Header Ads

  • Breaking News

    Khủng hoảng trái phiếu ở Việt Nam: Còn cánh cửa nào cho nhà đầu tư?



    NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM HAO

    Người dân biểu tình đòi ngân hàng SCB và công ty chứng khoán Tân Việt trả tiền trước trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội
    6 giờ trước

    Khi một cuộc khủng hoảng trái phiếu xảy ra, việc đầu tiên nhà đầu tư cần làm là liên lạc với người đại diện pháp lý, theo một chuyên gia tài chính, ngân hàng từ Hoa Kỳ.

    "Người đại diện pháp lý sẽ đưa ra phương án, thảo luận với nhà phát hành để đưa ra phương án giải quyết," Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC News Tiếng Việt.

    Tuy nhiên, trong cơn bão 'trái phiếu SCB' ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư không hề biết 'người đại diện pháp lý' là gì.

    Nắm giữ cổ phiếu - mua thông qua Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) - theo luật, họ nay được gọi là các nhà đầu tư.

    Bản thân họ thì coi mình là nạn nhân, trước nay hầu như hoàn toàn không biết đến các khái niệm 'trái phiếu', trái chủ', 'nhà đầu tư', 'người đại diện pháp lý' và hàng loạt những thuật ngữ chuyên môn khác.


    "Giờ biết mình bị lừa rồi, tôi cũng chẳng biết kiện ai nữa," bà Nhung ở Đà Nẵng, người đã mua trái phiếu thông qua SCB nói với BBC hôm 18/12. "Nhà nước không giải quyết thì biết làm sao bây giờ."

    Bà Nhung nói bà và một số người khác cũng 'trót' mua trái phiếu qua SCB đều không hề biết lẽ ra họ phải có 'người đại diện pháp lý', hay ai là 'người đại diện diện pháp lý' của mình. Họ cũng không thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.

    Điều họ đã và đang làm cho đến nay, là tập hợp cùng nhau và "chỉ biết kéo lên các chi nhánh để đòi tiền".

    "Không biết phải làm thế nào" cũng là tình trạng chung của các nhà đầu tư mua trái phiếu qua SCB ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

    Ngoài việc tới các chi nhánh của SCB, họ tới đứng ngoài trụ sở Bộ Tài chính, thậm chí quỳ lạy trước Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh để đòi tiền.

    Trả lời BBC News Tiếng Việt từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh đến vai trò 'người đại diện pháp lý' trong hợp đồng trái phiếu, và nhận xét tình thế khá là 'bế tắc, chạy ngõ nào cũng không xong' cho những người đang nắm giữ trái phiếu mua thông qua SCB.
    Trước hết, ông giải thích về quan hệ, trách nhiệm giữa các bên trong giao dịch mua bán, phát hành, bảo lãnh trái phiếu theo quy định pháp lý tại Việt Nam.

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi được biết SCB đã trả lời các nhà đầu tư rằng SCB không có trách nhiệm, vì họ không phải nhà phát hành trái phiếu.

    Nguyên tắc của trái phiếu theo Nghị định 153 là tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Chính phủ không có trách nhiệm trong việc trả tiền, trả nợ cho nhà phát hành. Quan hệ giữa nhà phát hành và nhà đầu tư là quan hệ dân sự, không liên quan đến chính phủ. Cho nên chính phủ cũng không chịu trách nhiệm.

    Các nhà đầu tư chỉ có cách họp nhau lại và liên lạc với người đại diện pháp luật để họ có thể giúp mình.

    Tuy nhiên, rõ ràng phương pháp này cũng không phải là phương pháp hiệu nghiệm. Người dân Việt Nam không quen tranh đấu bằng pháp luật. Thành ra họ không biết phải nói chuyện với ai, và đặc biệt là với những cá nhân, họ cũng không biết làm sao để lấy được tin tức của nhà đầu tư.

    Nếu bây giờ đưa ra tòa án thì cũng không xong, tại vì mở thủ tục đòi phá sản là quá trình rất tốn tiền và kéo dài. Những người dân thấp cổ bé miệng cũng chẳng quen đến vấn đề kiện ở tòa để đòi mở thủ tục phá sản.

    Nếu ở một nước tiên tiến như Mỹ, thì việc đầu tiên của nhà đầu tư là liên lạc với người đại diện pháp lý. Người đại diện pháp lý sẽ đưa ra phương án, thảo luận với nhà phát hành để đưa ra phương án giải quyết.

    Thế nhưng ở Việt Nam thì vai trò người đại diện pháp lý còn lu mờ lắm. Không hiểu trong trường hợp Vạn Thịnh Phát thì ai là người đại diện pháp lý.

    Thành ra đúng là người dân chạy hết chỗ này, chạy hết chỗ kia, thì chẳng có chỗ nào chịu trách nhiệm cả.

    Còn bây giờ nói đi đến thẳng Vạn Thịnh Phát thì họ đóng cửa, vì cũng đang bị điều tra. Thành ra tất cả mọi cánh cửa đều đóng lại.

    Đây là một trường hợp bế tắc, chạy ngõ nào cũng không xong.




    Băng rôn tại Hà Nội với nội dung yêu cầu ngân hàng SCB và công ty Tân Việt trả tiền cho người dân đã mua trái phiếu

    BBC: Các nhà đầu tư nói với BBC họ không biết 'người đại diện pháp lý' là gì. Ngoài ra, hợp đồng mua trái phiếu mà BBC được xem, ký giữa một nhà đầu tư ở Đà Nẵng với công ty Vạn Trường Phát với bên môi giới là công ty chứng khoán Tân Việt, thì không có đề cập 'người đại diện pháp lý'. Vậy phải chăng có tình trạng không có 'người đại diện pháp lý' trong một số giao dịch mua bán trái phiếu ở Việt Nam?

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Người đại diện pháp lý phải được nêu danh trong hợp đồng trái phiếu, hoặc trong bản cáo bạch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể biết người đại diện pháp lý.

    Cho nên, nếu có thể thì các nhà đầu tư như ở Đà Nẵng nên họp lại, rồi lên Bộ Tài Chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu cho biết tên người đại diện pháp lý để liên lạc. Nếu các cơ quan này không chịu tiết lộ thì có lẽ phải đi đến tòa án. Nói chung là đi vào con đường pháp lý là điều đầu tiên cần phải tìm người đại diện pháp lý là ai.

    Do đó, các nhà đầu tư phải hành động ngay, phải đi tìm người đại diện pháp lý và liên lạc ngay. Không có người đại diện pháp lý mà họ đã chấm dứt nhiệm vụ của mình thì tình hình gay go.

    Tuy nhiên, cũng có khả năng là không có người đại diện pháp lý.

    Nếu không có người đại diện pháp lý thì tức là nhà phát hành đã không làm đúng luật. Nhưng mà nhà phát hành đang bị điều tra rồi, thì cáo buộc thêm sai phạm cho nhà phát hành cũng chẳng đi đến đâu.

    Đây là một bài học cho tất cả các nhà đầu tư, các trái chủ. Khi đặt bút, xuống tiền mua trái phiếu, điều đầu tiên phải có bảng cáo bạch, và phải có hợp đồng và xem điều khoản về thời gian trả nợ, tính lãi suất như thế nào, và tên của người đại diện pháp lý là ai, hỏi cho rõ ràng, địa chỉ, email, số điện thoại để tìm đến. Đây là những điều cơ bản một trái chủ cần phải biết, cần phải có.

    Nếu hợp đồng chỉ nêu người đại diện pháp lý chung chung thì có thể Ủy ban Chứng khoán Nhà nước biết.

    Các nhà đầu tư phải có luật sư giỏi về trái phiếu để mở một vụ kiện về thủ tục phá sản.



    Khách hàng nằm phản đối tại chi nhánh ngân hàng SCB 256 đường Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng

    BBC: Theo ông, SCB có thể nào vô can trong cuộc khủng hoảng trái phiếu tại Việt Nam? Và các nhà đầu tư có thể khởi kiện SCB hay không?

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Trong trường hợp SCB chỉ lĩnh nhiệm vụ phân phối trái phiếu thì SCB thì phải nói rõ cho nhà đầu tư biết đây là trái phiếu phát hành hộ cho Vạn Thịnh Phát... SCB phải nói rõ trái phiếu này không phải là sản phẩm tiết kiệm gì của ngân hàng này.

    Trong Nghị định 65 có quy định là ngân hàng hỗ trợ vấn đề phát hành trái phiếu phải làm rõ vai trò của mình, hoặc là nhà phân phối có cam kết phân phối, hay là nhà bảo lãnh có cam kết bảo lãnh.

    Trong trường hợp SCB bán hộ trái phiếu như thế này thì phải làm rõ không có trả nợ vì không có bảo lãnh thanh toán.

    Điều thứ hai, quan trọng hơn, đó là SCB phải nói rõ ví dụ đây là sản phẩm của Vạn Thịnh Phát... không phải là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng.

    Nếu trong trường hợp SCB lập lờ đánh lận con đen, để phát hành trái phiếu để có thể bán được trái phiếu và đạt được chỉ tiêu, thì các nhà đầu tư phải có ghi âm lại nội dung SCB nói gì, hoặc nếu SCB có tờ rơi thì nhà đầu tư có thể lưu lại làm bằng chứng.

    Nếu SCB chỉ nói miệng mà các nhà đầu tư nghe, không có bằng chứng trên giấy trắng mực đen, thì vấn đề nhà đầu tư khởi kiện SCB rất khó khăn.

    BBC: Nếu có bằng chứng cho thấy SCB đã tư vấn không rõ ràng và đầy đủ, khiến nhà đầu tư hiểu lầm rồi mua trái phiếu?

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không biết ngân hàng SCB đã nói gì, nên tôi đã không thể kết luận SCB có lừa đảo hay không. Ví dụ nếu nhân viên SCB chỉ nói là bán hộ trái phiếu nếu họ dừng lại ở đó và nhà đầu tư hiểu sai mua trái phiếu thì đó là trách nhiệm của nhà đầu tư.

    Còn trong trường hợp ví dụ SCB nói "đây là trái phiếu Vạn Thịnh Phát", rồi "bà Trương Mỹ Lan nằm trong ban lãnh đạo SCB", "đây là sản phẩm an toàn đảm bảo, quý vị đừng lo, ngân hàng SCB trả được tiền, không mất tiền đâu"... những điều nói như thế mang tính cách 'khuyến dụ' người đầu tư mua, có thể trong lằn ranh 'thông tin sai sự thật'.

    Đây là một động thái gọi là 'misrepresentation', hành động đưa thông tin sai sự thật, những cách nói khiến người nhận được thông tin hiểu khác đi.

    Nhà đầu tư hiểu nhầm hoặc 'led to believe' (được dẫn dụ để hiểu theo cách này), 'tạo cơ hội để hiểu lầm'.

    Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng mình đã bị khuyến dụ, dẫn dụ, nhưng đây là điều nhà đầu tư nghĩ, và kết luận sau cùng là của tòa án.


    Nhóm khách hàng đến chi nhánh SCB ở địa chỉ 16 Trần Phú, Thành phố Đà Nẵng hôm 30/11 để phản đối và đòi tiền

    BBC: Một số nhà đầu tư nói với BBC rằng SCB nói họ ở nhà chờ, đừng lên ngân hàng, gây cản trở hoạt động kinh doanh. Theo Tiến sĩ, nhà đầu tư phải chờ đến bao giờ?

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Việc chờ bao lâu tùy vào quá trình điều tra. Ngay sau khi kết thúc điều tra, chưa có gì đảm bảo là nhà đầu tư sẽ lấy lại được tiền, trừ phi sau khi điều tra, cơ quan điều tra kết luận Vạn Thịnh Phát có thể thanh lý tài sản để trả lại tiền cho nhà đầu tư.

    Thậm chí có kết luận sai phạm thì xử pháp lý kéo dài rất lâu. Thành ra có thể nói các nhà đầu tư phải theo dõi sát sao điều tra của cơ quan chức năng, và không có giới hạn.

    Không có nhận xét nào