Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 26 tháng 12 năm 2022

    Quê Hương tổng hợp

    Cả ba tuyến cáp quang biển gặp “sự cố”

    RFA
    26/12/2022

    Cả ba tuyến cáp quang biển gặp “sự cố”

    Ảnh minh hoa: các tuyến cáp quang biển gặp sự cố đang sửa chữa 

    VoV/Congly/RFAedited 

    Thêm tuyến cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) gặp “sự cố" vào sáng ngày 26/12 khiến cả ba tuyến cáp quang biển mà những nhà mạng Việt Nam đang khai thác đều đang cần sửa chửa.

    Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn nguồn từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam về sự cố của tuyến APG lần này trên phân đoạn S6 gần Hong Kong. Tuy nhiên các nhà mạng Việt Nam chưa được chính thức thông báo từ đơn vị quản lý tuyến cáp này về nguyên nhân và kế hoạch xử lý, khắc phục.

    Đây là lần thứ tư trong năm 2022, tuyến cáp APG gặp ‘sự cố”. Tuyến này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom.

    Cáp APG có chiều dài khoảng 10.400 km, tuyến cáp này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

    Hai tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) và Asia-Africa-Euro 1 (AAE-1) bị “sự cố” mà vẫn phải sửa chữa chưa xong.

    Ba tuyến cáp quang biển này thuộc năm tuyến chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Hai tuyến kia là SEA-ME-WE3 (SMW3) và Liên Á (IA-Intra Asia).

    Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh lại… hết vắc-xin

    26/12/222

    VNTB – Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh lại… hết vắc-xin

    Mai Lan/VNTB

     

    Bảng danh mục các vắc-xin tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 25-12-2022 thông báo chỉ còn mỗi vắc-xin “Viêm màng não phổi do phế cầu”.

    18 loại vắc-xin thông dụng khác – kể cả bệnh dại, cũng đều tình trạng “Hết”. (*)

    Lưu ý, Viện Pasteur TP.HCM là cơ sở y tế dự phòng đầu ngành cho cả khu vực các tỉnh ở miền Nam, thực hiện nhiều hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế.

    Viện Pasteur TP.HCM tiếp nhận vắc-xin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và phân bổ cho 20 tỉnh, thành ở miền Nam tiêm chủng miễn phí. Mặt khác, Viện Pasteur TP.HCM triển khai dịch vụ khám, tư vấn tiêm chủng cho người dân (có trả tiền), với trung bình khoảng 1.000 lượt tiêm mỗi ngày.

    Như vậy, tình trạng hết vắc-xin miễn phí lẫn trả tiền thời gian qua là điều xem ra rất khó chấp nhận cho mọi biện minh với đô thị được đánh giá là đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia.

    Để giải quyết tình trạng này, Viện Pasteur TP.HCM đã đưa lên Cổng Mua sắm Công gói vắc-xin cần mua sắm và tiến hành đấu thầu cung ứng. Theo lời một viên chức thẩm quyền của phòng Kế hoạch tổng hợp Viện Pasteur TP.HCM, thì vắc-xin đã “cạn hàng” từ giữa năm đến nay do vướng thủ tục đấu thầu, mua sắm. Hiện tại là đang trong giai đoạn cuối thực hiện các thủ tục để có thể mua sắm được vắc-xin. Dự kiến giữa tháng 102023, gói vắc-xin này sẽ có kết quả đấu thầu.

    “Sau khi đánh giá hồ sơ trúng thầu, thực hiện đầy đủ thủ tục, Viện sẽ thông báo kết quả trúng thầu chính thức và tiến hành tổ chức dịch vụ tiêm lại ngay”, viên chức trên cho hay và kỳ vọng sau kỳ nghỉ Tết, tất cả vắc-xin dịch vụ đều sẽ được cung cấp lại đầy đủ cho người dân như trước thời điểm đại dịch.

    Riêng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng phải chờ Bộ Y tế giải quyết vướng mắc và phân bổ sau.

    Một nguồn tin khả tín cho biết, vắc-xin phòng sởi và DPT đã được cấp bổ sung hồi ngày 25-11-2022 nhưng số lượng không đủ để bao phủ. Đây là số vắc-xin được các nhà sản xuất tài trợ miễn phí để giải quyết tình trạng thiếu hụt, chứ thực tế thì các vướng mắc về giá vẫn chưa được Bộ Y tế giải quyết.

    Đại diện một nhà sản xuất nói với báo chí là họ “vẫn tiếp tục đợi Bộ Y tế” gỡ vướng các thủ tục. “Vấn đề không còn nằm ở nhà sản xuất nữa, chúng tôi đã hoàn thành xong các thủ tục cần thiết, trong đó có phương án giá, chỉ còn chờ Bộ Y tế phê duyệt”, vị này chia sẻ.

    Trong lúc đó thì ngày 23-12-2022, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho hay “đang giao các đơn vị kiểm tra”. Còn phía Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – đơn vị đầu mối tiếp nhận và phân bổ vắc xin tiêm chủng mở rộng, cho biết “sắp có vắc- xin tiêm chủng mở rộng quốc gia”, nhưng không thông tin về thời gian dự kiến mà Viện này có thể cung cấp.

    Trước đó, về thiếu hụt vắc xin tiêm chủng mở rộng quốc gia, thông tin từ một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế cho hay, qua rà soát lại, cơ sở pháp lý không cho phép Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng mua vắc-xin; do đó Bộ Y tế và bộ ngành liên quan đã hỗ trợ Viện hoàn thiện thủ tục.

    Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt triển khai, phối hợp Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, để sớm cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng quốc gia cho các tỉnh, thành.

    Xem ra dư luận ngày càng củng cố thêm chứng cứ tin rằng chuyện thiếu vắc-xin từ miễn phí cho tới “trả phí” ở các cơ sở y tế công lập, thậm chí ở cả đơn vị đầu ngành như Viện Pasteur, là do nhóm quyền lực nào đó đang muốn dành thị phần này cho cơ sở y tế tư nhân.

    _________________

    Chú thích:

    (*) Chi tiết tại: http://tiemchung.pasteurhcm.gov.vn/Announcement/VaccinePrice

    "Trốn” đi Mỹ cho an toàn?

    Hoài Nguyễn/VNTB

    25/12/2022

    VNTB – ​”Trốn” đi Mỹ cho an toàn?

      “Trốn” qua Mỹ thì không có thể bị ‘điệu’ về Việt Nam để thi hành án.

    Tại phiên toà xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC và đồng phạm, tính đến ngày 22-12 thì có đến hai đồng phạm trong vụ án này hiện sống ở Mỹ. Giả dụ án phúc thẩm tuyên họ có tội với mức án tù giam, liệu có thể di lý họ từ Mỹ về Việt Nam để thi hành án?

    Tại phiên toà, luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, công bố bức thư của của thân chủ của mình gửi cho Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội từ trước khi diễn phiên xét xử.

    Cụ thể, nội dung bức thư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết thể hiện bị cáo này biết đang chịu xét xử vắng mặt thông qua báo chí. Trong bức thư, bị cáo Thuyết trình bày 3 nội dung, đầu tiên là nói nhận thông tin phiên tòa quá gấp, không thể về Việt Nam dù “rất mong muốn có mặt ở tòa để trình bày”. Bị cáo này đồng ý để luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho mình.

    Trình bày về cáo buộc “quân xanh, quân đỏ”, bị cáo Thuyết cho biết khoảng 10 năm trước, có người nhờ bị cáo ký hồ sơ dự thầu nhưng quá lâu nên “ai nhờ tôi không nhớ”. Ngoài ra, bị cáo này cũng khẳng định tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng vụ án vì chúng là “kết quả làm việc của cơ quan có thẩm quyền”.

    Tuy nhiên, bị cáo Thuyết bác bỏ cáo buộc của Viện kiểm sát về việc ông “bỏ trốn, cần xử lý nghiêm”. Trong thư, bị cáo Thuyết khẳng định không biết có vụ án này khi xuất cảnh ra nước ngoài vào tháng 4-2021. Cụ thể, Cục Cảnh sát xuất nhập cảnh Bộ Công an đã đồng ý cho người này xuất cảnh và khi đó, vụ án AIC chưa hình thành, chưa được khởi tố. Bị cáo ở Mỹ từ đó đến nay vì có 2 con nhỏ đang học, mà theo pháp luật Mỹ, cả hai phải có người giám hộ. Bị cáo Thuyết cho biết thêm rằng đã ly hôn và giữ quyền giám hộ.

    Bị cáo Thuyết cũng trình bày tiến độ xử lý vụ án quá nhanh, hồ sơ chuyển từ Viện kiểm sát sang tòa chỉ 10 ngày đã có quyết định đưa ra xét xử. “Thời gian quá ngắn, bất khả kháng để thu xếp cho gia đình và công việc để về tham gia phiên tòa” – thư bị cáo Thuyết nêu.

    Một bị cáo khác cũng đang sống ở Mỹ là ông Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên. Ông Vinh cho biết đang phải điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời phải chăm sóc con nhỏ đang bị tự kỷ nên không thể về nhưng sẽ “hợp tác với tòa”.

    Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Thuyết có hành vi làm “quân xanh, quân đỏ” giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu tại bệnh viện Đồng Nai, gây thiệt hại chung hơn 55 tỷ đồng; riêng hành vi của bị cáo Vinh bị cho là gây thiệt hại gần 80 tỷ đồng, và qua đây, người này hưởng lợi 120 triệu đồng.

    Ngoài hai bị cáo trên, thì các bị cáo khác cũng đang được cho là “bỏ trốn và đang bị phát lệnh truy nã”, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch HĐQT Công ty AIC; Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha; và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.

    Giả dụ như ở phiên xét xử phúc thẩm vụ án nói trên, danh sách các bị cáo “bỏ trốn và phát lệnh truy nã” được thông báo là đều đang sinh sống tại Hoa Kỳ, thì liệu có thể di lý họ về Việt Nam để “bảo đảm thi hành án”?

    Câu trả lời ở hiện tại là “có thể không”; bởi rất đơn giản, các văn bản pháp lý gọi là “Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù” giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đều đang ở giai đoạn đàm phán.

    “Sài Gòn là “thủ đô hen suyễn” của châu Á”!

    An Vui
    25/12/2022

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/25.12.22_Khoi-bui-o-Sai-Gon-khien-ai-ra-duong-cung-dung-ao-khoac-va-khau-trang-che-kin-nguoi-va-mat-mui_Anh-An-Vui.jpg

    Khói bụi ở Sài Gòn khiến ai ra đường cũng dùng áo khoác và khẩu trang che kín người và mặt mũi_Ảnh An Vui 

    Phó giáo sư Tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen suyễn – Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Sài Gòn cho hay Sài Gòn được mệnh danh là “thủ đô hen suyễn” của châu Á. Nồng độ PM2.5 của Sài Gòn hàng năm đều chiếm 23μg, cao gấp hơn 4 lần tiêu chuẩn của WHO. 

    “Cứ mỗi 10mg/m3 PM2.5 tăng lên trong không khí sẽ có thêm 56 ca ung thư phổi, 64 ca ung thư hệ hô hấp và tăng 3.5% lần nguy cơ trẻ em dưới 5 tuổi tại Sài Gòn phải nhập viện”, bác sĩ Lan cảnh báo. 

    Thông tin từ bác sĩ Lan đưa ra tại hội thảo “Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại Sài Gòn (Healthy Air 2022)” diễn ra hồi Tháng Sáu 2022. 

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/25.12.22_Rach-Xuyen-Tam-thuoc-quan-Binh-Thanh-lenh-benh-rac-la-noi-co-quy-hoach-treo-tu-nam-2002.jpg

    Rạch Xuyên Tâm thuộc quận Bình Thạnh lềnh bềnh rác là nơi có quy hoạch treo từ năm 2002. Ảnh: An Vui 

    Thế mà hôm 23 Tháng Mười Hai, trong hội nghị tổng kết năm 2022 của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định tỷ lệ người dân lo lắng về môi trường chỉ còn 1.55%, giảm tới gần 11 điểm phần trăm so với tỷ lệ 12.53% năm 2016! 

    Ông Hà còn cho hay trong năm 2022, ngành này đã hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu dọn xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96.37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 89%); gần 20,000 ha đất nông nghiệp đã chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp; gần 30,000 ha đất chưa sử dụng được khai thác để phát triển rừng, nâng tổng diện tích đất có rừng lên 15,440,000 ha, chiếm 46.59% diện tích tự nhiên của cả nước. 

    Thật là những con số đẹp, nhất là con số về diện tích đất có rừng, với sự thật bị che giấu là trong số đó có bao nhiêu là rừng giàu (rừng tự nhiên 100%), bao nhiêu là rừng có cây mới trồng?

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/12/25.12.22_Dung-chan-cho-den-tai-cac-nga-tu-tren-quoc-lo-22-phai-chiu-dung-tieng-on-hon-tap-phat-ra-tu-nhieu-loai-may-rao-hang-ban-nong-san-thuc-pham-trai-cay_Anh-An-Vui.jpg

    Dừng chân chờ đèn tại các ngã tư trên quốc lộ 22 phải chịu đựng tiếng ồn hỗn tạp phát ra từ nhiều loại máy rao hàng bán nông sản thực phẩm trái cây_Ảnh An Vui 

    Báo Trí Thức đã điểm lại nội dung hai hội thảo về môi trường tổ chức hồi Tháng Sáu 2022 và Tháng Chín 2022 với nhiều thông tin cảnh báo. Ngoài nhận định của bác sĩ Lan về việc tại sao Sài Gòn bị gọi là “thủ đô hen suyễn của châu Á”, còn có nhận định của bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng biên tập tạp chí Kinh Tế và Dự Báo: Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam bị suy thoái nghiêm trọng do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch và nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm hao hụt vật chất còn thấp, việc quản lý tài nguyên còn hạn chế…

    Tại hội thảo về môi trường hồi Tháng Chín 2022 do tạp chí Kinh Tế và Dự Báo tổ chức, nhiều chuyên viên khoa học đã cảnh báo: Nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ trả giá cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6-7% GDP, tính cả phí y tế để chữa bệnh cho người dân, tổng khoản chi sẽ lên đến 8-10% GDP. Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Quốc Lý chỉ ra ba trụ cột bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước là tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Theo ông Lý, “cái giá” phải trả cho môi trường bị hủy hoại xấp xỉ mức tăng trưởng kinh tế 8-9%, như vậy thực tế sẽ là kết quả âm.

    Thu hồi trên cả nước lô thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/12/rabestad.jpg

    Lô thuốc Viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. (Ảnh: suckhoe.vn) 

    Lô thuốc Viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

    Ngày 26/12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản số 13598 thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2.

    Theo văn bản, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn số 7107 ngày 26/7/2022 về việc xử lý lô thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20mg), Số GĐKLH: VN-18521-14, Số lô: V-159, NSX: 14/02/2022, HSD 13/02/2024 (Stallion Laboratories Pvt. Ltd sản xuất, Công ty cổ phần dược – thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu), do mẫu thuốc kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

    Cục Quản lý Dược đã ra thông báo thu hồi thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 tại TP. Hà Nội; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần dược – thiết bị y tế Đà nẵng phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc Nhà nước tiến hành lấy 2 mẫu bổ sung để kiểm nghiệm.

    Ngày 12/12/2022, Cục Quản lý Dược nhận được kết quả của Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM cho thấy lô thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan, độ hòa tan trung bình dưới 50% so với tiêu chuẩn chất lượng.

    Như vậy, lô thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 nêu trên được xác định là vi phạm mức độ 2. Do đó, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi trên cả nước lô thuốc trên.

    Công ty Cổ phần Dược – thiết bị y tế Đà Nẵng phối hợp với nhà phân phối thuốc trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký công văn này phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn.

    Công ty cũng được yêu cầu gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký công văn này, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 4/5/2018 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc…

    Thuốc Rabesta 20 được chỉ định sử dụng cho người trưởng thành với tác dụng điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây viêm loét.

    Minh Long

    Đại án AIC: VKS đề nghị tuyên bà Nhàn 30 năm tù; Luật sư không biết bà Nhàn có nhận tội hay không

    RFA

    25/12/2022

    Đại án AIC: VKS đề nghị tuyên bà Nhàn 30 năm tù; Luật sư không biết bà Nhàn có nhận tội hay không

    Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC 

    AIC group/KH&ĐS 

    Dù đang trốn truy nã, xử vắng mặt nhưng trong buổi làm việc chiều 24/12 Viện kiểm sát TP.Hà Nội vẫn công bố luận tội, đề nghị tuyên bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC tổng hình phạt 30 năm tù.

    Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 25/12, ngày phiên toà tạm nghỉ sau bốn ngày xét xử, dự kiến 26/12 toà tiếp tục làm việc với phần tranh luận của các luật sư.

    Cụ thể, Viện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị tuyên bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC), từ 16 đến 17 năm tù về tội “đưa hối lộ” và từ 14 đến 15 năm tù về “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hình phạt là 30 năm tù.

    Luật sư Dương Văn Nghị, người được chỉ định bào chữa cho bà Nhàn, cho truyền thông biết thân chủ của mình đã xuất cảnh từ giữa năm 2021, trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Sau đó bà Nhàn bị truy nã toàn quốc và quốc tế. Tuy nhiên, luật sư không thể tiếp xúc với bà do đó không thể chứng minh bà Nhàn vô tội.

    Ông Nghị được tờ Thanh Niên dẫn lời rằng: “Chúng tôi cũng không thể tiếp xúc với bà Nhàn để thu thập chứng cứ, tài liệu để bào chữa, không biết bà Nhàn có nhận tội hay không. Ngoài bà Nhàn, một số bị cáo có vai trò quan trọng trong vụ án cũng bỏ trốn không có lời khai, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Việc bào chữa chỉ có thể căn cứ hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại tòa”.

    Về hành vi của bà Nhàn, luật sư Nghị cho biết ông không có ý kiến tranh luận, bởi Viện KSND TP.Hà Nội đã xác định rõ. Liên quan đến quá trình thực hiện, tổ chức đấu thầu và thực hiện kết quả đấu thầu, luật sư Nghị cho rằng hành vi, vai trò của bà Nhàn chưa thể hiện rõ.

    Ông Nghị cũng cho rằng bà Nhàn có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội. Bên cạnh đó, trước khi phạm tội bà Nhàn còn có nhiều đóng góp cho xã hội và thành tích được trao tặng nhiều bằng khen. Vì vậy, luật sư mong Hội đồng xét xử xem xét là yếu tố giảm nhẹ cho bà Nhàn.

    Vụ án thông thầu giữa lãnh đạo Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của chủ tịch đang trốn truy nã Nguyễn Thị Thanh Nhàn và lãnh đạo Đồng Nai tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh được bắt đầu xét xử tại Tòa Hà Nội ngày 21/12 theo như kế hoạch đề ra. 

    Dù có nhiều kêu gọi ra đầu thú nhưng chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người trong cùng vụ đang trốn truy nã không có mặt tại phiên xử. Những người trốn truy nã khác gồm Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, cựu giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mopha; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa.


    Không có nhận xét nào