Header Ads

  • Breaking News

    TQ: Ông Tập đang lùi một bước?


    Cuối cùng thì TQ đã phải nới lỏng các biện pháp chống COVID khắc nghiệt và không giống ai, nhưng không hẳn vì Bắc Kinh nhân nhượng trước sức ép của người dân sau các vụ biểu tình hoặc sự suy yếu trầm trọng của nền kinh tế.*

    Như tin đã đưa, từ hôm thứ Hai 5/12, thủ đô Bắc Kinh và ít nhất 16 thành phố khác của TQ đã bắt đầu thực hiện việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID, giải tán các điểm xét nghiệm và không yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ để lên xe bus, xe điện, vào công viên, phi trường hoặc đến những nơi công cộng.

    Sang ngày thứ Tư 7/12, Ủy ban Y tế quốc gia TQ (NHC) công bố chính sách mới, theo đó người bị nhiễm COVID và có triệu chứng nhẹ được cách ly ở nhà thay vì bị bắt vào những điểm cách ly tập trung đông đúc và mất vệ sinh, không cần phải xét nghiệm thường xuyên và việc phong tỏa chỉ áp dụng ở từng khu nhà có người bị nhiễm bệnh thay vì bao vây phong tỏa toàn khu phố hay cả thành phố.

    ***
    Một số quan sát viên đã nhanh chóng cho rằng, TQ đã "xoay trục", đã ngầm nhượng bộ trước nỗi bất mãn của dân chúng đã thể hiện trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố vào cuối tháng Mười Một, thậm chí đặt ra thách thức lớn nhất đối với ĐCSTQ cầm quyền trong nhiều thập niên qua. Nhưng hãy còn quá sớm để nhận định một cách lạc quan như vậy vì ĐCSTQ và ông Tập vẫn còn nhiều đòn bí hiểm để buộc những người biểu tình phải trả giá mà không thật sự nhượng bộ.

    Trong ba năm qua, ông Tập đã đặt uy tín chính trị của mình vào chiến lược "Zero COVID" qua việc áp dụng các biện pháp truy vết, xét nghiệm đại trà, cách ly và phong tỏa để dập tắt mầm mống của coronavirus ngay từ lúc khởi phát. Thời gian ban đầu, chính sách khắc nghiệt đó đã mang lại cho TQ vài thành quả đáng phấn khởi: Số người chết và số ca nhiễm ở TQ thấp một cách đáng kinh ngạc so với các nước có nền y tế hùng mạnh như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, nếu tin vào số liệu thống kê của chính phủ Bắc Kinh. Từ các thành quả đó, ông Tập biến Zero-COVID thành một đặc điểm về ý thức hệ, chứng minh tính ưu việt của chế độ độc tài kiểm soát tập trung từ trên xuống dưới so với chế độ dân chủ tự do có vẻ hỗn loạn và bất lực. Ông tuyên bố phát động một "cuộc chiến tranh nhân dân" chống coronavirus trên toàn quốc và huy động cả quân đội vào cuộc nghiên cứu vaccine, lập những bệnh viện dã chiến khổng lồ.

    Nhưng gần đây, khi cả thế giới đã mở cửa, sống chung với đại dịch và khôi phục nếp sinh hoạt bình thường thì TQ lại biến thành một "kẻ lập dị". Giải bóng đá World Cup đang diễn ra và được truyền hình đến toàn thế giới làm cho hàng triệu người TQ thấy nổi giận khi nhận ra tình cảnh bị cô lập đáng thương của họ. Và họ đã xuống đường, đòi hủy bỏ các biện pháp phong tỏa, đòi ông Tập từ chức.

    Bây giờ thì đảng CSTQ dường như đang cố "sửa sai" nhưng vẫn phải giữ thể diện cho ông Tập. Đảng cho phép nới lỏng một số biện pháp phòng dịch nhưng không tuyên bố bãi bỏ chiến lược "Zero-COVID" và không chịu thừa nhận rằng, họ phải thay đổi vì sự phản đối lan rộng và tình trạng ảm đạm của nền kinh tế. Báo chí nhà nước của TQ hôm thứ Tư 7/12 mô tả sự nới lỏng này chỉ là một bước đi có kế hoạch, trong chuỗi các chính sách khôn ngoan của ĐCSTQ sau khi chiến lược Zero-COVID đã chiến thắng trước con virus mà hiện nay đã bịsuy yếu.

    Ông Willy Lam, một phân tích gia lâu năm về vấn đề chính trị TQ ở Hồng Kông, là thành viên cao cấp của Quỹ Jamestown, nhận xét rằng, các phương tiện truyền thông nhanh chóng cho thấy "ĐCSTQ đã sử dụng guồng máy tuyên truyền khổng lồ để che đậy những sai lầm chính sách như thế nào và vẫn khẳng định chính sách Zero-COVID của ông Tập là đúng đắn".

    Những người biểu tình có thể hài lòng với sự thay đổi nhỏ giọt như vậy. Nhưng các nguồn tin nội bộ cho biết, ông Tập có thể đang lùi một bước để tiến hai bước, như sách lược từng được lãnh tụ cộng sản Vladimir I. Lenin đưa ra một trăm năm về trước. Nhờ hệ thống camera giám sát dày đặc cùng với mạng lưới mật báo rộng khắp, giới an ninh TQ dễ dàng xác định những người khởi xướng và dẫn đầu các cuộc biểu tình. Chờ một thời gian cho dư luận sẽ lắng xuống, công an TQ sẽ lặng lẽ ra tay, "bắt nguội" những người dám đi biểu tình và trừng trị họ vì đã dám thách thức quyền cai trị của đảng.

    ***
    Nhưng có một vấn đề khác mà đảng CSTQ phải đối phó. Việc nới lỏng phong tỏa, ngừng xét nghiệm với quy mô lớn và mở lại các hoạt động về kinh tế, giáo dục, du lịch có thể sẽ làm cho làn sóng lây nhiễm bệnh gia tăng nhanh chóng.

    Một số các phân tích gia và chuyên gia y tế cho rằng, nếu tự mãn với thành quả chống dịch và ỷ lại chiến dịch zero-COVID, TQ đã không chuẩn bị cho những vụ bùng phát dịch sắp tới, dự tính sẽ rất trầm trọng vì tỷ lệ tiêm chủng rất thấp trong các nhóm dân chúng có nguy cơ nhiễm bệnh, hệ thống y tế quá yếu kém và quan trọng hơn, vắc xin kém hiệu nghiệm.

    Phùng Tử Kiến (Feng Zijian), một cựu viên chức của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (China CDC) nói với nhật báo Thanh niên TQ rằng, có thể 60% dân chúng Hoa Lục sẽ bị nhiễm bệnh trong làn sóng truyền nhiễm đầu tiên trước khi tình hình được ổn định. "Cuối cùng, sẽ có khoảng 80%-90% dân số bị nhiễm virus", ông Phùng nói. Báo Tuần Tin Tức TQ hôm nay thứ Năm 8/12 trích dẫn lời các chuyên gia y tế khác dự báo đất nước sẽ đối mặt với cuộc bùng phát mạnh việc lây nhiễm trong khoảng một hoặc hai tháng tới đây. Số tử vong vì coronavirus ở TQ, theo báo cáo "chính thức"của chính phủ, chỉ là 5,235 trong tổng dân số 1,4 tỷ người, nhưng theo vài chuyên gia, số tử vong sẽ lên đến 1,5 triệu người nếu TQ mở cửa quá vội vã.

    Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ Bắc Kinh đang phải thúc đẩy nhanh việc tiêm chủng, vốn đã bị bỏ quên trong những tháng gần đây. Các chuyên gia y tế và kinh tế gia cảnh cáo rằng, phải cho đến giữa năm 2023 và có thể là qua năm 2024 TQ mới đạt được tỷ lệ tiêm chủng đủ cao và các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng để xử lý một đợt truyền nhiễm COVID lớn có thể xảy ra.*

    Không có nhận xét nào