Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 10 tháng 01 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Bé trai rơi xuống trụ bê tông sau 10 ngày vẫn chưa được đưa ra khỏi nơi bị nạn

    10/01/2023

    Bé trai rơi xuống trụ bê tông sau 10 ngày vẫn chưa được đưa ra khỏi nơi bị nạn

    Hiện trường nơi bé trai 10 tuổi ngã xuống hố bê tông ở Đồng Tháp. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Thi thể bé trai bị rơi xuống trụ bê tông sau 10 ngày vẫn chưa thể đưa ra khỏi nơi bị nạn.

    Thông tin được truyền thông Nhà nước cập nhật tính đến chiều tối ngày 9/1.

    Tin cho biết khi công tác cứu nạn bước sang ngày thứ 10, lực lượng chức năng đã đưa búa rung 180kW từ Vũng Tàu đến Đồng Tháp để tiếp tục cứu hộ nạn nhân tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình.

    Đại diện Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp nói với báo chí rằng công tác cứu hộ gặp khó khăn, phải thay đổi nhiều phương án do đất sét dính chặt ở tầng đáy khi ống trụ bê tông đóng sâu xuống đất 35 mét.

    Hiện trường vụ tai nạn nằm sâu trong đồng ruộng, đường đi đến đó nhỏ, hẹp nên gặp khó trong di chuyển các phương tiện, thiết bị, máy móc cứu nạn.

    Vụ tai nạn xảy ra lúc khoảng 11 giờ 30 phút sáng ngày 31/12 khi cháu bé 10 tuổi cùng một số bạn trong xóm đi vào công trình cầu Rọc Sen. Mục đích được nói để nhặt sắt. Khi xảy ra tai nạn, các bạn đi cùng hô hoán để người lớn đến cứu nhưng bất thành. Lực lượng cứu hộ sau đó đã vào cuộc. Đến ngày 2/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

    Vào sáng ngày 3/1, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều- Phó Tư lệnh Quân khu 9 thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đến hiện trường. Ông này cũng nói địa chất, địa hình nơi xảy ra vụ tai nạn có cấu trúc phức tạp. Sau khi được tin về vụ việc, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp đến hỗ trợ, cũng như chỉ đạo đặc công Quân khu 9 cùng tham gia công tác cứu nạn nhân.

    Ông Nguyễn Minh Triều còn cho biết thêm Ban Thường Vụ Bộ Tư lệnh, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ một căn nhà cho gia đình nạn nhân. Lý do vì thấy gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, ít đất, công việc không ổn định.

    Nhiều vụ vi phạm đăng kiểm xe: do Việt Nam quản trị tồi? 

    10/01/2023 

    VOA Tiếng Việt 

    Các đăng kiểm viên tạ một trung tâm đăng kiểm tỉnh Bắc Ninh đang nghe công an đọc lênh bắt tạm giam

    Các đăng kiểm viên tạ một trung tâm đăng kiểm tỉnh Bắc Ninh đang nghe công an đọc lênh bắt tạm giam  

    Hệ thống đăng kiểm xe Việt Nam làm ăn gian dối khắp nơi là do kết quả của sự lơi lỏng trong quản lý Nhà nước và nhiều khả năng có sự hối lộ, móc ngoặc giữa tư nhân và các quan chức nhà nước, một nhà quan sát từ Hà Nội nhận định.
    Trong vòng chưa đến một tháng qua, hàng chục lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm xe ô tô trên khắp cả nước đã bị khởi tố bắt tạm giam về các tội đưa, nhận và môi giới hối lộ, giả mạo công tác, báo chí trong nước đưa tin.
    Các lãnh đạo này bị cáo bị cáo buộc đã nhận tiền bôi trơn của các khách hàng đem xe đến đăng kiểm để nhắm mắt cho qua lỗi kỹ thuật, lỗi an toàn và lỗi môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng, tờ Thanh niên dẫn nguồn từ cơ quan điều tra của Bộ Công an cho biết.
    Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, công an đã khởi tố 43 bị can. Theo thống kê của công an thành phố được tờ Thanh niên dẫn lại thì đã có hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định sau khi đã chung chi với hơn 52.000 giấy chứng nhận đã kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp ra.
    Cá biệt, có giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở huyện Nhà Bè bị phát hiện là ‘không biết đọc, không biết viết’ và chỉ mới học xong lớp Ba. Người giám đốc này đã bị khởi tố về tội ‘nhận hối lộ’.
    Giải thích về vấn đề này, Phòng đăng kiểm xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng trung tâm đăng kiểm ở Nhà Bè là ‘của tư nhân’ và việc đưa ai lên làm giám đốc là ‘quyền của tư nhân’.
    Việt Nam từ lâu đã thực hiện ‘xã hội hóa’ việc đăng kiểm, tức là giao công việc này cho các đơn vị tư nhân thực hiện còn chính quyền chỉ làm công tác quản lý. Trong số 280 trung tâm đăng kiểm xe trên cả nước thì có đến 196 đơn vị nằm trong tay của tư nhân, 84 trung tâm còn lại trực thuộc các sở Giao thông-Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo trang mạng VnExpress.
    Nhà nước-tư nhân móc ngoặc?
    Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến và là nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, nhận định rằng do khu vực tư nhân ‘chạy theo lợi nhuận’ nên ‘việc họ làm bậy là điều rất dễ hiểu’.
    “Đăng kiểm phương tiện thực sự là việc mà Nhà nước phải làm,” ông A nói. “Do Nhà nước không đủ nguồn lực nên mới phải xã hội hóa.”
    “Nguy cơ là có sự móc ngoặc giữa quan chức Nhà nước với khu vực tư nhân để làm bậy,” ông nói thêm.
    Theo giải thích của nhà bất đồng chính kiến này một khi các đơn vị tư nhân chạy theo lợi nhuận và bên chính quyền buông lơi quản lý thì ‘sẽ có sự móc ngoặc giữa hai bên’. “Bên tư nhân sẽ chủ động đưa hối lộ, các quan chức Nhà nước sẽ nhận (để tư nhân tùy ý muốn làm sao thì làm),” ông cho biết.
    Tuy nhiên, cho dù hệ thống đăng kiểm có nằm trong tay Nhà nước hoàn toàn đi nữa thì vẫn sẽ xảy ra những bê bối như trên, ông A phân tích, vì theo ông ‘đó là lỗi hệ thống’.
    Do đó, ông cho rằng mặc dù giao cho tư nhân thực hiện đăng kiểm nhưng nhà nước không thể buông xuôi trách nhiệm quản lý.
    “Bây giờ cái này giao cho cơ quan đăng kiểm thì họ hoàn toàn chịu trách nhiệm thì như thế cơ quan quản lý Nhà nước đã không làm hết sức mình trong việc giám sát các cơ quan đăng kiểm tư nhân có làm đúng hay không,” ông A nói.
    Đơn cử trường hợp vị giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, ông cho rằng đó là do cơ quan đăng kiểm không thực hiện đúng quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự. “Có tiêu chuẩn, có tổ chức sát hạch thế này thế kia hết, nếu làm đúng thì người không biết chữ chắc chắn phải trượt,” ông lập luận.
    Vai trò xã hội dân sự
    Theo ông A thì những sai phạm trong công việc đăng kiểm xe cơ giới ‘sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội’. “Tai nạn giao thông sẽ nhiều hơn, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân. Xe không đủ tiêu chuẩn sẽ phát ra khí thải nhiều hơn, gây ô nhiễm môi trường,” ông phân tích.
    Vụ việc này đặt ra bài học về quản trị tốt, ông A nói và chỉ ra bài học của Singapore, quốc gia cũng theo mô hình nhà nước độc tài nhưng quản trị tốt.
    “Quản trị tốt cần luật pháp nghiêm minh, cần con người được đào tạo, cần có sự minh bạch, cần có sự giám sát của xã hội dân sự,” ông nói.
    Nhà bất đồng chính kiến này nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong việc giám sát các cơ quan nhà nước, chống tham nhũng thay cho người dân với tư cách là các đơn vị chuyên nghiệp, có chuyên môn và hoạt động có tổ chức.
    “Tuy nhiên, những hoạt động dân sự như thế lại không được khuyến khích ở Việt Nam,” ông A nói.

    Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam cuối năm ngoái đưa tin rằng Cơ quan này mới có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố và đơn vị kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc, trong đó yêu cầu “tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới theo thẩm quyền”.
    Tin cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng yêu cầu Phòng Kiểm định xe cơ giới 'xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, quy trình kiểm định, tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng tại các đơn vị kiểm định'.

    https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-vu-vi-pham-dang-kiem-xe-do-viet-nam-quan-tri-toi-/6910901.html

    Đêm lạnh 3 năm trước 

    Nguyễn Thông

    10/01/2023

    Nếu tính theo tây lịch, thì hôm qua 9.1 là ngày giỗ cụ Kình, cụ Lê Đình Kình trong vụ kinh thiên động địa Đồng Tâm, tròn 3 năm. Tất nhiên theo lịch ta, "đệ tam chu niên kỵ nhật" của cụ thì đã hôm rằm tháng chạp, cách nay 4 hôm.
    Nhớ "cái đêm hôm ấy đêm gì" 3 năm trước. Tôi và anh ruột, một thương binh, đận ấy đang ở quê ngoài Phòng, bởi trước đó vài ngày về chịu tang bà chị cả. Xong việc trọng, hai anh em về ngủ vài đêm trong ngôi nhà thày bu để lại, nơi mấy chị em đã trải qua tuổi thơ ấu và thanh niên vất vả. Đêm rằm, lạnh, dù đắp lên người cả đống chăn mền, cả hai không ngủ được, rì rầm trò chuyện suốt.

     
    Sáng dậy, mở báo mậu dịch và phi mậu dịch, biết tin xảy ra vụ làng Hoành, Đồng Tâm, tin cụ Kình bị giết hại. Trước đó đã biết ít nhiều về tranh chấp đất đai ở đây. Giờ thì đã thành máu đổ, chết người, man rợ. Anh tôi vừa buồn vừa giận, lầm bầm, ác, chúng nó ác quá, ác không thể tả. Chúng ác tới mức đánh đêm, quyết giết người ta khi chỉ còn 2 tuần nữa là Tết, sang năm mới, mừng đảng mừng xuân. Không còn gì là thiêng liêng, đạo lý, tình người. Chúng sẵn sàng xóa sạch niềm vui đón Tết, đón xuân, đón năm mới của biết bao con người.
    Anh tôi cứ ngồi thừ người ở bậc thềm, mặc cho gió lạnh quất vào mặt, chẳng thể che giấu nỗi buồn vô hạn. Người lính từng phải vào sinh ra tử khi ấy trông thật yếu đuối, mong manh.
    Tôi an ủi anh, đánh đêm rằm tháng chạp chưa là gì, ngay đêm giao thừa, sáng mùng 1 tết họ vẫn nện thì làng Hoành chỉ là chấm nhỏ thôi.
    Nguyễn Thông

    https://thongcao55.blogspot.com/2023/01

    Nguyễn Nam - Vay nợ nước ngoài để mở rộng lọc dầu Dung Quất

    VNTB – Vay nợ nước ngoài để mở rộng lọc dầu Dung Quất

    Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được sự quan tâm của một số ngân hàng thương mại nước ngoài về kế hoạch thu xếp vốn cho dự án

    Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ việc mở rộng, nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

    Trong chuyến công tác đầu năm 2023 tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) Quảng Ngãi.

    Ở lần “tới thăm, làm việc” đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhắc lại đề xuất dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất đề án xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Dung Quất.

    Thủ tướng đã ủng hộ đề xuất trên với việc cho rằng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 29-12-2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, trong đó có đề án mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia Dung Quất.

    PVN và BSR cho biết dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được sự quan tâm của một số ngân hàng thương mại nước ngoài về kế hoạch thu xếp vốn cho dự án; cụ thể gồm các tổ chức tín dụng xuất khẩu như SACE (Ý), KSURE, KEXIM (Hàn Quốc), JBIC (Nhật), Hermes (Đức); các ngân hàng J.P.Morgan (Mỹ), Societe Generale (SG) – Pháp, Landesbank Baden-Wuerttemberg (LBBW) – Đức,…

    Ý kiến về đề xuất trên, phía Bộ Công thương cho rằng BSR cần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới thu xếp vốn, nguyên liệu dầu thô, công nghệ dự án… Ví dụ như tổng vốn đầu tư điều chỉnh của dự án giảm 540 triệu USD so với phương án được phê duyệt năm 2014, về gần 1,26 tỷ USD. Trong đó, BSR góp 40%, tức khoảng hơn 500 triệu USD, tương ứng hơn 12.000 tỷ đồng, bằng vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay.

    Theo phương án cổ phần hoá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, toàn bộ vốn chủ sở hữu dự án sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại hằng năm của BSR giai đoạn 2018 – 2023. Nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp 2018 – 2020 không mấy khả quan, lần lượt đạt gần 251 tỷ đồng; 2.914 tỷ và âm 2.819 tỷ đồng.

    Luỹ kế lợi nhuận 3 năm từ khi chuyển sang công ty cổ phần là hơn 345 tỷ đồng, tương đương 15 triệu USD, chỉ đáp ứng được 2,7% nhu cầu vốn chủ sở hữu của dự án. Việc này có thể khiến thu xếp vốn cho dự án không đảm bảo, Bộ Công thương lo ngại.

    Nguồn nguyên liệu dầu thô của dự án này cũng được Bộ Công thương lưu ý. Theo đó, nguyên liệu dầu thô dự kiến là hỗn hợp dầu Azeri BTC/ESPO với tỷ lệ 53/47 hoặc tương đương. Đây là hỗn hợp dầu đặc trưng cho các họ dầu thô có trữ lượng, sản lượng khai thác lớn; sẵn có trên thị trường và phương án dầu thô lựa chọn có tính linh hoạt cao.

    Loại dầu này có nguồn gốc từ các nước cũng như các chủ mỏ/chủ giao dịch có quan hệ chiến lược với Việt Nam, tuyến đường vận chuyển thuận lợi. Giá thấp hơn dầu thô Bạch Hổ hiện chế biến tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, nên có thể đem lại lợi nhuận chế biến cao hơn.

    Bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine hiện nay làm thay đổi bức tranh cung cầu, giá thị trường năng lượng khu vực châu Âu, thế giới… Bộ Công thương nhấn mạnh BSR cần đánh giá đầy đủ, thận trọng khả năng nhập loại dầu thô khai thác từ Nga, và các rủi ro liên quan, về giá, phương thức vận chuyển về Việt Nam, phương án giao dịch, thanh toán và các vấn đề phát sinh nếu mua dầu từ Nga…

    BSR – chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Lọc dầu Dung Quất đã đề nghị Thủ tướng chính phủ đồng ý để BSR được áp dụng các giải pháp đặc cách, cơ chế ưu đãi, như cho phép họ đàm phán, ký mở rộng hợp đồng với các nhà bản quyền công nghệ đang có hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ với công ty BSR. Chủ đầu tư cũng kiến nghị cho phép họ được thực hiện các giải pháp triển khai nhanh, song song hoặc rút gọn các bước công việc để đạt yêu cầu tiến độ dự án.

    Để đạt hiệu quả kinh tế khi nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR kiến nghị Thủ tướng cho hưởng cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% sau 30 năm hoàn thành dự án; 4 năm đầu miễn thuế từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; xem xét, giãn lộ trình miễn thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% thêm 4 năm, tức tới 2028, để giúp Lọc dầu Dung Quất kinh doanh bình đẳng với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

    Ngoài ra, BSR cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho ngân hàng thương mại tăng hạn mức tín dụng vượt giới hạn để cho vay và cấp bảo lãnh vay vốn với dự án. BSR được giải ngân tiền vay, bảo lãnh vay bằng ngoại tệ để thanh toán cho dự án; được giải ngân gần 2.740 tỷ đồng tại OceanBank…

    https://vietnamthoibao.org

    Việt Nam tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19 dịp Tết 

    09/01/2023

    VOA Tiếng Việt 

    Cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, ngày 20/2/2020.

    Cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, ngày 20/2/2020. 

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa ra lệnh tăng cường phòng chống và kiểm soát COVID-19 dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin hôm 9/1, một ngày sau khi Trung Quốc và Việt Nam chính thức mở cửa các hoạt động cửa khẩu biên giới.

    Trong một công điện gửi đi hôm 8/1, ông Chính cho biết mặc dù đại dịch về cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp với các biến thể mới xuất hiện, trong đó có biến thể XBB.

    “Diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định; các biến thể, biến thể phụ của vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron đã xuất hiện ở 70 quốc gia và gần đây biến thể phụ XBB.1.5 đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới,” Công điện của Thủ tướng Chính nêu rõ.

    Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan chủ động ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.

    Bộ cũng cần phối hợp với các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi cần thiết.

    Bộ cũng phải phối hợp với các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng cũng như ngăn chặn, hạn chế thấp nhất số ca nhập viện và tử vong đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin COVID-19.

    Ngoài ra, ông Chính cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho du khách và người dân địa phương, đồng thời giám sát chặt chẽ việc tổ chức các sự kiện, lễ hội trong và sau Tết Nguyên đán.

    Thủ tướng Chính yêu cầu tăng cường chỉ đạo và kiểm tra dịch bệnh tại các cửa khẩu, đặc biệt với các trường hợp nhập cảnh về từ các khu vực bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát phát hiện sớm các biến thể của virus SARS-CoV-2.

    Hôm 8/1, các cửa khẩu của Việt Nam giáp với Trung Quốc đã chính thức mở lại, sau ba năm tạm ngừng do dịch COVID-19. Truyền thông hai nước cho hàng ngàn người xếp hàng đi qua các cửa khẩu với phía Trung Quốc yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 48 tiếng mới được nhập cảnh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa tiếp nhận công dân Việt Nam và nước thứ ba vào nước này, theo trang VNExpress.

    Truyền thông Việt Nam dẫn số liệu của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, trong ngày 8/1 làm thủ tục xuất cảnh từ Việt Nam sang Trung Quốc cho 2.606 người; làm thủ tục nhập cảnh cho 46 người từ Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam.

    Trong khi Hoa Kỳ, các quốc gia EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc vẫn còn thận trọng đối với người đến từ Trung Quốc và yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính COVID-19 mới được nhập cảnh, Việt Nam không đưa ra yêu cầu này.

    Tính đến sáng ngày 9/1, cả nước ghi nhận tổng cộng 11.525.763 ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 92% đã hồi phục và 43.186 ca tử vong, theo Bộ Y tế nước này.

    Bộ cho biết hơn 265,5 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng, trong đó có hơn 223,2 triệu liều cho những người từ 18 tuổi trở lên. Đến nay, Việt Nam ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 với các biến thể phụ Omicron BA.4, BA.5, BA.2.12.1, BA.2.74 và XBB.


    Không có nhận xét nào