Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ sáu 03 tháng 02 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Mỹ phát hiện khinh khí cầu Trung Quốc gần các cơ sở quân sự

    Thanh Hà /RFI

    03/02/2023

    Ảnh lấy từ các mạng xã hội: Một khinh khí cầu trên bầu trời Billings, bang Montana, Hoa Kỳ, ngày 01/02/2023. Chase Doak via REUTERS - Chase Doak 

    Trung Quốc phải chăng đã tung khinh khí cầu để dọ thám Mỹ và Canada ? Lầu Năm Góc ngày 02/02/2023 tiết lộ đã phát hiện một quả khinh khí cầu của Trung Quốc gần các cơ sở nhạy cảm của quân đội Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã tham khảo quân đội về khả năng bắn hạ « vật thể » lạ, nhưng đã dừng lại do nguy cơ các mảnh vỡ có thể rơi xuống những khu dân cư. Canada cũng cho mở điều tra về « khả năng xảy ra một sự cố tương tự ». 

    Bắc Kinh kêu gọi các bên « kềm chế » và khẳng định đang « nghiên cứu » các thông tin trên, đồng thời khẳng định Trung Quốc luôn « tôn trọng luật pháp quốc tế », « không xâm phạm lãnh thổ và không phận của một quốc gia có chủ quyền ».

    Hãng tin Mỹ AP trích lời một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng cho biết khinh khí cầu đã được phát hiện tại bang Montana « từ một vài ngày qua », gần căn cứ không quân Malmstrom. Đây là nơi đặt ba dàn phóng tên lửa xuyên lục địa của Hoa Kỳ.

    Một quan chức trong quân đội Mỹ, Patrick Ryder, đặc trách về báo chí, nhấn mạnh hiện tại quả khinh khí cầu nói trên « không phải là một mối đe dọa về mặt quân sự hay đối với các cư dân Mỹ trong khu vực ». Ông nói thêm cách nay vài năm một hiện tượng tương tự từng xảy ra.

    Chính quyền Biden cho biết làm mọi cách để bảo đảm công cụ dọ thám nói trên không thu thập được những thông tin nhạy cảm. Các hoạt động tại phi trường quốc tế bang Montana Billings Logan đã bị gián đoạn trong hai giờ đồng hồ, từ 1 giờ 30 đến 3 giờ 30 ngày Thứ Tư 01/02/2023. Theo AP, đó là khoảng thời gian trong khi chờ đợi Nhà Trắng tính đến giải pháp « quân sự ». Nhưng kịch bản đó rốt cuộc đã không xảy ra như giải thích của thông tín viên RFI từ New York, Carrie Nooten:

    Một quả khinh khí cầu trắng từ nhiều ngày qua bay trên bầu trời Mỹ ở độ cao hơn các tuyến không lưu của những chuyến bay thương mại. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ của Hoa Kỳ đã theo dõi hoạt động của vật thể bay này. Quả khinh khí cầu được phát hiện trên bầu trời bang Montana, gần các căn cứ quân sự và cơ sở chiến lược được sử dụng để phóng tên lửa. Mỹ cũng đã huy động cả chiến đấu cơ để theo dõi khinh khí cầu này. Washington quả quyết đây là một hoạt động dọ thám do Bắc Kinh tiến hành, và đây cũng không phải là lần đầu tiên một một vật thể bay của Trung Quốc lai vãng trên bầu trời Mỹ. 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tham khảo ý kiến bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin  về khả năng bắn hạ quả khinh khí cầu nói trên. Nhưng có nguy cơ là các mảnh vỡ rơi xuống những khu dân cư. Cân nhắc hậu quả đó với những thông tin mà Washington cho là không quan trọng lắm mà quả khinh khí cầu này có thể đã thu thập được, rốt cuộc chính quyền đã dừng tay. Tuy nhiên Hoa Kỳ đã nêu bật mức độ nghiêm trọng của vụ việc với phía Trung Quốc. Sự cố này chắc chắn sẽ là một chủ đề mà ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken sẽ đề cập đến trong chuyến công du tại Bắc Kinh vào ngày Chủ Nhật và Thứ Hai tới.

    Hoa Kỳ đồng ý cấp bom tầm xa cho Ukraina

    Minh Anh /RFI

    03/02/2023

    Ảnh do Bộ Tư lệnh Giao thông Hoa Kỳ cung cấp: Các xe quân sự Bradley tại North Charleston, bang South Carolina, Hoa Kỳ, ngày 25/01/2023. AP - Oz Suguitan 

    Sau nhiều tháng do dự, Hoa Kỳ đã đồng ý cấp bom tầm xa (longer-range bombs) cho Ukraina nhằm giúp nước này chiếm lại những vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng trong những tấn công đầu tiên năm 2022. Thông báo chính thức được công bố trong ngày hôm nay, 03/02/2023.  

    AP dẫn lời các quan chức Mỹ xin ẩn danh, hôm qua, cho biết, một phần trong gói viện trợ quân sự 2,17 tỷ đô la mà Mỹ cung cấp cho Ukraina, sẽ là bom tầm xa: đó là loại bom có đường kính nhỏ được phóng đi từ mặt đất và có thể ba xa khoảng 150 km, còn được biết đến dưới tên gọi là GLSDB.  

    Gói hỗ trợ này còn bao gồm các thiết bị để kết nối tất cả các hệ thống phòng không khác nhau do phương Tây cung cấp và có thể tích hợp với hệ thống phòng không của chính Ukraina, giúp nước này phòng thủ tốt hơn trước các đợt tấn công bằng tên lửa của Nga. 

    Bom tầm xa là hệ thống vũ khí tiên tiến nhất, sau xe tăng Abrams và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, mà Hoa Kỳ cuối cùng đã chấp nhận cung cấp cho Ukraina, sau nhiều lần từ chối vì e ngại Kiev sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, dẫn đến leo thang xung đột. 

    Trước mối lo này từ Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksii Reznikov, hôm qua lên tiếng bảo đảm là sẽ không sử dụng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga, đồng thời nói thêm rằng Kiev vẫn cần đến các loại tên lửa có tầm bắn đến 300 km để đánh đuổi quân Nga xâm lược. 

    Cho đến nay, tên lửa tầm xa nhất do Mỹ cung cấp chỉ có tầm bắn 80 km. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng không nêu rõ sẽ mất bao lâu để đưa loại bom này đến chiến trường Ukraina. 

    Về phần mình, Hội Đồng Châu Âu, hôm qua, cũng loan báo gói tài trợ quân sự thứ 7 cho Ukraina trị giá khoảng 500 triệu euro, cũng như 45 triệu euro để hỗ trợ các chương trình đào tạo binh sĩ Ukraina. 


    Canada chuẩn bị tiếp nhận 10.000 người tị nạn Ngô Duy Nhĩ từ Trung Quốc

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/02/anh-chup-man-hinh-2023-02-02-luc-61117-ch-700x366.jpg

    Quốc hội Canada (Ảnh: Báo chí Canada). 

    Ngày 02/02, Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Quốc hội Canada nhất trí quyết định tiếp nhận 10.000 người Duy Ngô Nhĩ tị nạn chạy trốn khỏi Trung Quốc vào nước này.

    Năm 2021, Canada trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố việc Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác là hành vi diệt chủng.

    Các nhóm nhân quyền tin rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác đã bị cầm tù trong các trại tập trung trong khu vực. Bắc Kinh đã phủ nhận mọi hành vi lạm dụng này.

    Theo nghị sĩ Canada Samir Zuberi, người bảo trợ cho phong trào, ít nhất 1.600 người đã bị giam giữ ở các quốc gia khác theo lệnh của Trung Quốc hoặc bị cưỡng chế hồi hương.

    Ông Zuberi cho biết, “Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.”Ông Mehmet Tohti, giám đốc điều hành của Dự án Quyền của người Duy Ngô Nhĩ, chia sẻ, đây là một thông điệp mạnh mẽ sẽ gây được tiếng vang không chỉ ở Trung Quốc và Canada mà còn trên toàn thế giới.

    Tạ Linh 

    Bà Nikki Haley dự kiến chạy đua làm ứng viên Tổng thống 2024 của đảng Cộng hòa

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/105707046-1548790159960gettyimages-1048023666.jpeg

    Cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley dự kiến sẽ tuyên bố ứng cử cho đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024 vào ngày 15/2, đối đầu với “sếp” một thời của bà, cựu Tổng thống Donald Trump, hãng Reuters dẫn một nguồn tin thân cận của bà cho hay.

    Bà Haley dự kiến sẽ tiết lộ chi tiết về việc ứng cử vào Nhà Trắng tới những người ủng hộ bà vào cuối ngày thứ Tư, theo hãng tin địa phương The Post and Courier, nơi đầu tiên đưa tin về thông báo.

    Là con gái của hai người nhập cư Ấn Độ, bà Haley đã nổi tiếng trong Đảng Cộng hòa nhờ khả năng giải quyết các vấn đề về giới tính và chủng tộc một cách đáng tin cậy.

    Bà cũng thể hiện mình là người bảo vệ kiên quyết cho các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc dưới thời TT Trump từ năm 2017 đến 2018. Trong thời gian đó, Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ và rất không được lòng các đảng viên Cộng hòa.

    Bà Haley đã nhận được sự chú ý của cả nước vào năm 2015 khi, với tư cách là thống đốc, bà đã ký một dự luật thành luật loại bỏ cờ chiến đấu của Liên minh miền Nam khỏi khuôn viên của thủ phủ bang Nam Carolina, sau vụ sát hại chín người da đen đi nhà thờ bởi người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng Dylann Roof.

    Nếu giành được đề cử, bà Haley sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, đồng thời là ứng cử viên không phải người da trắng đầu tiên của đảng.

    Theo Reuters, một trong số những thách thức lớn của bà Haley là phải tìm ra một thông điệp nhất quán.

    Bà đã nhiều lần giữ khoảng cách với ông Trump, nhưng sau đó dịu giọng hơn với cựu Tổng thống, nói rằng ông có một vai trò quan trọng trong Đảng Cộng hòa.

    Trong khi bà chỉ trích đảng Cộng hòa vì nghi ngờ một cách vô căn cứ về kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, bà vẫn vận động tranh cử thay mặt cho nhiều ứng cử viên ủng hộ tuyên bố gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

    Theo Reuters, lợi thế của bà Haley có thể là vấn đề địa lý: Nam Carolina trong lịch sử là bang thứ ba tổ chức cuộc tranh cử do Đảng Cộng hòa đề cử và bang này thường đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đua. Bà Haley, người điều hành bang từ năm 2011 đến 2017, được yêu thích ở đó, các cuộc thăm dò cho thấy.

    Hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia hiện đều cho thấy mức ủng hộ bà chỉ ở 1 con số, thấp hơn nhiều so với ông Trump.

    Lê Vy

    Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự

    Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự

    Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (phải) duyệt đội danh dự tại trong lễ vinh danh tại Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, ở doanh trại Camp Aguinaldo, thành phố Quezon, Manila, hôm 2/2/2023. (Ảnh: Rolex Delapena-Pool/Getty Images) 

    Hôm thứ Năm (2/2), Hoa Kỳ và Philippines đã công bố kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây được coi là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự gây hấn ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Biển Đông và Đài Loan.

    Một tuyên bố chung đăng trên trang web của cả hai nước cho biết, Philippines sẽ cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự khác ở các khu vực chiến lược của nước này, theo một thỏa thuận có từ năm 2014 có tên gọi là Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA) giữa Philippines và Mỹ.

    Thỏa thuận này được đưa ra vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã sẵn sàng có mặt tại bàn đàm phán ở Manila trong bối cảnh Washington đang nỗ lực tăng cường an ninh tại Philippines nhằm ngăn chặn mọi động thái của Trung Quốc đối với Đài Loan.

    Tuyên bố chung không nêu rõ vị trí cụ thể của 4 căn cứ mới mà quân đội Mỹ được phép sử dụng theo thỏa thuận EDCA. Tuy nhiên, hồi tháng 10/2022, một cựu chỉ huy quân đội Philippines, Trung tướng Bartolome Bacarro, cho biết, Mỹ đã đề nghị nước này cấp quyền tiếp cận 5 căn cứ ở đảo miền bắc Luzon – gần với Đài Loan nhất – và trên đảo Palawan ở miền nam, đối diện với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông.

    “EDCA là một trụ cột then chốt của liên minh Mỹ – Philippines. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ huấn luyện kết hợp, tập trận và khả năng tương tác giữa các lực lượng của chúng tôi”, theo tuyên bố chung. “Việc mở rộng EDCA sẽ giúp cho liên minh hai nước trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn, đồng thời cũng đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các năng lực quân sự kết hợp giữa các bên”.

    “Việc bổ sung các căn cứ quân sự mới theo thỏa thuận EDCA sẽ cho phép [Mỹ] hỗ trợ nhanh hơn trước các thảm họa nhân đạo và thảm họa khí hậu ở Philippines, đồng thời ứng phó với những thách thức chung khác”.

    Mỹ đã phân bổ 82 triệu USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại 5 căn cứ trước đây (và thêm 4 căn cứ quân sự mới) theo EDCA, khoản tiền này sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho những cộng đồng địa phương. Tại 5 căn cứ quân sự này của Philippines, các lực lượng Hoa Kỳ có thể luân chuyển vô thời hạn theo EDCA.

    Thỏa thuận EDCA tạo điều kiện cho quân đội Hoa Kỳ tiếp cận các căn cứ quân sự ở Philippines, từ đó hỗ trợ huấn luyện, diễn tập và phối hợp kết hợp giữa lực lượng của hai quốc gia.

    “Việc mở rộng thỏa thuận EDCA sẽ giúp cho liên minh hai nước trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các năng lực quân sự kết hợp của chúng ta”, hai quốc gia cho biết.

    Ông Austin nói với người đồng cấp Philipines Carlito Galvez rằng, “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ quý vị bằng mọi cách có thể”.

    Cũng trong hôm 2/2, ông Austin đã gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại dinh tổng thống, trước khi gặp ông Galvez. Ông Marcos nói với ông Austin rằng liên minh của Philippines với Hoa Kỳ là điều tất yếu.

    “Đối với tôi, tương lai của Philippines cũng như toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn phải có sự hiện diện của Mỹ”, Tổng thống Marcos chia sẻ thẳng thắn với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

    Hôm thứ Ba (31/1), ông Austin bay từ Hàn Quốc tới Philippines. Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Hoa Kỳ sẽ tăng cường triển khai các vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới Bán đảo Triều Tiên để hỗ trợ huấn luyện chung với các lực lượng Hàn Quốc. Động thái này nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên.

    Trước đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đến thăm Philippines trong ba ngày vào tháng 11/2022 và dừng chân ở Palawan. Tại đây, bà Harris cho biết Washington sẽ sát cánh cùng Philippines trước sự đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông.

    Theo The Epoch Times

    Huyền Anh biên dịch

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận đóng cửa trạm cảnh sát của ĐCSTQ ở New York

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/p2946061a834993134.jpg

    Khu phố Tàu New York. (Ảnh miễn phí Bryan Ledgard / CC BY 2.0) 

    Ngày 30/1, kênh truyền thông Hoa Kỳ “National Review” đưa tin, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận với giới truyền thông rằng một trạm cảnh sát hải ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Manhattan, New York đã bị đóng cửa.

    Hiện không rõ chính xác khi nào hoặc trong hoàn cảnh nào trạm cảnh sát này bị đóng cửa. “FBI đã xác nhận rằng ‘trạm cảnh sát hải ngoại’ ở New York liên kết với Phúc Châu đã bị đóng cửa,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao viết trong một tuyên bố gửi qua email, trả lời câu hỏi của National Review.

    Năm 2022, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha báo cáo rằng ĐCSTQ đã thiết lập hàng trăm “Trạm dịch vụ hải ngoại về cảnh sát và các vấn đề Hoa kiều” tại 21 quốc gia, đa phần ở châu Âu, nhằm quấy rối, giám sát công dân Trung Quốc và những người bất đồng chính kiến.

    Báo cáo của Safeguard Defenders chỉ ra rằng các trạm cảnh sát này hầu hết được thiết lập trong các nhóm Hoa kiều thân cộng nơi người Hoa tụ tập, và một số được thiết lập trong các nhà hàng Trung Quốc.

    Trong những tháng gần đây, việc giám sát các trạm cảnh sát ở nước ngoài của New York đã thu hút sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật liên bang và Quốc hội.

    Tại phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ Thượng viện vào tháng 11/2022, Giám đốc FBI Christopher Wray đã mô tả quyết định mở trạm cảnh sát ở nước ngoài của Trung Quốc là “thái quá”. Ông Wray cũng đề cập đến thực tế rằng “chúng tôi đang điều tra các vấn đề có thể liên quan đến Bộ Ngoại giao.”

    Đầu tháng này, New York Times đưa tin các nhân viên phản gián của FBI đã đột kích vào trạm cảnh sát Trung Quốc ở Khu Phố Tàu của Manhattan, và thu giữ các tài liệu trong khuôn khổ cuộc điều tra hình sự của các công tố viên liên bang tại Brooklyn.

    Ngày 19/1, một phóng viên của National Review đã đến thăm địa điểm của trạm cảnh sát này, và phát hiện ra rằng có 4 người trong văn phòng trong một tòa nhà của Hiệp hội Trường Lạc, một hiệp hội Hoa kiều thân cộng.

    Một người đàn ông tuyên bố không biết gì về cuộc đột kích của FBI hoặc trạm cảnh sát, trong khi một người khác nói rằng anh ta không nói được tiếng Anh.

    Cuối năm 2022, dân biểu Đảng Cộng hòa Jim Banks, Mike Waltz, Mike Gallagher và những người khác đã viết thư cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác, hỏi về phản ứng của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các trạm cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ.

    Trả lời câu hỏi của National Review về bức thư vào ngày 11/1, Bộ Ngoại giao tiết lộ rằng trạm cảnh sát Manhattan chưa bao giờ được mời, hoặc cấp thị thực cho bất kỳ ai, hiện đã bị đóng cửa.

    Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao không trả lời các câu hỏi về thời gian trạm cảnh sát Manhattan đóng cửa, nhưng cũng nói với National Review rằng “chúng tôi rất coi trọng vấn đề này”, và đang hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ, nhằm chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh.

    Dân biểu Banks chỉ trích chính quyền Biden. Ông nói rằng lẽ ra ngay từ đầu, các thành viên của ĐCSTQ có liên quan đến trạm cảnh sát đã không được phép vào Hoa Kỳ.

    Bà Laura Harth của Safeguard Defenders cảm ơn các nhà chức trách Hoa Kỳ, vì đã “tăng cường nỗ lực hiệu quả chống lại cánh tay dài của Trung Quốc vươn đến Hoa Kỳ và những nơi khác.”

    Bà cũng kêu gọi các nạn nhân bị đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc sử dụng đường dây nóng tố giác của FBI, tự giúp mình và các nạn nhân tiềm ẩn.

    Đầu tháng này, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đã đăng một quảng cáo bằng tiếng Trung trên Facebook, kêu gọi người Mỹ gốc Hoa báo cáo các vụ án hình sự về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ.

    FBI cho biết “đàn áp xuyên quốc gia” là một tội ác ám chỉ các hành động được thực hiện bởi các chính phủ nước ngoài, nhằm theo dõi, đe dọa hoặc tấn công công chúng Mỹ. Các nhà hoạt động, người bất đồng chính kiến, nhà báo, đối thủ chính trị và thành viên các nhóm thiểu số hoặc tôn giáo là những mục tiêu chính.

    Ông Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Chống Cộng sản mới thành lập của Hạ viện, nói rằng các trạm cảnh sát ở nước ngoài không chỉ liên quan đến cưỡng chế xuyên quốc gia, mà còn là vấn đề cơ bản về chủ quyền.

    Ông cho biết ủy ban sẽ hành động để vạch trần mối đe dọa và bảo vệ tốt hơn cư dân Hoa Kỳ khỏi sự đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc.

    Safeguard Defenders xác định rằng ĐCSTQ đã thành lập ít nhất 3 trạm cảnh sát ở nước ngoài tại Hoa Kỳ, 1 đồn ở New York, 1 đồn ở Los Angeles và vị trí của trạm cảnh sát thứ 3 chưa xác định.

    Safeguard Defenders phát hiện ra rằng chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng từ tháng 4/2021 – 7/2022, 230.000 công dân Trung Quốc liên quan đến “lừa đảo và lừa đảo viễn thông” đã được thuyết phục trở về Trung Quốc thành công. Những người này phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự ở Trung Quốc. Sự gia tăng của con số này được đồng bộ hóa với sự phát triển của “trạm cảnh sát hải ngoại 110”.

    Báo cáo Safeguard Defenders chỉ ra rằng hoạt động “trạm cảnh sát hải ngoại 110” của ĐCSTQ đã sử dụng các biện pháp bất thường, nhắm vào người Hoa ở nước ngoài hoặc các thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc. Cho dù đó là những người bất đồng chính kiến, quan chức tham nhũng hay nghi phạm không phải là mục tiêu chính.

    Các hành động của chính quyền ĐCSTQ “trốn tránh hợp tác tư pháp và chính sách song phương chính thức, vi phạm luật pháp quốc tế, và có thể vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước thứ 3 liên quan đến việc thiết lập các cơ chế kiểm soát song song, và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp.”

    Tiêu Nhiên / Vision Times

    Ukraina tuyên bố đánh chìm 5 tàu Nga chở đội trinh sát trong 24 giờ

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/02/anh-chup-man-hinh-2023-02-02-luc-51843-ch-700x366.jpg

    Các tàu chiến của Nga (ảnh: REUTERS/VITALY NEVAR). 

    Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine tuyên bố rằng, ít nhất 5 tàu hạng nhẹ của Nga chở các đội trinh sát và phá hoại đã bị quân đội Ukraine phá hủy trong hơn 24 giờ.

    Theo Jerusalem Post, các tàu bị đánh chìm tại các chuỗi đảo ở đồng bằng sông Dnepr, nơi nó đổ ra Biển Đen. Bộ Tổng tham mưu Các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết vụ việc xảy ra hôm 31/1.

    Tháng 11, các lực lượng Nga đã rút về bờ đông của sông Dnepr – con sông dài nhất Ukrainevà chảy qua một số thành phố lớn.

    Ukrinform đưa tin rằng Nga đã tăng cường hoạt động của các đội phá hoại và do thám trong khu vực. Trước đó, Ukraine cũng thông báo pháo binh nước này đã đánh chìm một tàu chiến Nga trong cùng khu vực vào ngày 10/1/ Mặc dù không rõ con tàu thuộc loại nào vào thời điểm bị chìm, nhưng một bức ảnh hồng ngoại kèm theo thông báo cho thấy tàu bị đánh chìm dường như là một chiếc tàu tuần tra. Trước khi chìm nó đã bốc cháy.

    Tuy nhiên, sau các báo cáo về vụ đánh chìm 5 tàu hạng nhẹ của Nga, Bộ Quốc phòng Ukraine đã không cập nhật số liệu thống kê các tàu Nga bị họ phá hủy, có lẽ vì những tàu này quá nhỏ hoặc chưa được xác nhận.

    Tổng cộng 18 tàu chiến và các tàu khác của Nga đã bị quân đội Ukraine phá hủy kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 23/2.

    Theo Hải quân Ukraine, hôm thứ Ba 31/1 có 12 tàu Nga ở Biển Đen án ngữ ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ba trong số các tàu Nga được trang bị tên lửa đất đối đất Kalibr mà Hạm đội Biển Đen thường sử dụng để bắn phá các vị trí của Ukraine.

    Ukraine hiện có lực lượng hải quân thông thường rất mỏng sau khi phần lớn lực lượng này đã bị phá hủy hoặc thu giữ sau khi Nga giành quyền kiểm soát Sevastopol vào năm 2014. Tuy nhiên, hải quân Ukraine đã thách thức các nỗ lực của Nga nhằm chiếm ưu thế hoàn toàn về hải quân ở Biển Đen bằng việc sử dụng tên lửa chống hạm và máy bay không người lái hải quân.

    Điều đó khiến Hạm đội Nga phải cảnh giác khi tiến gần đến bờ biển Ukraine, và trong những tháng gần đây phải giảm sự hiện diện của các tàu tên lửa.

    Tạ Linh 

    Ukraina đăng video khẳng định phá huỷ kho đạn, sở chỉ huy của Nga

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/02/anh-chup-man-hinh-2023-02-02-luc-113122-sa-700x366.jpg

    Ukraina đăng video khẳng định phá huỷ kho đạn, sở chỉ huy của Nga. 

    Một đoạn video mới được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, một kho đạn được cho là của Nga bị phá hủy trong một cuộc không kích của Ukraina. 

    Đoạn video được Bộ Quốc phòng Ukraina chia sẻ trên Twitter hôm thứ Tư. Ban đầu, video cho thấy toàn cảnh của một khu vực trước khi một vụ nổ dữ dội xảy ra, một cột khói khổng lồ bao trùm vị trí bị trúng đạn. Đoạn phim sau đó hiện thị cận cảnh cho người xem thấy rõ hơn khu vực bị nhắm mục tiêu, một nhóm nhỏ người có lẽ là binh lính Nga, đang đi quanh đống đổ nát trên mặt đất.

    Bài đăng của Bộ Quốc phòng Ukraina khẳng định lực lượng của họ đã phá hủy sở chỉ huy và kho đạn của quân chiếm đóng. Video đã nhận được 75.000 lượt xem, tính đến sáng thứ Năm. Ukraina không công bố thời gian và địa điểm của cuộc tấn công. Nga không lên tiếng, trong khi tuyên bố của Ukraina phá huỷ sở chỉ huy và kho đạn của Nga, cũng chưa được xác minh một cách độc lập.

    Tạ Linh 

    EU và Ukraine họp về đơn gia nhập khối

    Mong muốn gia nhập EU của Ukraine xuất phát từ cuộc xung đột của nước này với Nga – dù Nga xâm lược vào năm ngoái để ngăn Ukraine ngả sang phương Tây. Vào thứ Sáu tại Kyiv, các lãnh đạo EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Volodymyr Zelensky. Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu và Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, sẽ công bố gói hỗ trợ tài chính lớn của EU cho Ukraine và xác nhận rằng hồ sơ của nước này đang có tiến triển tốt. Nhưng họ sẽ không tỏ ra quá lạc quan về tốc độ đưa Ukraine vào khối.

    Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết trong tuần này rằng nước ông có thể trở thành thành viên sau hai năm nữa, dù các quan chức EU nói điều đó là phi thực tế. Đưa vào EU một quốc gia nghèo và rộng lớn là thách thức chính trị đáng kể. Và khối yêu cầu Ukraine phải trước hết tiến hành cải cách, bao gồm chống tham nhũng. Hôm 1 tháng 2, các cơ quan an ninh Ukraine đã khám xét nhà riêng của một nhà tài phiệt nổi tiếng — và nhận được lời tán dương từ bà von der Leyen vì xem xét vấn đề hối lộ một cách nghiêm túc.

    ASEAN họp hội nghị ngoại trưởng

    Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ tập trung về Jakarta vào thứ Sáu cho cuộc gặp hàng quý của họ. Giới quan sát trong khu vực sẽ muốn xem khối có thể được điều tiết như thế nào bởi Indonesia, quốc gia gần đây đã đảm nhận chức chủ tịch.

    Một đại diện từ Timor-Leste sẽ tham dự, với đơn xin gia nhập của họ đã được nộp từ 2011. Nhưng chính quyền quân sự của Myanmar, vốn lên nắm quyền từ cuộc đảo chính bạo lực hai năm trước, bị cấm tham dự. (Thay vào đó, một đại diện “phi chính trị” từ Myanmar đã được mời.)

    ASEAN hoạt động dựa trên đồng thuận. Nhưng sự đa dạng về mô hình chính trị, từ các quốc gia độc đảng Cộng sản, chẳng hạn như Việt Nam, đến các nền dân chủ sôi động, bao gồm Philippines, khiến các thành viên khó có tiếng nói chung. Khối đã cho thấy sự can đảm nhất định trong việc đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng kế hoạch hòa bình năm điểm yếu ớt của họ cho Myanmar dường như đã chết yểu khi bị các tướng lĩnh phớt lờ. Indonesia có tham vọng vực lại tiến độ này.

    Thế giới công nghệ đẩy mạnh đầu tư vào AI 

    Cho đến thứ Sáu, cả Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đều đã báo cáo thu nhập quý gần đây nhất. Ngoài Meta — với giá cổ phiếu tăng vọt nhờ công bố kết quả tốt hơn mong đợi — tình hình nhìn chung rất ảm đạm. Tăng trưởng doanh số tại các thị trường trọng điểm, chẳng hạn như điện toán đám mây, đang chậm lại do khách hàng cắt giảm chi tiêu. Trong tình hình đó, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang ngày càng đặt cược vào trí tuệ nhân tạo.

    Hôm thứ Tư, Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta, đã nói về việc tăng đầu tư cho AI trong thuật toán đề xuất và mạng quảng cáo của công ty. Về phần mình, Microsoft đã đầu tư tới 10 tỷ đô la vào OpenAI, công ty khởi nghiệp đằng sau ChatGPT, một công cụ nổi tiếng có thể cung cấp câu trả lời gần giống con người nếu được hỏi, theo Wall Street Journal. Gã khổng lồ phần mềm được cho là đang tìm cách tích hợp công nghệ của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing.

    Trong khi đó, Alphabet, công ty mẹ của Google, gần đây đã giới thiệu một mô hình tạo nhạc từ văn bản. Họ sẽ đáp lời Microsoft bằng chatbot hỗ trợ AI của riêng mình. Và AI không chỉ thịnh hành ở Thung lũng Silicon. Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc, được cho là sẽ ra mắt chatbot vào tháng 3.

    Joe Biden định hình lại nền kinh tế Mỹ

    Tổng thống Joe Biden có kế hoạch thay đổi nền kinh tế Mỹ. Và vô cùng táo bạo, ông đã quyết định rằng cách tổt nhất để đối phó với ba vấn đề quá khó giải quyết riêng lẻ là xử lý tất cả chúng cùng một lúc.

    Trong hai năm qua, Quốc hội đã thông qua ba dự luật chi tiêu — về cơ sở hạ tầng, chip bán dẫn và năng lượng xanh — trị giá tới 2 nghìn tỷ đô la. Ý tưởng là, bằng hành động của chính phủ, nước Mỹ sẽ có thể tự tái công nghiệp hóa, củng cố an ninh quốc gia và đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải carbon.

    Những mục tiêu đó đôi khi sẽ xung đột. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến các đồng minh an ninh tức giận nếu họ đánh mất các ngành công nghiệp quan trọng trong nước vào tay trợ cấp của Mỹ. Ngoài ra các khoản trợ cấp có thể tạo ra sự thiếu hiệu quả: nếu các sản phẩm xanh như tua-bin gió lên giá, thì quá trình chuyển đổi xanh cũng sẽ đắt đỏ hơn. Thay vào đó, tiền nên dành cho các công nghệ chưa khả thi về mặt thương mại, chẳng hạn như các loại lò phản ứng hạt nhân mới. Nhưng dù sao thì chương trình hành động 2 nghìn tỷ đô la của Mỹ vẫn có thể giúp cứu lấy hành tinh.

    Cựu quan chức Nga dự đoán cuộc tấn công vào Matxcơva ‘chắc chắn sẽ xảy ra’

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/02/anh-chup-man-hinh-2023-02-02-luc-112648-sa-700x366.jpg

    Matxcơva thành phố của Nga (ảnh: KUBAS JOURNEYS). 

    Trong một chương trình phát sóng gần đây trên truyền hình nhà nước Nga, ông Andrei Fedorov, cựu thứ trưởng ngoại giao Nga, đã dự đoán rằng một cuộc tấn công vào Matxcơva từ Ukraina, hoặc các đồng minh của họ là không thể tránh khỏi.

    Ông Andrei Fedorov còn là cựu cố vấn của cả thủ tướng và phó tổng thống Nga, ông đã đưa ra dự đoán trên trong một hội thảo, do nhà phân tích chính sách đối ngoại Maxim Yusin tổ chức trên kênh HTB của Nga.

    Chủ đề đang được thảo luận là các nước phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho quân đội Ukraina. Một tham luận viên đã hỏi ông Fedorov, liệu những vũ khí như vậy có cấu thành việc vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến leo thang xung đột hay không.

    Ông Fedorov trả lời rằng, việc cung cấp máy bay phản lực cho Ukraina không phải là một trong những ranh giới đỏ của Nga.

    Khi được hỏi liệu ông có biết lằn ranh đỏ của Điện Kremlin hay không, ông Fedorov đáp: ‘Tôi có biết’.”Đó là một cuộc tấn công vào các trung tâm chỉ huy ở Matxcơva”.

    Ong nhấn mạnh: “Cuộc tấn công chắc chắn sẽ xảy ra, đó sẽ là một lằn ranh đỏ”.

    Đây không phải là lần đầu tiên mà ông Fedorov dự đoán về một cuộc tấn công vào Matxcơva

    Sau khi Ukraina giành lại Lyman vào cuối tháng 9/2022, ông và các chuyên gia khác trong chương trình HTB, đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sức mạnh của Ukraina.

    Ông Fedorov nói rằng quân đội Ukraina có thể tiếp tục tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

    Khi được hỏi liệu Matxcơva có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công như vậy hay không, ông Fedorov trả lời: “Tất nhiên là có”.

    Liên Thành 


    Không có nhận xét nào