Header Ads

  • Breaking News

    Hồi ký Trần Trọng Kim: Một cơn gió bụi Phần 5 và 6

    Nguồn: Lê Thy đánh máy từ bản PDF của Việt Book

    5- VỀ HÀ NỘI

    Cuối tháng Một dương lịch, chiều bảy giờ lên xe hơi chạy ra nghỉ ở Ðông Hà. Sáng hôm sau ra đến Nghệ, vào nghỉ nhà người cháu, trưa hôm sau xe mới ra Thanh Hóa, rồi hôm sau nữa mới đến Hà Nội. Dọc đường nhờ trời được bình an. Khi xe đến bến đò sông Gianh, sông rộng, gió to, sóng lớn, tôi thấy gần đó có chiếc tàu con kéo phà chở xe hơi sang sông, tôi hỏi: “Tàu có chạy không?”. Người ta nói: “Tàu hết dầu xăng”. Tôi hỏi: “Có đò nào có mui cho thuê một chiếc để đưa chúng tôi sang trước”. Người ta nói chỉ có chiếc đò không mui thôi. Chúng tôi đang lo nghĩ không biết tính sao, thì thấy người tài xế chạy đi nói thì thầm gì với mấy người chở phà, rồi một lát thấy chiếc đò có mui đến mời chúng tôi xuống. Khi chiếc đò chở chúng tôi ra ngoài, thấy chiếc tàu đốt máy kéo phà đi. Sang bên kia hỏi người lái đò lấy bao nhiêu, người ấy nói: “Cụ cho bao nhiêu cũng được”. Sau tôi mới biết người tài xế biết chúng tôi, đi nói với mấy người chở đò nên họ mới đi lấy đò và cho tàu chạy. Ðây là một việc tỏ ra nhân dân Trung Bộ đối với tôi vẫn có chút cảm tình, không ai ta oán gì trong khi chúng tôi vẫn làm việc. Chỉ có khi đến Thanh Hóa bị lính Tàu và lính Việt Minh khám xe đâm thủng nát cái bồ đựng sách của tôi.

    Tôi về đến Hà Nội, mừng quá, định bụng mình già yếu rồi, không có gì làm nữa và cũng chẳng đi đâu cả, chỉ vui với mấy quyển sách cổ và mấy người bạn cũ, trò chuyện tiêu khiển. Tưởng thế là yên, ngờ đâu tình thế phải phiêu lưu lần nữa. 

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/11/15/mot-con-gio-bui-tran-trong-kim/6/

    6- CHÍNH PHỦ VIỆT NAM VÀ TÌNH THẾ TRONG NƯỚC

    Lúc bấy giờ tình thế trong nước bối rối lắm, quân Anh và quân Pháp lên chiếm giữ Nam Bộ  và các thành thị phía Nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16, tức là Quảng Nam trở vào. Còn từ vĩ tuyến 16 trở ra quân Tàu đóng giữ các thành thị. Việt Minh lên cầm quyền trước hết lập Ủy Ban giải phóng, rồi cho người lên Bắc Giang đón ông Hồ Chí Minh về lập lâm thời chính phủ gồm có những người này:

    Hồ Chí Minh, Chủ Tịch kiêm Bộ Ngoại Giao

    Võ Nguyên Giáp, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, kiêm chức phó Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng 

    Chu Văn Tấn, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng 

    Trần Huy Liệu, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền 

    Dương Ðức Hiền, Bộ Trưởng Bộ Thanh Niên quốc dân 

    Nguyễn Mạnh Hà, Bộ Trưởng Bộ Quốc Dân Kinh Tế 

    Vũ Ðình Hòa, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục 

    Vũ Ngọc Khánh, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp 

    Phạm Ngọc Thạch, Bộ Trưởng Bộ Y Tế 

    Ðào Trọng Kim, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông 

    Lê Văn Hiến, Bộ Trưởng Bộ Lao Động 

    Phạm Văn Ðồng, Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh

    Nguyễn Văn Tố, Bộ Trưởng Bộ Cứu Tế xã hội 

    Cù Huy Cận, Ủy viên không giữ bộ nào 

    Nguyễn Văn Xuân, Ủy viên không giữ bộ nào

    VÕ NGUYÊN GIÁP, người Quảng Bình, rất lanh lợi và táo tợn, một tay trọng yếu trong đảng Việt Nam Cộng Sản. Trước đã sang ở bên Côn Minh, thường viết báo ký tên là Lâm Bá Kiệt, bấy giờ giữ chức Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ và kiêm chức phó Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Nói là kiêm chức phó Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, nhưng kỳ thực là kiêm cả Bộ Quốc Phòng, vì Chu Văn Tấn là người Thổ ở mạn thượng du, trước đã làm châu đoàn coi lính dõng, sau theo Cộng Sản, nên đảng Việt Minh đưa vào giữ địa vị ở Bộ Quốc Phòng để khuyến khích những người Thổ đã theo mình.

    Việt Minh đem một số người ở ngoài đảng của họ vào trong chính phủ như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Ðào Trọng Kim v…v… để tỏ ra là một chính phủ liên hiệp có cả các hạng người. Song những cơ quan trọng yếu như Quốc Phòng, Nội Vụ, Tài Chính, Tuyên Truyền đều ở tay những người chính thức Việt Minh, tức là Cộng Sản như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Ðồng v..v…

    Ngày 11 tháng một năm 1945 chính phủ lâm thời lại xuống lệnh giải tán đảng Cộng Sản Ðông Dương, đó là một việc lý thú, Cộng Sản giải tán Cộng Sản. Sở dĩ chủ ý họ làm như vậy là vì lúc đó có các Ủy viên của các nước Ðồng Minh đi lại trong nước, Việt Minh muốn tỏ cho những người ngoại quốc biết Việt Minh không phải là Cộng Sản.

    Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử để triệu tập Quốc Hội. Cuộc tuyển cử được ấn định vào ngày 23 thán chạp, sau hoãn đến ngày mồng 6 tháng giêng năm 1946. Khi ấy tôi đã về ở Hà Nội rồi, thấy cuộc tuyển cử rất kỳ cục. Mỗi chỗ để bỏ phiếu, có một người của Việt Minh trông coi, họ gọi hết cả đàn ông đàn bà đến bỏ phiếu, ai không biết chữ thì họ viết thay cho. Việt Minh đưa ra những bản kê tên những người họ đã định trước, rồi đọc những tên ấy lên và hỏi anh hay chị bầu cho ai? Người nào vô ý nói bầu cho một người nào khác thì họ quát lên: “Sao không bầu cho những người này? Có phải phản đối không?”. Người kia sợ mất vía nói: “Anh bảo tôi bầu cho ai, tôi xin bầu người ấy”. Cách cưỡng bách ra mặt như thế, lẽ dĩ nhiên những người Việt Minh đưa ra được đến tám chín mươi phần trăm số người đi bầu. Ðó là một phương pháp rất mới và rất rõ để cho mọi người được dùng quyền tự do của mình lựa chọn lấy người xứng đáng ra thay mình làm việc nước.

    Trước Việt Minh đã định lấy có 300 ghế đại biểu, sau họ muốn làm cho êm dư luận nên lấy thêm 70 ghế nữa, cho Việt Nam Quốc Dân Ðảng được 50 ghế và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội được 20 ghế để hai đảng ấy tự cử người mình ra.

    Mấy ngày trước kỳ họp Quốc Hội, Việt Minh và Quốc Dân Ðảng công kích nhau kịch liệt. Những tướng Tàu như Lư Hán và Tiêu Văn muốn làm tiền, tỏ ra có ý bênh vực Việt Nam Quốc Dân Ðảng, sau hình như bọn tướng Tàu ấy được số vàng lớn mới đứng ra dàn xếp, họp các lãnh tụ hai đảng ở nhà Lư Hán, có Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh v…v… đến bàn định cách chia các ghế Bộ Trưởng trong chính phủ mới.

    Sau tôi sang Tàu gặp Nguyễn Dân Thanh là một người Cách Mệnh Việt Nam đã làm sĩ quan trong quân đội Tàu và đã đi lính Nhật ở mặt trận Diến Ðiện. Lúc ấy có theo quân Tàu về nước, biết rõ đầu đuôi việc ấy, kể lại cho tôi nghe thái độ mấy lãnh tụ Việt Minh và Quốc Dân Ðảng hôm họp ở nhà Lư Hán để dàn xếp hai bên đoàn kết với nhau.

    Ðộ ấy ở Hà Nội, tôi cũng biết có một hôm ông Bảo Ðại cho đi tìm người trước làm việc ở Huế, đến nói rằng: “Ông Hồ Chí Minh nhường cho ông ra lập chính phủ”. Sau chuyện ấy thấy im bẳng không ai nói đến nữa.

    Khi ở Hương Cảng tôi có hỏi lại việc ấy. Ông Bảo Ðại nói: “Việc ấy có thật. Một hôm cụ Hồ có vẻ mặt lo nghĩ đến bảo tôi rằng cụ muốn để tôi đứng ra lập chính phủ, tôi từ chối. Hôm sau cụ Hồ lại đến năn nỉ về việc ấy. Tôi nói: nếu cụ muốn lập chính phủ, thì cụ kê cho tôi biết danh sách những người trong đảng cụ có những ai ra giúp việc. Cụ Hồ nói để ngày mai cụ sẽ đưa. Nhưng đến ngày hôm sau cụ Hồ có vẻ mặt vui vẻ, đến nói rằng: việc ấy hãy hoãn lại, để cụ ở lại làm việc ít lâu nữa. Cho nên việc ấy mới im”.

    Theo ý tôi hiểu, thì mưu mô do bọn tướng Tàu muốn làm tiền, một mặt làm ra bộ có ý ép ông Hồ Chí Minh phải lui đi để ông Bảo Ðại ra lập chính phủ, một mặt xui bọn Quốc Dân Ðảng không chịu nhượng bộ, để Việt Minh muốn im chuyện thì phải bỏ tiền ra. Ðến khi bọn tướng Tàu được tiền đút lót mới đứng ra dàn xếp cho xuôi chuyện. Ðó là một việc rất bí ẩn, khó lòng biết đích xác được, chẳng qua chỉ là sự xét đoán theo tình trạng hiện ra bên ngoài mà thôi. Vả tôi thấy những người biết qua việc ấy đều đồng ý kiến như thế cả.

    Khi việc dàn xếp của các tướng Tàu xong rồi, đến ngày mồng 2 tháng ba thì mở cuộc họp Quốc Hội. Quốc Hội này có cái đặc sắc hơn cả Quốc Hội của các nước trên thế giới là chỉ họp có một ngày xét qua bản lập hiến của Việt Minh đã định, và thừa nhận một chính phủ Liên Hiệp do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Quốc Hội lại giao toàn quyền cho một Ủy Ban thường trực có 15 người do chính phủ đề cử, và để ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Ðoạn Quốc Hội giải tán. Nếu Quốc Hội các nước mà biết làm việc lanh lẹ như thế thì đỡ được bao nhiêu thì giờ và tiền chi phí!

    Chính phủ liên hiệp quốc gia thành lập như sau:

    Hồ Chí Minh, Cộng Sản, làm chủ tịch

    Nguyễn Hải Thần, Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh hội, phó chủ tịch

    Huỳnh Thúc Kháng, không đảng phái, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ

    Nguyễn Tường Tam, Ðại Việt Dân Chính, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao

    Phan Anh, không đảng phái, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng

    Vũ Ðình Hòe, Xã Hội Dân Chủ đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp

    Ðặng Thái Mai, Cộng Sản, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục

    Lê Văn Hiến, Cộng Sản, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính

    Trần Ðăng Khoa, Dân Chủ đảng, Bộ Trưởng Bộ Công Chánh

    Chu Bá Phượng, Dân Chủ đảng, Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế

    Trương Ðình Chi, Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh hội, Bộ Trưởng Bộ Xã Hội Y Tế

    Bồ Xuân Luật, Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minhhội, Bộ Trưởng Bộ Canh Nông

    Xét thành phần chính phủ liên hiệp lúc ấy, kể cả những người không đảng phái, có thể gọi là năm đảng nhưng chỉ có đảng Việt Minh Cộng Sản là có chương trình chính trị rõ ràng và có thế lực hơn cả. Còn các đảng khác thì chỉ có tên nêu ra mà thôi, chứ không có chương trình phân minh. Xã Hội đảng và Dân Chủ đảng là những đảng phụ thuộc của Việt Minh và không có thế lực gì. Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội tuy có thế lực là nhờ có quân đội Tàu bênh vực, nhưng không có tính cách thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ. Bởi vậy đảng Cộng Sản chỉ có ba người trong chính phủ nhưng quyền bính vẫn ở cả Cộng Sản.

    Về phương diện cai trị Việt Minh vẫn để ba khu như trước, là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ . Mỗi Bộ có một nhân dân Ủy Ban dưới quyền một chủ tịch do chính phủ trung ương cử ra.

    Ở các tỉnh, huyện, xã hay phố ở các thành thị, mỗi nơi đều có một nhân dân Ủy Ban và một chủ tịch do nhân dân Ủy Ban chọn lấy.

    Về phương diện quân sự thì quân của Việt Minh có Giải phóng quân là quân đã được huấn luyện chính trị Cộng Sản, Vệ quốc quân và Tự vệ quân tức là công dân do các Ủy Ban xã, phố cắt để canh gác và giữ trật tự.

    Quân của Quốc Dân Đảng thì có từng khu riêng. Tuy bề ngoài nói các quân đội thuộc về Bộ Quốc Phòng, nhưng thực ra Bộ ấy không có quyền hành gì cả. Việc gì cũng quyết định ở quân sự Ủy viên hội có Võ Nguyên Giáp, Cộng Sản, làm chủ tịch và Vũ Hồng Khanh, Việt Nam Quốc Dân Đảng, làm phó chủ tịch.

    Lúc ấy khẩu hiệu của chính phủ là thống nhất quân đội mà ba tháng sau khi chính phủ liên hiệp đã thành lập, quân đội vẫn không thống nhất được. Bộ Quốc Phòng không biết rõ thực trạng quân đội của hai bên có bao nhiêu.

    Quân Việt Minh và quân Quốc Dân Đảng tuy nói là đoàn kết, nhưng không có lòng thành thật. Quân Việt Minh chỉ có rình cơ hội là đánh quân Quốc Dân Đảng, hay bao vây để tiêu diệt lực lượng của đối phương, thành ra hai bên cứ kình địch nhau mãi. Người không biết phương sách của đảng Cộng Sản thì lấy thế làm lạ, nhưng ai đã hiểu bí quyết của họ là phải đi đến chỗ độc tài, chỉ có những người phục tùng theo mệnh lệnh của mình, chứ không thể có những người đứng ngang với mình mà hợp tác với mình được.

    Ở các địa phương và những nơi đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, người bên nọ bắt người bên kia. Có người giữa ban ngày đang đi giữa đường bị mấy người ở đâu đến lấy mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích. Ở sở Công An, Việt Minh bắt những người Việt Nam Quốc Dân Đảng hay những người bị tình nghi vào tra tấn cực hình, có khi họ dùng những cách tàn nhẫn ghê gớm hơn thời Pháp và Nhật cai trị. Ai trông thấy những cảnh tượng ấy cũng bùi ngùi tủi giận vì gà một nhà mà lại đá nhau dữ bằng mấy gà lạ. Người một nước với nhau mà đối xử vô nhân đạo như thế, thật là thê thảm.

    Theo chính sách của Việt Minh, lập ra một chính phủ, đem những người các đảng phái hay không đảng phái vào làm Bộ Trưởng là cốt làm cái bình phong che mắt người ngoài, chứ không có thực quyền làm được việc gì cả.

    Khi tôi còn ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra nhận chức Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, có đến thăm tôi. Ngồi nói chuyện, tôi hỏi: “Cụ nay đứng đầu một bộ rất quan trọng trong chính phủ, chắc là bận việc lắm”. Cụ Huỳnh nói: “Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi”.

    – Những khi có Hội đồng chính phủ thì bàn định những gì?

    – Cũng chưa thấy có việc gì, thường thì họ đem những việc họ đã làm rồi nói cho chúng tôi biết.

    Xem như thế thì các ông Bộ Trưởng chỉ đứng để làm vị mà thôi, chứ không có quyền quyết định gì cả.

    Có người hỏi ông Nguyễn Tường Tam rằng: “Khi ông nhận chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao của cụ Hồ giữ trước, ông thấy có việc gì quan trọng lắm không?” Ông trả lời “Tất cả giấy má trong Bộ Ngoại Giao của cụ Hồ giao lại cho tôi, tôi chỉ thấy có ba lá đơn của mấy người sĩ quan Tàu nhờ tìm cho mấy cái nhà, và tìm cái ví đựng tiền bị kẻ cắp lấy mất.”

    Câu chuyện có thể là ông Tam nói khôi hài, nhưng đủ rõ việc các ông Bộ Trưởng không có gì. Tôi đem những câu chuyện đó nói ra đây để chứng thực là các Bộ Trưởng chỉ giữ hư vị chứ không có thực quyền. Cái thực quyền trong chính phủ lúc ấy là ở mấy người như ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và ở Tổng Bộ Cộng Sản điều khiển hết cả.

    Tổng Bộ Cộng Sản theo người ta nói, có những người sau đây:

    Hà Bá Cang, nhất danh là Quận Thọt, người Hưng Yên

    Nguyễn Lương Bằng, nhất danh là Sao Ðỏ, người Hải Dương

    Bùi Lâm, người Trung Bộ

    Ðặng Xuân Khu, người làng Hành Thiện, Nam Ðịnh

    Bùi Công Trừng, người Quảng Bình, Trung Bộ

    Pô, người Trung Hoa

    Tiêu Sung, người Nhật

    Những người ấy ở đâu không ai biết, hội họp chỗ nào chẳng ai hay, rất bí mật, song phàm việc gì trong chính phủ cũng phải qua Tổng Bộ. Tổng Bộ có ưng thuận mới được thi hành. Ðó mới thực là chính phủ, một chính phủ bí mật mà có quyền thế vô hạn.

    https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/11/15/mot-con-gio-bui-tran-trong-kim/7/


    Không có nhận xét nào