quyển 2, trang 166

    [xii] Nhị Trình là Trình Hạo 程顥 (1032-1085) và em là Trình Di 程頤 (1033 -1107), hai danh Nho thời Bắc Tống, được thờ trong Khổng Miếu.

    [xiii]  “Toàn tập”, quyển 2, trang 167

    [xiv]  “Toàn tập”, quyển 1, trang 222

    [xv] “Toàn tập”, quyển 2, trang 161

    [xvi] 渋沢栄一,『論語と算盤』, 角川ソフィア文庫, trang 124

    (Shibusawa Ei-ichi, “Luận ngữ và bàn tính”, NXB Kadokawa Sophia Bunko, trang 124)

    [xvii] Như trên, trang 134

    [xviii] Như trên, trang 150

    [xix] Sách “Đại học” thuật lời Khổng tử như sau: Dục thành kì ý giả, tiên trí kì tri, trí tri tại cách vật「欲誠其意者,先致其知,致知在格物」 (Muốn “thành ý”, chân thật với điều mình nghĩ, thì phải “trí tri”, suy xét đến cùng điều mình biết; để “trí tri”, hiểu biết cặn kẽ vấn đề, thì phải xem xét vấn đề đó đến cùng)

    [xx] “Toàn tập”, quyển 2, trang 507 – 508

    [xxi] “Toàn tập”, quyển 2, trang 583

    [xxii] Ý này được Hàn Dũ nói trong luận văn “Nguyên đạo” 「原道」, một tác phẩm luận về khái niệm “nhân nghĩa” của Nho giáo và bài bác Phật giáo, Lão Trang. Hàn Dũ về sau gặp Thiền sư Đại Điên ở núi Linh Sơn và theo Phật.

    [xxiii] Từ “Thực nghiệp” (実業 Jitsu-gyo) trong tiếng Nhật thời Minh Trị chỉ các hoạt động sản xuất, thương mại, khởi nghiệp kinh doanh, phát triển công nghiệp… đối lập với các hoạt động chỉ có có tính chất lý thuyết suông.

    [xxiv] “Toàn tập”, quyển 2, trang 33

    [xxv]  “Toàn tập”, quyển 2, trang 33

    [xxvi] “Toàn tập”, quyển 1, trang 509

    [xxvii]  “Toàn tập”, quyển 2, trang 30

    [xxviii] “Tư liệu”, quyển 1, trang 528 – 529

    [xxix] 加藤 周一 (編),『日本の名著18,「富永仲基・石田梅岩」』,中央公論社, 昭和五九年, 二三六頁

    Kato Shuiichi (biên tập), “Những tác phẩm vĩ đại của Nhật Bản”, tập 18, “Tominaga Nakamoto và Ishiada Baikan”, Chuo Koronsha, 1984, trang 236

    [xxx] Như trên, trang 233

    [xxxi] Như trên, trang 226

    [xxxii] Như trên, trang 231

    [xxxiii] Về so sánh Nho giáo Việt Nam và Nhật Bản thời tiền hiện đại và ảnh hưởng của nó đến giai đoạn tiếp xúc với phương Tây, xin xem: Đoàn Lê Giang, “Nho giáo ở Việt Nam và Nhật Bản”, Hội thảo quốc tế “Tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành”, Viện Hán nôm và Viện Harvard Yenching, Hà Nội, tháng 11 năm 2007.

    [xxxiv] Ở Việt Nam, đầu thế kỷ 20, chịu ảnh hưởng từ Nhật Bản thông qua “tân thư” Trung Quốc, các nhà ái quốc của phong trào Duy Tân như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp cũng đi con đường tương tự như “nghĩa lợi lưỡng toàn”. Họ mở công ty Liên Thành, tiên phong con đường kinh doanh theo phong cách hiện đại như châu Âu, cũng dùng tiền để phục sự xã hội, khai dân trí, như mở trường Dục Thanh và Liên Thành thư xã, các cơ sở của công ty cũng trở thành nơi hỗ trợ các chí sỹ đương thời, trong đó có Nguyễn Tất Thành trước khi đi Pháp. Đến giữa thế kỷ 20, trước 1975, ở miền Nam, công ty đã vươn lên tầm khu vực. Sau năm 1975 công ty bị quốc hữu hóa, và sau đó, từ 2001, Liên Thành trở thành một công ty cổ phần.

    [xxxv] “Tư liệu”, tập 57, trang 189

    [xxxvi] Shibusawa về già đã tài trợ để phục hưng nhiều ngôi chùa cổ, tham gia ban chủ nhiệm hội Phật tử của các chùa đó, như Senso-ji 浅草寺 (ngôi chùa cổ nhất trong nội thành Tokyo), chùa Kanei-ji 寛永寺 (bị phá hủy năm 1868 khi tàn quân Mạc phủ cố thủ trong chùa, kháng cự chính phủ mới).

    Tài liệu tham khảo

    土屋喬雄、『渋沢栄一伝』、改造社、1931 (Tsuchiya Takao, “Tiểu sử Shibusawa Ei-ichi”, Kaizo-sha, 1931)

    Choi Kim Il, “Shibusawa Ei-ichi and His Comtemporaries”, Ph.D. dissertation, Harvard University, 1958

    Hirschemeier Johannes, “The origins of Entrepreneurship in Meiji Japan”, Harvard University Press, 1964

    山本七平、『渋沢栄一の思想と行動、近代の創造』、PHP研究所、1987 (Shichihei Yamamoto, “Tư tưởng và hành động của Shibusawa Ei-ichi – Quá trình sáng tạo tính hiện đại”, PHP Kenkyujo, 1987)

    Teruko Craig, “The autobiography of Shibusawa Ei-ichi, from Peasant to Entrepreneur”, University of Tokyo Press, 1994

    渋沢研究会、『公益の追求者・渋沢栄一: 新時代の創造』、山川出版社, 1999 (Hội nghiên cứu Shibusawa, “Người đi tìm công lợi Shibusawa Ei-ichi – Sáng tạo thời đại mới”, NXB Yamakawa, 1999)

    三好信浩、『渋沢栄一と日本商業教育発達史: 産業教育人物史研究 III』、 風間書房、2001 (Miyoshi Nobuhiro, “Shibusawa Ei-ichi và lịch sử phát triển giáo dục thương nghiệp ở Nhật Bản – Nghiên cứu về lịch sử các nhà giáo dục kinh tế, quyển III”, Kazama Shobo, 2001)

    坂本慎一、『渋沢栄一の経世済民思想』、日本経済評論社、二〇〇二年 (Sakamoto Shinichi, “Tư tưởng kinh bang tế thế của Shibusawa”, Nihon Keizai Hyoronsha, 2002)

    于臣、『渋沢栄一と義利思想: 近代東アジアの実業と教育』、ぺりかん社、2008 (YU Chen, “Shibusawa Ei-ichi và tư tưởng “nghĩa lợi” – giáo dục và khởi nghiệp ở Đông Bắc Á thời cận đại”, NXB Perikan, 2008)

    大谷まこと、『渋沢栄一の福祉思想 英国との対比からその特質を探る』、ミネルヴァ書房、2011 (Otani Makoto, “Đi tìm đặc trưng tư tưởng phúc lợi xã hội của Shibusawa Ei-ichi từ điểm nhìn so sánh với Anh quốc”, NXB Minerva Shobo, 2011)

    Ken-ichi Ohno, “Learning to Industrialize: From Given Growth to Policy – Aided Value Creation”, Routledge, 2012

    渋沢栄一記念財団、『渋沢栄一を知る事典』、東京堂出版, 2012 (Quỹ tưởng nhớ Shibusawa Ei-ichi, “Từ điển Shibusawa Ei-ichi”, Tokyodo, 2012)

    北康利、『日本を創った男たち』、致知出版社、二〇一二年 (Kita Yasutoshi, “Những người đàn ông tạo nên Nhật Bản”, Chichi Shuppansha, 2012)

    橘川武郎, 島田昌和, 田中一弘 (編著)、『渋沢栄一と人づくり』、一橋大学日本企業研究センター、2013 (Kikkawa Takeo, Shimada Masakazu, Tanaka Kazuhiro, “Shibusawa Ei-ichi và sự nghiệp trồng người”, Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Nhật Bản, Đại học Hitotsubashi, 2013)

    宮本又郎、『日本の企業家1 渋沢栄一 日本近代の扉を開いた財界リーダー』、PHP研究所、2016 (Miyamoto Matao, “Các nhà thực nghiệp Nhật Bản, quyển 1 – Shibusawa Ei-ichi, nhà lãnh đạo tài chính tạo ra khúc ngoặt lịch sử hiện đại Nhật Bản”, PHP Kenkyujo, 2016)

    https://usvietnam.uoregon.edu


    Không có nhận xét nào