Header Ads

  • Breaking News

    Vụ tập kích Sơn Tây Phần 9

    Nguyên bản tiếng Anh: The Raid

    Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer

    Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ

    P9

    Trong giai đoạn huấn luyện này, Simons cũng lại yêu cầu binh sĩ của ông ta thực tập bắn đạn giả và đạn thật, tập bắn ngày và bắn đêm, tạo ra một tình trạng dữ dội và căng thẳng như trong thực tế có thể sẽ gặp phải trong cuộc tập kích. Vào khoảng hạ tuần tháng 9, Simons gặp phải sự lo âu. Bởi vì ban đêm người của ông ta chưa tập thuần thục việc bắn nát các mục tiêu, thế mà thời gian

    chỉ còn độ hai tuần lễ nữa là sẽ có thể bắt đầu hành động khi thời tiết cho phép. Simons lo nhất là việc thanh toán hai chòi gác trong trại. Dù ông ta đã cố gắng thúc giục các toán tấn công dưới đất tập luyện gắt gao nhưng vẫn chưa thể bắn nát được mục tiêu là tấm vải 2x4 tượng trưng cho mục tiêu thực tế quan trọng nhất. Ông ta có hỏi ý Manor xem các chòi gác ấy có thể được bắn sụp bằng máy bay pháo kích mà không làm tổn thương đến tù binh không?

    Manor đề nghị thử dùng trực thăng loại HH-53 có gắn súng nòng 7,62 ly loại nhỏ như kiểu đại liên 6 nòng, để bắn từ hai sườn và phía sau trực thăng xuống vọng gác. Nếu trực thăng HH-53 bay sát ngọn cây trên doanh trại và bay xuyên qua khoảng giữa hai chòi gác thì việc pháo kích này có thể thực hiện được một vài giây đồng hồ, sau khi bắn hạ các chòi gác thì trực thăng chở các toán tấn công sẽ bay đến và đáp xuống trại Sơn Tây.

    Simons tỏ ra nghi ngờ về việc này. Ông ta muốn thấy tận mắt việc thực hiện và sẽ được thực hiện như thế nào. Ông ta không muốn các buồng giam tù binh bị bắn thủng đầy đạn. M.Donohue được lựa chọn để lái chiếc trực thăng pháo kích và Simons quyết định cùng bay chung với Donohue để tự tay mình bắn thử xem sao. Donohue đồng ý và chiếc trực thăng HH-53 được chở đầy súng đạn đủ có thể bắn tan nát một sư đoàn Bắc Việt nếu mỗi viên đạn đều trúng mục tiêu. Một chiếc trực thăng UH-1 có gắn đèn rọi bay phía trên để soi sáng mô hình giống với thực tế trại Sơn Tây có ánh sáng trăng và ánh sáng hỏa châu trong đêm tập kích thật sự. Khi Donohue, Simons và 3 xạ thủ của Donohue, bắt đầu trực tiếp xạ kích với chiếc trực thăng HH-53 bay sát mái nhà của vài khối buồng giam thì Simons như bị điếc tai. Ông ta đã quên không mang nút bịt tai nên suốt cả ngày hôm sau không thể nghe gì được nữa, nhưng cặp mắt thì sáng rực vì lẽ “các mục tiêu đã được triệt hạ”. Và Simons cũng được an lòng vì đạn không bắn trúng các tấm vải tượng trưng cho khu buồng giam tù binh. Simons tỏ vẻ khoái chí. Donohue và các xạ thủ của ông ta từ đây cho đến ngày lên đường tập kích chỉ cần tập dượt việc pháo kích bằng máy bay này một lần nữa thôi là đủ.

    Vào giữa khuya đêm thứ 3 mồng 6 tháng 10, Manor và Simons chỉ đạo toàn thể lực lượng thực tập một lần cuối cùng, bắn bằng đạn thật vào ban đêm. Tất cả mọi đường bay quanh co để đi đến mục tiêu đều phải thực hiện, lẽ dĩ nhiên là chỉ thực hiện trên vùng trời của miền Đông Nam Hoa Kỳ chứ chưa phải tại Đông Nam Á (Chuyến bay cuối cùng trong giai đoạn thực tập này bao gồm độ 1 giờ bay tượng trưng cho thời gian từ lúc các toán của Simons bắt đầu rời căn cứ Takhli ở miền Trung Thái Lan cho đến căn cứ xuất phát ở Udorn, khoảng phía nam của biên giới Lào, độ 192 dặm đường bay đến mục tiêu tập kích. Từ địa điểm này bay đến trại giam Sơn Tây và trở về là một đoạn đường bay dài và quanh co khoảng 587 dặm.

    Blackburn và Mayer bay đến căn cứ Eglin quan sát việc thực tập cuối cùng này. Simons và các toán lính của ông ta thật là tuyệt vời. Các phi hành đoàn của Manor là những người vững vàng, đáng được tin tưởng nhất mà Blackburn và Mayer chưa từng thấy. Nếu mọi việc được thực hiện tốt đẹp thì tất cả tù binh ở Sơn Tây sẽ trở thành những con người tự do trong vòng 15 ngày nữa. Manor và Simons đã quyết định rằng ngày 21 tháng 10 là ngày tốt nhất để xuất phát cuộc tập kích.

    Simons rất hài lòng với việc thực tập này, nhưng rồi ông ta lại phải đương đầu với một sự rắc rối mới, cuối cùng một rắc rối to lớn. Chiếc trực thăng không thể đáp xuống trong vòng rào của trại giam một cách nhanh chóng như ý muốn. Loại trực thăng HH-3 quá to lớn đối với khu vực chật

    hẹp trong sân trại. Phi công đã cố gắng thử mọi cách nhưng cũng không đáp lọt xuống được sân trại. Còn loại trực thăng UH-1 nhỏ hơn thì có thể đáp xuống được nhưng lại không đủ chỗ để chứa toán lính của Dick Meadows vì nó chỉ chở được 10 người mà thôi. Ngoài ra, vì chật chội cho nên việc đổ bộ ra khỏi trực thăng sẽ bị chậm chạp và như vậy thì việc hoạt động trong hàng rào trại giam có thể sẽ bị thất bại. Loại trực thăng nhỏ này còn có những nhược điểm khác: nó không được chế tạo để tiếp nhận nhiên liệu trên không, nếu mang theo bình chứa nhiên liệu lớn thì càng không đủ chỗ và nó không thể bay kịp chiếc vận tải C-130 dẫn đường. Như vậy chỉ còn có cách là toán lính của Meadows sẽ được giảm đi tới mức tối thiểu và sẽ phải dùng loại trực thăng nhỏ này đi từ một địa điểm nào đó của CIA ở biên giới Lào để bay vào miền Bắc Việt Nam. Như vậy cuộc tập kích trở nên khó khăn hơn.

    Manor yêu cầu phi hành đoàn thực thăng thử đáp xuống một lần nữa với loại HH-3. Cho đến bây giờ thì H.Zender và viên phi công phụ của ông ta là thiếu tá H.Kalen đã bắt đầu biết rõ ràng về loại công tác này, cho nên cả hai đều muốn giúp cho toán của Meadows rút thật ngắn thời gian đổ bộ vào các khu buồng giam tù binh trước khi các lính canh Bắc Việt phát hiện được.

    Họ tình nguyện đưa chiếc HH-3 xuống ngay trong doanh trại. Cánh quạt dài 62 bộ của chiếc trực thăng sẽ phải chặt đứt các ngọn cây khi đáp xuống: Thân cây cách nhau khoảng từ 65 đến 70 bộ. Có nghĩa là Kalen phải đưa chiếc trực thăng dài 73 bộ cho lọt ngay xuống một khoảng trống sân trại tối đa là 85 bộ. Điều này nếu không làm bị thương các toán lính đi theo thì thật là may mắn. Nếu Meadows và toán lính cùng đi được cột chặt, nằm thẳng tay trên sàn trực thăng có lót đệm thì may ra mới khỏi bị thương. Cả Meadows và Kalen đều cho rằng đấy là giải pháp duy nhất.

    Simons và Manor cuối cùng cũng phải đồng ý. Meadows sẽ gắn chất nổ định giờ để phá vỡ chiếc trực thăng ngay trước khi ông ta thoát ra khỏi doanh trại. Kalen và hai chuyên viên phi hành cùng với Meadows và toán tấn công sẽ bay ra khỏi Sơn Tây trên một chiếc HH-53 dùng để chở tù binh đã được giải cứu. Kalen và Zender đã thực tập đáp trực thăng HH-3 trong điều kiện gắt gao như vậy, với một khoảng trống chật hẹp. Họ đã thực tập 31 lần gồm 79 giờ rưỡi bay. Ngay trong lần thực tập cuối cùng, họ đã thành công trong việc đáp trực thăng an toàn xuống khoảng sân trống trong mô hình một cách rất khít khao, không thừa một phân.

    Trong thời gian này, bác sĩ Cataldo cũng dùng rìu đập phá các loại cửa. Đây là một trong những môn huấn luyện phụ mà ông ta phải chuẩn bị để đi theo toán tập kích. Ông ta thường bị các người khác trêu chọc khi thấy sử dụng cái rìu một cách có vẻ “hung dữ”, về việc bắn súng M-16 và Colt 45 thì ông ta thành thạo hơn. Nhưng việc phải tập lại thể dục để tăng sức lực và việc phá trại tù là một việc làm ngoài nghề nghiệp thông thường của ông.

    Cataldo lo lắng, rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của các tù binh. Ông ta đã theo dõi rất kỹ các hồ sơ bệnh lý của 9 tù binh đã được Bắc Việt Nam thả ra trước đó, và đã phỏng vấn họ để tìm hiểu về tình trạng lao tù tại Bắc Việt Nam. Ông ta cũng kiểm soát lại hồ sơ bệnh lý của từng tù binh trước khi bị cầm tù tại Sơn Tây và so sánh với hồ sơ về tình trạng tâm lý của các tù binh trong chiến tranh thế giới thứ hai (nhất là những người bị giam trong các trại tù của Nhật Bản, ở đây thường có nhiều điều nghiêm trọng xảy ra) và cả tù binh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

    Kết quả của việc nghiên cứu này cho thấy tình hình không được tốt lắm.

    Cataldo đã đòi hỏi được cấp phát một số dụng cụ y tế đặc biệt và hướng dẫn cho họ sử dụng các



    dụng cụ này để săn sóc các tù binh ngay trên máy bay sau khi thoát khỏi Sơn Tây. Một trong những loại đó là một “túi y cụ M5” đặc biệt với một ống hít Duke để dùng với chất thuốc “Penthane”, một chất không làm bỏng như là một loại thuốc mê, Cataldo còn lo cấp cho mỗi chiếc trực thăng một túi thuốc gồm có chất “Ketamine HCL” là một loại thuốc mê cực mạnh có tác dụng cấp thời một cái kẹp để cầm máu, tấm gỗ dùng để bó xương gãy các loại ống tuýp và kéo giải phẫu dùng trong trường hợp cấp cứu. Để giữ cho tù binh được ấm, sẽ phải mang theo nhiều loại chăn mền đặc biệt do quân nhu sản xuất. Còn có thêm những loại dép đặc biệt với đế mềm do hãng Bata sản xuất để cho tù binh sử dụng. Cataldo đã yêu cầu sản xuất các loại đồ dùng này chỉ để dành cho vụ tập kích Sơn Tây và đã phải nói dối như một tên ăn trộm khi giải thích với các hãng sản xuất vì sao ông ta lại cần những loại đặc biệt này.

    Còn có nhiều dụng cụ y tế khác nữa, gồm 100 bộ đồ ngủ và áo choàng để cho tù binh và cho những người bị thương mặc trên đoạn đường bay dài trở về Hoa Kỳ. Khi yêu cầu được cung cấp 100 bộ đồ ngủ và áo choàng này tại Quân y viện ở Valefox, ông ta lại phải nói dối thêm nhiều lần nữa để che giấu bí mật. Cuối cùng Cataldo đã đặt mua một lô thức ăn dành cho trẻ con của hãng HEN như là cơm nghiền nát được gói trong những túi giấy không in chữ để bảo mật.

    Đạn dược, đèn xì và kìm phá chốt cửa

    Vào ngày 8 tháng 9, trong khi Manor và Simons còn đang tập dượt các toán lính tại căn cứ Eglin thì một phân đội yểm trợ gồm có 26 sĩ quan và binh sĩ được phái tới bãi tập dã chiến số 3 để lo việc ăn, ở và mọi sinh hoạt cần thiết khác cho các toán tập kích Sơn Tây. Phân đội này gồm có một sĩ quan hậu cần và hai trung sĩ cộng với một nhóm ba người làm việc truyền tin. Việc trang bị cho toán tập kích Sơn Tây với đầy đủ dụng cụ đặc biệt xông vào một trại tù giống như một cơn ác mộng đối với phân đội yểm trợ này. Mọi đơn yêu cầu cung cấp vật dụng đều được ghi là ưu tiên, nhưng không hề giải thích lý do, và đôi khi có những loại đơn yêu cầu loại dụng cụ lạ lùng khó hiểu, khó kiếm. Nhưng cuối cùng các tập sách quảng cáo hàng của hãng C.A.R đã giải quyết giúp.

    Sau cuộc tập kích, Manor có ghi nhận trong bản báo cáo công tác rằng phân đội hậu cần đã làm việc hơi quá sức. Ông ta có lưu ý rằng, trong tương lai với những công tác tương tự cần phải có đầy đủ nhân viên hậu cần để bảo đảm việc cung ứng vật liệu nhanh chóng khi có yêu cầu khẩn cấp. Quan niệm trước đây về việc này chỉ cần có một sĩ quan hậu cần và hai trung sĩ là không đủ cho nhu cầu thiết yếu. Manor còn đề nghị rằng phân đội tiếp liệu trong tương lai cần phải có thêm một chuyên viên vũ khí, một chuyên viên đạn dược, một thư ký kiêm tài xế xe vận tải nhẹ, một trung sĩ liên lạc về tiếp liệu của không quân có khả năng biết giỏi về mọi thủ tục và đơn xin đặt hàng đối với Bộ chỉ huy không quân. Và cũng cần có thêm một nhân viên loại A về tài chính với một số tiền mặt linh động để mua hàng ngay tại địa phương khi cần. Ông ta đề nghị số tiền mặt đó chừng 4.000 đô-la lúc nào cũng sẵn sàng thì sẽ giải quyết được nhiều việc hóc búa. Cả ba chuyên viên hậu cần trong công tác vừa qua đã gặp nhiều điều phiền phức, chán nản, điều đó ta có thể hiểu được vì sao.

    Một người lính trong toán tập kích ngay trong giai đoạn thực tập, đã cảm thấy cần phải có một loại dao đặc biệt để phá tung cửa hoặc chướng ngại vật. Loại dao này giống như mã tấu nhưng lưỡi lê dày và đầu nhọn hơn. Khối quân cụ ở phòng sản xuất vật liệu Natick gần Boston đã sản xuất được một loại dao đúng yêu cầu. Sau khi khối biệt kích ở căn cứ Fort Benning dùng thử đã cho kết quả tốt. Nhưng phân đội hậu cần của Manor đã thấy rằng ngay cả thủ tục đặt mua hàng

    theo hệ thống quân đội cũng phải mất 4 tháng mới được cung cấp loại dao mà các toán tập kích cần mang theo. Họ phải nhờ văn phòng tiếp liệu đặc biệt tại căn cứ Eglin chỉ dẫn giúp cách mua một loại dao tương tự sản xuất ngay tại địa phương. Nhưng họ lại gặp trở ngại là muốn có số lượng dao theo nhu cầu thì cũng phải mất nhiều thời gian và thủ tục hành chính liên hệ. Nhưng thời gian thì quá gấp rút. Họ phải nhờ xưởng rèn trong căn cứ sửa chữa lại số mã tấu có sẵn của quân đội theo đúng với hình dáng yêu cầu. Sau nhiều tuần lễ chạy khắp nơi một cách vô hiệu quả, mặc dù có lệnh của Lầu Năm Góc chỉ thị ưu tiên mọi mặt cho cuộc tập kích, nhưng các toán lính chỉ có được loại dao họ cần bằng cách mua ngay tại một lò rèn địa phương, chỉ trong một vài ngày là xong.

    Simons lại yêu cầu phân đội hậu cần tìm kiếm cho ông ta loại kẹp đạn đặc biệt, một kẹp chứa được 30 viên. Để dùng cho loại súng M-16, cần phải có 250 loại kẹp đạn đặc biệt này. Theo tiêu chuẩn thống nhất của bộ binh thì chỉ có loại kẹp 20 viên chứ không có loại 30 viên. Loại kẹp đạn thông thường có thể được cung cấp qua hệ thống hành chính bình thường. Một nhân viên hậu cần đã cố gắng liên lạc trực tiếp với hãng sản xuất vũ khí Colt. Hãng này có thể chế tạo được loại kẹp đạn 30 viên, nhưng phải có chỉ thị của Bộ chỉ huy hành chính quân đội họ mới nhận đơn đặt hàng. Cuối cùng các loại kẹp đạn đó cũng được cung cấp nhưng một trở ngại khác lại đến là: quân đội không có các loại túi để đựng các kẹp đạn đặc biệt đó. Phân đội hậu cần lại phải dùng một số bao túi đựng mìn định hướng sửa chữa lại cho hợp với nhu cầu.

    Các tù binh đã được thả ra trước đây có tiết lộ cho biết rằng tù binh ở Bắc Việt có thể mang loại khóa (cùm) chân, chốt then cửa bằng kim khí và ống khóa. Như vậy các toán tập kích cần phải có hai dụng cụ cắt kim khí dùng bằng chất “Oxy acetylene”; dụng cụ này cần phải nhẹ, dễ sử dụng, và có thời gian đốt cháy lâu 30 phút. Phân đội tiếp liệu đã tìm kiếm tại một số hãng sản xuất tư nhân nhưng vẫn không có kết quả. Căn cứ không hải quân ở Pensacola, bang Florida cho biết là loại dụng cụ này có thể được cung cấp theo hệ thống đơn đặt hàng Liên bang. Tuy nhiên khi phân đội hậu cần được Liên bang cung cấp cho các loại dụng cụ này, thì họ biết thêm một điều là muốn có các chất Oxy acetylene (dưỡng khí và đất đèn) cần thiết thì phải mua tại các hãng sản xuất dân sự mới được nhanh chóng hơn.

    Các loại kìm phá chốt cửa cũng cần thiết cho việc tập kích. Phân đội tiếp liệu tìm mua được các loại này thông qua các tập sách quảng cáo bách khoa của Liên bang, loại kìm dài 36 inch có sức chịu đựng dẻo dai và cắt khỏe. Nhưng khi các loại kìm này được cung cấp thì các toán lính của Simons trong khi thực tập đã thấy rằng gọng kìm quá mềm không thể cắt đứt được các loại dây xích 3x4 inch và các ổ khóa mà theo các chuyên viên tình báo của Simons đã cho biết là có thể tìm thấy ở các cửa buồng giam tại Sơn Tây. Phân đội hậu cần một lần nữa lại chạy đi tìm loại kìm khác và cuối cùng tìm ra được ba loại có kích thước khác nhau của đội chữa cháy không quân đang sử dụng.

    Simons cũng cần có thêm sáu loại cưa máy cầm tay chạy bằng xăng, nhẹ nhàng và dễ sử dụng, với lưỡi cưa dài 16 inch và không thấm nước. Vì lẽ trời có thể mưa tại miền Bắc Việt Nam trong thời gian công tác. Cho đến nay thì phân đội hậu cần đã quá vất vả với hệ thống hậu cần của Liên bang, cho nên họ đi tìm các loại cưa máy này trong các trại cưa và cửa hàng bán đồ sắt ở địa phương. Họ tìm được một loại cưa thích hợp cho yêu cầu công tác.

    Một vài yêu cầu nhỏ khác cũng làm cho phân đội hậu cần bận rộn. Trong các toán tập kích có

    một vài người mang theo súng phóng lựu đạn M.79 và họ cần phải có túi vải để mang loại đạn 10 ly này. Các túi vải này muốn có thì cũng phải xin cung cấp qua hệ thống hậu cần Liên bang.

    Nhưng khi được cung cấp thì lính của Simons phát hiện ra các túi vải này không thể sử dụng được, vì nó không chứa được loại lựu đạn mới sản xuất sau này, mà chỉ có thể đựng loại lựu đạn cũ hiện nay không còn dùng nữa. Phân đội hậu cần lại phải nhờ xưởng may cắt ở căn cứ Eglin sửa chữa lại các túi vải cho thích nghi với hình dáng của loại lựu đạn mới.

    Để có thêm tài liệu về tình trạng mà các tù binh Mỹ đã bị giam giữ, Simons muốn một vài người trong các toán lính của ông ta cố gắng chụp ảnh các buồng giam tại Sơn Tây. Nhiều người tình nguyện trong số biệt kích mà ông ta đã chọn lựa được là chuyên viên nhiếp ảnh. Họ đề nghị mang theo 6 máy ảnh 35 ly loại Pen-EE. Khi phân đội tiếp liệu không thể tìm được loại máy này qua các hệ thống cung cấp thông thường của quân đội, họ tìm đến hãng Kodak để mua loại máy chụp ảnh tự động S.20. Loại máy này được chế tạo một cách giản dị và chắc chắn nhưng sau cuộc tập kích thì Simons chê là các ảnh chụp được đều “vô giá trị”.

    Phân đội hậu cần còn phải giải quyết một lô đơn đặt hàng lạ lùng khác nữa, gồm có loại đèn pin gắn ở mũ. Nhưng Simons chê là bất tiện khi đội trên đầu cho nên ông ta bảo các toán lính gắn đèn vào các bao đựng dụng cụ đeo sau lưng, 15 ba-lô đựng đầy những dụng cụ cần thiết cho việc vượt ngục do xưởng cắt may của lực lượng đặc biệt ở căn cứ Eglin thực hiện; và thêm 8 bình chữa cháy để chiếc máy bay trực thăng mang theo khi đổ bộ xuống sân trại giam Sơn Tây. Các loại loa phát thanh nhỏ cầm tay cũng được cần đến để báo cho các tù binh rằng họ đang được giải thoát và họ phải giữ bình tĩnh, cúi đầu xuống trong khi toán đột kích đập phá phòng giam.

    Hai mươi lính biệt kích có thể sẽ đứng gần vị trí phát nổ trong khi phá trại giam cho nên họ cũng cần phải có loại nút bịt tai đặc biệt; những người khác thì cần có loại nút bịt tai thông thường để cho tiếng động của trực thăng trên đường bay dài vào Bắc Việt Nam sẽ không làm cho họ trở thành gần như điếc khi đổ bộ xuống Sơn Tây. Người của Simons cũng cần có các loại bao tay để phòng ngừa thương tích khi đập phá các ổ khóa. Ông ta đã lựa chọn được loại bao tay thông thường của phi hành đoàn sử dụng khi lái máy bay, vì lẽ loại này bó sát vào tay và không cần phải tháo ra trong lúc sử dụng vũ khí và các loại dụng cụ khác. Mỗi một người cũng cần phải có một đôi kính đeo mắt đặc biệt ban đêm. Loại kính này giữ cho mắt khỏi bị lóa khi các pháo sáng được bắn ra và đồng thời cũng có tác dụng bảo vệ cho người đeo khỏi bị các loại mảnh, tạp chất do cánh quạt của trực thăng quạt tung lên làm bị thương ở mắt và mặt. Nhưng loại kính đặc biệt này trở thành một vấn đề rắc rối thật sự. Phân đội hậu cần trước tiên thử dùng loại kính mắt thông thường của không quân với mắt kính màu vàng đậm và màu xanh nhưng loại này không đủ che chở cho mắt của người đeo trước ánh sáng rực rỡ của hoả châu tại Sơn Tây trong đêm khuya tăm tối. Người của Simons lại thử dùng loại kính chiếu điện đặc biệt của phòng bào chế quân đội, nhưng loại kính này khó sử dụng. Sau cùng, phân đội hậu cần phải tìm trong các tập sách quảng cáo bách hóa của hãng C.A.R và trong các hiệu bán dụng cụ thể thao, tìm cách giải quyết khó khăn này. Rốt cục họ phải nghĩ ra cách dùng một loại sơn mỏng mà các hoạ sĩ và các chuyên viên về sơ đồ thường dùng vẽ địa đồ để sơn lên hai mắt kính trắng của loại kính bình thường. Các tập sách quảng cáo bách hóa của C.A.R đã giúp ích rất nhiều cho phân đội hậu cần của Simons trong việc tìm kiếm nhiều loại dụng cụ quá đặc biệt mà ông ta liên tiếp giao phó cho họ cung cấp.

    Nhưng chính việc cung cấp đạn dược và vũ khí, dụng cụ căn bản của một quân đội lại là điều làm cho người của Simons phải điên đầu nhất. Simons muốn có một vài khẩu súng bắn đạn ria

    để dùng cho việc thanh toán mục tiêu. Nhưng loại súng bắn đạn ria theo tiêu chuẩn quân đội chỉ bắn được một vùng khoảng 20 mét mà thôi. Phân đội hậu cần phải tìm đến các hãng sản xuất dụng cụ thể thao theo như quảng cáo trong sách và đã mua được loại súng săn tự động lắp được 5 viên đạn, Simons ưa thích loại súng này: bắn được một vùng 25 mét và mỗi mảnh đạn ria có thể giết được một mạng người nếu đứng trong vòng tỏa ra của đạn.

    Simons còn cần thêm một vài loại pháo sáng 40 ly có tỏa ra khói trắng để dùng cho loại súng phóng lựu đạn M.79 và để đánh dấu mục tiêu. Loại pháo sáng này tỏa khói ra rực rỡ và cũng có thể làm chết người. Phân đội hậu cần không thể ngờ được rằng họ phải đi qua mọi thủ tục về cung cấp đạn được, qua mọi cơ quan của Bộ chỉ huy lục quân và cuối cùng đến CIA nhưng loại pháo sáng lân tinh này không nơi nào có cả. Họ phải thử loại pháo sáng tỏa ra khói thông thường, loại 40 ly để tạm thay thế. Nhưng vì chương trình huấn luyện cần phải thực hiện gấp rút và số đạn dùng cho cuộc thực tập ngày càng tăng lên cho nên số lượng pháo sáng tìm mua được không đủ cho Simons dùng huấn luyện. Phân đội hậu cần lại phải yêu cầu căn cứ Fort Bragg cung cấp thêm nhưng họ trả lời là trong kho không còn đủ số theo đơn xin. Sau cùng họ phải gọi thẳng về Lầu Năm Góc để nhờ liên lạc với Bộ chỉ huy Lục quân xin cung cấp 150 viên pháo sáng.

    Các loại đạn dược có tỏa ra lằn sáng cũng cần thiết để đánh dấu mục tiêu. Simons và 50 người lính của ông ta sẽ mang theo loại súng Colt 45 là loại được sản xuất từ chiến tranh thế giới thứ nhất. Súng thì có sẵn nhưng đạn thì được xếp vào loại “cần phải được kiểm soát trước khi dùng”. Trong công tác này Simons và các toán của ông ta đã được cấp quyền ưu tiên trong bất cứ mọi lĩnh vực hậu cần nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng thực tế chỉ có một số đạn dược nhỏ mà phải có sự phối hợp đặc biệt với viên giám đốc của kho quân cụ ở bang Illinois thì mới được chở từ tiểu bang Maryland đến.

    Vào năm 1970 quân đội đã tiêu xài gần 10 triệu đô-la mỗi ngày, một phần tư của toàn bộ ngân sách chỉ riêng cho việc cung cấp đạn dược tại Việt Nam. Nhưng khi số lượng đạn ít ỏi mà Simons cần dùng được chở đến căn cứ Eglin thì lính của ông ta phát hiện là có nhiều viên đạn bắn không nổ. Để châm ngòi nổ cho các loại mìn phá hoại, một nghìn ngòi nổ loại không có dẫn điện đã được xin căn cứ Fort Bragg cung cấp giúp và chở từ kho quân cụ ở căn cứ Benin sang. Các chuyên viên phá hoại của Simons đã báo rằng 22% ngòi nổ không có hiệu lực: có nghĩa là không phát nổ kịp hoặc tịt ngòi. Một báo cáo đã được gửi ngay đến vị sĩ quan tiếp liệu của của Trung tâm lực lượng đặc biệt để nhờ phối hợp với sĩ quan đạn dược của căn cứ Fort Bragg. Sau cùng nhờ sự giúp đỡ hữu hiệu của ông Thomas ở kho đạn thuộc căn cứ Fort Bragg mới tìm được 100 ngòi nổ thứ tốt và đã được chuyển đến cho Simons từ kho đạn đặc biệt ở căn cứ Ford Steward bang Georgia.

    Simons còn muốn một vài người lính mang theo vài khẩu súng chống tăng loại 66 ly cỡ nhẹ (Law) để sử dụng trong trường hợp cần phải bắn phá các loại xe cộ trên đường vào Sơn Tây. Khi các loại súng chống xe tăng Law này được gửi đến thì ông Thomas ở căn cứ Fort Bragg lại gọi điện thoại báo thêm một tin rắc rối: Có lệnh ngừng sử dụng loại súng này vì lẽ đạn có thể dùng cho việc huấn luyện mà thôi chứ không hoàn toàn bảo đảm khi chiến đấu. Loại súng chống tăng này là một loại vũ khí được sản xuất theo tiêu chuẩn quân đội và đã được cấp phát cho các đơn vị bộ binh và chiến xa khắp nơi trên thế giới, nhưng phân đội hậu cần của Simons phải nhờ kho vũ khí Joliet ở tiểu bang Illinois mới tìm được 250 viên đạn cần thiết. Nhưng số đạn này lại nằm

    trong kho đạn tại Ammunition ở Texarkana, tiểu bang Texas và phải lấy bớt trong các thùng đạn định gửi cho miền Đông Nam Á. Phân đội hậu cần của Simons đã phải hấp tấp chạy ngược chạy xuôi để hầu như van nài căn cứ Fort Bragg một lần nữa cố gắng giúp đỡ cho được số đạn dược này.

    Số đạn dược cần thiết của Simons đã được tăng lên nhưng ông ta vẫn chưa hài lòng. Cần phải có thêm hai loại chất nổ và hai loại mìn phá hoại đặc biệt nữa để phá vỡ vách tường rào tại trại giam nhằm đem tù binh thoát ra chỗ đỗ trực thăng. Ông ta cần mang theo 4 túi chất nổ khoảng 15 ki- lô-gam mỗi túi. Nhưng Simons không tin vào loại chất nổ thông thường. Để tiết kiệm sinh mạng hoặc như quân đội thường nói là để giảm thiểu số thương vong, ông ta cho rằng nếu lỡ có sai lầm thì nên sai lầm theo hướng dùng bạo lực. Simons đã chỉ thị các túi chất nổ phải được nhồi thuốc cho đầy. Để phá sập vọng gác bằng xi măng cốt sắt ở phía nam trại giam, các chuyên viên phá hoại của Simons đã đề nghị sử dụng một túi chất nổ 2 cân rưỡi. Simons đồng ý nhưng sau đó thì nói cần phải dùng 4 túi chất nổ mới đủ phá tan.

    Để phá tan chiếc trực thăng mà Dick Meadows cùng toán tập kích dùng để đổ bộ ngay trong sân trại Sơn Tây, các chuyên viên phá hoại của Simons đã dùng thử nhiều loại chất nổ khác nhau.

    Cuối cùng họ đồng ý sử dụng một cân rưỡi thuốc hỗn hợp loại C.4 được lính nhồi vào trong một ống nhựa dài 30 inh-sơ và rộng 4 inh-sơ. Ống nhựa nhồi thuốc nổ này sẽ được đặt dưới sàn trực thăng ở ngay giữa các thùng chứa nhiên liệu. Để ngăn ngừa bộ đội Bắc Việt đến tháo gỡ chất nổ, lính của Simons đã quyết định đậy ống nhựa bằng một hộp sắt khóa lại và chỉ châm ngòi nổ vào phút chót với một ngòi nổ chậm 10 phút. Simons đồng ý nhưng lại nói cần phải châm 2 ngòi cho chắc.

    Để phá sập cái cầu dài 120 mét phía bắc của trại giam, các chuyên viên dùng 2 túi chất nổ. Chất nổ này có thể mang theo trong ba-lô và treo lên hai cọc sắt ở dưới chân cầu. Theo yêu cầu phá hoại, các chuyên viên đã nhồi thuốc đúng theo số lượng cần thiết mỗi túi cân nặng 15 cân, có nghĩa là 10 cân nặng hơn tiêu chuẩn ấn định vì sau này họ đã biết rõ cái trò chơi độc đáo này.

    Simons đồng ý nhưng lại bảo họ cân thêm 1 túi nữa cũng với sức nặng bằng các túi kia để tăng cường sức nổ.

    Còn tiếp


    Không có nhận xét nào